Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 88
Tổng truy cập: 1349863
ÁNH SAO CỦA SẺ CHIA VÀ ĐỒNG HÀNH
ÁNH SAO CỦA SẺ CHIA VÀ ĐỒNG HÀNH
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Trong Sứ điệp Giáng sinh năm nay, Đức Thánh Cha nói rằng như các mục tử, những người đầu tiên chạy đến hang đá, chúng ta cũng ngạc nhiên trước dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban. Hài Nhi được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra cho chúng ta, đã nói gì với chúng ta? Đó là Thiên Chúa là Người Cha tốt lành luôn đồng hành và sẻ chia thân phận với chúng ta vì vậy tất cả chúng ta là anh em của nhau. Vì thế, chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận ân sủng trong ngày hôm nay, là chính Đức Kitô. Chúa Giêsu là “ngày” rực rỡ xuất hiện nơi chân trời của nhân loại. Một ngày của tình yêu Thiên Chúa thể hiện, ngày mà Thiên Chúa Cha chúng ta đã mặc khải lòng nhân từ vô biên của Ngài cho toàn thế giới. Một ngày của ánh sáng, xua tan bóng tối của sợ hãi và âu lo. Một ngày của hoà bình, ngày để gặp gỡ, đối thoại, và trên hết, để hoà giải. Một ngày của niềm vui: một “niềm vui lớn lao” cho người nghèo, người thấp hèn và cho tất cả mọi người.
Qủa thế, Lời Chúa trong bài đọc 1, Tiên tri Isaia khẳng định với dân Do thái xưa và chúng ta hôm nay rằng: “Bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,1-3). Rồi hôm nay, ba vua trên đường tìm đến thờ lạy Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Ba vua là những người phương xa, không có Đạo, các Ngài tìm đến Chúa theo ánh sáng của ngôi sao lạ, đó là ánh sáng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa luôn đồng hành và sẻ chia. Vâng, chính Đức Giêsu là ngôi sao của tình yêu Thiên Chúa luôn sẻ chia và đồng hành dẫn tất cả chúng ta, mọi nước mọi dân đi vào một con đường mới, con đường chói ngời ngọn lửa đức mến và sẻ chia để rồi đến bến bờ bình an, hạnh phúc và sự sống đời đời. Như Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết: “Trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).
Cho nên, khi thấy được vì sao của Chúa Giêsu xuất hiện, các nhà Đạo sĩ chuẩn bị lễ vật và hăm hở đăng trình đến để sẻ chia với vị Vua mới ra đời. Các ông lên đường với một cuộc hành trình mang tính cách phiêu lưu, tiến tới một nơi vô định nhưng có ánh sao đồng hành dẫn lối cho các ông đi. Tin Mừng cho thấy cũng đã có lúc không còn ánh sao nữa và các ông đã phải hỏi thăm về nơi các ông phải tới với những người không quen, người ta không biết nhưng khi mở Thánh Kinh, tức Lời Chúa đồng hành dẫn lối các ông đến Belem gặp được Chúa Hài Nhi, các ông đã sấp mình thờ lạy, và dâng lễ vật với lòng hân hoan toại nguyện. Các nhà đạo sĩ chia sẻ với vua Giêsu bằng những lễ vật dâng tiến: vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng để chỉ Hài Nhi Giêsu là vua, nhũ hương để chỉ Hài Nhi Giêsu là Chúa và mộc dược để chỉ đến cái chết đau khổ của Hài Nhi Giêsu sau này.
Chúng ta hôm nay được Chúa thương cứu độ và đồng hành, vậy hãy mau mắn đến với Chúa Hài Nhi để chia sẻ với Ngài bằng việc dâng những lễ vật của chúng ta: Trước hết là vàng, đó là lòng yêu mến chân thật của chúng ta, một lòng yêu mến tinh ròng, cao cả và mãnh liệt như lời Ngài đã xác định: “Hãy kính mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Vàng đây cũng chính là đức tin trung kiên của chúng ta, không vì một lý do, một hoàn cảnh nào làm chao đảo hay lung lay để rồi đi đến chỗ phản bội, tội lỗi hay tuyệt vọng. Tiếp đến, chúng ta hãy dâng sẻ chia cho Chúa nhũ hương, đó chính là tâm tình thờ lạy của chúng ta đối với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Thực vậy, trong những nghi thức phụng vụ, nhũ hương thường được dùng khi đọc Phúc âm, khi dâng Mình Thánh, khi chầu Thánh Thể. Qua hình ảnh nhũ hương chúng ta tìm thấy một niềm tin tưởng mãnh liệt vào bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô. Đây không phải là một niềm tin tưởng có tính cách giáo điều hay lý thuyết mà là một niềm tin tưởng sống động và mãnh liệt, vì Đức Kitô là Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, cũng như đang giảng dạy chúng ta qua lời Ngài trong Phúc âm. Nhũ hương còn là những lời kinh cầu nguyện của chúng ta, như thánh vịnh đã viết: “Lạy Chúa, xin cho lời con nguyện cầu tựa hương thơm bay lên tôn nhan Chúa”. Sau cùng chúng ta hãy chia sẻ cho Chúa Hài Nhi là dâng mộc dược, đó là niềm tin tưởng vào Đức Kitô bị đóng đinh, mà bây giờ được tái diễn qua thánh lễ dâng trên bàn thờ, mộc dược còn là những hy sinh trong cuộc sống: hãy chấp nhận những khổ đau vì lòng yêu mến Chúa và bấy giờ những đau khổ của chúng ta sẽ góp phần vào những đau khổ của Đức Kitô để làm chứng cho Chúa.
Ba nhà đạo sĩ đã đồng hành với nhau đến thờ lạy Chúa dù có gặp khó khăn trăm bề nhưng vượt qua tất cả vì “một cây làm chẳng nên non, cây chụm lại nên hòn núi cao”. Trong đời sống đức tin chúng ta cũng vậy, là Kitô hữu chúng ta hãy đồng hành bên nhau còn để nâng đỡ, nương tựa và dìu nhau mà tiến bước, như Kinh Tin Kính, dẫu tín hữu tuyên xưng mang tính cá nhân “Tôi tin”, nhưng không là đơn độc một mình giữa nhà thờ trống vắng mà là giữa cộng đoàn Phụng Vụ một ngày lễ trọng, nên bỗng lấp lánh như thể đồng thanh tuyên tín “Chúng tôi tin”. Tôi và chúng ta chỉ là những cách biểu lộ khác nhau của cùng một niềm tin đón nhận đồng hành với nhau trong hành trình đức tin này.
Ước gì qua Lời Chúa của lễ Hiển Linh hôm nay, xin Chúa cho chúng ta nhận ra rằng hành trình đức tin của chúng ta luôn có Chúa tỏ mình qua việc sẻ chia và đồng hành với chúng ta, chúng ta hãy tiếp nhận hồng ân Thiên Chúa, biết chấp nhận thử thách và biết đón nhận đồng hành sẻ chia của Chúa để đời sống đức tin của chúng ta sống động, mạnh mẽ và chân thật. Vậy, khi chúng ta được Chúa tỏ mình như thế, chúng ta cũng cần lên đường chia sẻ, đồng hành và gặp gỡ những người chưa biết Chúa, nhất là những gia đình đang gặp khó khăn để giới thiệu Hài Nhi Giêsu cho họ để họ biết và đón nhận Hoàng Tử bình an vào trong cuộc của họ, Ngài sẽ làm cho họ bình an như chúng ta. Amen.
17.Lễ vật dâng Chúa
(Suy niệm của Lm. Phạm Quốc Hưng, CSsR.)
"Và vào nhà, họ thấy Hài Nhi cùng Maria mẹ Ngài, và họ phục mình xuống yết bái Ngài; đoạn mở tráp báu họ dâng Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược"
Một trong những câu tiếng Anh mà tôi thích hơn cả là "You can give without loving, but you can"t love without giving". Tạm dịch là "Bạn có thể cho mà không yêu, nhưng bạn không thể yêu mà không cho".
Mùa Giáng sinh là mùa chúng ta thấy rõ sự thật chứa đựng trong câu nói trên. Thật vậy, trong những ngày này người ta thường quan tâm đến việc mua sắm quà cáp tặng nhau. Các món quà tặng nhau có thể khác biệt từ những thứ đơn sơ như một lá thư, một cánh thiệp, một cú điện thoại chúc lễ, một phong bì với mấy tờ giấy bạc, một chiếc áo ấm, một chiếc quần tay hay đến những thứ mắc tiền như chiếc nhẫn kim cương, hoặc một chiếc xe mới. Giá trị vật chất của các món quà có thể khác nhau, nhưng mục đích của chúng thì giống nhau: chúng bày tỏ sự lưu tâm thương mến quý trọng của người cho dành cho người nhận.
