Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1360724

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Cách đây ít lâu, vào Năm Thánh 2000, người giáo dân Việt Nam có ấn tượng rất vui đối với thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với tựa đề: “Hãy vui lên”. Khi ngỏ lời với từng thành phần: “Các linh mục, tu sĩ và chủng sinh; các cụ cao tuổi; những người cha; người mẹ; các bạn trẻ; các em thiếu nhi và anh chị em đau yếu, khổ cực, buồn phiền, bị bỏ rơi – Hãy Vui Lên!”. Khi nghe lời mời gọi của các vị Chủ Chăn, ai nấy đều cảm thấy tràn trề niềm hy vọng.

Năm nay, nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày cả thế giới cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gửi thông điệp đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa trên toàn thế giới. Nội dung của thông điệp đều nói đến: niềm vui của người loan báo Tin Mừng.

Như vậy, ta có thể hiểu rằng: loan báo và đón nhận Tin Mừng phải là một niềm vui sâu xa cho cả người đón nhận và người loan báo.

1. Nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin Mừng

Từ sau Công Đồng Vaticanô II, cách riêng từ những thập niên cuối thế kỷ 20, chúng ta không ngừng nhắc đến hai từ “Truyền Giáo”, hay cụm từ đồng nghĩa “Loan Báo Tin Mừng”. Tuy nhiên, loan báo Tin Mừng có đem lại cho chúng ta niềm vui, hay đúng hơn người loan báo Tin Mừng có cảm thấy vui mừng vì họ đang được tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cho nhân loại hay không? Đây là câu hỏi được đặt ra cho từng người chúng ta mỗi dịp lễ Khánh Nhật Truyền Giáo.

Thật vậy, sứ mạng truyền giáo phải được người tham gia cảm được, thấu được sự hạnh phúc khi họ đang được diễm phúc làm cho lệnh truyền của Đức Giêsu hiện tại hóa nơi hành động, lời rao giảng của chính mình: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Đồng thời, niềm thao thức, sự khát khao cho muôn dân được cứu độ phải nung đốt tâm hồn những người tham gia sứ vụ này như một luật buộc vì lòng mến. Nói như thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Xác định như thế, chúng ta thấy: sứ vụ Loan Báo Tin Mừng là của chúng ta, thuộc về chúng ta. Sứ vụ này là bản chất của Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội không ngừng loan báo điều mà mình đã tin và lãnh nhận. Nếu không loan báo thì chẳng khác gì kẻ khờ dại không biết sinh lời nén bạc đã được Chúa trao, ngược lại, vô tình, chúng ta đã chôn vùi dưới lòng đất. Không loan báo Tin Mừng là chúng ta phản bội lại chính mình, vì hẳn chúng ta đang bị đánh mất mình khi không sống đúng bản chất.

Sứ vụ này lại càng khẩn thiết khi xã hội và con người đang lao xuống dốc với vận tốc quá nhanh, khiến cho nhiều người mất phương hướng khi không biết hay không thể dừng chân để suy nghĩ lại niềm hy vọng hay mục đích tối hậu của cuộc đời mình.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” đã viết: "Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ" (Evangelii Gaudium, 2).

Đứng trước thực trạng đó, chúng ta không thể ngồi yên khi thế giới này đang mất dần hy vọng khi bám víu vào những điều mau qua chóng hết mà không hề có hy vọng đích thực. Vì thế, cuộc đời buồn tẻ đang bao trùm nhân loại, và một ngày nào đó, con người sẽ phải thất vọng khi lấn sâu vào con đường diệt vong (xc. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2014).

2. Sức hút nơi người tông đồ là niềm vui có Chúa

Tuy nhiên, loan báo bằng cách nào; thái độ của chúng ta ra sao khi đứng trước sứ mạng cũng như trong khi loan báo Tin Mừng cho anh chị em?

Để trả lời cho vấn nạn trên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo, ngài đã thổ lộ tâm tình của mình với các nhà truyền giáo như sau: “Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em” (xc. Sứ điệp truyền giáo năm 2014).

Như vậy, niềm vui là điều rất cần thiết cho hồn người tông đồ. Nếu không có niềm vui, người loan báo sẽ không thể cảm thấy một niềm hạnh phúc phát xuất từ sứ mạng, và như vậy, thay vì loan báo Tin Mừng, họ sẽ loan tin buồn! Hoặc quá mâu thuẫn khi chúng ta mang trong mình một não trạng được biểu hiện qua hành động bằng thái độ buồn rầu, thất vọng khi giới thiệu một Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế mang lại niềm vui và hy vọng cho nhân loại!

