Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 175

Tổng truy cập: 1350131

ÂN SỦNG CỦA CUỘC THĂM VIẾNG

ÂN SỦNG CỦA CUỘC THĂM VIẾNG

Ngày xưa, cuộc sống thật đơn giản, và người ta thăm viếng nhau rất nhiều. Ngày nay, sự thăm viếng không xảy ra thường xuyên như vậy nữa. Người ta sử dụng điện thoại để thay thế cho sự thăm viếng. Một cú điện thoại cũng tốt thôi, nhưng nó không thể thay thế được cuộc thăm viếng.

Có một phụ nữ sinh sống tại thành phố New York, bên cạnh một người hàng xóm trong suốt 30 năm. Bà ta không bao giờ có bất cứ cuộc cãi và nào với người hàng xóm đó, và mỗi khi gặp nhau, họ vẫn luôn luôn dừng lại nói chuyện với nhau. Nhưng trong suốt thời gian đó, bà ta chưa bao giờ đặt chân sang ngôi nhà của người hàng xóm. Thật là một điều đáng buồn, và có một sự mất mát nào đó.

Khi chúng ta thăm viếng một người nào, chúng ta tự nhận thấy là mình đang làm một việc tốt đẹp cho người đó. Đó là sự thật. Nhưng chúng ta cũng được lợi nữa. Chúng ta cũng trở nên phong phú, mặc dù chỉ là để xem cách thế người khác đương đầu với những khó khăn, hoặc những tình huống hầu như không thể giải quyết được. Thậm chí ở giữa những người đau yếu, bạn vẫn có thể tìm thấy một tâm hồn toả sáng. Có thể bạn đến thăm người đó, để đem lại cho họ điều gì đó, nhưng rồi bạn lại nhận ra rằng chính mình đang nhận được. Bạn ra về với tâm hồn phấn chấn. Trong mỗi cuộc thăm viếng, có điều gì đó xảy ra theo mức độ nào đó. Người này được vui mừng khi tiếp nhận, người kia được vui mừng khi cho đi.

Một vị linh mục trong xứ đạo kể lại việc ông đến thăm một người phụ nữ trẻ, đang chết dần chết mòn vì căn bệnh ung thư. Ông đến với hy vọng đem lại cho cô một chút an ủi. Sau cuộc thăm viếng này, ông ra đi với cảm giác là chính bản thân ông lại được an ủi. Ông kinh ngạc trước đức tin của cô và vẻ thanh thản mà cô cảm thấy, khi đối diện với cái chết. Nhờ được tiếp xúc với cô, đức tin của ông đã được đào sâu và củng cố thêm.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta nhận thấy cuộc thăm viếng của Đức Maria đối với bà Elizabeth. Chính Mẹ cũng vừa mới được thiên sứ Gáprien viếng thăm, mang đến cho Mẹ tin vui rằng Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thay vì bỏ đi và chỉ nghĩ đến mình, thì Mẹ lại vội vã đến thăm bà Elizabeth, một người cũng đang mong đợi con bà ra đời.

Bà Elizabeth là chị họ của Mẹ. Bổn phận đầu tiên và đáng quý nhất cảu chúng ta là cư xử tử tế với những người trong họ hàng, mặc dù đây không phải là một điều dễ dàng. Người trong họ hàng chúng ta có thể có tính cách rất hay đòi hỏi. Cuộc thăm viếng của Đức Maria mang lại ý nghĩa rất lớn đối với bà Elizabeth. Nhưng bản thân Mẹ cũng được ích lợi nhờ cuộc thăm viếng này. Bà Elizabeth đã nói những lời nói đẹp đẽ, mang tính cách xác nhận và củng cố đối với Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. So với Đức Maria, thì bà Elizabeth là người lớn tuổi hơn và có kinh nghiệm hơn, nên bà có thể giúp đỡ Đức Maria. Ở đây, chúng ta nhận thấy điều chủ yếu là cả hai người phụ nữ đều có tình trạng như nhau, nên có thể giúp đỡ nhau.

Bằng cách cho đi, chúng ta lại có thể được đón nhận. Một trong những biện pháp mà chúng ta có thể cho đi, đó là đến thăm viếng người khác. Lễ Giáng Sinh là một thời điểm tốt nhất, để thăm viếng những người mà có thể chúng ta đã quên lãng suốt bao năm qua.

Suy Niệm 2. ƠN PHÚC CỦA NHỮNG KẺ TIN.

Trong Tin Mừng, chúng ta có câu chuyện về cuộc thăm viếng của Đức Maria đối với bà Elizabeth, người chị họ của Mẹ. Trong suốt cuộc thăm viếng này, bà Elizabeth đã nói những lời nói đẹp đẽ, mang tính cách xác nhận và củng cố đối với Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Chủ đề về ơn phúc của những kẻ tin xuyên suốt bài Tin Mừng. Đối với kẻ tin, những điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Sau đây là vài ví dụ:

Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng “Ông cứ về đi. Ông tin thế nào, thì được như vậy!”, và người đày tớ của ông ta đã được chữa lành (Mt 8,13). Đối với người phụ nữ bị băng huyết, Người nói “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và ngay từ lúc đó, máu của bà ngưng không chảy ra nữa (Mt 9,22). Đối với hai người đàn ông bị mù, Người nói “Các anh tin thế nào, thì được như vậy!”, và họ đã được nhìn thấy trở lại (Mt 9,29).

Bạn có thể nói rằng chủ đề chính của Tin Mừng là ơn phúc của những kẻ tin. Tất cả lời rao giảng của Đức Giêsu đều có mục đích là nhằm khơi gợi lòng tin trong tâm hồn con người. Tuy nhiên, điều này không đơn giản chỉ là vấn đề về lòng tin, nhưng là tin tưởng và hành động dựa trên lòng tin đó. Đây là một vấn đề về việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa –chấp nhận rủi ro, và hy sinh vì Lời Chúa. “Trừ phi bạn hành động một cách phù hợp, đừng ngại nhìn nhận rằng bạn tin tuởng” (Catherine de Hueck Doberty).

Đôi khi, bạn nghe thấy có người nào đó nói “Điều này thật dễ dàng đối với bạn, vì bạn có lòng tin mạnh mẽ”. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Lòng tin không luôn luôn làm cho mọi sự trở nên dễ dàng. Trên thực tế, nhiều khi trái ngược lại. Bởi vì chúng ta có lòng tin, nên chúng ta lại từ chối không chịu từ bỏ. Lòng tin thúc đẩy chúng ta phải kiên nhẫn, phải đấu tranh, thường không được đảm bảo có được kết quả là hạnh phúc. Một người có lòng tin thì không bao giờ thoái lui.

Đức Maria được chúc phúc, bởi vì không những Mẹ đã tin, mà còn hành động theo lòng tin của mình nữa. Ngay sau khi sứ thần đến thăm, Mẹ vội vã thăm viếng bà Elizabeth. Từ điểm này, chúng ta nhận thấy rằng lòng tin tôn giáo nơi Mẹ không phải chỉ là vấn đề cảm xúc. Nhưng Mẹ đã chuyển lòng tin đó thành hành động cụ thể.

Đức Maria chính là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Đức Giêsu. Đây là nguyên nhân tại sao Giáo Hội đặt Mẹ làm một tấm gương cho chúng ta. Chúng ta cũng sẽ được chúc phúc, nếu giống như Đức Maria, chúng ta biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Lễ Giáng Sinh là một dịp trợ giúp lớn lao đối với lòng tin của chúng ta. Bằng cách nào đó, chúng ta nhận thấy trong dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta dễ dàng tin tưởng nơi Thiên Chúa hơn, so với bất cứ thời gian nào, bởi vì trong thời gian này, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi với chúng ta, và rất yêu thương chúng ta.

Điểm cốt lõi của Tin Vui chính là Thiên Chúa đã tự mình hiện diện với chúng ta, trong cuộc sống của một Đấng đi trên trái đất này. Thật vậy, chính Đấng này, Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa, đã hiện diện một cách đích thực. Trong ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên, có cả những người tin lẫn những kẻ không tin. Tin Mừng nhấn mạnh đến ân sủng của những người tin vào Tin Vui.

Lễ Giáng Sinh làm cho chúng ta đi vào một tương quan thân mật với Thiên Chúa. Và Lễ Giáng Sinh cũng kêu gọi chúng ta cởi mở tâm hồn mình ra cho nhau. Và trong khi cởi mở tâm hồn mình ra cho nhau, chúng ta cũng đang cởi mở chính mình, để đón nhận “niềm vui lớn lao” đã được các thiên sứ loan báo cho những mục đồng.

MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC

Những người rao giảng có khuynh hướng nhấn mạnh đến sự vắng mặt của Đức Kitô trong ngày Lễ Giáng Sinh, và lấy làm tiếc vì sự thương mại hoá của ngày lễ này. Sự thương mại hoá mang lại rất hiệu quả. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, tốt hơn là nên nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Kitô, và giúp cho mọi người tìm thấy Người trong ngày lễ này.

Việc cử hành Lễ Giáng Sinh của chúng ta có nhiều tầng lớp. Trong một bài viết ở báo The Tablet (tháng 12, năm 1998). Anthony Philpot đã đồng nhất một số tầng lớp này.

Tầng lớp trên cùng là từ người tiêu thụ trong ngày Lễ Giáng Sinh, mà từ đó, những ngày này, không có được lối thoát nữa – họ cứ nhất định phải có những bài hát Lễ Giáng Sinh, những con tuần lộc, Ông già Nôen, và việc năng nổ mua bán tất cả mọi loại hàng hoá. Điều này làm gia tăng tính hám lợi nơi những đứa trẻ, tạo ra sự lo lắng về việc chi tiêu quá mức, và gây mệt mỏi cho người lớn. Đó là một ngày Lễ Giáng Sinh với một cốt lõi rỗng tuếch.

Kế tiếp là tầng lớp Charles Dickens –những tấm thiệp mô tả phong cảnh ngập tuyết, cảnh ồn ào của lò sưởi, gà tây, bánh mận, bánh thịt… Đó là một ngày Lễ Giáng Sinh của cảnh gia đình tụ họp với nhau, của sự thành tâm nơi tất cả mọi người, của tấm lòng nhân ái và cởi mở. Đối với họ, có nhiều điều để nói về những giá trị này. Hầu hết mọi người đều có phần đóng góp vào lối giải thích này về Lễ Giáng Sinh. Nhưng khi không có lòng tin, thì rốt cuộc Lễ Giáng Sinh là gì? Chỉ là một yếu tố kích thích nhỏ nhoi, một vài cách diễn tả sốt sắng, là việc cho và nhận một số quà tặng. Và rồi tất cả mọi sự đều trôi qua giống như lúc trước vậy.

Tầng lớp thứ ba là của máng cỏ, mà đối với chúng ta, đó là cách diễn tả về ngày Lễ Giáng Sinh. Đây là tầng lớp của vở kịch về cảnh Chúa Giáng Sinh, mà đối với tất cả mọi người, việc diễn tả đơn giản về ngày lễ này có thể gây xúc động sâu xa.

Tầng lớp thứ tư và mang tính cách sâu sắc nhất, chính là tầng lớp thiêng liêng. Đây là câu chuyện về một Hài Nhi đã được sinh ra như thế nào tại đất nước Israel, cách đây 2000 năm. Nơi con người của Hài Nhi này, Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản chất của chúng ta trên chính mình Người, và đã đi vào thế giới của chúng ta, trong sự yếu đuối và tình yêu thương của. Người đến để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, và được tiền định một cuộc sống đời đời.

Người ta có khuynh hướng gạt bỏ, hoặc thậm chí còn kết án ba tầng lớp đầu tiên, và coi như tầng lớp thiêng liêng mới là một tầng lớp đích thực duy nhất. Điều này dựa trên giả thiết rằng tầng lớp thiêng liêng và tầng lớp vật chất đối nghịch lại với nhau. Nhưng không phải là như vậy. Đạo Công giáo bao gồm cả tinh thần lẫn vật chất. Không thể có Lễ Giáng Sinh chỉ thuần tuý có yếu tố tinh thần mà thôi.

Điều mà chúng ta phải làm, đó là tìm ra được sự liên kết giữa nơi thị trường trần tục, và nội dung thiêng liêng của ngày lễ. Nhiều cảnh mua bán xảy ra trong ngày Lễ Giáng Sinh tạo thuận lợi cho việc trao tặng quà, những việc làm tốt đẹp, niềm vui và sự khẳng định các mối quan hệ trong gia đình –đưa đến kết quả trong việc cho và nhận.

Cách thế này giúp chúng ta nhận thấy tương quan gần gũi giữa tinh thần và vật chất, giữa những sự việc trên trời và dưới thế này. Chúng ta phải học hỏi được phương cách nào hoà nhập được cả hai yếu tố này. Vấn đề cốt lõi của tôn giáo chính là: Phải làm thế nào để hoà hợp được về mặt thiêng liêng và vật chất, xác thịt và tinh thần, bên trong và bên ngoài, bề mặt và bản chất.

Có những người cứ khăng khăng là cần phải có sự phân chia rõ ràng giữa thần thánh và con người, giữa yếu tố thánh thiêng và yếu tố trần tục, giữa linh hồn và thể xác. Nhưng chúng ta sẽ không tìm được điều đó trong ngày Lễ Giáng Sinh. Trong ngày này, những yếu tố đó đan xen với nhau, đến nỗi dường như chúng trở nên một, và cùng là một yếu tố.

 

72.Thưa ‘vâng’ với Thiên Chúa--‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’--Achille Degeest

Đoạn Phúc Âm này bắt nguồn từ những bản văn người ta mệnh danh là “truyện thời thơ ấu của Chúa Giêsu” và cho rằng tất cả chỉ là “thần thoại”. Có những thuyết nhìn thấy trong đó một sự pha trộn những chuyện tưởng tuợng của một số tôn giáo cổ. Ở đây không xét đến lập trường ấy, chúng ta căn cứ vào những công trình khảo cứu theo phương pháp khoa học nghiêm chỉnh nhất và học thuyết của Giáo Hội. Thật ra Phúc Âm chứa đựng đức tin thuần khiết và trọn vẹn, cho nên phải đọc Phúc Âm với một tâm tình thanh khiết.

Đức Maria đi thăm chị họ là bà Elizabeth, và được đón chào: “Bà có diễm phúc hơn mọi người nữ”. Lúc đó xảy ra một sự kiện quan trọng cho cả chủ lẫn khách: Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong lòng mẹ khi Đức Maria đang mang thai Chúa Giêsu vừa tới nơi. Đoạn tả cảnh thăm viếng kết thúc bằng tiếng hô lớn của bà Elizabeth, nhận định của bà đối với chúng ta rất là quan trọng: “Phúc cho bà là người đã tin”.

Giáp Lễ Giáng Sinh là lúc thích hợp để suy niệm về mầu nhiệm Đức Maria:

1) Mầu nhiệm trinh khiết.

Ơn trinh khiết của Đức Maria có tính cách thanh sạch trọn vẹn bao trùm và thấm nhuần tất cả hồn xác Người. Dường như bà Elizabeth cảm biết sự thật ấy trong con người của Đức Maria vì bà nghĩ rằng, nhờ lời Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Được ơn linh ứng của Chúa Thánh Linh và đáp trả ân huệ đó, Đức Maria quan niệm cuộc đời mình chỉ là để trao phó tất cả hồn xác cho Chúa trong niềm cung hiến thuần khiết trọn vẹn nhất. Khi thiên sứ xin Người trả lời. Đức Maria nhìn rõ toàn diện vấn đề đặt ra cho mình. Ngay lúc đó, hành vi tin của Đức Maria đối với Thiên Chúa cho Người cảm biết sự thụ thai vượt khỏi định luật nhân loại chính là phương cách triệt để nhất, hoàn toàn nhất để thuộc về Thiên Chúa. Tiếng vâng của Đức Maria là sự thánh hiến đức trinh khiết của Người.

2) Mầu nhiệm làm mẹ.

Do sự ưng thuận làm mẹ, Đức Maria gia nhập mầu nhiệm Đức Giêsu trong đời sống thế gian của Chúa, bắt đầu từ khoảnh khắc truyền tin cho tới khoảnh khắc sau cùng là Chúa sống lại, qua những giai đoạn Chúa sống ẩn dật, Chúa đi rao giảng, Chúa chết trên thập giá.

Thái độ Đức Maria trong những giai đoạn ấy có thể vạch cho chúng ta hai hướng cầu nguyện:

- Thưa vâng với Thiên Chúa trong đức tin, dù gặp những hoàn cảnh phi lý nhất, đó là con đường chắc chắn để hoàn thành số mạng mình.

- Thưa vâng với Thiên Chúa trong đức tin, chung cục đem niềm vui đến với chúng ta nhờ kết hợp mật thiết với mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô hấp hối và sống lại để cứu độ chúng ta và thế giới.

 

73.Chúa Nhật 4 Mùa Vọng--Lm. John Eckert--Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

Tiếp theo trong Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, chúng ta lại thấy Thánh Gio-an Tẩy Giả xuất hiện trong bài Tin Mừng. Hai Chúa Nhật trước đó, Ngài đã ở trong hoang địa, kêu gọi mọi người sám hối và chỉ bảo họ cách dọn đường cho Chúa đến. Chúa nhật hôm nay, chúng ta có câu truyện “chuẩn bị” cho ông Gio-an ở trong hoang địa; trong cuộc viếng thăm hồng phúc của Mẹ Ma-ri-a, Gio-an là một hài nhi, nhảy mừng trong lòng mẹ. Chỉ chưa đầy một tuần nữa là tới Đại Lễ mừng Chúa Giáng Sinh, tôi nghĩ phản ứng ngây thơ, hồn nhiên và hết lòng của Gio-an trước sự hiện diện của Chúa Giêsu và Thánh Mẫu Người là điều chúng ta cần quan tâm.

Trong vài tháng qua, tôi nghe thấy những lời than phiền về chuỗi cung ứng, vấn đề vận chuyển và mối đe dọa ám ảnh rằng năm nay có thể không mừng lễ Giáng sinh được. Cũng như nhiều người khác, đang khi tôi nhận thấy những khó khăn mà các cửa hàng tạp hóa gặp phải, là làm sao có đầy đủ hàng hóa trên các kệ bán của họ, hoặc dài cổ chờ đợi các mặt hàng trước kia đã từng được chuyển đến rất nhanh chóng, thì tôi phải nói rằng những nhận xét về việc Giáng sinh năm nay “sẽ không đến” là một thứ tai họa đúng như kế hoạch của Grinch (*) cướp đi niềm vui Giáng sinh của cư dân trong phố Who-ville của họ bằng những trò ăn cắp vặt lẻ tẻ. Nhưng niềm vui Giáng Sinh chúng ta mừng hôm nay không thể bị lấy đi một cách dễ dàng như vậy đâu.

Có những ý tưởng trong các lời nguyện cũng như các bài đọc Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta luôn sống trên các tầng mây thánh thiện êm ả tràn đầy niềm vui của Thiên Chúa Hằng Sống và Nhập Thể. Ví dụ, hãy bắt đầu với lời nguyện mở đầu của Thánh lễ hôm nay. Với các bạn thường xuyên cầu nguyện giống như chúng tôi vẫn cầu nguyện vào ban trưa tại trường Sacred Heart, thì kinh Truyền Tin kết thúc bằng lời nguyện mở đầu Thánh lễ hôm nay. Bạn hãy lưu ý là phần đầu lời nguyện có động từ "ban ơn xuống". Chúng ta biết Cha trên trời không phải là người hà tiện. Người không đong đếm ân sủng của Người giống như tên Ebenezer Scrooge (**) chia từng cục than cho nhân viên của hắn đang bị lạnh cóng. Trái lại ân sủng của Thiên Chúa thì tràn trề khắp mọi nơi!

Giáo hội mời gọi chúng ta dừng tay làm việc giây lát vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều để đọc kinh Truyền Tin. Lời nguyện gồm ba đoạn tuyệt đẹp nhắc nhở chúng ta rằng Con Thiên Chúa đã đến với nhân loại, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ đầy niềm tin, sinh ra tại Bê-lem (nghĩa đen là “Nhà Bánh”), Người đã đến để thi hành thánh ý Chúa Cha và để dâng hiến chính Người một lần thay cho tất cả, làm hy tế sống động và hữu hiệu để chúng ta có thể tham dự mỗi ngày trong Thánh lễ. Chúa chúng ta không chỉ trao ban quà Giáng sinh mỗi năm một lần; nhưng Người luôn tuôn đổ ân sủng Người vào tâm hồn chúng ta, và chỉ cần chúng ta quan tâm đến các ân sủng này là đủ. Đơn giản chỉ có thế, như một em bé có thể nhảy cẫng lên vì vui sướng khi được nhắc nhớ đến món quà.

Giờ đây rõ ràng chúng ta quên hẳn đi thực tại ân sủng này và rất thường quên như vậy. Do đó, chúng ta cần một khoảng thời gian bốn tuần để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh của Chúa Yêu Dấu với tất cả tâm hồn hân hoan. Hy vọng vào thời điểm này của Mùa Vọng, các bạn đã lắng nghe thánh Gio-an Tẩy Giả kêu gọi, đã ăn năn sám hối, đã đi xưng tội và đã cố gắng chu toàn những bổn phận hàng ngày trong bậc sống của mình với tình yêu lớn lao. Giờ đây, khi lễ Giáng sinh đang nhanh chóng đến gần, trong sự khôn ngoan của mình, Giáo hội đã giới thiệu với chúng ta bắt đầu là một Gio-an Tẩy Giả với tiếng nói mạnh dạn từ vùng hoang địa, tiếp đến là một Gio-an Tẩy Giả như thai nhi nhảy mừng trong bụng mẹ. Hãy để thực tại đó chìm sâu vào tâm hồn khi bạn sửa soạn xum họp với gia đình và khi bạn chuẩn bị trở lại nhà thờ thật đông người vào cuối tuần này. Giữa thế giới điên cuồng chúng ta đang sống, bạn hãy là người mang niềm vui bền vững vì tin rằng Chúa đang ở trong mình. Quá nhiều người không nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa chúng ta đang tuôn đổ tràn lan.

“Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng con” như chúng ta đọc trong câu cuối của kinh Truyền Tin. Đây không phải là một thực tại xảy ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trong năm, mà là từng nhịp đập của con tim, từng hơi thở chúng ta hít vào, tất cả đang diễn ra ngay giữa chân lý đó. Chúng ta cần những Mùa Vọng này và những thời điểm này trong năm để nhắc nhở chúng ta về chân lý đó. Bạn hãy cầu xin Đức Maria, Mẹ chúng ta, Đấng đã tin rằng “Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ”, bạn hãy cầu xin Thánh Ê-li-sa-bét, người đã khiêm tốn vui mừng kêu lên lúc cô em họ và cũng là Thân Mẫu Chúa tôi đến gần, bạn hãy cầu xin Thánh Gio-an Tẩy Giả là người hớn hở nhảy mừng trong bụng mẹ với niềm vui thật tinh khiết trước sự hiện diện của Con Thiên Chúa Nhập Thể, để các ngài giúp bạn trở thành người mang niềm vui bất tận này đến những người bạn gặp trong tuần tới.

Nguồn: https://www.hprweb.com/

----------------------------------------

(*) Grinch trong Whos down in “Who-ville” là một truyện tranh của Dr. Seuss. Mọi người (whos) ở Whoville đều rất thích Giáng sinh, nhưng duy chỉ có Grinch, sống ngay phía bắc Whoville - thì không. Grinch không chỉ ghét lễ Giáng sinh – mà ghét luôn cả Mùa Lễ Giáng sinh. Bây giờ, xin đừng hỏi tại sao; không ai hoàn toàn biết lý do. Có lẽ, có lẽ, đôi giày của anh ấy quá chật

(**) Ebenezer Scrooge: Scrooge là nhân vật chính trong tiểu thuyết của Dickens và lần đầu tiên được thể hiện như một người đàn ông keo kiệt, khó ưa. Anh ta từ chối tất cả những lời mời chào mừng lễ Giáng sinh như 'Humbug! '. Vào đêm Giáng sinh, anh ta bị hồn ma là đối tác kinh doanh cũ của anh ta, Jacob Marley, người cảnh báo rằng anh ta sẽ bị ba hồn ma ghé thăm.

 

74.Chúng ta có thể giúp đỡ phụ nữ như thế nào?--Jaime L. Waters--Nhóm Sao Biển chuyển ngữ

Khi gần kết thúc Mùa Vọng, bài Tin mừng hôm nay lại càng thôi thúc chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống cá nhân và đáp lại tiếng Chúa khi được mời gọi bước vào những hướng đi mới, đầy thử thách.

Bài Tin mừng là một câu chuyện độc đáo của thánh Luca khi mô tả Đức Maria đến thăm người chị họ là bà Êlisabeth. Nghệ thuật tôn giáo thường mô tả cuộc gặp gỡ cũng được gọi là cuộc thăm viếng này bằng cách khắc họa Đức Maria và bà Êlisabeth đang trò chuyện, đôi khi có thể thấy rõ là họ đang mang thai, tay đang đỡ bụng hoặc đang ôm hôn nhau. Những diễn tả nghệ thuật như thế thường làm nổi bật sự hân hoan, ngạc nhiên và vui mừng của hai người phụ nữ, vì mỗi người đều đang chờ mong một đứa con ngoài sự mong đợi của mình.

Cảnh tượng bài Tin mừng gây ấn tượng mạnh vì một số lý do. Cả hai việc thụ thai này đều được Thiên Chúa định đoạt và hoàn thành. Trước đó trong Tin mừng, thánh Luca nói rằng bà Êlisabeth son sẻ , và còn nhấn mạnh rằng bà đã lớn tuổi, nghĩa là đã quá tuổi để có thể thụ thai. Tuy nhiên, sứ thần Gabriel hiện ra với ông Dacaria - chồng bà, báo tin rằng bà sẽ sinh một con trai và đặt tên là Gioan. Bà đã thụ thai và sống ẩn dật trong năm tháng. Thánh Luca không nói rõ lý do vì sao bà phải ẩn mình. Có lẽ là để bảo vệ và tránh tiết lộ cho người khác biết bà mang thai, những thận trọng này có thể gợi lên sự bất an về thời gian đứa trẻ sẽ sinh ra.

Khi bà Elisabeth mang thai được sáu tháng, một trinh nữ là Maria được thiên thần Gabriel đến viếng thăm, báo tin cô sẽ thụ thai và sinh một con trai, đặt tên là Giêsu. Đức Maria cũng được thông báo về việc bà Êlisabeth mang thai. Mặc dù hoàn cảnh sinh học của bà Elisabeth [tuổi già] và cô Maria [chưa về chung sống với Giuse] khiến việc mang thai khó xảy ra, nếu không muốn nói là không thể, cả hai người phụ nữ đều mang thai qua việc Thiên Chúa loan báo và hành động. Trong Tin mừng hôm nay, hai chị em họ gặp gỡ nhau và vui mừng về đặc ân từ Thiên Chúa và về người con mình đang cưu mang.

Câu chuyện cho chúng ta một ví dụ trong Kinh thánh về việc Thiên Chúa chủ động can dự vào lịch sử nhân loại. Ngài thay đổi cuộc đời và gia đình của hai phụ nữ này, đồng thời cũng kêu gọi họ hãy đón nhận việc mang thai, vì cuối cùng việc cưu mang này sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Việc Đức Maria chấp nhận lời mời gọi của Chúa là điều đáng chú ý và ngưỡng mộ, đặc biệt với tư cách là một phụ nữ trẻ đã đính hôn. Bất chấp sự thay đổi bất ngờ trong cuộc sống của mình, câu trả lời của Đức Maria vẫn cho thấy sự đón nhận đầy cởi mở của Mẹ đối với ơn gọi này: “Vâng, tôi đây… xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Phản ứng của bà Êlisabeth trước với việc mang thai có liên hệ đến nhiều phụ nữ và cho thấy có những nỗi đau ẩn tàng khi liên hệ đến bài đọc hôm nay. Khi thụ thai, bà Êlisabeth đã đáp lại bằng cách nói: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời”. Nhiều phụ nữ, trong quá khứ hay hiện tại, đều cảm thấy xấu hổ và thiếu thốn vì không có con. Vào thời xa xưa (và thậm chí đối với một số người ngày nay), những khó khăn trong việc sinh nở và thụ thai được coi là vấn đề do lỗi của người nữ. Người ta xem phụ nữ như bị Chúa “lãng quên” nếu họ không thể mang thai, và việc mang thai kỳ diệu được cho là Chúa đã “nhớ đến” họ.

Nhiều phụ nữ hy vọng được vui mừng khi mang thai như thái độ của Đức Maria và bà Êlisabeth trong bài Tin mừng hôm nay, tuy nhiên một số khác sẽ không bao giờ có cơ hội đó. Chúng ta phải ý thức về cách mà đoạn Tin mừng này có thể truyền cảm hứng, làm phong phú đời sống thiêng liêng của chúng ta nhưng đồng thời cũng có thể gây ra các phản ứng và cảm xúc đa dạng. Thay vì tập trung vào cách người khác sẽ đánh giá về việc mang thai bất ngờ của họ, Đức Maria và bà Êlisabeth hỗ trợ lẫn nhau. Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức và cuộc tranh luận qui về phụ nữ và cơ thể của họ. Bài Tin mừng nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe những trải nghiệm phức tạp của nữ giới, biết chăm sóc và đồng cảm với họ nhiều hơn.

home Mục lục Lưu trữ