Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 97

Tổng truy cập: 1346437

CHÚA MUỐN CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ PHÚC

CHÚA MUỐN CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ PHÚC

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Trong Tin mừng thánh Luca hôm nay dìu chúng ta về với các Mối Phúc để sống và các mối họa để mà tránh. Trước khi nói đến phúc thì Chúa Giêsu nói đến họa “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có!” Quả thật, nghèo khó là trung tâm của Tin Mừng: “Phúc cho những ai có tình thần nghèo khó” là mối phúc đầu tiên trong các mối phúc và là sứ mạng khi Chúa Giêsu tự giới thiệu về mình với dâng làng Nagiaret tại hội đường: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo, tin vui cho người nghèo”.

Vấn nạn từ mối phúc

Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt. Khi công bố trong đoạn Tin Mừng (Lc), Chúa Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác, với sự đánh giá khác. Người cho các môn đệ biết rằng: họ là những người có phúc, khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Người, khiến người nghe những mối họa và phúc không khỏi thắc mắc: Thế nào là giàu, thế nào là nghèo? Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cái nghèo? Hơn nữa, Người lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?

Nếu Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho anh em là những người bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21). Vậy ai là người đói khát và ai là người no thỏa?

Chẳng những Chúa Giêsu từ ngàn xưa đã công bố như thế, mà ngay chính Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời hiện đại khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, ngài diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”, có người hỏi: “Thế còn người giàu thì sao?” Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo?

Phúc cho kẻ nghèo

Câu chuyện về một vị ẩn tu sống rất nghèo do Đức Cố Hồng Y Carôlô Maria Martini viết trong một cuốn sách, giúp chúng ta hiểu phần nào về người giàu có thể có tâm hồn nghèo khó, người nghèo lại không.

Chuyện kể rằng, vị ẩn sĩ này chỉ có một tấm áo rách trên mình và một cái vò đựng nước đã bể… Một hôm ông hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con có phải là người nghèo nhất trên thế gian này chưa?” Chúa sai thiên thần đưa ông đến trước một lâu đài sang trọng và bảo: “Người sống trong lâu đài này mới là người nghèo nhất trên thế gian”. Vị ẩn sĩ rách rưới ngẩn người hỏi Chúa: “Sao lại như thế được?” Chúa trả lời: “Người sống trong lâu đài sang trọng này có đủ mọi thứ, nhưng lòng không dính bén chút gì, còn con, con dính bén với chính cái áo rách và cái vò đã bể của con”.

Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất thật cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người đặt con người làm chủ và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Nhưng của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh. Người nghèo là người biết sống cho những giá trị ấy, cho dù giữa những vất vả lo toan, miếng cơm, manh áo, họ vẫn luôn tìm kiếm Nước Trời, họ sẽ là người hạnh phúc nhất, vì biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.

Khốn cho người giầu

Tại sao Chúa Giêsu lại nặng lời với những người giầu? Có lẽ vì của cải là ngẫu tượng hấp dẫn, nó cuốn hút chúng ta và đẩy xa Thiên Chúa ra khỏi lòng chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Anh em không thể làm tôi hai chủ, hoặc ghét chủ này yêu chủ nọ”. Liên hệ trực tiếp, chúng ta chỉ có thể làm tôi Thiên Chúa, hoặc làm tôi tiền của, chứ không thể làm tôi cả hai được. Vì thế, nếu xem tiền của là chủ đời ta, thì tiền của sẽ túm lấy ta, phá vỡ sự hòa hợp giữ con người với nhau, hủy hoại cuộc sống và linh hồn khiến ta không còn yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức và hết trí khôn nữa, và như thế là đối nghịch lại với điều răn thứ nhất là thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.

Nếu Chúa ban cho ta của cải giàu có thì chính là để trao tặng cho người khác, để nhân danh Chúa làm nhiều điều tốt cho tha nhân. Nhưng của cải có khả năng cám dỗ chúng ta và chúng ta bị sa ngã, trở thành nô lệ của sự giàu có. Đã có lần Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta cầu nguyện một tí và hy sinh một tí, không phải cho người nghèo, nhưng cho người giàu. (REI 24/05/2018)

Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo

Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày). Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9). “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…” (Pl 2,7) để cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Như vậy, Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.

Sống lời Chúa dạy

Việc đầu tiên phải làm cho người nghèo, là chiến thắng sự lãnh đạm, vô cảm, những viện cớ này khác để xa tránh những con người này, biết quan tâm đến những cảnh ngộ lầm than, đáng thương quanh ta. Giảm thiểu khoảng cách bất công giữa người giầu và người nghèo một vùng miền nào đó.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên những khí cụ tình thương hải hà của Chúa đối với anh em. Amen.

 

7.     Hạnh phúc thật

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm - ViKiNi)

Nếu chúng ta có chìa khóa của Thánh Phêrô để mở cửa thiên đàng, chúng ta sẽ thấy đầy những người nghèo như “bà góa nghèo đến bỏ tiền vào đền thờ hai đồng kẽm chỉ bằng một phần tư đồng bạc Rôma” (Mc. 12, 42), đầy những kẻ đói khát như anh ăn mày Ladarô mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà giàu (Lc. 16, 20), đầy những người khóc lóc như con thành Giêrusalem đến khóc thương Chúa trên đường vác Thánh giá, đã được Chúa đứng lại yên ủi như Cha yên ủi con trong cơn khóc lóc, hay như Phêrô khóc than vì đã phạm tội chối Thầy ba lần, đầy những người bị oán ghét, khai trừ, nhục mạ và xóa bỏ tên tuổi coi như đồ xấu xa như Đức Giêsu, Gioan tiền hô, các tiên tri và các thánh tử đạo.

Nếu chúng ta có quyền tự lực đập tan cửa hỏa ngục, chúng ta sẽ thấy đầy dẫy những hạng phú hộ ăn chơi, những hạng tham ô, móc ngoặc, những quản lý giết người cướp của, như hạng nhà giàu không thương giúp Ladarô, hạng kinh sư móc hết tài sản các bà góa, hạng tá điền cướp vườn nho (Mc. 12. 1-9, 38-40), đầy những hạng quyền quý sang trọng được tung hô, yến tiệc khao vọng, múa nhẩy, nghiện ngập như Hêrôđê no say còn bày trò chém đầu Gioan tiên hô, đầy hạng vui cười, chế nhạo, oán thù như quân dữ, trưởng tế và luật sĩ nhục mạ Đức Giêsu lúc bị treo trên Thánh giá.

Tại sao những người nghèo khó, đói khát, khóc lóc bị oán ghét lại được Chúa chúc phúc chan chứa vui mừng trong vinh quang nước trời?

Thưa, vì họ bị đàn áp, bóc lột, tước đoạt hết các thứ thuộc về thế gian. Hàng đoàn đám đông dân chúng đó chỉ còn biết trông cậy vào Đức Giêsu. Họ bỏ cả quê hương danh tiếng như Giudêa, Giêrusalem, Tyrô, Siđon để đến theo Chúa. Người đã cứu chữa họ cả xác lẫn hồn. Người vừa chữa cho họ khỏi tật nguyền quỷ ám, vừa giảng cho họ biết đường sống hạnh phúc muôn thuở.

Họ là những người nghèo khó về tiền của như Đức Giêsu không có chỗ tựa đầu, nhưng lại giầu lòng thương người như Đức Giêsu đã cho bao nhiêu người nương tựa. Họ nghèo khó, vì không tham lam, trộm cắp, nhưng lại giầu tinh thần cao quý thanh tao, siêu thoát. Họ nghèo của trần tục, nhưng họ giầu của nước trời. Họ là những người bụng đói của ăn như Ngài, đến nỗi các môn đệ bứt lúa ăn và bị chỉ trích, nhưng họ khao khát công chính và theo Ngài đi rao giảng Tin Mừng nước trời cho muôn dân. Họ đói bánh nuôi cái bụng, nhưng họ thoả dạ an lòng vì siêng năng rước Bánh Hằng sống.

Họ là những người sầu khổ khóc lóc thương xót bao nhiêu cảnh lầm than như Chúa đã khóc thương Ladarô, khóc thương thành Giêrusalem và chịu chết cho con cháu họ. Ít ra, họ là những người như Phêrô biết ăn năn thống hối và trở lại với Thầy để lãnh nhận trách nhiệm cứu giúp muôn dân sa ngã như mình.

Họ là những người hy sinh chịu đau khổ, oan uổng, bất công, biết vác thập giá theo Chúa để cứu nhân độ thế. Họ đã được phần thưởng lớn lao trên nước trời.

Tại sao những kẻ giầu, no nê, vui sướng, vinh quang lại bị chúc dữ?

Thưa, họ là những kẻ ham danh, ham lợi, ham thú vui vật chất phàm tục. Họ cậy vào tiền của vì họ tưởng: “Có tiền mua tiên cũng được”, chẳng cần đến ai. Họ xa lìa Thiên Chúa đi theo các thần tài, thần hoàng, thần nữ, thần thổ địa và các thần tượng. Đó là các tử thần, họ sẽ chết theo chúng.

Lịch sử đã cho thấy, khi con người nghèo đói, túng cực, lam lũ khổ sở, họ sốt sắng chạy đến kêu cầu, trông cậy vào Thiên Chúa. Nhưng khi được ấm no, sung túc thì ăn chơi, lười biếng, cậy mình kiêu ngạo, không cần đến Thiên Chúa nữa. Dân nước Balan trước đây hơn 90% siêng năng đi lễ, cầu nguyện, đoàn kết như một, dưới quyền hướng dẫn của Giáo Hội. Nay được dễ dãi, làm ăn phát đạt, họ lại chia rẽ, khinh thường hàng giáo phẩm và xa lìa Thiên Chúa. Các nước Âu Mỹ cũng thế. Giáo dân Việt Nam cũng không khá gì: trong những năm 1975-1985, đời sống đói khổ, thì ngày thường cũng như Chúa nhật nhà thờ đầy người. Nay, ngày thường chỉ leo teo một số cụ già, con nít, còn thanh niên người lớn có tiền bạc, ăn chơi, rượu chè, hút sách bất tận. Chúa nhật đi lễ hơn một giờ thì thấy lâu, sốt ruột, ngồi ngoài sân, đứng lấp ló xó nọ góc kia, nói chuyện, hút thuốc, mà không biết rằng ai cho cái miệng để ăn nói, ai cho cái mũi để thở, ai cho hơi thở khí mát để sống. Thật vô phúc, vô ơn Thiên Chúa đến chừng nào! Những hạng đó đến bao giờ mới được chúc phúc, Đức Giêsu còn phải chúc dữ đến bao giờ!

Người ta nói: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Trồng người để có người tốt, có dòng giống con cháu tốt thì mới có việc tốt, nhờ đó xây dựng gia đình, xã hội tốt từ đời này tới đời kia, lâu dài hàng trăm năm. Trồng cây để lấy của hưởng thụ, chỉ được mươi mười năm là hết. Biết rõ như thế, những bậc thánh hiền vĩ nhân luôn luôn quan tâm đặc biệt tới trồng người, dù có phải sống hy sinh kham khổ như Khổng Tử, Đức Phật.

Khổng Tử đã từ chức quan đại thần sống thật thanh bần: “Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, lòng đầy hoan lạc. Bất nghĩa mà giầu sang, ta coi như phù vân … Ta thường trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ vì suy tư … lo đạt đạo” (Ln. 7, 15 và 15, 30-31). Đức Phật không thể chịu nỗi cảnh giầu sang, danh vọng của hoàng cung, đã trốn lên rừng tìm đạo để cứu nhân độ thế, thoát khỏi cảnh khổ của hoàng cung phàm trần này mà nhân loại đang trầm luân trong đó. Các vị đó thật giống với cuộc đời thanh bần trong sáng của Đức Kitô: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc. 9, 58). Vậy hạnh phúc muôn thuở của các ngài, không phải giầu sang, quyền quý, mà là siêu thoát để truyền dậy chân lý không mệt.

Lạy Chúa, xin cho con “đừng tựa vào tường vì tường sẽ đổ, đừng tựa vào cây vì cây sẽ gẫy, đừng tựa vào người vì người sẽ chết” mà chỉ lo sống tựa vào lời chúc phúc của Chúa mà thôi.

 

8.     Ai là người hạnh phúc?

home Mục lục Lưu trữ