Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1360649

ANH EM HÃY THA THỨ CHO NHAU

ANH EM HÃY THA THỨ CHO NHAU

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Nếu bạn chợt nhận ra mình cũng yếu đuối và dễ lầm lỗi như người mà bạn đang kết án, thì bạn có còn muốn kết án họ không?

2. Bạn có dễ dàng tha thứ lần nữa cho người mà bạn đã từng tha cho một món nợ lớn, nhưng chính người ấy lại không chịu tha cho con cái bạn một món nợ rất nhỏ không?

3. Khi bạn mang trong mình một nỗi hờn giận, tâm hồn bạn có bình an không? Cách tốt nhất và khôn ngoan nhất để giải quyết nỗi hờn giận ấy là gì?

Suy tư gợi ý:

1. Sống trên đời, ai cũng lầm lỗi. Chính ta cũng biết bao lầm lỗi

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, Đức Giêsu đòi hỏi ta phải biết sửa lỗi cho tha nhân. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại yêu cầu ta phải sẵn sàng tha thứ cho họ một cách vô điều kiện. Như vậy, ta vừa phải sửa lỗi, lại vừa phải tha thứ.

“Nhân vô thập toàn”, trên đời, không ai hoàn hảo cả, ai cũng có những sai trái, lầm lỗi. Xét lại bản thân, ta thấy chính ta cũng có nhiều sai trái, khiếm khuyết, lầm lỗi: vô ý có, mà hữu ý hay cố tình cũng có. Đó chính là lý do khiến ta nên tha thứ cho người khác.

2. Ta luôn thấy lầm lỗi của ta đáng được thông cảm và tha thứ

Khi bị ai trách cứ, hầu như lần nào trong thâm tâm ta cũng có lý do để chống chế, để biện hộ cho sai trái của mình. Điều đó có nghĩa là dù ta có lỗi, ta vẫn luôn thấy lỗi mình đáng được thông cảm và tha thứ. Vì chỉ có ta mới hiểu được nguyên nhân và hoàn cảnh khiến ta phạm lỗi. Người ngoài sở dĩ kết án ta là vì họ không hiểu được thế kẹt của ta, nên họ không thông cảm được sự sai trái của ta. Tất cả mọi người đều vậy cả, ai cũng thấy lầm lỗi của mình đáng được thông cảm.

Theo Dale Carnegie trong cuốn Đắc Nhân Tâm của ông, thì không ai tự nghĩ xấu về mình. Ai cũng tự nghĩ tốt cho mình dù là kẻ xấu nhất trong nhân loại. Ai cũng nghĩ rằng mình đúng cho dù là kẻ sai nhất trong nhân loại. Ai cũng có nhiều lý lẽ để cho rằng mình là người tốt, người đúng. Ông đã chứng minh điều ấy bằng những sự kiện cụ thể mà ông thu thập được trong đời sống của ông. Theo ông, ngay cả những tên cướp giết người không gớm tay vẫn có lý do bào chữa cho những hành động gớm ghiếc của chúng, mà chúng nghĩ do thực tâm chứ không phải để ngụy biện. Tuy dù không hoàn toàn đồng ý với Dale Carnegie, tôi cũng phải công nhận ông có lý phần nào, và đó chính là lý do để tôi thông cảm hơn với những người tôi muốn kết án.

3. Đức Giêsu khuyên ta luôn tha thứ, và tha thứ vô điều kiện

Đức Giêsu là một con người y như chúng ta, Ngài cũng cảm nghiệm được sự yếu đuối của con người y như chúng ta, chính Ngài cũng bị cám dỗ phạm tội như chúng ta. Vì thế, mặc dù Ngài không hề phạm một lầm lỗi nào, Ngài vẫn cảm thấy mọi tội lỗi của con người đều đáng được tha thứ. Lý do mà Ngài đưa ra cho chủ trương tha thứ vô điều kiện là: Chính bản thân ta có lỗi với Thiên Chúa nhiều gấp bội ai đó có lỗi với ta. Nếu ta không tha thứ cái lỗi nhỏ bé ấy cho người ấy, thì Thiên Chúa làm sao tha cho ta cái lỗi tầy trời của ta được? Mà nhất là người ấy lại là hiện thân của chính Thiên Chúa ở bên ta, vì Ngài tự đồng hóa với tha nhân của ta.

Hãy tự đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa, tương tự như hoàn cảnh sau đây, ta sẽ thấy sự cần thiết phải tha thứ: Có người nợ ta rất nhiều mà ta sẵn sàng tha cho tất cả, nhưng chính người ấy lại không chịu tha nợ cho con của ta, cứ nằng nặc đòi nợ với đủ mọi đẹ dọa, dù con ta chỉ nợ họ một số tiền nhỏ. Trường hợp đó ta sẽ làm gì với người ấy? Nếu không tha thứ cho người khác, ta cũng làm một hành động phi lý và vô ơn tương tự như người ấy. Nghĩ cho cùng, không tha thứ cho người khác, chính là một hành động vô ơn đối với Thiên Chúa là người đã tha thứ cho mình. Thiên Chúa tuy không có lỗi gì với ta, nhưng ta phải trả ơn cho hành động tha thứ của Thiên Chúa bằng cách tha thứ cho những hiện thân của Thiên Chúa ở bên ta, tức những người sống chung quanh ta.

4. Lòng khoan dung độ lượng

Một trong những đức tính cần thiết để trở nên hoàn hảo là lòng khoan dung độ lượng. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, mà trái lại thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và sau đó, của người khác. Mình cũng phạm lỗi thì mình kết án người khác thế nào được? Nếu mình cũng phạm lỗi mà lại đi kết án người khác, thì đó đúng là một hành động vô liêm sỉ. Trong chuyện người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang (x. Ga 8,3-11), tuy không phục những người Pha-ri-siêu vì họ thích giả hình, nhưng tôi phục họ vì họ còn có liêm sỉ. Khi Đức Giêsu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”, “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Họ không dám ném đá kẻ ngoại tình chính vì họ ý thức mình cũng có tội, như thế là họ còn liêm sỉ. Như vậy, kết án người khác, không tha thứ lầm lỗi cho họ là do ta không ý thức được lầm lỗi của chính mình. Nếu ý thức được lầm lỗi của mình mà vẫn kết án, không tha thứ thì chẳng phải là ta thiếu liêm sỉ sao?

Con người có một mẫu số chung như nhau là rất yếu đuối, rất dễ lầm lỗi. Xét lại chính bản thân, ta thấy mình vẫn sai lỗi hằng ngày. Nếu tôi ít sai lỗi hơn người khác, rất có thể vì tôi không phải sống trong một hoàn cảnh có nhiều cám dỗ thúc đẩy tôi sai lỗi như họ. Nếu tôi cũng sống trong hoàn cảnh y như thế, liệu tôi có khá hơn họ, hay tôi còn tệ hơn họ nữa? Không chỉ có yếu tố hoàn cảnh khiến họ dễ phạm tội hơn tôi, mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Hãy tự hỏi: Khi mình ở độ tuổi ấy, liệu mình đã suy nghĩ chín chắn được như người ấy không? Nếu mình chỉ được học hành hay được giáo dục như họ thôi, mình có hành động khá hơn họ không? Nếu mình bẩm sinh có thể chất hoặc tâm lý yếu đuối như họ, nếu mình chỉ suy nghĩ được như họ, liệu mình có hành động khác hơn không? v.v…

5. Tha thứ làm tâm hồn ta nhẹ nhõm, thảnh thơi

Kinh nghiệm cho tôi thấy khi nào bực bội ai điều gì, khi nào để trong lòng nỗi buồn bực giận hờn ai, thì tâm hồn tôi không được bình an. Lúc đó, trong tâm hồn tôi có một xung lực thúc đẩy tôi phải làm một cái gì đó, chẳng hạn chửi bới người ấy, nói một câu gì hạ nhục người ấy, hoặc làm một điều gì khiến người ấy phải đau khổ… Lúc ấy tôi có cảm tưởng rằng: có hành động theo sự thúc đẩy của xung lực ấy, tôi mới nguôi ngoai cơn giận, và tâm hồn tôi mới tìm lại được bình an. Nhưng trong thực tế, sau khi thỏa mãn cơn giận bằng những hành động ấy, tôi chỉ được nguôi ngoai phần nào, và sau đó lại tiếp tục mất bình an hơn nữa vì phải đối phó với sự trả thù của người kia. Vì khi người kia bị tôi hạ nhục hay gây đau khổ, thì trong lòng họ lại phát sinh một xung lực y như tôi trước đó, và họ quyết thỏa mãn xung lực ấy. Thế là cái vòng lẩn quẩn được thiết lập, vì: “Lấy oán trả oán, oán chập chùng” (Đức Phật).

Nhưng nếu tôi đặt mình vào địa vị người ấy, tôi sẽ dễ dàng thông cảm và hiểu được những lý do thúc đẩy họ hành động như vậy, nhờ đó tôi dễ dàng tha thứ cho họ. Khi tôi vừa quyết định tha thứ, lập tức tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm. Xung lực thúc đẩy tôi phải trả thù biến mất. Tích cực hơn nữa, nếu tôi có tinh thần yêu thương của Đức Giêsu, thay vì trả oán, tôi quyết định làm một điều gì tốt cho người ấy. Lúc ấy thường có điều lạ lùng xảy ra, là người ấy nhận ra ngay sai lầm của mình và ngỏ lời xin lỗi (Điều lạ lùng này rất khó xảy ra khi tôi trả đũa). Từ đó tình cảm giữa hai người thắm thiết hơn, vì qui luật này vẫn luôn luôn đúng: “Ai được tha nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít” (x. Lc 7,47b). Đó cũng là chủ trương “lấy đức trả oán, oán tiêu tan” của Đức Phật.

CẦU NGUYỆN

Tôi nghe Chúa nói với tôi: “Nếu con tha thứ cho mọi người vô điều kiện, dù họ lỗi nặng đến đâu, thì làm sao Cha có thể kết án con được? Chẳng lẽ lòng bao dung của Cha lại thua con sao? Vả lại con vẫn thường xin Cha: "Xin tha nợ cho con giống như con tha nợ cho người khác". Con tha nợ cho người khác vô điều kiện, Cha cũng phải "như con" mà tha cho con vô điều kiện, dù con lỗi nặng đến đâu. Ai cầu xin như con mà không chịu tha thứ là tự họ bắt Cha kết án họ, vì họ xin Cha làm "như họ"“.

 

55.Sự tha thứ

(Suy niệm, chú giải Lời Chúa của Lm. Inhaxiô Hồ Thông)

Chủ đề của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm A này là “sự tha thứ”.

Hc 27: 30-28: 7

Trong bài đọc thứ nhất, hiền nhân Do thái, trung thành với lề luật Mô-sê, mời gọi “oán cừu nên tháo không nên buộc”.

Rm 14: 7-9

Trong đoạn trích thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc người Ki-tô hữu nhớ rằng không ai sống cho chính mình.

Mt 18: 21-35

Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Ngài phải tha thứ vô điều kiện và không giới hạn.

BÀI ĐỌC I (Hc 27: 30-28: 1-7)

Trào lưu Khôn Ngoan nở rộ trong toàn thể miền Cận Đông xưa: Ai-cập, Su-me, Ba-by-lon… Sách Huấn Ca là một trong năm tác phẩm thuộc trào lưu Khôn Ngoan Cựu Ước: Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Khôn Ngoan và Huấn Ca.

Tác giả của sách Huấn Ca là ông Si-rác sống vào cuối thể kỷ III đầu thế kỷ IV trước Công Nguyên. Là bậc vị vọng và là hiền nhân ở Giê-ru-sa-lem, ông đã viết lại những lời dạy khôn ngoan của mình vào khoảng năm 180 trước Công Nguyên. Khoảng năm mươi năm sau, cháu nội của ông đã dịch tác phẩm Híp-ri của ông sang Hy-ngữ và xuất bản.

Sự khôn ngoan, thành quả của suy tư và trải nghiệm, là gia sản chung của toàn thể nhân loại. Nhưng sống vào thời kỳ văn hóa Hy lạp trở nên mối nguy hiểm đối với văn hóa Do thái, ông Si-rác, hiền nhân Do thái, ôm ấp một hoài bảo: chấn hưng những giá trị luân lý Do thái giáo. Theo ông, sự khôn ngoan Do thái vượt lên trên sự khôn ngoan Hy lạp, vì sự khôn ngoan Do thái có Thiên Chúa làm khuôn mẫu và Lề Luật của Ngài làm chuẩn mực cho cuộc sống.

Sách Huấn Ca là loại sách kim chỉ nam chứa đựng nhiều lời khuyên dạy cho cuộc sống thường ngày. Sách đề cập đến mọi đề tài. Đoạn trích dẫn hôm nay đề cập đến việc trả thù và tha thứ.

1. Cách hành xử của kẻ gian ác

Nhà hiền triết nhắm trước tiên đến cách hành xử của kẻ gian ác:

“Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm,

về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài” (27: 30).

Ông nhận xét rằng nếu cứ cố chấp trong sự oán hờn và giận dữ, rồi sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa:

“Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,

tội lỗi nó, Người xem xét từng ly” (28: 1)

Trong Cựu Ước, quan niệm “thưởng phạt ở đời sau” chỉ xuất hiện sau nầy. Kẻ gian ác sẽ chuốc lấy hậu quả của điều ác mà nó gây ra ngay tại cuộc sống đời nầy, như chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo, gieo gió gặp bảo” hay “Gieo nhân nào thì gặp quả nấy”.

2. Đức hạnh của người công chính

Ngược lại với cách hành xử của kẻ gian ác, nhà hiền triết phác họa đức hạnh của người công chính là “lấy ân mà trả oán” hay “Lấy sự tha thứ mà đáp lại oán cừu”.

Sự tha thứ được Lề Luật truyền dạy, như sách Lê-vi diễn tả rõ ràng: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình ngươi” (Lv 19: 17-18). Nhà hiền triết nêu lên lý do tại sao phải tha thứ:

“Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,

thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (28: 2).

Theo Hiền nhân Si-rác, sự tha thứ giữa người với người có mối quan hệ hỗ tương với sự tha thứ của Thiên Chúa:

“Người với người cứ nuôi lòng hờn giận,

thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành!” (28: 3).

Vì lẽ người nào hành xử với anh chị em của mình như thế nào, thì Thiên Chúa cũng hành xử với người ấy cũng như thế ấy:

“Nó chẳng biết thương người đồng loại,

mà lại dám xin tha tội cho mình!

Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận,

thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (28: 4-5).

Những lời dạy của hiền nhân Si-rác về sự tha thứ gợi nhớ lời dạy của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài trong của kinh “Lạy Cha”:

“Xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6: 12).

Chúa Giê-su còn giải thích cho rõ thêm nữa: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6: 14-15).

Cuối cùng, hiền nhân Si-rác nêu lên vấn đề chủ đạo tại sao phải tha thứ cho anh chị em mình. Người công chính phải thanh thoát trên mọi ưu tư thường ngày để nghĩ đến số phận của mình là một ngày kia sẽ từ giả cõi thế, đây không cốt là nghĩ đến phần thưởng của cuộc sống mai sau. Vào thời hiền nhân Si-rác, Ít-ra-en chưa biết viễn cảnh nầy (chỉ xuất hiện muộn thời). Cho dù người công chính không thể biết được khi nào những đau khổ sẽ giáng xuống trên bọn ác nhân – vì Đức Chúa sẽ báo thù – thì phải trung thành với những huấn lệnh và nghĩ đến Giao-ước.

“Hãy nhớ đến ngày tận số

mà chấm dứt hận thù,

nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết

mà trung thành gìn giữ các điều răn” (28: 6)

Cách hành xử nầy thật là cao thượng vì chân trời bị giới hạn vào việc thưởng phạt trần thế và kinh nghiệm cho thấy những phần thưởng này khó đáp trả sự mong chờ của người công chính. Nhưng người có niềm tin phải hành xử như thế vì lòng yêu mến Thiên Chúa và Lề Luật của Ngài:

“Hãy nhớ đến các điều răn

mà đừng oán hờn kẻ khác,

nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao

mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (28: 7).

Không phải chính lòng trung thành với Giao Ước đảm bảo sự quan phòng của Thiên Chúa trên mỗi một thành viên của dân Ít-ra-en sao? Nền luân l‎ý thật cao thượng này chuẩn bị trực tiếp cho lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay.

BÀI ĐỌC II (Rm 14: 7-9)

Nếu tách đoạn trích thư gởi tín hữu Rô-ma ra khỏi văn mạch của nó, chúng ta khó nắm bắt được ý nghĩa những lời khuyên dạy của thánh Phao-lô. Trong chương 14 nầy, thánh Phao-lô bàn đến những mối liên hệ giữa những người Ki-tô hữu trong lòng cộng đoàn. Thánh nhân gợi lên có quá nhiều quan điểm khác nhau trong cách đối nhân xử thế thường ngày, giữa những người mà thánh nhân gọi “những người yếu” và những người mà thánh nhân gọi “những kẻ mạnh”.

Thánh nhân đề cập cách cụ thể giữa những người không ăn kiêng và những người ăn kiêng, những người sống khổ hạnh và những người bài bác khổ hạnh, vân vân. Từ đó thánh nhân kết luận rằng cuộc sống hòa hợp giữa các thành viên trong cộng đoàn phải căn cứ trên sự tự do của mỗi người trong sự kính trọng kẻ khác. Tự do mà thánh nhân đề cập ở đây không là cá nhân chủ nghĩa: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Đức Ki-tô, mà có chết cũng là chết cho Người”, bởi lẽ “Đức Ki-tô đã không sống cũng không chết cho chính mình, nhưng cho chúng ta”. Mọi phân biệt đối xử phải bị loại trừ trước mối liên hệ căn bản là hiệp nhất mọi thành viên trong cộng đoàn, bởi vì tất cả chúng ta đều thuộc về Đức Ki-tô.

Khởi đi từ những chi tiết nhỏ nhặt cụ thể đến một quan điểm thần học, đó là nét đặc trưng thường hằng của thánh Phao-lô trong các thư của thánh nhân.

TIN MỪNG (Mt 18: 21-35)

Sau khi đã nhắc nhở đức ái huynh đệ và những cảnh báo mà mỗi thành viên trong cộng đoàn có bổn phận và trách nhiệm với nhau (Chúa Nhật trước), Đức Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài còn đi xa hơn nữa, cho đến việc tha thứ vô điều kiện và không giới hạn cho những kẻ xúc phạm mình.

1. Cuộc chuyện trò thân mật giữa Thầy và trò

Trong Tin Mừng của mình, thánh Mát-thêu làm nổi bật con người Phê-rô, thậm chí ngay cả thậm chí trước khi ông được tấn phong làm thủ lãnh của nhóm Mười Hai và của Giáo Hội tương lai, như trong câu chuyện phong ba bão tố, chỉ một mình thánh Phê-rô xin Thầy: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (14: 28); hay trong câu chuyện trên đường Xê-sa-rê Phi-líp-phê, thánh Phê-rô, đại diện nhóm Mười Hai, tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” (16: 16); hoặc trong biến cố Biến Hình, chỉ một mình Phê-rô lên tiếng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay!” (17: 4).

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng vậy, chính thánh Phê-rô lên tiếng hỏi Thầy mình: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mầy lần”, đồng thời cũng nhanh miệng đưa ra một lời đề nghị: “Có phải bảy lần không?” Khi đưa ra bảy lần, ông nghĩ là mình quá rộng lượng từ bi nhân hậu lắm rồi, bởi vì theo truyền thống Do thái việc tha thứ cho anh em mình không vượt quá ba hay bốn lần. Kinh sư Hanina dạy rằng: “Ai xin người lân cận mình tha thứ, không được xin quá ba lần”. Kinh sư Jehuna thì dạy tha thứ khoan dung hơn: “Nếu một người phạm tội một lần, hãy tha thứ; hai lần hãy tha thứ; ba lần cũng hãy tha thứ cho người ấy; nhưng lần thứ tư thì không tha thứ nữa!”. Đối với văn hóa Việt Nam: “Sự bất quá tam, một lần tha ba lần chém”. Hơn nữa, “con số bảy” biểu thị sự giới hạn cuối cùng, không thêm được nữa. Trong Cựu Ước, con số “bảy” được dùng để diễn tả mức độ trả thù hết mức: “Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy” (St 4: 15).

Đức Giê-su trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Trong Cựu Ước, diễn ngữ “Bảy mươi lần bảy” cũng được dùng để chỉ một sự trả thù vô cùng tận, như lời nói đầy sát khí trả thù của ông La-méc, hậu duệ của Ca-in:

“Ca-in sẽ được trả thù gấp bảy,

nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy.” (St 4: 25).

Như vậy, Đức Giê-su thay thế sự trả thù vô cùng tận bằng sự tha thứ vô giới hạn. Để minh họa tư tưởng của mình, Ngài kể một dụ ngôn mà chỉ mình thánh Mát-thêu tường thuật lại. Khi so sánh với Bài Đọc I trong đó hiền nhân Si-rác dạy rằng phần thưởng cho việc tha thứ chỉ vuông tròn trong hạnh phúc trần thế, thì Đức Giê-su nhắm đến việc tha thứ đem lại phần thưởng trong Vương Quốc Thiên Chúa. Lời này loan báo Đức Giê-su sắp ban chìa khóa mở cửa vương quốc nầy.

2. Dụ ngôn “Người đầy tớ không có tấm lòng biết yêu thương và tha thứ” (18: 23-35)

Dụ ngôn này hình thành nên một vỡ bi kịch gồm ba cảnh:

A- Cảnh 1: “Cách cư xử của Đức Vua đối với người đầy tớ mắc nợ vua” (18: 23-27)

Đức Vua (ám chỉ đến Thiên Chúa), được giới thiệu ngay từ đầu, muốn bầy tôi của mình thanh toán sổ sách. Phần cuối của dụ ngôn sẽ cho thấy việc thanh toán sổ sách chỉ là việc nhỏ.

Đức vua đích thân triệu mời người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Đây là một món nợ quá lớn. William Barclay giúp chúng ta có thể hình dung mức độ khổng lồ của món nợ nầy: “Mười ngàn yến vàng, tương đương với 2. 400.000 bảng Anh. Đó là món nợ không thể tưởng tượng được, nó lớn hơn tổng ngân sách của một tỉnh. Tổng lợi tức xứ Edumaca, Giu-đê và Sa-ma-ri chỉ có 600 yến vàng”.[1] Nhưng Đức Giê-su không có chủ ý quy chiếu đến sự kiện lịch sử, Ngài chỉ muốn chúng ta hiểu rằng một món nợ tự sức mình không thể nào có thể trả nổi. Với một món nợ quá lớn mà một người nô lệ không thể nào mắc nợ được, vì thế các nhà chú giải hiểu rằng người đầy tớ trong dụ ngôn nầy phải là một quan chức, bởi vì trong nền văn hóa Đông Phương, các quan đại thần được gọi là tôi bộc của vua.

Vì thế, Đức Vua ra lệnh thi hành án phạt: “Bán y, cùng tất cả vợ con, tài sản, mà trả nợ”. Món nợ mà người chủ gia đình mắc phải liên đới đến mọi thành viên trong gia đình. Bấy giờ tên đầy tớ sấp mình xuống van xin. Đức Vua liền chạnh lòng thương (đây cũng là động từ mà các Tin Mừng dùng để diễn tả tấm lòng xót thương của Đức Giê-su trước những đau khổ của con người), tha hết món nợ cho y: hình ảnh của ơn cứu độ nhưng không.

B- Cảnh 2: “Cách cư xử của người đầy tớ được tha nợ đối với người bạn mắc nợ mình” (18: 28-30)

Cảnh 2 được xây dựng trên một sự tương phản với Cảnh 1. Tên đầy tớ được tha bổng lại cư xử không một chút xót thương một bạn đồng liêu của mình, người này mắc nợ y một trăm bạc, một món tiền không đáng là bao so với món nợ mà y có đối với Đức Vua. Y chẳng thèm để ý đến lời van xin của bạn mình, những lời mà trước đây y đã van xin Đức Vua. Cách hành xử của y đối với bạn của y khác xa với cách hành xử của Đức Vua đối với y: y liền túm lấy, bóp cổ và tống bạn mình vào tù.

C- Cảnh 3: “Đức Vua luận tội người đầy tớ không có lòng xót thương” (18: 31-35)

Sự việc đến tai Đức Vua. Đức Vua thay đổi thái độ hoàn toàn đối với y: Ngài nổi cơn thịnh nộ giao người đầy tớ không có lòng xót thương cho l‎ý hình hành hạ cho đến ngày y trả hết đồng xu cuối cùng. Chính ở đây để lộ cách thức tính sổ của Đức Vua. Ngài phán xử mỗi người không căn cứ trên việc tính toán chi ly món nợ, nhưng trên khả năng yêu thương và tha thứ mà mỗi người phải có đối với anh chị em đồng loại của mình. Người đầy tớ này không ngờ rằng có một mối quan hệ hổ tương giữa cách hành xử của y đối với bạn đồng môn của mình và cách hành xử của Đức Vua đối với y. Khi y từ chối tấm lòng xót thương của y đối với bạn mình, chính y đã huỷ bỏ làng xót thương mà y được hưởng từ Đức Vua. Từ dụ ngôn này, một bài học được rút ra: điều kiện tất yếu để được Thiên Chúa tha thứ chính là mỗi người phải có lòng tha thứ cho anh chị em mình, như lời dạy của Đức Giê-su trong phần kết của kinh Lạy Cha: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6: 14-15).

Phía sau dụ ngôn này, chính Đức Giê-su, qua cuộc sống chan chứa yêu thương và hay tha thứ của Ngài, nhất là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, đem đến cho mỗi người những phương thế để đổi mới tấm lòng của mình, ngõ hầu con người có khả năng yêu thương và tha thứ cho nhau.

--------------------------------

[1] W. BARCLAY, được trích dẫn theo bản dịch tiếng Việt, Tin Mừng Mátthêu, quyển 2, tr. 166.

 

56.Chính Ta đã xót thương ngươi

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Khi nói đến “người anh em lỗi phạm” đến mình (cc. 15-17), Matthêô đã trình bày cách đi sửa lỗi họ, và có hai khả năng: hoặc là người ấy nghe lời mà sửa đổi, hoặc là không nghe. Và đứng trước người từ chối nghe lời của cá nhân cũng như cộng đoàn, Matthêô đã kết luận là xem họ như “người ngoại, người thu thuế (c. 17). Trong đoạn 18,21-35 nầy, Matthêô đặt lại vấn đề “người anh em lỗi phạm” đến mình, nhưng đưa ra một cách giải quyết mới. Đó là tha thứ. Chủ đề nầy được Matthêô trình bày dưới hai hình thức: giáo huấn về sự tha thứ (cc. 21-22) và dụ ngôn về cách Thiên Chúa đối xử với người không tha thứ (23-35). Từ aphiēmi, “tha thứ” và adelphos, “anh em” đóng khung đoạn nầy (cc. 21 và 35).

Giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thứ (cc. 21-22)

Câu hỏi của Phêrô ngỏ với Chúa Giêsu mở ra chủ đề tha thứ. Với “anh em lỗi phạm đến tôi”, Matthêô muốn nhắc lại vấn đề ở trên (c. 15) và đưa ra một cách giải quyết hoàn toàn khác. Đây không còn là xem người anh em “từ chối nghe lời” ấy như là “người ngoại, người thu thuế” (c. 17), mà tha thứ cho người ấy; tuy nhiên thánh sử không nói gì đến sự hoán cải của người anh em như trong Lc 17,4.

Phêrô đặt câu hỏi với Chúa Giêsu là phải tha thứ bao nhiêu lần, nhưng đồng thời ông cũng đề nghị trước con số bảy lần (c. 21). Trong cựu ước con số bảy gắn liền với tội lỗi và sự tha thứ, như rảy máu bò tơ bảy lần trong ngày Xá Tội (Lv 4,6.14,16); phạt bảy lần vì tội đã phạm (Lv 26,18.24). Như thế, bảy lần là con số tối đa. Tuy nhiên đối với Chúa Giêsu tha thứ là phải không giới hạn. Con số Chúa Giêsu đề nghị, hebbdomēkontakishepta, có thể đọc hai cách: hoặc là 490 hoặc là 77 lần (x. Stk 4,24). Thật ra điều Chúa Giêsu muốn dạy ở đây là sự tha thứ vô giới hạn, vượt qua cái giới hạn đã thực hành theo truyền thống. Vì thế cách đọc có khác nhau, nhưng đều diễn tả một điều mà thôi.

Vậy khi đặt vấn đề tha thứ, Phêrô đếm bao nhiêu lần, còn Chúa Giêsu nói đến sự tha thứ không tính toán. Sự tha thứ không tính bằng số lượng, mà bằng lòng quãng đại vô hạn. Chính vì điều nầy mà Chúa Giêsu kể dụ ngôn tiếp theo đây.

Dụ ngôn về cách đối xử của Thiên Chúa với người không biết tha thứ (cc. 23-35)

Sau khi giáo huấn về sự tha thứ cho Phêrô, Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn nầy để minh họa sự tha thứ của Thiên Chúa, như là mẫu gương về sự tha thứ vô biên. Dụ ngôn về Nước Trời nầy gồm dẫn nhập (c. 23a), ba màn: vua và người nợ một vạn nén bạc (cc. 23b-27), người nợ nầy với người đồng liêu mắc nợ (cc. 28-30), vua và người nợ một vạn nén bạc (cc. 31-34); và kết luận (c. 35).

Matthêô hay dùng dia touto, “Về điều nầy”, để chuyển sang một đoạn mới, và điều sắp nói có liên quan đoạn trước (6,25; 12,31; 18,23; 23,34). Matthêô đã đưa ra giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thứ. Với dụ ngôn nầy, thánh sử không chỉ muốn minh hoạ điều ấy, mà còn ghi nhận thêm nhiều điều khác liên quan đến việc tha thứ. Dụ ngôn nầy được gọi là dụ ngôn về Nước Trời, nghĩa là liên quan đến Thiên Chúa. Câu kết áp dụng dụ ngôn nầy cho Thiên Chúa (c. 35). Hơn nữa, cách dùng “một vị vua” tuy không xác định, rất giống với dụ ngôn tiệc cưới (22,2), chính là Thiên Chúa.

a/ Vị vua với người nợ một vạn nén bạc (cc. 23b-27)

Ở mỗi màn có kết cấu tương tự nhau: tình huống (cc. 23b-25), lời (c. 26), hành động (c. 27). Màn thứ nhất mở đầu với tình cảnh thật khó giải quyết: Vua muốn tính sổ với người đầy tớ (c. 23b), số tiền quá lớn “một vạn nén bạc” (c.24), phải bán cả vợ con và lấy tất cả những gì đang có để trả nợ (c. 25). Số tiền “một vạn nén bạc” có thể ít nhất là 240 tấn bạc, tương đương với 60 triệu đồng bạc, dēnarion; đối lại là chỉ có 100 đồng bạc mà người đồng bạn đã nợ người nầy (x. Marvin A. Powell, The Anchor Yale Bible Dictionary, ed. D. N. Freedman, New York – 1996, VI, 907). Món nợ khổng lồ xem ra không thể trả được.

Người nầy đã cầu xin với vua “Xin khoan hồng cho tôi với, tôi sẽ trả” (c. 26). Động từ makrothymeō, hapax trong Matthêô, có nghĩa là “chậm nổi giận”, “chậm trừng phạt” (Cn 19,11). “Động từ nầy đặc biệt chỉ về Thiên Chúa và liên kết với lòng nhân từ của Ngài. Makrothymia chỉ sự chịu đựng của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt đối với tội nhân. Ngài không trút cơn giận xuống trên họ. Thay vào đó là sự tha thứ vàơn cứu độ, chỉ khi nào họ hoán cải” (EDNT, II, 380). Như thế người mắc nợ nầy nài xin lòng nhân từ của Thiên Chúa đừng nổi giận mà phạt ông ngay, và để cho ông thêm một thời gian nữa.

Đáp lại lời van nài nầy, vị vua chạnh lòng thương. Trong tin mừng Matthêô động từ splanchnizomai đều dùng cho Chúa Giêsu. Động từ mang ý nghĩa thiên sai. Bởi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu ra tay thi ân (9,36; 14,14; 15,32; 18,27; 20,34). Sự tha thứ là một trong các đặc điểm của Đấng Thiên Sai. Ngài được sai đến để tha thứ tội lỗi nhân loại. “Vua chạnh lòng thương và thả người nầy ra về và tha nợ cho người nầy” (c. 26). Động từ aphiēmi, “tha tội/nợ”, nghĩa là thả cho người nầy khỏi mọi ràng buộc luật pháp về món nợ đã mắc. Như thế, ở màn đầu nầy Chúa Giêsu đã cho Phêrô thấy ông chủ đã tha cho người mắc nợ nầy một món tiền khổng lồ và không thể trả được; đối lại với con số giới hạn “bảy lần” mà ông đã đề nghị (c. 21).

b/ Người nợ một vạn nén bạc và người đồng liêu (cc. 28-39)

Điểm đáng chú ý trong màn thứ hai nầy là những chênh lệch lớn so với màn thứ nhất. Tình huống ởđây làviệc tính sổ giữa hai người tôi tớ của ông chủ; họ ngang hàng với nhau trong địa vị xã hội; doulos và syndoulos (c. 28), số tiền người nầy nợ chỉ một trăm đồng bạc, dēnarion; xem sự chênh lệch đã trình bày ở trên; bóp cổ người nợ và “Trả tiền mầy nợ đây!” Điểm quan trọng hơn là cách hành xử. Người nợ một trăm đồng bạc nầy dùng cũng một lời nài xin mà người trước đã nói với ông chủ: “Xin khoan hồng cho tôi với, tôi sẽ trả” (c. 29). Đáp lại chủ nợ nầy từ chối “ông không chịu” và “bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ” (c. 30). “Ông không chịu/không muốn”, nghĩa là dùng lý sự mà xét xử người nầy; trong khi ông chủ trên dùng tình yêu mà đối xử, và “bắt bỏ tù” đối nghịch với “thả ra về” và “tha hết nợ” (c. 27). Người nầy giao người nợ mình vào trong ngục tù.

c/ Vị vua với người nợ một trăm nén bạc (cc. 31-34)

Màn ba trở lại với cảnh hai nhân vật chính ban đầu, nhưng tình huống và các hành động khác hẳn màn thứ nhất. Tình huống ở đây là vua biết chuyện người nợ nầy đã đối xử như thế nào với người cùng tôi tớ và vua triệu người nợ ấy đến (cc. 31-32a). Lời trong màn nầy không còn là lời của hai người nợ, mà là lời xét xử của vị vua (c. 32-33), và hành động đáp lại của vua là đối xử với người nợ nầy theo cách anh đã đối xử với người nợ anh một trăm đồng bạc, thậm chí còn nặng hơn (c. 34).

Vua gọi là “người tôi tớ bất lương”, lập lại trong dụ ngôn các nén bạc và dùng cho người tôi tớ không làm theo ý của chủ (25,26). Tương tự, người tôi tớ nầy được gọi là bất lương vì đã không hành động giống như vị vua (c. 32). Lý chứng duy nhất vị vua đưa ra dựa trên món nợ/mắc nợ, opheiletēs (c. 24)/opheilē (c. 32)/động từ: opheilō (28[2x].30.34). Vua nhắc lại cho người nầy biết món nợ anh đã mắc và đã được tha nợ bởi “chạnh lòng thương” của vua (c. 27); động từ parakaleō, “kêu cầu”, “kêu nài” được dùng trong bối cảnh cầu cứ sự trợ giúp của Thiên Chúa (8,5; 14,36; 18,29.32; 26,53).

Vua dùng sự kiện nầy để đặt vấn đề về cách anh đã đối xử với người nợ anh chỉ một trăm đồng bạc, “Há ngươi không phải thương xót bạn đồng bạn với ngươi sao, nhưng chính ta đã thương xót ngươi?” (c. 33). Câu hỏi đã có sự kiện chứng minh. Động từ eleeō, “rất quan tâm đến người đang thiếu thốn”, “có lòng xót thương/nhân từ/cảm thông”, thay thế cho splanchnizomai (c. 27). Vị vua lấy mình làm chuẩn về lòng xót thương. Và vua xét xử người nợ nầy vì đã không hành động như vua đã đối xử với anh, hōs kagō, “như tôi”. Động từ dei, “phải”, ở thì quá khứ chưa hoàn thành, làm mạnh hơn lời trách “Há ngươi không phải…”. “Phải” thuộc về cả mệnh lệnh và công bằng. Vì người nầy đã không xót thương, mặt trái của mối phúc về lòng thương xót (5,7), nên anh cũng không được xót thương.

Hành động trong màn cuối cùng nầy khác hẳn với những gì vua đã làm cho anh lúc ban đầu (c. 34). Thay vì “chạnh lòng thương”, vua “nổi giận”, orgizomai;  Nổi giận thường xảy ra trước hành động tiêu diệt (x. 5,22, 22:7). Thay vì giao cho phylakē, “cai ngục”, như người nợ nầy đã làm cho đồng bạn (c. 30), vị vua nầy giao người nợ nầy cho lý hình, basanistēs. Lý hình không chỉ canh giữ mà còn hành hạ, làm khổ nhục nữa; động từ nầy được dùng nhiều trong sách Khải huyền (9,5; 14,11; 18,7.10.15). Và người nầy phải nằm trong tù cho đến khi trả xong nợ. Cũng một hình phạt người nợ một trăm đồng phải chịu (c. 30), nhưng người nầy vẫn hy vọng có ngày ra khỏi tù hơn người nợ vua. Vì đã không đối xử với người khác tương xứng với lòng thương xót nhận được, người nợ vua phải chịu trở lại hình phạt do món nợ như chưa được tha.

Kết luận của dụ ngôn nói đến cách hành xử của Chúa Cha đối với người không tha thứ (c. 35). Vị vua trong dụ ngôn và cách đối xử của ông đối với người nợ ông (cc. 31-34) được áp dụng cho Thiên Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa tỉ lệ thuận với sự tha thứ con người làm cho nhau (x. 6,14-15; so sánh với Gia 2,13).

Giáo huấn và dụ ngôn trong đoạn nầy là một lời nhắc nhở mạnh mẽ và sống động rằng không tha thứ là không hành động như Cha trên trời (x. 5,48). “Tha thứ”, “chạnh lòng thương” và “lòng thương xót” luôn đi với nhau. Thiên Chúa muốn điều ấy hơn mọi lễ hy sinh (9,13; 12,7; 23,23) Ngài muốn con người tha thứ cho nhau cách vô giới hạn như Ngài đã làm cho chúng ta.

 

57.Tha thứ, hoà giải

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Bình An)

"Lậy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không rõ việc chúng làm" (Lc 23,34) đã được Đức Gioan Phaolô II thực thi, khi ngài thân hành đến khám đường thăm viếng, hoà giải và an ủi Ali Agca, kẻ hành thích ngài tại công trường Thánh Phêrô ngày 13 tháng 8 năm 1981. Chúa Kitô luôn khuyến khích tín hữu cởi trói mọi ràng buộc, giải toả các uẩn ức, giao hoà các bất đồng và hợp tác trong tình thương. Tha 70 lần lũy thừa 7 là tiêu chuẩn của ơn tha thứ hoà giải. Tích cực hơn, Chúa dậy các tín hữu phải yêu thương các địch quân và nguyện cầu cho họ. Đối với nhân loại thì đây quả là một vấn đề khó khăn.

Tình tiêu cực theo lý thuyết tương đối rất dễ. Chúng ta cần trưng Lời Chúa và chủ trương yêu thương và tha thứ. Tình nầy đã được ứng cử viên tổng thống Dukhakis xướng họa năm 1988. Nhưng khi được hỏi "ông sẽ làm gì khi vợ ông bị hiếp tối hôm qua?" thì ông ấp úng không lối thoát. Tình tích cực với hành động minh chứng thật nhiêu khê. Đích danh ông bà, anh chị gặp hắn, kẻ vừa giết con gái, hãm hiếp vợ, bán đứng anh và bêu xấu ông, quí vị sẽ làm gì?

Đưa giới lệnh tha thứ và hòa giải vào đời, Thiên Chúa muốn các tín hữu học, hiểu và sống cái Đức, cái Nhân và cái Dũng của chính Chúa, Đấng ban ơn mưa móc xuống trên người lành lẫn kẻ dữ. Không như Khômêni treo giải thưởng 1 triệu Dollars cho chặt được đầu của Ruskee. Cũng không như đám đạo tặc ăn mừng khi Ngô Đình Diệm bị bức tử. Nhưng phải như bà Cornie, người sống sót duy nhất của gia đình Boom ở Amsterdam, Hoà Lan. Gia đình bà vì bác ái đã che chở, chứa chấp và nuôi sống những người Do Thái trong nhà hồi đệ nhị thế chiến. Bị kẻ thủ lợi báo cáo, cả gia đình đã bị bắt giam và chết trong trại tập trung Ravensback. Bà Cornie thuyết trình về ơn tha thứ và hoà giải, đã gây chấn động. Lời bà phát xuất từ con tim rướm máu, bằng cảm nghiệm thương đau và với tâm hồn sần sùi vết thẹo. Sau bài diễn thuyết, một người Đức đến cám ơn và xin bắt tay. Nhìn lên, bà Cornie bỗng chết trân, miệng há hốc, vì chính hắn, kẻ đã giết gia đình bà. Trong cơn giận, tay bà không sao đưa tay lên nổi để tha thứ và hòa giải. Bỗng từ đấy lòng, tâm tình thiêng liêng khơi động "Giêsu ơi, con thật không tha thứ nối, xin giúp con." Một thần lực bao phủ, bà đưa tay lên. Chính lúc đó ơn tha thứ và hoà giải đã tràn ngập tâm hồn bà và anh lý hình ngày trước.

Trong tâm tình khiêm tốn, thành thật và nghiêm chỉnh, Chúa muốn mỗi chúng ta tự đặt mình dưới ánh sáng đức tin và trong tình yêu Chúa. Hãy can đảm nhận diện những lỗi lầm, bội ước, đểu cáng, bất nhân chúng ta đã thực hiện. Hãy cám tạ Chúa vì Ngài luôn tha thứ, khoan nhân, độ lượng, chờ đợi và tạo cơ hội cho chúng ta trở về. Hãy xin ơn thông cảm để như Phêrô chúng ta biết "hồi tâm và nâng dậy anh em" và nhất là nhìn mọi người theo khía cạnh nhân loại. Họ có thất tình, lục dục như chúng ta. Họ ngày đêm bị sức ép của đam mê, cám dỗ và yếu đuối dằn vặt. Họ cần được cảm thông và hòa giải như chúng ta cần Chúa thương xót và tha thứ. Và cùng với họ, chúng ta đứng lên làm lại cuộc đời.

Chồng chị mèo chuột, gạt gẫm, cờ bạc, hút sách và hung hãn, làm sao chị sống đời tha thứ và tìm ra những điểm tích cực dễ thương nơi anh đây? Anh là hình ảnh Thiên Chúa vô hình! Anh cần được nâng dậy! Anh phải sống đời mới! Chị là tâm Chúa từ nhân, là bàn tay dịu dàng nâng đỡ, chị có trách nhiệm giúp anh trở về! Vợ anh chua chát, điêu ngoa, giả dối và làm tan gia bại sản, làm sao anh tha thứ và thông cảm đây! Đức tin cho sức mạnh, sức mạnh nối lại tình thương, tình thương đem ơn tha thứ và tha thứ là phương tiện cho Chúa hiện diện.

Đó là thực cảnh, là thách đố, là gương vỡ lại lành và là nhân cách của đời Kitô hữu. Bạn ông, chồng chị, vợ anh, con cháu chúng ta vì nông nổi và nhẹ dạ, vì hiếu kỳ và ương ngạnh, vì yếu đuối và đam mê đã một thời bị ma dẫn lối quỉ đưa đường, không lẽ chúng ta ngồi nhìn họ chết mà không chút động lòng trắc ẩn! Hối nhân sẽ trở về và ngã gục trong lòng những ai tràn đầy thân thương, nhân ái và tha thứ như Đức Kitô. Ngài nhỏ nhẹ, thông cảm và yêu thương nhìn người phụ nữ trắc nết và hoang đàng "con hãy về và đừng tái phạm nữa".

 

58.Tha thứ

Ông Yigal Cohen, một người Israel bị đau tim nặng nhận được trái tim của một người Palestine trong cuộc phẫu thuật ngày 5-6-2000. Gia đình ông Mazen Joulani, người hiến tặng tim, cho biết ông vừa bị những người Do thái bắn hại tại một tiệm cà phê ngoài trời.

Gia đình này quyết định hiến tim của Joulani vào thứ sáu tuần qua, ngay trong ngày mà cuộc nổ bom ở Tel Aviv làm thiệt mạng 21 người. Những phần nội tạng khác của Joulani cũng sẽ được ghép cho một số người Israel khác. Bác sĩ Lavie, người thực hiện ca mổ, nói khi ông cầm hai trái tim trong tay, ông nhận ra rằng tất cả những mâu thuẫn sắc tộc là hoàn toàn vô nghĩa.

Nếu chúng ta biết rõ mối thù truyền kiếp giữa người Israel và người Palestine, nếu chúng ta nhìn thấy những cuộc xung đột đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa hai dân tộc này trên truyền hình, báo chí, chúng ta mới thấy nghĩa cử hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù, mới thật là nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Không những anh chỉ tha thứ cho kẻ thù đã bắn chết mình, mà còn trao ban luôn trái tim và các phần nội tạng khác để cứu sống những kẻ đã sát hại dân tộc mình. Đối với những người không có tấm lòng khoan dung tha thứ thì đây là hành động điên rồ, thậm chí còn là việc ngu xuẩn. Nhưng với những người có niềm tin thì đó lại là bằng chứng hùng hồn của người môn đệ Đức Kitô: “Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em”.

Tin Mừng hôm nay thuật lại:

“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Điều đó có nghĩa là phải tha thứ hoài, tha thứ mãi, tha thứ đến vô cùng. Đó là nét mới trong dung mạo của Đức Giêsu. Mọi quốc gia, đảng phái, phong trào đều chống lại điều xấu, đề phòng kẻ gian ác, tiêu diệt kẻ thù, duy chỉ mình Đức Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. Người đã chiếu tỏa nét cao quý ấy ngay trên thập giá, khi các kẻ thù hành hạ, chế nhạo, và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.Nhưng tại sao phải tha thứ? Phải tha thứ cho anh em vì đó là điều kiện để được Chúa thứ tha cho chúng ta. Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”.

Phải tha thứ cho anh em vì chính Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, và Người còn liên tục tha thứ mãi, như kinh Lạy Cha Đức Giêsu đã dạy: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Phải tha thứ cho anh em vì đó là một nghĩa cử yêu thương tuyệt đỉnh mà Chúa luôn đòi hỏi và coi trọng hơn cả việc thờ phượng Người: “Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Tha thứ là một lệnh truyền khó thực hiện nhất nhưng cũng là nghĩa cử cao cả nhất. Chúng ta có thể cho đi tiền của, trao ban thì giờ, hiến dâng mạng sống. Nhưng các điều đó xem ra còn dễ hơn là tha thứ cho kẻ thù, yêu thương kẻ ngược đãi mình, và làm ơn cho kẻ oán ghét chúng ta. Vâng, chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau được.

Đúng như lời Alexande Pope có nói: “Lỗi lầm là của con người, và tha thứ là của Thiên Chúa”.

Khi chúng ta quyết định tha thứ là chúng ta đang vượt lên bản tính tự nhiên, đang trở nên giống Thiên Chúa, đang nâng mình lên tới tột đỉnh của nhân đức.

Khi chúng ta quyết định tha thứ là chúng ta đang thi ân cho kẻ thù. Nhờ sự tha thứ của chúng ta mà họ được an tâm, không sợ báo thù. Cuộc đời họ lại nhẹ nhàng, thư thái, bình an.

Khi chúng ta quyết định tha thứ thì lòng chúng ta được tràn ngập niềm vui: vui vì mình đã làm được một nghĩa cử cao đẹp cho anh em, vui vì biết chắc rằng mình sẽ được Chúa thứ tha.

Từ chối tha thứ cho anh em là nói rằng chúng ta không cần thứ tha. Chỉ có kẻ công chính mới không cần được tha thứ. Nếu ai cho mình không cần được thứ tha, thì họ là kẻ kiêu ngạo đáng thương. Họ tự khóa chặt cánh cửa tâm hồn để lòng mình rêu phong ẩm mốc. Chính sự tha thứ đem lại cho tâm hồn mùa xuân mới, để kẻ tha thứ và người được thứ tha lại nở rộ mùa hoa nhân ái, cho lá vẫn xanh, cho hoa vẫn nở, trong mưa hiền hòa, trong nắng thênh thang.

 

59.Hãy tha thứ để được thứ tha

GỢI Ý

1. “Nợ” và "trả nợ"

Theo nguyên tắc, mắc nợ thì phải trả nợ. Cho mượn nợ thì có quyền đòi nợ. Nợ - đòi - trả: đó là cách cư xử công bình. Nhớ rằng trên thực tế có rất nhiều thứ nợ không thể trả nổi: chẳng hạn con nợ đã sạt nghiệp trắng tay, con nợ thiếu nhiều quá sức chi trả v.v. Gặp những trường hợp ấy ngay cả tòa án cũng đành phải bó tay: cùng lắm là tịch thu tài sản bán được bao nhiêu trả bấy nhiêu, rồi bắt người thiếu nợ phải ngồi tù. Các chủ nợ dù muốn hay không cũng đành phải chịu mất hoặc nhiều hoặc ít Trường hợp thứ hai này là: Nợ - không đòi được - đành bỏ: đây là cách cư xử không theo phép công bình.

Nghĩa là ngay cả trên bình diện cư xử tự nhiên, có nhiều trường lợp không thể xử công bình được. Huống chi trên bình diện đạo đức, siêu nhiên.

Nói cụ thể hơn, thiếu tiền nhau ("nợ" đúng nghĩa) thì còn có thể đòi nhau theo công bình, còn có tội, có lỗi với nhau ("nợ" theo nghĩa rộng hơn) thì khó tính toán công bình với nhau được.

Bài Tin Mừng này đề cập đến thứ "nợ" theo nghĩa rộng, nghĩa là những tội lỗi người ta phạm đối với Chúa và đối với nhau. Đối với loại này, chỉ có cách là tha thứ.

Bài Tin Mừng đưa Thiên Chúa ra làm gương tha thứ trước: Tội lỗi chúng ta phạm đến Chúa là thứ nợ không thể nào trả hết được. Như lời Thánh vịnh "Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được". Bởi vậy Thiên Chúa đã tha thứ.

Và bài Tin Mừng khuyến khích ta noi gương Chúa đồng thời cho biết làm như thế chỉ có lợi cho ta mà thôi.

2. Những dây chuyền phản ứng khác nhau.

Con người quen sống theo dây chuyền trả đũa: Mắt đền mắt, răng thế răng, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng, mạng đền mạng... Thứ dây chuyền này sẽ kéo theo hết mắt này đến mắt khác, răng này đến răng khác, mạng này đến mạng khác.

Trong Tin Mừng, có một dây chuyền ngược lại: Xin tha cho chúng con - như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con; Hãy tha - thì sẽ được tha lại; Hãy cho - thì sẽ được cho lại dư đầy. Thứ dây chuyền này dẫn đến tình nghĩa, tình yêu ngày càng đậm đà, nồng ấm.

Đức Giêsu muốn các môn đệ mình đừng theo dây chuyền thứ nhất"mà hãy theo dây chuyền thứ hai.

3. "Hãy nhớ đến điều sau hết và chấm dứt hân thù”

Đó là câu của Ben Sira, người có công sưu tập kho tàng khôn ngoan ngàn đời cuả nhân loại.Câu này rất chí lý.

Ta hãy ra nghĩa địa mà nhìn: Những con người đã một thời ăn thua đủ với nhau dều nằm cạnh nhau, bất lực, im lìm... Còn làm chi nhau được nữa!

Và nếu ta có nhìn lên cao, để thấy lúc những người ấy ra trình diện trước tòa phán xét của Chúa. Người nào người nấy cũng đầy nợ với Chúa nhưng đồng thời vẫn khư khư nắm chặt tờ giấy ghi nợ của người khác đối với mình. Quan toà nói sao? “Hỡi tên án độc kia. Ta đã tha hết nợ cho ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi” Rồi quan toà tống giam kẻ ấy vào ngục cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Sau đó ta hãy nhìn lại những nấm mồ ấy, và tự hỏi: Họ đã trả hết đồng xu cuối cùng chưa? Bởi thế Ben Sira khôn ngoan đã khuyên: "Hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù”

4. Xin lỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến một việc chúng ta cần làm trong Mùa Chay. Đó là tha thứ. Nhưng tha thứ là một việc song phương, nghĩa là việc không phải của một người mà là của hai người: người tha và người xin tha. Trong những va chạm thường xuyên của cuộc sống chung, có khi chúng ta là người bị xúc phạm cho nên tư thế của chúng ta là người tha, có khi chính chúng ta là người gây xúc phạm nên tư thế là người phải xin tha.

Tha và xin tha, việc nào khó hơn? Thiết nghĩ, trong những tập thể khá đạo đức như một giáo xứ chẳng hạn thì tha là việc dễ hơn: mình bị một anh chị em nào đó xúc phạm. Nếu anh chị em đó tới xin lỗi mình thì chắc là mình tha liền. Việc khó hơn chính là việc xin tha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về việc này. Xin bắt đầu bằng một câu chuyện xảy ra ở nước Ba lan:

Trên một chuyến xe lừa chạy về Varsava có 3 thương gia ở chung một toa đang chơi đánh bài. Đến một trạm nọ, thêm một người bước lên nữa. 3 thương gia thấy có thêm người liền rủ người ấy cùng chơi cho đủ 4. Nhưng người khách từ chối khéo. Họ cố mời mãi nhưng người khách vẫn cương quyết từ chối. Thế là họ nổi giận và chửi rủa nặng lời. Người khách cũng làm thinh. Khi tàu đến ga cuối, mọi người đều xuống. 3 thương gia thấy một đám người rất đông cầm hoa đến đón người khách ấy. Họ hỏi một trong những người đó: ông ta là ai mà được nhiều người hâm mô thế? Người khách trả lời: Đó là Rabbi Salomon, một Rabbi nổi tiếng khắp nước về lòng nhân từ và đạo đức. Khi ấy 3 thương gia mới hối hận vì những lời chửi rủa của mình. Một người tiến đến Rabbi Salomon ngỏ lời xin lỗi. Nhưng Vị Rabbi quay mặt đi, chẳng chịu tha. Các tín đồ của ông ngạc nhiên quá, hỏi: "Thầy vốn là một người nhân từ và đạo đức. Nhưng sao Thầy không tha cho một kẻ đã biết lỗi và xin lỗi Thầy?" Vị Rabbi giải thích: "Kẻ mà anh ta đã chửi không là một hành khách tầm thường. Còn người mà anh ta xin lỗi là Rabbi Salomon. Anh ta đã xin lỗi lầm người rồi".Câu chuyện có ý nói rằng: người ta dễ xin lỗi đối với những người có địa vị cao, có quyền lực lớn. Nếu thương gia nọ không biết người mình đã chửi là một nhân vật nổi tiếng thì chắc chắn anh ta không xin lỗi đâu.

Câu chuyện trên cũng dạy chúng ta bài học này là: muốn xin lỗi thì ta phải khiêm tốn, hạ mình.

- Nhiều khi chúng ta không thể mở miệng xin lỗi được đối với những người nhỏ hơn mình. Ta cho rằng chỉ có người nhỏ xin lỗi người lớn chứ không bao giờ ngược lại.

- Nhiều khi chúng ta không mở miệng xin lỗi được vì chúng ta còn tự ái, cho rằng làm như thế là nhục.

- Nhiều khi chúng ta không mở miệng xin lỗi được vì cho rằng như thế là tự nhận rằng mình sai. Ta tưởng rằng như thế là tự trọng. Nhưng đó là sự tự trọng không đúng chỗ và là biểu hiện của tính xấu kiêu ngạo. Satan chống lại Chúa. Sau đó nó biết lỗi nhưng nó không bao giờ xin lỗi. Giuđa sau khi bán Chúa cũng biết lỗi, nhưng cũng không xin lỗi.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã ngỏ lời xin lỗi với cả thế giới về những lầm lỗi của Giáo Hội trong quá khứ. Trước khi Đức Giáo Hoàng làm việc này, nhiều người trong Giáo Hội đã cản ngăn Ngài vì nghĩ rằng làm như thế là hại đến uy tín của Giáo Hội. Tuy nhiên sau khi Đức Giáo Hoàng làm việc đó thì lạ thay, người ta chẳng những không chê cười? Trái lại còn khen ngợi Ngài; uy tín của Giáo Hội chẳng những không giảm mà còn tăng thêm.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta tha thứ. Nhưng Lời Chúa cũng bảo chúng ta làm một việc khác khó hơn, đó là biết xin lỗi. Muốn thế, chúng ta phải khiêm tốn hạ mình. Chúng ta nên biết rằng hạ mình xin lỗi không phải là nhục nhã, trái lại sẽ sinh nhiều kết quả rất tốt đối với bản thân, nó làm tăng uy tín của mình đối với cuộc sống chung, nó hàn gắn những vết thương do những va chạm gây ra và giúp cho cuộc sống chung được ấm êm hạnh phúc hơn..

5. Chuyện minh họa

a/ Tha thứ

Ngày nọ, Đức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.

Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội.

Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp: "Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài?

b/ Xin tha

Satan phàn nàn với Chúa: "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời? Chúa nói: "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?".

home Mục lục Lưu trữ