Nếu việc trao tặng không phát xuất từ tình thương mà chỉ cốt để thỏa mãn các đòi hỏi của sự công bình, để cầu cạnh trục lợi hay dụ dỗ, thì người ta không gọi tặng phẩm là quà tặng nữa, nhưng là tiền công, là của hối lộ hay miếng mồi đặt bẩy.
Tương quan giữa Thiên Chúa và con người là tương quan yêu thương. Hơn nữa, Thiên Chúa chính là Tình Thương. Mọi việc Người làm cho nhân loại đều phát xuất từ tình thương vô biên của Người dành cho họ. Vì vậy, mọi sự con người đón nhận từ Thiên Chúa đều là những quà tặng tình thương và nhằm mục đích giúp chúng ta bước sâu hơn vào liên hệ yêu thương với Người.
Trong tất cả những quà tặng Thiên Chúa trao ban cho con người, Chúa Giêsu chính là món quà vượt trên tất cả. Ngài chính là món quà tự thân của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nghĩa là Thiên Chúa đã trao ban chính mình Người cho nhân loại nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, như thánh Gioan viết: "Quả Thiên Chúa đã yêu thương thế gian như thế (đó) đến đỗi thí ban Người Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời" (Jn 3:16).
Đó chính là một trong những ý nghĩa sâu xa nhất của lễ Giáng sinh.
Tình thương chỉ có thể đáp trả bằng tình thương. Nếu trong lễ Giáng sinh, chúng ta đã có dịp chiêm ngắm tình thương tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho loài người nơi Chúa Hài Đồng, thì hôm nay - lễ Hiển linh - chúng ta có dịp học hỏi với ba nhà Đạo sĩ mà ta thường gọi là ba Vua về sự đáp trả của con người trước quà tặng tự thân của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu và những lễ vật mà Thiên Chúa muốn đón nhận từ con người chúng ta.
Theo Tin mừng thánh Matthêô, lễ vật ba Đạo sĩ dâng lên Chúa là vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng là quý kim và là biểu tượng của hàng vương giả; nhũ hương là loại hương dùng trong việc thờ phượng Thiên Chúa và các bậc thần linh; và mộc dược là thước dùng trong việc tẩm liệm người chết.
Qua việc dâng tặng Chúa Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược, các Đạo sĩ đã thay mặt Hội thánh để tuyên xưng Chúa Giêsu là Vua vũ trụ và là Vua Tình yêu, Đấng đáng được muôn loài suy phục và đáng được ngự trị trong tâm hồn từng người; Ngài chính là Thiên Chúa Chí Tôn đáng được mọi người thờ lạy với tình yêu tuyệt đối; và Ngài đã vì yêu thương chúng ta nên đã mắc lấy bản tính và thân phận con người của ta, nên giống chúng ta mọi sự chỉ trừ tội lỗi, và tột đỉnh của tình yêu hiệp nhất Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Chúa Giêsu chính là việc Ngài đã chia sẻ sự chết của ta.
Vàng, nhủ hương và mộc dược ở đây cho ta thấy địa vị siêu việt của Chúa Giêsu. Đồng thời, những lễ vật này cũng nhắc chúng ta nhớ đến phẩm giá cao trọng tuyệt vời của ơn gọi làm người Kitô hữu. Vì khi chịu phép Thánh tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, được trở nên chi thể của Thân thể nhiệm mầu của Chúa là Hội thánh. Chúng ta được Chúa Kitô cho chia sẻ chính địa vị vương đế, tư tế và ngôn sứ của Người. Thánh Phêrô đã gọi chúng ta là "dòng giống được lựa chọn, hàng tư tế hoàng vương nước thánh thiện, dân được chọn là sở hữu" của Chúa để ca ngợi vinh quang Chúa (1 Pet 2:9).
Qua việc mạc khải cho chúng ta biết những lễ vật ba Đạo sĩ - những người đại diện đầu tiên của Hội thánh - đã dâng tiến Chúa Hài đồng, Chúa muốn chúng ta cũng phải dâng tiến Chúa những lễ vật mà vàng, nhũ hương và mộc dược đã được chọn làm biểu tượng. Chúa muốn chúng ta dâng tiến Người vàng ròng là lòng mến yêu tuyệt đối dành cho Người qua việc sống trọn vẹn giới luật mến Chúa yêu người. Chúa muốn chúng ta dâng tiến Người nhũ hương của một đời sống được thấm nhuần bầu khí nguyện cầu mà đỉnh cao là hy lễ Thánh thể, khi chúng ta được nên một với Chúa Giêsu để dâng lên Thiên Chúa một động tác yêu mến tôn thờ cao trọng nhất. Chúa muốn chúng ta dâng tiến Chúa mộc dược của một sự bỏ mình liên lỉ qua những hy sinh to nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như một sự nối dài của cái chết hy sinh trên thập tự của Chúa Giêsu, để qua đó chúng ta được chia xẻ vinh quang phục sinh của Người.
Với tinh thần yêu thương hiệp nhất, cầu nguyện và hy sinh, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên giống cuộc sống của chính Chúa Kitô và làm thành một lễ vật sống động đẹp lòng Chúa. Đây chính là điều thánh Phaolô từng kêu gọi các tín hữu tiên khởi phải nỗ lực thực hiện: "Vậy hỡi anh em, nhân vì lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi khuyên anh em: hãy hiến dâng thân mình anh em làm lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em. Đừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương trí, mà biến hình đổi dạng, làm sao cho anh em thẩm định được ý định Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành, thú vị, trọn hảo" (Rm 12:1-2).
Chúng ta còn phải học với ba Đạo sĩ cách thức dâng tiến lễ vật lên Chúa Giêsu. Tin mừng hôm nay thuật rằng "Và vào nhà, họ thấy Hài Nhi cùng MariaMẹ Ngài, và họ phục mình xuống yết bái Ngài; đoạn mở tráp báu họ dâng Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược" (Mt 2:11).
Khi ấy, Chúa Giêsu là một Hài Nhi mới sinh còn hoàn toàn tùy thuộc sự chăm sóc của Mẹ Maria. Chúa chưa thể tự mình đón nhận lễ của ba Đạo sĩ. Người muốn Mẹ Maria thay Người đón nhận lễ vật của các ông. Về phía ba Đạo sĩ, khi gặp Chúa Hài Nhi và phục bái Người thì các ông luôn gặp Chúa và phục bái Người bên cạnh Mẹ và có lẽ Chúa Hài Nhi đang ở trong vòng tay Mẹ. Chắc chắn lúc ấy các lễ vật của ba Đạo sĩ chỉ được Chúa đón nhận bằng một cách duy nhất: qua tay Mẹ Maria!
Đó là lý do tại sao các tín hữu đích thực của Chúa Kitô qua mọi thời đại luôn noi gương ba Đạo sĩ và làm theo ý Chúa khi biết nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, để yêu mến Chúa, và để tận hiến cho Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ day chúng con luôn biết sống đẹp lòng Chúa bằng tinh thần yêu thương bác ái, cầu nguyện và hy sinh, để xứng đáng với ơn gọi làm con Chúa, là Kitô hữu của mình. Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết nhờ Mẹ để đến với Chúa, để yêu mến Chúa, và tận hiến cho Chúa, như gương ba Đạo sĩ năm xưa. Amen.
18.Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Chúng ta đang mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Hài Nhi GiêSu đã tỏ mình ra cho các mục đồng, đại diện cho dân Israel, dân riêng của Thiên Chúa. Người còn tỏ mình ra cho Các Đạo Sĩ Phương Đông, đại diện cho lương dân, qua ánh sao lạ. Các Đạo Sĩ này là những người thành tâm, thiện chí, họ khao khát đi tìm ý nghĩa của ánh sao lạ ấy.... Khi đã gặp được Hài Nhi, họ dâng lễ vật cho Ngài.
Trước đó bảy thế kỷ, Isaia đã hé mở cho dân Chúa thấy ý nghĩa lớn lao ngang qua sự xuất hiện vinh quang của Thiên Chúa “Hãy bừng lên, hãy tỏa sáng ra hỡi Giêrusalem. Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân”. Điều Isaia loan báo, đã không chỉ làm nức lòng những trái tim héo úa, làm phấn khởi những ngón tay rã rời. Khơi lên niềm hy vọng lón lao cho dân, mở ra con đường trở về cho dân ngoại. Chính trong bối cảnh đó, Thiên Chúa đã nhìn đến con người, và Ngài đã sai Con của Ngài sinh bởi người nữ. Ngài đang tỏa sáng trên dân Ngài, nhưng không phải chỉ riêng cho người Do Thái mà là cho tất cả mọi người, mọi dân tộc.
Thật vậy, hôm nay bằng ánh sao lạ, Ngài đã chỉ cho các đạo Sĩ của Phương Đông, trông lên trời cao và tìm đến để thờ lạy vị Vua Cứu Tinh vừa mới giáng sinh. Vượt lên trên mọi tính toán, mọi khó khăn, mọi nguy hiểm, mọi vất vả, các đạo sĩ đã vội vã lên đường. Bằng tấm lòng chân thành khát khao tìm chân lý và ánh sáng, các đạo sĩ đã chấp nhận dấn thân vào cuộc phiêu lưu, mang trong mình hành trang là niềm tin để bước theo ánh sao lạ. Tuy nhiên, cũng không thiếu giây phút mà ngay cả một chút ánh sáng của niềm tin cũng vụt tắt để nhường lại cho những mò mẫm của đêm tối tăm. Cho dù găp phải hoàn cảnh bất lợi như thế, ba đạo sĩ không thất vọng, không chán nản bỏ cuộc, trái lại bằng tất cả sự nổ lực, các ngài đã tìm đấn với Vua Hêrôdê, để khơi thêm ánh sáng cho niềm tin đã sắp tắt lịm. Quả thật, Thiên Chúa không để cho những kẻ tìm kiếm Ngài phải hổ ngươi thất vọng. Đáp lại tấm lòng của họ, Thiên Chúa đã tỏ mình, hiển linh trước mặt họ trong thân phận của một Hài Nhi, hiền hòa trong trắng nằm trong máng cỏ. Sự kiên trì, chân thành tìm kiếm của họ nay đã được toại nguyện. Với tất cả sự thành kính, họ đã dâng lên Hài Nhi Giêsu: Vàng, Nhũ hương, Mộc Dược..tượng trưng cho lòng tin, cậy, mến yêu của mình. Đáp lại lòng thành kính và những lễ vật của họ, Ngài đã ban tặng họ niềm vui, sự an bình,..và mở ra cho họ con đường mới, một lối đi của tình thương và hạnh phúc, không còn âm mưu và nguy hiểm.
Còn Hêrôđê và Giêrusalem khi nghe biết về ánh sao lạ mà các nhà đạo sĩ cho biết thì đâm ra lo lắng, hoang mang, bối rối,...Họ chỉ lo cho cuộc sống trước mắt, cơm áo gạo tiền.Danh vọng và quyền uy đã chiếm hết trong cuộc sống của họ. Sự ảnh hưởng, quyền lợi ích kỷ...đã làm cho mắt họ không còn nhìn thấy ánh sao lạ, lòng họ không còn trong sáng đủ để khám phá ra tiếng Chúa đang hối thúc, và không còn sự khát khao đi tìm kiếm chân lý...Cuộc sống của họ đang “ngon cơm ngọt canh” mà bổng dưng Vị Vua mới lại xuất hiện...Có thể Ngài sẽ phá vỡ nồi cơm hay chăng? Và Ngài sẽ làm họ mất ảnh hưởng, cùng đi theo là mất luôn những quyền lợi trần thế...Do đó, họ phải hoảng sợ và lo lắng.
Khi đặt mình trước bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy mình đang được Chúa tỏ mình ra qua các dấu chỉ và các biến cố xảy đến hằng ngày. Vậy ta lấy mắt đức tin để nhìn ra các ánh sao mà Chúa đang gởi đến: Lời Chúa, Giáo Huấn của Giáo Hội, các Bí Tích, qua lương tâm, qua các biến cố trong cuộc sống, để giống như các đạo sĩ, ta quảng đại dấn thân, quên mình không ngại khó, kiên trì và nhẫn nại đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Ngôi sao đã vụt tắt khi các đạo sĩ dừng chân tại Giêrusalem. Trong cuộc sống, tiền bạc, quyền lực khôn ngoan, … không phải là chỗ dựa vững chắc để ta tìm gặp Con Thiên Chúa. Kinh nghiệm ấy giúp ta dứt mình ra khỏi những níu kéo của tiển bạc vật chất, mà ngược lại ta phải bám chắc vào Lời Chúa để làm hành trang tìm kiếm Chúa cho cuộc đời mình.
Gặp được Chúa, Các đạo sĩ đã được đổi mới. Mỗi lần gặp Chúa, phải được đánh dấu bằng cuộc đổi mới. Nếu ta thành tâm thiện chí, khao khát muốn gặp Chúa, thì Chúa sẽ có cách tỏ mình ra, Ngài sẽ thánh hóa, thăng tiến và biến đổi con người chúng ta nên tốt hơn, thánh thiện hơn.
Xin cho chúng ta biết lấy đức tin để nhìn ra ánh sao Lời Chúa, dâng lên Chúa tấm lòng yêu mến chân thành, những nổ lực, hy sinh,...từ bỏ con đường cũ để theo ánh sáng Chúa, ta đến với Chúa để đón nhận niềm vui, bình an và hạnh phúc của Chúa.
19.Khát vọng tìm Chúa
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Chánh)
1/ Nếu thử hỏi: Khát vọng sâu xa nhất của con người là gì?
Trước câu trả lời này ta thấy có những thái độ chọn lựa khác nhau: Sẽ có nhiều người nghĩ rằng tiền của, vật chất, địa vị, danh vọng, quyền lực, có khi ngay cả lạc thú, những thứ này sẽ là nguyên nhân khơi lên lòng ước muốn nơi họ. Từ xác tín mơ hồ đó, sẽ phát sinh những cách sống chỉ biết tôn thờ vật chất, tôn thờ quyền lực, cùng với những thứ giả dối khác...
Ngược lại, cùng một câu hỏi, nhưng ta lại thấy những tương phản với sự lựa chon theo chiều hướng duy vật trên. Đó là vẫn còn rất nhiều người xác tín rằng: Chúa chính là Đấng luôn đáp ứng cho những khát vọng sâu xa nhất trong cõi lòng con người. Đây chính là xác tín đúng nhất và sâu xa nhất.
Từ xác tín khiêm tốn trên, thực tế ta thấy rất nhiều tâm hồn trong cuộc sống họ không ngừng khao khát tìm gặp Chúa, cho dẫu họ phải hứng chịu nhiều thử thách cam go trong cuộc hành trình tìm Chúa.
Như vậy, cùng một câu hỏi, nhưng câu trả lời thì không giống nhau, luôn có sự tương phản với nhau. Bởi vì có những thái độ chon lựa khác nhau. Sự tương phản này chúng ta cũng tìm thấy nơi thái độ của các nhân vật trong trang Tin mừng hôm nay, khi Chúa sinh hạ tại Bêlem.
2/ Thái độ của Vua Hêrôđê, các Thượng tế, Luật sĩ và Dân chúng:
Đây là thái độ thờ ơ, không cần bận tâm trước một sự kiên vĩ đại là Vua Israel hạ sinh. Mặc dù Đấng Cứu Thế giáng sinh cách Giêrusalem không xa, hay sau khi đã tra cứu Kinh thánh và biết rằng tại Bêlem, miền đất Giuđa, Vị lãnh tụ của Israel ra đời. Đây là những yếu tố khách quan để Hêrôđê và mọi thành phần trong dân Israel nhận biết Chúa, tìm kiếm Chúa. Nhưng cũng vì quá mải mê với cách sống giàu sang, quá ham muốn với cuộc sống danh vọng và địa vị, nên những người này cảm thấy Đấng Cứu Thế cũng không cần thiết mấy so với những quyền hành và bổng lộc mà họ đang nắm trong tay. Vì thế họ cố tình không dò xét và tìm hiểu Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Vua Israel là Đấng Kitô.