Những lúc như vậy, người tông đồ đã làm cho hình ảnh của Đức Giêsu trở nên méo mó ngang qua hành động của mình. Và như thế, người được ta loan báo Tin Mừng, họ không dại gì lại đi tin và theo một Đức Giêsu không có gì hấp dẫn, không có gì hy vọng và không hề có niềm vui! Điều này đã mang lại cho chúng ta sự thất vọng và sứ vụ bị hiểu sai cũng như thi hành không đúng.

Khi nói về sự phản chứng nơi người tông đồ khi loan báo Tin Mừng, Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đã nói như sau: “Ưu sầu, chán nản, năn nỉ, phàn nàn... Lúc này người ta mới thấy rõ giá trị những lời khuyên nhủ hùng hồn, những lời tuyên bố nẩy lửa của con đến đâu. Thấy mặt con, ai dám theo Chúa nữa?” (ĐHV. số 538). Tại sao vậy? Thưa bởi vì: chúng ta không nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng (xc. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2014)

3. Nguyên nhân sâu xa để có được niềm vui là lòng mến

Nuôi dưỡng niềm vui là gì nếu không phải là lòng mến! Thật vậy, vì yêu mến Chúa, tôi hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả... Vì yêu mến, tôi phải vui mừng vì đang được chung chia tâm tư, thao thức của người mình yêu. Vì yêu mến, tôi cũng mong muốn cho mọi người được hưởng sự vui mừng mà tôi đang tận hưởng.

Như vậy, nguyên nhân sâu xa chính là người tông đồ không để cho tình yêu của Đức Giêsu xâm chiếm tâm hồn. Hoặc cũng không để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần nung nấu trái tim. Vì thế, hồn người tông đồ đâu có say mê Nước Thiên Chúa và đâu có niềm vui khi rao giảng Tin Mừng!

Khi nói về bản chất của niềm vui được khởi đi từ lòng mến và được đức ái thúc đẩy, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nói trong Thông điệp ngày thế giới truyền giáo 2006 như sau: "Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm".

Muốn trở nên người tông đồ thực thụ vì chan chứa niềm vui, người được sai đi loan báo Tin Mừng phải gặp gỡ thân tình với Đức Kitô, cảm nghiệm được ơn gọi và sứ vụ cao quý của mình, và phải yêu mến những người mà mình có cơ may tiếp xúc, nhất là với người nghèo, người bị bỏ rơi, người sống bên lề... Có được điều đó, người tông đồ sẽ đem lại cho họ niềm vui đích thực khi trong mình đang tỏa lan một niềm vui có Chúa.

Thật thế, Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, hay nói cách khác, Ngài chính là cội nguồn của niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, người loan báo và người đón nhận, tất cả đều được: "Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh." (Evangelii Gaudium, 1).

Mong sao, mỗi người chúng ta hãy hân hoan vui mừng trước, trong và sau khi loan báo Tin Mừng. Chúa sẽ không bao giờ vui vì một người loan báo Tin Mừng nhưng lại với một khuôn mặt buồn rầu, ủ rũ. Biểu hiện đó làm cho họ tự mâu thuẫn với chính mình. Đức cố Hồng Y Phanxicô X. đã nói: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn”.

Như vậy, niềm vui của Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta và qua đó, chúng ta đem lại cho nhân loại một niềm hy vọng lớn lao là có niềm vui của Chúa ở cùng. Như thế, đến ngày sau hết, chúng ta sẽ vui mừng vì: “Tên anh em đã được ghi trên trời" (Lc 10,20).

Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt lành nghề để ra đi gặt lúa về cho Chúa. Tuy nhiên, xin Chúa ban cho Giáo Hội những thợ gặt với tâm hồn chan chứa niềm vui để đem lại niềm hy vọng cho con người. Amen.

 

42.Khánh Nhật Truyền Giáo

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Mt 28, 16-20:  Một cuộc biểu dương niềm vui, vì Chúa Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm Hoá thế gian, đang nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực truyền giáo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2014 như sau: ngày nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Đức Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng “đến với muôn dân” (ad gentes) vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi phần tử của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”.

Ngày Thế Giới Truyền Giáo là cơ hội đặc biệt để các tín hữu trên khắp các châu lục cùng nhau cầu nguyện và có những hành động liên đới cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội trẻ tại các xứ truyền giáo. Đây là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Một cuộc biểu dương ân sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến ban phát sự khôn ngoan và sức mạnh cho những ai vâng theo tác động của Người.

Một cuộc biểu dương niềm vui, vì Chúa Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm Hoá thế gian, đang nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực truyền giáo. Đây chính là lý do để tôi đề nghị một biểu tượng Kinh Thánh mà chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng Thánh Luca 10,21-23

Thánh Luca kể lại cho chúng ta rằng: Chúa sai 72 môn đệ từng hai người một đi vào các thành thị và làng mạc loan báo Nước Thiên Chúa, và chuẩn bị cho dân chúng gặp gỡ Đức Giêsu.

Sau khi chu toàn sứ mạng rao giảng, các môn đệ trở về lòng tràn ngập niềm vui: các môn đệ tràn ngập niềm vui, phấn khích vì họ có quyền năng giải thoát người ta khỏi ma quỷ. Đức Giêsu cảnh báo họ đừng quá vui mừng vì quyền năng họ đã nhận được, nhưng vui mừng vì tình thương họ nhận được, “vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chúa cho các môn đệ trải nghiệm tình thương của Thiên Chúa, nhưng cũng cho họ khả năng chia sẻ tình thương ấy. Và trải nghiệm này là một lý do để Đức Giêsu biểu lộ tâm tình tạ ơn và niềm vui. Thánh Luca diễn tả niềm hoan lạc này trong ý nghĩa của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi: “được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng”,

Ngài nhìn lên Chúa Cha và chúc tụng Người. Giờ phút vui mừng sâu xa này phát sinh từ mối tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, Đấng che giấu những điều này đối với những người tài trí khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). 

Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến niềm vui Chúa cho các môn đệ cảm nghiệm được tình thương của Chúa và cũng cho họ khả năng để chia sẻ tình thương đó. Đây chính là cốt lõi của việc truyền giáo, vì chính trong tình thương này Thiên Chúa đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta như thế nào? Thiên Chúa đã chi phối cuộc sống của chúng ta ra rao?

Chúng ta phải cảm nghiệm ra rằng: rời xa tình thương của Chúa là chúng ta không thể tồn tại, hay nếu có tồn tại thì chúng ta cũng chỉ sống như một thây ma, một cái xác không hồn. Phải có cảm nghiệm như thế thì chúng ta mới có thể đáp ứng lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Truyền giáo chính là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Làm sao có thể biểu dương niềm vui được khi chúng ta không có niềm vui đó trong tâm hồn. Để có thể biểu dương niềm vui, tất nhiên chúng ta phải có niềm vui đã rồi mới biểu dương ra bên ngoài. Nghĩa là chúng ta phải có Tin Mừng đã rồi mới biểu dương, loan báo Tin Mừng đó. Và nếu đã là Tin Mừng, Tin Vui thì chúng ta không thể giữ kín mà tất nhiên chúng ta sẽ chia sẻ Tin Mừng Tin Vui  ấy cho những người chung quanh chúng ta. Cảm nhận được tình thương của Chúa, chính là Tin Vui, Tin Mừng đích thực của chúng ta. Cảm nhận được tình thương Chúa, đó cũng chính là nền tảng để ra đi truyền giáo.

Sau đây là cảm nghiệm của một người tân tòng đã cảm nhận được Tin Vui đích thực và ông đã chia sẻ như sau

Người Công Giáo là kẻ có cảm thức được Thiên Chúa yêu thương, được yêu thương một cách sâu thẳm và được mời gọi đáp trả lại tình yêu thương đó. Có cái gì như một kẻ si tình. Si tình ở đây bắt nguồn từ sự điên rồ của màu nhiệm Khổ Giá (la folie de la croix); và như chữ Thương Khó, Khổ Nạn (passion) không phải không có âm hưởng của cái gì như là đam mê (cũng là passion). Sự so sánh giữa các thánh của Kitô Giáo với các thiền sư, các đạo gia, thì một bên có cái gì da diết, đầy đam mê (passion), một bên thì thanh thản, đầy minh triết (sagesse)”.

Và người tân tòng chia sẻ tiếp: “cuộc đời của Đức Giêsu trước hết gợi lên lòng thương của tôi đối với một người vô tội bị oan khiên, sau đó là sự hấp dẫn của một người dịu dàng, đơn sơ, bình dị. Có thể nói tình cảm đầu tiên đối với Ngài là lòng thương mến hơn là lòng tôn kính đối với một bậc tôn sư: có một cái gì như tình bạn ít nhiều bình đẳng giữa hai người cùng hội cùng thuyền. Ấn tượng đầu tiên đối với Ngài có cái gì tương tự như sự an ủi của người mẹ hiền, người bạn quí, hàn gắn thương đau, khuyết điểm, khuyến khích về mặt cảm tính khi chán nản; sưởi ấm cõi lòng khi cô đơn – nhiều hơn là một vị tôn sư dạy một giáo thuyết”.

Ông cho rằng “sự hấp dẫn của Chúa Giêsu hình như do chính con người và cuộc đời của Ngài từ việc sinh ra trong máng cỏ, qua 30 năm âm thầm lặng lẽ, ba năm nay đây mai đó, trà trộn với dân chúng, rồi bị giết oan, nhiều hơn là do đạo lý Ngài truyền dạy. Bởi vì, xét về mặt tâm lý đạo đức thì các bài dạy của Ngài cũng chẳng có gì là cao siêu tuyệt vời, nhưng điều làm cho tôi cảm mến Ngài chính là “con người” và “cuộc sống”của Ngài (sa “personne” et sa “vie”). Đã có cảm tình với Ngài rồi thì khó quên, khó phai và hình như càng lâu càng thắm thiết hơn… đối với các bậc thánh hiền khác, thì có thể nhớ bài dạy của Ngài mà quên đi con người và cuộc đời của các ngài. Đối với Đức Giêsu thì khác hẳn: đôi khi quên lời Người dạy, nhưng chính Ngài thì không thể quên được. Và có lẽ càng hay sống trái lời Ngài dạy, thì hình ảnh Ngài lại càng thêm xoáy vào tâm khảm… nhớ quay nhớ quắt, nhớ quằn quại đến độ không chịu được!… thông minh, tài trí, dũng cảm…có lẽ nhiều người hơn Đức Giêsu, nhưng đáng yêu nhất thì chỉ duy nhất có một mình Ngài mà thôi!” 

Lạy Chúa xin ban niềm vui đó cho chúng con để chúng con cùng với toàn thể Giáo Hội biểu dương niềm vui đó cho thế giới hôm nay.  Amen.

 

43.Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo - Mt 28, 16-20

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay một lần nữa quy tụ chúng ta quanh con người Đức Giêsu, “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất”[1]. Người liên tục sai chúng ta đi công bố Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Ngày Truyền Giáo này mời gọi chúng ta một lần nữa suy tư về việc truyền giáo ở tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Kitô nữa. Vì vậy điều quan trọng đối với chúng ta là tự đặt ra cho mình những câu hỏi về căn tính Kitô giáo và trách nhiệm của chúng ta là những tín hữu trong một thế giới đầy hỗn loạn và thất vọng ê chề, bị xâu xé bởi những cuộc chiến huynh đệ tương tàn nhắm vào những con người vô tội một cách bất công.

Nền tảng việc truyền giáo của chúng ta là gì?

Tâm điểm việc truyền giáo của chúng ta là gì?

Chúng ta phải có cách tiếp cận cơ bản nào để thi hành công việc truyền giáo?

- Khi chúng ta nói đến sứ vụ truyền giáo thì điều chúng ta cần phải lưu ý là việc truyền giáo của Hội Thánh không phải là quảng bá một ý thức hệ tôn giáo, càng không phải là đề nghị một học thuyết đạo đức cao siêu, nhưng nhờ việc truyền giáo của Hội Thánh, chính Đức Giêsu Kitô tiếp tục rao giảng Tin Mừng và hành động; như thế việc truyền giáo của Hội Thánh làm hiện diện trong lịch sử thời điểm của Đức Kitô, một thời điểm thuận lợi cho Ơn Cứu Độ. Nhờ việc công bố Tin Mừng, Đức Giêsu Phục Sinh trở thành người đương thời của chúng ta, để những ai đón nhận Người với đức tin và đức mến có thể trải nghiệm sức mạnh biến đổi của Thần Khí Người, Đấng làm cho loài người và mọi thụ tạo sinh hoa kết quả, như mưa làm cho trái đất vậy.

- Việc truyền giáo của Hội Thánh dựa trên sức mạnh biến đổi của Tin Mừng. Tin Mừng là Tin Vui chứa đầy niềm vui có sức lan toả, vì nó chứa đựng và cống hiến sự sống mới: sự sống của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng là Con Đường, Sự Thật và Sự Sống (x. Ga 14,6) cho chúng ta, và đổ đầy Thần Khí ban sự sống cho chúng ta. Người là Con Đường mời gọi chúng ta theo Người với lòng tin tưởng và can đảm. Khi theo Đức Giêsu là Con Đường, chúng ta trải nghiệm Sự Thật và lãnh nhận Sự Sống của Người, nghĩa là có sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa Cha trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Sự sống ấy giải thoát chúng ta khỏi mọi ích kỷ, và là nguồn sáng tạo trong tình yêu.[2]

- Giải thoát khỏi ích kỷ như thế nào?

Chúng ta cùng nhau đọc lại câu chuyện "cái giếng của Ryan".

Trong một lần nghe cô giáo nói để có được một cái giếng cho người Urgando, thì cần phải có 70 đôla, thế mà vẫn còn rất nhiều người Châu Phi phải bị chết khát vì không có nước sạch. Cậu bé Ryan 6 tuổi người Canada đã vô cùng xúc động, với suy nghĩ rằng, nhiều người đang chết và cậu nói với ba mẹ rằng mình cần số tiền đó.

Thế rồi, cậu nhận làm việc nhà. Với mỗi hai đôla kiếm được, cậu lại gạch thêm một vạch trên cái thước rồi bỏ tiền vào trong cái hộp thiếc. Cậu làm việc không ngừng. Ryan hút bụi, lau cửa sổ và nhiều việc khác. Thậm chí cậu còn làm việc nhà cho cả những người hàng xóm cũng như ông bà nội, ông bà ngoại và rồi tất cả số tiền kiếm được đều bỏ vào trong hộp thiếc.

Sau bốn tháng, Ryan đã tiến đến gần mục tiêu của mình. Mẹ cậu đã gọi điện cho một người quen làm ở cơ phát triển quốc tế của Canada để nhờ liên lạc với tổ chức cung cấp nước sạch và hệ thống vệ sinh cho người dân ở các nước đang phát triển.

Tháng tư năm 1998. Ryan đã mang theo hộp thiếc đầy tiền của mình đến gặp vị giám đốc của chương trình WaterCan". Họ đã cám ơn cậu bé và nói rằng sự đóng góp của cậu rất quan trọng, tuy nhiên để xây một cái giếng thì cần phải tốn đến những 2.000 đôla. Ryan không hề thất vọng và nói một cách đơn sơ chân thành: “Không sao ạ. Con sẽ làm việc nhà nhiều hơn nữa!”.

Tin tức về những gì Ryan đang làm đã lan đi khắp nơi và chẳng mấy chốc cha mẹ cậu nhận được nhiều cuộc gọi từ các hãng truyền thông. Một tờ báo cũng đăng tải câu chuyện về cái giếng của Ryan và sau đó số tiền đóng góp được gửi đến từ khắp nơi. Một trường trung học ở Comwall, Ontario, sản xuất nước đóng chai và tặng tổ chức WaterCan một tấm séc trị giá 228 đôla để ủng hộ cho chương trình đào giếng của Ryan.

Đội Hợp Ca Thiếu Nhi Trung Ương ở Ottawa đã quyên góp 1.000 đôla. Hiệp Hội Nước Ngầm ở Miền Đông Ontario đã đóng góp 2.700 đôla. Chẳng mấy chốc Ryan đã có nhiều hơn số tiền cần có để xây giếng. Thế là, cái giếng của Ryan đã được xây cạnh trường tiểu học Angolo ở Uganda, Châu Phi và hoàn thành vào tháng tư năm 1999!

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó. Bắt đầu từ một mơ ước của một cậu bé nhằm thay đổi cuộc sống của nhiều người, mà hầu hết là những người cậu chưa từng gặp. Tổ chức từ thiện mang tên Ryan đã quyên được một số tiền rất lớn và đã có thể xây dựng được cả hàng ngàn chiếc giếng ở Châu Phi.

Còn Ryan thì vẫn chăm chỉ làm việc mỗi ngày, và lời cầu nguyện mà cậu bé vẫn thường khấn nguyện mỗi đêm đó là: “con cầu mong cho mọi người ở Châu Phi đều có nước sạch". Đó chính là sức mạnh của một ước mơ.

Đến đây tôi sực nhớ có một câu danh ngôn thế này: "Nếu quí vị nhìn thấy một gia đình hạnh phúc, quí vị nên biết rằng, ở trong gia đình đó, có những con người đã biết sống quên mình”. Đó chính là giá trị của lòng hy sinh. Định nghĩa hạnh phúc luôn được đặt trên nên tảng là lòng hy sinh. Đừng bao giờ từ chối người khác nếu chúng ta vẫn có cơ hội để trao ban.

Chúng ta đã từng gặp vô số những con người luôn phàn nàn, và có khuôn mặt khó coi. Họ dường như luôn muốn người khác thấy họ vô cùng khổ sở trong công việc của mình. Chúng ta tin rằng nếu cứ phàn nàn và giữ bộ mặt nhăn nhó như vậy, thì chắc chắn họ sẽ còn gặp khó khăn mãi và không có gì ngạc nhiên là họ sẽ mãi dậm chân tại chỗ!

Trái lại chúng ta cũng đã gặp những người luôn vui vẻ sẵn sàng giúp đỡ người khác dù hoàn cảnh, cũng như công việc của họ vẫn còn khó khăn. Những người như vậy sẽ luôn có những người yêu mến và trân trọng.

Vậy, thay cho lời kết, chúng ta cùng nhau xác tín rằng: để có được chiếc chìa khóa của hạnh phúc đích thật, chúng ta chỉ cần áp dụng một nguyên tắc vô cùng đơn giản ngay ngày hôm nay. Hãy làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình như Đức Giêsu dạy: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy." (Mt 7,12).[3] Amen.

---------------

[1] Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 7

[2] Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2017

[3] Tuấn Hải - Lê Hằng. Phút Suy Niệm Tháng Mân Côi, trg.208-318

 

44.Hãy thả lưới bên phải thuyền (Lc 5, 1-11)

(Suy niệm của ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)

Các Tông đồ đã đánh cá vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Nay Chúa Giêsu bảo các ngài phải ra khơi một lần nữa. Chắc các ngài phải ngần ngại lắm. Ngần ngại vì vừa qua một đêm vất vả, thân thể mỏi nhừ vì suốt đêm phải vật lộn với biển cả, với sóng gió, với chài lưới. Ngần ngại vì đang buồn ngủ. Mắt chĩu nặng vì suốt đêm không ngủ, đang cần một giấc ngủ để hồi phục sinh lực. Ngần ngại vì vừa bị thất bại ê chề, đã mất hết ý chí phấn đấu. Thế nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa, ra khơi, thả lưới. Và kết quả thật là bất ngờ. Lưới đầy cá chất đầy hai thuyền đến gần chìm.

Qua bài Tin Mừng này Chúa muốn dạy tôi những bài học về việc truyền giáo.

Bài học thứ nhất: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi vất vả. Phải lao động đêm ngày. Như các Tông đồ đã chài lưới suốt đêm thâu trong sương đêm giá lạnh, trong sóng gió biển khơi, trong vất vả cực nhọc. Suốt đêm đã lênh đênh trên biển cả, sáng sớm vừa mới về tới đất liền, tưởng được nghỉ ngơi, không ngờ lại phải ra khơi ngay tức khắc. Ra khơi cả lúc đang mệt mỏi cần nghỉ ngơi. Người muốn truyền giáo cũng phải noi gương các tông đồ. Làm việc không nghỉ. Phải đầu tư sức lực và trí tuệ. Phải phấn đấu không ngừng. Làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ. Và phải chấp nhận tất cả những mỏi mệt, những thử thách.

Bài học thứ hai: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi kiên trì. Vì việc truyền giáo có nhiều thất bại hơn thành công, có nhiều mệt nhọc hơn vui thích, nên việc truyền giáo đòi hỏi rất nhiều kiên trì. Kiên trì khi đã gặp thất bại. Kiên trì khi đã chán nản, mệt mỏi rã rời. Kiên trì khi gặp những trắc trở. Như lời thánh Phaolô khuyên dạy: “Hãy rao giảng Lời Chúa. Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tim 4,2). Các Tông đồ thật kiên trì, mặc dù đã thất bại sau suốt một đêm vất vả, các ngài vẫn tiếp tục ra khơi theo lệnh Chúa truyền. Trong quá khứ, ta đã gặp nhiều thất bại trong việc truyền giáo. Hôm nay Chúa lại mời gọi ta hãy ra khơi, hãy lên đường truyền giáo. Ta hãy mau mắn đáp lời Chúa mời gọi, kiên nhẫn làm việc trên cánh đồng truyền giáo, bất chấp mọi thất bại, bất chấp mọi chán nản.

Bài học thứ ba: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi thanh luyện bản thân. Truyền giáo là công việc thánh thiện nên người truyền giáo phải thánh thiện. Sự thánh thiện khởi đi từ nhận thức thân phận yếu hèn tội lỗi. Và từ đó nảy sinh nhu cầu được thanh luyện. Như Phêrô cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng ở gần Chúa. Như Phaolô ngã ngựa cảm thấy mình lầm lạc. Như Isaia cảm thấy môi miệng mình ô uế. Sau khi được thanh luyện các ngài đã trở thành những nhà truyền giáo gương mẫu. Thánh hóa bản thân là một điều kiện quan trọng để truyền giáo thành công.

Bài học thứ tư: Truyền giáo là một công việc đòi hỏi lắng nghe Lời Chúa. Vì truyền giáo là một công việc thiêng liêng. Nên ta không thể cậy dựa vào sức lực phàm nhân, phương tiện phàm trần. Các tông đồ là những ngư phủ chuyên nghiệp. Các ngài biết rõ biển hồ Galilê như lòng bàn tay. Thế mà các ngài đánh cá suốt đêm chẳng được con nào. Đó là bài học dạy ta biết rằng, nếu cậy dựa vào tài sức riêng, việc truyền giáo sẽ không có kết quả. Việc các tông đồ vâng lời Chúa ra khơi và vâng lời Chúa thả lưới bên phải mạn thuyền cho ta thấy một thái độ khiêm nhường lắng nghe. Dù Chúa Giêsu không phải là ngư phủ chính gốc. Dù Chúa Giêsu không hiểu biết biển hồ, nhưng các ngài vẫn vâng lời Chúa. Chính nhờ thế, các ngài đã thành công. Người làm việc truyền giáo phải noi gương các tông đồ biết khiêm nhường nhận biết sự bé nhỏ nghèo hèn của bản thân để thao thức lắng nghe Lời Chúa. Chỉ làm theo Lời Chúa, làm theo ý Chúa, làm vì Chúa việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng chấp nhận những vất vả khổ cực trong việc truyền giáo. Xin cho chúng ta biết chấp nhận cả những thất bại mà vẫn kiên trì lên đường truyền giáo. Và nhất là xin cho mọi người chúng ta được Chúa dạy bảo, để biết làm theo ý Chúa. Chỉ có như thế, việc truyền giáo mới có kết quả tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin kêu gọi chúng con lên đường truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, xin thanh luyện chúng con để xứng đáng làm việc truyền giáo. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết cách làm việc truyền giáo. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Truyền giáo là lẽ sống của Hội Thánh, bạn có ý thức điều này không?

2. Muốn truyền giáo phải có những điều kiện nào?

3. Bạn đã bao giờ bắt tay vào việc truyền giáo chưa?

4. Năm nay bạn đã quyết tâm làm gì để đóng góp vào việc truyền giáo?

 

45.Truyền giáo bằng trái tim

(Suy niệm của Lm JB. Lê Ngọc Dũng)

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội, đồng thời chúng ta cũng ý thức sứ mệnh truyền giáo đó cũng là sứ mệnh của mỗi người Kitô hữu.

Trong bối cảnh ngày nay, người ta thiên về những hoạt động thực tế để sinh sống, tin vào những thành công của khoa học. Họ không thích nói đến chuyện đạo, cho rằng đó là chuyện xa vời, thiếu thực tế, tin vớ vẫn, mê tín dị đoan. Trong bối cảnh này, chúng ta thấy khó mà truyền giáo.

Giáo Hội cũng đã đề nghị chúng ta một số giải pháp khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh mỗi người: hoặc bằng cầu nguyện hy sinh, hoặc bằng góp tiền bạc ủng hộ việc truyền giáo, bằng cuộc sống chứng tá đức tin... Trong các giải pháp đó, hôm nay tôi đề nghị đi sâu vào giải pháp chứng tá đức tin bằng đời sống bác ái khoan dung, tạm gọi là truyền giáo bằng trái tim.

Tại sao lại truyền giáo bằng trái tim? Lý do là, cái yếu nhất và cũng là mạnh nhất đối với con người là vấn đề tình cảm, tình yêu. Chỉ có tình yêu thương bác ái mới có thể làm lay động được tâm hồn con người. Tình yêu thương bác ái cũng chính là giới răn mà Thiên Chúa truyền cho chúng ta để trở nên thánh thiện, xứng đáng làm con cái Chúa.

Tại Nam Tư, trong một lần giúp lễ, một cậu bé vô tình đánh rơi lọ rượu. Vị linh mục tức giận tát cậu bé và thét lên: “Cút đi, đừng bao giờ trở lại đây nữa.” Cậu bé ấy không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, bởi sau này cậu đã trở thành chủ tịch của một nước cộng sản, cậu bé ấy chính là Titô, chủ tịch nước Nam Tư.

Và cũng tại một nhà thờ chính toà, một buổi lễ cho Đức Giám Mục chủ tế đang cử hành. Môt em bé 7 tuổi, giúp lễ, cũng vô tình đánh rơi lọ rượu. Âm thanh lọ rượu rơi trên nền đá cẩm thạch, đối với em bé còn lớn hơn là âm thanh của một trái bom nguyên tử. Em sợ hãi đến chết  được. Vì mấy cậu bé giúp lễ cứ nghĩ là Đức Cha là người rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau thánh lễ, ngài gọi em bé đến và hỏi: "Lớn lên con sẽ học trường nào?" Rồi Ngài nói tiếp: "Con có bao giờ nghe nói tới Louvain không?" Em đáp: “Thưa Đức Cha, chưa”. Ngài nói: “Vậy con hãy về nói với mẹ con rằng, khi con lớn lên, con sẽ vào đại học Louvain”.

Không ngờ rằng 20 năm sau, em bé đó, khi chịu chức linh mục đã ngồi trên chuyến xe lửa đi về Louvain. Em bé đó chính là Đức Giám Mục Fulton Sheen, một diễn giả đại tài ở Mỹ. Chính Ngài đã kể chuyện đời mình như một kinh nghiện về tình yêu về sự khoan dung tha thứ. Ngài nói tiếp: Cũng một biến cố đánh rơi lọ rượu, nhưng tôi đã đi về hướng này. Còn Titô thì đi về hướng ngược lại.

Cũng một biến cố nhưng với cách đối xử không có tình cảm đã đưa một người đến vô thần, nhưng với cách đối xử đầy tình yêu mến đã đưa một người thành một Kitô hữu đạo đức và hơn nữa một con ngưòi đáng kính trọng trong Giáo Hội.

Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta là một minh chứng hùng hồn hơn ai hết về truyền giáo bằng trái tim. Mẹ đã không đứng ra để giảng thuyết hùng hồn, nhưng mẹ đã truyền giáo bằng hành động yêu thương cứu gíup những người nghèo, những người bị xã hội bỏ rơi bên lề đường, hay những bệnh nhân bên đống rác. Tình yêu của mẹ, của một người nữ nghèo âm thầm làm việc vì tha nhân, vì tình yêu, đã đánh động cả thế giới, kể cả những người có đức tin tin hay không có đức tin. Khi giải Nobel hoà bình năm 1979 được quyết định trao cho mẹ, báo chí thi nhau nêu lên những tước hiệu độc đáo để giới thiệu một nhân vật ngoại hạng: Tờ Grazia nói “ Giải Nobel cho mẹ những người nghèo”. Tờ Figaro MagaZine gọi mẹ là “Mẹ Têrêsa, giải Nobel bác ái”, Pari Match có bài tường thuật dài dưới tựa đề: “Giải Nobel cho vị nữ tu bé nhỏ của những người cùng đinh”. Tờ Le Courrier Francais tuyên bố: “Giải Nobel của những người nghèo”.

Như vậy khi nhìn cánh đồng truyền giáo, cho dù có nhiều khô cằn vì ảnh hưởng của đời sống văn minh vật chất, thì cũng có những đang có những cây xanh tốt đang mọc lên, bao giờ chúng ta cũng thấy nổi bật hơn hết là sức sống bác ái. Chính trái tim rộng mở của người Công giáo mới có thể đánh động được trái tim của những người ngoài Công giáo. Cho nên có thể nói rằng bí quyết truyền giáo là ở trái tim. Chìa khoá truyền giáo là trái tim, một trái tim giống như trái tim của Chúa Giêsu: hiền lành, khiêm nhường, bác ái và bao dung.

 

home Mục lục Lưu trữ