Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1363480

ÁNH SÁNG, SỨC MẠNH VÀ HẠNH PHÚC

ÁNH SÁNG, SỨC MẠNH VÀ HẠNH PHÚC

 

Khi tuyên xưng Đức Kitô là vua, thì điều ấy có ý nghĩa gì? Hay nói cách khác Đức Kitô là gì đối với chúng ta?

Tôi xin trả lời:

- Trước hết Ngài là ánh sáng.

Chúng ta thường nói:

- Người là một con vật có trí khôn.

Với trí khôn, chúng ta không ngừng băn khoăn và thắt mắc, để rồi tạo được những tiến bộ trong mọi lãnh vực.

Vì thế, hai chữ “tại sao” thường được lặp đi lặp lại trên đôi môi của chúng ta, nhất là đối với những vấn đề quan trọng.

Chẳng hạn: Ai đã dựng nên tôi? Tại sao tôi lại sống trên trần gian này? Tôi từ đâu mà đến? Và tôi sẽ đi về đâu? Đâu là con đường tôi phải bức đi và đâu là những bổn phận tôi phải tuân giữ?

Nếu Đức Kitô không trả lời được cho tôi những băn khoăn và thắc mắc kể trên, thì cuộc đời tôi sẽ chìm vào trong tăm tồi, trong tuyệt vọng.

Thế nhưng, Ngài đã xác quyết:

- Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.

Ngài không lừa dối ai. Ngài đến để tỏ lộ cho chúng ta biết những chân lý, những sự thật. Nhờ Ngài, chúng ta biết được chúng ta bởi đâu mà đến và chúng ta sẽ đi về đâu. Ngài đã chỉ cho chúng ta biết con đường và đã xác định cho chúng ta những bổn phận phải tuân giữ, nếu chúng ta muốn tiến đến với chân lý, với Nước Trời.

Vua thánh Đavít đã diễn tả niềm vui mừng và hạnh phúc của những người sống gắn bó kết hiệp với Thiên Chúa trong thánh vịnh 23 như sau:

- Chúa chăn nuôi tôi,

Tôi chẳng thiếu thốn chi.

Trên đồng cỏ xanh rì,

Ngài để tôi nằm nghỉ.

Tới nguồn nước,

Chỗ nghỉ ngơi.

Ngài hướng dẩn tôi.

Tâm hồn tôi,

Ngài lo bồi dưỡng.

Tiếp đến, Đức Kitô là sức mạnh.

Thực vậy, Chúa Giêsu không phải chỉ nói, mà Ngài còn làm gương trước cho chúng ta noi theo và bắt chước. Ngài không phải chỉ chiếu tỏa ánh sáng và truyền ban những mệnh lệnh, nhưng chính Ngài đã thực thi trước đã. Nhìn vào Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy được niềm an ủi và sức mạnh.

Ngài không truyền cho chúng ta:

- Hãy sống hiền lành và khiêm nhường.

Nhưng Ngài đã bảo chúng ta:

- Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Ngài cũng đã phải lần từng bước một trên con đường lên đỉnh Canvê. Ngài đã sống tinh thần nghèo khó. Ngài đã thực sự cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Ngài đã thực thi những hành động bác ái yêu thương trước khi truyền dạy.

Hơn thế nữa, Ngài còn ban sức mạnh để chúng ta tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, với điều kiện là chúng ta phải gắn bó và cộng tác với Ngài.

Sau cùng, Đức Kitô còn là niềm hạnh phúc của mỗi người chúng ta.

Thực vậy, nếu chúng ta sống kết hiệp mật thiết với Ngài và chu toàn những điều Ngài mong muốn, thì định mệnh cuộc đời chúng ta sẽ được bảo đảm, như lời sách “Gương Phúc” đã viết:

- Gắn bó với Đức Kitô, chúng ta sẽ tìm thấy được niềm hạnh phúc Nước trời. Tìm thấy Đức Kitô là tìm thấy cả một kho tàng quí giá. Trái lại, mất Đức Kitô là mất tất cả.

Ngày kia, thánh Bemoit mệt mỏi vì đường xa, đã ngồi nghỉ dưới một gốc cây và dùng bữa. Bữa trưa của Ngài chỉ có bánh mì đen và nước lạnh. Giữa lúc đó có một đám người đi dự tiệc cưới trở về. Nhìn thấy thánh nhân với bữa cơm thanh đạm, họ liền tỏ lòng thương xót. Nhưng thánh nhân đã trả lời như sau:

- Không, có nhiều người còn đáng thương hơn tôi nữa. Tôi là một người bạn hữu nghĩa thiết cùng Chúa, chỉ điều này mà thôi cũng đã là làm cho tôi được hạnh phúc.

Hãy gắn bó mật thiết với Chúa, để rồi chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc Nước trời, một niềm hạnh phúc tuyệt vời như lời thánh Phaolô đã diễn tả:

- Tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những gì Thiên Chúa sẽ dành cho những người trung thành phụng sự Ngài.

 

57.Đấng Kitô của Thiên Chúa

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Đoạn 23,35-43 là màn chế giễu cuối cùng (x. 22,63; 23,11) Chúa Giêsu chịu trước khi Người trút hơi thở cuối cùng (23,44-49). Người đã đến Núi Sọ, bị đóng đinh giữa hai phạm nhân. Áo xống của Người cũng bị tước đoạt (23,33-34). Trình thuật nầy có rất nhiều nhân vật: dân chúng, các thủ lãnh, lính tráng, hai phạm nhân với hai thái độ khác nhau và Chúa Giêsu. Có thể chia đoạn nầy làm hai: – Nhóm dân chúng, thủ lãnh và quân lính (23,35-38); – Hai phạm nhân (23,39-44). Chúa Giêsu là trung tâm của cảnh chế giễu nầy.

Luca đã dùng phân từ “kai”, “và” để lên kết các nhóm người lại “và dân chúng (c. 35) – và các thủ lãnh” – “và quân lính” – “và tấm bảng”. Mỗi người mỗi cách, nhưng chung một thái độ chế giễu Chúa Giêsu. Điểm chung là họ dùng  câu điều kiện “nếu”, trong đó họ có lời thách thức giống nhau  “Hãy tự cứu mình” (cc. 35.37.39), và họ gọi Chúa Giêsu bằng những tước hiệu tương tự nhau “Đấng Kitô” (c. 35), “Vua dân Do thái” (c. 37); “Đấng Kitô” (c. 39). Câu trả lời cho những thách thức và chế giễu nầy nằm trong lời tuyên xưng của phạm nhân thứ hai (c. 42), và trong lời hứa thiên đàng cho phạm nhân nầy (c. 43).

Dân chúng (c. 35)

Luca chỉ ghi nhận “dân chúng đứng nhìn”. Dân chúng không chỉ đứng đó nhìn cách bàng quan, mà tham dự vào sự khinh rẻ và chế nhạo diễn ra lúc ấy. Xem Tv 22,8: “Ai thấy (theōreō) tôi cũng nhạo báng (ekmyktērizō) lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai”. Trong 14,29, Luca cho thấy “cái nhìn” (theōreō) gắn liền với “chế giễu” (empaizō) (14,29). Chính dân chúng đã đứng chung với các thượng tế và thủ lãnh trước toà Philatô (23,13) và đồng ý kết án tử Chúa Giêsu (23,18). Vậy, dân chúng đứng nhìn lâu (động từ ở thể phân từ hiện tại) mà không phản đối, chính là đồng loã với những người lên tiếng chế giễu Người.

Các thủ lãnh (c. 35)

Ở đây Luca chỉ nói đến “các thủ lãnh”, trong khi ở 23,13 và 24,20, ông nhắc đến cả các thượng tế. Động từ  ekmyktērizō nghĩa là “nhạo báng”; chỉ gặp trong 16,14; 23,35. Có thể có mối liên hệ giữa đoạn nầy với  Tv 22,8. Trong lời họ nhạo báng, Luca nhấn mạnh đến khía cạnh cứu chuộc của Chúa Giêsu, tư cách Con Thiên Chúa được Thiên Chúa sai đến. Cụm từ “Hãy cứu lấy chính mình” được lập lại 3 lần bởi các thủ lãnh (c. 35), quân lính (c. 37) và phạm nhân (c. 39). Động từ “sozō” “cứu” dùng rất nhiều trong trình thuật nầy (cc. 35[2x].37.39). Nó mang ý nghĩa rộng hơn sự chữa lành bệnh. Đó là cứu khỏi tội và đưa vào Nước Trời (x. 7,50; 8,48.50; 17,19; 18,42). Động từ “sozō” và tước hiệu “Christos”, Kitô, liên hệ với nhau. Sau lời Phêrô tuyên xưng Người là “Đấng Kitô” (9,20), Chúa Giêsu nói đến sự cứu độ cho những ai bỏ mình và vác thánh giá  đi theo Người (9,24). Tước hiệu “Đấng Kitô của Thiên Chúa” đã được Phêrô tuyên xưng lần đầu tiên (9,20). Tước hiệu nầy nhấn mạnh nguồn gốc của Đấng Kitô và tương quan và sự thông hiệp của Người với Thiên Chúa. “Của Thiên Chúa” có nghĩa là do Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến. Tước hiệu “Kitô” đứng một mình như trong lời của phạm nhân thứ nhất (c. 39) có thể hiểu là một đấng thiên sai, một vị vua được xức dầu nào đó. Rồi tước hiệu “Người được tuyển chọn” cũng nói lên liên hệ với Thiên Chúa (18,7). Chính Thiên Chúa xác nhận điều nầy về Chúa Giêsu trong biến cố biến hình (9,35).

Nhóm quân lính (c. 36)

Sau các thủ lãnh tôn giáo, đến dân ngoại chế giễu Chúa Giêsu. Họ là những người canh giữ (22,63), Hêrôđê (23,11), lính tráng (23,36). Điều nầy đã được nói đến trong lời tiên báo thứ ba về cuộc khổ nạn (18,32; 22,62). “Empaizō” “chế giễu” là khinh rẻ và lấy người khác làm trò chơi cho mình. Những người canh giữ Chúa Giêsu đã bịt mắt Người, đánh Người và bảo Người đoán xem ai đã làm điều ấy (x. 22,63-65); Hêrôđê muốn Người làm những phép lạ để thoả mãn sự tò mò của ông (23,8-9). Lính tráng bên thập giá đưa giấm lên cho Người uống (23,36). Tước hiệu “Vua dân Do thái” nầy phát xuất từ dân ngoại mà thôi: Philatô (x. 23,3), tấm bảng treo trên đầu Người (23,38) và lính tráng ở đây. Lần đầu tiên Chúa Giêsu được dân Do thái gọi là vua, basileus, khi Người vào thành Giêrusalem: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (x. 19,38). Chúa Giêsu là vua, basileus, mà cũng là Christos (x. 23,2).

Cho đến lúc nầy, cả các thủ lãnh lẫn dân ngoại chẳng ai biết rõ và chắc chắn Chúa Giêsu là ai. Người ta thắc mắc về căn tính của Người (x. 20,41; 22,67; 23,2); ngoại trừ ma quỉ (4,34; 4,41; 8,28) và nhóm Mười Hai (9,20), không ai biết rõ căn tính của Người. Người ta thắc mắc về Người (x. 20,41; 22,67; 23,2). Bởi đó, họ nghĩ đây là cơ hội cuối cùng họ có thể buộc Chúa Giêsu chứng tỏ ra Người là ai, bằng cách làm theo yêu cầu của họ. Chúa Giêsu đã không làm theo yêu cầu của họ, vì Người biết họ không tin vào Người ( 22,67), và chính khi chịu đóng đinh, Người tỏ ra cách tỏ tường nhất Người là Đấng Kitô của Thiên Chúa; nói cách khác là Đấng Thiên Sai, được gởi đến để cứu chuộc con người. Không làm theo điều kiện họ đặt ra, Chúa Giêsu không phải là Đấng Kitô theo ý nghĩ của họ.

Tấm bảng (cc. 23,38)

“Và” (xem trên) liên kết tấm bảng nầy với những nhóm người nhạo báng Chúa Giêsu. Có sự khác biệt ít nhiều giữa các tin mừng về điều ghi trên tấm bảng treo trên đầu Chúa Giêsu (x. Mt 27,37; Mc 15,26; Gio 19,19). “Houtos” chỉ Đấng bị đóng đinh dưới tấm bảng. Cách trình bày đơn sơ “Và có tấm bảng trên đầu Người” muốn ám chỉ điều ghi trên tấm bảng “Người nầy là Vua dân Do thái” tương phản với người đang bị đóng đinh. Như thế, tấm bảng nối dài lời nhạo báng của lính tráng.

Phạm nhân thứ nhất (cc. 23,39)

Luca dùng động từ blasphēmēō, “nói phạm thượng”, để chỉ thái độ của người nầy đối với Chúa Giêsu. Động từ nầy chỉ dùng ba lần trong Luca:  nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần (12,10), những người canh giữ và phạm nhân nầy nói phạm thượng đến Chúa Giêsu (22,65; 23,39). Như thế, blasphēmēō là nói những lời chống lại Thiên Chúa. Người nầy nói phạm thượng vì tình cảnh bất lực và vô vọng của mình. Anh muốn Chúa Giêsu dùng quyền năng của Đấng Kitô để giải thoát anh khỏi cái chết gần kề.

Phạm nhân thứ hai (cc. 40-42)

 Người nầy ngỏ lời trước tiên với người đồng chịu án (23,40-41) và với Chúa Giêsu (23,42). Trong lời ngỏ với phạm nhân kia, người nầy nói đến sự kính sợ Thiên Chúa, đến việc nhìn nhận tội và chấp nhận hình phạt xứng với việc đã làm và bênh vực Chúa Giêsu là vô tội. Khi trách phạm nhân kia không kính sợ Thiên Chúa bằng câu hỏi, người nầy gián tiếp cho thấy ông có lòng kính sợ Thiên Chúa. Ông quan toà là tiêu biểu của những người không kính sợ Thiên Chúa (18,2-4). Ngược lại, Mẹ Maria là gương mẫu của người kính sợ Thiên Chúa. Ai kính sợ Thiên Chúa thì được Người xót thương (1,50). Phạm nhân thứ hai nầy tỏ ra kính sợ Thiên Chúa khi ông dám nói nghịch lại phạm nhân kia, cũng là nghịch lại dân chúng, các thủ lãnh và lính tráng. Cái chết gần kề, ông không sợ. Ông chỉ sợ Đấng có thể ném cả thân xác và linh hồn ông vào hoả ngục (x. 12,4-9). Bởi có lòng kính sợ nầy, ông sẽ được Thiên Chúa xót thương và cứu lấy ông.

Nói về Chúa Giêsu, ông bênh vực Người là vô tội (23,41). Chính Philatô cũng đã nhận ra như thế (23,22). Ngỏ lời với Chúa Giêsu, ông gọi Người bằng tên “Giêsu”, chứ không bằng bất cứ tước hiệu nào. Tên “Giêsu” nầy liên kết với “Đấng Thánh của Thiên Chúa (4,34), với “Con của Đấng Tối Cao” (8,28), với “Con vua Đavít” (18,38), với “Thầy” (17,13) và “Chúa” (Cv 7,59). Ông xin Người nhớ đến ông trong Nước của Người. Mimneskomai, “nhớ”, bao hàm ý nghĩa cứu độ. Thiên Chúa nhớ tỏ lòng thương xót trên Abraham và con cháu ông đến muôn đời (1,54). Thiên Chúa nhớ đến giao ước mà cứu khỏi tay kẻ thù (1,72). Ông nói đến “Nước”, basileia, của Người. Nước của Chúa Giêsu đồng hóa với Nước của Thiên Chúa (22,29.30); “Nước Thiên Chúa” được nhắc đến tới 31 lần trong Luca. Như thế lời của phạm nhân thứ hai nầy ngỏ với Chúa Giêsu trở thành câu trả lời gián tiếp cho những người nhạo báng trên, và đó cũng là lời tuyên xưng đức tin của ông: – “Giêsu” là Con Thiên Chúa, nên Người mới có thể nhớ và tỏ lòng thương xót ông như Thiên Chúa; – “Giêsu” là Đấng Kitô, là Vua nên Người mới có “Nước của Người”; – Nước của Người là Nước của Thiên Chúa và Người là Con Thiên Chúa; đồng thời cũng là Con vua Đavít. Vậy Người thật sự là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, và cũng là “Vua dân Do thái”.

Chúa Giêsu trả lời với phạm nhân nầy bằng lời hứa là hôm nay ông sẽ cùng với Người trong thiên đàng. Đây là thiên đàng của Thiên Chúa (x. Kh 2,7). “Ở trong thiên đàng” là ở trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nói cách khác là “trong tay” của Người (x. 23,46). Phạm nhân thứ hai đã tuyên xưng Chúa Giêsu trước mặt mọi người, nhất là những người chối bỏ Người; bởi đó ông được Người nhận biết và cho hưởng Nước Trời (x. 12,8).

Chúa Giêsu không chết trong thinh lặng. Người chết sau khi được tuyên xưng cách công khai là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Như thế cái chết trên thập giá của Người có tính cách cứu độ và mang ơn giải thoát đến cho mọi người.

 

58.Vua vũ trụ.

Hôm nay Chúa nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Kitô Vua. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, của lịch sử nhân loại và Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta.

Với tâm tình của người trộm lành bên cạnh Chúa Giêsu trong những giờ phút cuối cùng, chúng ta cũng hãy tuyên xưng vương quyền của Ngài và nói lên với Ngài tất cả niềm tín thác của mình, xin Ngài tiếp tục đồng hành và gìn giữ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

Thật vậy, nếu phong thánh là một cữ hành, qua đó Giáo Hội long trọng tuyên bố rằng, một người nào đó đang được hưởng phúc trên thiên đàng, thì con người đầu tiên phải được phong thánh chính là một trong hai người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu, tức là người thường được mệnh danh là “kẻ trộm lành”.

Trong một số tài liệu không được Giáo Hội nhìn nhận là linh hứng thì kẻ trộm có tên là Dysmas, theo truyền thuyết thì ngay cả thập giá của Dysmas cũng đã được mang về bên Italia. Nhiều vị thánh trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo đã kính nhớ một cách đặc biệt vị thánh Dysmas này. Dysmas kẻ trộm lành quả thật là một vị thánh đầu tiên trong Giáo Hội đã được chính Đức Giêsu phong thánh khi Ngài tuyên bố rằng: “Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Còn bằng chứng nào hùng hồn hơn chính lời của Chúa Giêsu. Dysmas đã được Chúa Giêsu phong thánh, bởi vì ông là người đầu tiên trong nhân loại đã tuyên xưng niềm tin vào vương quyền của Chúa Giêsu, khi ông thưa với Chúa rằng: “Lạy Ngài, khi nào về về Nước Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi”.

Vậy có thể nói được rằng, hẳn phải có một niềm tin sâu sắc của một vị thánh thì người ta mới có thể thốt lên được một lời tuyên xưng như thế trong một hoàn cảnh nghiệt ngã hầu như tuyệt vọng. Dysmas kẻ trộm lành đã có thể thách thức và nguyền rủa Chúa Giêsu như người bạn cùng treo với ông hoặc như đám lý hình đang đứng dưới chân thập giá. Thế nhưng ông đã không làm thế, ông đã có tâm hồn của một vị thánh khi ông biết nhìn xuyên qua cái bề ngoài tất tưởi thương đau bất lực của Chúa Giêsu để thấy được quyền năng của một vị vua mà vương quốc của Ngài không thuộc về trần thế này. Chính trong cái cảnh trơ trụi và tàn bạo nhất do con người tạo ra đó mà Chúa Giêsu đã đăng quang như một vị vua.

Thật thế, các sách Tin Mừng đã đặt lễ đăng quang của Chúa Giêsu trong chính cuộc tử nạn của Ngài. Khởi đầu là cuộc khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, trong đó Chúa Giêsu đã ngồi trên lưng của một con lừa con. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Ngài là Vua, nhưng Ngài là Vua không theo các cung cách của vua chúa trần gian. Tất cả bản án của Chúa Giêsu đều xoay quanh tước hiệu Vua của Ngài.

Mặt khác, lời tố cáo mà nhiều người đã đưa ra để buộc tội Ngài là: “Hắn đã tự xưng mình là vua”, và quan tổng trấn Philatô đại diện cho chính quyền Lamã cũng hỏi Ngài: “Ông có phải là vua dân Do thái không? Và Chúa Giêsu đã trả lời: Ta là Vua”. Sau cùng, bản án của Ngài được ghi trên thập giá và được viết bằng ba thứ tiếng: Hy lạp, Latinh và tiếng Do thái, bản án được ghi như sau: “Jesu Nazareth, vua người Do thái”.

Chính trong niềm đau tột cùng và cái chết tất tưởi trên thập giá mà Chúa Giêsu đã đăng quang như một vị vua, nhưng cũng chính trong cuộc tử nạn ấy mà Ngài đã xác quyết rằng: “Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này”, và Ngài không làm Vua theo các cung cách của vua chúa ở trần gian. Chúa Giêsu là Vua, nhưng Ngài là Vua của phục vụ, của khiêm hạ, của quên mình và nhất là của tha thứ trong yêu thương.

Thật vậy, còn gì vương giả cho bằng khi Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa Cha để xin ơn tha thứ cho những kẻ đã làm hại Ngài. Chúa Giêsu là Vua của Tình Yêu, chính tình yêu là sức mạnh của Ngài và cũng chính tình yêu ấy đã khiến cho Ngài tuyên bố: “Khi nào Ta chịu treo trên thập giá, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta”.

Qua hơn 2000 năm, lời ấy vẫn mãi được ứng nghiệm. Ngoài Đức Kitô ra không có một vị vua nào trên trần gian này được nhân loại chọn làm trọng tâm của lịch sử. Chấp nhận hay không chấp nhận, tin hay không tin, ai cũng phải lấy Đức Giêsu làm cái mốc để tính thời gian. Có một thời gian trước Đức Kitô và có một thời gian sau Đức Kitô và dù có tránh tên của Ngài để nói trước hay sau Công nguyên thì con người nói như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Con người sẽ không bao giờ loại bỏ Đức Kitô ra khỏi lịch sử của mình”. Đức Kitô đang lôi kéo mọi người về với Ngài, Ngài đang đồng hành trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa hay không là tùy thuộc ở thái độ tiếp nhận của mỗi người đối với Đức Kitô.

Tiếp nhận Ngài và tuyên xưng Ngài là Vua chính là mặc lấy thái độ tín thác của kẻ trộm lành, sẵn sàng trao phó tất cả cuộc đời trong tay Ngài và bước đi theo Ngài. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là đi theo con đường của phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là cùng với Ngài xây dựng vương quốc của Ngài ngay trên trần gian này, vương quốc của huynh đệ, vương quốc của yêu thương, vương quốc của công lý và hòa bình. Và mỗi một lần chúng ta xây dựng vương quốc ấy bằng một cữ chỉ yêu thương thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nghe được lời hứa của Ngài cho người trộm lành: “Hôm nay đây con sẽ ở cùng Ta trong vương quốc của Ta”.

 

59.Chúa Kitô, Vua vũ trụ – Veritas

(Trích từ ‘Hãy Ra Khơi’)

Các tông đồ ngày xưa, từ khi bắt đầu theo Chúa cho đến khi được Chúa Thánh Thần biến đổi sau biến cố Phục sinh, và chúng ta hôm nay nếu không được Chúa Thánh Thần soi sáng thì không thể nào hiểu được mầu nhiệm thập giá. Trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của mỗi lần Chúa mạc khải mầu nhiệm thập giá mà chính Ngài đã thực hiện là mỗi lần các tông đồ hoặc né tránh hoặc hiểu sai ý nghĩa và tranh nhau chỗ vinh quang tả hữu, nhất nhì trong Nước Chúa.

Trong ngày lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, kết thúc năm phụng vụ theo chu kỳ C, để rồi vào tuần tới Chúa nhật I Mùa vọng, khai mào năm phụng vụ mới theo chu kỳ A, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm và sống mầu nhiệm Nước Chúa, tôn vinh Chúa Kitô làm Vua vũ trụ dựa theo Tin Mừng thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, mô tả cảnh Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá giữa hai kẻ trộm, một kẻ dữ buông lời xúc phạm và một kẻ lành thành tâm thống hối ăn năn và nhận được lời bảo đảm của Chúa: “Hôm nay con sẽ được ở với Ta trên thiên đàng”.

Tại sao trong ngày lễ Chúa Kitô Vua mang màu sắc đầy vinh quang chiến thắng, Giáo Hội lại nêu cao biến cố đau thương Chúa chịu chết treo trên thập giá như vậy? Chúng ta không có nhiều giờ để chú giải sâu rộng đoạn Phúc âm trên, nhưng một cách vắn tắt chúng ta có thể nói trước hết bản chất của Nước Chúa được Chúa Giêsu mạc khải nơi đây cho người trộm lành, đó là được ở với Chúa. Nước Chúa là nơi Chúa ở với ta, ta ở với Chúa, được vui hưởng sự hiện diện của Ngài và Chúa Giêsu đã thực hiện Nước Chúa là ban ơn cứu rỗi cho con người qua cái chết hy sinh trên thập giá, không có con đường nào khác và Chúa Giêsu đã nhiều lần xác nhận: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

Chúa Giêsu chiến thắng những sự dữ, những bạo lực, những sự ác ôn âm mưu mánh mung trong tâm hồn con người bằng cái chết hy sinh trên thập giá và Chúa vẫn còn tiếp tục làm như vậy, tiếp tục chịu chết như vậy, cả trong ngày hôm nay nữa để thực hiện quyền làm chủ của Ngài trên mọi sự.

Thật ra, là Đấng Tạo Hóa mọi loài, mọi vật, Chúa làm chủ mọi loài mọi vật, Chúa đã làm vua mọi loài mọi vật, nhưng Chúa đã tạo dựng con người có tự do và con người đã dùng tự do này để thoát ra khỏi bàn tay Chúa, thoát ra khỏi quyền làm chủ của Ngài. Không những con người thoát ra khỏi quyền làm chủ của Ngài, mà con người còn dùng quyền tự do của mình để làm cho vạn vật này thoát ra khỏi quyền làm chủ của Thiên Chúa.

Chúa làm vua, nhưng Chúa muốn cho con người nhìn nhận Ngài làm vua qua con đường thập giá. Chúa biết rõ đây là cách thế duy nhất để chiến thắng sự tự do của con người, để chiến thắng sự dữ mà tự do của con người gây ra trên trần gian này đó là cái nhìn từ Thiên Chúa, Thiên Chúa Cha luôn nhìn về lịch sử của con người từ trên cao xuống qua thập giá của Chúa Giêsu.

Nói đến đây tôi nhớ lại một bức tranh của một nghệ sĩ tài ba về cảnh Chúa Giêsu chịu chết treo trên thập giá không theo cách thông thường nhìn từ dưới lên, mà một cách đặc biệt nhìn từ trên cao xuống. Thiên Chúa Cha nhìn vào trần gian qua thập giá của Chúa Giêsu từ trên cao xuống và nhìn từ phía con người thì sao?

Bài Phúc âm hôm nay cũng gợi lại cho chúng ta một khía cạnh căn bản thường bị bỏ quên, đó là khía cạnh được người trộm lành thực hiện việc ý thức về tội lỗi của mình, anh đã thống hối nhìn nhận lỗi lầm, khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Thiên Chúa không thể cứu rỗi con người, nếu con người không muốn được cứu rỗi. Con người có tự do, họ có thể chống lại Ngài, khước từ ơn cứu rỗi Ngài ban, hoặc lãnh nhận một cách tích cực và sốt sắng. Chúa Giêsu chỉ thực hiện quyền làm vua của Ngài, quyền làm Chủ của Ngài trên con người, khi con người biết thống hối ăn năn quay trở về với Ngài. Chúng ta chỉ có thể nhìn nhận Chúa Giêsu là Vua, nhìn nhận ơn cứu rỗi của Chúa để Chúa thực hiện nơi mình và để mình được hiện diện với Chúa.

Đây là bước đầu tiên căn bản không thể thiếu được. Chính vì thế mà tác giả Phúc âm thánh Marcô khi mô tả giây phút khởi đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Chúa đã xác nhận một cách mạnh mẽ qua lời Chúa Giêsu: “Nước Trời đã gần đến. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng”.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, chúng ta không nên dừng lại ở nơi những khẩu hiệu hoan hô bên ngoài: “Chúa là Vua”, nhưng mỗi người chúng ta cần phải ý thức về những lỗi lầm của mình và thống hối ăn năn trở lại xin Chúa tha thứ. Xin Chúa thực hiện quyền làm chủ của Chúa trên con người của chúng ta, trên cuộc đời chúng ta. Xin Chúa tha thứ tất cả tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến Chúa, để chúng ta được trở nên con cái Chúa, để Chúa thực sự là chủ, là Vua trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Xin Chúa củng cố đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

 

60.Trộm lành.

Khi nói Chúa Giêsu là vua, chúng ta có thể thắc mắc ngay: Chúa là vua của nước nào? Nước Chúa ở đâu? Và ai là dân của Chúa? Những thắc mắc này, chính Chúa đã trả lời khi Chúa nói với tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Câu trả lời ấy cho chúng ta biết: đâu không phải là Nước Chúa và đâu là Nước Chúa. Nước Chúa không thuộc về thế gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất cứ chế độ nào, với nền văn minh nào, cũng không thể đồng hóa với nước Chúa. Vậy Nước Chúa ở đâu? Thưa Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và nhất là đón nhận sự thật. Như vậy, Nước Chúa gồm tất cả các tâm hồn yêu chuộng sự thật. Do đó, Nước Chúa rộng hơn Hội thánh, bởi vì ngoài Hội thánh, vẫn có biết bao nhiêu người yêu chuộng sự thật. Đang khi đó, trong Hội thánh cũng có thể có nhiều người không thuộc về Nước Chúa, vì họ không yêu chuộng sự thật, không đón nhận sự thật. Sự thật đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu đem đến.

Vậy, tất cả những ai đón nhận tình yêu cứu độ đó, họ sẽ được nhận vào Nước Chúa, điển hình như người trộm lành kể lại trong bài Tin Mừng. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, những người chứng kiến đã có những thái độ khác nhau: có kẻ xót thương, có người lãnh đạm vô tình, có kẻ thách thức, nhục mạ, nhưng cũng có người nhận ra Chúa và van xin Chúa. Đó chính là người trộm lành. Anh không dám thách thức Chúa như người trộm khác cùng bị đóng đinh với anh hay như những người vô lễ khác, nhưng anh biết tội mình và suy đoán rằng vương quyền mà Chúa liều chết vì nó phải là một vương quyền tốt đẹp vô lường nên anh kêu xin Chúa cứu vớt để được đưa vào vương quốc ấy. Đúng vậy, giữa đám đông mù quáng, ngược ngạo, ít ra cũng còn một tâm hồn ngay tình. Đó là người trộm lành trong một hoàn cảnh thật bi đát bị treo trên thập giá, anh đã biết nhận tội của mình và nhìn nhận sự vô tội của Chúa Giêsu. Giữa lúc mọi người đều bỏ rơi Chúa, đã quên hết những phép lạ, những lần đi theo Chúa lúc Ngài được tôn vinh, người trộm đã nhận ra vương quyền của Chúa và tuyên xưng đức tin của mình bằng một lời van xin đầy hy vọng sâu xa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Lời cầu nguyện khiêm hạ của anh đã mở được cửa vương quốc đó cho anh.

Đó, chúng ta thấy, cả hai người trộm cùng có những hoàn cảnh như nhau, nhưng chỉ có người trộm lành bên phải Chúa đã được cứu rỗi, vì anh đã nhận ra tình yêu cứu độ và biết cầu xin. Chắc chắn anh ta không phải là loại người thuộc giáo lý, hiểu biết lý thuyết về đạo, nhưng vì anh ta đã tin và cầu nguyện với lòng khiêm tốn chân thành, nên anh đã được cứu độ. Thánh Âu tinh đã nói về người trộm này như sau: “Từ tội giết người, y được dẫn đến thẩm phán, từ thẩm phán đến thập giá, từ thập giá đến thiên đàng”. Và thánh Gioan Kim Khẩu cũng nói: “Từ thập giá y đã bay bổng lên trời. Thực vậy, tự thân là một tên ăn trộm chuyên nghiệp, y đã dùng ngón nghề của mình để cướp lấy Nước Trời, bằng lòng sám hối và lời tuyên xưng đức tin”.

Ngoài ra, về hai người trộm này còn cho chúng ta một bài học khác nữa, đó là vác thập giá có công và vác thập giá không có công. Chúng ta thấy: người trộm bên trái Chúa đã vác thập giá, hơn nữa, đã bị đóng đinh trên thập giá nhưng không có công gì. Trái lại, người trộm bên phải cũng vác thập giá và bị đóng đinh vào thập giá, sau cùng đã được thưởng công lên thiên đàng. Cái khác nhau về sự thưởng phạt giữa hai người là do cách vác thập giá của mỗi người: người trộm bên trái đã kiêu căng, khích bác và chỉ trích Chúa, nên đã không có công trạng gì. Trái lại, người trộm bên phải Chúa đã khiêm nhường, cậy tin vào Chúa, nên anh đã được công, được Chúa ban phúc thiên đàng.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa hứa trả công cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm. Công việc của mỗi người chúng ta là vác thập giá theo Chúa. Lời Chúa hứa thật khích lệ chúng ta. Giả sử Chúa căn cứ vào những thành tích to lớn hay lấy lương trả công cho mỗi người, thì nhiều người chúng ta chắc sẽ là tay không, vì mình chẳng có công trạng gì như thế. Nhưng Chúa nói Chúa sẽ căn cứ vào công việc của mỗi người vác thập giá theo Chúa mà thưởng công. Như vậy thì tất cả chúng ta: những người già yếu, những người khốn khó, những người nghèo túng, những người bệnh tật, những người neo đơn, những người kém cõi… tất cả những ai đang vác thập giá vì Chúa đều là đối tượng được Chúa thưởng sau này.

Lễ Chúa Kitô Vua kết thúc năm phụng vụ là đoạn cực mạnh trong bản Allêluia của Giáo Hội, hô vang niềm hy vọng, niềm vui và sự phấn khởi của người có lòng tin vào Chúa. Ngày lễ hôm nay đem lại cho chúng ta một tâm tình lạc quan tin tưởng, một lòng quảng đại vô bờ bến, một sức mạnh để vươn lên mà không chông gai nào làm chùn được, không đau khổ nào ngăn được, Chúa Kitô Vua đã toàn thắng đau khổ và sự chết để cho chúng ta được toàn thắng đau khổ và sự chết. Allêluia, Allêluia, Allêluia.

 

61.Vua Tình Yêu

(Suy niệm của Jos. Hoàng Mạnh Hùng)

Tin Mừng Chúa nhật cuối cùng năm Phụng vụ C tường thuật lại cái chết ô nhục của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá để nói về chức vị Vua cao cả của Ngài. Giữa những lời nhạo báng và thách thức, nổi bật lên một lời công nhận vương quốc của Thiên Chúa.

Tên trộm lành, một trong hai kẻ cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu, đã hiểu và tin vào Vua Giêsu Kitô, nên đã thưa với Chúa: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! " (Lc 23,42). Chúa Giêsu đã an ủi và bảo đảm với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23,43).       

Chúa Giêsu là Vua, một vị Vua chỉ nói lời yêu thương và tha thứ, chứ không nói lời kết án. Ngài đã thoát ra khỏi quy luật bình thường của một vị vua trần gian, như Ngài đã nói: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36).

Vương quốc của Vua Giêsu Kitô là vương quốc của Tình Yêu vì Ngài là Thiên Chúa, mà “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Nhưng Ngài không đòi hỏi phải được phục vụ như một vị vương đế: “Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).

Ngài yêu thương con dân và đã hi sinh mạng sống mình trên thập giá một cách khổ nhục để cứu họ thoát khỏi ách thống trị của sự chết. Ngài dùng tình thương để cai trị đồng thời đòi hỏi các thần dân của Ngài cũng phải biết yêu thương như chính Ngài đã yêu thương họ.

Ngài đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ, những kẻ đau ốm, những kẻ tù đầy, những kẻ đói khát, trần truồng. Mỗi khi chúng ta làm một nghĩa cử yêu thương cho tha nhân là chúng ta làm cho chính Chúa như lời Ngài đã phán: ”Mỗi lần các ngươi làm cho một người bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta“ (Mt 25, 40).

Khi nhận lãnh bí tích Thanh tẩy, chúng ta cũng đã được tham dự vào vương quyền của Đức Giêsu Kitô. Là người thừa kế, là chi thể của Ngài, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ và làm cho vương quyền của Ngài được mở rộng để tất cả mọi nguời nhận biết Đức Giêsu Kitô là vua vũ trụ và hết lòng tin theo Ngài.

Nói cách khác, chúng ta phải củng cố và hoàn thiện vương quốc mà Đức Giêsu Kitô đã thiết lập khi Ngài còn ở duơng thế bằng chính cuộc sống trần gian của mình. Mọi việc chúng ta làm đều phải quy hướng về Người và làm cho danh Người được cả sáng trên trần gian.

Trong xã hội ích kỷ và hưởng thụ của nhiều người hôm nay, Giáo Hội rất cần những con người sống yêu thương và phục vụ, để làm cho khuôn mặt yêu thương của Chúa luôn được tỏa sáng cho mọi người.

Sống theo lương tâm ngay chính, hoà thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, làm những việc lành phúc đức… để ngày càng có thêm nhiều người sống như ta. Qua đó, Nước Chúa ngày càng được mở rộng cho đến khi nào tất cả loài người đều biết sống như thế thì Vương quốc Tình Yêu sẽ tỏ hiện dưới ánh quang Thiên Chúa.

Long trọng mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta cũng bình tâm soi xét lại cuộc đời mình để nhận ra những thiếu sót và lỗi lầm vì bao đam mê và vương vấn trần tục. Chúng ta mong đợi ngày hồng phúc, ngày Chúa của chúng ta vinh quang ngự đến, xét xử mọi người chúng ta.

Vì thế, từng giây phút ta phải sẵn sàng và chuẩn bị tâm hồn để đón rước Vua của chúng ta ngự đến trong giờ sau hết của cuộc đời mỗi người. Ngày xét xử đó có thể là “ngày hạnh phúc, vui mừng và vinh quang” nhưng cũng có thể là “ngày tăm tối, khóc lóc và nghiến răng.”

Lạy Chúa, trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội cho chúng con nhìn lại những chân giá trị của cuộc phán xét chung ngày tận thế. Giáo Hội cũng đặc biệt nhắc nhở chúng con về vương quyền của Ðức Giêsu Kitô và mối tương quan giữa hành vi của chúng con với vương quyền ấy.

Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ vương quốc của Chúa là bền vững và đem lại hạnh phúc trường cửu cho chúng con. Xin cho mọi thành phần trong Giáo Hội luôn nêu gương bác ái yêu thương cho mọi người. Xin cho các Kitô hữu biết nhìn thấy Chúa trong anh chị em nghèo khổ, bất hạnh xung quanh để tận tình hy sinh, thương yêu giúp đỡ họ cả phần hồn lẫn phần xác.

Và xin cho chúng con biết đặt niềm tin cậy vào Chúa, biết chuẩn bị ngay từ đời này những gì cần thiết. Để mai sau xứng đáng được vào Vương quốc Tình Yêu là “Vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”.

 

62.Vua vũ trụ.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô – Vua vũ trụ, kết thúc năm phụng vụ. Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, khai triển qua cuộc tử nạn, Phục sinh để rồi kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.

Cho nên thật thích hợp khi kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Đức Kitô, Vua vũ trụ. Chỉ một mình Đức Kitô mới là vua đích thực. Chỉ một mình Ngài mới là Đấng để con người lệ thuộc và tôn thờ.

Tuy nhiên để có thể sống nội dung đích thực của ngày lễ Chúa Kitô vua hôm nay, chúng ta cần suy nghĩ xem: tước hiệu Vua Kitô phải được hiểu như thế nào? Và việc tuyên xưng Đức Kitô là vua mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống người Kitô hữu?

Lần giở những trang Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu không có thiện cảm lắm với tước hiệu vua, một tước hiệu vốn gắn liền với hình ảnh độc tài, độc đoán. Và vì thế cũng dễ gây cảm giác khó chịu cho con người thời đại dân chủ hôm nay. Đức Giêsu đã dứt khoát thắng được cơn cám dỗ về quyền bính khi Ngài ở trong sa mạc chuẩn bị cho sứ vụ công khai. Có lần, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng tôn phong Ngài làm vua, nhưng Ngài tránh đi nơi khác.

Vậy mà trong những giờ đau đớn nhất, khi bị nộp trước quan tổng trấn của đế quốc Lamã, tay bị trói, đầu đội mão gai, thì Đức Giêsu lại nhận mình là vua, nhưng Ngài minh định ngay: Nước tôi không thuộc về thế gian này. Và Ngài không làm vua theo cung cách của các vua chúa trần gian. Đức Giêsu là vua nhưng Ngài là vua của phục vụ, của khiêm hạ, của quên mình, nhất là của vua tha thứ trong yêu thương.

Chính trong niềm đau tột cùng và cái chết tất tưởi trên thập giá mà vương quyền của Đức Kitô được tỏ hiện. Và điều này một số người đã không nhầm lẫn. Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe nói về anh trộm lành. Anh trách mắng người bạn cùng chịu hình phạt với mình đã chế nhạo vương quyền Đức Kitô, rồi quay sang Đức Kitô, anh bày tỏ với hết lòng tin tưởng: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Và Đức Giêsu nhận lời anh: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Cái vương quyền ấy, vào thời điểm ấy mới đẹp làm sao! Đức Kitô trên thập giá hoàn toàn là kẻ bại trận. Chỉ có người đặt lòng tin vào sự phục sinh của Ngài mới có thể hiểu được vương quyền ấy. Ở đây, chúng ta đứng trước một vương quyền thiêng liêng, nghĩa là vương quyền theo Thánh Thần Thiên Chúa, được trang bị chỉ bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nếu vị vua ấy có giải phóng thì theo một nghĩa sâu sắc là giải phóng tâm hồn.

Vị vua ấy đòi hỏi gì ở thần dân mình? Một điều duy nhất, đó là đức tin. Nghĩa là tin tưởng vào lời Ngài, Ngài mới làm cho chúng ta nên cao trọng. Thay vì bắt buộc phải sống sát mặt đất, đến với đêm đen, đối diện với một tương lai u tối và vô định, nhất thiết dẫn đến sự chết thì Ngài lại cho phép chúng ta tin tưởng cậy trông. Và như thế không phải Ngài đã làm cho chúng ta nên trưởng thành đó sao? Sự tin tưởng cậy trông khiến con người lớn lên, chính là điều dẫn con người đến với sự yêu thương. Sự tin tưởng cậy trông chính là điều cho phép con người trực diện với cái chết bởi vì đã có lời loan báo sự yêu thương và sự sống vĩnh cửu.

Vua của chúng ta là như thế đó! Chức vị vua của Ngài là để phục vụ cho thần dân. Uy quyền của Ngài, sự toàn năng của Ngài đó là quyền tối thượng để yêu thương và tha thứ. Ngài đã thi hành vương quyền ấy bằng cách lôi kéo con người ra khỏi tội lỗi và sự chết để đưa vào vương quốc của sự sống vĩnh cửu. Không, vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này. Nguồn gốc và uy quyền chính đáng của Ngài không tìm thấy trong thế gian này. Ngài múc lấy nó từ Thiên Chúa để rồi Ngài cho phép chúng ta đi suốt cuộc đời trần thế này, không phải trong điệu nhạc buồn thảm chết chóc nhưng là trong lời ca vẻ vang của ngày lễ Phục sinh, vì được cùng Ngài sống lại vinh quang.

Mừng lễ Chúa Kitô – Vua vũ trụ, có nghĩa là chúng ta tuyên xưng vương quyền của Đức Kitô để bước đi trong vương quốc của Ngài. Do đó việc tuyên xưng Đức Kitô là Vua phải dẫn đưa người tín hữu đến một thái độ cần có trong đời sống đức tin.

Tuyên xưng Đức Kitô là Vua chính là mặc lấy thái độ của anh trộm lành trong bài Tin Mừng hôm nay: biết sám hối, ăn năn, tin vào quyền năng yêu thương của Ngài. Chỉ những ai biết kính sợ Thiên Chúa và tin tưởng vào sự sống đời sau mới được ban cho Nước Trời.

Tuyên xưng Đức Kitô là Vua là đi theo con đường của phục vụ và phục vụ cho đến cùng.

Khi vua Hêrôđê được các đạo sĩ báo tin sự ra đời của vị Vua Israel, ông ta run sợ, ông sợ một sự cạnh tranh… Xin tất cả các vua Hêrôđê trên trần gian hãy an tâm, vương quyền của Đức Kitô không cạnh tranh với ai cả. Ngược lại, nó mời gọi tất cả những ai, cách nào đó đang thực thi quyền bính, hãy noi theo vua vũ trụ, làm tôi tớ cho những người mà họ cai trị.

Dĩ nhiên lời mời gọi này ưu tiên hướng đến những Kitô hữu, những người mà nhờ Bí tích Rửa tội, đã được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Nếu Đức Kitô là Vua Tình Yêu thì người Kitô hữu cũng được mời gọi đi theo con đường của Đức Kitô đã đi: con đường của yêu thương, phục vụ để xây dựng vương quốc của Ngài trên trần gian này;vương quốc của huynh đệ, vương quốc của tình thương, vương quốc của công lý và hòa bình.

Và mỗi một lần, chúng ta xây dựng vương quốc ấy bằng một cữ chỉ yêu thương, dù nhỏ bé nhất, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được lời hứa của Đức Giêsu: Hôm nay đây, con sẽ ở cùng ta trong vương quốc của Ta.

Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ nhắc nhớ cho mỗi người Kitô hữu chúng ta về một vương quốc đích thực mà mỗi người phải mong đợi bước vào, về một vương quyền đích thực mà mỗi người phải tôn nhận và quy phục. Hãy thực sự chọn Đức Kitô là Vua và là Cứu Chúa của đời ta và hãy bước đi trong đường lối của Ngài, vì chỉ nơi Đức Kitô chúng ta mới tìm được sự sống viên mãn cho chính mình.

Giáo hội luôn nhắc nhở chúng ta về phẩm giá cao cả của mỗi người Kitô hữu, đó là được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô. Mỗi người chúng ta được mời gọi tham dự vào vương quyền của Đức Kitô bằng cuộc sống phục vụ, yêu thương quên mình. Lạy Chúa Kitô Vua vũ trụ và Vua của mỗi người chúng con. Xin Chúa đón nhận chúng con vào vương quốc của Chúa và thêm sức để chúng con sống xứng đáng với tước hiệu là thần dân của Chúa.

 

63.Giêsu Vua.

Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan: “Homo homini lupus”: con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thú dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.

Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên: lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết trên 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phồng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.

Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy? Thưa vì trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người; tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ, biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài lang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sử quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.

Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền của Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, Đức Giáo Hoàng coi đó là chấm dứt chiến tranh.

Sở dĩ loài người cứ luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì loài người còn sống theo cái tính thú trong mình. Vậy nếu muốn cho loài người hòa thuận với nhau để cùng nhau chung hưởng thái bình thì loài người phải sống theo cái tính người, gồm có những đức tính mà Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Con người sống đúng là con người. Chúa Giêsu gọi đó là sự thật; còn ngôn ngữ phụng vụ hôm nay thì gọi đó là vương quyền, vương quốc của Chúa Kitô. Nước Chúa. Ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn thì người đó thuộc về Nước Chúa; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy thì người đó đang mở mang Nước Chúa; và khi mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đều sống theo những giá trị Tin Mừng ấy, thì đó là thời Nước Chúa đã trị đến.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo Hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa: đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hòa thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.

Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hòa thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hòa thuận yêu thương, sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.

home Mục lục Lưu trữ