Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 78

Tổng truy cập: 1364173

AI NẤY SẼ VUI MỪNG

AI NẤY SẼ VUI MỪNG (*) Chú giải của Noel Quesson

 

Tin Mừng hôm nay, nếu đọc đầy đủ, gồm “ba dụ ngôn nổi tiếng về lòng nhân hậu, mà Luca đã tập họp trong chương 15: *1. Con chiên bị mất và tìm lại được *2. Đồng bạc bị đánh mất và tìm lại được *3. Đứa con đi mất và trở về. Ba dụ ngôn này được xây dựng trên cùng một sơ đồ và đạt đỉnh cao trong dụ ngôn thứ ba mà nhan đề truyền thống là “dụ ngôn đứa con hoang đàng”. Tuy nhiên, vì dụ ngôn thứ ba này đã được suy gẫm vào Chúa nhật IV Mùa Chay của cùng năm Phụng vụ này, nên hôm nay chúng ta chỉ cần chú giải hai dụ ngôn đầu.

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.

“Ông này đón tiếp phường tội lỗi, đó là một định nghĩa về Chúa Giêsu, đồng thời cũng là một mạc khải của Thiên Chúa!”. “Ai thấy tôi là thấy cha tôi” (Ga 14,9).

Những người Pharisêu và các kinh sư là những người rất được trọng vọng. Họ thật sự bị sỉ nhục vì Đức Giêsu thường tiếp phường tội lỗi. Phần chúng ta, chúng ta có thể hoàn toàn bỏ qua khía cạnh “Tin Mừng” của ngày hôm nay, nếu chúng ta không nhận ra rằng bài Tin Mừng này cũng vì chúng ta. Phải chăng chúng ta là những người nói rằng: “Tôi không làm gì xấu, tôi là một người tử tế, tôi không có tội”.

Tuy nhiên, trong phần thư của Thánh Phaolô mà chúng ta đọc hôm nay, thánh nhân lặp lại với chúng ta: “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Timôtê I,15). Phụng vụ ngày Chúa nhật đầy rẫy thực tại “cứu độ” “tội lỗi được tha thứ”. Chúng ta có đem lại một nội dung cụ thể cho các từ đó? Chúng ta có thuộc phái Pharisêu chỉ nhìn thấy tội lỗi. Trong những người khác? Trước khi đi xa hơn trong sự suy niệm của tôi, tôi cần phải bình tâm và sáng suốt nhận thực rằng tôi là kẻ tội lỗi” khi nhớ đến những thiếu sót mà tôi phạm phải trong đời tôi.

Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang để tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”

Đức Giêsu hỏi. Người kêu gọi kinh nghiệm của các cử tọa, các ông nghĩ gì? Các ông sẽ làm gì? Thật ra, không một mục đồng nào chịu mất dù chỉ một con chiên, nhưng lo lắng để tìm lại nó.

Các triết gia đã biến Thiên Chúa thành một ý niệm vững chắc: Một hữu thể bất động, không hề thay đổi… Còn ở đây chúng ta đứng trước một Thiên Chúa “chuyển động”, đang mở chiến dịch tìm kiếm cái mà Người đã mất? Và Đức Giệsu đặt trước mắt – chúng ta các cậu mục đồng vùng đồi núi Galilê đang chạy hết tốc độ, chân trần trên sỏi đá để tìm lại một con chiên đi lạc khỏi đàn. Chúng ta đoán được sự ngoan cường của các cậu trai ấy, “tìm kiếm cho tới khi nào tìm thấy!”

Thiên Chúa là như thế…

Không bao giờ có người nào bị Thiên Chúa bỏ rơi.

Không bao giờ có người nào “bị mất” hẳn, bởi vì có Đấng yêu thương người ấy không ngừng đi tìm người ấy. Thiên Chúa không chịu ngồi chờ kẻ tội lỗi trở về. Người ra đi tìm họ.

