Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 80

Tổng truy cập: 1348076

ĐỨC GIÊSU, TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI

ĐỨC GIÊSU, TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI –  Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở về Galilê, và tiếng tăm Ngài được đồn ra khắp vùng. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái, cụ thể ở hội đường làng Nadarét.

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi

Đức Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao giảng. Dưới tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu là người mang tin mừng cho người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người.

Thánh Thần ở trong Hội Thánh như hồn ở trong thân xác. Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ, nhưng tất cả đều do Thánh Thần ban tặng và tác động: người làm đầu người làm mắt người làm chân tay. Tất cả đều thuộc về Hội Thánh, và không thể thiếu một chức vụ nào, cũng như một thân xác không thể thiếu một bộ phận nào. Không một bộ phận nào trong thân thể bị thiếu mà lại không ảnh hưởng đến bộ phận khác và toàn thân thể, cũng tương tự vậy những chức vụ trong Hội Thánh.

Ước gì mỗi người đều ý thức Thánh Thần luôn gần gũi, luôn ở với, và luôn hướng dẫn mình cùng Hội Thánh trong mọi hành động.

Đức Giêsu- Tin Mừng

Thiên Chúa chúc lành cho con người, làm tất cả cho con người qua Đức Giêsu.

Có ai hiểu được những người bị tù đầy mong được ngày ra khỏi tù như thế nào? “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”: một ngày trong tù, lâu như thể ngàn năm ở ngoài. Ở đây người ta nói tới thời gian tâm lý, và qua đó diễn tả mong ước ngày được tự do đến độ nào! Đức Giêsu là người công bố ơn đại xá, được miễn án và ra khỏi tù. Nếu ai hiểu được người mù cực khổ như thế nào, và người mù mong được sáng đến độ nào, sẽ dễ dàng hiểu câu “Đức Giêsu là người làm cho người mù được sáng” có nghĩa gì với người mù. Những người bị áp bức hà hiếp, cực khổ như thế nào, mong được minh oan và được giải thoát đến độ nào! Đức Giêsu là người giải phóng họ.

Người ta có thể bị tù đày nô lệ trong không gian như bị giam cầm trong một nơi chốn nào đó, nhưng người ta cũng có thể bị giam hãm trong một cái nhìn nào đó, có thể bị nô lệ với một thành kiến mà người ta không biết. Đức Giêsu tới, cho người ta nhận ra giá trị chân thực, giúp con người biết tiêu chuẩn chân thực để phán đoán. “Chân lý” giải phóng con người khỏi nô lệ, làm người bị u mê nhận ra sự thật và nhờ đó được tự do.

Tin Mừng cho người nghèo

Tin Mừng Đức Giêsu, không phải mọi người đều nhận ra. Những người Do Thái không nhận ra, nên muốn giết Đức Giêsu. Để nhận ra Đức Giêsu là Tin Mừng, cần phải có con mắt của người nghèo, người thấy mình “còn thiếu”, người thấy mình cần được soi sáng, người sẵn sàng và luôn ngóng chờ Thiên Chúa nói với mình.

Những người tự mãn, tự cho mình đã đủ không còn thiếu gì nữa, rất khó đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu. Những người này có thể là những người cho rằng mình đã đạo đức đủ, không nhận ra mình yếu đuối tội lỗi cần Thiên Chúa thương xót và trợ giúp. Họ cũng có thể là những người cho mình có học, không sẵn sàng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu với cuộc sống “bình thường”. Cũng có thể họ là những người giầu, và Đức Giêsu không thêm gì cho họ: Ngài không làm cho họ giầu hơn hoặc danh tiếng hơn hoặc có địa vị cao hơn.

“Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ” (Mt.5, 3). Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, người giầu cũng như người nghèo. Người giầu có nhiều thứ và nhiều bận tâm, nên không còn chỗ và không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa không yêu thương họ. “Nghèo” như thái độ, là mối phúc thật sự.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1/.Đức Giêsu có là Tin Mừng cho bạn không? Xin bạn cho một vài thí dụ cụ thể trong đời bạn.

2/.Thánh Thần là ai? Bạn hiểu gì về Thánh Thần?

3/.Bạn có thấy ai ganh tị vì không được làm “đầu” hoặc “mắt” trong thân thể (Hội Thánh) không? Tại sao họ như vậy?

 CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN- C

HÔM NAY ĐÃ ỨNG NGHIỆM…- Lm. Giuse. Nguyễn Cao Luật OP

Truyền thống cũng là sáng tạo

”Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca.”

Để hiểu ý nghĩa của câu này, cần phải biết rằng Tin Mừng hoàn toàn không phải là một bộ sưu tập những mẩu chuyện liên quan đến Đức Giêsu và các giáo huấn của Người. Mỗi tác giả Tin Mừng đều là một chứng nhân về Con Thiên Chúa, và khi viết Tin Mừng, tác giả có ý trả lời vấn đề vẫn thường được nêu lên: Đức Giêsu là ai? để nhờ đó mỗi người có thể gặp được Đức Giêsu khi nghe nói về Người, hay khám phá ra Người qua cuộc sống của các môn đệ. Mỗi nhân chứng này kể lại lòng tin của mình vào Đức Giêsu dựa theo một lịch sử: những sự kiện và những lời Đức Giêsu nói. Tuy nhiên mỗi tác giả còn dựa vào kinh nghiệm riêng của mình và của môi trường sống. Điều này giải thích vì sao mỗi tác giả có nét đặc trưng và âm giọng khác nhau.

Dù vậy, vẫn luôn chỉ có một Tin Mừng, bởi vì chỉ có một Đức Giêsu Kitô. Mọi bản văn trong Kinh Thánh đều quy hướng về Người.

Bản văn được phụng vụ sử dụng hôm nay là một thứ sắp xếp lại. Đây là một cách thức đọc Tin Mừng. Cách thức này làm nổi lên ba đề tài: Luca quyết định viết một quyển sách; Đức Giêsu mở quyển sách; Người gấp sách lại và bắt đầu hoạt động.

Thánh Luca biên soạn theo một trật tự có sẵn. Người ta nhận ra ngay đây là một ông thầy đang nghiên cứu và soạn thảo nhằm hiểu các biến cố cách khách quan. Mục đích của tác giả thật rõ ràng: giúp người đọc nhận thức được rằng giáo huấn mình đã học hỏi thật là vững chắc. Chính vì vậy, những chữ được viết ra phải đem lại điều chắc chắn. Tác giả mong muốn mỗi người cảm nhận được sự vững chắc này và mỗi người phải tự kiểm chứng lại giá trị của điều đã được viết ra. Nói cách khác, mỗi người phải chọn lựa và dấn thân. Một truyền thống được gọi là đích thực khi truyền thống ấy luôn khơi dậy sức sáng tạo.

Khi vào hội đường Na-da-rét và đọc bản văn ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu cũng không làm gì khác hơn. Người không lặp lại bản văn, không bình luận về bản văn lâu đời này; Người cũng không đưa ra những nhận định uyên bác về thời kỳ bản văn được soạn thảo. Trái lại, Người làm nảy sinh một ý nghĩa mới, Người đem lại sức sống cho những chữ chết. Chữ viết không chỉ là chứng từ của quá khứ, nhưng trở thành nguồn mạch cho hoạt động. Đức Giêsu không phải là nhà khảo cổ hay người chú giải. Người hoàn tất điều bản văn đã nói. Người mở ra một thế giới mới. Vì vậy, Người quả quyết: ”Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Đức Giêsu là Đấng mà mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ”có” nơi Người (2 Cr 1,20), Người không thể đọc lời Chúa mà không thi hành, không hoàn tất ngay tức khắc. Chính vì thế, theo bước chân Người đi, các phép lạ được thực hiện cho những người nghèo khó, những kẻ bị tù đày, người mù, người bị áp bức …

Như vậy, quả là điều vô ích khi một số Kitô hữu muốn đóng khung truyền thống, đóng khung lời nói và hoạt động của Đức Giêsu. Người ta muốn hiểu chính các điều đã xảy ra trong quá khứ, thế nhưng người ta lại quên rằng, những điều ấy được truyền lại cho thế hệ sau với mục đích mỗi thế hệ phải đọc lại theo một cung cách mới, phù hợp với bối cảnh sống hiện tại của mình. Dấn thân phục vụ lời Chúa, đó là bước vào một hoạt động sáng tạo, đó là biến mình trở thành người phục vụ cho những khởi đầu mới.

Lời Chúa không thể mất đi

Tin Mừng cứ chạy, chạy mãi: từ Luca đến Ti-mô-thêu, từ những nhân chứng tai nghe mắt thấy đến tất cả chúng tôi – tức là những cộng đoàn tiên khởi, từ ngôn sứ Isaia đến Đức Giêsu, từ Đức Giêsu đến những người Do-thái đang tụ họp trong hội đường, và đến cả những người ngày nay – tại sao lại không?

Lời Thiên Chúa do Đức Giêsu công bố, dù mọi người đã biết, nhưng vẫn có tính cách đặc biệt. Người ta chẳng hiểu vì sao Người có uy quyền như thế.

