Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1356259

AI LÀ MẸ TÔI LÀ ANH EM TÔI

AI LÀ MẸ TÔI LÀ ANH EM TÔI

 

Tin mừng Mc 3: 20-35: Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có nhiều người Do Thái đã vấp ngã vì Đức Giêsu, trong đó có cả những người bà con thân thuộc và các Kinh Sư.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có nhiều người Do Thái đã vấp ngã vì Đức Giêsu, trong đó có cả những người bà con thân thuộc và các Kinh Sư. Những người bà con họ hàng là những người sống gần gũi với Chúa Giêsu, các Kinh Sư là những người am tường Thánh Kinh và lịch sử, đáng lẽ ra họ phải là những người am hiểu về Đức Giêsu hơn những người khác, trái lại, họ hàng thân thích thì cho rằng Đức Giêsu mất trí, còn các Kinh Sư thì cho rằng Đức Giêsu dùng quyền lực của quỷ vương Beldêbun mà trừ quỉ. Chúng ta tìm hiểu đôi chút về hai thái độ này:

1. Thái độ của các Kinh Sư

Các Kinh Sư từ Giêrusalem xuống để điều tra về Ðức Giêsu. Họ không thể phủ nhận khả năng trừ quỷ của Ngài, nhưng họ lại giải thích với cái nhìn đầy ác ý: Ðức Giêsu là người của quỷ, cậy dựa vào sức mạnh của Satan. Ðấng mà thần ô uế phải sấp mình dưới chân và tuyên xưng: "Ông là Con Thiên Chúa" (Mc 3,11). Ðấng khiến quỷ phải kêu la khi xuất ra: "Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa" (Mc 1,24). Ðấng trừ quỷ ấy lại bị coi là một người bị quỷ ám!

Quả thực không dễ gì hiểu được con người Ðức Giêsu. Chỉ một chút ghen tương đủ làm ta hiểu sai. Chỉ một chút tự ái đủ làm ta không thấy điều ai cũng rõ như ban ngày. Càng trí tuệ và học thức như các Kinh Sư, ta càng dễ bẻ cong chân lý, càng dễ biện minh cho thái độ cố chấp của mình.

2. Thái độ của bà con họ hàng

"Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí" (Mc 3,21). Chính người nhà Chúa Giêsu đã kết luận Ngài bị mất trí, và đã đến lúc họ phải bắt Ngài đưa về nhà. Chúng ta hãy thử xem điều gì khiến họ làm như vậy.

2.1. Chúa Giêsu đã bỏ nhà ra đi, bỏ luôn nghề thợ mộc mà Ngài đã từng làm ở Nadarét. Nếu nghề ấy không phát đạt thì ít nhất cũng giúp đủ nuôi sống mình. Thình lình, Ngài bỏ hết và đi lang thang truyền giáo. Chắc họ nghĩ rằng chẳng ai mà lại bỏ công ăn việc làm để thành một kẻ lang thang không chỗ gối đầu như vậy.

2.2. Chúa Giêsu đi vào chỗ phải đụng đầu với các lãnh tụ chính thống giáo thời đó. Ở đời, có nhiều kẻ có thể gây thiệt hại lớn lao cho người khác, có kẻ mà tay chân thuộc hạ của họ cũng đáng cho người ta phải coi chừng, có kẻ mà dám chống lại họ thật là một điều vô cùng nguy hiểm. Người nhà của Chúa Giêsu đã nghĩ, một người mà dám chống lại những kẻ quyền thế như Kinh Sư, Pharisiêu và các lãnh tụ tôn giáo thì khó mà có thể thoát khỏi tay họ.

2.3. Chúa Giêsu triệu tập một nhóm người bé nhỏ, một nhóm người khá kỳ lạ: một người thu thuế bỏ việc, một nhà ái quốc cuồng tín và một số là ngư dân. Họ là những hạng người mà không ai muốn quen biết. Họ là những hạng người chẳng ích lợi gì cho những ai muốn làm nên sự nghiệp. Họ nghĩ rằng chẳng ai tỉnh trí mà đi kết bạn với những con người như thế.

