Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1347992

LỜI CHÚA CÓ ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM NƠI TÔI?

LỜI CHÚA CÓ ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM NƠI TÔI?

(Suy niệm của Lm. Đaminh Hương Quất)

Tại Hội Đường quê nhà, hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố lời tiên báo cúa sứ ngôn Isaia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi... sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” đã được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Ngài chính là Đấng Kitô đem Loan báo và đem Tin Mừng Cứu độ cho dân tộc cho muôn dân.

Cụ thể hơn, Chúa Giêsu sau một thời gian đi Rao giảng Tin Mừng Ngài nổi tiếng khắp nơi. Hôm nay Người trở về quên hương Nararet, vào Hội trường quen thuộc, nơi mà những năm sống ẩn dật Chúa vẫn thường đến, nhất là Ngày xa bát để như mọi người Do Thái đạo đức khác để tôn thờ và nghe Lời Chúa. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức, Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia được Thánh Thân Chúa tấn phong, Ngài được sai đi loan Tin Mừng cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia. (x.HGNM)

Sau khi công bố lời Sứ ngôn Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tơi, vì Ngà xức dầu cho tơi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng".

Ngay sau đó, Chúa Giêsu công bố: Lời sứ ngôn trên đã được ứng nghiệm nơi chính Ngài. Trong Chúa Thánh Thần Chúa Giêsu đã hoàn thành viên mãn sứ vụ Loan báo Tin Mừng cứu độ mà chính ngài là Tin Mừng Cứu độ.

Điểm độc đáo, công cuộc Công bố Tin Mừng Cứu độ Chúa Giêsu không chỉ cho riêng Ngài. Ngài ủy quyền cho Giáo hội và không ngừng mời Giáo hội tiếp tục thực thi công cuộc Loan báo Tin Mừng mang tính bản chất của Giáo hội.

Quả thế, Chúa Giêsu ngay sau khi Phục Sinh đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ để tiếp tục sứ vụ Loan báo Tin Mừng Cứu độ đến với muôn dân, cho đến ngày tận thế. Đấng Phục Sinh nói: ‘Như Cha đã sai Thầy Thầy cũng sai anh em… Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 21, 21-23)

Tuy nhiên, chỉ khi nhận ơn Chúa Thánh Thần trong biến cố Ngũ Tuần Giáo hội mới chính thức khai mạc sứ vụ Loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

Thật vậy, khi nhận viên mãn ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ, các Kitô hữu tiên khởi của Giáo hội sơ khai đã hăng say, can đảm dấn thân phục vụ cho công cuộc Truyền giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, không sợ gian khó, chẳng ngại hiểm nguy, ngay cả tính mạng cũng chẳng nề. Thậm chí, các ngại có kinh nghiệm sống động: “Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin Mừng’…

Nhờ Bí tích Rửa Tội mỗi chúng ta đã được Thánh hiến cho Chúa Giêsu, trở thành chi thể của Chúa Giêsu. Thánh Phaolo trong bài đọc 2 đã khẳng định rõ điều đó. Thánh nhân quả quyết Mỗi Kitô hữu là thân thể, là chi thể của Chúa Giêsu.

Trong Giáo hội Hiệp thông và Sứ vụ, là chi thể của Chúa Giêsu vấn đề trong Chúa Thánh Thần ta có tiếp tục Công cuộc loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu không; có để Chúa Thánh Thần biến đổi để như Chúa Giêsu tích cực sống đời chứng nhân Tin Mừng…

Nói cách khác,

Trong sức mạnh Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu quả quyết: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe"

Đây chính là điều đáng để mỗi chúng ta nghiệm xét.

Tôi là chi thể- thân thể Chúa Giêsu, vậy ta có tiếp tục để cho Lời Chúa ứng nghiệm trong đời sống mình hay chưa?

Ta có là dấu chỉ, là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu hay chưa?.

Chủ để sống Năm thánh của Giáo phận: ‘Sống và Loan báo Lòng thương xót của Chúa’ có hiện tại hóa trong lời nói việc làm của mình hay chưa?.

Ngày 25.01 tới, giáo xứ chúng ta có niềm vui Hồng ân được Đức cha Giuse về làm phép nhà Giáo lý, nhất là Ban Bí tích Thêm Sức cho hàng trăm con em chúng ta.

Khi cử hành Bí tích Thêm Sức, Mẹ Giáo hội hiện tại hóa Ngày lễ Ngũ Tuần xin Chúa Ban Chúa Thánh Thần cho các thụ nhân để kiện toàn ơn Bí tích Rửa Tội. Để chứng thực và giúp trở thành chiến sĩ Loan báo Tin Mừng, can đảm sống Đức tin.

Đấy cũng là dịp tốt để mỗi chúng ta nhìn lại Bí tích Thêm Sức mà mình đã lãnh nhận, xem mình có để Chúa Thánh Thần giúp sống Đức tin, để Lời Chúa ừng nghiệm nơi đời sống mình hay chưa.

Bài đọc 1 trích sách Nơ- khê-mi-a cho ta hình ảnh đáng suy nghĩ. Dân Do Thái, cách đây hơn 2500 năm, sau nhiều năm lưu đầy, lần dầu tiên toàn thể dân Chúa đã được quy tụ tại quảng trường để nghe kinh sư Ét-ra, thống đóc Nơ-khơ-mi-a và các thầy Lêvi giải thích Lời Chúa. Khi nghe Lời Chúa, dân đã ăn năn khóc lóc, phủ phục thờ lạy Đức Chúa [1].

Họ đã để cho Lời Chúa đụng chạm đến đời mình, còn chúng ta, mang danh là Kitô hữu – là thân thể- chi thể của Chúa Giêsu có để Lời Chúa đụng chạm đến con tim mình chưa!

Quả là rất buồn, khi nghe đây đó trong chúng ta, giữa chúng ta còn những hiềm khích, đố kỵ, gian tham, nghi ngờ làm hại nhau…. Chỉ vì vài trăm ngàn ta sẵn sàng xâm hại đến phẩm giá người khác, chà đạp tín uy, xúc phạm đến tình người… Nhiều khi ta sống còn tệ hơn những người chưa biết Chúa. Không đâu xa, đôi khi là hàng xóm của nhau, anh chị em nhau, thậm chí ngay trong một gia đình.

Giáo hội đang trong tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Giáo hội, liệu ta có ý thức để xây dựng gia đình hiệp nhất, công đoàn hiệp thông trong yêu thương; Giao hòa với Chúa gắn liền với giáo hòa anh chị em.

Xin Thánh Thần của Chúa Giêsu hãy đến và thúc đẩy mỗi chúng con ý thức, hăng say và can đảm dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, biết Sống Và Loan Báo Lòng Thương Xót Của Chúa.

-----------------------

[1] Lm Phaolo Nguyễn Văn Đông, Tin Mừng Chúa Nhật Năm C, tr.176

 

39.Thần Linh Chúa ngự trên Tôi

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Phụng vụ lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta đi vào những hoạt động của Chúa Giêsu khi Ngài bước vào đời sống công khai rao giảng. do Thánh Luca tường thuật.

Thánh Luca giới thiệu công việc của ngài bằng một lời dẫn nhập ngắn gọn để cho thấy chủ đích của ngài khi viết lại những gì Chúa Giêsu đã làm. Quyển sách nầy đề tặng một ông Thêôphilô nào đó, có thể là một người có cảm tình với đạo, muốn tìm hiểu, và là một quan chức cao cấp trong chính quyền thời bấy giờ. Tên Thêôphilô, theo tiếng Hy lạp, lại có nghĩa là “người yêu mến Chúa”, cũng có thể là một tên tượng trưng cho các tín hữu, là những người yêu mến Chúa.

Thánh sử nói rằng, trước khi ngài viết quyển sách nầy, đã có nhiều người khác viết về những biến cố nầy do những chứng nhân mắt thấy tai nghe đã kể lại. Thánh sử cũng nói rõ, ngài cũng cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự. như thế những điều ngài tường thuật là chính xác và vững chắc. Chúng ta hãy bước theo ngài để đi sâu vào cuộc đời và sứ mệnh cứu thế của Chúa Giêsu. và như thế, chúng ta cũng được cứu vớt.

Hôm nay, chúng ta đi vào giai đoạn đầu của cuộc đời rao giảng của Chúa. Ngài rao giảng tại xứ Galilê là vùng đất của Ngài. Mỗi ngày sabat, Ngài vào các hội đường và rao giảng tại đó. Hôm nay, Ngài về quê và vào hội đường Nadaret. Người ta trình cho Ngài đọc một đoạn sách tiên tri Isaia hôm nay nói về Thánh Thần xuống trên tiên tri và sai tiên tri đi công bố hồng ân của Thiên Chúa.

Theo tục lệ ở hội đường, người ta đọc sách Luật và sách tiên tri rồi giải thích những đoạn sách đó. Và thường là ông chủ hội đường hay một người nào trên ba mươi tuổi có khả năng đều được mời giải thích lời Chúa. Chúa Giêsu đứng lên và đọc đoạn sách người ta trình cho. Thánh Luca tỉ mỉ ghi lại từng cử chỉ của Chúa Giêsu, ghi lại phần chính của bài đọc, nhưng không ghi lại những lời Chúa giảng mà chỉ nhắc lại câu đầu tiên thôi. Chúa Giêsu đọc xong, cuộn sách lại và trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy đều chăm chú nhìn Ngài. Ngài tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”.

Thánh Luca chú ý đến từng cử chỉ của Chúa vì đây là hành động phụng vụ, đây là thời điểm quan trọng công bố Lời Chúa. Luca cũng cho chúng ta thấy bầu không khí trang nghiêm  của buổi lễ thích hợp với lời tuyên bố trang trọng của Chúa: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh thánh quí vị vừa nghe”.

Đó là lời tuyên bố đầu tiên khi bắt đầu công cuộc rao giảng của Ngài. Luca chỉ ghi lại một câu duy nhất đó. Xem ra không có gì là quan trọng nhưng lại là một câu then chốt, gồm tóm tất cả sứ mệnh của Chúa. Ngài chính là người được Thánh thần sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo… và công bố năm hồng ân của Chúa. Tất cả đều do Thánh Thần Chúa.

Hôm nay. Đây không chỉ thời gian chúng ta đang sống mà là thời gian của Thiên Chúa. Hôm nay chính là thời thương xót. Chúa Cha sai Con Chúa xuống trần gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, thực hiện lời hứa từ khởi đầu của Chúa, giải thoát con người khỏi ách ô lệ tội lỗi và mang lại ánh sáng cho chúng ta là những người mù… Chúng ta đi vào thời gian vĩnh cửu, thời gian của yêu thương.

“Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh thánh mà quí vị vừa nghe”. Vậy ai là người được Thần Khí Chúa ngự xuống, xức dầu và sai đi rao giảng cho kẻ nghèo hèn…? Chúa Giêsu không nói rõ là ai nhưng nếu chúng ta suy nghĩ thì thấy rằng những lời đó được ứng nghiệm trong lúc đó. Người được Thần Khí xức dầu và sai đi rao giảng là Ngài. Ai làm ứng nghiệm lời tiên tri đó, phải chăng là chính người vừa tuyên bố: “Hôm nay, đã ứng nghiệm lời quí vị vừa nghe”. Một cách mặc nhiên Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là người mang sứ mệnh do Thánh Thần trao cho.

Hôm nay, là thời gian không đo được bằng giây phút nữa mà đo bằng tình yêu. Tình yêu Chúa Cha tràn ngập chúng ta qua Chúa Giêsu, là Lời ban sự sống. Ngài là ánh sáng cho kẻ mù lòa, là ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, là  con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.

Chúng ta được rửa trong Thánh Thần và được tràn đầy Thánh Thần khi lãnh nhận phép Thêm Sức, chúng ta được mời gọi sống cái hôm nay của Thiên Chúa trong thời gian của chúng ta. Chúng ta cũng được xức dầu Thánh Thần, được sai đi công bố  Tin Mừng cho thế gian. Phải làm sao cho cái hôm nay của chúng ta trở thành hồng ân, thành vinh quang cho Cha chúng ta trên trời. Chúa Giêsu đã đến rồi, đã vạch con đường cho chúng ta và chính Ngài là con đường là sự thật và là sự sống. Tuy chúng ta hèn kém và yếu đuối, nhưng Thánh Thần Chúa vẫn có thể biến chúng ta thành dụng cụ của Ngài, nếu chúng ta chấp nhận cho Ngài chiếm hữu cả cuộc sống chúng ta, mọi hoạt đông của chúng ta. Trong Giáo Hội, chúng ta thấy rất nhiều người hèn kém như chúng ta đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu cho Nước Chúa, như thánh Bênađêta, thánh Faustina, thánh Giêrađô, thánh Mactinô Porrès. Các thánh tông đồ có phải là những người thông thái đâu!

Chúng ta đừng để ơn Chúa ra vô hiệu trong chúng ta.

Vì chúng ta quá thụ động, vì chúng ta không xác tín sự cao trọng của chúng ta và khiêm nhượng không đúng chỗ, cứ tưởng mình vô dụng. Không! Chúng ta là con Thiên Chúa vì đã được tẩy rửa trong sự chết của Chúa Kitô và sống lại trong Chúa Kitô, chúng ta là những người được tuyển chọn, được sai đi. Chúng ta phải là ánh sáng thế gian như Chúa Giêsu đã nói.

Chúng ta không thể làm được những việc lớn lao, Chúa cũng không cần chúng ta làm những việc lớn lao, chúng ta chỉ cần yêu thôi. Như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chị chỉ biết yêu thôi, làm mọi việc vì yêu mến Chúa. Đó là con đường mà chúng ta cần bước theo để thực hiện những kỳ vọng Chúa đặt nơi chúng ta.

Hơn hết, chúng ta được nuôi dưỡng bằng một thứ lương thực tuyệt vời là Mình Thánh Chúa, là thứ lương thực mang lại sự sống và sức mạnh thần linh, có sức biến đổi chúng ta thành một Chúa Giêsu mới, chúng ta phải mạnh dạn “đi ra” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, loan truyền tình yêu Chúa cho mọi người. Không phải chúng ta làm việc mà chính Chúa hoạt động trong chúng ta. Thánh Phaolô nhiều lần đã quả quyết: sở dĩ ngài có thể làm việc cho Chúa, không phải vì ngài tài giỏi mà vì ơn Chúa hoạt động trong ngài, vì ngài trở thành Giêsu mới: “Tôi sống, nhưng không phải tôi mà chính Chúa Giêsu sống trong tôi”. Ngài đã kinh nghiệm được sự đồng hóa đó với Chúa Giêsu, tại sao chúng ta lại không làm như ngài? Chúng ta ăn lấy Chúa thì đương nhiên chúng ta phải là một với Chúa, chúng ta không tin điều đó sao? Vậy thì như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.

 

home Mục lục Lưu trữ