Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 23

Tổng truy cập: 1364109

AI Ở GẦN TA LÀ Ở GẦN LỬA

‘Ai ở gần Ta, là ở gần lửa’ – Achille Degeest

(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Lửa trong Cựu Ước tượng trưng cho quyền năng tối thượng, tác động thanh luyện và sự hiện diện đáng sợ của Thiên Chúa. Tiến xa hơn, Tân Ước nhìn thấy trong lửa biểu tượng của tình yêu vô biên và làm biến đổi của Thiên Chúa đối với loài người. Nói về lửa Người mang đến thế gian, Chúa nghĩ nhiều nhất đến sứ mạng của Người giữa nhân loại. Chúa đem đến một sự hiện diện mới mẻ của Đấng Tối Cao. Thiên Chúa không chỉ là Đấng tạo nên khởi nguyên đầu tiên, Người là Toàn thể Tình yêu đến biến đổi con người bằng một sáng tạo mới. Origênê, một tác giả thời đầu Giáo hội, gán cho Đức Giêsu dụ ngôn này: Ai ở gần Ta là ở gần lửa. Làm sao có thể khác được? Trong các ngôn ngữ khắp địa cầu, tình yêu bao giờ cũng chọn lửa làm phương cách diễn tả huống hồ là Tình yêu nóng cháy vô cùng của Thiên Chúa so sánh với một lò lửa đỏ rực. Đức Kitô là sự mạc khải về Tình yêu ấy. Không thể đến gần Đức Kitô mà không thấm được ánh sáng và sức nóng. Khi Chúa phán thêm rằng Người phải nhận lãnh một sự thanh tẩy (Chúa ám chỉ sự thanh tẩy do Thương khó và Phục sinh), Đức Giêsu vạch rõ sự thể Người đến tạo ra một khởi nguyên mới. Thực tại trước kia nay biến đổi nhờ được ghép thêm một thực tại cao quý hơn, con người được nâng lên hầu tham gia sự Tuyệt Đối. Theo hướng suy niệm ấy, chúng ta chú ý đến hai việc:

1) Ngọn lửa bên trong Đức Giêsu Kitô không chỉ là sự thanh khiết tuyệt đỉnh trong tâm hồn và sự tự do thiêng liêng thượng đẳng. Loài người hằng cố gắng đạt tới cao độ thanh khiết và tự do ấy, chúng ta thấy trong lịch sử hoặc xung quanh chúng ta có những cố gắng biểu lộ một tấm lòng thật sự cao quý. Nhưng điều mà Chúa mang đến không phải là thành quả nỗ lực nhân loại. Đây là một điều gì từ cõi cửu trùng ban xuống, thấm đượm con người. Bài tường thuật về sáng tạo cũ bắt đầu bằng câu: Lúc khởi nguyên. Lịch sử cuộc đời Đức Kitô mở đầu bằng một câu tương tự: Lúc khởi nguyên đã có Đức Giêsu Kitô. Điều này đúng cho toàn bộ lịch sử nhân loại do Đức Kitô đảm nhiệm, và pahỉ đúng cho mỗi Kitô hữu. Cuộc đời mỗi Kitô hữu đều có một khởi điểm là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta nói thêm, nếu Chúa có ở lúc bắt đầu, tất phải có ở lúc giữa và lúc kết thúc.

2) Ngọn lửa bên trong Đức Giêsu Kitô phải thấm đượm điều gì tốt nhất trong chúng ta, khiến nó thành vững chắc, lâu bền, trong sạch. Chúng ta biết, trong Chúa chúng ta tiến lên đời sống siêu nhiên, - do đó chúng ta rút ra những hệ luận thực tiễn. Yêu thương anh em, ra sức hoạt động cải thiện thế giới, vẫn chưa đủ – xả thân cho hạnh phúc nhân loại, vẫn còn thiếu, vì chung cục có gì là chắc? Chỉ còn lại cái Bước đầu như trên là cần, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Phải yêu mến Đức Kitô, sống Đức Kitô. Theo mức độ ân huệ nhận được, Kitô hữu có trách nhiệm làm cho tình yêu của Đức Kitô hiện diện trong thế giới. Kitô hữu phải tin chắc điều này: Thế giới cần được ơn trên soi sáng để hiểu rõ tại sao có mình, hơn là cứ mỗi thế kỷ lại nêu ra không biết bao tham vọng mỗi lần dưới một bộ mặt đổi khác, muốn tự tổ chức thành thiên đường hạ giới, mơ tưởng xây dựng một thiên đường tình yêu. Kitô hữu phải đóng góp vào những nỗ lực cải thiện thế giới, có trách nhiệm lái những nỗ lực ấy theo phương hướng Chúa muốn.

 

22.Phong trào Thánh Thần trong thời đại của chúng ta

(Trích dẫn từ ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

Ngày hôm nay “căng thẳng” là một từ vựng rất quen thuộc với nhiều người. Chúng ta nhận biết rằng, căng thẳng ở nơi công việc, căng thẳng trong hôn nhân, căng thẳng trong lần gặp gỡ nhau cuối cùng. Sự căng thẳng xảy ra khi sức mạnh chuyển đến những hướng đối nghịch. Một thí dụ đơn giản là một sợi dây cao su. Khi kéo sợi dây theo hướng đối nghịch bạn cảm thấy căng thẳng. Nếu sự căng thẳng tiếp tục tăng lên sợi dây sẽ đứt, Chúa Giêsu cảnh báo rằng giáo lý của Ngài sẽ mang đến những sự căng thẳng và sẽ tận cùng bằng chia rẽ ngay cả những người trong gia đình.

Trong gia đình Giáo Hội có sự căng thẳng, đặc biệt là trong nhiều nơi đối với phụng vụ. Chúng ta phải trở thành sống động giống như một gia đình hạnh phúc, luôn hợp nhất và bình an, nhưng những lực kéo đang kéo tới hướng đối nghịch, một số ước vọng hướng tới việc phục hồi Công đồng Vatican II, còn những người khác lại muốn trở lại thần học và những thực hành thuở ban đầu.

Đây là một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Sự chuyển động trở lại phía sau thì không đúng hướng. Nhiều người muốn tin rằng Đức Giáo Hoàng thì bảo thủ cực đoan và hối hận vì Công đồng Vatican II đã dẫn Giáo Hội đến không phải chỉ những ước muốn vô vọng; và là một sỉ nhục cho Chúa Thánh Thần. Đực Giáo Hoàng có vẻ như đã bác bỏ những tiếng nói mạnh mẽ phàn nàn chống lại Công đồng, ngài không đồng ý với ý hướng của họ.

Tại một cuộc gặp gỡ quan trọng của các Hồng Y trên thế giới vào mùa hè năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố: “Phụng vụ không nghi ngờ gì là trung tâm của đời sống Giáo Hội. Tiến trình canh tân phụng vụ trong tinh thần của Công đồng Vatican II vẫn luôn tiếp tục dưới sự hướng dẫn và giám sát của thánh bộ phượng tự và kỷ luật của các bí tích”.

Đức Giáo Hoàng đã hành động theo lời tuyên bố trang trọng trong Hiến chế về phụng vụ của Công đồng. Một tuyên bố sẽ linh hứng cho mọi người trong Giáo Hội và phải hướng dẫn mỗi Giám mục, linh mục:

“Nhiệt thành trong việc đề xướng và canh tân phụng vụ phải được xem như một dấu chỉ sự xếp đặt quan phòng của Thiên Chúa trong thời đại của chúng ta, như là một chuyển động của Thánh Thần trong Giáo Hội của Người. Sự kiện này còn là một đặc điểm nổi bật của đời sống Giáo Hội cũng như mọi cách thế suy tư và hoạt động đầy tinh thần đạo giáo của thời đại chúng ta” (số 43).

Các bạn đã chia sẻ những đau buồn khi đọc những bài viết tấn công của những người Công Giáo về Công đồng Vatican II: “Công đồng Vatican II đã mở cửa cho những sự dữ bước vào Giáo Hội, bởi vì Công đồng đã làm một cuộc cách mạng tầm cỡ thế giới chống lại trật tự của Thiên Chúa”. Nếu các bạn đã tham dự vào điều đó, cám ơn Chúa vì sự nhiệt thành này. Nếu các bạn có buông thả bởi bất cứ sự thay đổi nào, hãy loại bỏ chúng như là một sự dữ. Theo lời khuyên của thư Do Thái: “Hãy để chúng ta luôn nhìn ngắm vào Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn linh hứng và hoàn hảo đức tin của chúng ta”.

Dĩ nhiên có những lạm dụng chống lại phụng vụ nhưng không thể thứ lỗi cho việc tấn công vào chính việc phục hồi phụng vụ. Chúng ta không thể loại bỏ hệ thống tòa án của xứ sở chúng ta bởi vì những quan tòa và bồi thẩm đều thất bại khi hành động theo sự công chính. Sự lạm dụng không phải là hệ thống mà là một sự đối nghịch lại với hệ thống. Đừng chấm dứt nơi mặt sai chống lại Thiên Chúa như đã làm bởi những hoàng tử làm với tiên tri Giêrêmia, vị tiên tri của Thiên Chúa là đưa ông tới sự chết. Sự thúc đẩy và phục hồi phụng vụ thánh là công việc của Thiên Chúa qua Thánh Thần. Đừng trở nên nguyên nhân gây ra sự căng thẳng trong Giáo Hội. Hãy bảo đảm là các bạn đang cố gắng trong cùng một hướng với Chúa Thánh Thần.

 

23.Lửa tình yêu

(Suy niệm của Huệ Minh)

Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.

Nói đến lửa, ai cũng biết tầm quan trọng và công dụng của nó là sáng, nóng, sưởi ấm, đốt cháy, thiêu hủy. Ai trong chúng ta cũng cần lửa. Lửa rất có ích lợi, nhưng cũng rất nguy hiểm. Nó dùng để nấu nướng thức ăn và chế biến nhiều thứ khác, nhưng nó cũng có thể đốt cháy nhà cửa và thiêu rụi tài sản của chúng ta. Vì thế, đâu đâu cũng có sở cứu hỏa, sở chữa cháy, và nhắc nhở chúng ta đề cao cảnh giác: phòng cháy, chữa cháy, đừng đùa giỡn với lửa.

Trong cái nhìn của thánh Luca, lửa mà Chúa Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu, chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5). Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).

Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa, nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu. Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác trên thế giới.

Ngọn lửa Chúa Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và hủy diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari. Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.

Chúa Giêsu đem lửa xuống trần gian và lửa ấy chính là bản thân Ngài và Phúc Âm của Ngài. Ngài đã rao giảng Tin Mừng để soi chiếu cho những người còn ngồi trong bóng tối sự chết, để sưởi ấm cho những tâm hồn giá băng cũng như để thiêu huỷ mọi tội lỗi của nhân loại.

Chúa Giêsu mang ánh sáng này xuống trần gian. Và Người ước mong cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên soi sáng cho thế giới: "Thày đã đến ném lửa vào trái đất, và Thày những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!". Lời ước mong thật tha thiết nhưng có pha lẫn ngậm ngùi. Phải chi lửa ấy đã bùng lên có nghĩa là lửa ấy chưa bùng lên cao, chưa lan ra xa.

Thật vậy, nhìn vào tình hình thế giới, chiến tranh không lúc nào ngơi. Thế kỷ 20 đã biết đến hai cuộc thế chiến với biết bao thiệt hại về người về của và nhất là về tình đoàn kết. Trong thập niên 80, chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông-Tây chấm dứt, người ta tưởng rằng giấc mơ hoà bình thế là đã thành sự thật. Nhưng không, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Rwanda, Kosovo, ở Trung Đông... ánh sáng vẫn chưa soi tới những vùng chiến tranh. Bóng tối hận thù vẫn còn vây phủ. Những người anh em vẫn còn chém giết nhau.

Ngọn lửa bên trong Chúa Giêsu không chỉ là sự thanh khiết tuyệt đỉnh trong tâm hồn và sự tự do thiêng liêng thượng đẳng. Loài người hằng cố gắng đạt tới cao độ thanh khiết và tự do ấy, chúng ta thấy trong lịch sử hoặc xung quanh chúng ta có những cố gắng biểu lộ một tấm lòng thật sự cao quý. Nhưng điều mà Chúa mang đến không phải là thành quả nỗ lực nhân loại. Đây là một điều gì từ cõi cửu trùng ban xuống, thấm đượm con người. Bài tường thuật về sáng tạo cũ bắt đầu bằng câu: Lúc khởi nguyên. Lịch sử cuộc đời Đức Kitô mở đầu bằng một câu tương tự: Lúc khởi nguyên đã có Đức Giêsu Kitô. Điều này đúng cho toàn bộ lịch sử nhân loại do Đức Kitô đảm nhiệm, và pahỉ đúng cho mỗi Kitô hữu. Cuộc đời mỗi Kitô hữu đều có một khởi điểm là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta nói thêm, nếu Chúa có ở lúc bắt đầu, tất phải có ở lúc giữa và lúc kết thúc.

Ngọn lửa bên trong Chúa Giêsu phải thấm đượm điều gì tốt nhất trong chúng ta, khiến nó thành vững chắc, lâu bền, trong sạch. Chúng ta biết, trong Chúa chúng ta tiến lên đời sống siêu nhiên, - do đó chúng ta rút ra những hệ luận thực tiễn. Yêu thương anh em, ra sức hoạt động cải thiện thế giới, vẫn chưa đủ – xả thân cho hạnh phúc nhân loại, vẫn còn thiếu, vì chung cục có gì là chắc? Chỉ còn lại cái Bước đầu như trên là cần, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Phải yêu mến Đức Kitô, sống Đức Kitô. Theo mức độ ân huệ nhận được, Kitô hữu có trách nhiệm làm cho tình yêu của Đức Kitô hiện diện trong thế giới. Kitô hữu phải tin chắc điều này: Thế giới cần được ơn trên soi sáng để hiểu rõ tại sao có mình, hơn là cứ mỗi thế kỷ lại nêu ra không biết bao tham vọng mỗi lần dưới một bộ mặt đổi khác, muốn tự tổ chức thành thiên đường hạ giới, mơ tưởng xây dựng một thiên đường tình yêu. Kitô hữu phải đóng góp vào những nỗ lực cải thiện thế giới, có trách nhiệm lái những nỗ lực ấy theo phương hướng Chúa muốn.

Chúa Giêsu đem ngọn lửa xuống trần gian. Ngọn lửa tình yêu vĩnh cửu bốc cháy trong trái tim Ngài. Khi hiến mạng sống cho con người chỉ vì quá yêu thương con người, Ngài đã châm ngọn lửa yêu thương vào lòng con người. Và Ngài thốt lên với tất cả nỗi lòng khắc khoải: "Thầy đã đến đem lửa xuống trần gian. Nào Thầy có mong muốn gì hơn là mong cho lửa ấy cháy bùng lên". Cháy bùng lên, không phải để rồi tắt ngấm. Nhưng cháy lên để tiếp tục cháy mãi.

Chúa Giêsu đem lửa yêu thương đến trần gian và Ngài mong muốn ngọn lửa ấy bùng cháy lên. Đó là tâm nguyện của Chúa và cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Nếu con người cần cơm bánh để sống, thì họ cũng cần tình yêu để tồn tại. Nếu con người cần áo quần để che thân, thì họ cũng cần tình thương để sưởi ấm. Nếu con người muốn được bình an để vui sống, thì chỉ có tình thương mới đáp ứng được ước muốn đó. Đó là bổn phận của chúng ta.

Và rồi chúng ta hãy nhớ: "Không ai có thể cho người khác cái mình không có", nghĩa là chỉ khi nào ngọn lửa yêu thương thực sự sáng lên nơi mỗi người chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta, trong Hội thánh chúng ta thì chúng ta mới có thể loan báo và đem tình yêu thương đến cho những người khác.

Mỗi Kitô hữu chúng ta đều đã được Chúa Kitô châm ngọn lửa tình yêu của Ngài vào lòng. Ngọn lửa tình yêu ấy cần phải được chăm sóc, giữ gìn và làm cho cháy sáng hơn mãi.

Chúa Kitô đã đem lửa tình yêu để thiêu đốt, thanh luyện những thứ bình an, hiệp nhất giả tạo che đậy những bogn1 tối tội lỗi, Ngài là con người gây xáo trộn, gây chia rẽ; bởi vì Ngài luôn luôn là ánh sáng áng chiếu soi vào trong bóng tối. Ngài muốn cho trong lòng mọi người đều bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu nhiệt thành của Ngài để đổi mới, để sống cho cái mới mà Ngài gọi là Nước Trời. Phải đấu tranh mãi để thế giới luôn tốt hơn, con người luôn hạnh phúc hơn. Người Kitô hữu không bao giờ được phép bằng lòng với nguyên trạng, cho dù trong đạo hay ngoài đời, bởi vì tất cả đều phải tiến đến Trời Mới Đất Mới.

Ta xin Chúa khơi cho ngọn lửa yêu thương bừng sáng lên. Hãy đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ. Để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự. Bấy giờ đêm mới tàn và ngày mới bắt đầu. Bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, ánh sáng rực rỡ phát xuất từ những trái tim chan hoà yêu thương.

 

24.Bước theo Đức Kitô trên đường Thập Giá

(Suy niệm của Huệ Minh)

Trang sách Giêrêmia mà ta vừa nghe thật gay cấn.

Vua xứ Giuđa bấy giờ đã tuyên thệ phục tùng vua Babylon trước mặt Thiên Chúa. Nhà tiên tri coi lời thề đó như thánh ước vì đã lấy Danh Ðức Giavê mà thề. Do đó, khi vua Giuđa và hàng khanh tướng có ý đồ bội ước, phản lại vua Babylon và cầu cạnh vua Ai Cập, thì nhà tiên tri phải lên tiếng. Ông tố cáo sự lật lọng của nhà Giuđa đối với Thiên Chúa là Ðấng luôn trung thành.

Lẽ dĩ nhiên ông đã lợi dụng cơ hội này để kể hết các bội phản của dân thất ước. Ông bực mình nhất vì thái độ giả hình của họ. Họ cứ vỗ ngực xưng mình là dân của Chúa đang khi không ngớt vứt bỏ lệnh truyền của Người. Họ căn cứ vào việc Chúa đã chọn họ làm dân ưu tuyển, để luôn cư xử bất công với mọi dân khác, coi dân ngoại chỉ như bàn đạp cho họ tiến lên.

Giêrêmia chống đối thái độ giả đạo đức và tự phụ khinh người ấy. Ông luôn nhắc nhở phải trở về với Thiên Chúa và biết rằng Người coi trọng các dân tộc. Nhưng những lời ông nói đều bị bỏ ngoài tai. Vua Giuđa tiến hành ý đồ phản lại Babylon. Nước này đem quân xuống đánh, vây chặt thủ đô Giêrusalem. Giêrêmia cũng bị nằm trong vòng vây.

Và như vậy, Giêrêmia đã trở thành ngôn sứ đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của ông báo trước cuộc Tử nạn của Người. Ông là một trong đoàn thể chứng nhân đông đảo bao quanh chúng ta, trong cuộc đời đầy phấn đấu hiện nay.

Cuộc đời của Giêrêmia rất đỗi éo le. Nói đúng hơn, từ ngày Thiên Chúa đặt lời của Người trong miệng ông để ông làm ngôn sứ, tuyên bố các phán quyết của Người thay cho chính Người, Giêrêmia đã trở thành tường đồng cự lại cả xứ, cự lại các vua Giuđa và hàng khanh tướng. Ngay hàng tư tế cũng tuyên chiến với ông (x. chương 1). Chẳng phải tại ông bướng bỉnh. Ngược lại, ông luôn cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ. Nhưng Lời Chúa đã ập xuống trên ông, bắt ông đứng dậy tuyên sấm cho dân phản loạn. Họ đã chối bỏ mạch nước hằng sống để đào cho mình bể rò không chứa được nước (2,13).

Thân phận của Giêrêmia là như vậy. Thân phận của Chúa Giêsu chắc có lẽ cũng giống thân phận đau khổ của Giêrêmia.

Sau khi đã nói về sứ mạng của Mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của những người tin và theo Ngài, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51).

Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem để đi vào cuộc Thương Khó; tâm hồn Người khắc khoải. Chỉ qua cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh, ơn cứu độ mới được ban cho loài người. Nhận ra được điều này, chúng ta được mời gọi bỏ đi những phương tiện dễ dãi, những phương tiện to lớn chúng ta đang dùng để bảo đảm mọi phương diện cuộc sống chúng ta. Ngoài ra, nếu muốn đốt lên trên trái đất một ngọn lửa như Đức Giêsu đã nhen lên, chúng ta không thể tránh né “phép rửa” Đức Giêsu đã chịu, tức phải chấp nhận đi qua con đường tự hiến, thất bại, chấp nhận hiến tặng cuộc sống chúng ta.

Thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.

Cái chết của Chúa, cuộc thương khó của Ngài, đó là Phép Rửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Thầy còn một Phép Rửa phải chịu”. Chúng ta nhớ trên đường lên Giêrusalem để thực hiện cuộc vượt qua trong đau thương, hai môn đệ Giacôbê và Gioan nhờ mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên tả, bên hữu Chúa và Chúa Giêsu đã có phản ứng như sau: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống hay chịu được Phép Rửa Thầy sắp chịu hay không? Chén Thầy uống các con cũng sẽ uống và Phép Rửa Thầy chịu các con cũng sẽ chịu”.

Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.

Ta đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Đức Giêsu sẽ được đưa lên cao. Sau khi mời gọi phải tỉnh thức, được minh họa bằng dụ ngôn người quản lý khôn ngoan trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, giờ đây Đức Giêsu nói với những ai theo Người ba lời về thử thách, có ý nói đến những nguy hiểm của cuộc phiêu lưu theo Người: Số phận của người môn đệ sẽ không khác gì Thầy mình.

Ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.

Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.

 

25.Ngôn sứ và những hệ lụy

(Suy niệm của Lm. Thiện Duy)

Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc thống kê: Trong năm 2012, 12 vị thừa sai đã thiệt mạng trên những bước đường truyền giáo. 10 vị là các linh mục, hai vị còn lại là một nữ tu và một giáo dân. Trong 4 năm liên tiếp, Mỹ Châu là vùng đất nơi máu các nhà truyền giáo đổ ra nhiều nhất. Trong năm qua đã có 6 linh mục bị giết tại đây. Tại Phi Châu, 3 linh mục và một nữ tu bị giết. Tại Á Châu, một linh mục và một giáo dân bị giết. Thống kê này không kể đến số các nhà truyền giáo trong đó có cả các Giám Mục bị đánh đập đến mang thương tích, bị giam cầm, khủng bố, hăm dọa, mạ lỵ công khai tại một số quốc gia.

Trong bối cảnh đau thương như vậy, phụng vụ lời Chúa hôm nay vang lên như thể củng cố thêm đức tin cho những chiến sĩ đức tin của Chúa, rằng đó là thân phận của những ngôn sứ.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1. Bài Đọc I: Gr 38, 4-6. 8-10

Bài đọc I cho chúng ta thấy thân phận ngôn sứ của Giêrêmia. Ông được kêu gọi khi còn rất trẻ, vào năm 19 tuổi, tức khoảng năm 626 TCN, vào lúc đất nước ông đang ở trong thời kỳ khủng hoảng cả về chính trị lẫn niềm tin. Ông được sai đi để kêu gọi dân của mình sám hối, ăn năn quay trở về. Nhưng thay vì họ ăn năn sám hối quay về với Chúa, thì họ vẫn tiếp tục phạm tội. Đặc biệt hơn là họ còn muốn giết chết cả tiên tri Giêrêmia, người thay Thiên Chúa đến nhắc nhở họ; để họ khỏi phải áy náy về hành động sai lầm của mình. Cám ơn Chúa, còn có những người thấy được tội ác đó nên đã giải cứu cho Giêrêmia.

2. Đáp ca: Tv. 39

Đây là lời kêu xin rất phù hợp với tâm tình của tiên tri Giêrêmia: “Tôi đã trông cậy ở Chúa, và Ngài đã nghiêng mình về bên tôi”. Chúa nghiêng mình về phía những người cầu khẩn Ngài chi vậy? Thưa để “Kéo tôi ra khỏi hố diệt vong”, giống hoàn cảnh của tiên tri Giêrêmia; và để “làm cho chân tôi vững bước”. Sau khi kéo ra khỏi chỗ chết, Chúa sợ tiên tri của Chúa nản lòng, nên Ngài còn củng cố thêm sức mạnh để họ tiếp tục thực hiện sứ mạng ngôn sứ của mình.

3. Bài Đọc II: Dt 12, 1-4

Tác giả thư Do Thái mời gọi họ hãy “kiên trì trong đức tin”, vì Đức Giêsu Kitô đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình”, nên “đã được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Người môn đệ Chúa nếu biết kiên trì cam chịu những chống đối trong đời sống đức tin giống như các ngôn sứ, thì chắc chắn cũng sẽ được phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ.

4. Tin Mừng: Lc 12, 49- 53

Đang trên đường lên Giêrusalem, nghĩa là sẽ đi đến cái chết, nên CG đã chia sẻ với các môn đệ về sứ mạng của Ngài và những hệ lụy khi phải chấp nhận sứ mạng đó.

Ngài đã nói: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”. Ngài là Đấng cứu thế. Ngài thực hiện sứ mạng của mình không bằng quyền lực, sức mạnh, nhưng bằng sự yếu nhược và cái chết. Có phải là Ngài thất thế, Ngài đành bó tay trước sức mạnh của kẻ khác không? Thưa không, mà đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì con người chúng ta còn biết rõ một sự thật: “Lấy oán báo oán, oán chồng chất. Lấy ân báo oán, oán tiêu tan”. Thì huống hồ chi Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài muốn dùng con đường tình yêu để cứu độ chúng ta chứ không phải con đường của quyền lực, sức mạnh. Chính vì vậy “phép rửa” mà Ngài muốn nói đến ở đây chính là con đường thập giá mà Ngài sắp bước vào. Đó là sứ mạng ngôn sứ của Ngài.

Tiếp theo, Ngài nói đến những hệ lụy của thân phận ngôn sứ đó. Ngài nói: “Anh em tưởng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Mới nghe điều đó chúng ta giật mình, vì Thiên Chúa mà lại đem đến sự chia rẽ cho người ta sao? Hơn nữa Ngài đã từng chúc phúc cho những ai biết xây dựng hòa bình, chẳng lẽ Ngài lại tự chúc dữ khi là người đem đến sự chia rẽ? Chúng ta phải hiểu Ngài đích thực là Vua Hòa Bình, chính Hòa Bình Ngài đem đến sẽ khiến cho những ai không đón nhận bị chia rẽ. Những ai không đón nhận chân lý của Ngài sẽ tự mình chia rẽ. Hơn thế nữa họ còn quay lại chống đối với những người đón nhận chân lý đó. Thậm chí ngay trong một gia đình, sẽ có người đón nhận và có người từ chối, hậu quả là sự chia rẽ. Đó là hệ lụy của thân phận ngôn sứ, sẽ bị những người từ chối chân lý chống đối, và muốn giết chết.

II. THÂN PHẬN NGÔN SỨ VÀ NHỮNG HỆ LỤY

1. Tấm gương của Môsê

Trong suốt những tuần qua, các bài đọc ngày thường của năm lẽ kể lại cho chúng ta thân phận ngôn sứ của ông Môsê. Thiên Chúa trao cho ông sứ mạng mà ông không muốn và không có khả năng. Nhưng vì nghe lời Thiên Chúa và thương mến dân tộc của ông mà ông đã chấp nhận thân phận ngôn sứ, chấp nhận lãnh đạo một đoàn dân cứng cổ cứng đầu. Đến nỗi có những lúc ông tuyệt vọng, ông than trách với Chúa: “Chúa coi, con không cưu mang, không sinh ra dân này, mà Chúa bảo con hãy bồng nó vào lòng mà đem đến miền đất ta đã thề hứa với cha ông chúng. Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức với con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn. Tuy nhiên, giận thì giận mà thương thì vẫn thương. Chính ông là người đã đứng ra van xin Chúa tha thứ cho dân nhiều điều, đã đứng ra nhận lỗi về phần mình, đã xin Chúa có phạt thì phạt ông chứ đừng phạt dân mà tội nghiệp! Và cũng chính vì dân chúng mà Môsê đã không vào được vùng đất Chúa hứa, nhưng phải chết ở bên ngoài vùng đất đó. Đó là tấm gương của một ngôn sứ và những hệ lụy khi chấp nhận thân phận ngôn sứ. Tất cả vì sứ mạng mình đã lãnh nhận, không nghĩ gì đến bản thân mình.

2. Một lần ý thức

Chúng ta đã lãnh Bí tích Rửa tội, nhưng nhiều khi chúng ta không biết hoặc quên sứ mạng ngôn sứ của mình. Chính vì vậy hôm nay là dịp để một lần chúng ta ý thức mình đã là ngôn sứ, vì vậy phải chấp nhận thân phận của một ngôn sứ và những hệ lụy của thân phận ngôn sứ.

III. CHẤP NHẬN THÂN PHẬN NGÔN SỨ VÀ NHỮNG HỆ LỤY

1. Thân phận ngôn sứ

Thiên Chúa đã nói với Giêrêmia: “Ta đặt Lời của Ta vào miệng ngươi”. Chính vì vậy ngôn sứ là sứ giả và là người phát ngôn của Thiên Chúa. Các ngôn sứ ý thức nguồn gốc thần linh những sứ điệp của mình, nên họ nói: “Đức Chúa phán”, hoặc “Đó là lời Chúa”, chứ không phải lời của họ.

Kitô hữu là người nói thay lời của Thiên Chúa. Chính vì vậy họ phải thường xuyên nối kết với Thiên Chúa để có thể biết, hiểu và trình bày lại cho người khác những giáo huấn tinh tuyền của Ngài. Cần phải lưu ý là “những giáo huấn tinh tuyền”. Ngày hôm nay có quá nhiều “sứ điệp từ trời”, “sứ điệp của Đức Maria”, “sứ điệp mang danh của Đức Giáo Hoàng này, Đức Giáo Hoàng nọ”… Kitô hữu cần phải khôn ngoan để phân biệt đâu là sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gởi đến chúng ta. Chúng ta đừng tìm đâu xa, sứ điệp đích thực của Thiên Chúa nằm trong Thánh Kinh và Giáo lý cũng như những lời giảng dạy chính thức của Hội Thánh. Họ hãy thông truyền bằng cách sống theo Lời Chúa và Luân Lý của Giáo Hội, cũng như tiếng nói của lương tâm ngay lành.

Mấy ngày nay người ta xôn xao câu chuyện bác sĩ Nguyệt đã làm đơn tố cáo bệnh viện Đa Khoa Hoài Đức ở Hà Nội “nhân bản kết quả xét nghiệm”. Việc này làm cho những bệnh nhân bàng hoàng vì kết quả xét nghiệm của mình được lấy từ những mẫu có sẵn. Việc làm này của chị có thể nói là hành động của một ngôn sứ vì chị đã dám nói lên sự thật, dám nói lên công lý, dù biết mình sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

Còn chúng ta, chúng ta đã dám sống theo lời Chúa dạy, đã dám sống theo luân lý Kitô giáo và tiếng nói lương tâm ngay lành chưa?

2. Hệ lụy của ngôn sứ

Tuy nhiên khi chấp nhận thân phận của một ngôn sứ thì chúng ta cũng phải đón nhận những hệ lụy của nó. Ông Môsê, tiên tri Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả và tất cả các tiên tri đều phải chấp nhận việc bị người ta ghét bỏ, thậm chí là giết chết. Đức Giêsu cũng đã đi trên con đường thập giá. Chúng ta là những ngôn sứ, cũng phải chấp nhận những chống đối, những hiểu lầm, những ghen ghét, những loại trừ… nói chung là những bách hại để sống sứ mạng của ngôn sứ.

Những bách hại đó đôi khi trong chính gia đình chúng ta. Chồng kêu vợ đi lễ, cô ta trả lời: “Ông ráng đi đi, mai mốt thành ông cha luôn!” Nếu người chồng không chấp nhận thân phận ngôn sứ sẽ bỏ luôn vai trò ngôn sứ.

Những bách hại đó đôi khi trong chính khu xóm của chúng ta. Tháng Mân Côi, khu trưởng lại bàn về việc rước Đức Mẹ về nhà đọc kinh, thay vì được nhận lời, còn bị chửi nữa. Nếu không chấp nhận thân phận ngôn sứ chúng ta sẽ dễ chán nản.

Những bách hại đó đôi khi trong chính đoàn thể của chúng ta. Ai làm gì cho mình giận là mình không thèm tham gia nữa, làm như thể mình phục vụ những con người trong hội đoàn đó chứ không phải phục vụ Chúa và Giáo Hội vậy?

Những bách hại đó dành cho mọi ngôn sứ, nhưng thường dành cho những người đứng đầu nhiều hơn.

Khi giết được cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, người ta đã thả cho giáo dân của cha về.

Các Linh mục làm việc bác ái, người được thì hớn hở, người không được thì giận hờn, thậm chí bỏ đạo luôn.

Giáo dân trong họ đạo bắt cha sở phải làm theo ý của họ với luận điệu họ đạo này là của chúng con, cha phải làm theo những gì chúng con đề ra…

Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Tự Sắc Cửa Đức Tin:“Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành giữa những cuộc bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa, loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Ngài đến”. Như thế, người tín hữu vẫn luôn phải trải qua những gian nan cho niềm tin của mình. Nhưng họ có Chúa nâng đỡ và phù trì. Sự gian nan ấy không làm nghẹt đức tin và lòng trông cậy nơi họ, nhưng trái lại, như lửa thử vàng, gian nan thử thách, chính sự gian nan là bằng chứng cho một tình mến nồng nàn đối với “Đấng đã yêu thương và phó mình vì tôi”.

 

home Mục lục Lưu trữ