Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 139
Tổng truy cập: 1347428
Định hướng truyền giáo mới
Định Hướng Truyền Giáo Mới
Linh mục Gioan B. Teresa Cao Vĩnh Phan
Lm. Cao Vĩnh Phan và Thượng Tọa Thích Huệ Tánh tại Nhà hưu dưỡng Chí Hoà
Trong những năm gần đây, trên Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân, thỉnh thoảng độc giả đọc những bài viết của linh mục Cao Vĩnh Phan. Một trong những bài có tiếng vang mạnh nhất và cũng là bài có ấn tượng đặc biệt đối với tôi và có lẽ tạo nhiều cảm giác thích thú hoặc “khó chịu” nơi nhiều độc giả. Đó là bài “Kinh Thánh và Thực Hành Trong Bối Cảnh Truyền Giáo Hiện Nay” [1]. Trong bài viết ấy tác giả nhấn mạnh việc truyền giáo bằng chính đời sống cụ thể và thực thi Lời Chúa một cách triệt để. Tác giả đã nêu lên những tiêu cực cản trở việc truyền giáo hiệu nghiệm và đề nghị cải cách tận gốc. Tuy nhiên tác giả chưa nói đến một “định hướng mới” cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam mà chính tác giả đã thực hiện. Có lẽ cũng vì khiêm nhường và tế nhị? Bản thân tôi, vì quen biết cha Cao Vĩnh Phan từ thời còn nhỏ, tôi biết ngài là một người trực tính và tốt bụng, lý tưởng và năng động, muốn là phải làm cho bằng được, nhiều khi vượt quá sức mình và chẳng giống ai. Điều đó ai quen biết cha đều nhìn thấy và cảm nhận: Mặc dù đã hầu như mù lòa và bệnh tật mà cha vẫn hăng hái làm việc trí tuệ, trong 14 năm nghỉ hưu tại Nhà Hưu Dưỡng Chí Hòa, cha đã biên soạn được nhiều tác phẩm giá trị và viết nhiều bài thơ, bài báo có “chất lượng”. Điều mà tôi cảm phục nhất và đánh giá cao đó là cách sống đơn sơ khó nghèo và phương pháp truyền giáo độc đáo của cha Phan. Hôm nay tôi muốn giới thiệu với quí vị Linh mục Gioan Baotixita Têrêxa Cao Vĩnh Phan và đường hướng truyền giáo của ngài.
1. Một phương hướng mục vụ
Cũng như các linh mục khác, cha Cao Vĩnh Phan rất năng động trong việc mục vụ. Ngay từ khi còn là một thầy giảng giúp xứ, người ta đã thấy ngài là một người có tài tổ chức các hội đoàn. Tổ chức và điều khiển ca đoàn là năng khiếu số một của cha. Khi đã trở thành linh mục, cha Cao Vĩnh Phan chú tâm vào các hoạt động có tính cách văn hóa giáo dục. Có lần ngài nói với tôi trong câu chuyện thân tình rằng: “Tớ không xây không cất gì cả mà chỉ lo làm sao cho giáo dân có miếng ăn và biết đọc biết viết”. Thực vậy, ngài không chủ tâm xây cất những công trình lớn, nhưng lo cho các em, nhất là con nhà nghèo, được ăn học đến nơi đến chốn. Điều đó được chứng minh khi ngài làm cha sở tại Hiệp An với nhà trường Tinh Hoa và tại Lagi với nhà trường Vinh Tân. Trong thời gian hưu dưỡng ngài cũng đã dùng tiền cúng biếu để nuôi mấy chục em con nhà nghèo ăn học thành tài [2]. Điều đáng ghi nhận là trong số những ngưòi được cha giúp đỡ có nhiều “người bên lương”. Về việc xã hội phải kể đến cuộc vận động tân trang con đường Phan Thiết – Mũi Né. Năm 1991 cha Cao Vĩnh Phan được Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi chỉ định ra làm cha xứ Mũi Né. Thời đó con đường Mũi Né – Phan Thiết ở trong tình trạng rất xấu. Một lần đi làm mục vụ, xe Honda của ngài đã rơi vào ổ gà lớn và ngài bị thương khá nặng. Ngày 4 tháng 2 năm 1992 cha Phan đã viết một bản Thỉnh Nguyện Thư gởi Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và các Bộ các Ngành liên hệ để xin tái thiết con đường Phan Thiết – Mũi Né. Bản Thỉnh Nguyện Thư cũng đã được chính ngài dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh gởi cho một số Đại Sứ các nước có tầm cở để vận động giúp đỡ tài chánh cho dự án tái thiết nầy. Tôi không rõ diễn tiến dự án nầy ra sao, chỉ trông thấy kết quả hiện giờ. Ngày nay nhiều người đi du lịch Mũi Né được đi trên con đường tráng nhựa rộng rãi, nhưng ít ai nghĩ đến một cụ già đã cả gan bạo miệng dám kêu van quan lớn thời đó...
