Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1355984

PHÉP LẠ HÓA BÁNH, DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG

PHÉP LẠ HÓA BÁNH, DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 

Phép lạ hóa bánh ra nhiều đã được tiền báo trong những tường thuật của các tiên tri thời Cựu Ước. Vào thời tiên tri Êlisê, phép lạ này cho thấy với sự hiện diện của tiên tri, người ta không sợ hãi vì số lượng ít ỏi của bánh mà mình đang có, vì nhờ vị tiên tri, chính Chúa sẽ ban phát dư dật bánh ăn cho mọi người, ngay cả trong thời kỳ đói kém. Trong khi người dâng bánhvà người môn đệ bối rối vì biết mình chỉ có một số bánh ít ỏi và hạn chế, nhưng tiên tri Êlisê vẫn cứ truyền cho ông : “cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa đã phán người ta ăn rồi mà vẫn còn dư”. Những phép lạ này cũng như phép lạ manna trong sa mạc thời Môisen báo trước thời kỳ của Đấng cứu thế sẽ ban bánh đích thực nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu và là lương thực ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cụ thể những hình ảnh đã được báo trước trong Cựu ước. Người sẽ hoàn tất những gì đã được báo trước qua các tiên tri. Đấng cứu thế sẽ ban tặng bánh dư dật, người sẽ là vị Môisen mới qui tụ dân chúng tản mác quanh bàn tiệc Thánh Thể, thực hiện một cuộc xuất hành mới quyết định, sẽ dẫn đưa tới quê trời đích thực và sự sống thần linh. Vì thế, câu chuyện của bài Tin mừng Gioan Chúa nhật này với những lời dẫn nhập thật ý nghĩa: lúc bấy giờ là lúc gần đến đại lễ Vượt qua của những người do thái, Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ, có đám đông dân chúng theo người. Câu chuyện được tập trung ngay từ đầu vào Chúa Giêsu: người lên núi và ngồi đó với các môn đệ, người ngước mắt lên và nhìn thấy dân chúng, người có sáng kiến tìm bánh cho dân chúng ăn nên người chủ động hỏi Philipphê : “Ta mua đâu bánh cho những người này ăn”. Tuy hỏi môn đệ Philipphê, nhưng người biết mình sẽ làm gì, người ra lệnh cho dân chúng ngồi xuống và từ năm chiếc bánh và hai con cá ít ỏi của một em bé, người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đoàn người đông đảo, khoảng năm ngàn người đàn ông. Sau khi ăn no, các tông đồ còn thu lại được mười hai thúng đầy.

Chúa Giêsu là Đấng cứu thế đã được báo trước. Người là Môisen mới dẫn đưa mọi người đến sự sống chân thực. Người không chỉ thực hiện phép lạ hóa bánh để nuôi mọi người ăn no, mà còn ban tặng Thánh Thể là thịt máu của người. Bài tường thuật phép lạ vượt quá khung cảnh lịch sử với những lời tường thuật của cộng đoàn Giáo hội hậu phục sinh là những lời mà các tín hữu vốn đã quen thuộc trong những cử hành Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh và tạ ơn”. Chính người là Đấng hành động cách quyết định và mạnh mẽ, người cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát. Chính Người là Đấng ban tặng cách dư dật từ nguồn sống phong phú của người và mọi người được hưởng nhờ sự sống sung mãn của người. Các tông đồ là những người được mời gọi cộng tác với người để phân phát cho dân chúng và số bánh được thu lại là mười hai thúng đầy là hình ảnh đoàn dân mới của Thiên Chúa được nuôi dưỡng bằng lương thực thần linh là Thánh Thể. Đứng trước phép lạ hóa bánh, nhiều người có thể hiểu lầm và lợi dụng. Những người do thái đã hiểu rằng Chúa Giêsu là vị tiên tri cao cả mà Thiên Chúa ban tặng khi chứng kiến phép lạ hóa bánh, nhưng họ dừng lại ở ý nghĩa vật chất của bánh ăn, họ muốn bắt người để tôn người lên làm vua, nhưng người lại trốn lên núi một mình.

CHÚA NHẬT XVIITHƯỜNG NIÊN- B

TẤM BÁNH YÊU THƯƠNG– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Trong ba năm rao giảng Tin mừng thực thi chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền và  kèm theo các phép lạ. Một trong những phép lạ mà Tin mừng hôm nay đề cập đến đó là hóa bánh ra nhiều. Qua phép lạ này, làm nổi bậc lên lòng Chúa thương xót con người.

 Xưa kia trong sa mạc, trên đường về Đất Hứa, dân Do Thái van xin Chúa ban lương thực cho họ. Trước những lời cầu khẩn đó, Thiên Chúa chạnh lòng thương, Ngài ban Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra nuôi dưỡng họ suốt 40 năm.

Nay trên hành trình rao giảng Tin mừng, dân chúng tin theo Chúa đông lắm, nhìn thấy họ như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa chạnh lòng thương nên dạy dỗ họ nhiều điều. Và vì thương xót, nên Ngài hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no nê.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tiến bộ không ngừng. Thực phẩm chứa đầy trong các siêu thị và kho lẫm. Ấy thế mà, có những tấm lòng con người hẹp hỏi ích kỷ, chỉ lo cho mình hơn là lo cho người khác. Vì thế, thánh Gioan Phaolô II nói rằng: “Đó là nền văn minh của sự chết “.

Theo ngành y tế thế giới cho biết, hiện nay có gần hai tỉ người đang rơi vào cảnh thất nghiệp nghèo đói cùng cực. Mỗi ngày có gần một tỉ người đi ngủ đêm với bụng đói. Và mỗi ngày có hơn cả trăm ngàn người chết đói, chết khát, chưa kể chết vì phá thai, tai nạn, dịch bệnh, thiên tai…

Mặc dầu thế giới văn minh như thế, nhưng luôn có những người bần cùng khốn khổ, trẻ em suy dinh dưỡng, bệnh nhân không có thuốc uống. Bên cạnh đó có những người cư ngụ trong những biệt thự cao cấp, ăn sang, mặc đẹp không làm chi cho hết tiền.

Xã hội văn minh hôm nay đang tạo ra những “cỗ người máy”, sống vô cảm dửng dưng với anh em đồng loại. Một số người làm ăn giàu có, tích trữ của cải, nhưng lại khép lòng trước người nghèo, và không quan tâm gì đến việc từ thiện đồng cảm với nhau.

 Những chuyên viên nghiên cứu cho biết rằng: nếu của cải vật chất trên trần gian này được phân phối đồng đều, thì sẽ không có cảnh đói khát và nghèo khổ. Có khi, người ta không chết vì chén cơm manh áo, nhưng người ta đói tình người, đói sự quan tâm chia sẻ cho nhau.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh lây lan, chúng ta phải giãn cách vì phòng chống dịch bệnh. Một số công ty, xí nghiệp, giao thông, hàng quán, chợ búa phải ngưng hoạt động… từ đó làm cho nhiều người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp không có công ăn việc làm, có nhiều người đang gồng mình với cơm áo gạo tiền và những khoảng chi trả khác.

Trong tình trạng đau thương đó, chúng ta thấy có nhiều người quan tâm đến những hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh được thể hiện trong tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là nhưng siêu thị không đồng, quán ăn giả chiến, bữa cơm từ thiện….Có thể nói đây là những điểm sáng bừng lên giữa đêm đen, là bình minh của yêu thương. Từ đó, chúng ta nhận định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có những tấm lòng nhân ái, nghĩa cử quan tâm, tấm bánh yêu thương.

Điểm thứ hai rút ra từ bài Tin mừng hôm nay, đó là sự cộng tác. Chúa Giêsu, Đấng quyền năng làm được mọi sự, nhưng Ngài cũng cần con người cộng tác. Khi chữa lành bệnh nhân, Chúa đòi lòng tin nơi họ. Nay làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Ngài cần có sự cộng tác của con người.

Cụ thể như hôm nay, nhờ năm chiếc bánh và hai con cá do lòng quảng đại của một cậu bé, mà Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để bao nhiêu ngàn người được ăn dư thừa.

 Phép lạ hóa bánh ra nhiều cả bốn Tin Mừng đều kể lại, như hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể mà sau này Chúa Giêsu sẽ thiết lập trong bữa Tiệc ly. Ngày xưa, Chúa đã ban bánh từ trời xuống cho nhân loại thế nào, thì ngày nay, trên bàn thờ khắp cùng thế giới, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nhờ đôi tay linh mục bẻ tấm bánh là Mình Máu thánh Ngài để nuôi sống linh hồn con người như vậy. Nhờ của ăn thần lương này, mà con người được nuôi dưỡng và tăng thêm sức mạnh thiêng liêng, để đủ sức tiến về đất hứa là quê hương Nước trời.

Ước gì, chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, cống hiến đời mình thành những tấm bánh yêu thương chia sẻ cho tha nhân, tuy đơn sơ nhỏ bé, nhưng với lòng thương cảm và con tim rộng mở, Chúa sẽ làm phép lạ, để thế giới này bớt đi cảnh đói nghèo vật chất và đói khát tình thương, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đối diện với cơn đại dịch làm chúng ta phải giãn cách nhưng không giãn lòng. Những người con Chúa sẽ thấy đại dịch là cơ hội để trở thành tấm bánh chia sẻ, có sức lan tỏa yêu thương. Amen.

home Mục lục Lưu trữ