Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1361530

“Của Thiên Chúa Hãy Trả Cho Thiên Chúa”

“Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”

Vấn đề lợi dụng mạc khải

Trong ba bài Phúc Âm ba tuần trước, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn mà nói với thành phần lãnh đạo dân Do Thái là các trưởng tế và kỳ lão, để nói cho họ biết rằng họ là người con nói làm theo ý cha song thực tế lại không, họ là nhóm tá điền bất lương sát hại con trai của chủ vườn nho để cướp đoạt gia tài của người con này, và họ là thành phần được mời đến dự tiệc cưới của vua song chẳng những đã từ chối không thèm mà còn sát hại cả người được sai đi mời nữa. Để phản ứng lại những chỉ trích của Chúa Giêsu, thành phần lãnh đạo hầu như theo phái Pharisiêu này đã làm gì? Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (và tuần sau) đã và sẽ cho thấy rõ điều ấy. Riêng bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, Thánh ký Mathêu, ngay sau câu kết thúc bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, liền cho biết phản ứng của họ như sau: “Những người Parisiêu bỏ đi và bắt đầu bày mưu để gài bẫy Chúa Giêsu trong lời nói”. Bằng cách nào? Thánh Mathêu trình thuật tiếp: “Họ sai các môn đồ của họ, có cả đám người của quận vương Hêrôđê đi theo, đến với Người mà nói: ‘Thưa Thày, chúng tôi biết Thày là một con người chân chính và thực sự dạy sống theo đường lối của Thiên Chúa… Vậy xin Thày cho chúng tôi biết Thày nghĩ thế nào về trường hợp này. Đó là vấn đề nộp thuế cho hoàng đế là việc hợp pháp hay chăng?’”

Đây là một câu hỏi rất thâm độc và nham hiểm có liên quan đến chính trị, mà nếu trả lời không khéo chắc chắn sẽ dính bẫy. Nếu trả lời nộp thuế là việc hợp pháp thì sẽ bị tố cáo là phản quốc, không thể chối cãi được, vì đã có sự chứng kiến của những người thuộc nhóm quận vương Hêrôđê hiện diện ở đó lúc bấy giờ. Nếu trả lời là không hợp pháp thì sẽ bị tố cáo là “xui dân làm loạn, chống lại việc nộp thuế cho Cesar” (Lk 23:2) như họ đã thực sự vu oan tố cáo Chúa Giêsu sau này trước tổng trấn Philatô để sát hại Người. Thế nhưng, theo đường lối tỏ mình tuyệt vời của Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng, nơi nào càng tối tăm, ánh sáng càng cần phải chiếu tới, và nơi nào càng tối tăm thì ánh sáng càng rạng ngời. Trường hợp của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này cũng thế. Chúa Giêsu đã lợi dụng mưu đồ gian trá tối tăm của nhóm người Pharisiêu để mạc khải cho riêng thành phần chất vấn Người cũng như cho chung dân chúng và các môn đệ của Người có thể đang ở đấy bấy giờ một chân lý hết sức quan trọng liên quan đến phần rỗi đời đời của con người. Đó là vấn đề “hãy trả cho Cêsa những gì của Cêsa, và hãy trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”.

Vấn đề sử dụng tỏ mình

Thật vậy, câu trả lời vô cùng khôn khéo này của Chúa Giêsu không phải chỉ để làm cho âm mưu của nhóm Pharisiêu hoàn toàn thảm bại, làm cho họ bị dân chúng và các môn đệ của Người cười vào mặt, mà chính là để dạy cho họ cũng như cho tất cả những ai nghe Người bấy giờ và sau này rằng con người cần phải chu toàn cả nhiệm vụ của một người công dân trần thế lẫn nhiệm vụ của một người công dân Nước Thiên Chúa. Vấn đề sâu xa ở đây là dân Do Thái không muốn bị ai cai trị cả, như Đế Quốc Rôma bấy giờ đang đô hộ họ, nghĩa là họ không muốn đóng thuế cho Cêsa, họ chỉ muốn đóng thuế cho Đền Thờ, tức cho Thiên Chúa Giavê của họ mà thôi, như có lần họ đã đặt vấn đề đóng thuế đền thờ với Chúa Giêsu, Đấng đã sai Phêrô đi bắt cá ở hồ để lấy đồng tiền trong miệng nó mà đem nộp thuế đền thờ cho cả hai thày trò (x Mt 17:24-27).

Thế nhưng, thực tế cho thấy, họ chỉ đóng thuế đền thờ theo thói lệ bề ngoài, theo lề luật buộc phải giữ vậy thôi, về tinh thần, họ vẫn không thực sự “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Thật vậy, vấn đề Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn có âm mưu của nhóm người Pharisiêu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này, nếu để ý, sẽ thấy có liên hệ đến ba dụ ngôn Người đã nói với thành phần lãnh đạo dân Do Thái trong Phúc Âm ba tuần trước. Ở chỗ, thành phần lãnh đạo Do Thái nói chung, trong đó có những người thuộc nhóm Pharisiêu, như Nicôđêmô chẳng hạn (x Jn 3:1), đã là người con chỉ làm theo ý mình, “vâng con đi”, mà thực tế không làm theo ý cha, tức họ đã không “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”; hay họ đã là bọn tá điền làm vườn nho cho chủ nhưng không sinh hoa lợi cho chủ như ý chủ muốn, lại còn sát hại các thừa sai của chủ, kể cả người con trai duy nhất của chủ, tức họ đã thực sự không “trả về cho Thiên Chúa nhưng gì của Thiên Chúa”; hoặc họ đã là những người được chính thức mời đến dự tiệc cưới của vua, song đã từ chối không chịu đến dự, thậm chí còn ra tay sát hại những đầy tớ của vua sai đi mời họ, tức là họ cũng đã không chịu “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”.

Phải chăng, chính vì họ đã không “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”, mà Ngài đã để họ bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, như họ đã nhiều lần chịu những cảnh như vậy trong giòng lịch sử cứu độ của họ? Thế nhưng, trong chính những lúc như vậy, chính lúc bị ức hiếp, họ mới nhớ đến Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể cứu thoát họ, và họ mới thấy lầm lỗi của mình, mới thấy rằng mình đã không “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Để rồi, sau khi họ nhận lỗi và kêu cầu Thiên Chúa, tức “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”, Ngài mới ra tay cứu thoát họ. Dù sao, trước mắt dân Do Thái, hay bất cứ một dân tộc nào khác, đế quốc vẫn là một cái gì bất nhân, bất hợp pháp, nhất định cần phải lật đổ và loại trừ. Thế nhưng, đối với Thiên Chúa là chủ của lịch sử loài người, Ngài có thể sử dụng hay lợi dụng tất cả mọi biến cố lịch sử, mọi con người lịch sử để thực hiện ý định vô cùng trọn lành và sâu nhiệm của Ngài trong lịch sử và cho lịch sử. Những lời Chúa phán qua miệng Tiên Tri Isaia trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật tuần này đã cho thấy rõ điều ấy. “Vậy Chúa phán cùng vị được Ngài xức dầu là Cyprus, kẻ đã được Ta cầm lấy bàn tay phải, bắt các dân qui phục hắn, làm cho các vua chúa phải cung phụng hắn, mở các cửa ra cho hắn vào, không cài khóa cổng môn”.

Vấn đề đức tin tuân phục

Phải, Thiên Chúa có quyền sử dụng hay lợi dụng bất cứ một nhân vật lịch sử nào, trong một thời điểm nào đó, để thực hiện ý định toàn năng của Ngài trong lịch sử, tức để hoàn tất dự án lịch sử cứu độ bất biến của Ngài. Điển hình là hoàng đế Ba Tư Cyprus trên đây, một vị hoàng đế (năm 545 BC) được Giavê Thiên Chúa dùng để sau khi cho ông chiếm được Babylon (năm 539 BC), đã truyền lệnh cho phép dân Do Thái bị lưu đầy được hồi hương xây lại Đến Thờ và Thành Thánh của họ (x 2Chr 36:22f; Ezr 1:1-4). Đó là lý do, trong phần hai của bài đọc một hôm nay, Thiên Chúa đã mạc khải ý định của Ngài với vị hoàng đế công cụ này như sau: “Vì Giacóp tôi tớ của Ta, vì Yến Duyên người được Ta tuyển chọn, mà Ta đã gọi đích danh ngươi, ban cho ngươi một danh hiệu, cho dù ngươi chẳng hề biết Ta. Ta là Chúa, không còn ai khác, không có Chúa nào ngoài Ta cả. Mặc dù ngươi không hề biết Ta, bản thân Ta cũng đã ẵm lấy ngươi, để từ lúc mặt trời mọc lên cho tới khi lặn xuống con người ta có thể nhận biết rằng không có Chúa nào ngoài Ta”.

Nếu “không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa mà ra, và tất cả mọi quyền bính đều do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13:1), thì, sau khi xác tín như thế, Vị Tông Đồ Dân Ngoại liền khẳng định: “Bởi thế, người nào chống lại quyền bính là chống lại mệnh lệnh của Thiên Chúa” (Rm 13:2). Đó là lý do, theo ý nghĩa của lời Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này “của Cêsa hãy trả cho Cêsa” tức là phải tỏ ra tôn kính và tuân phục đế quốc. Tuy nhiên, các nước bị đô hộ tỏ ra tôn kính và tuân phục đế quốc trần gian chính trị không phải chỉ vì sợ đế quốc, một chế độ tự bản chất bất nhân chắc chắn sẽ không thể nào tồn tại với thời gian, như lịch sử cho thấy, mà là tôn kính và tuân phục chính Thiên Chúa, Đấng làm chủ lịch sử, Đấng đã phán “ngoài Ta không còn Chúa nào khác”, chứ đừng nói tới Hitle, Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot v.v. những con người cũng chết như bao nhiêu triệu người họ đã tán sát. Ở đây, chắc chắn Chúa Kitô không có ý nói con người bị đô hộ không được phép chống lại những bất công gian ác của đế quốc, cả đế quốc cộng sản cũng như tư bản, nhưng Người chỉ có ý dạy con người hãy chấp nhận mọi sự theo ý Đấng Tối Cao, hãy nhìn tất cả mọi biến chuyển lịch sử bằng con mắt đức tin, và hãy phản ứng bằng nhận thức thần linh.

Vấn đề truyền bá phúc âm

“Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” là ở chỗ này. Như thế có nghĩa là, chính khi con người “trả cho Cêsa những gì của Cêsa”, thì đồng thời con người cũng thực hiện và chu toàn việc “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Hay nói ngược lại, nói một cách thực tế hơn, hãy “trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”, tức hãy tin vào Ngài, con người mới có thể “trả về cho Cêsa những gì của Cêsa”. Bằng không, như thực tế cho thấy, có những chính trị gia Công Giáo nói riêng và Kitô hữu nói chung, một khi “trả về cho Cêsa những gì của Cêsa” thì họ không còn gì để “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” nữa, thậm chí làm hại đến tất cả những gì Ngài trao cho họ, như việc họ phò quyền tự quyết tuyệt đối pro-choice, chứ không phò quyền sự sống pro-life, nơi quốc hội cũng như trong đời sống hôn nhân gia đình của mình. Ngược lại, thực tế cũng không thiếu những trường hợp cho thấy, chính khi con người “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” thì họ lại quên hay không muốn “trả về cho Cêsa những gì của Cêsa”, như trường hợp được Thánh Gioan Tông Đồ nhắc nhở: “Ai nói rằng ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối” (1Jn 4:20). Gương điển hình nhất của việc “trả về cho Cêsa những gì thuộc về Cêsa, trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” là gương của một Thiếu Nhi Giêsu 12 tuổi đã ở lại nhà Cha trên trời của Người nhưng sau đó cũng đã trở về Nazarét vâng phục cha mẹ trần gian của Người (x Lk 2:49, 51).

Đến đây chúng ta đã thấy được bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này liên quan đến Chứng Từ Giáo Hội là chủ đề của toàn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh ra sao. Đó là vấn đề truyền bá phúc âm hóa, tức vấn đề đã được Thánh Phaolô nói với Kitô hữu Thessalonica trong bài đọc thứ hai Chúa Nhật tuần này, đó là “việc rao giảng phúc âm đã cho thấy không phải chỉ là vấn đề thuần túy ngôn từ mà là vấn đề quyền năng; một việc rao giảng trong Chúa Thánh Thần và bởi việc hoàn toàn xác tín mà ra”. Tóm lại, có nghĩa là, chỉ khi nào con người sống đức tin thuần túy, hoàn toàn biết “dâng lên Chúa vinh quang và vinh dự”, như câu họa của bài Đáp Ca Chúa Nhật tuần này, bấy giờ họ mới có thể thực sự “trả về cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” nơi tất cả “những gì của Cêsa trả cho Cêsa” họ thực hiện trong cuộc sống trần gian của họ qua mọi hoàn cảnh họ sống.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

home Mục lục Lưu trữ