2.4. Bằng các việc làm của Chúa Giêsu, Ngài đã nêu lên những nguyên tắc chẳng giống chút nào với những con người bình thường:

2.4.1. Từ bỏ một nếp sống đảm bảo, điều mà phần đông người thế gian luôn mong ước: một địa vị an toàn, một việc làm ổn định, ít gây xáo trộn về vật chất và tài chánh.

2.4.2. Từ bỏ sự an thân, điều mà phần đông người có khuynh hướng muốn được an thân hơn lo cho phẩm cách đạo đức, cho việc làm phải hay quấy. Làm một việc có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân là điều do bản năng con người luôn muốn tránh né.

2.4.3. Bỏ ngoài tai lời khen chê của xã hội: Ngài hoàn toàn thờ ơ đối với lời phê phán, khen chê của xã hội. Ngài đã chứng tỏ là chẳng bận tâm gì đến những gì người ta nói về mình. Thật vậy, H.G. Wells đã nói, “Với nhiều người, tiếng nói của người láng giềng nghe to hơn cả tiếng của Thiên Chúa. Người ta sẽ nói gì? Là một trong những câu hỏi đầu tiên mà chúng ta vẫn thường có thói quen đặt ra cho mình.

Điều khiến cho người nhà và bạn bè của Chúa Giêsu lo sợ là những nguy cơ Ngài đã liều lĩnh chuốc lấy cho mình, mà theo ý họ, chẳng có người tỉnh trí nào làm như vậy cả.

3. Kế hoạch của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về nhà, vì có tin đồn rằng Đức Giêsu bị điên khùng!

Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, vì nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn đáng tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên! Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.

4. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi"

Đức Giêsu đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một « Gia Đình Mới », gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc « lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa » (Lc 8, 21). Thực vậy, khi đó Người rảo mắt nhìn những người đang vây quanh lắng nghe Lời Thiên Chúa, nói ra từ miệng của Người, và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.

Một câu nói nhằm mạc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.

Như thế, Đức Giêsu đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong Gia Đình Mới mà Đức Giêsu đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất: Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giêsu, vừa là mẹ Đức Giêsu, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Người là kẻ luôn luôn lắng nghe và làm theo Lời Chúa: “Bấy giờ Maria nói “Vâng, tôi là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Lời Êlisabét nói với Maria: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Sau khi các mục tử đến thăm Chúa Giêsu, “Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Sau chuyện tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền thờ “Mẹ Ngài hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”(Lc 2,51).

Quả thật, Đức Maria xứng đáng là mẹ thật của Chúa Giêsu bởi vì Người không chỉ làm Mẹ của Ngài về thể xác mà còn vì Người luôn lắng nghe, ghi nhớ và thi hành Lời Chúa. Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời Chúa. Và như thế, cũng như Đức Maria, chúng ta sẽ trở thành «người thân» đích thực của Chúa Giêsu. Amen.

 

16.Sự giao hòa và đặc ân của Thiên Chúa--‘Mở Ra Những Kho Tàng’--Charles E. Miller

Câu chuyện của Adam và Eva trong sách Khởi Nguyên không chỉ là cung cách mà nguyên tổ của chúng ta đã phạm tội; điều đó cũng thường xảy ra với chúng ta trong ngày hôm nay. Tội của Adam và Eva là một sự bất tuân bởi việc sa chước cám dỗ là họ muốn trở nên độc lập với Thiên Chúa. Sau khi sa ngã, các ngài giống như những đứa trẻ khi nhìn thấy một người nào đổ lỗi cho nhau khi chúng phạm một điều gì. Adam đã phàn nàn với Thiên Chúa: “Người phụ nữ mà Ngài đã ban cho con, chị ta đã đưa trái cây và tôi đã ăn”. Eva không biết nhìn vào người nào để đổ lỗi cho. Bà nhìn thấy con rắn được giới thiệu như quỷ dữ và nói với Thiên Chúa: “Con rắn đã dụ tôi ăn”. Con rắn vội vã trườn vào trong đám cỏ, nó không nói gì bởi vì nó biết nó không có chân để bỏ chạy.

Giả thiết điều đó xảy ra một cách khác. Hãy tưởng tượng là khi Adam đã lỡ phạm tội đối đầu với Thiên Chúa, ông ta nói: “Tôi xin thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và với em là vợ tôi đã phạm tội bởi lỗi của tôi”. Bạn có tin rằng Thiên Chúa sẽ nói “Ngươi đã có một cơ hội mà ngươi đã thất bại. Đừng tìm kiếm lòng nhân từ nơi Ta”. Giả thiết Eva cầm lấy tay chồng và nói: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hay thương xót, hãy dủ lòng thương xót đến chúng tôi. Xin tha thứ cho chúng tôi và cho chúng tôi cuộc sống đời đời”. Các bạn có nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ nói: “Hãy quên đi mọi chuyện, Ta đã quá giận về chuyện này ư?”

Từ những gì chúng ta biết về Thiên Chúa, tôi tin rằng Người đã hiểu biết và thương xót. Nhưng Adam và Eva đã đổ lỗi cho nhau và từ chối tỏ ra dấu hiệu thống hối, đó là hiệu quả của tội. Tội lỗi làm xa rời; nó làm phân chia. Tội đã cách biệt Adam và Eva ra khỏi Thiên Chúa. Tội đã tách biệt Adam và Eva ra khỏi nhau. Tội đã tách biệt lòng khao khát nội tâm của họ khỏi khuynh hướng tự nhiên của họ là hướng về Thiên Chúa. Tội lỗi thì giống như là những thí dụ mà Chúa Giêsu đã đưa ra trong Phúc Âm: “Nếu một nhà mà chia rẽ nhau thì nhà đó sẽ không tồn tại”.

Mặc dù chúng ta có thể có những giống như Adam và Eva, chúng ta đã phạm tội và tìm cách đổ lỗi, Thiên Chúa đã và tiếp tục hầu như thể hiện lòng thương xót đối với chúng ta. Ngài đã gởi Con của Người vào trong thế gian để cứu độ chúng ta, để chúng ta lướt thắng tội lỗi và mang những kẻ đối đầu trở về với Ngài. Những tội lỗi đã cách biệt và phân chia, hành động cứu thoát của Chúa Giêsu mang đến sự giao hòa và hòa hợp. Ngai đã hợp nhất ta một lần nữa với Cha Ngài, Ngài đã mang chúng ta vào trong một nhà là Giáo Hội. Ngài đã sửa chữa bên trong, những bất công trong tinh thần mà chúng ta đã đau khổ, do tội lỗi. Sự giao hòa là đặc ân của Thiên Chúa qua người Con yêu dấu của Người.

Trước tiên, nền tảng sự giao hòa của chúng ta là nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được hòa hợp với Thiên Chúa và với anh em, và bên trong chúng ta đã được củng cố bởi phép Thêm sức. Khi chúng ta phạm tội sau phép rửa, bí tích thống hối luôn luôn là một sự giao hòa mới để tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta.

Chúa Giêsu đã làm tất cả điều này vì chúng ta qua thừa tác viên của Giáo Hội, người nhà của Thiên Chúa. Ngài đã làm như thế vì Ngài không thể để cho chúng ta bị tách biệt bởi tội lỗi của chúng ta, Người đã cung cấp sức mạnh cho chúng ta để chúng ta có thể nỗ lực làm những việc công chính, và thực thi ý muốn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nhìn nơi chúng ta với lòng thương xót lớn lao và nói: “Đây là mẹ Ta, và đây là anh chị em của Ta. Bất cứ ai làm theo ý muốn của Thiên Chúa là mẹ, là anh, là chị của Ta”. Mặc dù Adam và Eva là những nguyên tổ của chúng ta, Chúa Giêsu cũng bảo đảm với chúng ta rằng: Ngài là anh của chúng ta và Thiên Chúa ở trên thiên đàng thực sự người Cha yêu thương của chúng ta.

 

17.Ai là Mẹ Ta--‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu:

- Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều gì?

Khổng Liệt trả lời:

- Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: không có giờ học tập vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người thân, công việc bề bộn nên không có giờ thăm viếng bạn bè.

Nghe thế, Khổng Tử rất buồn lòng.

Một ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:

- Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm; lương bổng tuy ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.

Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử.

Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy". Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta".

Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.

Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả mọi người.

 

18.Ôi thân nhân!-- Mc 3,31-35

Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc. 3, 31-35)

Mấy bữa trước đây, trong một trích đoạn Phúc âm, thánh Maccô đã cho ta biết thái độ của đám bà con thân thích của Chúa Giêsu: họ muốn cách ly Người, bởi cho rằng Người đã mất trí, ngộ đạo và họ bị phiền hà vì danh tiếng này. Vậy mà hình như họ đã thay đổi ý kiến, bởi lẽ hôm nay họ muốn xin được gặp Người, nhắc nhở cho Người quyền lợi gia dình, tình thân thương và lòng kính nể mà thông thường họ có quyền được hưởng. Giữ liên hệ tốt đẹp với bà con họ hàng chẳng phải là điều tự nhiên sao?

Chúa Giêsu có vẻ như không chia sẻ ý kiến này.

Một sự rạn nứt của tình bà con

Khi đọc bản văn này, ta rất mau mắn vin ngay vào những lời cuối cùng: “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta lấy làm vui sướng vì được kết nạp vào gia đình này. Nhưng chúng ta cũng vội làm mất đi ý nghĩa khác mà những lời đó gợi nên, tức là sự rạn nứt trong mối quan hệ tự nhiên của gia đình.

Nếu ta đem liên hệ thái độ này của Chúa Giêsu với lời Người phán trước đây: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, ta càng ngạc nhiên. Chúa Giêsu chống lại gia đình và những mối liên hệ gia đình chăng? Phải chăng Người muốn ta hiểu biết điều căn bản gì?

Thực ra tin mừng của Chúa không có ý xếp những liên hệ gia đình vàò hàng cuối cùng, mà muốn dạy ta kính nể mọi người cũng như ta vẫn thường kính nể anh chị em cha mẹ ta vậy.

Xét cho cùng, con người từ rất lâu đã quen với những tập tục là phải dành những ưu đãi cho gia đình ruột thịt của mình, phải yêu mến và có trách nhiệm hơn đối với những người cùng chung máu mủ, thì Tin mừng của Chúa hôm nay là một điều mới mẻ: tin mừng đó đòi hỏi ta đối xử với mọi người như nhau và hỏi ta tại sao điều ta làm được cho cha mẹ ta, mà lại không làm cho “tha nhân” được.

 

19.Tội phạm đến Chúa Thánh Thần--Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin mừng Mc 3: 20-35: Chúa Thánh Thần soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối. Từ chối Chúa Thánh Thần là từ chối sự thật, và vì thế không thể nhận ra tội lỗi của mình để sám hối và được tha tội. Không được tha vì chính mình đã bịt tai, đóng cửa lòng, từ chối ơn tha tội.

Theo Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu đã bắt đầu hoạt động công khai của Người bằng việc “Đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ qủy” (Mc 1,39); hoạt động trừ qủy của Chúa Giêsu chiếm một vị trí quan trọng trong sứ vụ cứu thế (Mc 1,34-39; 3,11-12; 5,1-20; 9,14-29). Người cũng ban cho các môn đệ quyền trừ qủy (Mc 3,15; 6,7.13). Người công bố: “Nếu Tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ qủy, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12, 28). Sứ mạng của Chúa Giêsu là cứu loài người khỏi nô lệ ma quỉ, khỏi thần chết. Người tới đâu là qủy dữ bị xua trừ, như ánh sáng đến đâu thì bóng tối bị đẩy lui tới đó. Người rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, tha thứ kẻ tội lỗi… ma qủy khiếp sợ tháo lui.

Thấy Chúa Giêsu trừ qủy, dân chúng kinh ngạc, còn nhóm Pharisêu lại bảo Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương Bendêbun để trừ qủy. Họ vu khống lăng mạ và nói Ngài là người của ma qủy. Chúa Giêsu gọi việc xuyên tạc như thế là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Tại sao tội này lại không thể tha thức được? (Mc 3,29)?

Cả ba thánh sử Máccô, Mátthêu và Luca đều tường thuật về câu nói: “ Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha”.

Phúc Âm Máccô chương 3 tường thuật việc Chúa Giêsu trong khi chữa bệnh, bị người ta rình rập, tố oan và âm mưu giết chết. Trước sự ác độc chai lì nham hiểm của họ đối với các việc lành của mình, Chúa Giêsu phải “giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (câu 5). Tuy thế, Chúa vẫn yêu thương con người. Phúc Âm tiếp tục với việc Chúa thành lập nhóm 12 để tiếp nối công trình yêu thương này, và cũng tiếp tục với việc Chúa chữa bệnh, trừ quỷ. Khi thấy Chúa thực thi quyền trừ quỷ, các “kinh sư từ Giêrusalem xuống nói rằng, Người bị quỷ vương Bendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (câu 22). Chính trong ngữ cảnh này mà Chúa nói về tội phạm đến Thánh Thần: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời. Ðó là vì họ đã nói ‘ông ấy bị thần ô uế ám’ ” (câu 28,29,30).

Bối cảnh trên cho thấy khá rõ tội phạm Chúa Thánh Thần đây chính là:

- Coi ma quỷ cao hơn Chúa Giêsu, như các kinh sư nói Chúa phải dùng tới phép của quỷ vương Bendêbun.

- Xúc phạm nặng nề tới Thánh Danh bằng việc từ chối quyền năng và ơn cứu độ của Chúa, cụ thể từ chối các bí tích, xem thường Ơn Thánh.

- Chai lì ngoan cố chống đối Thiên Chúa trước các tác động của Ngài trong cuộc đời.

Là con người, ai cũng yêu đuối tội lỗi, nhưng nếu họ khiêm tốn chạy đến với Chúa, nài xin Ơn Thánh qua các bí tích và quyết tâm chừa cải, chắc chắn họ được Chúa yêu thương tha thứ. Ngược lại, nếu cố tình chai lì trong sự thâm hiểm của mình, cho rằng không ai hơn được mình, không nhìn nhận Chúa là Chủ tể cuộc đời, xem các quyền lực khác của thần dữ hơn cả Chúa, họ rơi vào tội phạm tới Chúa Thánh Thần.(Lm Phêrô Nguyễn Đức Thắng).

Không có tội gì mà Thiên Chúa không tha thứ khi con người biết ăn năn và hối lỗi. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương (1Ga 4,8), Ngài chậm giận và luôn giàu tình thương (Tv 86,15).Thế nhưng, có một điều mà Chúa không thể cứu vãn được, đó là sự cứng lòng nơi con người. Đây là thái độ kiêu ngạo, biết mà vẫn cứng lòng. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu luôn khiển trách các Kinh sư và Pharisiêu.

Khi một người cứng lòng thì họ không ăn năn nên không thể được tha thứ, vì ăn năn là điều kiện duy nhất để lãnh ơn tha tội. Không được tha chẳng phải vì Thiên Chúa hẹp hòi, nhưng vì người ấy không cần đến ơn tha thứ, đó là tội cứng lòng, tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Đây là trường hợp mà Stêphanô nói với cấp lãnh đạo Do thái: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần…Các ông phản bội và sát hại Đấng Công chính. Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ” (Cv 7,51-53).

Chúa Thánh Thần soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối. Từ chối Chúa Thánh Thần là từ chối sự thật, và vì thế không thể nhận ra tội lỗi của mình để sám hối và được tha tội. Không được tha vì chính mình đã bịt tai, đóng cửa lòng, từ chối ơn tha tội.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết, tội phạm đến Chúa Thánh Thần “không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói mà hệ tại sự từ chối nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực cây thập giá… Vì sự cứng lòng của nó sẽ dẫn nó đến sự hư mất đời đời" (Thông điệp Dominum et Vivificantem, 18/5/1986).

Đức Thánh cha Phanxicô cắt nghĩa về tội phạm đến Chúa Thánh Thần trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta: “Ngay cả Chúa Giêsu là vị Thượng Tế mà cũng đã được xức dầu. Vậy lần xức dầu đầu tiên ấy là khi nào? Đó là khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Trinh Nữ Maria. Còn về việc nói phạm đến Chúa Thánh Thần thì là việc gì? Đó là nói phạm đến tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và sáng tạo. Nếu thế, chẳng lẽ Thiên Chúa không tha thứ cho kẻ xấu hay sao? Không phải thế! Thiên Chúa tha thứ tất cả! Nhưng những người nói phạm đến Thánh Thần là người không muốn được thứ tha, họ đóng cửa lòng trước ơn tha thứ. Những người ấy thật là tệ hại, vì họ phủ nhận Đức Kitô vị Thượng Tế được Chúa Thánh Thần xức dầu để ban ơn tha thứ cho mọi người” (x.vi.radiovaticana.va; 23.1.2017).

Thánh Gioan XXIII nói rằng: tội lớn nhất thời đại là đánh mất ý thức tội lỗi. Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.

Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn con người nhận biết sự thật về Chúa Kitô, và về bản thân mình, nhờ đó con người có thể nhận lãnh ơn cứu độ, sự tha thứ của Ngài. Khi không nhạy bén với sự soi sáng, hướng dẫn ấy là con người khép lòng, từ chối sự tha thứ của Ngài, là liều mình sống trong tình trạng tội lỗi. Một lương tâm phóng túng thì luôn phán đoán lệch lạc: coi một tội là hợp pháp, hay tội nặng thành tội nhẹ. Một lương tâm chai lỳ khi quá quen phạm tội nên không nhận thức được tội của mình nữa, hoặc coi thường tội, dù là tội nặng. Giả hình, lừa dối, gian dối đang phát triển khắp nơi, do vậy số con cái ma quỷ đang tăng lên mỗi ngày một nhiều.

Chúa Thánh Thần có sứ vụ quan trọng trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người thấu hiểu những lời giảng dạy và mạc khải của Chúa Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để được soi lòng mở trí cho mình. Cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu và nhạy cảm với sự thật. Có lần Chúa Giêsu đã nói thẳng với những người Do thái: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, quỷ đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó. Bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44). Chúa khẳng định tất cả những ai quen lừa dối, đều trở thành con cái ma quỷ, vì quỷ là cha sự gian dối. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật, con người không còn hy vọng được cứu rỗi.

Nhận ra sự soi sáng, thúc đẩy của Thánh Thần để nhận biết sự thật về Chúa và về mình. Thiên Chúa là Cha nhân lành yêu thương mọi người; còn mỗi người là con cái, là thụ tạo do Ngài dựng nên, được bao phủ bằng tình yêu thương của Ngài, nhưng người ta thường xúc phạm đến Ngài qua tội lỗi. Nhận thức được sự thật ấy sẽ giúp chúng ta sống bình tâm trong thân phận thụ tạo và con cái của mình.

Hàng ngày chúng ta cần nhớ về sự hiện diện thánh thiêng của Thánh Thần nơi mình, để nghe theo sự soi sáng và thúc đẩy của Ngài.

Hằng ngày và trước mỗi việc làm, hãy luôn cầu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đừng để con làm phiền lòng Chúa bao giờ, nhưng cho con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa để được ơn hoán cải. Lạy Chúa Thánh Thần, con xin lỗi Chúa vì con thường quên sự hiện diện gần gũi của Ngài trong cuộc sống đời thường. Xin cho con mau mắn vâng theo lời dạy bảo của Ngài; xin cho con đừng khép lòng trước những gợi ý dấn thân tích cực hơn trong việc sống niềm tin trong đời sống. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