Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1361308

AI ĂN TÔI SẼ SỐNG NHỜ TÔI

AI ĂN TÔI SẼ SỐNG NHỜ TÔI

 

Suy Niệm

"Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết

nhưng tôi muốn con tôi được sống".

Đó là lời của bà Susanna sau khi được cứu

trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.

Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch,

có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót.

Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước.

Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra?

Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo,

đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút.

Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ.

Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu.

Câu truyện trên giúp ta hiều phần nào bí tích Thánh Thể.

Đức Giêsu đã chết để chúng ta được sống.

Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá,

và Ngài muốn máu Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.

Trong các nhà thờ, vào dịp lễ Giáng sinh,

thường có những người ngoài Kitô giáo đến dự lễ.

Cũng có ít người tò mò lên "ăn bánh thánh".

Họ ngạc nhiên vì tấm bánh mỏng manh, nhạt nhẽo.

Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu chúng ta bảo họ:

"Ăn tấm bánh đó là ăn thịt Chúa,

uống chén rượu đó là uống máu Chúa".

Thật là kinh khủng, làm sao có chuyện như vậy?

Đây là mầu nhiệm đức tin, không dễ giải thích cho người ngoài.

Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu.

Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài.

Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại:

"Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy.

Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy."

Mình và Máu tượng trưng toàn thể con người Đức Giêsu.

Nên khi rước lễ, ta không chỉ rước thịt mình Ngài,

mà rước lấy cả con người Ngài dưới dạng tấm bánh.

Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị:

"Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi

và tôi ở lại trong người ấy (c.56).

Rước lễ không phải là đón nhận một xác chết,

nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh.

"Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,

kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy" (c.57).

Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống,

cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.

Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ.

Ngài không hiện diện dưới dạng một con người,

nhưng dưới dạng đồ ăn, đồ uống.

Như thế cả vật chất bất động cũng được nâng lên,

cả lao công của con người cũng được thánh hiến.

Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.

Vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.

Ước gì thế giới vật chất ở quanh ta cũng nên thánh,

nhờ được chia sẻ trong yêu thương.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bài Tin Mừng hôm nay có 10 từ "sống". Bí tích Thánh Thể là bí tích ban sự sống. Bạn có thấy thánh lễ đem lại sức sống cho bạn không? Nếu không, tại sao?

Bạn nghĩ gì về thái độ của bạn khi rước lễ? Đó có phải là một cuộc gặp gỡ thân tình không? Bạn có chuẩn bị gì khi rước lễ? Bạn có dành những giây phút lặng lẽ để tâm sự với Chúa sau rước lễ không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,

ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,

và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.

Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,

để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,

nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,

nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,

nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,

nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,

 nơi các tiệm cho mướn băng video,

nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...

Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn,

xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,

mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.

 

2.Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô--Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Suy Niệm

Còn gì đẹp bằng việc cả gia đình tham dự Thánh Lễ Chúa nhật!

Còn gì vui bằng việc đi nhà thờ và gặp những người bạn thân!

Mỗi Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ linh thánh với Thiên Chúa,

nơi cả triều thần thiên quốc, cả thế giới người sống và người chết,

gần nhau, nâng đỡ nhau và cầu nguyện cho nhau.

Dự lễ Chúa Nhật đâu chỉ là một luật buộc của Giáo Hội,

mà còn là niềm vui được tặng ban cho người kitô hữu.

Dự lễ Chúa Nhật là để tạ ơn Thiên Chúa.

Bí tích Thánh Thể tự bản chất là bí tích Tạ Ơn.

Chúng ta có bao lý do để nói một lời tạ ơn Thiên Chúa,

vì tất cả những gì Ba Ngôi làm cho chúng ta qua các công trình

sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, đã và đang diễn ra.

Chúng ta luôn có lý do để tạ ơn vì những điều chân thiện mỹ

vẫn tồn tại nơi mọi sự và nơi con người, bất chấp những bóng tối.

Dự lễ Chúa Nhật là nhân danh muôn loài thụ tạo để ca ngợi Chúa Cha,

nhờ Chúa Kitô, và trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần.

Dự lễ Chúa Nhật là dự một bữa tiệc, mặc áo đẹp, lòng vui như mở hội,

vì đại tiệc này do chính Chúa Kitô khoản đãi.

Ngài mời từng người: “Tất cả anh chị em hãy đến mà dự tiệc của Tôi!”

Ngài nuôi ta bằng Lời ban sự sống của Ngài, qua việc nghe các Bài Đọc.

Ngài còn nuôi chúng ta bằng Mình và Máu của Ngài, qua việc rước lễ.

Trong bữa Tiệc Vượt Qua, ngay trong đêm Ngài bị bắt ở Vườn Dầu,

Đức Giêsu đã cầm lấy bánh, bẻ ra, trao đi và nói một câu bất ngờ:

“Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy.”

Ngài lại trao cho các môn đệ chén rượu nho và nói:

“Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là chén Máu Thầy.”

Chúng ta tin bánh đã trở nên Mình, rượu đã trở nên Máu Chúa.

Đức Giêsu mời chúng ta ăn uống Mình và Máu Ngài

dưới dạng bánh và rượu đã được biến đổi cách mầu nhiệm

nhờ lời của Ngài và nhờ quyền năng Thánh Thần.

Dự lễ Chúa nhật là thông hiệp vào hy lễ thập giá trên núi Sọ.

Đức Giêsu đã không chỉ nói: Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy.

Nhưng Ngài nói: “Đây là Mình Thầy bị trao nộp vì anh em,

Đây là Máu Thầy đổ ra vì anh em.”

Như thế Ngài đã nói đến cái chết sắp đến của Ngài.

Rước Mình và Máu Thầy là mở lòng đón lấy

Đấng đã hy sinh mạng sống để cứu chuộc thế gian,

để rồi có sức hy sinh đời mình cho người khác.

Đức Kitô đã đổ máu mình trên thập giá duy chỉ một lần,

nhưng hy lễ ấy lại trở thành hiện thực trong từng Thánh Lễ.

Từ đó ơn cứu độ tuôn trào trên thế giới và trên từng người.

Hãy tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng.

Vì bí tích Thánh Thể là hy lễ của Đức Kitô,

nên khi dự lễ, ta hãy đem theo đời mình làm lễ dâng,

với muôn khổ đau, nhọc nhằn, để kết hợp với hy lễ của Đức Kitô.

Hãy dâng đời mình như những hạt lúa bị xay, bị nướng thành bánh,

như những trái nho bị ép để làm thành rượu nho.

Khi rước lấy Đấng ban sự sống, Đấng là sự sống,

chúng ta được ở lại trong Ngài và sống nhờ Ngài (Ga 6,56-57).

Xin cho chúng ta đi hết cuộc đời lữ thứ trần gian

nhờ tâm linh được dưỡng nuôi bằng lương thực thiên quốc.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa,

Chúa là thức ăn, thức uống của con.

Càng ăn, con càng đói;

Càng uống con càng khát;

Càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con,

Hơn cả tầng mật ong,

Vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

Vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?

Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con,

Con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,

Đòi hỏi đó làm con đau đớn,

Vì con không muốn từ bỏ

Những thói quen của con

Để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,

Ca ngợi và tôn vinh Chúa,

Bởi đó là sự sống đời đời cho con.

 

3.Tôi là Bánh--‘Manna’--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Cả các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng trước bí tích Thánh Thể.

Ăn thịt và uống máu người mình yêu

là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới.

Nhưng Đức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài.

Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá

 - ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình.

Đúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài:

sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện,

và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.

Đức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (c.51).

Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (cc.48.51):

Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống.

Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Đức Giêsu về mình.

Định nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không?

Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống.

Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác.

Chấp nhận là bánh có nghĩa là chấp nhận mất mình,

mà chỉ khi mất mình như thế,

bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình.

Thật ra bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn.

Đức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt.

Khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài.

Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm.

"Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi

và tôi ở lại trong người ấy" (c.56).

Rước lễ là đón lấy dòng sự sống, chấp nhận sống nhờ.

Đức Giêsu sống nhờ Cha và chúng ta sống nhờ Đức Giêsu (c.57).

Như cành nho sống nhờ thân cây nho,

chúng ta cũng sống nhờ, nghĩa là sống trong và sống cho Chúa.

Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã từng có thái độ

nhìn và thờ lạy Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn.

Động từ ăn được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng này,

như một lời mời gọi tha thiết của Đức Giêsu.

Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước.

Tiếc thay lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã,

thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình.

Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên.

Phút thinh lặng sau rước lễ cũng bị cắt ngắn.

Tôi phải về ngay vì phải lấy xe, vì nhà thờ đóng cửa...

Chính vì thế rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi.

Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần tuý.

Tôi lên ăn một vật thánh, thay vì đón một người.

Ít khi có vị khách quý nào bị thường xuyên tiếp đón lạnh nhạt như thế!

Rốt cuộc chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra,

nên tôi vẫn cứ là tôi như trước.

Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa.

Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm, người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Chúa đến với chúng con dưới dạng tấm bánh bình thường.

Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.

Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.

Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,

có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,

và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có cái gì tương tự giữa phận làm người

và phận làm bánh của Chúa.

Xin cho chúng con biết cách đến với con người hôm nay:

đơn sơ, khiêm hạ, không chút vinh quang hay quyền lực.

Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,

chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,

được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

Ước gì chúng con dám rước Chúa

đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,

để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.

Và ước gì chúng con trở thành những Nhà Tạm di động,

đem Chúa đến cho đồng bào và quê hương chúng con. Amen.

 

4.Tấm bánh tình yêu--TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.

Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.

Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?

2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?

3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?

 

5.Tấm bánh nhiệm mầu--TGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Giáo lý Công giáo dạy chúng ta: khi linh mục chủ sự thánh lễ lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói trong bữa tiệc ly: Này là Mình Thày, này là Máu Thày…. thì Chúa Thánh Thần tác động làm cho bánh thành Mình Thánh Chúa và rượu thành Máu Thánh Chúa. Tuy vậy, nếu nhìn bằng con mắt thể lý, trước và sau lời “truyền phép” này, bánh và rượu vấn y nguyên, không có gì thay đổi. Thánh Thể là mầu nhiệm của đức tin, nghĩa là chỉ cảm nhận bằng đức tin, như chúng ta vẫn hát trong bài Ca Thánh Thể (Tantum ergo): “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Sau lời truyền phép, linh mục chủ sự thánh lễ cũng tuyên bố với cộng đoàn phụng vụ: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, như lời khẳng định: chỉ có đức tin mới nhận ra sự biến đổi tự bản thể của bánh và rượu. Thánh Thể chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần gian. Tấm bánh đơn sơ là thế, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, trở nên Tấm Bánh Nhiệm Màu đối với các Kitô hữu.

Đây là Tấm Bánh Nhiệm Màu vì có Chúa Giêsu hiện diện. Suốt bề dày lịch sử của dân riêng, tức là dân Do Thái, Thiên Chúa hiện diện và đồng hành với họ. Ngài ở bên họ để chúc lành, hướng dẫn. Sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài là niềm tự hào của dân được tuyển chọn. Ông Môisen đã nói với người Do Thái: “Anh em hãy xem, có dân nào được các vị thần linh ở gần như Thiên Chúa ở gần chúng ta không?”. Sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa còn thể hiện qua việc Ngài nuôi dưỡng họ trong hành trình sa mạc. Ông Môisen (Bài đọc I) đã nhắc lại những lần Chúa làm phép lạ để nuôi dưỡng dân Ngài: manna, chim cút, nước tử tảng đá…

Nếu trong lịch sử, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài qua các biểu tượng như đám mây, cột lửa, sấm sét… thì hôm nay, Chúa Giêsu lại đang hiện diện giữa Giáo Hội và giữa trần thế qua Thánh Thể. Công đồng Tridentinô đã khẳng định: Trong Bí tích Thánh Thể, có trọn vẹn mình và máu, thiên tính và nhân tính, linh hồn và thân xác của Đức Giêsu. Để giữ lời hứa: “Này đây, Thày sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua Thánh Thể, Chúa ở giữa chúng ta để chia sẻ phận người, nhất là đối với những người đau khổ và bất hạnh, những người cô thế cô thận và bị gạt ra bên lề của cuộc sống. Chúa hiện diện để lắng nghe nỗi lòng của chúng ta, đồng thời ban lời hướng dẫn, giúp chúng ta vượt lên những khó khăn vất vả trên đường đời. Thánh Thể không phải là một hình ảnh tượng trưng, mà là chính sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Thánh Thể được gọi là “Bí tích” và là một trong bảy bí tích do Chúa Giêsu thiết lập. “Bí” là khía cạnh bí nhiệm, vô hình, thiêng liêng; “Tích” là khía cạnh hữu hình, có thể cảm nhận bằng giác quan. Khi lãnh nhận Thánh Thể trong thánh lễ hoặc khi “chầu” Mình Thánh, chúng ta chỉ thấy một tấm bánh đơn sơ, đó là khía cạnh “tích” mà chúng ta cảm nhận, còn khía cạnh “Bí” thì vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng đức tin.

Là Tấm Bánh Nhiệm Màu, Thánh Thể ban sức sống thần thiêng cho các tín hữu. Khi rước lễ, người tín hữu được hiệp thông với Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng sức sống thần linh. Nói cách khác, nhờ Thánh Thể, chúng ta đón nhận sự sống của chính Thiên Chúa, được kết nối với Ngài, như cành nho đón nhận sức sống từ thân nho để sinh hoa kết trái. Không chỉ được tiếp sức sống trong cuộc đời hiện tại, Thánh Thể còn là bảo đảm cho chúng ta được sống đời đời. Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với người Do Thái về đề tài “Bánh hằng sống”. Chúa Giêsu đã khẳng định: Bánh hằng sống là chính bản thân Người. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Việc lãnh nhận bánh hằng sống giúp cho người tín hữu kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.

Tấm Bánh Nhiệm Màu cũng nối kết các tín hữu thành một thân thể. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (Bài đọc II). Thật là huyền diệu! Thánh Thể liên kết các tín hữu và làm cho họ trở nên những người thân thiết, đến nỗi được so sánh như những chi thể của một thân thể, cùng chung chia vui buồn và cùng cảm thông nâng đỡ nhau. Như vậy, nhờ Thánh Thể, không còn ai là người xa lạ, nhưng đều là anh chị em với nhau trong gia đình Giáo Hội, để cùng nhau liên kết làm nên vẻ đẹp của tình mến và tình hiệp thông.

Ta hãy đến thờ lạy Tấm Bánh Nhiệm Màu với đức tin và với tình yêu mến. Ta hãy tuyên xưng: đây là Bí tích của tình yêu, vì qua Bí tích này, Chúa Giêsu hiến mình nên của ăn của uống cho con người. Sống mầu nhiệm Thánh Thể, chính là thực hiện tình yêu, cụ thể qua những nghĩa cử chia sẻ, hy sinh vì hạnh phúc của tha nhân, noi gương Đấng đã hy sinh và hiến mình vì chúng ta.

 

6.Tình yêu bao la của Chúa--TGM Giuse Nguyễn Năng

Suy niệm: Ðức Giêsu yêu thương Ngài không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe... Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng. Người Do thái không hiểu Ngài, cũng không hiểu được Lời Ngài vì thế đưa đến mâu thuẫn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng chạy đến với Chúa qua thánh lễ qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì chúng con. Ðể từ đó chúng con biết múc tình yêu của Chúa trao ban cho tha nhân. Amen.

Ghi nhớ : “Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

 

7.Bánh hằng sống--ViKiNi--‘Xây Nhà Trên Đá’--Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

I/ “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”. Lời giảng đó của Chúa Giêsu chỉ rõ về phép Thánh Thể. Thịt máu Chúa Giêsu là toàn diện con người Chúa gồm thiên tính và nhân tính. Xét về thiên tính, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Người nói “Tôi là Bánh Hằng sống từ trời xuống”. Xét về nhân tính, Người có thịt máu, hồn xác, nên Người nói “Thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống”. Khi rước Mình Máu Người là rước chính Chúa Giêsu trót thiên tính và nhân tính, là rước Ngôi Hai xuống thế làm người, là rước chính Đức Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, cho nên Mình Máu Người là của ăn, là bánh hằng sống, ban cho kẻ ăn được sống lại và được sống muôn đời.

Dân Do Thái không hiểu như thế. Họ chỉ hiểu theo góc độ ăn uống thịt máu vật chất loài người như ta ăn thịt heo, thịt cá và uống tiết canh. Họ hiểu như câu hát thề phanh thây uống máu quân thù, thì làm sao ai dám lấy thịt máu mình cho kẻ khác ăn. Họ chỉ thấy Đức Giêsu là con ông Giuse, anh thợ mộc, chứ không phải từ trời xuống. Họ mới được Chúa làm phép lạ cho bánh hóa nhiều nuôi bao nhiêu ngàn người ăn khỏi đói, thế mà họ cũng không tin Người là Thiên Chúa. Họ càng thấy chói tai ghê tởm và cãi nhau dữ dội khi Người nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta”, họ tưởng như những bè đảng “uống máu ăn thề” nên họ thấy chói tai quá, họ đã bỏ đi và một số môn đệ cũng bỏ Thầy. Đây là một thử thách lòng tin, một thách đố lý trí vô phương giải cứu, thử thách này kinh khủng hơn thử thách cha ông họ đã nếm mùi khổ nhục trong “sa mạc mênh mông khô cằn khủng khiếp, đầy rắn lửa, bọ cạp, núi non hiểm trở...” (Bài đọc 1: Dnl, 8, 2-3, 14b-16)

Trong sa mạc, chỉ có Môsê vững tin Thiên Chúa ông đã vượt mọi thử thách cam go để tuân hành lệnh Ngài truyền và Thiên Chúa đã khiến nước chảy ra từ tảng đá cho dân uống và ban manna cho dân ăn (Dnl. 8, 3. 16)

Trong hoang địa, nơi Chúa Giêsu đang giảng chỉ có Phêrô đứng ra tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga. 6, 68-69)

II/ Tại sao Đức Giêsu dùng kiểu nói ăn thịt và uống máu như vậy?

Thứ nhất, đối với người Do Thái: ăn thịt và uống máu, nhắc họ nhớ tới thịt máu con chiên vượt qua, máu chiên bôi lên cửa nhà họ làm dấu cứu con cháu họ khỏi bị tiêu diệt, còn nhà dân Ai Cập không có dấu máu chiên thì các con đầu lòng từ người đến vật và các thần đều bị tiêu diệt (Xh. 12, 1-14). Máu chiên vượt qua sẽ giúp họ thấy máu Người đổ ra trên Thập giá là dấu cứu họ vượt qua cõi chết để sống muôn đời. Còn thịt chiên vượt qua làm của ăn tăng sức mạnh cho họ ra đi thoát khỏi ách nô lệ Ai cập để trở về đất Hứa, miền đất quê hương tự do. Thịt của Đức Giêsu chẳng những ban cho họ sức mạnh thoát khỏi nô lệ, tội lỗi mà còn giúp họ thẳng tiến về quê trời vinh phúc muôn đời.

Thứ hai, đối với cả loài người: Thịt và máu Đức Giêsu thể hiện lễ hy sinh của Người trên Thánh giá. Sự hy sinh mạng sống là luật hy sinh trong vũ trụ này, con vật này phải chết đi làm của ăn cho con vật khác. Sự chết hy sinh cho sự sống, sự chết của hàng trăm sinh vật như tôm, cá, heo, gà, rau cỏ... đã hy sinh chết đi cho sự sống của tôi. Chúng phải chịu bắt, đánh đập, mổ xẻ, cắt chặt, nghiền nát, nung đốt để trở thành của ăn của uống cho tôi ăn để tôi sống, tôi khỏe mạnh, tôi phát triển.

Đức Giêsu muốn cho chúng ta được sống và được sống dồi dào muôn đời, Người phải hy sinh mạng sống để nuôi chúng ta sống, mạnh mẽ, sống sinh nhiều hoa trái tồn tại đến muôn đời.

Sau hết, đối với Đức Giêsu, kiểu nói: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” là kiểu nói duy nhất chỉ về sự thương khó, về lễ hy sinh trên Thánh giá, về lễ truyền phép bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Người làm của nuôi linh hồn ta đời đời, để cho ta được sống liên kết chặt chẽ với Người như những chi thể trong một thân thể Đức Kitô (Bài đọc II. 1Cr. 40, 16-17).

III/ Trong đoạn Tin mừng hôm nay chỉ có chín câu ngắn gọn mà Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến 12 lần về sự sống: Bánh hằng sống, được sống muôn đời (3 lần), được sống (2 lần), không có sự sống, sống lại, sống mãi (2 lần), Cha là Đấng hằng sống, tôi sống nhờ Cha, chứng tỏ Người thiết tha chăm lo đến sự sống chúng ta vô cùng. Người sẵn sàng hiến mạng sống mình cho chúng ta. Hơn nữa Người còn hạ mình xuống như một thứ đồ vật vô tri vô giác làm đồ ăn cho chúng ta được sống, sống lại, sống mãi, sống muôn đời như Cha là Đấng hằng sống, như Con sống nhờ Cha.

Tình yêu của Chúa không lời nào của loài người diễn tả nổi, không việc làm nào của loài người có thể cảm tạ đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ có cách duy nhất là: “Hãy siêng năng nâng chén lễ tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, để dự phần vào máu Đức Kitô. Hãy sốt sắng cùng nhau bẻ bánh thánh, để dự phần vào thân thể Người” (1Cr. 10, 16).

Vậy chỉ có cách siêng năng, sốt sắng rước lấy bánh hằng sống mới làm thỏa lòng Chúa tha thiết yêu ta.

Lạy Chúa Giêsu, không một người cha nào nuôi con bằng thịt mình, nhưng Chúa đã lấy thịt mình nuôi con, không một người mẹ nào nuôi con bằng máu mình, nhưng Chúa đã ban máu mình cho con làm của uống, không cha mẹ nào vui lòng chết khổ nhục vì con, nhưng Chúa đã chịu chết treo trên Thánh giá thay con. Xin Chúa cho con biết suốt đời dâng lễ cảm tạ Chúa, suốt đời dự phần vào Mình Máu Chúa, để thỏa lòng Chúa yêu con.

 

8.Lễ Mình Máu Chúa Kitô--Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Có một số Kitô-hữu cho rằng Đức Yêsu là biểu tượng của Thiên Chúa. Mình Máu Chúa Kitô cũng được một số người hiểu như biểu tượng Đức Yêsu hiện diện. Không sai khi nói Đức Yêsu là biểu tượng của Thiên Chúa, và bí tích Thánh Thể là biểu tượng Đức Yêsu phục sinh; tuy nhiên còn có điều gì hơn thế nữa.

1. Đức Yêsu là biểu tượng của Thiên Chúa

Biểu tượng khác dấu chỉ. Dấu chỉ là một thực tại hữu hình, chỉ tới một thực tại vô hình. Chẳng hạn, dấu chỉ hoặc dấu hiệu đi đường là những hình vẽ, giúp người lái xe hoặc khách bộ hành biết những thông tin cần thiết. Những dấu chỉ hoặc dấu hiệu này do quy ước mà có. Biểu tượng cũng là dấu chỉ, nhưng nó còn có liên hệ mật thiết đến thực tại nó biểu thị, chẳng hạn trái tim là biểu tượng của tình yêu; vì khi người ta yêu, nhịp đập của trái tim khác với những lúc bình thường.

Khi khẳng định Đức Yêsu là biểu tượng của Thiên Chúa, người ta không chỉ muốn nói Đức Yêsu là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện hoặc yêu thương, nhưng còn muốn nói giữa Đức Yêsu và Thiên Chúa có một mối liên hệ đặc biệt. Nói theo ngôn từ của thánh Phaolô, Đức Yêsu là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”. Các nhà thần học khi nói Đức Yêsu là con Thiên Chúa, thì không chỉ muốn nói Đức Yêsu là con Thiên Chúa như chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng còn muốn nói Đức Yêsu Đức Yêsu là con Thiên Chúa một cách đặc biệt, chữ Con được viết hoa, hoặc là con đồng bản tính Thiên Chúa. Tuy nhiên khi nói Đức Yêsu là con đồng bản tính Thiên Chúa, các nhà thần học không có ý muốn nói Đức Yêsu và Thiên Chúa là hai Thiên Chúa.

Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa, là dấu chỉ của Thiên Chúa, là biểu tượng của Thiên Chúa, là Đấng để Thiên Chúa chiếm đoạt Ngài hoàn toàn, đến độ ở một mức độ nào đó có thể nói Ngài “là Thiên Chúa”. Tuy vậy, chỉ có một Thiên Chúa.

2. Đức Yêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể

Trong việc tìm kiếm từ ngữ diễn tả về thực tại Đức Yêsu Kitô, các nhà thần học đã sáng chế ra từ ngữ “Ngôi Lời Thiên Chúa”. Đức Yêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Từ ngữ này làm cho người ta hiểu, Đức Yêsu không chỉ là một người, được Thiên Chúa chiếm đoạt và trở thành thần-nhân, một người được trở thành Thiên Chúa theo nghĩa “Thiên Chúa làm người để con người được trở thành Thiên Chúa”, nhưng còn nói một nghĩa đặc biệt: Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Nơi Đức Yêsu còn có một điều gì hơn nữa, Ngài là Thiên Chúa ”từ trước”.

Đức Yêsu vẫn khác biệt với Thiên Chúa cho dù Ngài “là Thiên Chúa”, nên các nhà thần học diễn tả bằng từ ngữ, Ngài là “Ngôi Lời Thiên Chúa” nhập thể. Ngôi Lời Thiên Chúa và Thiên Chúa có gì khác? Các nhà thần học diễn tả: cái khác là “ngôi vị”. Có điều chữ ngôi vị này không giống chữ “persona” của con người ngày nay. Ngôi Lời, hay Ngôi Hai, hay Chúa Con, vẫn đồng nhất với Thiên Chúa, vẫn là một Thiên Chúa; không giống như bạn và tôi là hai ngôi vị, và hàm chứa là hai thực tại khác nhau.

Để hiểu Ngôi Lời (Chúa Con), Ngôi Cha (Thiên Chúa), Ngôi Ba (Thánh Thần) khác nhau thế nào, người ta phải hiểu trong văn mạch; đây là những từ ngữ diễn tả về Thiên Chúa, diễn tả thực tại đặc biệt của Đức Yêsu Kitô, và sau đó diễn tả tương quan giữa Đức Yêsu và Thiên Chúa cùng Thánh Thần.

Giáo Hội không áp đặt một ý nghĩa cho Thiên Chúa, rồi nói Thiên Chúa phải như vậy; nhưng Giáo Hội diễn tả thực tại Đức Yêsu và tương quan của Ngài với Thiên Chúa. Đức Yêsu là người tuyệt vời, và còn hơn là một người nữa. Còn hơn là một người nữa, nghĩa là gì? “Là Thiên Chúa”. “Là Thiên Chúa” nhưng vẫn khác với Thiên Chúa, và điều này nghĩa là gì? Các nhà thần học diễn tả điều này bằng “Ngôi Lời Thiên Chúa”, là “Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể”.

3. Bí tích Thánh Thể là Mình Máu Thánh Đức Chúa Kitô

Tấm hình chụp một người, là dấu chỉ về người đó. Một phần thân thể của một người, có thể trở thành dấu chỉ và biểu tượng của người đó. Những thói quen, những lời nói, có thể là những dấu chỉ gợi nhớ đến một người. Theo nghĩa này, nghi thức “bẻ bánh” có thể làm cho người ta nhớ đến Đức Yêsu vì Ngài vẫn hay làm điều này.

Bí tích Thánh Thể không chỉ là những hành vi gợi nhớ Đức Yêsu. Nếu chỉ là hành vi gợi nhớ, thì ai làm cũng được. Chỉ cần chọn một người xứng đáng nhất trong những người hiện diện để thực hiện hành vi này mà thôi. Nơi Tin Mừng được đọc hôm nay, những người Do Thái hiện diện không hiểu lời nói của Đức Yêsu đơn thuần như vậy. Họ hiểu theo nghĩa đen: “làm sao người này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Những lời của Đức Yêsu được hiểu “đúng” tới mức độ gây ấn tượng rất mạnh đến nỗi nhiều môn đệ đã theo Đức Yêsu và bỏ đi khi nghe những lời này.

Đức Yêsu là lương thực nuôi dưỡng con người. Thịt máu Đức Yêsu là của ăn của uống cho con người. “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa nữa”. Bí tích Thánh Thể không chỉ là duyên cớ tập họp tín hữu để qua đó dân Chúa được dạy dỗ bằng Lời Thiên Chúa, nhưng còn là chính thân xác của Đức Yêsu Phục Sinh. Bí tích Thánh Thể là thân xác của Đức Yêsu phục sinh nuôi dưỡng con người, cũng tương tự Mình Máu Đức Chúa Yêsu là của ăn của uống cho con người mà ngày xưa Đức Yêsu đã đề cập đến.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Bạn hiểu Đức Yêsu là Con Thiên Chúa như thế nào?

2. Bạn có tin hình bánh hình rượu sau truyền phép là Mình Máu Thánh Đức Chúa Yêsu Phục Sinh không? Bạn hiểu điều này như thế nào?

3. Bạn có thường dự lễ và rước lễ không? Theo bạn hiểu, khi rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, điều gì xảy ra nơi bạn?

 

home Mục lục Lưu trữ