Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 31
Tổng truy cập: 1346958
Lễ Đức Mẹ GUADALUPE 12-12
Cập nhật : 03-04-2009 |
NGÀY 12 THÁNG MƯỜI HAI ĐỨC MẸ GUADALUPE Lễ Nhớ Ngày 9 tháng 12 năm 1531, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với thánh Juan Diego, một nông dân da đỏ, tại ngọn đồi Tepayac gần thành phố Mexico để yêu cầu kiến thiết một thánh đường dâng kính Mẹ. Sau phép lạ chữa bệnh cho ông chú là Bernardo, Juan Diego đã đem về cho đức giám mục sở tại một số hoa hồng từ nơi Đức Mẹ như một dấu chỉ cho lời yêu cầu của Mẹ. Khi những đóa hoa từ tấm áo của Diego rớt xuống đất, hình ảnh Đức Trinh Nữ đã được in một cách kỳ diệu trên tấm áo mộc thô, trước sự chứng kiến ngạc nhiên của đức giám mục. 55.1 Đức Mẹ hiện ra với Juan Diego. Lòng sùng kính Đức Mẹ Guadalupe được hình thành từ thời kỳ đầu của công cuộc truyền bá Tin Mừng tại Mexico, khi ấy mới chỉ có một số ít tín hữu. Đức Mẹ đã hiện ra với một nông dân da đỏ tên là Juan Diego, và sai đến gặp đức giám mục để tỏ bày ước nguyện của Mẹ muốn kiến thiết một thánh đường dâng kính Mẹ trên ngọn đồi Tepayac. Trong lần hiện ra, Đức Trinh Nữ đã nói với Diego: Vì Mẹ thực sự là Hiền Mẫu rất từ ái của con và của mọi người, Mẹ sẽ ban cho tất cả những ai đến kính viếng đền thánh này thành quả của tình thương Mẹ, sự quan tâm cảm thông của Mẹ, sự phù giúp của Mẹ cùng với ơn cứu độ. Mẹ lắng nghe những lời than khóc phiền sầu của các con để chữa lành tất cả những đau khổ và bệnh tật của các con.1 Mẹ Maria còn trao một sứ điệp nữa cho Juan Diego để truyền lại cho mọi tín hữu: Mẹ là Hiền Mẫu của các con, Mẹ đang đứng trước các con đây. Các con hãy luôn luôn lưu lại nơi nương ẩn che chở của Mẹ. Các con hãy biết mình diễm phúc chừng nào vì có thể tìm đến với sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ bất cứ lúc nào. Chúng ta không có lý do để sợ hãi, bởi vì Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đang đồng hành với chúng ta, và Mẹ là Hiền Mẫu của mọi người. Đức giám mục địa phương đã xin một dấu lạ để làm bằng chứng về lời yêu cầu của Mẹ Maria trước khi thuận theo lời yêu cầu của Diego. Sau đó, Đức Mẹ đã hiện đến và truyền cho người nông dân da đỏ hãy cắt một số hoa hồng cuống dài mọc trên sườn đồi khô cằn gần đó để đem về cho đức giám mục. Sự lạ này đã xảy ra giữa mùa đông lạnh giá, vào tháng mười hai, tại một nơi cao hơn hai ngàn bộ so với mực nước biển. Khi Juan Diego trải tấm áo ra để trình cho đức giám mục những đóa hoa hồng, thì một bức hình Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra, được in trên tấm áo, rất rõ ràng, như mọi người ngày nay còn được nhìn thấy.2 Đức Mẹ Guadalupe hiện ra dưới hình một thiếu nữ da ngâm đen, chung quanh có những luồng ánh sáng, dần dần hiện lên rõ hơn trên tấm áo thô của người nông dân da đỏ, một tấm áo được dệt bằng những thớ sợi thô. Một làn sóng đông đảo trên toàn cõi lãnh thổ Aztec, từ Trung Mỹ cho đến quần đảo Philippines, đã trở về với Chúa sau biến cố Đức Mẹ hiện ra tại đồi Tepayac. Ngày hôm nay, Đức Mẹ Guadalupe vẫn là một dấu chỉ vĩ đại của sự gần gũi của Chúa Kitô đối với chúng ta. Mẹ Maria ngỏ lời mời gọi đến mọi người nam nữ hãy đi vào sự thông hiệp với Chúa Cha. Đồng thời, Mẹ khuyến khích tất cả chúng ta hãy thông hiệp hơn nữa với nhau…3 Sự cầu bầu thần thế của Mẹ Maria luôn chuẩn bị cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại các quốc gia. Chúng ta không thể tưởng tượng một công cuộc tông đồ sẽ ra thế nào nếu thiếu sự phù trợ của Mẹ. Vì vậy, khi Đức Gioan Phaolô II, Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian, kêu gọi mọi tín hữu hãy hợp tác vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho Âu Châu và thế giới, chúng ta hãy nhìn lên quyền thế cầu bầu của Mẹ, để Mẹ chỉ dẫn cho chúng ta, những thành phần của Giáo Hội, một con đường tốt nhất hầu thực hiện nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta đã được ủy thác. Chúng ta nài xin Mẹ ban ơn để chúng ta hiến thân cho công cuộc thánh thiện này bằng một nhiệt tâm truyền giáo sống động.4 Mẹ sẽ chỉ ra phương cách hữu hiệu nhất để đưa những bạn hữu của chúng ta về với Thiên Chúa, bởi vì chính Mẹ chuẩn bị cho họ biết đón nhận ơn Chúa một cách hiệu quả. 55.2 Mẹ Maria chuẩn bị cho các linh hồn như đã chuẩn bị cho các Tông Đồ. Với lòng đạo sốt sắng và ước vọng muốn phụng sự tha nhân một cách hiệu quả, chúng ta bắt tay thực hiện công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho thế giới. Đức Gioan Phaolô II đã cầu nguyện: Lạy Đức Trinh Nữ Guadalupe, Hiền Mẫu của các quốc gia Mỹ Châu… xin nhìn mùa gặt quá bao la. Xin can thiệp trước tòa Chúa cho chúng con để cơn đói khát sự thánh thiện trên thế giới này được gia tăng hơn nữa…5 Ước chi tất cả chúng ta cùng thực hiện nhiệm vụ này, nhất là cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Mùa gặt rất lớn lao, nhưng số thợ quá ít ỏi. Đức Thánh Cha nói tiếp: Ước chi tất cả các tín hữu đều nỗ lực theo sát Chúa Kitô. Ước chi đời sống của từng người đều được đầy tràn sự phục vụ yêu mến và khiêm tốn, được thực hiện vì vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.6 Mọi người đều đói khát chân lý, nhưng không ai dạy dỗ họ. Nhiều người tìm đường đến với Thiên Chúa, nhưng lại không biết cách thế. Mỗi người, trong địa vị xã hội cụ thể của mình, có thể chỉ dẫn cho nhiều người con đường dẫn đến sự kết hợp với Chúa Kitô qua việc tôn sùng Mẹ Maria. Lời nói và gương sáng của chúng ta trong việc tôn sùng Đức Mẹ sẽ là một chứng từ hiệu quả nhất. Đức tin của lục địa Mỹ Châu có nguồn gốc từ Âu Châu. Nhiều người thuộc nhiều chủng tộc đã tìm được con đường cứu độ qua những nỗ lực anh hùng và hiến thân của các nhà truyền giáo tiên khởi. Trong giai đoạn lịch sử ấy, Đức Maria đã chuẩn bị một con đường cho họ, và ngày nay, Mẹ cũng sẽ chuẩn bị cho chúng ta. Bất chấp những gian truân trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền giáo thánh thiện, các tín hữu ban đầu đã thành công trong việc loan báo chân lý đức tin tại những miền đất mới, bằng sự cố gắng kiên trì, nhẫn nại, và tinh thần siêu nhiên. Tuy nhiên, tại Âu Châu ngày nay, chúng ta nhận thấy một cám dỗ ngày càng mãnh liệt và một khuynh hướng thiên về chủ nghĩa vô thần và hoài nghi. Tình trạng mơ hồ về luân lý đang tràn lan. Hậu quả của tình trạng vô tri này là do sự tan vỡ của các gia đình và sự suy thoái toàn bộ về đời sống đạo. Một khuynh hướng nguy hiểm về tư tưởng và tập quán đưa đến tình trạng bóp nghẹt những biểu hiện đời sống Kitô Giáo trong xã hội.7 Nhiều quốc gia có truyền thống Kitô Giáo lâu đời dường như đang ồ ạt quay về với chủ nghĩa ngoại giáo mà họ đã được giải thoát từ xưa. Trong khi ngày trước, ánh sáng đức tin đã từ những quốc gia này lan tỏa khắp thế giới, thì hiện nay, nọc độc vô đạo cũng đang từ đó mà lan tràn ra.8 Là tín hữu, chúng ta được mời gọi hãy nên men trong giữa lòng xã hội. Sức mạnh đức tin đã không biến mất sau hơn hai mươi thế kỷ, nhưng luôn được bừng dậy. Vì thế, chúng ta không thể ngơi nghỉ chiến đấu như thể mọi sự đã buông xuôi. Trước sự dữ đang đe dọa hủy diệt hạt giống đức tin mà Chúa Kitô muốn gieo vãi và vun trồng nơi tâm hồn mọi người, chúng ta cần phải kiên định hơn bao giờ hết trong việc góp phần xúc tiến sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô cho đến khi hoàn tất. Nếu như các tín hữu thời xưa đã sợ hãi trước những thách đố kinh khủng, nếu như các ngài đã cậy dựa hoàn toàn vào tài sức nhân loại, có lẽ các ngài đã không thực hiện được gì trong những thế kỷ đầu tiên giữa xã hội ngoại giáo thời đó. Chúa khuyến khích chúng ta hãy tiếp tục phấn đấu trước một nhiệm vụ gay go như thế. Mỗi người được mời gọi hãy tích cực tham gia vào nỗ lực này bằng những phương tiện trong tay. Công cuộc này thực sự là một mạo hiểm đầy hứng thú, cả về quan điểm nhân loại lẫn quan điểm siêu nhiên.9 Hôm nay, với sự nâng đỡ của Đức Mẹ Guadalupe, chúng ta hãy xét xem chúng ta có thể đóng góp được gì trong những hoàn cảnh thường ngày để đưa công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng đến chỗ toàn thành. Chúng ta có khơi dậy một sự quan tâm tích cực để đưa gia đình và bè bạn chúng ta đến gần Chúa Kitô hay không? Chúng ta có tận dụng mọi cơ hội, không bỏ lỡ một dịp nào, để mạnh dạn nói về đức tin chúng ta đang nắm giữ trong tâm hồn hay không? Chúng ta có tự luyện bản thân theo con đường Kitô Giáo một cách nghiêm chỉnh không? Chúng ta có dành thời giờ để dạy giáo lý hoặc tham gia các công cuộc từ thiện hay không? Chúng ta có hỗ trợ các dự án đóng góp vào việc phát triển nhân bản và siêu nhiên cho những người cần thiết hay không? Chúng ta đừng thoái thác vì nghĩ rằng chúng ta chẳng làm được bao nhiêu trong công việc chuyên môn hằng ngày của chúng ta để đẩy mạnh công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cho thế giới. Thiên Chúa sẽ tăng bội nỗ lực của chúng ta từ những hy sinh nhỏ bé và những công việc thông thường nhưng được thực hiện chu đáo, cả lời cầu nguyện và những sáng kiến mà chúng ta có thể dâng lên cho Người. Ngoài ra, khi nhiều người cùng phấn đấu hết khả năng, nhiều quốc gia sẽ có thể được hoán cải, như trường hợp đã từng xảy ra trong lịch sử. 55.3 Tận dụng mọi cơ hội để góp phần tái truyền giảng Tin Mừng. Các con hãy ra đi khắp tứ phương và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.10 Lời Chúa có thể áp dụng rộng rãi cho mọi thời và mọi nơi, và là lời dành cho từng cá nhân trong từng quốc gia. Từ nơi Chúa Giêsu, các Tông Đồ đã nhận lệnh truyền này, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được ủy thác phải hoàn thành nhiệm vụ ấy. Giữa một thế giới mà phong tục tập quán của hàng triệu con người đều mang nội dung và mục đích ngoại giáo, chúng ta có một trách vụ cao đẹp là hoạt động để đem sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người.11 Để thực hiện lệnh truyền của Chúa, chúng ta hãy cậy trông vào sự phù trợ hiệu quả mà Người đã hứa: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.12 Thiên Chúa hoạt động trực tiếp trong linh hồn mỗi người qua ơn thánh. Nhiều trình thuật Phúc Âm đã cho thấy Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên khí cụ để đem ơn cứu độ đến cho tha nhân: Các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.13 Thánh Gioan Kim Khẩu đã chú giải câu Thánh Kinh ấy như sau: Tất cả các công việc cao quí của con người, chẳng hạn như việc học tập và giảng dạy triết học, hoặc việc nhập ngũ, đều là những hoàn cảnh mà những người – nam cũng như nữ – có thể góp phần đưa người khác đến gần Chúa hơn.14 Những chuyến công tác hoặc du lịch đều có thể là những dịp để truyền bá giáo huấn của Chúa Kitô.15 Có rất nhiều hình thức tông đồ người giáo dân có thể dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sinh động thế giới trong Chúa Kitô.16 Những liên hệ gia đình, bệnh nạn, những lần thăm viếng bè bạn, gửi thiệp mừng Giáng Sinh, những bức thư gửi đến tòa báo đều là những dịp tốt để chúng ta thực hiện công việc tông đồ. Mỗi người đều có thể cùng với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng nói rằng: Cho đến tận thế, trong khi vẫn còn các linh hồn cần ơn cứu độ, tôi sẽ không nghỉ ngơi.17 Chúng ta đang sống giữa các linh hồn khao khát được cứu độ, mặc dù có thể họ không ý thức điều ấy. Chúng ta gặp gỡ họ tại gia đình, tại nơi làm việc, và tại xóm ngõ của chúng ta. Chúng ta hãy nài xin Mẹ Maria ban cho chúng ta một khát vọng để ngày càng can đảm và mạnh dạn gieo vãi hạt giống giáo lý tốt lành của Kitô Giáo. Ước chi chúng ta cố gắng cộng tác vào việc đưa Chúa Kitô và giáo lý của Người đến tận cùng những góc ngõ địa cầu, mà không quản ngại những trở lực nhân loại.18 Ước chi chúng ta biết loại bỏ mọi bi quan và luôn tin tưởng vào vinh thắng sau cùng của sự lành trên sự dữ. Hiệu quả những việc lành của chúng ta sẽ có một ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với xã hội. Nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ như một hòn đá được ném xuống hồ nước và tạo nên những đợt sóng, hết đợt này đợt khác, cho đến ngày tận thế.19 Quả thật, Chúa Giêsu sẽ ban hiệu năng siêu nhiên cho những lời nói và việc lành của chúng ta, mặc dù nhiều khi chúng ta không ý thức điều ấy. Hôm nay, chúng ta nài xin Đức Mẹ Guadalupe hãy tỏ ra là Hiền Mẫu đầy cảm thương của chúng ta. Ước chi Mẹ phù hộ chúng ta biết rao giảng Phúc Âm qua cách sống trong hoạt động hằng ngày của chúng ta. Ước chi chúng ta cố gắng hết sức để cảm thông với tha nhân bằng cách chia sẻ những niềm vui và những nguyên nhân buồn phiền trong cuộc sống của họ. Chỉ khi nào biết nỗ lực sống tất cả những nhân đức nhân bản, chúng ta mới có thể dẫn đưa bạn hữu của chúng ta đến chỗ sống một đời sống siêu nhiên đầy đủ, ngay tại đây và lúc này. Lạy Nữ Vương các thánh Tông Đồ, xin chấp nhận thái độ sẵn sàng hoàn toàn cộng tác vào việc khôi phục và hoàn thành vương quốc của Con Mẹ. Ước chi chúng con không quản ngại cộng tác vào việc chu toàn thánh ý cứu độ của Người. Ước chi chúng con biết hiến thân trọn vẹn cho công cuộc truyền bá Phúc Âm và nền hòa bình trường cửu của thế giới. Ước chi cuộc chiến đấu của chúng con được dựa trên nền tảng vững chắc là công lý, và trở nên một động lực đức ái tương trợ giữa những con người và giữa những quốc gia.20
|
Nguồn : gxnl |
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH (26/04/2025) .: Thánh Toma và vết thương lòng thương xót Chúa (26/04/2025) .: Hãy nhìn xem (26/04/2025) .: “Tôi nhận ra bạn…” (26/04/2025) .: Vui mừng vì thấy Chúa. (26/04/2025) .: Lỡ hẹn (26/04/2025) .: Sống đức tin. (26/04/2025) .: Lòng thương xót. (26/04/2025) .: Lòng Chúa xót thương (26/04/2025) .: Niềm tin Chúa Phục Sinh (26/04/2025) .: Đức tin là một sự tăng trưởng. (26/04/2025) .: Tần số tình yêu (26/04/2025) .: Đức tin ngọn đuốc cuộc đời (26/04/2025) .: Tôma đa nghi (26/04/2025) .: Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. (26/04/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam