Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 78

Tổng truy cập: 1356329

Ai Đến Với Ta Sẽ Không Hề Khát

AI ĐẾN VỚI TA SẼ KHÔNG HỀ KHÁT

Một người sắp chết khát trong sa mạc nhưng vẫn cố lết về phía trước, mong tìm thấy được một giọt nước. Mắt anh sáng lên khi thấy từ đằng xa có một cái túi da. Một túi nước chăng? Ở sa mạc, nước là sự sống. Hai tay run rẩy, anh chụp lấy cái túi, mở ra … và thấy một nắm vàng bạc, châu báu. Hoàn toàn thất vọng, anh ngã gục xuống, buông xuôi. Trong sa mạc anh mới thấy được là một giọt nước còn quí hơn vàng bạc.
Trước khi đưa Dân Chúa vào Đất Hứa, Chúa để cho họ đi qua sa mạc. Trong sa mạc, họ bị lột trần trụi hết mọi ảo tưởng để trở về với con người thật của mình, và phải đứng trước một chọn lựa mang tính sống còn của đời người : "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,3). Cái khát của thân xác cho thấy phần nào cái đói từ đáy sâu tâm hồn : Mang thân phận yếu hèn phải sống giữa cuộc đời có nhiều đổi thay, họ cần một chỗ nương tựa, cần một nguồn sống. Vì thế, khi ban nước cho họ trong sa mạc, Chúa muốn họ biết Ngài là nguồn sống của họ giữa lòng đời; và khi đặt vấn nạn : “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta không?” (Xh 17,7) họ được thấy ngay bàn tay yêu thương của Chúa.
Phải chịu khát trong sa mạc là một thử thách cho đức tin. Thử thách được Chúa gửi đến không phải vì ghét mà vì yêu họ, bởi đức tin cần được lớn lên trong thử thách. Càng thấy sự túng cực của mình người ta càng nghiệm rõ tình yêu bao la của Chúa : “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới” (Tv 39,18). Sự túng đói, bệnh tật, tai nạn, … nhất là cái chết mới dạy cho người ta biết phải tìm kiếm cái thành đạt đời đời, vì mọi thành đạt đời này thực chỉ là một thất bại lớn cho ai không tin vào Chúa : “Ngày ngươi trồng, ngươi trông thấy chúng lớn; ngay buổi sáng, hạt giống ngươi gieo đã trổ bông. Nhưng trong ngày thu hoạch, chẳng gặt hái được gì, và tai hoạ thật vô phương cứu chữa” (Is 17,11).
Đúng thế, cái túng cực nhất của con người không phải là thiếu ăn thiếu uống, mà là thiếu vắng Chúa. Tuy được dựng nên theo hình ảnh Chúa, nhưng tội lỗi đã làm họ xa Chúa, nguồn sống của họ. Từ đó, cuộc sống trần gian của mỗi người như là sống giữa sa mạc với cái khát không bao giờ hết là khát Chúa, sự sống của họ. Chỉ có tình yêu Chúa mới cứu được họ : “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Nhưng cũng có những người bị ảo giác đánh lừa, không gặp được Chúa nhưng vẫn thấy no đủ. Họ như một người đi tìm nước trong sa mạc, giữa trời nắng nóng, ảo giác làm cho họ thấy xa xa có một hồ nước trong veo. Họ hăm hở bước tới. Hồ nước nằm ngay đấy. chỉ cần bước vài bước nữa thôi, chỉ mấy bước nữa thôi. Mà sao đi hoài không tới? Đường đời cũng có nhiều ảo tưởng làm cho người ta lạc hướng, cứ đi mãi, đi mãi, mà chẳng tìm được hạnh phúc thật vì không có Chúa. Người phụ nữ Samaria dù đã  thay đổi năm đời chồng mà vẫn chưa thoả dạ : “vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18).

Những nỗi khao khát làm nên sức sống của một đời người. Trên mọi nỗi khao khát đó, hơn cả khát nước trong sa mạc, là khát Chúa, sự sống đích thực được in sâu trong lòng mà mọi người tìm kiếm.

Đức Kitô là câu trả lời cho cái khát muôn đời đó, như Chúa đã nói : “Ai uống nước này sẽ lại khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa!” (Ga 4,14). Đức Kitô mang hạnh phúc Nước Trời đến, nhưng hạnh phúc còn tuỳ ở lời đáp trả riêng của mỗi người : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

Thầy Léon là một tu sĩ dòng Phanxicô được bề trên phân công may áo cho các tu sĩ, và thầy tận tụy với công việc đến hơi thở cuối cùng.

Khi sắp lìa trần, thầy nói với anh em đang đứng xung quanh : “Xin anh em đem cho tôi chiếc chìa khoá mở cửa thiên đàng”. Nghe thế, anh em đem đến cho thầy cuốn sách “Chìa khoá mở cửa thiên đàng”. Nhưng thầy lắc đầu. Thế rồi anh em thay nhau đưa đến các vật dụng đạo đức, các sách tu đức, v.v… thầy vẫn lắc đầu. Cuối cùng, có một tu sĩ hiểu được ý của Léon nên chạy đi tìm cây kim khâu thầy vẫn dùng từ nhiều năm qua.

Mắt Léon sáng lên, thầy nở một nụ cười khi trông thấy cây kim và nói : “Đây chính là chìa khóa mở cửa thiên càng của tôi”, rồi thầy tắt thở.

Thầy Léon được no thoả ngay từ cuộc sống thường ngày, giữa những công việc bổn phận âm thầm, vì lương thực thầy dùng là lương thực của Đức Kitô : “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34), và đã nắm chặt trong tay hạnh phúc Nước Trời.

Ôi lạy Chúa, con thấy mình đói lả. Chỉ có Ngài làm no thoả được thôi.
Lm. HK

NƯỚC HẰNG SỐNG

Ga 4, 5-42 : Ai uống nước Ta ban sẽ không còn khát nữa …

Anh chị em thân mến,

Trong sinh hoạt của con người, Nước là một vật hết sức quan trọng và rất cần thiết. Thể xác con người cần có nước mới sống được. Người ta có thể nhịn ăn cả tháng trời, nhưng không thể nhịn uống… Mức độ nhịn uống chỉ vài ngày mà thôi. Trên trái đất, nước chiếm 2/3 diện tích và Nước rất cần cho sự tưới tiêu. Ngay cả cây cỏ cũng như súc vật, không có nước, sẽ chết hết… Trái đất này nếu không có nước, cũng chỉ là một hành tinh chết mà thôi, vì từ con người, đến súc vật, đến cây cỏ, nếu không có nước, số phận chắc chắn là phải chết…. Câu chuyện đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samaria hôm nay xoay quanh một chủ đề: Nước (nước hằng sống). Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

a/. Trước hết xin tìm hiểu một vài từ:
Samaria : Nước Do thái từ Bắc xuống Nam dài khoảng 300 km, chia làm 3 miền rõ rệt. Miền Bắc: Galiêa – miền Nam : Giuđêa – miền Trung: Samaria . Mỗi miền có lối phát âm cách riêng biệt như người Việt Nam chúng ta. Riêng miền Trung (Samaria), miền này bị kể là dân ngoại. Người Do thái kỳ thị và khinh thường họ, cho dân Samaria là dân hợp chủng. Một người Do thái đàng hoàng không được phép nói chuyện và cả xin nước uống từ bất cứ chiếc bình nào của người phụ nữ Samaria .

Thờ Chúa trên núi này: vì người Do thái khinh thị và cắt đứt quan hệ với người Samaria, nên họ đã trả đũa bằng cách cho xây một đền thờ khác trên núi Garizim, cao 881m, mạn Nam thành Sikem. Có thể đứng bên giếng Giacop nhìn thấy núi này.

Thờ Chúa trong Thánh Thần và sự thật: Chúa muốn nhấn mạnh đã đến lúc không phải thờ Chúa trên núi này hay tại Giêrusalem, vì phải thờ phượng Chúa bằng thái độ nội tâm hơn là hình thức bên ngoài…

b/. Qua câu chuyện bên giếng Giacóp, chính Chúa Giêsu là người đi bước trước để gặp gỡ và cảm hóa người phụ nữ tội lỗi này. Chúa khởi sự từ việc Người khát nước và xin nước uống. Từ đó, Chúa hướng sự quan tâm của người phụ nữ sang thế giới khác, thế giới của tâm hồn. Dần dà, Chúa giải thoát khỏi những thiên kiến về sắc tộc, chính trị và tôn giáo. Phần chị ta, nhờ sự khéo léo của Chúa, lần hồi, chị ta khám phá ra người Do thái đang nói chuyện với mình là một tiên tri, là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi.
Điều kỳ lạ và bất ngờ là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samaria , bình thường khó mà xảy ra. Ít nữa chúng ta thấy có bốn trường hợp ngăn cách hai người này không thể gặp nhau: thứ nhất là vì sắc tộc: vì kỳ thị nên người Do thái không gặp gỡ tiếp xúc với dân Samaria , vì họ bị coi là tạp chủng, ngoại lai. Thứ hai là sự phân biệt nam nữ; vào thời đó gặp gỡ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ xa lạ là điều cấm, huống chi Chúa Giêsu lại gặp gỡ và nói chuyện với một người phụ nữ Samaria . Thứ ba: dù cả hai xứ, đều thờ chung một Giavê Thiên Chúa, nhưng dân Samaria bị khinh miệt như là dân ngoại, chung chạ với tà thần. Người Do thái liên hệ với họ sẽ bị ô uế. Thứ tư: một vị thánh như Chúa Giêsu mà lại nói chuyện với một người đàn bà tội lỗi, đang sống bất hợp pháp với 6 người đàn ông; rõ ràng dưới mắt người Do thái là một chuyện không thể được…
Qua câu chuyện bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã khéo dẫn đưa người phụ nữ Samaria đến nguồn nước hằng sống, thứ nước không chỉ để giải khát bên ngoài, nhưng có khả năng giải khát tâm hồn con người. Sau đó, người phụ nữ khi đã đón nhận nước hằng sống, đã trở thành chứng nhân, chạy đi báo tin cho người trong làng cùng biết và cùng đến với nước hằng sống là Đức Giêsu Kitô. Một câu chuyện thật nên thơ, nhưng cũng đầy ý nghĩa, cũng là bài học lớn cho mỗi người kitô hữu chúng ta.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Ta có tin Chúa Kitô là nước hằng sống không? Khi đã tin, ta có sẵn sàng đem chia sẽ niềm tin đó cho người khác không?

ĐỔI MỚI (Ga. 4, 5- 42)

Anh chị em thân mến.
Nếu có dịp đi qua bến phà hay những nơi công cộng, anh chị em nhìn thấy những cảnh hết sức thương tâm của người dân Việt Nam , đó là cảnh người nghèo đói còn quá nhiều. Những người ăn xin hiện diện khắp nơi, với những kiểu dáng hết sức phong phú, làm động lòng trắc ẩn khách đi đường. Họ cố gắng dùng mọi cách để làm sao kiếm được những đồng tiền để sinh sống. Nhiều vị khách đã động lòng mở rộng vòng tay nhân ái để giúp cho họ. Nhưng có phải vì túng thiếu không có phương tiện cần thiết để sống, nên họ mới chọn phương cách này không? Có người là như thế. Nhưng cũng có người không phải thế. Họ chọn việc ăn xin như là một nghề nghiệp của mình và không muốn từ bỏ nó, chứ không phải vì túng thiếu nên họ mới rơi vào tình trạng như thế, nên họ không muốn thay đ ổ i cuộc sống của mình, họ muốn ở mãi trong tình trạng đó, vì nó đem lại cho họ nguồn lợi. Họ vẫn biết việc làm của mình không hay lắm, nhưng vì đồng tiền mà quên đi danh dự.
Chúng ta vừa chứng kiến một phong cảnh đẹp của Phúc Âm . Nơi bờ giếng Chúa Giêsu hoán cải được một thiếu phụ, cũng từ đó Ngài làm cho cả dân làng có được một niềm tin và một sức sống mới. Ngài không bắt ép họ, nhưng gợi ý và để họ tự do hành động. Họ đã biết lựa chọn và hành động đúng.
Nếu người thiếu phụ đó cứ giữ mãi sự hiềm khích trong lòng cùng với sự căm hờn, nếu bà ta ích kỷ nhỏ nhen mà không nán lại một chút, chỉ biết lo trốn chạy vì sợ mất thời gian của mình trong một việc vô ích, thì làm sao bà ta nhận ra được hồng ân Thiên Chúa ban cho mình. Nếu chị ta nóng nải bỏ đi ngay tức khắc thì dân làng làm sao có thể nhận ra Đấng Cứu Độ đang đến với mọi người. Chúa Giêsu đến với mọi người, nhưng Ngài cũng chờ đợi mọi người biết đứng lên để đến với Ngài. Dân làng đã làm được điều đó, họ đứng lên và chạy đến với Ngài, nên họ nhận ra được hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho họ. Chính vì sự hy sinh nhẫn nại của một người mà cả dân làng mới có cơ hội tiếp nhận được hồng ân quý báu, và cũng nhờ họ có một tâm hồn quảng đại, biết lắng nghe nên họ đ ược hơn điều mình mơ tưởng.

Cơ hội không bao giờ thiếu cho con người, chỉ có con người không biết đón nhận và không biết tận dụng mà thôi.
Cơ hội cũng đến với chúng ta thật nhiều lần trong cuộc sống, cũng nhiều lần chúng ta bỏ qua một cách vô tình, có khi còn cố ý để cho cơ hội qua đi để tránh sự phiền phức.
Biết bao nhiêu lần vì ích kỷ sợ mất thời giờ quý báu của mình, chúng ta không chịu lắng nghe, nên không thể nghe được những điều hữu ích cho cuộc sống. Nhiều lần vì sự hiềm khích, vì nóng giận, vì sự tự ái trong người chúng ta quá lớn, nên chúng ta không có kiên nhẫn chấp nhận người khác, những lúc đó chúng ta cũng bỏ qua cơ hội ngàn vàng để biết đứng lên và quay trở về với Chúa. Cũng nhiều lần vì sợ mất đi những gì mình đang có như : thời giờ, tiền của, danh vọng, hay những thú vui trong cuộc sống, nên chúng ta cũng không thể lắng nghe để làm cho đời sống mình trở nên tốt hơn, đồng thời giúp cho những người chung quanh được lợi ích nhiều hơn. Chính những lần như thế, không phải là chúng ta không có phương tiện để sống tốt, nhưng vì mình không muốn. Như thế chúng ta không phải như những người ăn xin không phải vì hoàn cảnh, nhưng vì muốn làm nghề ăn xin và không muốn vươn lên. Không lẻ đời sống con người của chúng ta không thể đỗi mới được mà cứ phải lầm lủi trong bóng đêm mãi sao.
Nếu chúng biết mở rộng vòng tay ban phát những gì mình có cho những người cần đến, nếu chúng ta biết nhắt bước chân của mình để mang niềm vui đến cho người khác như người đàn bà bên bờ giếng, nếu chúng ta biết mang con tim yêu thương đến cho mọi người bằng hành động trong cuộc sống, khi đó chúng ta cũng dám nói như những người trong làng: bây giờ không cần chị nói, nhưng chính chúng tôi đã nghe và đã biết Người thật là Đấng cứu độ trần gian.

Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn đời sống mỗi người chúng ta biết sống theo thánh ý Chúa.

home Mục lục Lưu trữ