Theo quan điểm của cha Cao Vĩnh Phan, hoạt động mục vụ và truyền giáo của một linh mục trước tiên là phải đem Lời Chúa áp dụng cụ thể và triệt để trong đời sống của mình. Ý thức như thế, cha Phan đã cố gắng sống đúng theo tinh thần Phúc Âm và theo gương Chúa Giêsu “đến để phục vụ chớ không phải được phục vụ” (Mt 20,27-28). Ngài sống đơn sơ và khó nghèo, không muốn phiền hà ai, và cũng không muốn ai phải tốn kém vì mình. Ngài không bao giờ cho phép tổ chức tiệc mừng.... Mỗi lần đổi xứ mới cha Phan không cho phép tổ chức tiễn đưa và đón chào, vì thế ngài thường “trốn đi âm thầm” và đến xứ mới một cách bất ngờ để tránh “tiệc tùng chào đón linh đình”. Gia tài của ngài mang theo khi đổi xứ là một cái xắc tay bằng vải thô trong đó có vài bộ quần áo, mấy cuốn sách cần và đồ dùng cá nhân. Việc nhận quà cáp đối với ngài là một việc bất đắc dĩ. Tôi nghe người ta kể lại: có lần một giáo dân biếu ngài một con cá to, ngài từ chối không chịu nhận, nhưng người đó cứ nài nẵng mãi, nên ngài đã lấy dao chặt con cá làm hai phần, và ngài chỉ lấy một phần nhỏ đủ ăn. Thức ăn của ngài thường là khoai lang luộc nước. Tôi còn nhớ năm 1995 tôi về thăm ngài tại Viện Dưỡng Lão cũng được ăn khoai lang mấy lần với ngài. Một điều đặc biệt là cha Phan chỉ có tủ đựng sách mà không có tủ đựng quần áo, bởi vì ngài chỉ có hai bộ để thay đổi mà thôi. Tôi chưa bao giờ thấy ngài mặc đồ veste complet có thắt cravate. Trong tập sách “Những Giòng Lưu Niệm Cuối Đời”, cha Phan đã dặn con cháu của mình khi nào ngài chết thì “chỉ tổ chức một lễ an táng âm thầm đơn sơ và bó chiếu đem chôn như một người nghèo”. Vì chủ trương sống khó nghèo khắc khổ như thế, nên có người nói “ngài lập dị cực đoan”. Ngài sống khó nghèo như thế, nhưng lại giàu lòng giúp đỡ tha nhân, đặc biệt là người nghèo.
Công việc mục vụ số một của cha Cao Vĩnh Phan là thăm viếng bổn đạo và đi đến với lương dân. Câu chuyện “Đi tìm chiên lạc, bị lạc” sau đây, mà chính ngài đã kể cho con cháu và người thân nghe, nói lên điều đó:
“Khoảng gần Mùa chay, Mùa Phục sinh năm 1978-1979, tôi dậy sớm, xuống bếp sắp khoai vào nồi, nhúm lửa, bắc nồi lên rồi đi rửa mặt. Tiếp đó ra mở cửa nhà thờ, dọn đồ lễ, trở về bếp, khoai chín, mở vung tắt lửa. Trơng khi chờ khoai nguội, tôi ra nhà thờ dâng Thánh lễ với ý cầu xin cho hôm nay làm sao tìm thêm một số chiên lạc khác ngoài số tôi đã tìm được những lần trước. Hôm nay tôi cũng không quên mang Mình Thánh Chúa như những lần đi thăm các vùng rừng núi xa xôi trước đây.
Lễ xong, tôi thu dọn đồ lễ, cám ơn và cầu nguyện một lúc rồi về sắp khoai vào giỏ lác, đổ nước uống vào chai rồi buộc chặt vào xe đạp. Chiếc xe lăn bánh vào khoảng 4 giờ sáng theo hướng hương lộ Phan Thiết – Ma Lâm – Giale.
Vì đoạn đường quá xấu, gần ba mươi cây số đường gồ ghề quanh co và có đầy ổ gà ổ vịt, nên mãi đến 8 giờ 30 mới bò lên được ngã ba Ma Lâm – Long Thạnh, Giale. Địa điểm dự tính viếng thăm hôm nay là xóm Dân An, xóm thứ bốn kể từ các xóm Dân Hòa, Giale, Dân Bình. Rải rác trong các xóm nầy cũng có mấy gia đình Công giáo đi vùng kinh tế mới.
Đến ngã ba Dân An, cách Dân Hòa hơn một cây số, tôi quẹo trái qua chiếc cầu gỗ, đúng như lời chỉ dẫn của mấy bà con cho biết lần trước. Lúc đó đã 9 giờ sáng, mặt trời chiếu phía trước mặt. Đường đất cát có nhiều vết xe bò, xe Honda và xe đạp. Tôi cố gắng đạp mạnh và lẹ hơn với hy vọng sẽ tới đích vào khoảng 10 giờ. Nhưng không ngờ, đến một ngã ba đường cát trắng, tôi tự nhiên cảm thấy lúng túng do dự không biết nên theo hướng nào, vì phía nào cũng có dấu vết người đi. Lưỡng lự một lúc, tôi quyết định đi thẳng. Đi được một khoảng dài, không thấy chi hết, nhưng vẫn cứ tiếp tục đi. Lúc nầy không còn đi xe được nữa vì đường quá xấu. Mặc dù không thấy làng mạc dân cư, nhưng tôi vẫn yên trí vì có nhiều vết chân người trên đường. Tôi đi mãi tới 11 giờ thì đến một ngã ba lớn hơn và có nhiếu vết chân người hơn.
Mệt quá tôi ngồi nghỉ mấy phút tựa lưng vào một gốc cây bên vệ đường; lúc đó tôi cảm thấy mệt và đuối sức, đói bụng và khát nước. Nhớ lại lần trước đi từ nhà đến ngã ba Dân An – Dân Hòa tôi đã không cần phải dắc xe đi bộ như hôm nay mà vừa đi vừa ăn để tranh thủ thời giờ. Hôm nay lại phải ngồi đây để ăn như thế nầy. Ăn xong lúc 11 giờ 40 tôi tiếp tục đi con đường thẳng không dám quẹo phải trái và cũng không dám hỏi ai, mặc dù đôi lúc cũng gặp người đi gần đó. Tôi cứ đi mãi như thế, vì tin tưởng tôi không đi chơi, tôi đang đi tìm những con chiên lạc của Chúa. Hơn nữa tôi tin tưởng chắc chắn Chúa Giêsu Thánh Thể được gói cẩn thận cung kính trong túi áo trên ngực tôi sẽ chỉ đường dẫn lối cho tôi.
Đúng 13 giờ, tự nhiên tôi cảm thấy kiệt sức, mồ hôi đổ ào ào, hai chân như cứng lại không đủ sức bước đi. Chai nước lạnh đem theo chỉ uống mỗi lần một chút để dành sợ thiếu, vậy mà đã hết khi nào không hay! Vì không đi được nữa, đành phải ghé vào một gốc cây cổ thụ bên đường để nghỉ lấy lại sức. Tôi đã cẩn thận sợ khi ngủ bị mất xe, cho nên cố gắng quyết tâm không ngủ, nhưng cũng đề phòng trường hợp mệt quá ngủ quên, tôi cho xe ngã xuống trước mặt và gác hai chân trên sườn xe cho bảo đảm hơn. Ngồi dựa lưng vào thân cây trong thế canh chừng xe như thế, tôi bắt đầu đọc thuộc lòng mấy kinh kính Mình Thánh Chúa mà tôi đang mang theo trên ngực. Tôi cầu xin Chúa hướng dẫn tôi đi đúng đường để tìm thêm những con chiên lạc của Chúa.
Mới đọc được hai ba kinh, tự nhiên tôi không còn cảm thấy gì nữa, nghĩa là tôi đã thiếp ngủ từ hồi nào rồi. Khi tỉnh thức dậy tôi nhìn đồng hồ đã chỉ 2 giờ 30 và tự nói với mình: Chết rồi! Mình lạc đường rồi! Trễ mất rồi! Phải làm sao đây? Về hay đi? Về đường nào? Đi đường nào? Mình đang ở hướng nào đây? Không có ai ở đây mà hỏi đường! Tôi cố gắng nhớ lại khi đi thì vai phải tôi ở hướng đông. Lúc quẹo ngã ba Dân An, mặt trời chiếu bên tay phải. Còn bây giờ mặt trời ngã về phía trước mặt. Lúc nầy biết mình đã lạc đường rồi! Nhớ lại lời người ta nói cho biết lúc còn ở nhà rằng từ ngã ba Dân Hòa đi đến Dân An khoảng 30 phút hơn, thế mà tôi đã đi suốt 5 giờ rồi không kể một giờ ngủ quên!
Bấy giờ tôi quyết định trở về, nhưng trở về đường nào đây? Đi hướng nào vì chung quanh toàn là rừng cây um tùm! Tự nhiên nảy ra ý nghĩ là mình nên đi ngược hướng mặt trời để tìm về phía đông, bởi vì Quốc lộ nằm phía đông. Lập luận nầy khá hữu lý. Tôi quyết định đi về hướng đông. Sau khi đi gần được 2 giờ, lúc đó đồng hồ chỉ 4 giờ chiều, mà tôi vẫn không gặp người nào cả và cũng không thấy nhà cữa ruộng vườn gì hết. Dù vậy tôi vẫn tiếp tục đi ngược hướng mặt trời để ra Quốc lộ, ra phía biển Đông chứ không dám đi hướng Tây vào rừng như trước. Tôi kiên nhẫn dắt xe đi, không có nước uống, không còn thức ăn. Nhưng tôi vẫn không thất vọng, vì tôi tin có Chúa Giêsu thật sự đang đi với tôi. Thỉnh thoảng tôi đặt tay lên túi trên, cố tình đụng vào gói Mình Thánh và thầm nói với Chúa Giêsu rằng: “Con đang đi tìm chiên lạc của Chúa đây”. Vừa đi vừa lần hạt kính Đức Mẹ, đọc kinh cầu nguyện với thánh nữ Têrêxa, bổn mạng các xứ truyền giáo và bổn mạng đời linh mục hèn mọn của tôi.
Nhìn đồng hồ đã chỉ 5 giờ hơn rồi, mặt trời đã xế chiều mà tôi không thấy làng mạc và bóng người nào cả. Bắt đầu cảm thấy hơi lo, nhưng tôi vẫn tin tưởng cầu nguyện và dắt xe đi. Đúng 5 giờ 30 tôi thấy từ đàng xa, cách chỗ tôi khoảng hai hoặc ba trăm mét, có một con me chạy qua đường. Tôi mừng quá và nói: Cám ơn Chúa! Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong Bí Tích Thánh Thể, lạy Mẹ Maria, con cám ơn hết lòng, như thế là con không lạc đường rồi! Nói lên lời nguyện bộc phát như thế, vì tôi nghĩ rằng có con me kia ắt phải có chủ của nó và có người ở gần đâu đây.
Khi đến chỗ con me đi qua, tôi thấy có một xóm nhà nhỏ, một ông già nhà quê khoảng 60 tuổi, mặc quần đùi đang ngồi uống nước. Tôi lại gần chào ông và bắt chuyện một cách tự nhiên như thể đã quen nhau từ hồi nào:
- Chào ông! Ông ở đây hả!
- Chào chú; chú đi đâu về mà có vẻ mệt mỏi, mồ hôi đầm đìa thế kia? Chắc là chú đến từ xa phải không?
- Vâng, tôi đi tìm thăm người bà con mà không ngờ bị lạc đường !
- Thế chú ở đâu?
- Tôi ở Phan Thiết.
- Chú ở Phan Thiết à? Ở phường nào vậy? Tôi cũng ở Phan Thiết, đi kinh tế mới trên nầy đây. Như vậy chú với tôi là đồng hương. Mời chú vào nhà uống nước nói chuyện. Mấy khi anh em mình gặp nhau.
- Cám ơn ông! Tôi cũng đang khát nước lắm. Sáng nay ra đi có mang theo một chai nước, một giỏ khoai. Bây giờ khoai hết và nước không còn!
- Nước đây, mời chú uống. Vừa nói ông trao cho tôi một gáo nước lạnh.
- Cám ơn ông ! Tôi cầm gáo nước uống một hơi đến hết và thầm cám ơn Chúa Giêsu Thánh Thể, Đức Mẹ và thánh Têrêxa Hài Đồng đã giúp tôi đi đến đây. Nói chuyện với ông một lát, tôi cám ơn ông già và định tiếp tục đi.
- Ông già nói: Mời chú ngồi nghỉ một lát cho khỏe rồi đi.
- Cám ơn ông đã có lòng tốt với tôi, nhưng tôi phải về, ví trời sắp tối rồi.
Ông già khuyên tôi ở lại nhà ông đến sáng mai hãy về, vì đường xa và thấy tôi gầy còm yếu sức. Ông giải nghĩa: Từ chỗ ông đang ở ra tới quốc lộ khoảng 3 cây số và đường đi rất xấu. Từ đó về tới Phan Thiết còn 40 cây số nữa. Nếu về ngay bây giờ cũng phải đến nửa đêm mới về tới nhà. Nhưng thấy tôi nhất định về ngay, ông nói:
- Bây giờ cơm nước chưa nấu và cũng chẳng có gì ăn, chỉ có mấy trái chuối đây mời chú ăn tạm trước khi đi.
Tôi mừng quá cầm lấy ba trái chuối ăn một cách ngon lành. Ăn xong tôi trao cho ông 300 đồng có ý trả tiền ba trái chuối và từ giã ông già. Theo lời chỉ dẫn của ông, tôi đi ra hướng quốc lộ. Đi được dăm chục thước, tôi nghe tiếng ông nói phía sau: “Chú cứ đi thẳng vậy, đừng quẹo phải quẹo trái là xuống Dân An xa lắm!”
Bây giờ tôi mới biết là mình đã từ Dân An ra mãi ngoài vùng Sông Lũy, Lương Sơn. Giá mà lúc đến chỗ ngã ba kia, thay vì đi thẳng, tôi quẹo phải thì đã đến Dân An từ lâu rồi!
Đoạn đường quốc lộ dài 40 cây số đã qua đi một cách mau lẹ, vì trên đường về tôi vừa đạp xe vừa đọc kinh lần hạt, cầu nguyện, chầu Mình Thánh đang mang theo trong túi áo; và nhờ có gió thổi từ phía sau lưng nên cảm thấy đạp xe khỏe hơn.
Tôi về tới nhà lúc 10 giờ 30. Mấy người nhà thở phào nhẹ nhỏm nói lên sự vui mừng và nỗi lo âu: lo vì không biết tôi đi đâu mà khuya như vậy vẫn chưa về, có bị tai nạn gì không, hay có vấn đề gì? Vừa về đến nhà tôi để xe đạp trước cửa nhà bếp, rồi ra nhà thờ cất Mình Thánh Chúa vào nhà tạm, quì cám ơn Chúa và cầu nguyện một lát sau đó về nhà ăn một bát cơm nguội chan nước mắm, rồi lên giường ngủ một giấc mê như chết. Sáng hôm sau, trong Thánh Lễ, tôi âm thầm cám ơn Chúa Giêsu đã giúp tôi trong chuyến đi tìm chiên lạc ngày hôm qua. Cũng vì bị lạc đường mà tôi biết lối đi đến Dân An và mấy làng kinh tế mới khác để sau nầy tôi có thể đến đó tìm thêm chiên lạc.
Từ ngày đó tôi đã nhiều lần đi các thôn xóm vùng kinh tế mới để giúp những người Công Giáo xưng tội rước lễ. Tôi thường làm như vậy vào những dịp trước Tết Nguyên Đán, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, một vài lễ lớn của Đức Mẹ, lễ Các Thánh và nhất là trong Năm Thánh Truyền Giáo...” [3]
Câu chuyện trên đây nói lên đường hướng mục vụ của linh mục Cao Vĩnh Phan. Đối với ngài, đoàn chiên được Chúa Giêsu trao phó không phải chỉ là bổn đạo trong xứ trong họ đạo của mình, mà còn những con chiên khác bơ vơ không có chủ chăn nữa. “Thầy còn có nhiều con chiên khác chưa thuộc về ràn nầy, Thầy phải dẫn đưa chúng về một đàn chiên” (Ga 10,16). “Chúng con hãy ra đi khắp nơi rao giảng Phúc âm và rửa tội cho họ” (Mt 28, 19).<
Nguồn : gxnl |
Các tin khác
.: Tĩnh tâm giới Trẻ Tháng 07 năm 2020 (13/07/2020) .: Tĩnh tâm giới Chức Việc Tháng 07 năm 2020 (13/07/2020) .: Tĩnh tâm giới Thiếu Nhi Tháng 07 năm 2020 (13/07/2020) .: Tĩnh tâm giới Gia Trưởng Tháng 07 năm 2020 (13/07/2020) .: Tĩnh tâm giới Hiền Mẫu Tháng 07 năm 2020 (13/07/2020) .: Tĩnh tâm giới Cao Niên Tháng 07 năm 2020 (13/07/2020) .: Tĩnh tâm giới Trẻ Tháng 06 năm 2020 (19/06/2020) .: Tĩnh tâm giới Chức Việc Tháng 06 năm 2020 (19/06/2020) .: Tĩnh tâm giới Thiếu Nhi Tháng 06 năm 2020 (19/06/2020) .: Tĩnh tâm giới Gia Trưởng Tháng 06 năm 2020 (19/06/2020) .: Tĩnh tâm giới Hiền Mẫu Tháng 06 năm 2020 (19/06/2020) .: Tĩnh tâm giới Cao Niên Tháng 06 năm 2020 (19/06/2020) .: Tĩnh Tâm Giới Trẻ Tháng 02 Năm 2020 (10/02/2020) .: Tĩnh Tâm Giới Chức Việc Tháng 02 Năm 2020 (10/02/2020) .: Tĩnh Tâm Giới Thiếu Nhi Tháng 02 Năm 2020 (10/02/2020)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam