Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 98
Tổng truy cập: 1356716
Ánh Sáng Phục Sinh
ÁNH SÁNG PHỤC SINH
Lm. Trần Thanh Sơn
Theo một truyền thống rất xa xưa, cộng đoàn chúng ta đã khởi sự nghi thức đêm nay trong đêm tối. Để rồi từ giữa bóng đêm của sự chết đó, bừng lên một ánh sáng, ánh sáng của cây nến Phục Sinh, tượng trưng cho Đức Kitô Phục Sinh. Với việc phục sinh của mình, Đức Giêsu đã đánh tan thế lực mạnh nhất của sự dữ, đó là sự chết. Mặt khác, khi mời gọi mỗi người chúng ta thắp sáng cây nến của mình từ cây nến Phục Sinh, Mẹ Giáo Hội như muốn nói với mỗi người chúng ta rằng, từ đây, nếu chúng ta kiên tâm đi theo Đức Kitô, chúng ta sẽ không phải đi trong bóng tối âm u của sự chết, nhưng sẽ được bước đi trong ánh sáng ban sự sống mới, sự sống của Thiên Chúa.
Bài đọc một thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ. Trong quá trình tạo dựng đó, thì ánh sáng đã được dựng lên đầu tiên. Và khởi đi từ nguồn ánh sáng đến từ Thiên Chúa đó, sự sống bắt đầu xuất hiện. Ánh sáng của Thiên Chúa chính là ánh sáng ban sự sống (Bđ 1). Thế nhưng, sự sống đó đã sớm bị mất đi bởi sự bất tuân của Nguyên Tổ. Con người bắt đầu đi trong bóng đêm của sự chết.
Từ đó, Thiên Chúa đã bắt đầu chuẩn bị một chương trình để phục hồi lại ánh sáng ban sự sống cho nhân loại. Khởi đầu cho dòng lịch sử này, Thiên Chúa đã tuyển chọn Abaraham làm tổ phụ dân riêng của Người, để từ dân này, Đấng ban sự sống sẽ được sinh ra. Trước tiếng gọi của Thiên Chúa, vị tổ phụ của chúng ta đã lên tiếng đáp trả với một lòng tin vững mạnh. Ông đã sẵn sàng dâng cho Thiên Chúa cả đứa con một yêu dấu là Isaac. Niềm tin của ông đã bắt đầu làm loé lên tia sáng của một niềm hy vọng. (Bđ 2)
Niềm hy vọng được phục hồi sự sống, được bước đi “trong ánh sáng của cõi nhân sinh” nơi dân Chúa còn lớn hơn nữa, khi Giavê Thiên Chúa vung cánh tay hùng mạnh của mình giải thoát dân Ngài khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Từ thân phận tôi đòi, giờ đây, dân Chúa trở nên những con người tự do, không những thế, họ còn nhận được giao ước của Thiên Chúa, như một bảo chứng cho tình yêu trung thành của Ngài đối với họ. (Bđ 3)
Tình yêu đó đã không ngừng đồng hành với dân trong suốt lịch sử thăng trầm của dân tộc họ. Cho dù họ có phản bội, cho dù họ có bất trung. Và đôi lúc, Thiên Chúa có dùng bàn tay của các dân tộc chung quanh đánh phạt họ, thì đó cũng là một biểu hiện của lòng Chúa yêu thương họ. Ngài luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ, và dẫn đưa họ trở về từ nơi lưu đày. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Chúa phán với họ: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã bỏ ngươi, nhưng Ta sẽ lấy lượng từ bi cao cả mà tụ họp ngươi lại; trong lúc nóng giận, Ta tạm ẩn mặt Ta, nhưng vì lòng nhân từ vô biên, Ta thương xót ngươi… Dù núi có dời, đồi có di chuyển, tình yêu của Ta đối với ngươi không thay đổi, và giao ước bình an của Ta cũng sẽ không lay chuyển” (Bđ 4). Với lời hứa này, một ánh sáng hy vọng đã được thắp lên cho đám dân đang ngồi nơi bóng tối của nơi lưu đày.
Không những được phục hồi lại sự sống từ nơi lưu đày, Giavê Thiên Chúa còn mời gọi dân Ngài đến tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa. Một bữa tiệc làm cho họ không còn phải khát, phải đói nữa. Đồng thời, Thiên Chúa còn đặt họ làm ánh sáng để dẫn đưa muôn dân từ khắp mặt đất đến với Ngài, Chua nói: “Đây Ta đặt ngươi làm nhân chứng cho các dân, làm tướng lãnh, tôn sự cho các dân tộc. Này ngươi sẽ kêu gọi dân mà trước ngươi không biết, và các dân trước chưa biết ngươi, sẽ chạy đến cùng ngươi” (Bđ 5).
Tuy nhiên, để thực sự trở nên nhân chứng của Thiên Chúa giữa muôn dân, dân Chúa và cả mỗi người chúng ta cần phải biết để tâm lắng nghe lời Chúa, và nhất là để cho Lời đó trổ sinh hoa trái trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúa phán: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng tấm xuống đật, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho ngươi gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế lời từ miệng Ta phán ra, sẽ không trở lại với Ta mà không sinh hoa kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm trọn sứ mạng Ta uỷ thác” (Bđ 5).
Mặt khác với cái nhìn của ngôn sứ Barúc: Lắng nghe và tuân giữ lời Chúa, chính là điều kiện để mỗi người chúng ta được sống. Hơn nữa, chính lời Chúa cũng chính là nguồn ánh sáng để dẫn đưa chúng ta đến hưởng sự vinh quang của Thiên Chúa chúng ta. (Bđ6)
Ngoài ra để xứng đáng nhận được ánh sáng ban sự sống của Ngài, Thiên Chúa sẽ dùng nguồn nước trong ngần mà thanh tẩy chúng ta như lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Êdêkiel: “Ta sẽ dùng dòng nước trong sạch mà rảy trên các ngươi, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ. Ta sẽ thanh tẩy các ngươi sạch mọi vết nhơ các bụt thần. Ta sẽ ban cho các ngươi quả tim mới, đặt giữa các ngươi một thần trí mới, cất khỏi xác các ngươi quả tim bằng đá, và ban cho các ngươi quả tim bằng thịt”. (Bđ 7)
Dòng nước mà vị ngôn sứ loan báo giờ đây đã trở nên hiện thực nhờ dòng nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của Đức Kitô trên thập giá. Nhờ máu và nước đó, mỗi người chúng ta được thanh tẩy và nhận được sự sống mới của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma mà chúng ta vừa nghe: “Tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Giêsu Kitô, tức là chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế”.
Như thế, sự sống lại của Đức Giêsu Kitô chính là bảo đảm cho sự sống lại của mỗi người chúng ta. Sự Phục Sinh của Đức Kitô đã thực sự làm bừng lên ánh sáng ban sự sống mới. Ánh sáng này đủ sức xua tan bóng đêm của tội lỗi và sự chết.
Nhận được ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô, đến lượt mình, mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng ra đi loan báo cho anh chị em mình. Chúng ta không thể làm chứng cho ánh sáng bằng một đời sống đen tối, bất chính, cũng như không thể loan báo Tin mừng Phục Sinh bằng một khuôn mặt ủ rũ, cau có, cùng với cái nhìn tuyệt vọng. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng cho ánh sáng bằng một đời sống ngay thẳng, công chính; loan báo Tin mừng bằng khuôn mặt vui tươi, cùng với ánh mắt sáng lên niềm hy vọng cho dù khó khăn, thử thách vần gần kề. Trong niềm tin tưởng đó, giờ đây, chúng ta cùng hướng lòng tham dự cử hành Phụng vụ Thánh Tẩy.
LỄ VỌNG PHỤC SINHI .
V ĐGH. Bênêdictô XVI
Anh chị em thân mến,
Trong diễn từ li biệt của Người, Chúa Giêsu đã báo trước cái chết sắp tới và sự phục sinh của Người cho các môn đệ với những lời lẽ sâu nhiệm này: “Thầy ra đi và sẽ đến cùng anh em” (Ga 14, 28). Chết là “ra đi”. Xác của người chết dẫu còn ở lại, thì chính họ đã đi vào cõi vô định, và chúng ta không thể theo họ (x. Ga 13, 36). Nhưng trong trường hợp của Chúa Giêsu, có một điều hoàn toàn mới, làm thay đổi thế giới. Trong trường hợp cái chết của chính chúng ta, sự “ra đi” là dứt khoát, không có sự trở lại. Chúa Giêsu thì khác, Người nói về cái chết của Người: “Thầy ra đi và sẽ đến cùng anh em”. Chính qua việc ra đi mà Người trở lại. Sự ra đi của Người báo hiệu một cách thế hiện diện hoàn toàn mới và hoàn hảo hơn. Khi chết, Người đi vào tình yêu của Chúa Cha. Cái chết của Người là hành vi của tình yêu. Và tình yêu thì bất tử. Do đó, sự ra đi của Người được biến thành sự trở lại mới, theo một hình thức hiện diện đạt đến mức độ sâu xa hơn và không đi đến một kết thúc. Trong cuộc đời dương thế của Người, Chúa Giêsu cũng như tất cả chúng ta, bị trói buộc vào những điều kiện bên ngoài của sự hiện hữu thể lý: được xác định trong một nơi chốn và một thời gian. Tính xác thể đ?t ra những giới hạn cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể đồng thời ở hai nơi khác nhau. Thời gian của chúng ta được định đoạt để đi đến một đích điểm. Và giữa cái “tôi” và cái “anh” có một bức tường của tha tính. Chắc chắn rằng qua tình yêu một cách nào đó chúng ta có thể đi vào hiện hữu của tha nhân. Tuy nhiên, vật trở ngại không thể vượt qua của hiện hữu khác biệt vẫn còn tại chỗ. Còn Chúa Giêsu giờ đây được hoàn toàn biến đổi qua hành vi của tình yêu thì thoát khỏi những trở ngại và những giới hạn đó. Người không chỉ đi xuyên qua các cửa đóng kín trong thế giới ngoại tai, như các sách Tin Mừng tường thuật (x Ga 20, 19). Người có thể đi qua cửa nội tâm ngăn cách cái “tôi” khỏi cái “anh”, cửa đóng kín giữa hôm qua và hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Vào ngày Người long trọng tiến vào thành Giêrusalem, khi một số người Hi Lạp yêu cầu được gặp Người, Chúa Giêsu đáp lại bằng dụ ngôn hạt lúa mì phải đi qua cái chết để sinh nhiều hoa trái. Như vậy Người đã báo trước số mệnh của chính Người: những lời này không chỉ được nói với một hai người Hi Lạp trong khoảng thời gian của một ít phút. Qua Thánh Giá của Người, qua sự ra đi của Người, qua cái chết của Người như hạt lúa mì, Người đã thực sự đến giữa những người Hi Lạp, theo một cách thức mà họ có thể thấy Người và tiếp xúc với Người qua đức tin. Sự ra đi của Người được biến thành sự trở lại, bằng cách thức hiện diện phổ quát của Chúa Phục Sinh, trong đó Người là hôm qua, hôm nay và mãi mãi, trong đó Người ôm trọn tất cả thời gian và tất cả không gian. Giờ đây Người có thể vượt cả bức tường tha tính ngăn cách cái “tôi” khỏi cái “anh”. Điều này đã xảy ra với Phaolô, ông bày tỏ tiến trình hoán cải và Phép Thánh Tẩy của mình bằng những lời: “Không còn phải là tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Qua sự trở lại của Đấng Phục Sinh, Phaolô đạt được một căn tính mới. Cái “tôi” đóng kín của ông được mở toang. Giờ đây ông sống hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, trong cái “tôi” rộng lớn của những người tin đã trở thành duy nhất trong “Chúa Kitô”, như ông diễn tả (Gl 3, 28).
Các bạn thân mến, rõ ràng là qua Bí tích Thánh Tẩy, những lời kín nhiệm Chúa Giêsu nói tại bữa Tiệc Li một lần nữa lại trở thành hiện thực cho các bạn. Trong Bí Tích Thánh tẩy, Chúa đi vào cuộc đời của các bạn qua cửa ngõ của tâm hồn. Chúng ta không còn đứng ngoài lề hay đối lập với nhau nữa. Người đi qua tất cả những cánh cửa này. Đây là thực tại của Bí Tích Thánh Tẩy: Người, Đấng Phục Sinh đến; Người đến với các bạn và nối kết cuộc đời của Người với cuộc đời của các bạn, khi đưa các bạn vào ngọn lửa bùng cháy trong tình yêu của Người. Các bạn trở nên một, hợp nhất với Người, và như vậy nên một giữa chính các bạn. Trước tiên điều này xem ra khá trừu tượng và không hiện thực. Nhưng các bạn càng sống đời sống của những người chịu phép rửa các bạn càng cảm nghiệm được sự thật của những lời này. Những tín hữu- những người đã chịu phép rửa-thực sự không bao giờ bị cách biệt khỏi nhau. Các lục địa, các nền văn hoá, các cơ cấu xã hội hoặc ngay cả khoảng cách lịch sử có thể ngăn cách chúng ta. Nhưng khi gặp nhau, chúng ta biết nhau trên căn bản của cùng một Chúa, cùng một đức tin, cùng một niềm hi vọng cùng một tình yêu hợp nhất chúng ta. Và rồi chúng ta nhận ra rằng nền tảng của đời sống chúng ta là duy nhất. Chúng ta cảm nghiệm rằng trong sâu thẳm tâm hồn mình, chúng ta được cắm chắc trong cùng một căn tính, trên căn bản mà dù tất cả những khác biệt bên ngoài có thể to lớn, vẫn chỉ là phụ thuộc. Các tín hữu không bao giờ bị cách biệt khỏi nhau. Chúng ta sống trong hiệp thông với nhau bởi vì căn tính sâu xa nhất của chúng ta đó là Chúa Kitô ở trong chúng ta. Như thế đức tin là một sức mạnh để kiến tạo hoà bình và hoà giải trong thế giới: những khoảng cách giữa các dân tộc được vượt qua, trong Chúa chúng ta đã trở nên gần gũi nhau (x. Ep 2, 13).
Giáo Hội diễn tả thực tại sâu xa của Bí Tích Thánh Tẩy như là hồng ân đón nhận một căn tính mới qua những yếu tố khả giác được sử dụng trong việc cử hành Bí Tích. Yếu tố căn bản trong Bí Tích Thánh tẩy là nước; tiếp theo, yếu tố thứ hai là ánh sáng, được sử dụng một cách phong phú trong phụng vụ lễ Vọng Phục Sinh. Chúng ta hãy nhìn sơ lược vào hai yếu tố này. Trong chương cuối cùng của Thư gửi tín hữu Do Thái, có một lời phát biểu về Chúa Kitô, không trực tiếp nói đến nước, nhưng những ám chỉ trong Cựu Ước lại chỉ rõ mầu nhiệm của nước và ý nghĩa biểu tượng của nó. Ở đây chúng ta đọc: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa Đức Giêsu, Chúa chúng ta ra khỏi cái chết. Người là vị mục tử cao cả của đoàn chiên, là Đấng đã đổ máu mình ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (13, 20). Trong câu này có tiếng vọng lại lời tiên tri Isaia, trong đó Môsê được diễn tả như mục tử mà Chúa đã mang lên khỏi nước, khỏi biển (x. 63, 11). Chúa Giêsu xuất hiện như Mục Tử mới và cuối cùng đem lại sự viên mãn cho những gì ông Môsê đã thực hiện: Người dẫn chúng ta ra khỏi dòng nước chết chóc của biển cả, khỏi nước của tử thần. Trong bối cảnh này, chúng ta hẳn nhớ lại rằng mẹ của ông Môsê đã đặt ông vào một cái thúng trong dòng sông Nin. Rồi nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa ông được mang ra khỏi nước, được dẫn đưa từ sự chết đến sự sống, và như thế- đã được cứu khỏi dòng nước của sự chết- ông có thể dẫn đưa người khác đi qua biển cả của sự chết. Chúa Giêsu đã xuống với chúng ta trong dòng nước đen tối của tử thần. Nhưng nhờ máu Người, như thư gửi tín hữu Do Thái nói với chúng ta, Người được cất khỏi sự chết: tình yêu của Người nối kết với tình yêu của Chúa Cha, và như vậy từ vực thẳm của sự chết Người có thể vươn tới sự sống. Giờ đây Người nâng chúng ta từ sự chết đến sự sống đích thực. Đây là chính điều xảy ra trong Bí Tích Thánh Tẩy: Người lôi kéo chúng ta đến với Người, Người hướng chúng ta đi vào sự sống đích thực. Người dẫn chúng ta đi qua biển lịch sử vẫn luôn tối tăm, nơi chúng ta luôn bị đe doạ chìm nghỉm giữa tất cả những hỗn độn và nguy hiểm. Trong Bí Tích Thánh Tẩy, như vẫn vậy, Người cầm lấy tay chúng ta, Người dẫn chúng ta đi qua con đường xuyên qua Biển Đỏ của cuộc đời này và dẫn chúng ta đi vào sự sống vĩnh cửu, sự sống đích thực và công chính. Chúng ta hãy bám chắc tay của Người! Bất cứ điều gì có thể diễn ra, bất cứ điều gì có thể xảy đến, chúng ta đừng rời khỏi tay Người; chúng ta hãy bước theo con đường dẫn đến sự sống.
Thứ hai, có một biểu tượng về ánh sáng và lửa. Thánh Grêgôri thành Tua thuật lại một việc cử hành đã được duy trì tại một số nơi trong một thời gian dài, đó là dùng một kính pha lê để thắp lửa mới trực tiếp từ mặt trời cho việc cử hành lễ Phục Sinh. Có thể nói ánh sáng và lửa được nhận lại mới từ trời để từ nó tất cả ánh sáng và lửa trong năm được thắp lên. Đây là ý nghĩa biểu tượng mà chúng ta đang cử hành trong lễ Vọng Phục Sinh. Qua tình yêu triệt để của Người dành cho chúng ta, tình yêu mà trái tim của Thiên Chúa và trái tim của con người tiếp chạm với nhau, Chúa Giêsu Kitô đã thật sự lấy ánh sáng từ trời cao và đem đến trái đất- ánh sáng của sự thật và ánh sáng của tình yêu biến đổi sự sống con người. Người đã mang lại ánh sáng và giờ đây chúng ta nhận biết Thiên Chúa là ai và Người như thế nào. Và chúng ta cũng biết hoàn cảnh của chúng ta: Chúng ta là gì, và chúng ta hiện hữu cho mục đích gì. Khi chúng ta được rửa tội, ngọn lửa của ánh sáng này được thắp sâu vào tận đáy lòng chúng ta. Vì vậy vào thời Giáo Hội sơ khai, Bí Tích Thánh Tẩy cũng được gọi là Bí Tích của sự Khai Minh: ánh sáng của Thiên Chúa đi vào chúng ta; như thế chính chúng ta trở thành con cái sự sáng. Chúng ta không được để cho ánh sáng sự thật này, ánh sáng chỉ đường cho chúng ta bị tắt đi. Chúng ta phải bảo vệ nó khỏi tất cả những thế lực đang tìm cách tiêu diệt nó để xô đẩy chúng ta trở lại bóng tối ngăn cách về Thiên Chúa và về chính chúng ta. Đôi khi bóng tối dường như dễ chịu. Tôi có thể trốn tránh và dùng đời tôi để ngủ mê. Tuy nhiên chúng ta không được kêu gọi đi vào bóng tối, nhưng đi vào ánh sáng. Tuyên xưng những lời hứa của Bí Tích Thánh Tẩy mỗi năm, chúng ta lại thắp lên ánh sáng này. Vâng, tôi tin rằng thế giới và cuộc đời của tôi không phải là sản phẩm của sự may rủi, nhưng là của Lí Trí vĩnh cửu và Tình Yêu vĩnh cửu, được Thiên Chúa Toàn Năng tạo dựng. Vâng, tôi tin rằng trong Chúa Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm nhập thể của Người, trong Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, dung mạo của Thiên Chúa đã được măc khải; rằng nơi Người Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, Người nối kết chúng ta lại và dẫn chúng ta về cùng đích của chúng ta, về Tình Yêu vĩnh cửu. Vâng, tôi tin rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lời sự thật và soi sáng tâm hồn chúng ta; Tôi tin rằng trong sự hiệp thông Giáo Hội tất cả chúng ta trở nên một Thân Thể với Chúa, và như thế chúng ta gặp thấy sự phục sinh và sự sống vĩnh cửu của Người. Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng sự thật. Anh sáng này cũng là ngọn lửa, một sức mạnh phát xuất từ Thiên Chúa, sức mạnh không huỷ diệt, nhưng tìm cách biến cải tâm hồn chúng ta, để chúng ta thật sự trở nên những người thuộc về Thiên Chúa, và để sự bình an của Người có thể trở thành hữu hiệu trong thế giới này.
Thời Giáo Hội sơ khai có một tục lệ là khi Đức Giám mục hay vị linh mục giảng xong thì hô to lên cho các tín hữu: “Conversi ad Dominum”- giờ đây hãy quay trở về với Chúa. Điều này có nghĩa trước hết là họ hãy quay về hướng Đông, về phía mặt trời mọc, là dấu chỉ Chúa Kitô đang trở lại, Đấng mà chúng ta đến gặp khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể. Ở nơi nào mà điều này không thực hiện được vì lí do nào đó thì ít nhất họ phải hướng về hình tượng Chúa Kitô tại cung thánh, hoặc hướng về Thánh Giá để nâng lòng lên Chúa. Điều này cốt yếu bao hàm một hành vi nội tâm: hướng tâm hồn lên Chúa Giêsu Kitô để hướng về Thiên Chúa hằng sống, về ánh sáng đích thực. Và liên quan tới điều này là lời xướng vẫn còn tới ngày nay, trước Kinh Nguyện Thánh Thể, được ngỏ tới cộng đoàn tín hữu: “Sursum corda”- “Hãy nâng tâm hồn lên”, vượt lên trên mối ngổn ngang của bận tâm, của ước muốn, băn khoăn và lơ đãng- “Hãy nâng tâm hồn lên, nâng bản thân sâu kín lên!” Trong cả hai lời xướng này chúng ta được mời gọi, như vẫn vậy, để đổi mới Bí tích Thánh Tẩy của chúng ta: Conversi ad Dominum- chúng ta một lần nữa phải tránh đi theo con đường lầm lạc, thường làm chúng ta phân tán trong tư tưởng và hành động. Chúng ta lại phải trở về với Đấng là Con đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta lại phải hướng về, phải chuyển hướng toàn bộ cuộc đời chúng ta về với Chúa. Rồi chúng ta lại phải để cho tâm hồn mình thoát khỏi lực hút ghì kéo tâm hồn chúng ta xuống, để hướng lên cao: trong sự thật và tình yêu. Vào giờ phút này, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì qua quyền năng lời Người và các Bí tích, Người chỉ cho chúng ta hướng đi đúng và nâng tâm hồn chúng ta lên cao. Chúng ta hãy cầu xin Ngừơi bằng những lời này: Vâng, lạy Chúa, xin tạo cho chúng con thành dân Phục Sinh, thành những người con ánh sáng, tràn đầy ngọn lửa mến yêu Ngài. Amen.
Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịchCác tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam