Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 36

Tổng truy cập: 1347935

THÁNH THẦN CHÚA NGỰ TRÊN TÔI

THÁNH THẦN CHÚA NGỰ TRÊN TÔI- Lm. Paul-Maurice Lâm Thái Sơn

Thông thường chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu chỉ đi giảng dạy trên khắp bờ cõi xứ Giuđêa, mà quên rằng Ngài vẫn hành đạo như mọi người Do Thái thời đó, và theo thói quen, thì ngày nghỉ lễ, Ngài vào Hội Đường. Hôm đó Ngài được mời đọc sách, vừa mở ra Ngài gặp đoạn chép rằng: “ Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…” Sứ mệnh của Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế là: rao giảng Tin Mừng để làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Là những người tin theo Ngài, sứ mệnh của chúng ta, qua lời nói và hành động, cần phải phản ảnh Tình thương Thiên Chúa đến biến đổi tất cả, như Chúa Giêsu đã đến để thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức…

Khi đề cập đến Tình Yêu, hẳn nhiên chúng ta không thể nào không biết đến nhiều phong trào hiện đại với chủ đề “yêu cuồng sống vội” hoặc những trào lưu tư tưởng chủ trương tự do luyến ái… do đó những từ ngữ “yêu-thương” được quá thông dụng đến độ không còn mang ý nghĩa đặc thù, và đôi khi giá trị của những chữ đó cũng bị giảm sút.

Và lúc còn nhỏ, khi được dạy bảo phải thương yêu nhau, qua những câu ca dao: anh em như thể tay chân… thương người như thể thương thân… bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy không cùng giống nhưng chung một giàn v.v… chúng ta nghĩ rằng thương yêu là ngoan ngoãn, vâng lời, không làm buồn lòng người trong gia đình hay bạn bè. Nhưng khi lớn khôn, ta lại hiểu thêm tình yêu không chỉ giới hạn một cách tiêu cực ở mức không làm hại kẻ khác, và nếu chúng ta là chứng tá của Đức Kitô thì mức độ Yêu Thương cần phải vượt xa hơn nữa. Yêu Thương là cổ động bênh vực lẽ phải chống lại những gì làm nguy hại đến đời sống con người, là đứng về phía bảo vệ quyền lợi những người bị bất công áp bức hoặc bị ruồng bỏ, là dấn thân đấu tranh cho công ích để mọi người đều có phần trong miếng cơm manh áo, được hưởng hạnh phúc trong công lý và bình đẳng. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu nắm rõ từ lúc bắt đầu đi rao giảng Tin Mừng.

Cựu Ước, đối với Đức Kitô, là Lời của Thiên Chúa tác động trên “Đấng được xức dầu” sẽ phải đến (còn được gọi là: “Đấng thiên sai”), và gợi ra hai đường hướng có vẻ khác nhau: trong nhiều trường hợp, đấng thiên sai được coi như một tướng lãnh hùng mạnh dẫn đưa dân Ít-diên làm bá chủ thế giới và áp đặt lề luật Thiên Chúa ở khắp nơi. Nhiều nhà chú giải còn thêm rằng vị thiên sai đó sẽ xét đoán, lên án và tiêu diệt những ai không chấp nhận lề luật này. Ngược lại trong những đoạn khác, vị thiên sai được xem như là người của Thiên Chúa đến để liên kết Dân của Ngài trong một giao ước tình yêu và tha thứ, vì Thiên Chúa là Đấng ban tặng tình thương và ân sủng, ban phát một cách nhưng không, Ngài không áp đặt và hoàn toàn tôn trọng sự tự do của những ai ngỏ lời cùng Ngài. Vậy thì tràn đầy Thánh Thần, “đấng được xức dầu” (Đấng Thiên Sai) sẽ không đè bẹp ngọn lau bị dập nát, Ngài không dập tắt ngọn đèn lu mờ, nhưng sẽ nâng đỡ những người nghèo khổ, goá bụa và mồ côi, Ngài sẽ mang ánh sáng, sự giải thoát và hoà bình đến cho những ai tiếp nhận Ngài.

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Qua đoạn cuối Phúc Âm của Chúa Nhật này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã quyết định, Ngài tuyên bố: Ngài là Đấng được xức dầu và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chứ không phải là một tướng lãnh hùng mạnh. Và cách thức loan báo Tình Yêu Thiên Chúa không chỉ là vấn đề ngoan ngoãn lịch thiệp, nhưng là những hành động dũng cảm ưu đãi những kẻ bất hạnh, tội lỗi, bị đàn áp dưới đủ mọi hình thức. Như thế mới thật là Tin Mừng.

Riêng chúng ta, thế nào là thực hiện Tin Mừng cho những người khác? Cách thức nào chúng ta nối tiếp công việc rao giảng của Đức Kitô? Nếu viện lý không va chạm với ai để an tâm và an phận trong cuộc sống thì rất dễ, như vậy thì đời sống của chúng ta có phải là Tin Mừng cho trần gian này hay không? Sống đạo và hành đạo không chỉ là tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật hoặc các Lễ trọng trong năm, mà còn phải thực thi Yêu-Thương bằng hành động. Điển hình nhất (ví dụ): sẵn sàng đóng góp vào quỹ cứu trợ đồng bào bị nạn lụt, tùy theo khả năng… quyết tâm không làm tổn thương đến thanh danh của người khác, nhất là sống trong một Cộng Đoàn… gia nhập các Hội từ thiện hoặc các đoàn thể chống kỳ thị, chống vi phạm nhân quyền v.v… tuỳ mỗi người tự tìm những phương thức thực hiện Tình Yêu tha nhân, để cuộc sống của chúng ta trở nên ánh sáng và niềm vui cho kẻ khác.

Ước gì câu “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” được áp dụng cho cuộc sống hôm nay và từng ngày của chúng ta.

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN- C

GIÁ TRỊ TIN MỪNG- Lm. Giuse Vũ Khắc NGhiêm

Bài Tin Mừng này nhấn mạnh đến giá trị lịch sử và nội dung của lời Chúa.

Xét về giá trị lịch sử, Thánh Luca đã mở đầu sách Tin Mừng bằng dựa vào thế giá “các người đã được chứng kiến ngay từ đầu đã phục vụ lời Chúa, truyền lại cho chúng ta”. Thánh Luca còn “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự … để gởi “Ông Thêôphilô nhận thức được rằng giáo huấn Ông đã học hỏi thật là vững chắc”.

Trước hết, thánh Luca tra cứu nơi chính Đức Mẹ Maria, vì các biến cố đời thơ ấu của Đức Giêsu, từ lúc Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ đến lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi đi lễ đền thờ, Thánh Mathêu chỉ kể vài việc: Truyền tin cho Thánh Giuse biết Đức Maria thụ thai bởi phép Thánh thần, các hiền sĩ, Thánh gia trốn sang Ai Cập. Thánh Marcô và Gioan không kể gì. Thánh Luca kể khá nhiều về đời sống ẩn dật mà chỉ Đức Mẹ biết rõ thôi.

Thứ đến, Thánh Luca tra cứu nơi các tông đồ đã sống bên Đức Giêsu suốt ba năm giảng đạo. Hơn nữa, nhờ Gioan và Giacôbê là anh em họ hàng với Đức Giêsu nên có thể giúp thánh Luca biết về đời sống của Đức Giêsu lúc Người giảng đạo.

Sau nữa, Thánh Luca còn tra cứu rất đông các môn đệ mà Thánh Phaolô kể trong thư Côrintô, có tới 500 người tiễn Đức Giêsu về trời (1Cor. 15, 5-8).

Ngoài ra, Thánh Luca còn tra cứu nơi biết bao nhiêu bệnh nhân đã được Đức Giêsu cứu chữa có thể nói toàn dân Do Thái đã chứng kiến cuộc suy tôn Đức Giêsu làm vua và cuộc khổ nạn của Người trong ngày đại lễ quốc khánh của nước Do Thái.

Phần đông những người đã chứng kiến cuộc đời của Đức Giêsu vẫn còn sống lúc Tin Mừng Thánh Luca ra đời, vì Thánh Luca chép Tin Mừng khoảng năm 60-70 hay 70-80 nghĩa là khoảng 30-40 năm sau Đức Giêsu chịu chết. Như vậy những người chứng kiến đó cũng chỉ 50, 60 tuổi. Họ biết rất rõ về Đức Giêsu nên Luca không thể bịa đặt, thêm thắt, làm sai lịch sử về Đức Giêsu.

Thánh Luca lại là thầy thuốc, ở địa vị thầy thuốc, tất nhiên phải nghiên cứu học hỏi kỹ lưỡng cẩn thận. Trước khi cho một toa thuốc, Ông phải tỉ mỉ xem xét những triệu chứng gây ra bệnh tật, mới dám viết đơn thuốc. Sai trệch, cẩu thả là nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân và đe dọa chính thầy thuốc nữa. Tin Mừng Thánh Luca thật là một toa thuốc vô cùng quan trọng, vì đó là thuốc trường sinh cho cơn bệnh trầm trọng của nhân loại đang hấp hối. Thánh Luca cắt toa thuốc này không phải cho Ngài Thêôphilô và những người mới trở lại đạo, mà còn cho cả thế giới từ nay cho đến tận thế.

Ngài Thêôphilô là bậc thế giá, hàng trí thức và còn bao nhiêu Ngài trí thức vị vọng khác của hàng ngàn năm đã nhận biết chân giá trị thực sự về lịch sử của Đấng Cứu thế nhờ Tin Mừng của Luca. Nếu Luca viết sai lầm, giả dối, thì đã mất hết giá trị từ lâu rồi. Thế mà trải qua hai ngàn năm thử lửa, giá trị lịch sử về Tin Mừng càng ngày càng vững chắc. Không có một cuốn sách nào được in ra hàng ngàn thứ tiếng với hơn năm trăm triệu bản in và hơn hai tỷ cuốn sách như Tin Mừng Đức Giêsu.

Một thế giá khác hơn thế giá lịch sử, nó có giá trị tồn tại trong thời gian như lịch sử, mà còn vượt thời gian đến vô cùng, đó là thế giá nội dung của chính Tin Mừng. Thánh Luca đã tóm tắt nội dung của Tin Mừng vào mấy câu khởi đầu sau đây: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa”.

Mấy câu mở đầu đó cho ta thấy rõ: Tin Mừng là của Thần khí, việc rao giảng Tin Mừng là do Thiên Chúa sai đi. Đó là thế giá tuyệt đối của Tin Mừng, không một giá trị nào của trần gian có thể sánh được. Dù bao nhiêu công trình vĩ đại của loài người cũng chỉ có giá trị tương đối, chúng luôn luôn bị thời gian xoi mòn, cuối cùng sẽ bị cạn kiệt, tiêu tan. Còn Tin Mừng của Thần khí: “Dù trời đất này qua đi, thì lời Ta, một chấm, một phẩy trong Tin Mừng cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt. 5, 18). Thần khí Chúa đã khởi đầu công trình sáng tạo thế nào, thì khởi đầu công trình Tin Mừng cứu chuộc còn kỳ diệu hơn thế nữa. Thần khí đã khởi đầu công cuộc nhập thể của Ngôi Hai xuống thế làm người, đã khởi đầu cuộc giảng đạo Đức Giêsu, khởi đầu công vụ Tông Đồ và muôn ngàn công cuộc của Hội Thánh, của các thánh nhân, những cuộc canh tân, cải thiện đời sống muôn dân về tinh thần cũng như thể chất.

Chính Thần khí của Đức Kitô đã báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, đói khát: hèn về địa vị, thấp mồm bé miệng trong xã hội; nghèo về đói khát của ăn tthể xác, nhất là đói Lời Hằng Sống và hèn do tội lỗi đè nén trên lương tâm, đang mong chờ Thần khí đến giải thoát khỏi bị giam cầm trong tối tăm áp bức, đưa về cùng Thiên Chúa là ánh sáng vinh quang của mình.

Đại văn hào Don. Dostoievski của Liên Xô, lúc sinh thời đã ghét đạo vì bao nhiêu áp bức tối tăm đã đè nặng trên tâm trí ông, khi tuổi đời đã xế bóng Thần khí của Tin Mừng đã giải thoát ông. Ông đã ăn năn sám hối và nói với vợ ông: “Tôi biết hôm nay tôi chết, hãy đốt nến sáng lên và đưa cho tôi một cuốn sách Tin Mừng”

Lạy Thần Khí Đức Kitô, xin hãy đốt nến sáng lên trong tâm hồn chúng con, không phải chỉ đến lúc hấp hối mà ngay bây giờ biết sốt sắng chiêm niệm Tin Mừng của Đức Giêsu trong Thần khí và Chân lý, cho chúng con được sống hạnh phúc trong tình thương bao la của Thiên Chúa. Amen.

home Mục lục Lưu trữ