Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 95

Tổng truy cập: 1357578

Ai Thực Sự Yêu Mến Chúa

Cập nhật : 27-05-2011
 

AI THỰC SỰ YÊU MẾN CHÚA

 
I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

- C 15-17: (c 15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (c 16) Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. (c 17) Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận. Vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.

- C 18-19: (c 18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (c 19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống.

- C 20-21: (c 20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (c 21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Chúa Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến Người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

2. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay trích trong bài diễn từ giã biệt của Đức Giê-su trước khi chịu khổ nạn và phục sinh về trời với Chúa Cha. Trong thời gian vắng mặt, Đức Giê-su hứa sẽ ban cho các môn đệ một Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần để ở với các ông luôn mãi. Người cũng hứa sẽ không bỏ mặc các ông mồ côi, nhưng sẽ hiện diện bên các ông cách thiêng liêng. Những ai thực sự yêu mến Người thì phải tuân giữ các giới răn của Người. Ai làm như vậy thì sẽ được Chúa Cha yêu mến và còn được Người mặc khải, tỏ mình ra nhiều hơn nữa.

3. CHÚ THÍCH:

- C 15-17: + Nếu anh em yêu mến Thầy...: Đối với Đức Giê-su, tình yêu không chỉ dừng lại ở tình cảm hay sự xúc động thuần túy, mà phải được biểu lộ trong sự vâng phục là tuân giữ các giới răn của Người truyền. Cũng như Người đã yêu mến Chúa Cha và tuân giữ các lệnh Chúa Cha truyền (x. Ga 15,10). + Đấng Bảo Trợ khác: Bảo Trợ tiếng Hy Lạp là Pa-ra-cle-tos, chỉ người được mời đến làm trạng sư bênh vực và bầu chữa cho bị cáo khi bị tòa án xét xử. Ở đây Thánh Thần sẽ bầu chữa cho các môn đệ trong vụ kiện đối với thế gian trước tòa Thiên Chúa. Như vậy chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giê-su (x. 1 Tm 2,5), nhưng lại có hai Đấng Bảo Trợ: Một là “Đức Giê-su Ki-tô, “Đấng công chính” (x. 1 Ga 2,1), cũng là “Đấng hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (x. Dt 7,25); Hai là Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác (x. Ga 14,16) là “chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả” (x. Rm 8,26). + Đến ở với anh em luôn mãi: Sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su sẽ hoàn tất khi Ngài được tôn vinh (x. Ga 7,39), nghĩa là khi Người tắt thở trên cây thập giá (x. Ga 19,30). Từ đây Người trao ban Thần Khí là Chúa Thánh Thần cho nhân loại để thực hiện một cuộc tạo thành mới. Thời kỳ của Chúa Thánh Thần sẽ kéo dài mãi đến ngày tận thế. + Thần Chân Lý: là Thánh Thần, phát xuất từ Đức Giê-su là chân lý (x. Ga 14,6), Đấng luôn nói sự thật của Chúa Cha (x. Ga 12,49) và sau khi phục sinh đã thổi hơi ban Thần Khí cho các tông đồ (x. Ga 20,22). Thần Chân Lý đối lập với ma quỷ là cha của sự dối trá (x. Ga 8,44). + Đấng mà thế gian không thể đón nhận: Vì Thánh Thần là Thần Khí thiêng liêng, nên thế gian không thể thấy và không thể đón nhận Người. Thế gian ở đây ám chỉ các đầu mục Do thái, là những kẻ kiêu căng, ích kỷ, thù hận, không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Họ không biết và không muốn đón nhận Thánh Thần của Người nên sẽ bị chết trong tội của mình (x. Ga 8,22-24). + Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em: Các tông đồ nhờ đức tin sẽ đón nhận Thánh Thần, nên được Người ở giữa và dạy dỗ về sự thật toàn vẹn.

- C 18-19: + Thầy sẽ không để anh em mồ côi..: Mồ côi là tình trạng con cái bị mất cha mẹ nên không được ai chăm sóc nuôi dưỡng, học trò bị mất thầy nên không được ai dạy dỗ hướng dẫn. Ở đây Đức Giê-su có ý nói rằng: sau khi từ cõi chết sống lại, dù Người không còn ở với các môn đệ như lúc này, nhưng Người sẽ vẫn ở cùng các ông nhờ đức tin và ơn thánh. + Chẳng bao lâu nữa: hàm ý hứa sẽ mau trở lại (x. Ga 16,19.22). + Thế gian sẽ không còn thấy Thầy: Đức Giê-su sắp chịu chết và người đời sẽ không còn thấy Người sau khi Người sống lại, vì từ nay Người không còn hiện diện bằng thân xác cho họ thấy nữa. + Anh em được thấy Thầy: Chữ thấy ở đây là bằng đức tin: tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa. Nhờ đức tin, các ông sẽ được tham dự vào sự sống siêu nhiên và kết hiệp với Chúa Phục Sinh.

- C 20-21: + Ngày đó: là kiểu nói thường dùng trong Cựu Ước để chỉ ngày Chúa lại đến, tức là ngày cánh chung hay tận thế (x. Is 2,17 ; 4,1). + Thầy ở trong Cha Thầy và Thầy ở trong anh em: Nhờ vào sự thấy được bằng đức tin như vậy, các môn đệ sẽ khám phá ra đời sống kết hiệp thâm sâu giữa Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 14,11), đồng thời cũng cảm nghiệm được sự liên kết mật thiết giữa họ với Chúa Giê-su Phục Sinh bằng đức tin và ân sủng.   + Ai có và giữ các điều răn của Thầy...: Lòng mến Chúa không phải chỉ là tình cảm và lời nói suông, nhưng phải được chứng minh bằng hành động tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa, nhất là sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Ga 13,34). + Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến...: Câu này không có nghĩa là Thiên Chúa chỉ yêu mến những ai yêu mến Chúa Giê-su, vì Thiên Chúa yêu hết mọi người và yêu họ trước (x. 1 Ga 4,10). Nhưng những ai yêu mến và vâng lời Chúa Giê-su thì càng được Thiên Chúa yêu mến hơn, với danh nghĩa họ là nghĩa tử của người và là chi thể của đầu Nhiệm Thể là Chúa Giê-su.

4. CÂU HỎI: 1-Đức Giê-su đòi người ta phải thể hiện tình yêu đối với Người như thế nào? 2- Bảo trợ nghĩa là gì? Loài người chúng ta chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là ai? Nhưng chúng ta lại có hai Đấng Bảo Trợ là những Đấng nào? 3-Sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su chấm dứt khi nào? Và sẽ được Đấng nào khác tiếp tục cho đến tận thế? 4- Thần Chân Lý là ai? Phát xuất từ Đấng nào? Đối lập với ai? 5-Tại sao thế gian không thể đón nhận được Thần Chân Lý? Các Tông đồ phải làm gì để đón nhận được Ngài?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15).

2. CÂU CHUYỆN: AI THỰC SỰ CÓ LÒNG YÊU MẾN THIÊN CHÚA?:

Một người kia trong khi ngủ đã nằm mơ thấy mình gặp một thiên thần có cánh đang đi bộ xuống phố. Một tay ngài cầm bó đuốc, tay kia cầm một xô nước. Anh ta liền hỏi thiên thần rằng: “Ngài đi xuống phố kia làm chi vậy?”. Thiên thần đáp: “Ta được sai đến để tìm xem ai là người có đức tin và có lòng mến Chúa thực sự”. Anh ta hỏi tiếp: “Sao Ngài lại phải cầm theo bó đuốc và xô nước?” Thiên thần đáp: “Ta muốn dùng bó đuốc để thiêu hủy các tòa nhà trên thiên đàng, và dùng xô nước để dập tắt ngọn lửa dưới hỏa ngục”. Anh ta lại hỏi: “Ngài làm như thế để làm gì?” Bấy giờ thiên thần trả lời: “Để tìm xem ai thực sự có đức tin và lòng mến Chúa. Một người có đức tin thực sự thì sẽ tuân giữ các giới răn cho dù ta có phá huỷ niềm hy vọng lên thiên đàng và nỗi sợ sa hỏa ngục của họ đi chăng nữa”.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại động cơ khiến chúng ta giữ đạo: giữ đạo để được lên thiên đàng và khỏi bị sa hỏa ngục, hay giữ đạo để trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa và nên anh chị em của mọi người? Một người giữ đạo chỉ vì mong được lên thiên đàng hay sợ bị phạt trong hỏa ngục, thường hay suy tính như sau: Phạm tội trọng nào thì mới bị phạt trong hỏa ngục? Ăn cắp bao nhiêu tiền thì mới là tội trọng? Chỉ cần tha thứ cho người ta đến mấy lần? Phải cho người nghèo bao nhiêu tiền thì sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc Thiên đàng đời sau? ... Đang khi đó, một người giữ đạo vì lòng yêu mến Chúa sẽ luôn tự hỏi: Ngay lúc này tôi có thể làm gì để giúp một người đang gặp hoạn nạn? Hiện nay người nào đang cần được giúp đỡ? Tôi phải làm gì để nên con cái hiếu thảo của Cha trên trời? ... Về vấn đề này, HE-RI I-MƠ-SÂN (Harry Emerson) đã phát biểu như sau: “Sợ hãi thì đe dọa, còn tình yêu lại gọi mời. Sợ hãi thì cầm tù, còn tình yêu lại giải phóng. Sợ hãi thì chua chát, còn tình yêu lại ngọt ngào. Sợ hãi thì gây ra thương tích, còn tình yêu lại chữa cho lành. Sợ hãi thì luôn lẩn tránh còn tình yêu lại năng hiện diện”.

3. SUY NIỆM:

- VÂNG GIỮ LỜI CHÚA LÀ BẰNG CHỨNG CỦA LÒNG MẾN CHÚA THỰC SỰ (c 15):

Lòng mến Chúa không chỉ dừng lại ở tình cảm yêu mến suông, hay là những việc đạo đức hình thức bề ngoài như đọc kinh, dự lễ mà thôi. Những việc đó tuy tốt, nhưng chưa đủ để chứng tỏ lòng mến Chúa thực sự như Chúa Giê-su đã phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Thánh Gio-an cũng cho biết lòng mến Chúa đích thực phải đi đôi với tình thương người như sau: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng họ không trông thấy được” (1 Ga 4,20). Ai yêu thương phục vụ người đói khát bệnh tật và đau khổ tức là yêu thương phục vụ chính Chúa Giê-su (x. Mt 25,40).

- YÊU THƯƠNG KHÔNG BẰNG LỜI NÓI NHƯNG BẰNG HÀNH ĐỘNG (x. 1 Ga 3,18):

Bà MA-RI-NA PI-CÁT-SÔ (Marina Picasso) là cháu của họa sĩ nổi tiếng PÁP-LÔ PI-CÁT-SÔ (Pablo Picasso). Trong thời gian từ năm 1973 đến 1975, bà liên tiếp phải chịu nhiều cái tang lớn: Ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời. Đây thật là những mất mát không thể bù đắp, dù bà đã được thừa kế một gia sản lớn lao. Từ lúc ấy, thay vì ngồi gậm nhấm nỗi đau của mình thì bà dành nhiều thì giờ để chăm sóc những trẻ em mồ côi không người thân thuộc, những trẻ lang thang bụi đời đang sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Từ đó bà cảm thấy một sự biến đổi to lớn trong tâm hồn mình như bà đã phát biểu: “Nhờ giúp đỡ con em của nước này, mà tôi đã tìm lại được chính mình. Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn phân phát sự sống mới đó cho các em”. Chính nhờ ra khỏi nỗi đau mất mát người thân của mình, để cúi xuống xoa dịu nỗi đau của người khác mà bà Ma-ri-na Pi-cát-so đã như được sống lại về tinh thần. Khi không còn bận tâm lo cho mình để quan tâm chia sẻ với người khác, bà đã nghiệm thấy sự sống nơi mình được nhân lên nhiều lần như lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân... Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời...”

4. THẢO LUẬN: 1- Yêu thương bằng việc làm là biết nghĩ đến người khác, xét đoán ý tốt và ước muốn điều tốt cho người mình không ưa, là sẵn sàng chịu đựng và khoan dung tha thứ những sự xúc phạm của kẻ khác, là quảng đại cho đi hơn là nhận lãnh, là năng thăm viếng an ủi những người đau khổ và giúp đỡ những người cô đơn, là săn sóc phục vụ những người yếu đuối bệnh tật... Bạn đã thực hành được điền nào trong các điều này? 2.- Trong những ngày tới, bạn quyết tâm sẽ làm gì để sống tình yêu thương đối với tha nhân?

5. QUYẾT TÂM:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin ban cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm cho cuộc đời chúng con mãi mãi xanh tươi. Xin ban cho chúng con sự bình an của Chúa, bình an làm cho chúng con vững tâm khi gặp sóng gió cuộc đời. Xin ban cho chúng con niềm vui của Chúa, niềm vui làm cho khuôn mặt chúng con luôn rạng rỡ tươi vui. Xin ban cho chúng con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần sẽ biến đổi cuộc đời chúng con ngày một trở nên giống Chúa Cha trên trời hơn.

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con hiểu rằng Chúa muốn chúng con tuân giữ các huấn lệnh vì lòng yêu mến Chúa, hơn là để được ban thưởng hạnh phúc thiên đàng hay không dám phạm tội trọng chỉ vì sợ bị phạt xuống hỏa ngục. Xin giúp chúng con biết mến Chúa bằng việc thực hành giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương Me Ma-ri-a: Luôn lắng nghe lời Chúa và mau mắn xin vâng. Cho chúng con biết quan tâm tìm hiểu nhu cầu của tha nhân và sẵn sàng đáp ứng. Cho chúng con luôn nghĩ đến những người bệnh tật, nghèo khổ và bất hạnh, để sẵn sàng phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ chứng tỏ lòng mến Chúa và xứng đáng được liệt vào hàng ngũ những môn đệ trung thành của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH

 
 
 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