Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 76

Tổng truy cập: 1357383

CHẾT ĐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

CHẾT ĐI ĐỂ ĐƯỢC SỐNG- Lm. Goan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

 

Thưa anh chị em,

Xét về mặt lịch sử theo mạch văn chương XII của Tin mừng thánh Gioan được đọc trong ngày lễ hôm nay, thì trước đó có một sự kiện khá chấn động, là việc Chúa Giêsu thương làm cho Lazarô đã chết sau 4 ngày được sống lại, đây là chuyện người ta chưa từng nghe thấy bao giờ.

Nhất là lúc đó lại gần đến lễ Vượt Qua, dân chúng từ mọi miền đất nước về Giêrusalem mừng lễ. Nhân cơ hội này dân chúng kéo đến xem Lazarô sống lại thế nào, đồng thời cũng xem ông Giêsu quyền phép thế nào mà có khả năng làm cho một chết được sống lại. Vì thế, chúng ta mới thấy có những người Hilạp đến hỏi Philípphê: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu ” (Ga. 12, 21).

Chính khi đông đảo dân chúng tìm đến xem Lazarô được hồi sinh và xin gặp Chúa Giêsu, thì giới lãnh đạo Do thái lúc bấy giờ lo sợ uy tín và quyền lực của họ bị suy giảm. Cho nên, họ ngồi lại với nhau và quyết định chẳng những thanh toán Chúa Giêsu mà ngay cả Lazarô nữa.

Chúa Giêsu biết trước mọi sự sẽ xảy ra nên Ngài nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó trơ trọi một mình thôi, nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh nhiều bông hạt ” (Ga. 12, 24).

Khi dùng hình ảnh hạt lúa mì rơi xuống đất chết đi rồi sinh nhiều bông hạt, Chúa Giêsu có ý nói về sứ mạng thiên sai của mình. Ngài là hạt lúa được Thiên Chúa Cha gieo vào lòng đất thế gian. Điều quan trọng là hạt lúa cần tiêu hủy đi để rồi mới sinh nhiều bông hạt khác. Đây là hình ảnh tiên trưng về cuộc khổ nạn, chết đau thương và phục sinh của Chúa Giêsu.

Như hạt giống vùi trong lòng đất nứt vỏ rồi nảy mầm, thân xác Chúa Giêsu sau khi chết đi cũng được mai táng trong mồ rồi sống lại.

Như hạt giống lớn lên và trổ sinh bông hạt, Chúa Giêsu phục sinh, chiến thắng tử thần và mang lại sự sống mới cho nhân loại.

Mục đích của Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống không phải là để chết thê thảm trên thập giá, nhưng khởi đi từ cái chết và phục sinh của Ngài, nhân loại được đón nhận sự sống mới.

Anh chị em thân mến,

Trên hành trình đức tin, người Kitô hữu luôn được mời gọi sống chân lý cứu độ của Thiên Chúa, qua việc chết đi bản thân mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại.

Sự chết đi bản thân không phải chết đi về mặt thể lý, nhưng là chết đi những thói hư tật xấu, những tham sân si, để sinh nhiều hoa trái nhân đức.

Như hạt giống Giêsu chôn vùi trong lòng đất, chúng ta cũng được mời gọi chôn vùi tội lỗi, chôn vùi những ích kỷ nhỏ nhen, chết đi cho những gì làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa.

Như hạt giống Giêsu phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha, chúng ta cũng được mời gọi hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa, để tùy Chúa định đoạt, gieo trồng, chăm bón theo thánh ý của Ngài.

Như hạt giống Giêsu chấp nhận mục nát đi để trổ sinh hoa trái, chúng ta cũng được mời gọi dâng hiến bản thân, để hết tình phụng sự Chúa và hết mình phục vụ Giáo hội.

Đọc lại lịch sử Giáo Hội hơn 2.000 năm qua, có vô số những chứng nhân anh dũng đã bước theo con đường hạt lúa của Đức Kitô, sẵn sàng hi sinh mạng sống, hi sinh công sức sự nghiệp, hiến thân cho anh em đồng loại, để làm cho hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào. Chẳng hạn như các thánh tông đồ, các nhà truyền giáo, hay những người có tấm lòng vàng. Cụ thể hơn là: cha Đa-miêng tông đồ người hủi. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thánh Têrêsa Calcutta…

Như vậy, muốn bước theo con đường hạt lúa của Đức Giêsu, chúng ta phải chấp nhận để cho thập giá Chúa Giêsu dẫn đưa chúng ta vào quỹ đạo của hạt lúa gieo xuống lòng đất, nghĩa là chấp nhận chết đi mỗi ngày, từ đó sẽ trổ sinh bông hạt trong mái ấm gia đình, trong sinh hoạt Giáo xứ, trong tương quan xã hội và trong môi trường sống của chúng ta.

 Thưa anh chị em,

Mỗi lần hiệp dâng Thánh lễ là mỗi lần nhắc nhở chúng ta sống huyền nhiệm của hạt lúa. Bởi vì tấm bánh linh mục cầm trong tay sau lời truyền phép, chúng ta tuyên xưng đó chính là Mình Thánh Chúa Kitô. Tấm bánh đó được đan kết bằng cả ngàn hạt lúa mì, những hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát để rồi trở thành tấm bánh nuôi sống con người.

Tấm bánh đó được biến thể trở thành Mình Thánh Chúa Kitô để nói lên chính cuộc đời của Chúa Giêsu, là một cuộc đời chấp nhận bị nghiền nát đi, để trở nên sự sống siêu nhiên nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

Xin Chúa ban cho chúng ta khi mỗi rước lễ, không chỉ là một nghi thức, nhưng còn là đón nhận sự sống và một lối sống mới như chính Chúa Giêsu. Cầu xin Chúa cho  chúng ta biết chết đi mỗi ngày trong con người cũ, để mặc lấy sự sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Amen.

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY- Năm B

SỐNG ĐẸP GIỮA ĐỜI- Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Người xưa thường đề cao lối sống của người quân tử. Người quân tử thấy chuyện bất bình thường ra tay cứu giúp. Người quân tử luôn sống hào hiệp, sống vì đại nghĩa nên hy sinh bản thân. Thế nhưng, con người ngày nay lại an phận thủ thường. Người ta ngại hy sinh cho người khác. Người ta sợ “mang hoạ vào thân”. Người ta tìm an nhàn cho bản thân nên chẳng dại gì “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”. Xem ra lối sống của người quân tử thấy chuyện bất bình ra tay giúp đỡ chỉ còn trên trang giấy học trò. Lối sống ấy đã mất dần trong thời đại hôm nay.

Người ta kể rằng: Ở bên Trung Quốc, có một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô tài xế kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.

Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay, nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô tài xế tơi tả trở về xe để tiếp tục lên đường…

“Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô tài xế la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.

Người đàn ông sững sờ, nói:”Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”

Cô gái nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”

Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe. Thậm chí một vài hành khách khỏe hơn đã lôi người đàn ông xuống xe.

Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút.

Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.

Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô tài xế:

“Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”

Cô tài xế không nói tiếng nào nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài, rơi xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn”. Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Trong thành phố, có một người đàn ông đọc bản tin trên báo đã khóc!

Quả thực, con người ngày xưa khi thấy chuyện bất bình, người ta thường lăn xả để hoà giải cho nhau, nhưng xem ra hôm nay, ít ai dám can thiệp vào chuyện người khác. Ít ai dám xông pha để bảo vệ kẻ yếu đang bị ức hiếp. Người ta ngại dấn thân vào chuyện của người khác. Xem ra con người ngày nay thường có xu hướng ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình nhiều hơn là cho đồng loại. Con người ngày nay thích an nhàn nên ngại hy sinh”.

Thế mà, hôm nay Chúa Giêsu lại bảo: “kẻ nào giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại”. Đó là chân lý, là định luật tất yếu của cuộc đời. Nếu thế giới này không có những con người dám quên đi bản thân thì làm sao có những phát minh khoa học, làm sao có những kỳ quan để lại cho đời sau? Có lẽ thế giới hôm nay sẽ thiệt hại biết bao, nếu không có những người dám quên đi sự an nhàn cá nhân, sự yên vui vị kỷ, những lợi lộc cá nhân để sống vỉ lợi ích tha nhân! Thế giới này đang mắc nợ những con người đã tận tuỵ làm việc quên mình để xây dựng thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Thế giới hôm nay rất cần những con người quân tử để cuộc đời được phong phú và yên vui hơn.

Chính Chúa Giêsu, Ngài đã sống điều đó. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa. Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu. Thực vậy, người vĩ đại trong cuộc đời chúng ta không phải là những người nổi tiếng, không phải là các ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc mà là chính những người đang hy sinh vì chúng ta. Họ là những người cha “chân lấm tay bùn” đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường. Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, đang hao gầy vì đàn con. Họ là những người anh, người chị đang bôn ba đó đây để bòn nhặt từng đồng tiền để phụ giúp gia đình. Đó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho anh em. Đó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sống có ích cho tha nhân.

Nhưng thật đáng tiếc! Ý niệm phục vụ tha nhân. Ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay. Người ta đang lo cho bản thân. Người ta đang chạy theo danh lợi thú để thoả mãn nhu cầu của chính mình. Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân? Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho tha nhân?

Thiết tưởng, mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn. Hãy hy sinh niềm vui của mình, những đam mê sở thích của mình để đem lại niềm vui cho những người chúng ta yêu mến. Thiết tưởng mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống đúng với phẩm giá làm người của mình là biết sống vì hạnh phúc tha nhân. Chúa đã tạo dựng Eva vì niềm vui của Adam. Chúa cũng tạo dựng chúng ta vì niềm vui của thân nhân. Xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu, giúp chúng ta biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Amen.

home Mục lục Lưu trữ