Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 24

Tổng truy cập: 1347923

Ăn thịt và uống máu Chúa

ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU CHÚA

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết: “Ai không ăn Thịt và uống Máu Con Người, thì sẽ không có sự sống đời đời.” Qua những lời này, Chúa Giêsu đang chuẩn bị một cách thức để qua đó Ngài có thể hiện diện một cách vô hình với nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể. Theo đó, nếu chúng ta không đón nhận Bánh Bởi Trời, nếu chúng ta không rước lấy Thánh Thể Chúa vào lòng thì chúng ta sẽ không có sự sống đời đời.

 
 

Hôm nay khi nhìn thấy cảnh anh chị em tụ họp đông đảo tại nhà thờ này tôi lại nhớ đến cảnh tượng dân chúng ngày xưa đã lũ lượt kéo đến với Chúa Giêsu trong nơi hoang địa. Chúa Giêsu hôm đó đã quả quyết với họ rằng: “Nếu các ngươi không ăn Thịt và uống Máu Con Người thì các ngươi sẽ không có sự sống đời đời.” (Ga 6, 35). Phản ứng của chúng ta như thế nào  nếu như hôm nay Chúa Giêsu có mặt ở đây để trực tiếp nói với chúng ta những lời đó giống như Ngài đã nói với dân chúng xưa trong hoang địa? Chúng ta sẽ trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa: “Cả anh em nữa, anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không?” (Ga 6, 67). Hoặc khi suy nghĩ về cuộc tụ họp của Joshua ngày xưa, chúng ta sẽ trả lời như thế nào trước câu hỏi của ông: “Hôm nay, các ngươi phải tùy ý lựa chọn phải tôn thờ ai hơn?” (Jos 21, 15).

Giống như Joshua ngày xưa đã triệu tập tất cả các chi tộc con cái Israel tại Sikhem, rồi gọi các bậc kì lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án và sĩ quan đến trước mặt Thiên Chúa, chúng ta hôm nay, là những người tín hữu, cũng tụ họp nơi đây trước thánh nhan Ngài. Nhưng lần này không phải Joshua hay bất cứ thủ lãnh trần gian nào quy tụ chúng ta mà là chính Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã hiệp nhất chúng ta nơi đây và nói: “Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho.” (Ga 6, 65). Thật vậy, nhờ ân sủng của Thiên Chúa Cha và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đến được với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. (Ga 14, 6).

Như vậy sứ điệp của Joshua trong bài đọc I hôm nay cho chúng ta biết rằng, con người chúng ta không thể tôn thờ hai chúa trong cùng một lúc. Điều đó khiến chúng ta liên tưởng đến lời quả quyết của Chúa Giêsu: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh rể chủ nọ. Anh không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6, 24).

Trong bài đọc I hôm nay, Joshua đã để cập đến các ngẫu tượng mà dân Chúa thời bấy giờ đang chạy theo một cách mù quáng. Đó là những vàng bạc vật chất như đã được nói đến trong Sách Sáng Thế: “Họ nộp cho ông Gia-cóp hết các thần ngoại bang họ đang giữ và các khuyên họ đang đeo ở tai, và ông Gia-cóp đã trôn những thứ ấy dưới gốc cây vân hương ở gần Sikhem.(St 35,4). Hôm nay, chúng ta có thể so sánh những ngẫu tượng này với rất nhiều những thứ mà con người thời nay đang mãi mê chạy theo như tiền bạc, danh vọng, thú vui xác thịt. Biết bao nhiêu linh hồn đang mù quáng theo đuổi những cái mau hư chóng hết đó ở đời này. Nhiều người đang đặt nặng mối quan hệ giữa họ với của cải lên trên mối quan hệ giữa họ với tha nhân và với Chúa. Vì tiền, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì ngay cả những việc thất đức và bất nhân.

Câu cuối cùng trong bài đọc I hôm nay nói với chúng ta rằng dân Chúa đã được chuẩn bị để phụng sự Thiên Chúa: “Vì Người là Chúa của họ.” (Jos 14, 18). Chính Ngài là Đức Chúa, Đấng đã đưa cha ông họ ra khỏi đất Ai Cập, ra khỏi cảnh nô lệ, và là Đấng đã làm biết bao điềm thiêng dấu lạ trước mắt họ. Người là Thiên Chúa, Đấng đã bảo vệ họ trên mọi nẻo đường họ đã đi và ở giữa những dân tộc mà họ đã đi qua. (Jos 14, 17-18). Đối với chúng ta, Người cũng chính là Thiên Chúa, Đấng đã đưa tổ tiên và mỗi người chúng ta ra khỏi vương quốc của bóng tối tội lỗi. Chính Người đã giải thoát chúng ta ra khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi nhờ Bí Tích Rửa Tội. (Rm 6,6). Người cũng đã thực hiện bao việc lạ lùng trước mắt chúng ta trong Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Và Người cũng là Đấng bảo vệ Giáo Hội của Ngài trải qua dòng lịch sử, do đó thế lực của hỏa ngục sẽ không thắng được” (Mt 16,18).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết: “Ai không ăn Thịt và uống Máu Con Người, thì sẽ không có sự sống đời đời.” Qua những lời này, Chúa Giêsu đang chuẩn bị một cách thức để qua đó Ngài có thể hiện diện một cách vô hình với nhân loại qua Bí Tích Thánh Thể. Theo đó, nếu chúng ta không đón nhận Bánh Bởi Trời, nếu chúng ta không rước lấy Thánh Thể Chúa vào lòng thì chúng ta sẽ không có sự sống đời đời. Rất có thể, khi nghe Chúa Giêsu nói những lời này, không ai hiểu về Bữa Tiệc Ly cũng như cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa. Nhiều người cảm thấy chói tai khi nghe Chúa nói như vậy (Ga, 6, 60), cho nên họ đã bỏ đi không còn theo Chúa nữa, trong số đó có cả một số môn đệ của Ngài.

Còn đối với những người có đức tin vào Chúa, những người được Thiên Chúa Cha kêu gọi và tuyển chọn, thì họ sẽ luôn đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu. Họ sẽ mở rộng con tim và cõi lòng để cho Lời và Thánh Thể Chúa ngự vào. Họ luôn bước đi theo Chúa cho dù gặp phải muôn vàn hiểm nguy. Họ là những người có niềm tin mãnh liệt đến mức có thể quả quyết như Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Chỉ mình Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa.” (Ga 6, 68).

Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu nói tiếp: “Chính Thần Trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì?” (Ga 6, 63). Những lời này làm ta liên tưởng đến lời của thánh Giacôbê: “Cũng thế, một thân xác không hơi thở chỉ là một xác chết.” (Gcb 2, 26). Cùng với những chân lý khác mà Chúa Giêsu đang giảng dạy, Ngài quả quyết rằng tất cả chúng ta đã trở nên tạo vật mới khi chúng ta lãnh nhậ Bí Tích Rửa Tội để qua đó chúng ta đón nhận được sự sống đời đời trong vương quốc của Chúa vì: “Không ai có thể vào Nước Trời nếu không được tái sinh bởi nước và Thần Khí.” (Ga 3,5). Khi hiểu biết được những chân lý cao cả này thì chúng ta phải làm gì? Hôm nay chúng ta phải lựa chọn Thiên Chúa hay lựa chon thế gian? Từ nay chúng ta phải phụng sự Thiên Chúa hay phụng sự thế gian? Chúng ta phải hết sức cẩn thận để lựa chọn đối tượng để chúng ta phụng thờ bởi vì chúng ta không có cơ hội thứ hai khi chúng ta phải đến trước tòa phán xét của Chúa. Một khi chúng ta đã lựa chọn đối tượng để phụng thờ, chúng ta phải thờ phụng đối tượng đó một cách nghiêm túc và dứt khoát vì chúng ta không thể cùng một lúc làm tôi hai chủ.

Một khi chúng ta đã dưt khoát lựa chọn đi theo Chúa, chúng ta phải sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay sẽ giúp chúng ta biết phải làm gì để phụng sự Thiên Chúa. “Chúng ta phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.” (Eph 4, 32). Trong những năm gần đây chúng ta thường nghe những người lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo tha thiết kêu gọi các nước giàu hãy xóa nợ cho các quốc gia nghèo khổ. Các ngài cũng luôn kêu gọi ân xá cho những tù nhân đang bị giam cầm và kêu gọi hủy bỏ án tử hình. Đây là những mẫu gương tuyệt vời phản chiếu tình yêu của Chúa Kitô. Bởi vì nếu chúng ta không thể chia sẻ của cải cho những người nghèo bằng cách xóa nợ cho họ thì làm sao chúng ta có thể tự xưng mình là Kitô hữu? Nếu chúng ta không thể biểu lộ tình thương đối với những tù nhân đang bị giam giữ bằng cách ân xá cho họ thì làm sao chúng ta có thể xứng đáng với danh hiệu là người tín hữu? Đức Kitô đã không dạy chúng ta phải tha thứ cho anh chị em, hoặc Ngài đã không bảo chúng ta phải đưa má bên kia cho kẻ tát chúng ta hay sao? (Mt 5, 39). Bởi vì đó là việc làm của tình yêu và là cái có thể biến đổi tâm hồn con người từ xấu trở nên tốt.

Do đó, chúng ta  hôm nay được mời gọi để trở nên những người thân thiết với Chúa, những con cái thân yêu của Chúa (Eph 5, 1). Như Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, chúng ta cũng được mời gọi để phục vụ anh em. Chúa Giêsu đã nói: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12, 26). Làm sao chúng ta có thể phục vụ Chúa Giêsu? Ngài đã trả lời thay chúng ta: “Vì khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn, khi Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống. Khi Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Khi Ta trần truồng, các ngươi đã cho áo mặc. Khi Ta ốm đau, các ngươi đã chăm sóc và khi Ta ngồi tù các ngươi đã viếng thăm.” (Mt 25, 35-36).

Tình yêu đó còn được thể hiện trong mối quan hệ vợ chồng. Vợ phải phục tùng chồng (Eph 5, 22) và chồng phải yêu thương vợ (Eph 5,25) như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến thân vì Hội Thánh. Cũng như Giáo Hội phải phục tùng Chúa Kitô thì người chồng cũng phải phục tùng Giáo Hội. Tất cả những chân lí này đã được mạc khải cho chúng ta trong Kinh Thánh dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Trong khi tất cả mọi người đều phải phục tùng những người lãnh đạo trong Hội Thánh, nhưng điều đó không có nghĩa là những người lãnh đạo được phép lạm dụng quyền lực của mình, cũng vậy người chồng cũng không được phép lạm dụng quyền lực đối với vợ mình. Trong tình yêu, tất cả chúng ta được trưởng thành trong sự thánh thiện và trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Chính tình yêu này sẽ liên kết chúng ta lại trong một Hội Thánh vô cùng xinh đẹp, không tỳ ố và cũng chẳng nhăn nheo. (Eph 5, 27). Hội Thánh đó chính là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô mà tất cả chúng ta đều là chi thể. (Eph 5,30). Ơn gọi đó đòi hỏi chúng ta phải phục tùng quyền bính trong Hội Thánh theo cùng một cách thức chúng ta quan tâm chăm sóc Thân Thể mầu nhiện của Chúa Kitô. Không ai lại ghét chính thân thể của mình, ngược lại chúng ta nuôi dưỡng và chăm sóc nó như Chúa Kitô chăm sóc Giáo Hội của Ngài. Đức Giáo Hoàng, trong tư cách là người cha thiêng liêng, sẽ chăm sóc chúng ta bằng lương thực tinh thần, quan tâm đến chúng ta như Chúa Kitô quan tâm Hội Thánh. Đức Giám mục phải chăm sóc và bảo vệ giáo phận của ngài, và các linh mục phải có bổn phận chăm lo cho đoàn chiên trong giáo xứ của mình. Cũng vậy, người chồng phải có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người vợ và cha mẹ phải yêu thương và quan tâm nuôi dạy con cái. Và mỗi người chúng ta cũng phải quan tâm phục vụ lẫn nhau trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương.

Lm.P.Nguyễn Duy Thường

home Mục lục Lưu trữ