Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1361314
ÁCH CỦA TÔI THÌ ÊM ÁI
ÁCH CỦA TÔI THÌ ÊM ÁI
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Khi quy hoạch thành phố tương lai, người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc. Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Đức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại
Gánh nặng phải mang vì người khác...
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu, chán chường và mệt mỏi. Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi. Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Đức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc, về con đường hẹp mà ít người muốn đi, về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Đó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt, vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương, vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ, thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
"Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả; mà giả như có vất vả đi nữa thì người ta cũng thích cái vất vả đó" (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Đức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài: "Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu."
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời, cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là những gánh nặng mà con người hôm nay phải mang vác? Đâu là gánh nặng của người nghèo và của người giàu? Đâu là nỗi vất vả và gánh nặng của người trẻ hôm nay?
Bạn thấy theo đạo có phải là một gánh nặng không? Giữ đạo nặng nề ở điểm nào? Có cách nào làm cho nó nhẹ nhàng hơn không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhở đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc và được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
2.Chúa Nhật 14 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu nhận ra một điều lạ.
Những người khôn ngoan học thức thường khó đón nhận Tin Mừng,
còn những người đơn sơ, bé mọn lại dễ mở lòng hơn.
Khôn ngoan theo kiểu trần gian làm người ta dễ tự hào, tự mãn.
Học thức, hiểu biết về Kinh Thánh có khi làm người ta khép lại.
Đức Giêsu thấy mình khó chạm được vào trái tim
của những vị kinh sư hay các ông Pharisêu khả kính.
Có biết bao định kiến như thành lũy vây bọc tầm nhìn của họ.
Nhưng Ngài lại thấy dễ rao giảng về Nước Trời
cho đám đông những người ít học bình dân.
Lòng họ như thửa đất đã được cầy bừa, chờ gieo hạt giống.
Đức Giêsu thấy hiện tượng trên đây nằm trong ý định của Cha.
Tâm tình ngợi khen Cha bật ra trên môi Ngài cách hồn nhiên.
“Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26).
Qua Con, Cha muốn mặc khải về chính mình cho mọi người,
nhưng Cha vẫn tôn trọng tự do đón nhận của từng người.
Khi rao giảng, Đức Giêsu cũng muốn đón nhận như Cha.
Có khi Ngài đành chịu thua trước người cứng cỏi chai đá.
Có khi sướng vui trước một trái tim rộng mở đón chờ.
Đức Giêsu ý thức về sự cao cả và vai trò của mình.
Ngài biết Cha đã giao phó cho Ngài mọi sự trên trời dưới đất.
Ngài cũng biết mình là Người Con của Cha,
Người Con duy nhất biết rõ Cha vì luôn ở trong cung lòng Cha,
vì thế cũng là Đấng duy nhất có thể mặc khải về Cha trọn vẹn.
Như thế cả Cha và Con đều là Đấng mặc khải (Mt 11,25.27).
Cha biết rõ Con và mặc khải về Con cho người biết mở lòng.
Cả người khôn ngoan thông thái cũng có thể mở lòng
nếu họ biết khiêm tốn vượt qua những rào cản của thành kiến.
Con biết rõ Cha và mặc khải về Cha cho người biết mở lòng.
Cả những người quê mùa, ít học cũng có thể nắm bắt được
những chân lý cao siêu vượt quá tầm hiểu biết của trí tuệ.
Cha và Con mặc khải về nhau hơn là mặc khải về mình.
Ai đón nhận những mặc khải đó
sẽ được đưa vào thế giới thầm kín nhưng rộng mở của Cha và Con.
Ngay từ trần gian này, người ấy được biết Cha và biết Con
trong mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa.
Thiên Chúa có một thế giới riêng tư, nhưng lại không khép kín.
Thế giới ấy luôn có những cánh cửa mở ra về phía con người.
Ba Ngôi hạnh phúc viên mãn khi sống cho nhau,
nhưng lại muốn chia sẻ hạnh phúc ấy cho loài người thụ tạo.
Ba Ngôi muốn nhân loại có tương quan thiết thân với từng Ngôi.
Vào thiên đàng là đi vào thế giới hạnh phúc của Thiên Chúa.
Người ta bắt đầu vào thiên đàng ngay từ trần gian này
khi đến thông hiệp với Người Con là Chúa Giêsu.
Hôm nay Chúa Giêsu mời những ai mang gánh nặng nề đến với Ngài,
bất cứ thứ gánh nặng nào mà sức ta không sao mang nổi.
Ngài đổi gánh nặng ấy bằng gánh nhẹ nhàng của Ngài.
Gánh nhẹ nhàng vì Ngài đã điều chỉnh cho vừa vai ta.
Ách êm ái vì ta học được cách mang ách của Ngài,
đón nhận mọi nghịch cảnh với trái tim hiền hậu, khiêm nhu.
Hãy đến với Giêsu, không chỉ để nhận được mặc khải trên cao,
mà còn để được Ngài an ủi vỗ về, dạy dỗ và cho ta bình an.
Cầu Nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
chẳng có chuyện gì xảy ra mà Chúa không cho phép.
Cả những chuyện xấu xa tồi tệ mà con người làm cho nhau.
Cả sự dữ đang hoành hành do Xatan gây ra trên mặt đất.
Nhiều khi chúng con không hiểu được
tại sao Chúa lại cho phép xảy ra những chuyện như thế.
Nhưng chúng con tin rằng, đối với ai yêu mến Chúa,
mọi sự đều đem lại điều tốt cho họ.
Chúng con tin rằng những gì Chúa cho phép xảy ra
đều vì yêu thương chúng con
và vì ích lợi cho cuộc sống vĩnh hằng của chúng con.
Chúa đau đớn khi phải dùng roi mà sửa dạy
như người cha sửa dạy con mình để mong con nên người.
Xin cho chúng con nhận ra điều Chúa muốn nhắc nhở,
để cải hóa bản thân và điều chỉnh đời mình cho hợp với ý Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái,
trên đường về quê trời,
Chúa muốn chúng con trải qua những thử thách cam go,
như bệnh tật, khổ đau và cái chết,
để chúng con nên cứng cáp và trưởng thành.
Xin cho chúng con đừng nổi loạn trước thử thách,
nhưng biết nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá,
để nhẫn nại và giữ vững niềm hy vọng,
kể cả khi thấy Thiên Chúa vắng bóng, thinh lặng hay khoanh tay.
Ước gì dịch bệnh làm chúng con ý thức sự bất lực của mình,
để tha thiết cầu xin và tín thác vào tình yêu Chúa.
Ước gì khi Chúa cho chúng con được chữa lành,
chúng con lại thấy sự sống của Chúa chiến thắng vinh quang.
3.Cha mặc khải
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.
Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,
nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,
Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).
Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.
Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.
Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.
Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.
Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).
Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:
“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”
Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,
vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).
Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.
Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.
Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,
và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,
người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.
Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,
đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,
vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.
Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.
Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.
Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.
Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.
“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”
Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này
như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.
Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.
Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.
Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).
Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.
Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào .
Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.
Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.
Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.
Chị Edith Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.
Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.
và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.
Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.
Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.
Năm 1998 chị Bênêđicta Thánh Giá được Đức Gioan Phaolô II phong thánh.
Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
4.Hãy đến với tôi
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Vào những lúc gặp khó khăn đau khổ, người ta thường đặt câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Trong lúc đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) lan rộng toàn cầu, đã có người đặt vấn nạn: tại sao Thượng đế lại cho phép một dịch bệnh tàn khốc như vậy xảy ra? Đây cũng là câu hỏi đã được đặt ra trước sự kiện Tháp đôi bị đánh sập tại Hoa Kỳ năm 2001. Để trả lời cho vấn nạn này, một tác giả đã nói: Tại sao các bạn lại đổ lỗi cho Thiên Chúa, trong khi chính các bạn đã loại bỏ và xua đuổi Ngài ra khỏi bệnh viện, học đường, gia đình và nơi công cộng? Các bạn bênh vực và cổ võ phá thai, trong khi đó nhiều người có lương tâm trên thế giới phản đối và coi như một tội ác. Các bạn bênh vực hôn nhân đồng tính, trong khi nhiều người lên án như một việc trái tự nhiên. Các bạn ủng hộ ly dị trong khi nhiều người lên án là vô đạo đức. Và, bây giờ tội ác xảy ra thì các bạn lại đổ lỗi cho Thiên Chúa. Quả vậy, khi Thiên Chúa không diện diện trong cuộc đời, thì thay vào đó sẽ là bạo lực, sa đọa và giết chóc. Trong những ngày này, qua đài truyền hình, chúng ta nhận những thông tin thời sự về phong trào biểu tình ở Hoa Kỳ sau cái chết của một người da đen là anh George Floyd. Những người biểu tình cướp phá siêu thị, dỡ bỏ một số tượng đài của các nhân vật lịch sử và cựu tổng thống Hoa Kỳ. Trong cơn bạo loạn, họ đe dọa sẽ phá bỏ tượng Chúa Giêsu. Một đất nước ghi trên đồng tiền đô-la “Chúng tôi trông cậy nơi Chúa – In God we trust” mà lại ngông cuồng đến mức phá bỏ tượng của Chúa. Một nền văn hóa thường kết thúc những diễn văn quan trọng bằng câu” Chúa chúc lành cho nước Mỹ – God bless America!” mà lại phỉ báng chính Con Thiên Chúa. Một khi loại bỏ Thiên Chúa, cuộc đời sẽ chỉ còn là một bãi chiến trường, thảm khốc và đau thương. Cũng may, giữa cảnh náo loạn này, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã cảnh báo: một khi ông còn tại vị tổng thống, không ai được phép phá hủy tượng Chúa Giêsu!
Giữa những xáo trộn của cuộc sống đầy bất an, Kitô hữu là người chọn Chúa Giêsu và tin tưởng phó thác nơi Người. Mặc dù có những nhân vật, những phong trào hùng hổ giơ tay loại trừ Thiên Chúa, vẫn có hàng hàng lớp lớp những người yêu mến, tôn thờ và cậy trông nơi Ngài. Quả vậy, Đức tin vào Chúa không chỉ thể hiện khi được an vui, mà còn cả trong khi bị thử thách. Đức tin cũng không phải là hành động ùa theo đám đông, nhưng là bản lĩnh và là niềm xác tín của con người. Tin Mừng hôm nay là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Không chỉ gồm những tâm tình thân thưa với Chúa Cha, lời cầu nguyện này còn nhằm mạc khải, soi sáng cho các môn đệ về sứ mạng thiên sai của Người. Người từ Chúa Cha mà đến, nên biết rõ Chúa Cha, cũng như biết rõ thánh ý của Ngài. Khi khẳng định những điều này, Chúa Giêsu cũng muốn giúp các môn đệ kiên vững lòng tin, để rồi, những lúc đối diện với khó khăn thử thách, các ông không ngã lòng.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Giữa biển đời đầy sóng gió ba đào, lời mời gọi “Hãy đến với Tôi” của Chúa giúp chúng ta vững tin, nhờ đó ta có thêm can đảm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bởi lẽ, có những lúc chúng ta cảm thấy đang đứng trước ngõ cụt của cuộc đời mà không tìm được lối thoát. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và yên ủi cho những ai đang đau khổ và bế tắc trên đường đời. Hãy đến với Người. Người đang chờ đợi chúng ta. Chúa Giêsu hiểu thấu những gian truân của thân phận con người. Người muốn đồng hành với họ để nâng đỡ họ trong hành trình trần gian. Người còn là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Đến với Chúa Cha để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, đó cũng là đích điểm của cuộc sống chúng ta.
“Hãy đến với Tôi”, đó vừa là lời diễn tả sự gần gũi thân tình, vừa là lời khích lệ những ai còn sợ sệt vì thấy mình bất xứng. Lịch sử ghi nhận biết bao người đã đến với Chúa và gánh nặng cuộc đời của họ đã trở nên êm ái nhẹ nhàng hơn. Đến với Chúa, họ vừa được tha thứ tội lỗi, vừa có sức mạnh vươn lên làm lại cuộc đời.
Hãy đến với Chúa để học sự khiêm nhường. Chúa Giêsu là bậc thày. Người dạy chúng ta về sự khiêm nhường. Cuộc đời và giáo huấn của Chúa luôn thể hiện nhân đức khiêm nhường. Vì khiêm nhường mà Chúa đã hạ mình làm người. Vì khiêm nhường mà Chúa đến với mọi người đau khổ. Vì khiêm nhường mà Chúa đã chết trên thập giá. Chúa dạy chúng ta hãy học dưới mái trường của Người, để sống khiêm tốn, hy sinh, vì tha nhân và vì công ích. Sống khiêm nhường hạ mình sẽ giúp chúng ta thanh thản vui tươi hơn, nhờ đó cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn. Khi được thụ giáo tại ngôi trường của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nên giống như Người đến nỗi trở thành đồng hình đồng dạng với Người. Hãy đến với Chúa Giêsu để được Người giáo huấn và dẫn đưa về cùng Chúa Cha. Bởi lẽ Người từ Chúa Cha mà đến.
Đến với Chúa là một hành trình liên lỉ lâu dài. Trên hành trình này, có những cám dỗ cam go. Thánh Phaolô (trong Bài đọc II) đã gọi đó là sự giao tranh giữa Thần Khí và tính xác thịt. Ai thiện chí sống theo Thần Khí thì sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, trở nên hoàn thiện, diệt trừ được con người ích kỷ, sống đời sống mới trong Chúa Giêsu Kitô. Lối sống theo xác thịt luôn mang nhiều màu sắc lấp lánh hấp dẫn. Nó dễ làm cho chúng ta ảo tưởng lầm lạc. Nhờ Thần Khí Chúa soi sáng và hướng dẫn, chúng ta biết khôn ngoan chọn lựa những gì đem lại ích lợi lâu bền, vĩnh cửu.
Hành trình đến với Chúa cũng là hành trình nên thánh. Muốn đến được với Chúa, phải học với Người để trở nên khiêm nhường như Người. Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thân thưa: “Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Người “bé mọn” mà Chúa Giêsu nói tới ở đây, chính là những người khiêm tốn, luôn luôn tín thác và cậy trông vào Chúa và chuyên tâm thực thi thánh ý của Ngài. Trong truyền thống Thánh Kinh, những người bé mọn luôn được Chúa yêu thương và bênh vực. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa đứng về phía người nghèo khó và bé mọn. Người nghèo trong Thánh Kinh không chỉ là người nghèo khó về vật chất, nhưng còn là người luôn cậy trông vào Chúa, dù phong ba bão táp của cuộc đời.
Nếu chúng ta được mời gọi đến với Chúa, là vì trước hết Người đã đích thân đến với chúng ta. Lịch sử Cứu độ đã chứng minh Thiên Chúa chủ động đến với con người để can thiệp và giải thoát họ. Cuộc gặp gỡ với ông Môisen trong sách Xuất Hành đã chứng minh điều đó. Chúa nói với ông: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của Dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật…” (Xh 3,7-8). Mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời là bằng chứng của tình thương Thiên Chúa và việc Ngài chủ động đến với con người. Đức Giêsu khiêm nhường hạ mình mang lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa không còn chỉ ở trên cao, mà “hạ giới” làm người để gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh. Người là Emmanuel, tức là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Vì Thiên Chúa hiện diện với chúng ta, nên ngôn sứ Dacaria mời gọi chúng ta hãy vui lên. Ngôn sứ đã nhắc tới hình ảnh rất sinh động và bình dân, đó là các thiếu nữ Sion, trong trang phục truyền thống, múa nhảy reo hò chạy ra đón Đức Vua (Bài đọc I). Đây là ngày hội tưng bừng cho cả toàn dân. Đức tin Kitô giáo phải luôn diễn tả niềm vui và tinh thần của lễ hội, bởi lẽ Chúa hiện diện giữa chúng ta. Đó là niềm vui cao cả và tuyệt vời nhất. Tiếc thay, có nhiều người không cảm nghiệm được niềm vui này, nên cuộc đời của họ luôn âu sầu buồn bã.
Cuộc sống hôm nay còn bao gian nan vất vả. Tuy vậy, người tin vào Chúa vẫn khám phá những niềm vui. Quả thế, còn gì vui bằng có Chúa ở với chúng ta? Hãy cùng chung tay làm cho niềm vui Đức tin lan tỏa đến mọi nẻo đường của cuộc sống, vì “Cung nỏ chiến tranh sẽ bị bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân, Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng trái đất”. Đó chính là xã hội tương lai mà chúng ta đang cố gắng để đạt tới. Như thế, thay vì bạo loạn đòi phá hủy tượng Chúa Giêsu và loại trừ Người khỏi cuộc sống, thế giới hãy yêu mến tôn thờ Người, vì Người chính là Vua hòa bình và là Đấng Cứu độ trần gian.
5.Hãy học cùng Ta: hiền lành và khiêm cung
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm – ViKiNi.)
Có lần báo chí đăng tin: Một anh tài xế khốn nạn, chịu không nổi vợ, đã mướn ba tên chuyên môn sát nhân để thủ tiêu vợ. Anh bị bắt và điều tra. Anh đáp: “Nó cằn nhằn tôi suốt ngày, làm cho đời tôi thành địa ngục”.
Biết bao kẻ phạm tội ác như thế, chỉ vì không sống hiền lành và khiêm tốn. Chị vợ nóng nảy gắt gỏng đã biến gia đình thành địa ngục, đã biến anh chồng thành kẻ sát nhân.
Vua Salômon đã nói: “Thà phải sống trong lẫm lúa nóng hừng hực còn hơn là sống trong ngôi nhà xinh đẹp với một bà vợ gắt gỏng” (Nguyễn hiến Lê dịch: Carnegie - Giúp chồng thành công trang. 128)
Nhiều gia đình không đến nỗi khủng khiếp như thế; nhưng cũng chất đầy những đau khổ để giết nhau dần dần bằng lối sống bẳn gắt, từ giận chửi nhau đến đánh nhau. Hết chiến tranh nóng lại tới chiến tranh lạnh, buồn bực, âm ỉ, mặt nặng mặt nhẹ, rêu rao bêu xấu, thù vặt.
Muốn sống bình an thật sự, muốn được sống êm ấm, an vui, phải sống theo lời Chúa kêu gọi: “Hãy học cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ mát bồi dưỡng”.
Học cùng Đức Giêsu hiền lành và khiêm tốn như thế nào?
Trong vườn cây Dầu, quân dữ hùng hổ kéo đến tìm bắt Chúa Giêsu. Phêrô giật mình thức dậy, rút gươm đột xuất chém đứt tai tên đầy tớ thầy cả thượng phẩm. Đức Giêsu hiền từ bảo Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”, rồi Người thương lấy tai đứt ráp lại cho anh được lành. Có ai hiền lành chịu nhục như thế không? Không tức giận, mắng chửi, không đánh phạt quân dữ hung hăng, mà còn thương yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ thù.
Đang cơn đau đớn quằn quại trên thập giá, Đức Giêsu vẫn nhớ cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết”. Người không xin Thiên Chúa toàn năng công thẳng kết án, trả thù, giáng phạt quân dữ chết tươi. Người không đe dọa báo oán, không kêu xin cứu mình, nhưng kêu xin Chúa Cha nhân từ tha thứ cứu chữa kẻ giết mình; khác hẳn những nạn nhân loài người thường chửi rủa đe dọa kẻ làm hại mình. Lòng Đức Giêsu rộng rãi bao la vô bờ: che chở bênh vực kẻ thù, cầu khẩn ân xá cho kẻ giết mình. Không thể tìm thấy đâu trên khắp mặt đất, hay dưới gầm trời bốn bể có người nào khoan nhân, dung thứ như Người. Chẳng bao giờ, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế, tìm được ai thương yêu kẻ thù như Người, may ra chỉ có những người theo gương Người, được một phần nào thôi, như Thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi.
Sự hiền lành của Đức Giêsu không phải là thứ hiền lành nhu nhược, nhút nhát hèn hạ; mà là thứ hiền lành cứu nhân độ thế, hiền lành của tình thương vô cùng: Xin tha cho họ để họ khỏi bị phạt đời đời, xin tha cho họ để họ được cứu độ trở nên con Thiên Chúa, như Người đã tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, tha cho viên sĩ quan đã đâm thấu qua Trái tim Người.
Sự hiền hậu của Đức Giêsu không phải là thứ hiền mù quáng, lầm lạc, mà là thứ hiền lành thẳng thắn, minh chính để trừ khử, sữa sai tội lỗi và sự dữ. Thấy quỷ ác hãm hại người ta, Người đã nghiêm khắc truyền lệnh: “Hãy ra khỏi người này”. Một lệnh truyền dứt khoát, ngắn gọn, mạnh mẽ.
Khi biệt phái chụp mũ Người lấy quyền tướng quỷ mà trừ quỷ. Người vạch rõ ác ý, sai lầm của họ: “Nếu Ta dùng tướng quỷ mà trừ quỷ, thì con cháu các người nhờ ai mà trừ quỷ. Nếu Ta dùng ngón tay Thiên Chúa, thì đó là nước Trời đã đến giữa các ngươi”
Sự hiền lành của Đức Giêsu là thứ hiền lành hạ mình xuống, chứ không phải nâng mình lên; thắng mình chứ không khuất phục người; sẵn sàng chịu nhục, chịu vả má, chứ không vả lại, chịu đánh chứ không đánh lại, chịu chết chứ không giết lại.
Đó là sự hiền lành anh hùng hạ mình xuống như những kẻ bé mọn và được Thiên Chúa như Mẹ Hiền luôn luôn thương giúp những đứa con thơ mọn. Còn những đứa lớn mạnh cậy mình khôn ngoan, thông thái không nhờ đến Mẹ, bất chấp lời Mẹ, nhưng tâm hồn chúng lại đầy mặc cảm, cô đơn, băn khoăn, lo lắng, buồn rầu.
Thánh Matthêu cho thấy Tin mừng của Đức Giêsu bị thất bại đối với các thầy tiến sĩ, luật sĩ, và biệt phái, nhưng lại được đông đảo dân chúng nồng nhiệt đón nhận. Vì thế, Đức Giêsu đã cảm tạ ngợi khen Đức Chúa Cha đã thương mặc khải cho những kẻ bé mọn. Họ đã học được sự hiền lành và khiêm nhường của Người và sống theo lời Người dậy. Tâm hồn họ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, trở nên êm ái nhẹ nhàng trước những ách nặng và gồng gánh đầy khổ đau của cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Chúa đã ưu đãi những kẻ bé mọn thấp hèn. Xin làm cho trái tim con đừng bao giờ kiêu ngạo, trương phình lên như con bò, nhưng hãy vui vẻ sống nhỏ bé như con nhái để mong có thể chui qua lỗ kim mà vào ở nhà tình thương êm ái, ấm cúng của Chúa muôn đời.
6.Ngược đời
Đọc lại Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu hay dạy những điều ngược đời. Thực vậy, đang khi thiên hạ tranh nhau ngồi chỗ nhất nơi đám tiệc, hay chiếm lấy một địa vị cao nơi một tập thể, thì Chúa Giêsu lại dạy chúng ta phải tìm chỗ rốt hết: ai muốn cầm đầu thì hãy làm kẻ đầy tớ. Đang khi thiên hạ tìm đủ mọi cách để trưng ra nào bằng cấp, nào địa vị, nào chức tước thì Chúa Giêsu lại cho chúng ta hiểu rằng những kẻ bé mọn là những người chiếm ưu thế nơi tình thương của Thiên Chúa: Con xưng tụng Cha vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.
Về những điều ngược đời ấy Chúa Giêsu không phải chỉ giảng dạy bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc đời của Ngài. Từ trời cao Ngài đã xuống thế làm người. Khi mở mắt chào đời, Ngài có thể sinh ra nơi đền hờ, vì đền thờ vốn được coi là nhà của Ngài, thế nhưng Ngài đã chọn máng cỏ hang đá Bêlem. Ngài đến trong cương vị của Đấng cứu thế, nhưng Ngài lại bị Hêrôđê tìm giết. Trên đường Ngài đi không có thảm đỏ, không có binh lính dàn chào, cũng không có các tư tế nghinh đón. Những người bạn của Ngài và ngay cả những người Ngài đã chọn để tiếp nối sứ mạng của Ngài đều là những kẻ quê mùa dốt nát, những kẻ thu thuế bị đồng hoá với phường tội lỗi. Cả một thế giới những con người không có chỗ đứng trong xã hội bấy giờ.
Và cuối cùng, bản thân Ngài đã bị treo trên thập giá, một án phát cho hạng người nô lệ. Ngài đã ở vào chỗ rốt hết, chẳng có chi là danh giá.
Trở lại đoạn Tin Mừng, những kẻ bé mọn trước tiên là các tông đồ, rồi đến những kẻ nghèo túng, yếu thế, những kẻ chẳng mấy được quan tâm. Vậy thì họ được Chúa mạc khải cho những gì? Tôi xin thưa họ được Chúa mạc khải cho biết chương trình cứu độ mà Ngài thực hiện. Đồng thời bản thân họ cũng đã đón nhận và tin vào Ngài như vị cứu tinh của họ.
Đứng trước ơn cứu độ Thiên Chúa trao ban, hoàn toàn do sáng kiến tình thương của Ngài, những kẻ không có gì để bám víu, để tự mãn, lại là những kẻ có ưu thế nhất. Và như vậy, kẻ rốt hết lại là kẻ đầu hết. Còn chúng ta thì sao, mặc dù đã nghe và đã biết chủ trương ngược đời của Chúa Giêsu như thế, nhưng trong thực tế chúng ta lại muốn xử sự theo sự khôn ngoan của người đời, bởi vì nhiều khi chúng ta muốn rao giảng Tin Mừng bằng uy quyền, bằng sự phô trương giàu sang và thanh thế, bằng sự xa lánh tất cả những gì mang dấu vết của thập giá, thành thử chúng ta không còn những người môn đệ đích thực của Đức Kitô nữa.
7.Khiêm nhu
Một vị quan tể tướng đời Đường rất lừng danh và có lòng mộ đạo chân thành. Thầy của ông là một bậc cao tăng. Hai thầy trò rất tâm đồng ý hiệp với nhau, không phân biệt địa vị hay chức quyền. Ngày kia quan tể tướng bèn hỏi: Xin thầy giải thích kiêu căng nghĩa là gì? Thầy liền đổi sắc mặt, trợn mắt hỏi với một giọng khinh miệt: Mi hỏi ta gì đó, đồ ngu. Cử chỉ và lời nói bất ngờ ấy làm cho gương mặt quan tể tưởng đỏ bừng lên. Bấy giờ vị cao tăng mới ôn tồn nói: Thưa, đó chính là sự kiêu căng đấy.
Câu chuyện trên như muốn vạch trần cái gốc rễ của tính kiêu căng. Đó là không chấp nhận những giới hạn của mình, không sẵn sàng đón nhận sự thật. Và tệ hơn nữa, sự kiêu căng còn là nguyên nhân làm cho con người không còn biết mở rộng cõi lòng để đón nhận Thiên Chúa. Chính vì thế mà Kinh Thánh đã xác quyết: Chúa hạ bệ những kẻ quyền hành và nâng cao những người khiêm nhu. Hay nói một cách khác, Chúa chán ghét những kẻ kiêu căng và yêu thương những người khiêm nhường.
Thực vậy, một Lucifer kiêu căng, dám ngang nhiên tuyên bố: Tôi không phục tùng Thiên Chúa nữa. Một Adong Eva kiêu căng muốn trở nên bằng Thiên Chúa, số phận họ như thế nào hẳn chúng ta cũng đã biết: Lucifer và các thần dữ thì lãnh nhận bản án lưu đày hoả ngục. Còn Adong Eva thì bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng với cảnh khổ đau và chết chóc.
Trong khi đó, một David khiêm nhường sám hối đã được Thiên Chúa tha thứ và chọn dòng dõi ông làm nơi phát sinh Đấng Cứu Thế. Một Maria khiêm nhường với thân phận người tôi tá Chúa nên đã được đặt làm Mẹ Ngôi Hai giáng trần. Một Gioan khiêm nhường không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài, đã được khen ngợi là cao trong hơn hết mọi người nam.
Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu lại xác quyết như thế: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xưng tụng Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những mầu nhiệm Nước Trời, mà lại mạc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là sở thích của Cha.
Từ đó chúng ta có thể kết luận, Chúa yêu thương những người khiêm nhu. Đó là một sự thật, một chân lý, một kinh nghiệm sống ngàn đời không hề đổi thay. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự sống tinh thần đơn sơ bé nhỏ và khiêm cung như Chúa mong muốn hay chưa?
8.Hiền lành
Mặt trời và gió luôn tranh cãi xem ai mạnh hơn ai. Hôm đó, có một người mặc áo choàng đi trên con đường vắng. Mặt trời nói với gió:
- Ai làm cho người ấy cởi bỏ chiếc áo choàng mau hơn thì sẽ thắng cuộc.
Gió đồng ý và ra tay trước. Chàng ta càng thổi thì người kia lại càng giữ chặt lấy chiếc áo. Cuối cùng chàng gió kiệt sức và đành chịu thua.
Lúc đó mặt trời mới ra tay. Bác ta toả xuống những tia nắng khiến người kia cảm thấy nóng bức. Và thế là người ấy phải cởi áo ra.
Tác giả câu chuyện trên đã kết luận như sau: Bạn có thể thành công nhờ sự hiền lành dễ thương hơn là nhờ bạo lực.
Ngày nay sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao như trước, bởi vì ngày nay bạo lực được phổ biến và có mặt khắp nơi, trên báo chí cũng như trên phim ảnh và truyền hình.
Thật khác xa với lời Chúa dạy: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Tiên tri Isaia đã nói trước về sự hiền lành của Đức Kitô như sau: Ngài không la hét, không to tiếng hoặc ăn nói ồn ào ngoài đường phố. Người không bẻ gẫy cây sậy bị giập, không thổi tắt ngọn đèn còn leo loét.
Một thí dụ tuyệt hảo về sự hiền lành dễ thương của Chúa là cách thức Ngài xử lư đối với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài chẳng những dễ thương đối với người phụ nữ, mà còn dễ thương với cả những kẻ tố cáo chị ta, vốn tự cho mình là công chính. Chúa Giêsu không la hét, không quát mắng, nhưng Ngài chỉ cúi xuống và viết trên cát.
Ngài khuyên chúng ta bắt chước người mục tử hiền lành trong dụ ngôn con chiên lạc. Người ấy không hề đánh đập hay lôi kéo con chiên về nhà, trái lại đã vác nó trên vai. Ngài cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Ông ta đã không quở mắng đánh đập, trái lại đã ôm hôn cậu và mở tiệc ăn mừng.
Đoạn Tin Mừng hôm nay chứa đứng một lời mời gọi quan trọng, đó là hãy noi gương bắt chước Chúa sống hiền lành và khiêm nhường. Cố gắng đối xử với mọi người bằng sự nồng thắm chân tình. Tiếp đến là hãy đối xử với những kẻ làm hại chúng ta theo cách đối xử của Chúa đối với người phụ nữ ngoại tình, của người cha đối với đứa con hoang đàng, của người mục tử đối với con chiên lạc. Nghĩa là hãy cảm thông hơn là kết án.
Và sau cùng là hãy đối xử với những người đang phải mang lấy gánh nặng của khổ đau, của bất hạnh một cách khéo léo và tế nhị, hầu đem lại cho họ sự an ủi và khích lệ. Tóm lại, chúng ta hãy thực thi lời khuyên nhủ của Chúa: Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam