Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 31

Tổng truy cập: 1346958

Tôma Phúc cho những ai không thấy mà tin.

Tôma Phúc cho những ai không thấy mà tin.
Với đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người thường phán đoán dựa vào những gì họ
thấy tận mắt, sờ tận tay, những gì họ cân đo đong đếm, và kiểm chứng được, thì mới chấp
nhận. Tôma có lẽ thuộc týp người này. Tuy nhiên có những sự con người tiếp xúc thường
xuyên, mà vẫn không hiểu, chẳng hạn như cây cỏ, vạn vật trên hoàn vũ, hoặc một cảnh
đẹp, một bông hoa thơm, một trái ngọt… Con người thưởng thức, nhưng vẫn không biết
được nguồn gốc sâu xa của chúng.
Đứng trước ngôi mộ rỗng, chúng ta ghi nhận hai thái độ khác nhau: Phêrô thấy mồ rỗng
nhưng không tin, còn Gioan đã thấy và đã tin. Trực giác của Gioan cho ta hiểu rằng: Muốn
tin, thì thấy mà thôi chưa đủ, còn phải có tình yêu. Như thế, người ta không phải chỉ thấy
bằng lý trí, không chỉ thấy bằng đôi mắt, mà còn phải thấy bằng tâm hồn, bằng con tim,
như một câu danh ngôn đã bảo: Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể giải thích.
Xét về một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói đức tin có những lý lẽ mà lý trí không
thể nào giải thích. Đức tin có những lý lẽ mà những ai không tin không thể hiểu được.
Chúng ta hiểu được thế giới chung quanh và con người không chỉ bằng lý trí, bằng khoa
học, mà còn cả bằng đức tin nữa. Sự kiện Tôma cũng cho chúng ta hiểu được rằng: Đức
tin đúng nghĩa trước tiên là do ơn Chúa ban, rồi kế đó, mỗi người phải biến đức tin trở
thành một xác tín cá nhân, phải được củng cố bằng chính trải nghiệm bản thân của từng
người.
Nói cách khác, người có đức tin đích thực là người đã có một kinh nghiệm bản thân trong
mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, là kinh nghiệm cá nhân của riêng mình, do
mình xác tín, chứ không phải dựa vào ai khác.
Chính nhờ Tôma, chúng ta được có lời Chúa chúc phúc đầy khích lệ và đầy thuyết phục:
Phúc cho những ai không thấy mà tin. Chính vì chúng ta, vì con người ở mọi nơi và trong
mọi lúc, mà sự kiện Tôma được ghi lại trong Phúc Âm, để củng cố niềm xác tín của chúng
ta vào việc Chúa phục sinh. Cùng với Tôma, chúng ta hãy tuyên xưng rằng: Chúa đã sống
lại thật. Alleluia.
 
. Tôma.
Sau một cuộc giao tranh ác liệt, giữa bao xác chết ngổn ngang trên trận địa, người ta tìm
thấy bức thư của một người lính Nga, đã ngã gục dưới bom đạn. Bức thư ấy có một nội
dung hết sức lạ lùng về lòng tin của một thanh niên đã từng lớn lên và được giao dục theo
chủ nghĩa vô thần. Anh đã nhận thấy Thiên Chúa thực sự hiện hữu khi nhìn lên bầu trời
lấp lánh ánh sao. Anh không chỉ tin vào Ngài trong đầu óc anh, nhưng trái tim anh đã
thực sự rung động khi anh viết những hàng chữ sau đây để thân thưa với Chúa:
“Lạy Chúa, Chúa có nghe thấy tiếng con hay không? Con chưa hề nói chuyện với Chúa
bao giờ. Nhưng hôm nay con cảm thấy cần phải chào hỏi Chúa. Con biết rằng ngay từ
thời còn thơ ấu, người ta đã không ngừng lặp đi lặp lại với con rằng: Không có Chúa.
Ngài chỉ là một câu chuyện hoang đường. Và con đã tin thật điều đó. Cho đến những năm
tháng khôn lớn, con cũng chưa bao giờ để ý hoặc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Chỉ đến ngày hôm nay, con mới nhận ra vẻ đẹp này. Con lặng lẽ chiêm ngắm bầu trời với
muôn ngàn tinh tú. Và con biết rằng Chúa thực sự hiện hữu”.
Từ mẩu tâm sự trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay với niềm tin của Tôma.
Thực vậy, Đức Kitô Phục sinh đã chiếu cố đặc biệt tới ông khi hiện ra. Chính nhờ vậy mà
lòng tin của ông đã được chuyển biến, để rồi ông đã thưa lên: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên
Chúa của tôi. Còn chúng ta thì sao?
Dĩ nhiên là chúng ta không có may mắn như Tôma, là được chiêm ngắm Chúa nhãn tiền.
Hiện thời, chúng ta là những người đi trong sương mù. Đức tin của chúng ta còn nhiều hồ
nghi, còn nhiều thắc mắc, còn nhiều trăn trở. Nhưng có lẽ vì thế mà đức tin của chúng ta
có một giá trị to lớn như lời Chúa đã xác quyết: Phúc cho những ai không thấy mà tin.
Mặc dầu chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra những dấu ấn
của Ngài trong thiên nhiên, như người lính Nga đã nhận ra Ngài khi chiêm ngắn bầu trời
lấp lánh ánh sao. Với trí khôn, khi nhìn ngắm trật tự lạ lùng cùng với những kỳ công trong
vũ trụ, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa và chúng ta có thể xác
quyết người là một con vật có tôn giáo. Đồng thời thiên nhiên là một cuốn sách vĩ đại,
trong đó, mỗi trang, mỗi dòng đều nói cho chúng ta biết về Chúa.
Chính vì thế, chúng ta hãy xin Chúa củng cố niềm tin nhỏ bé của chúng ta, nhờ đó chúng
ta sẽ nhận biết Ngài qua Kinh Thánh cũng như qua thiên nhiên.
 
. Từ sợ hãi đến niềm tin
Một cơn dịch xuất hiện, dân làng hoảng sợ dắt díu nhau chạy trốn vào rừng sâu, bỏ mặc
những con bệnh đang nằm chờ chết. Trước thảm cảnh này, một vị linh mục thừa sai đã
quyết định ở lại cùng với mấy người thiện chí, ra sức chạy chữa cho những người mắc
bệnh. Nhờ sự hy sinh tận tụy này, cơn dịch bị đẩy lui, dân chúng trở về làng để tiếp tục
cuộc sống.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay và chúng ta ghi nhận được
sự sợ hãi của các môn đệ sau ba ngày đen tối.
Thực vậy, mười hai tông đồ là những người nòng cốt được Chúa Giêsu kêu gọi và huấn
luyện. Cả nhóm đã từng hy vọng Ngài sẽ thiết lập vương quốc và mình thì sẽ làm lớn và
chiếm một chức vụ quan trọng.
Nhưng rồi những biến cố đau thương dồn dập xảy đến, làm cho hiện tại của các ông trở
nên đen tối và tương lai thì mù mịt. Một người trong nhóm đã phản bội, nộp Ngài cho
người ta đem đi giết. Con người phản bội ấy đã thắt cổ vì tuyệt vọng. Còn Phêrô là trưởng
nhóm, cũng đã chối Ngài ba lần. Một vài môn đệ khác đã lên đường trở về quê cũ, như hai
môn đệ đi Emmaus.
Từ bối cảnh này, chúng ta thấy mười một người còn lại như bị co rúm trong căn phòng
đóng kín vì sợ người Do Thái. Thế nhưng, chính trong cái bối cảnh không mấy sáng sủa
ấy, Đức Kitô Phục sinh đã hiện ra, nhờ đó mà niềm tin của các ông được củng cố. Chỉ cần
điểm qua những nhân vật của buổi sáng Chúa nhật Phục sinh, chúng ta sẽ nhận ra điều đó.
Trước hết là Madalêna. Cô tới mộ từ sáng sớm. Khi thấy cửa mộ mở tung, cô nghĩ rằng
người ta đã ăn trộm xác và đem ra khỏi mộ. Và như vậy, cô vẫn chưa tin Chúa đã sống lại.
Cô chỉ tin khi đã được nghe tiếng Chúa Giêsu gọi cô và chính cô được thấy Ngài.
Kế đến là Phêrô và Gioan. Khi tới mộ, hai ông thấy khăn liệm và dây băng đã được xếp
lại cẩn thận. Phêrô thì bán tín bán nghi, nhưng Gioan thì đã tin. Còn nhóm mười một đã
tiến từ sợ hãi đến niềm tin, khi các ông được nhìn thấy Ngài. Cuối cùng là Tôma. Ông đã
khởi đi từ tình trạng không tin, nếu mắt không thấy và tay không sờ. Thế nhưng, chính
Chúa đã mời gọi ông đi vào niềm tin ấy.

Qua những nhân vật kể trên, chúng ta thấy tin không phải chỉ là chuyện chấp nhận một số
những tín điều. Trái lại tin chính là gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh và nhận được ơn biến đổi
của Ngài. Và ơn biến đổi đầu tiên chính là nhận ra Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá,
nhưng đồng thời đã được sống lại. Đó là dấu chứng của tình yêu lớn lao nhất khiến các
ông tràn ngập niềm vui.
Và hơn thế nữa, qua Đức Kitô Phục sinh, các ông nhận biết Ngài là Thiên Chúa. Bản tính
Thiên Chúa ấy được dấu ẩn trong suốt những năm tháng đã qua, bây giờ mới được tỏ hiện
với tất cả vẻ huy hoàng, để rồi từ đó, với niềm xác tín sâu xa, các ông đã lên đường rao
giảng Tin Mừng Phục sinh cho muôn dân.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự là những chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh
giữa lòng cuộc đời này hay chưa?
 
. Tôma.
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong
một căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Thân xác vinh quang của Ngài tựa hồ như
một luồng ánh sáng chiếu qua những khung cửa kính. Để củng cố niềm tin, Ngài cho các
ông xem những vết thương trên tay chân Ngài khiến cho các ông hết sức vui mừng. Rồi
Ngài nói với các ông: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Điều đó có nghĩa là:
Chúa Cha đã sai Ngài đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại, thì Ngài cũng sai các ông
đi để đem lại ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng cứu rỗi cho muôn dân.
Ngài thổi hơi để thông ban thần khí cho các ông và nói: Các con hãy lãnh nhận Chúa
Thánh Thần. Các con tha tội ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người
ấy bị cầm lại. Với tác động của Chúa Thánh Thần, Ngài đã trao ban cho các ông một uy
quyền thiêng liêng, đó là quyền tháo cởi. Quyền tha thứ và cầm buộc nếu như tội nhân
chưa được xứng đáng.
Thế nhưng ngày hôm đó Tôma lại vắng mặt, ông đã tỏ ra cứng lòng khi nghe các môn đệ
kể lại sự việc. Chúng ta có thể nghĩ rằng sự cứng lòng của Tôma là một sai lỗi, là một
khuyết điểm may mắn, vì nhờ đó mà chúng ta có được một bằng chứng về sự sống lại của
Đức Kitô, bởi vì các môn đệ không phải là những người cả tin, dễ nghe theo những lời đồn
thổi, nhưng các ông đã đòi phải có những chứng cớ hiển nhiên.
Cũng chính nhờ sai lỗi và khuyết điểm này chúng ta mới có được những lời lẽ đầy an ủi
của Chúa Giêsu: Vì con đã thấy nên con mới tin, nhưng phúc cho ai không thấy mà tin.
Khi phán những lời ấy, có lẽ Chúa Giêsu đã nghĩ tới hàng triệu triệu người qua dòng thời
gian luôn tin tưởng nơi Ngài, mặc dù đã không một lần nhìn thấy Ngài trên mặt đất này.
Và cũng thật hạnh phúc cho chúng ta, bởi vì chúng ta chưa được nhìn thấy Ngài, chưa
được sờ tới gấu áo Ngài, chưa được nghe Ngài nói, chưa được chứng kiến những phép lạ
Ngài làm, cũng như chưa được ăn và uống với Ngài. Nhưng chúng ta đã tin tưởng nơi
Ngài dựa vào những chứng cớ của các tông đồ, là những người đã dám chết để làm chứng
cho sự phục sinh của Đức Kitô.
Thánh Gioan đã viết trong sách Phúc Âm như sau: Sở dĩ một số các phép lạ được kể lại là
để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng cứu thế, đồng thời nhờ niềm tin tưởng này mà anh
em có được sự sống, dĩ nhiên đó phải là sự sống vĩnh cửu mà chính Ngài muốn đem đến
cho thế gian.
Chúng ta hãy Chúa xin củng cố niềm tin của chúng ta, để một khi đã xác tín việc Chúa
sống lại, chúng ta cũng sẽ mạnh dạn làm chứng cho Chúa như các môn đệ ngày xưa.
 
. Đã thấy, đã không thấy

(Suy niệm của Lm Trịnh Ngọc Danh)
Sau khi sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện ra lần thứ nhất với các
tông đồ, nhưng vắng mặt ông Tôma. Ngài đã chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh
sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì đã được xem thấy Chúa, và họ đã cho ông Tôma biết:
“Chúng tôi đã xem thấy Chúa”; nhưng ông này cương quyết: “ Nếu tôi không nhìn thấy
vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay
vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà; lần này có mặt ông Tôma. Chúa Giêsu
lại hiện ra lần thứ hai cùng các ông. Sau khi chúc bình an, Ngài đã cho ông Tôma xem
những dấu đanh nơi bàn tay và vết thương nơi cạnh sườn Ngài và đã khiển trách ông: “
Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Và ông Tôma chỉ còn biết kêu lên: “ Lạy Chúa tôi, lạy
Thiên Chúa tôi”. Và Ngài nói tiếp với ông: “ Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã
tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Đã xem thấy, đã tin
Cũng như các môn đệ khác, ông Tôma cũng đã từng được nghe những giáo huấn của
Chúa, đã được xem thấy những việc kỳ lạ Ngài đã làm, và cũng được nghe Ngài tiên báo
về cái chết và sự phục sinh của Ngài…; nhưng ông vẫn còn bán tín bán nghi về việc chết
đi sống lại của Thầy mình; vì, Chúa quyền năng có thể làm cho người chết sống lại như
trường hợp ông Lagiarô thì còn hiểu được; nhưng đàng này, chính Chúa lại phải chết và lại
tự cho mình sống lại thì thật là một việc quá sức tưởng tượng của ông: Làm sao lại có thể
có chuyện ấy được! Và đức tin của ông đã bị chao đảo! Ông nghi ngờ đòi cho được tận
mắt thấy những dấu đanh nên thân thể Chúa mới tin cũng phải thôi, vì ông đã một lần thất
vọng khi thấy Thầy, một Đấng quyền phép mà ông đã tin, lại phải chịu nhục hình cho đến
chết trên thập giá. Cũng còn may là ông còn lui tới với cộng đoàn, không như hai môn đệ
trên đường Êmau, sau khi Thầy chết, đã thất vọng, sợ hãi tìm đường trốn chạy. Điều đó
cho thấy ông vẫn còn tin tưởng vào Thiên Chúa, vẫn còn muốn đạt đến một đức tin viên
mãn để được cứu độ.
Tuy bị Thầy khiển trách là cứng lòng tin, nhưng qua đó, ông đã thấy và ông đã tin. Đức tin
của ông đã được củng cố cho vững mạnh hơn bao giờ hết đến nỗi ông đã kêu lên: “Lạy
Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.
Cũng không phải chỉ có ông Tôma mới nghi ngờ sự sống lại của Thầy mình, mà ngay
chính những người được tận mắt thấy ngôi mộ trống cũng bán tín bán nghi.
Ngày thứ nhất trong tuần, từ sáng tinh mơ, các bà mang theo thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn.
Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, bước vào trong, không thấy xác Chúa, bà Maria Mađalêna
đã hốt hỏang chạy về báo: “ Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết
người ta đã để Thầy ở đâu” ( Ga 20: 2); và đang khi còn ngơ ngác, vào trong mồ, thì thấy
một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo
các bà: “ Các bà đừng sợ. Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiareth chịu đóng đinh, nhưng
người đã sống lại…”. Các bà chạy ra và trốn khỏi mồ, vì các bà run rẩy bàng hoàng. Các
bà không nói gì với ai, vì các bà sợ hãi… (Mc. 16, 6-8)
Trở về nhà, các bà thuật lại cho các tông đồ; “nhưng những lời đó, các ông cho là truyện
vớ vẩn, nên các ông không tin” (Lc. 24,11)
Vì không thấy, nên ông Tôma chỉ đòi hỏi thấy mới tin, nhưng các bà và các tông đồ đã
thấy, đã nghe nói về việc ngôi mộ trống, về việc Chúa đã sống lại, thế mà các bà thì sợ hãi
cho là ma, còn các ông thì cho đó là truyện vớ vẩn. Ai là người kém lòng tin hơn ai?
Hơn nữa, đứng về phương diện đức tin, thì có thể ông Tôma là người cứng lòng tin, nhưng
đứng về phương diện khoa học, thì sự nghi ngờ của ông lại là điều cần thiết để tìm ra sự

thật. Nếu khoa học kiểm chứng được những gì chúng ta phải tin, thì những điều chúng ta
tin mà khoa học khám phá, chứng minh được, thì cũng chẳng còn gì là siêu việt đối với trí
óc của con người.
Ông Tôma cứng lòng tin, vì ông muốn lấy lý trí để củng cố cho lòng tin của ông. Có thể
ông đã nghĩ rằng: Nghe người ta nói Chúa đã phục sinh chưa đủ, tôi còn phải tận mắt nhìn
thấy Ngài, và phải được tiếp cận thân thể đầy thương tích của Ngài, thì tôi mới tin.Và cuối
cùng, Tôma đã thấy và ông đã tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.
Việc ông Tôma đòi hỏi được nhìn, được sờ, được kiểm chứng Đấng Phục sinh không chỉ
là một đòi hỏi cho riêng ông, nhưng cũng là một chứng tích cho chúng ta hôm nay.
Đã không thấy mà tin
Và sau khi nhân định về lòng tin của ông Tôma: Vì con đã thấy và con đã tin; Chúa lại đưa
ra một mẫu lòng tin khác được chúc phúc; đó là: Phúc cho những ai đã không thấy mà
tin”.
Qua sự việc của ông Tôma, Chúa đã gián tiếp nói với chúng ta là những người sinh ra
“hậu Phục sinh”, những người đã không thấy Chúa sống, chết và phục sinh, nhưng chúng
ta tin. Chúng ta chỉ được đọc, được nghe về Thiên Chúa, về Người Con Duy Nhất của
Thiên Chúa xuống thế làm người vì yêu thương con người, để rồi chịu chết và đã phục
sinh…; nhưng chúng ta không được may mắn như dân Chúa xưa kia hay gần gũi hơn là
các môn đệ đã thấy và đã tin.
Cám ơn các tông đồ và đặc biệt cám ơn ông Tôma đã giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ hơn
về việc Chúa sống lại, về lòng tin của mình.
Từ ngàn xưa, con người nói chung và con cái Thiên Chúa nói riêng đã thấy, đã tin, nhưng
vẫn còn vô số người đã thấy, nhưng vẫn chối từ, vẫn không tin. Đã không thấy mà tin là
một đòi hỏi rất khó đối với đức tin, đồng thời cũng là một yếu tố xác định mức độ lòng tin
của chúng ta.
Đức tin và bình an
Trong cuộc hành trình đức tin, những người đã không thấy mà tin và ngay cả những người
đã thấy và đã tin vẫn luôn gặp những trở ngại, nghi ngờ, lo lắng, bất an.
Các môn đệ, sau cuộc “bức tử” của Thầy Giêsu, họ đã hoang mang, lo lắng, sợ sệt, bất an:
số phận của họ rồi sẽ ra sao? Ai sẽ là người hướng dẫn để tiếp tục công việc của Thầy?…
Tụ lại với nhau, nhưng cửa đóng then cài.
Và những người đã không thấy mà tin thì sao? Đức tin của chúng ta ở mức độ nào? Chúng
ta tin, nhưng đã sống và chết vì đức tin như thế nào?
Đức tin chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt, chưa xác tín..thì luôn gặp những bất an. Thử thách,
gian nan, khổ cực là thước đo đức tin, là những bất an trong tâm hồn.
Hiểu được tâm trạng lo lắng, sợ sệt, bất an của các môn đệ, nên qua hai lần hiện ra với các
ông sau khi sống lại, lời trấn an đầu tiên mà Chúa gửi đến các ông là: “Bình an cho các
con” và Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần xuống để cùng đồng hành với họ. Như thế là họ sẽ
được bình an, được an tâm để lên đường tiếp tục công việc của Thầy, không còn phải lo
lắng, hoang mang.
Và cũng hiểu được tâm trạng bất an của chúng ta ngày nay, Chúa cũng đã chúc bình an và
hứa với chúng ta rằng: “Thầy sẽ xin Cha Thầy, và Người sẽ ban cho các con một Đấng
Phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”. (Ga. 14,15). Cũng như các môn đệ họp
nhau vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện ra và chúc bình an cho họ, ngày Chúa
nhật họp nhau tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng đón nhận bình an của Thiên Chúa và
chúc cho nhau bình an của Ngài để rồi lại ra đi trong bình an của Ngài đến với anh em.
Bình an ấy là kết qủa của đức tin.

Chúng ta là những người “đã không thấy mà tin”, và đã được Chúa chúc phúc; vì, như
Thánh Gioan Tồng đồ đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Ai tin rằng Chúa Giêsu là
Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu
mến kẻ sinh ra bởi Đấng ấy. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái
thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người…, và
giới răn Người không nặng nề. Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian,
và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng
thế gian nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Chiên Chúa? (1Ga. 5,1-6)
Đức tin đem lại cho chúng ta bình an của Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tuyên
xưng đức tin mà còn phải sống đức tin: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết; cũng
vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc. 2,26)

home Mục lục Lưu trữ