3/ Thái độ của các nhà chiêm tinh:
Đó là thái độ ngược hẳn với Vua Hêrôđê, các Thượng tế, Luật sĩ và dân Israel. Các nhà chiêm tinh luôn kháo khát Đấng Cứu Thế. Vì qua sự thiện chí nghiên cứu thời giờ, tín hiệu, nhất là qua ánh sao lạ, họ đã biết Đấng Cứu Chuộc muôn dân đã hạ sinh. Vì thế, họ quyết tâm lên đường tìm Chúa cho bằng được.
Tuy nhiên, trong chặng hành trình kiếm tìm Đấng Cứu Thế, các nhà chiêm tinh cũng đã gặp không ít những khó khăn. Khó khăn về thời gian, đi mà không biết đến lúc nào mới gặp được Chúa. Khó khăn về địa lý, bởi vì đường xá xa xôi hiểm trở. Khó khăn về những dự định cho công việc tại quê nhà. Khó khăn về sức khoẻ, thời tiết. Và khó khăn lớn nhất đối vời các nhà chiêm tinh là ngôi sao lạ dẫn đường biến mất trong chặng hành trình họ đang tìm Chúa.
Cho dù có đối diện với rất nhiều khó khăn, hay có phải rơi vào những hiểm trở chông gai. Các nhà chiêm tinh vẫn cương quyết đi tìm Chúa cho đến cùng. Vì lúc này đối với các ông Chúa chính là tất cả. Và nơi Ngài sẽ đáp ứng cho tất cả những khắc khoải của con người.
Và rồi "kiên nhẫn đã thắng mọi sự". Các nhà chiêm tinh đã gặp được Chúa. Cử chỉ các ngài sụp xuống thờ lạy Chúa, dâng vàng, nhũ hương và mộc dược, tất cả đều thể hiện niềm xác tín: Chúa là tất cả. Chúa là Đấng duy nhất để con người theo đuổi. Chúa là đối tượng duy nhất để đem niềm vui cho con người. Chúa là đối tượng duy nhất để con người tôn thờ và kính bái. Đây chính là thái độ đức tin của các nhà chiêm tinh. Nhờ thái độ đức tin kỳ diệu ấy, chúng ta đã thấy có sự biến chuyển cách sống nơi họ.
4/ Sau khi đã gặp được Chúa và thờ lạy Chúa.
Các nhà chiêm tinh ra về mang theo tâm trạng của những con người đang dâng trào niềm vui mới và cách sống mới. Niềm vui mới đã đem đến cho họ một chon lựa mới. Đó là phải sống theo đường lối mà họ mới nhận ra nơi Chúa. Đường lối mới là họ phải xa tránh và không đi trên lối mòn của con đường cũ, nhưng phải bước đi trên những nẻo đường mới của con người mới. Đây là kết quả của những thiện chí, thể hiện qua sự hy sinh và khao khát kiếm tìm Chúa nơi các nhà chiêm tinh. Những thiên chí của các nhà chiêm tinh đã được Chúa bù đắp bằng sự biến đổi đột ngột nơi bản thân các ngài. Sự biến đổi bằng ơn thánh của Chúa đã đem đến cho các nhà chiêm tinh niềm hạnh phúc thật sự, cũng như những khát mong Thiên Chúa xuất phát từ cõi lòng khiêm tốn chân thành nơi các ngài, đã được lắp đầy bằng ơn thánh Chúa đã tặng ban. Chắc chắn từ giây phút bất ngờ sau khi đã được biến đổi, sẽ là mốc điểm để các nhà chiêm tinh khởi sự bằng đời sống mới liên tục trong Đấng Cứu Độ trần gian.
5/ Khi con người cứ mải mê kiếm tìm
Khi con người cứ mải mê kiếm tìm và sống trong sự hưởng thụ thoả mãn nơi vật chất, tiền của, địa vị, danh vọng, lạc thú. Chắc chắn lối sống ấy không bao giờ đem lại ích lợi gì cho con người. Đó là một cuộc sống vô nghĩa. Đôi khi nó sẽ hướng hành động của con người đi đến tính ích kỷ, bất công, tham lam, tham ô, gian dối... Vì con người có thể dùng mọi thủ đoạn để đạt tới cách sống giả dối, luôn lệ thuộc những thứ mau qua của trần gian.
Ngược lại, khi con người biết khiêm tốn kiếm tìm chính Chúa là nguồn hy vọng của con người. Chắc chắn cuộc kiếm tìm ấy sẽ mang đến cho con người một cuộc sống lý tưởng cao đẹp. Một cuộc sống đã được Chúa đổi mới bằng ơn thánh. Một cuộc đời luôn có " Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" hiện diện trong mỗi hoàn cảnh. Một cuộc sống mà Chúa sẽ hướng dẫn mỗi người phải hành động như thế nào cho phù hợp với ý Chúa. Đó là một cách sống luôn tôn trọng sự thật, luôn quý trọng công bình, luôn tôn trọng quyền lợi của cá nhân và tập thể, luôn biết xây đắp bình an và gieo rắc công bình cho mọi người và mọi nơi đang cần sự công bình.
Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp chúng con luôn tin tưởng rằng, Đức Giêsu Kitô Con Mẹ, là Đấng luôn đem lại lý tưởng cao đẹp cho con người, luôn bù đắp cho những khát vọng sâu xa nhất trong cõi lòng con người. Xin Mẹ hướng dẫn đời sống chúng con, luôn là cuộc lên đường để tìm Chúa không ngừng. Nhờ vậy đời sống chúng con sẽ được biến đổi thật sự, khi đã gặp được Đức Kitô Đấng muôn dân mong đợi, như các nhà chiêm tinh trong bài Tin mừng hôm nay. Amen.
20.Đi theo ánh sao
Rất nhiều người đã tới nhà thờ trong đêm Giáng sinh, nhưng thử hỏi có mấy ai đã thực sự gặp gỡ Chúa như ba nhà đạo sĩ phương đông?
Chúa Giêsu không phải là người khó tính, đến như các trẻ mục đồng, thuộc hàng khố rách áo ôm, cũng có được một chỗ đứng bên máng cỏ. Nhưng rõ ràng là qua đoạn Tin Mừng chúng ta thấy được rằng sự kiện Chúa ra đời đã thực sự khuấy động khá nhiều người từ vua Hêrôđê, các thượng tế và luật sĩ, đến quần chúng nhân danh thành Giêrusalem và cả những nhà đạo sĩ xa xôi.
Tuy nhiên những người đã để cho sự kiện Chúa ra đời khuấy động tới cùng lại chỉ có ba nhà đạo sĩ vốn bị liệt vào hạng những kẻ ngoại, những người ở ngoài. Hêrôđê quả có đi tìm Chúa, nhưng là để thủ tiêu Ngài chứ không phải để gặp Người. Các thượng tế và các luật sĩ thuộc giới đền thờ, là những người có đầy đủ các điều kiện tạm gọi là khách quan rát thuận lợi để gặp Chúa. Họ là những nhà thông hiểu thần học và Thánh Kinh. Kẻ khác còn phải nhờ đến họ để biết được Người sinh ra ở đâu. Nhưng theo Tin Mừng thì xem ra họ không rời đền thờ nổi. Trong khi đó Chúa lại sinh ra nơi máng cỏ Bêlem. Làm sao họ có thể gặp được Người? Còn những người dân khác của kinh thành Giêrusalem thì lại hoảng hốt, thay vì vui mừng trước cái tin Đấng mình mong đợi đã sinh ra.
Và cuối cùng chỉ còn lại ba nhà đạo sĩ đã đến được bên máng cỏ cùng với những trẻ mục đồng. Các nhà đạo sĩ tới được với Chúa là vì các ông đã nhận ra dấu lạ, hay cái mới trong lúc các ông làm công việc thường ngày của mình. Các ông đã tìm hiểu ý nghĩa của cái mới và chân thành theo dõi, cho dù phải thực hiện một cuộc hành trình ngàn dặm với bao nhiêu là vất vả.
Ai gõ thì sẽ mở cho, ai tìm thì sẽ gặp. Đến nhà thờ mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải có cả một cuộc hành trình tìm kiếm Chúa. Ngài mời gọi bằng những dấu chỉ của thời đại. Phải tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ ấy, hay đúng hơn, để biết được giữa muôn vàn sự kiện của cuộc sống thường ngày, giữa muôn vàn vì sao lấp lánh trên bầu trời, sự kiện nào có giá trị của một ánh sao lạ, dẫn chúng ta đến với ơn cứu rỗi.
Chúa đến cho tất cả mọi người, thế nhưng Tin Mừng cho chúng ta thấy không phải tất cả mọi người đều đã được gặp Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam