Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1356450

SỨ MỆNH CỦA NHÓM MƯỜI HAI TẠI GALILÊ

SỨ MỆNH CỦA NHÓM MƯỜI HAI TẠI GALILÊ (*)- Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

 

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Không phải các sứ đồ tự chọn sứ mệnh cho mình. Như Amos, Phaolô (bài đọc 1 và 2), họ đã được chọn: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Vì họ rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải sứ điệp của họ. Và sứ mệnh họ là Tin Mừng hóa thế gian, dù lúc thuận tiện hay bất thuận tiện, dù phải lưu đày hay phải chết.

2) Lệnh lên đường: không mang bánh, bao bị, tiền bạc, không mặc hai áo. Nghĩa là phải khẩn trương, vì thời gian cấp bách, phải nhẹ nhàng, vì phương tiện chính là phương tiện của Chúa. Bận bịu với của cải, lo cho đầy đủ phương tiện như ý mình thì khó mà cả bước lên đường truyền giáo! Có bao giờ ta cảm nghiệm được tính cách cấp bách này không? Để dứt khoát dấn thân, để khẩn trương hối cải, để chinh phục thế gian ngay trong thế hệ mình! “Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xích vàng, để tiến tới. Cuối đường có Chúa đón chờ con” (ĐHV 179).

3) Chúa Giêsu sai đi từng hai người, là để trước hết họ cho một chứng tích sống động về điều họ rao giảng: cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Người ta cứ dấu đó mà biết họ là môn đồ của Chúa. Sau là để nâng đỡ nhau. Người tông đồ nào không được nâng đỡ hay không tìm sự nâng đỡ, hiệp thông nơi các bạn đồng chí, thế nào cũng cằn cỗi trong công việc rồi xé lẻ tách rời.

4) Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Quỷ là tên chia rẽ, chia rẽ dưới mọi hình thức: chia rẽ trong chính con người, chia rẽ trong xã hội, chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, là thầy thuốc chữa lành, là Đấng tái tạo sự hiệp nhất trong con người, giữa con người, giữa con người với Thiên Chúa. Người tông đồ phải đặt lại vấn đề khi thấy công việc mình làm không đem lại sự hiệp nhất và bình an trong chính bản thân, trong môi trường hoạt động.

5) Có nhiều hình thức làm tông đồ trong xã hội hôm nay: Tông đồ bằng đau khổ: không rao giảng, không hoạt động, nhưng thinh lặng tế lễ cứu bao linh hồn. Như Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, Đức Mẹ hấp hối trong tâm hồn dưới chân thập giá. Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng: như hạt lúa chôn vùi, thối nát để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại. Tông đồ bằng chứng tích: tang vật đáng tin hơn. Tông đồ bằng tiếp xúc: “Tâm hồn chúng ta chẳng nóng lên khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” (Lc 24,32). Tông đồ bằng tư tưởng: nâng đỡ người bạn đang lung lạc, ủi an kẻ sầu buồn… Tông đồ bằng bữa ăn: ăn là chuyện thường tình. Nhưng Chúa Giêsu ăn ở nhà Mađalêna, ở nhà Simon, Giakêu khác xa chúng ta: “Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến với nhà này” (Lc 19,9). Tông đồ bằng thư từ: Phaolô ngồi trong tù, không máy in, vẫn viết thư cho một giáo đoàn, giáo đoàn ấy chép lại rồi chuyển sang cho giáo đoàn khác. Cứ thế, Phaolô đã giữ vững và phát triển đức tin của Hội Thánh sơ khởi. Con hãy để tất cả lòng yêu thương con vào phong bì rồi dán lại, gởi đi.

(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- B

ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang. Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán. Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang. Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người. Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người. Đây chính là hành trang quan trọng nhất. Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa khoá thành công của sứ vụ. Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người. Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha. Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác. Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một. Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục. Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin. Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người. Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ. Phải liên đới với con người. Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu. Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương. Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Tức là đến với những người kém may mắn ở đời. Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên. Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương. Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát. Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc. Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người. Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ. Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp. Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại. Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em. Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa. Liên kết mọi người trong tình yêu mến. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa. Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?

2- Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ không?

3- Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?

4- Đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ của Chúa?

 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN-B

ĐƯỢC MỜI GỌI VÀ SAI ĐI-  Lm. Phêrô Lê Văn  Chính

 Nước Thiên Chúa được thực hiện cách cụ thể bằng việc Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi thực tập rao giảng Tin mừng. Đồng thời Nước Thiên Chúa làm phát sinh những ơn gọi đặc biệt như tông đồ là những người được tuyển chọn và sai đi cùng với quyền năng của Chúa Giêsu để rao giảng và làm chứng cho Nước Thiên Chúa. Bài Tin mừng chúa nhật tuần này tường thuật việc Chúa Giêsu sai các tông đồ ra đi rao giảng và nhắc nhở những cách thức căn bản trên con đường truyền giáo. Các ngài nhận được từ chính Chúa Giêsu quyền năng xua trừ ma quỉ và cũng được nhắc nhở không được mang theo gì dọc đường như bánh, bao bị, tiền bạc dắt lưng, chỉ trừ cây gậy. Các ngài cũng được nhắc nhở hãy cứ ở lại nhà nào đã đón tiếp các ngài cho tới khi ra đi và nơi nào không đón tiếp và không nghe lời các ngài, các ngài có quyền phủi bụi chân ra đi như một dấu chứng tố cáo họ. Theo nguyên ngữ hy lạp, chữ tông đồ có nghĩa là được sai đi. Các ngài được chọn gọi và sai đi cách chính thức với thẩm quyền của Chúa Giêsu. Trong tường thuật truyền giáo này, chúng ta cũng chú ý tới những chi tiết như các tông đồ được sai đi từng hai người một. Theo luật Môisen, cần phải có hai nhân chứng để lời chứng có giá trị. Ngoài ra số hai cũng là số biểu tượng để chỉ cộng đoàn, có nghĩa các người được sai đi không hoạt động một mình hay đơn lẻ, nhưng thành từng nhóm hai người với ý nghĩa hoạt động của các ngài có tính cộng đoàn. Và nhất là chính Chúa Giêsu ban cho các ngài quyền năng trừ quỉ vốn là dấu hiệu của Nước Thiên Chúa đã được khai mạc.

          Trong những lời căn dặn của Chúa Giêsu, điều đánh động chúng ta, đó là những lời nhắn nhủ  đặc trưng cổ thời làm cho chúng ta hình dung hình ảnh những nhà truyền giáo lưu động và khó nghèo. Các ngài phải đi từ làng này qua làng khác cũng như từ thành này qua thành khác, và dừng chân nơi những nhà đón tiếp các ngài. Ngay những nhu cầu cần thiết như bánh ăn và tiền túi, các ngài không được mang theo mà lãnh nhận từ quà tặng của những người đón tiếp các ngài. Trang phục và hành lý của các ngài cũng phải đơn giản gọn gàng để không trở nên cồng kềnh vướng bận, không được mang theo hai áo, nhưng được phép mang dép. Vào thời Chúa Giêsu, người ta thường đi chân không, nhưng để đi xa, thì cần phải mang dép và gậy. Những sứ giả của Tin mừng được quyền nhận sự tiếp đón của người khác vì đã mang Tin mừng biếu không. Nhưng Tin mừng là lời mời gọi mọi người đón nhận cách tự do, nên không hề ép buộc ai phải đón nhận Tin mừng ngoài ý muốn. Nếu như thành nào hay làng nào từ chối đón nhận Tin mừng, thì các tông đồ sẽ ra đi và phủi bụi chân làm dấu chứng đã không được đón tiếp bởi thành đó. Theo nghi thức của đông phương xưa kia, người ta làm dấu phủi bụi chân như dấu chỉ đoạn tuyệt đối với thành hay nơi nào thù nghịch. Cứ như thế, các tông đồ đã ra đi loan báo Nước Thiên Chúa và mời gọi hoán cải. Các ngài cũng làm được nhiều phép lạ, xua trừ ma quỉ. Các ngài xức dầu trên nhiều bệnh nhân và chữa lành cho họ khỏi mọi bệnh tật.

          Sứ vụ được sai đi rao giảng là sứ vụ khẩn cấp vì để rao giảng sự sám hối. Sứ vụ này rất khẩn thiết đến độ các tông đồ không được phép mang hành lý cồng kềnh dù cho là rất cần thiết cho hành trình dài của các ngài. Sứ vụ này cũng rất cần thiết đến độ các ngài không được phép ở lại nơi những người không đón tiếp các ngài. Sứ vụ này rất quan trọng cho nên các ngài được lãnh nhận từ chính Chúa Giêsu quyền năng để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Bởi vì tội lỗi và ma quỉ giam cầm con người trong quyền lực của nó, cần phải có chính sức mạnh thần linh của Chúa Giêsu mới có thể giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Sứ vụ này cũng là sứ vụ sám hối để nhờ đó, con người xứng đáng đón nhận ơn tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa. Lời mời gọi sám hối này vốn không ngừng được nhắc nhở qua các tiên tri là những người được Thiên Chúa trao ban sứ mạng. Tiên tri Amos là người được Thiên Chúa chọn và sai đi một cách đặc biệt để đến rao giảng cho Israel là vương quốc phía Bắc lời mời gọi sám hối. Khi đến rao giảng ở đây, ông bị thẩm quyền địa phương xua đuổi ngăn cấm vì lời rao giảng của ông làm cho những người Israel khó chấp nhận. Nhưng tiên tri Amos vẫn can đảm thi hành sứ vụ của mình và mạnh mẽ công bố rằng mặc dù ông chỉ là một người chăn bò và hái trái sung, nhưng ông nhận được lệnh truyền đặc biệt của Thiên Chúa để đi đến xứ Israel rao giảng lòng sám hối cho mọi người. Ông không sợ hãi và chùn bước trước lời đe dọa nào.

          Ơn gọi là điều lạ lùng vì nâng cao người được kêu gọi, làm cho họ thi hành một sứ vụ quan trọng. Ơn gọi cũng phát xuất từ thánh ý Thiên Chúa là Đấng ban phát ơn gọi cho mỗi người. Cả tiên tri Amos lẫn các tông đồ đều là những người được chọn gọi và sai đi bởi Thiên Chúa. Các ngài vốn là những người có nghề nghiệp rất khiêm tốn và các ngài cũng không tự chọn sứ mạng này. Nhưng các ngài được chọn gọi và sai đi để trở nên tiên tri và tông đồ với sứ mạng rao giảng Tin mừng, rao giảng lòng sám hối và nhận lãnh quyền lực để xua trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật. Đối với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi và sai đi. Theo thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi đến một đời sống thánh thiện, chúng ta được tuyển chọn để được làm con Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, được tha thứ mọi tội lỗi, được hưởng phần gia nghiệp vinh quang muôn đời. Đời sống người tín hữu cũng là được chọn gọi và sai đi để làm chứng cho Tin mừng bằng chứng ta của đời sống hằng ngày của mình. Ý thức được điều này, mỗi người phải cố gắng sống xứng đáng và trở nên chứng nhân cho Tin mừng bằng việc cần mẫn và chuyên chăm trong sứ vụ và ơn gọi của mình.

home Mục lục Lưu trữ