Chúng ta còn phải chiêm niệm lâu dài Thiên Chúa đó, Đấng mà Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta. Khi người ta yêu thương, thì số học không còn như cũ. Lúc đó, có thể đặt dấu bằng (=) ở giữa số 1 và số 99. Đối với Thiên Chúa, mỗi người đàn ông, mỗi phụ nữ có một giá trị độc nhất, vô giá. Tôi nhìn thấy con chiên độc nhất ấy đã bò trốn hoặc đã bị mất. Đó là con chiên chiếm hết ý nghĩ của cậu mục đồng. Và xem ra chỉ có nó mới là đáng kể. Chúng ta có một Thiên Chúa như thế. Một Thiên Chúa tiếp tục nghĩ đến những ai đã bỏ rơi Người, một Thiên Chúa yêu mến những ai không yêu mến Người, một Thiên Chúa đau khổ chỉ vì một trong số các con chiên của Người làm Người lo lắng.

Đôi khi, tôi chẳng phải là con chiên đó sao? Và, xung quanh tôi, như ông nọ, bà kia, cô X…, ông Y… không người nào bị bỏ rơi. Thiên Chúa đang tìm kiếm họ.

“Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai…”

Đây là một hình ảnh kỳ diệu, một trong những tranh thánh đã thể hiện Đức Giêsu như thế ngay từ những thế kỷ đầu: Một người chăn chiên sung sướng, tươi cười, vác trên vai một con chiên. Trong nội tâm mình, chúng ta còn phải chiêm niệm hình ảnh ấy của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã có một sự quan sát rất tinh tế với chi tiết đơn giản đó: “vác con chiên trên đôi vai”, khi một con chiên đi lang thang nhiều giờ hoặc nhiều ngày xa đàn chiên, nó kiệt sức và nằm xuống. Thật ra phải vác nó thời. Và một con chiên nặng đấy? Nhất là khi người chăn chiên cũng đã chạy nhiều giờ trên những ngọn đồi nhiều sỏi đá dưới ánh nắng mặt trời… Chính người chăn chiên cũng rất mệt nhọc? Nhưng, Đức Giêsu nói, hoàn toàn vui mừng, người đó quên đi sự mệt nhọc của mình, bế nó lên tay và vác nó.

Chính Thiên Chúa được giới thiệu với chúng ta như thế! Vả lại hình ảnh ấy không mới mẻ. Toàn thể Kinh thánh đã thể hiện Thiên Chúa dưới những đường nét của “Người chăn chiên” (Isaia 40,11; 49,10 v.v…). Và mỗi Kitô hữu thỉnh thoảng phải đọc lại Thánh Vịnh 26 tuyệt vời: “Chúa là đấng chăn dắt tôi, tôi không thiếu thốn chi”.

“Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”.

Niềm vui của người chăn chiên rất mạnh mẽ nên người ấy không thể, giữ lại cho một mình mình. “Xin chung vui với Ta” Thiên Chúa nói. Vậy giờ đây Thiên Chúa là hữu thể đang vui mừng và chia sẻ nềm vui. Chúng ta hoàn toàn khác với các người Pharisêu và kinh sư hay càu nhàu, bẳn gắt!

Vậy tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Thiên Chúa vui mừng tha thứ cho những kẻ tội lỗi.

Thiên Chúa vui mừng để cứu độ, vì Người không biết kết án ai. Trên trời có niềm vui! Vậy khi nào? Mỗi lần một kẻ tội lỗi hoán cải. Chỉ một thôi ư! Mỗi lần mà sự ác lùi lại một chút trên mặt đất.

Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà moi móc tìm cho kỳ được?

Luca, vốn rất quan tâm đến các phụ nữ là người duy nhất thuật lại cho chúng ta dụ ngôn đầy “nữ tính” này, để nói lại với chúng ta cùng một sự việc dưới một hình ảnh bổ sung. Sự lặp lại này không đơn thuần là một minh họa mới: Đức Giêsu nhấn mạnh, như để nói với chúng ta rằng điều Người vừa mới mạc khải không phải là một sự nói quá hoặc một sự nhầm lẫn ngẫu nhiên. Tình yêu phi thường của Thiên Chúa được tái xác nhận ở đây.

Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất”.

Vậy giờ đây một niềm vui rất đơn sơ được chia sẻ giữa những Người phận nhỏ. Đây cũng là một sự quan sát cụ thể của Đức Giêsu. Người phụ nữ được đưa lên sân khấu này là một Người nghèo: Bà không sở hữu “một trăm con chiên”, bà chỉ có mười “đồng quan “! Đồng quan này chỉ số tiền lương trung bình một ngày công nông nghiệp (Mt 20;2). Vì thế không phải là gia tài to lớn gì mà bà đã tìm lại được Nhưng bà cũng muốn chia sẻ niềm vui. Thiên Chúa là như thế đó. Chúng ta còn chưa hiểu đủ bầu khí vui mừng xuất phát từ tấm lòng của Thiên Chúa nằm rải rác khắp nơi trong toàn bộ Tin Mừng như một “Tin Mừng”, và niềm vui ấy muốn tràn ngập nhân loại được “cứu thoát”.

“Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: Giữa triều thần Thiên Chúa ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.

Hình ảnh này rất đẹp. Không nên cụ thể hóa nó. Có một cuộc lễ trên thiên giới. Niềm vui của Thiên Chúa lan truyền và trở thành niềm vui của các thiên thần.

Tất cả lễ hội hân hoan này chỉ vì sự hối cải của một người tội lỗi?

Tư tưởng Kitô giáo, phản ánh tư tưởng của Đức Giêsu đầy sự tinh tế. Phải nhấn mạnh rằng, không hề có một sự làm hại thanh danh với “tội lỗi” trong thái độ đó. Đức Giêsu không bao giờ nói rằng tội lỗi không quan trọng. Trái lại, sự lên án của Người đối với tội lỗi thì mãnh liệt và không chút mơ hồ. Như mọi ngôn sứ, Đức Giêsu đòi hỏi sự hoán cải và sám hối (Máccô 1,15). Và nếu các dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe là một lời rao giảng về tình yêu Thiên Chúa thì chúng cũng là một lời rao giảng về sự hoán cải cần thiết của kẻ tội lỗi. Nhưng điều được nói ở đây một cách mạnh mẽ là luôn luôn Thiên Chúa có sáng kiến “đi tìm” điều đã bị mất. ‘Tình yêu cốt ở điều này; không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,10 -19).

Chúng ta có để Thiên Chúa yêu thương chúng ta không? Chúng ta có mang lại niềm vui cho Thiên Chúa không? Và có bước vào trong niềm vui của Thiên Chúa không? Cần phải đọc lại phần kế tiếp là dụ ngôn về đứa con hoang đàng, trong Chúa nhật IV Mùa Chay.

 (*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

CHÚA NHẬT XXIV  THƯỜNG NIÊN – NĂM C

XIN CHUNG VUI VỚI TÔI- Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

*1. Bữa ăn chung với kẻ tội lỗi

Ở đây chúng ta chỉ nhắc qua bối cảnh là một cuộc tranh luận, và tập trung chú ý vào lời mời gọi hãy chung vui vì tìm lại được những gì đã mất, được ghi lại trong cả ba dụ ngôn.

Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ phải đổ máu để cứu muôn người. Nhiều “người thu thuế và tội lỗi, đến để nghe Người giảng. Những người Biệt phái và kinh sư thì khó chịu “xầm xì với nhau” chống lại Người bởi vì không chỉ “đón tiếp phường tội lỗi”, Đức Giêsu còn “ăn uống đồng bàn với chúng”, một hành động tỏ ra cùng phe với bọn chúng!

Để trả lời, Đức Giêsu nói với họ ba dụ ngôn rất hay về lòng thương xót, làm thành chương 15 của Tin Mừng Luca. Để biện minh cho cách đối xử của mình, Đức Giêsu nêu lên lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những kẻ tội lỗi. Qua những lời Người nói và các việc Người làm, từng là cớ vấp phạm cho đối phương, Người cho thấy lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đang được thể hiện và hoạt động. Và “tình yêu ấy của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai chúng được yêu và cũng chúng đáng yêu, gián tiếp lên án sự cứng cỏi và khắc nghiệt mà những con người “đàng hoàng” hơn kia đã đối xử với họ” (Cousin, L’Evangile de Luc, Centurion, trg 211).

*2. Lời mời gọi chung vui

Cả ba dụ ngôn đều nêu bật sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng đi bước trước trong việc tìm kiếm tội nhân (hai dụ ngôn đầu) và đã “chạy ra” đón đứa con hoang trở về dụ ngôn thứ ba. Tuy nhiên đỉnh cao của mỗi dụ ngôn đều nằm ở lời mời gọi hãy chung vui vì đã tìm lại được : Niềm vui của người “chăn chiên” vác “con chiên lạc đã được tìm thấy” trên vai. Mời gọi bạn bè và hàng xóm đến chia sẻ : “xin chung vui với tôi !”.

Niềm vui của “người phụ nữ” tìm lại được “đồng bạc đã đánh mất”, mời gọi bạn bè và chị em xóm giềng đến chia sẻ : “xin chung vui với tôi !”.

Niềm vui của “người cha” khi đứa con trở về, “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”, mời gọi người con cả cố chấp của mình cùng chia sẻ : “chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ !”.

Roland Meynet nhận định, “Những người Pharisêu và các kinh sư, coi thái độ xử sự của Đức Giêsu như một hành dộng phản lại họ. Bởi vì đón tiếp những kẻ tội lỗi cũng có nghĩa là bỏ rơi những người công chính, là để mặc những con chiên ngoan ngoài hoang địa. Như vậy, chính những người này đã tự tách riêng mình ra, đứng ngoài bữa tiệc vui của Đức Giêsu và những kẻ tội lỗi ăn năn trở lại niềm vui của người khác làm gai mắt họ, trong khi chính họ cũng được mời đến tham dự cuộc vui đoàn tụ của tất cả mọi người. Họ không hiểu rằng niềm vui đoàn tụ không chỉ riêng của con chiên lạc với chủ nó mà thôi, nhưng còn là niềm vui đoàn tụ chung của tất cả các con chiên với nhau, của con chiên lạc với 99 con kia, trong cùng một chuồng chiên, dưới cùng một chiếc gậy chăn của một chủ chiên duy nhất. Niềm vui còn phải được nới rộng ra đến mọi người hàng xóm và bạn bè, nếu không nó sẽ không trọn vẹn. Sẽ không thể có niềm vui đoàn tụ đích thực nếu có ai đó còn đứng ngoài. Tất cả đều được mời, và vòng tròn tham dự còn rộng mở đến tận trời cao, đến các thiên thần của Thiên Chúa. Như vậy làm sao tự cho phép mình đứng ngoài và tự tách rời khỏi cuộc hoà giải của tất cả ? Từ chối chung vui với Đức Giêsu, không chia sẻ niềm vui của ơn tha thứ được trao ban và đón nhận, chính là khước từ niềm vui Nước Trời, là xầm xì chống lại Thiên Chúa” (L’Evangile selon Saint Luc. Analyse rhélorique, tập 2, Cerf, trg 161-162).

BÀI ĐỌC THÊM :

*1. Niềm vui cho tất cả.(G. Bessière, trong “Diêu siproche. Année C”, Desclée deBrouwer, trg 146-147)

“Một xã hội đang bị câu thúc. Nhiều phe cánh kình chống nhau. Cả một mớ những lời lẽ và ánh mắt thô tục. Ở giữa đó, hiện lên một khuôn mặt, đó là Đức Giêsu. Con người ấy đã dám đánh đổ mọi phe phái đạo đức và tôn giáo của đất nước mình. Thử tưởng tượng xem: “ông ta đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Tất cả bọn chúng tuôn đến để nghe ông ta. Trong lúc phía bên kia là những phần tử ưu tú trong dân về mặt trí thức, nhân đức và lòng đạo: nhóm Pharisêu và các kinh sư, những đấng bậc khả kính, những con người đủ tư cách sửa dạy người khác…

Sự thinh lặng được phá vỡ. Và đây con người lạ lùng kia, với biệt tài vô song, lên tiếng kể chuyện. Có ai ngờ được rằng suốt hai ngàn năm, và còn mãi về sau, người ta vẫn còn ngồi lại thuật cho nhau nghe những câu chuyện đó, và chúng sẽ mãi mãi là những gì quí báu nhất còn ghi lại trong ký ức của nhân loại.

Con chiên bị mất, không hề có chi tiết nào nói nó kêu be be, để gọi chủ. Nó chẳng có công gì xứng đáng để được chủ vác lên vai. Mọi sự đều phát xuất từ người chăn chiên mà ‘niềm vui trong tim’ cứ muốn tràn sang đến tất cả. Và cả cõi thiên đình chẳng quan tâm bao nhiêu tới trật tự tốt đẹp nơi bầy chiên ngoan, lại tỏ ra vui mừng rộn ràng khi có một con người biết chỗi dậy và bắt đầu cuộc sống mới? Còn việc trở về của thằng con phung phá, ăn chơi và hư đốn? Tới bước đường cùng hắn mới chịu “hồi tâm suy nghĩ”: dù có cố tìm một lời lẽ gì đó để nói khi về đến nhà, thì chẳng qua chỉ vì đói nên hắn mới chịu mò về đó thôi. Cũng thế, tất cả đều khởi động từ cõi lòng người cha, “trông thấy con từ xa, ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để”. Thằng con có ráng ấp úng bài diễn văn tạ tội đã dọn sẵn trong đầu cũng vô ích thôi, bởi lúc này ai nấy đang tưng bừng chuẩn bị dọn tiệc ăn mừng. Có cả tiếng ca tiếng đàn nữa! Chắc chắn rồi. Đối diện trước cả hai cánh tốt xấu trên của nhân loại, Đức Giêsu tuyên bố mọi sáng kiến của Người dành cho những kẻ bị loại trừ, bị khinh miệt và tất cả những người tật nguyền về mặt tinh thần, đều là những sáng kiến của chính Đấng được tung hô ba lần Thánh. Người là Mục Tử của Israel, là Cha của dân tộc, là người đã chạy đi tìm con chiên lạc và ra đón đứa con hoang trở về.

Thiên Chúa, mà người nhân đức thánh thiện tưởng mình độc quyền sở hữu, kẻ tội lỗi thì nghĩ mình đã quá xa rời, chính Người đã lật đổ mọi thứ học thuyết và mọi lề lối sống đạo có sẵn. Chúng ta có thực sự tin rằng nơi vị Thiên Chúa ấy có tình yêu mãnh liệt, khiến Người luôn mơ đến một thế giới trong đó mọi người đều là anh em, và làm dậy lên trong Người một niềm vui mong được chia sẻ với tất cả?”.

*2. Khuôn mặt thật của Thiên Chúa.(“Missel Emmaus des Dimanches”, trg 1105).

“Thiên Chúa! Đấng chúng ta muốn là quan toà kết tội người khác, nhất là những kẻ thù nghịch, trong lúc chúng ta lại xin Người tỏ lòng nhân từ với chính mình: phải chăng đó là chuyện “hoàn toàn tự nhiên?”.

Do suy nghĩ như vậy, nên giữa chúng ta vẫn xảy ra thói xét đoán lẫn nhau, lên án lẫn nhau.

Thiên Chúa chúng ta mơ tưởng đó thực ra chỉ là một ngẫu tượng do chúng ta nhào nặn ra và nhằm phục vụ lợi ích của bản thân. Đó không phải là Thiên Chúa thật. Phải, Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này khi xua tan đi lớp mây mù do trí khôn loài người bày ra che phủ khuôn mặt thật của Người. Tuy nhiên chỉ những ai nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, và những ai để cho ân sủng ấy chiếm hết đời mình, đồng thời phản chiếu ra bên ngoài qua cách ăn ở với mọi người xung quanh. Chỉ những người như vậy mới cảm nghiệm được khuôn mặt thật của Thiên Chúa. Ích kỷ chỉ biết đến mình là điều ai nấy đều không thể chấp nhận cho dù đó là những con người “ngoan đạo” nhất!

home Mục lục Lưu trữ