Trước đấy, danh tiếng Đức Giêsu đã lan rộng ra khắp miền Galilê. Nhưng khi trở về quê hương, Người biết rõ là người ta không để ý lắng nghe lời Người nói. Tại những miền khác, Người thường đến với những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ bị tù đày, những người mắc bệnh phong hủi, hay với kẻ mù loà, với người đàn bà goá … Còn hôm nay, Người xuất hiện trong một cuộc hội họp: Người tỏ mình ra trong Hội Đường của người Do-thái.

Đức Giêsu đứng lên, đọc sách, và ngồi xuống như những người khác. Thế nhưng điều Người nói quả là lạ lùng, khó có thể tin được:

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

cho kẻ giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức,

công bố một năm hồng ân của Chúa.

Hôm nay dã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe

Các lời Đức Giêsu nói và những việc Người làm vừa có tương quan hỗ tương với nhau, vừa có liên hệ tới toàn bộ sứ điệp Cựu ước. Vì vậy, các thính giả nhận ra một sự thật rõ ràng: Thần Khí Thiên Chúa luôn có mặt!

Người ta vẫn gặp thấy những người hăng hái dấn thân phục vụ người nghèo, mặc dù hoàn cảnh của họ không thuận lợi lắm -nếu không muốn nói là bi đát, và công việc phục vụ của họ rất khiêm tốn. Chính lúc ấy, dường như lời họ nói có sức thuyết phục hơn, chặt chẽ hơn, làm cho người nghe phải bối rối. Trước những mẫu gương này, thường có hai phản ứng: một là bịt tai lại, không muốn lắng nghe, hai là để ý và theo dõi bước chân người đi trước.

Theo cái nhìn trong đức tin, các vị thánh, các ngôn sứ hay những người được Chúa xức dầu là những người dùng lời nói hay hành động của mình để thúc đẩy người khác nói và hành động, làm cho vương quốc tự do của Chúa được xuất hiện.

Như thế, Thần Khí Thiên Chúa luôn hoạt động trong mọi người và trong mọi thời để người nghèo, kẻ tù đày, người bị áp bức trong mỗi thời đại được giải thoát, về cả đời sống vật chất lẫn những khát vọng sâu xa của con người.

Và như vậy, Tin Mừng không bao giờ bị mất đi.

“Ngày hôm nay”

Tất cả được bắt đầu vào ngày Đức Giêsu mở sách ra và đọc lại lời ngôn sứ Isaia, và tuyên bố với mọi người: ”Hôm nay” đã ứng nghiệm …

Không ai, có thể lầm lẫn về lời tuyên bố này, vì đoạn sách Đức Giêsu vừa đọc lại nói về Đấng Mê-si-a. Và Đức Giêsu quả quyết: Hôm nay và chính tôi.

Lời tuyên bố này không phải là một lời sấm, nhưng là một biến cố, một biến cố duy nhất và không thể đảo ngược lại. Lời tuyên bố này đòi mỗi người phải tự xác định lại mình trong tương quan với Đức Giêsu. Bởi vì vẫn chỉ là một lời duy nhất, một lời luôn có tính hiện đại: lời Đức Giêsu nói tại hội đường Na-da-rét, lời thánh Luca viết cho ông Thê-ô-phi-lô, và lời chúng ta đang nghe hôm nay.

Chính ngày hôm nay mà mỗi người nhận ra Thiên Chúa đang can thiệp vào lịch sử cửa toàn thể nhân loại và của mỗi người. Chính ngày hôm nay mà mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương mình. Chính ngày hôm nay mà mỗi người phải hành động vì cuộc sống vĩnh cửu của mình.

Chính ngày hôm nay mà mỗi người bước vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng duy nhất.

Chính ngày hôm nay là một cuộc truyền tin cho mỗi người, bởi vì họ phải lắng nghe và chọn lựa.

Chính ngày hôm nay, Thiên Chúa đang đến với mỗi người. Chính Người đang hiện diện, qua Hội Thánh, qua các bí tích. Chính ngày hôm nay mà mỗi người phải đón tiếp Thiên Chúa.

Phần chúng ta, chúng ta sống ngày hôm nay như thế nào, chúng ta làm gì?

Thánh Luca đã khởi đầu Tin Mừng từ ngày hôm nay. Đó cũng là khởi đầu cho mọi cuộc loan báo Tin Mừng. Ngày hôm nay là một biến cố, người ta không chỉ bình luận về biến cố, nhưng người ta sống và loan báo.

home Mục lục Lưu trữ