Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1362133

BA CHƯỚC CÁM DỖ

BA CHƯỚC CÁM DỖ

 

(Suy niệm của Lm. JB. Lê Ngọc Dũng)

Chúa Giêsu cũng đã bị cám dỗ. Con người chúng ta cũng luôn bị cám dỗ. Chúng ta hãy thử khảo sát ba cám dỗ dưới ba chiều kích tương quan  với Chúa, với con người và với tạo vật và cách ứng xử của Chúa Giêsu để học đòi, theo gương của Ngài.

Trong cám dỗ thứ nhất, ma quỷ nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4,3).

Cám dỗ thứ nhất có thể được nhìn thấy như là một loại cám dỗ tin vào khả năng của mình. Nó biểu hiện ở chỗ cám dỗ Đức Giêsu tin rằng mình có thể làm hòn đá trở nên bánh. Đây là một loại cám dỗ chỉ tin vào mình mà thôi.

Nhiều người không tin tưởng vào Thiên Chúa. Họ tin vào khả năng sức lực của mình. Họ nói: Bàn tay ta làm nên tất cả. Đối với họ, Ông Trời phải đứng qua một bên, vì họ tin rằng với khả năng, kiến thức, vào kinh nghiệm, của mình, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Trong cơn dịch cúm corona đang hoành hành, mang lại tai họa khá nặng nề cho thế giới, con  người mới thấy khả năng của mình hạn hẹp như thế nào. Đối với một số người đang làm ăn buôn bán phát đạt, nay bị phá sản, cảm thấy rằng bàn tay ta không làm nên tất cả. Ngược lại, tất cả công lao gắng sức, bây giờ thì không còn gì cả, chỉ còn mang một gánh nợ.

Chống lại với cám dỗ này, Đức Giêsu đã tỏ ra tin tưởng vào Thiên Chúa, Ngài nói “Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Trong cám dỗ thứ hai, ma quỷ đã nói với Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Mt 4,5).

Cám dỗ thứ hai này, thì ngược lại với cám dỗ thứ nhất, như là loại cám dỗ chỉ tin vào Thiên Chúa, nhưng với ý nghĩa là chỉ tin vào phép lạ của Thiên Chúa một cách phi lý. Tự căn bản cám dỗ này hệ tại ở chỗ cậy trông vào phép lạ, ở chỗ coi mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bằng cầu nguyện và kiên nhẫn chờ đợi; không cần phải lo lắng, suy tính; không cần cố gắng hay làm chi cả. Cám dỗ này nói rằng Thiên Chúa quyền năng sẽ làm hết; mọi cố gắng của con người coi như là vô ích.

Đã có một thời, diễn ra hiện tượng các bà bầu. Một số phụ nữ hiếm muộn, không thể sinh con, chạy đến cầu xin cùng Chúa. Họ được dặn dò rằng, là phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, như là có đức tin chuyển núi dời non. Vì vậy, họ không được đi siêu âm để xem mình có thai hay không. Quả thật, bụng họ đã to ra, như là có bầu. Tuy nhiên, họ đã mang bầu vài ba năm rồi mà vẫn không thể sinh con.

Một bà đã tâm sự rằng: “Thưa cha, con ngu dại quá, do ăn uống nghĩ ngơi, dưỡng thai, nên cái bụng nó tích mỡ, to ra, chứ có bầu gì đâu. Con đã bỏ nhà đi cầu nguyện miết. Chồng con không cho đi, rồi sinh ra cãi cọ với chồng. Bây giờ chồng con đã ly dị, đã bỏ con rồi, vì con không nghe lời ổng! Nay con rất đau khổ và ân hận!”

Đối với cám dỗ thứ hai này, Chúa Giêsu đã trả lời cho ma quỷ rằng: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4,7).

Vì vậy, chỉ tin vào phép lạ của Thiên Chúa, cũng có nghĩa là thử thách Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa.

Trong cám dỗ thứ ba, quỷ nói rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” (Mt 4, 9).

Cám dỗ thứ ba này lại là loại cám dỗ không tin vào chính mình, cũng chẳng tin vào Thiên Chúa nhưng tin vào những thần tượng.

Ta không cúi đầu trước bức tượng thần, nhưng nhiều khi ta đã có thể cúi mình trước thần tượng của ta mà ta không biết. Khi ta coi khoa học kỷ thuật tiên tiến mới giải quyết hết mọi vấn đề, thì ta đã cúi mình thờ lạy thần tượng khoa học kỷ thuật. Khi ta cho rằng, chỉ có những chế độ chính trị tốt mới giải quyết được những khó khăn của nhân loại, thì ta đã cúi mình thờ lạy thần tượng chính trị. Khi ta coi vàng bạc sẽ giúp gỉai quyết mọi vấn đề, thì ta đã cúi đầu trước thần tượng vàng bạc. Khi ta cho rằng phải học, như một số em học sinh chỉ lo học, cái học là trên hết, học ngày học đêm, học trường chưa đủ, tranh thủ học thêm, còn việc học đạo lý, giáo lý thì bỏ qua, thì lúc đó ta đã bái lạy thần tượng phát triển trí tuệ con người.

Trước cám dỗ này  Đức Giêsu đã từ chối mọi thần tượng để chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, Ngài nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4,10).

Chúa Đức Giêsu đã thắng các cơn cám dỗ. Ngài chỉ cho chúng ta thấy là cần phải vừa tin tuởng nơi Thiên Chúa, vừa tin tuởng vào chính mình, hai điều này liên kết chặt chẻ với nhau không được tách rời.

Điều này thật có ý nghĩa trong mùa Chay thánh, mùa của ăn năn thống hối và cải thiện đời sống. Khi chúng ta cảm thấy mình như thất bại trước những tật xấu của mình, rồi sinh ra thất vọng, ù lì, thì hãy học cách vượt thắng như Chúa Giêsu. Đó là tin tưởng vào Thiên Chúa và tin vào sức cố gắng của mình. Hy vọng rằng phương cách này sẽ giúp chúng ta cải thiện được đời sống, biến đổi cuộc sống mình được mỗi ngày một tốt hơn.

 

23.Cám dỗ - Lm Hưng Long, CRM

Trong một câu chuyện thân mật giữa một tu sĩ già 70 tuổi và một tu sĩ trẻ, tu sĩ trẻ tâm sự: "Ở cái tuổi của tôi, cơn cám dỗ tôi cảm thấy phải chiến đấu dữ dằn nhất là làm sao giữ được tâm hồn trong sạch. Không hiểu tới tuổi nào thì cám dỗ mới chịu tha!" Vị tu sĩ già cười và tếu táo nói: "Tuổi 70". Thế rồi vào một ngày nọ khi hai tu sĩ đang coi TV giải trí, bất thình lình hình ảnh hai anh chị yêu nhau thân mật hiện lên. Đêm về hai tu sĩ chứng kiến cảnh chiến đấu trằn trọc của vị tu sĩ già: "Không được! Không được! Tội lỗi! Tội lỗi! Xin Chúa thương xót con!". Sáng hôm sau, tu sĩ gia gặp tu sĩ trẻ và nói: "Bạn còn nhớ những gì tôi nói với bạn hôm nao về vấn đề cám dỗ không? Về cái tuổi không còn bị cám dỗ nữa đó? Tôi lầm rồi. Đúng ra là 71 tuổi chứ không phải là 70".

Câu chuyện cho thấy cám dỗ thử thách là một kinh nghiệm lâu dài trong suốt cuộc đời tại thế. Cám dỗ đến với mọi người bất kể tuổi tác, nam nữ, hay cấp bậc văn hoá. Cám dỗ đến với mỗi người cách khác nhau, tùy theo tính tình, hoàn cảnh sống, và khả năng của mỗi người. Cám dỗ chỉ kết thúc khi ta nhắm mắt lìa đời.

Thiên Chúa cho phép cám dỗ xảy ra như phương thế giúp chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với Ngài, lớn lên trong nhân đức, và trưởng thành hơn. Thánh Phaolô cho biết Thiên Chúa không để cho chúng ta bị cám dỗ quá sức mình, ám chỉ là Thiên Chúa cho phép cám dỗ xảy ra trong giới hạn của chúng ta. Vì thế cám dỗ không phải là tội. Chúng ta tin chắc rằng những cám dỗ chúng ta gặp hàng ngày cũng nằm trong ý định của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Trong bài Phúc âm hôm nay, thánh Matthêô trình bày cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trước khi Người bắt đầu sứ mạng công khai rao giảng Tin mừng. Trong ba cơn cám dỗ ma quỉ xúi giục Ngài: thứ nhất hãy biến đá thành bánh, thứ hai hãy thi hành quyền bính trên dân chúng, và thứ ba hãy cứu mình khỏi phải chết.

Trong cơn cám dỗ thứ nhất ma quỷ đề nghị với Chúa là Ngài có thể chiếm được sự kính trọng và biết ơn của dân chúng bằng việc đáp ứng nhu cầu vật chất của họ. Chúa đã chống lại chước cám dỗ bằng việc nhìn nhận là trong cuộc sống còn nhiều cái quan trọng hơn thỏa mãn giác quan. Chỉ có của ăn vật chất không thì chưa đủ.

Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đề nghị với Chúa là Ngài có thể biểu diễn quyền lực phi thường để làm cho dân chúng kinh ngạc và do đó có thể thu hút lôi kéo họ. Chúa Giêsu đã thẳng thắn khẳng định là Ngài không muốn dùng quyền phép để ép dân chúng theo ý Ngài. Thứ quyền bính đó là thứ quyền bính của ma quỷ, chỉ trói buộc dân chúng. Chúa Giêsu muốn tình yêu của con người được tự do dâng hiến. Ngài mời gọi họ trở nên con cái Chúa chứ không muốn ép họ.

Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ cám dỗ Ngài tránh né con đường thánh giá đau khổ đưa tới cái chết thê thảm. Chúa Giêsu đã từ chối con đường vinh quang thế tục và chấp nhận con đường thánh giá đau khổ. Chính con đường phục vụ và đau khổ thập giá đã chiến thắng sự chết và dẫn tới sự phục sinh vinh quang.

Chúa Giêsu bị cám dỗ trong mọi lãnh vực như chúng ta, nhưng Ngài đã không phạm tội. Ngài được đầy tràn Thánh Thần, Đấng đã nâng đỡ Ngài qua cơn cám dỗ và giúp Ngài chiến thắng thần dữ. Ngài dựa trên Lời Chúa như một vũ khí vũng chắc để đối phó với tất cả những cám dỗ thử thách. Ngài thật là gương mẫu cao cả đáng cho chúng ta noi theo trong việc đối phó với mọi chước cám dỗ.

Mùa Chay là cơ hội tốt giúp chúng ta sống gần Chúa và tiến tới sự đầy tràn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu chấp nhận của an và sức mạnh của Thiên Chúa và can đảm từ chối đường lối của ma quỷ, từ chối của ăn và quyền lực nọ trao tặng. Chúng ta hãy tin tưởng Thiên Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta trong tất cả những gian nan thử thách.

 

24.Cám dỗ của ngày hôm nay – An Phong

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về nguồn cội của thân phận con người: tội lỗi. Nguyên tổ Adong, Evà đã sa chước cám dỗ của Satan, và tội lỗi đã đột nhập vào thế gian. Chính đó là nguyên nhân của biết bao khốn cực trong cuộc sống nhân loại: "Chỉ vì một người, tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (bài đọc 2).

Nhưng Lời Chúa hôm nay không dừng lại ở vấn đề tội lỗi, mà muốn trình bày cho chúng ta biết Ơn Cứu độ trong Đức Giêsu Kitô… "… nhờ một người thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa cho trở nên công chính, nghĩa là được sống" (Bài đọc 2).

Đây là một lời khẳng định có liên quan đến tất cả nhân loại: tất cả mọi người đều bị chi phối dưới quyền lực của tội lỗi; chỉ có một con đường giải thoát dành cho con người, đó là Ơn Cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

Con đường mà cả nhân loại đã đi và đã thất bại, thì nay chính Đức Giêsu đã đi lại con đường đó, con đường làm người, chấp nhận mọi tội lụy của con người; và Ngài đã chiến thắng cám dỗ của Satan.

Cám dỗ ngày hôm nay cũng vẫn còn đầy dẫy: đó là những cám dỗ của nẻo đường Satan, cám dỗ muốn theo cách thức của Satan để giải quyết cuộc đời mình, cám dỗ tìm niềm vui và sự thành đạt cuộc đời trong lạc thú, quyền lực và của cải.

Người kitô hữu chỉ có thể chiến thắng Satan khi hiệp thông vào cuộc chiến thắng của Đức Giêsu; nhờ tin vào sự hướng dẫn của Lời Chúa, trông cậy nơi quyền năng của Ngài, và hết lòng yêu mến phụng thờ Ngài: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra".

"Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi". (Chúa Giêsu muốn nhắc nhủ người bị cám dỗ những lời này)

Hỡi con nhỏ của Cha

Cha ở đây, Cha đâu có bỏ con

Sao con kém tin thế!

Con đã quá tự phụ!

Con vẫn còn tin cậy ở con!

Nếu con muốn lướt thắng tất cả các chước cám dỗ,

Mà không sa ngã, không suy nhược,

Con phải ý thức rằng con chưa đủ vững mạnh,

Con phải để mình được dẫn dắt

như một trẻ nhỏ, hỡi con nhỏ của Cha!

Con phải rất bé nhỏ, hoàn toàn bé nhỏ

Vì Cha chỉ yêu thương những trẻ nhỏ.

Michel Quoist

 

25.Hãy chọn Chúa – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Có một người nói với tôi: Cô A hay cám dỗ các cha, các thầy lắm đấy!

Tôi nói: cha, thầy làm sao cám dỗ được, vì họ đã chọn Chúa hơn mọi quyến rũ trần gian rồi. Họ đâu còn thèm những đam mê trần tục.

Người ấy nói: Nhưng vậy mà cũng khối cha, thầy bị cám dỗ đấy.

Tôi nói: Thực ra, nếu “Bụt ở trên cao, gà nào dám mổ”. Sở dĩ có những người bị sa ngã là họ tự bước xuống nên mới bị sa vào sự dữ. Nếu “Bụt” cứ ở trên cao, thì gà đâu với được. Nếu những người đi tu không tự mình mở đường để xuống thì các cô đâu dám đến gần, và cũng chẳng cám dỗ nào làm gì được các ngài.

Ví dụ:

+ Nhiều lần tôi vẫn đi qua biết bao hàng quán, họ bày bán đủ thứ bánh, đủ thứ đồ ăn, nhưng tôi không thèm, thì những cái bầy ra ấy cũng bằng không. Chúng chả có giá trị gì nếu bản thân tôi không có nhu cầu.

+ Nhiều lần tôi vẫn đi qua những con phố với biết bao cô gái đứng đường nhưng không phải ai đi đường cũng dừng lại để mua vui. Chúng chẳng cám dỗ được ai, nếu một ai đó không tự mình dừng lại để mua vui.

Thực ra, thế gian thì muôn màu muôn vẻ. Thế gian bày ra trước mắt biết bao cao lương mỹ vị. Nhưng không phải loại nào cũng phù hợp, cũng có lợi cho cơ thể, thế nên phải biết chọn lọc, biết dùng những cái được phép cho cơ thể khỏe mạnh, cho tâm hồn thanh sạch.

Thế nhưng, con người thường tham lam ôm đồm. Thích mọi sự, thích mọi cái. Dù biết rằng nó chẳng có lợi cho con người. Dù biết rằng có thể gây nên tai họa chết người. Con người vẫn thích cái mới, cái lạ nên tự mình sa vào sự dữ và chết trong đam mê tội lỗi.

Trong muôn vàn cám dỗ thì cám dỗ về danh lợi thú dễ đánh đổ lòng người nhất. Đó cũng chính là ba nguyên nhân gây nên biết bao khổ đau cho nhân thế. Vì nó mà nhiều người “thân tàn ma dại”, đánh mất tình người. Vì nó mà bao gia đình đau khổ, chia ly. Nhìn vào xã hội, ở nơi này nơi kia đang xảy ra những bất hoà, tranh chấp, có khi giết hại lẫn nhau và làm khổ cuộc đời nhau cũng chỉ vì tiền, tình và quyền. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn những nề nếp gia phong bởi quá tôn thờ nó. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ. Anh em bạn hữu bất hoà với nhau cũng chì vì tình, vì tiền và vì quyền. Vì nó mà người ta chà đạp lên nhau, người ta làm khổ nhau và làm hại lẫn nhau.

Ở đời, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền mà đánh mất tính người. Họ đã sa vào cạm bẫy dẫu biết rằng: “một phút huy hoàng đau khổ cả đời”. Họ vẫn nhắm mắt để tìm hạnh phúc dẫu thoáng qua trong những danh lợi thú trần gian.

Ma qủy năm xưa cũng bày ra trước mắt Chúa Giêsu những thứ rất hấp dẫn về danh lợi thú. Nó đã mời mọc Chúa ăn đi để quay lưng lại với Chúa Cha như Adam đã làm năm xưa. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy từ những hòn đất, hòn đá cũng biến thành của ăn. Nó còn hứa hẹn cho Chúa nắm gọn trong tay cả và dân thiên hạ. Có kẻ hầu người hạ. Có cơ hội hưởng dùng mọi vinh hoa phú quý trần gian.

Nhưng xem ra Chúa Giêsu đã không có những nhu cầu ấy. Ngài cần Thiên Chúa và tìm kiếm thực thi ý Chúa hơn là những phù hoa trần gian. Ngài đến trần gian không phải vì những thứ ấy mà là vì muốn ý Chúa Cha nên trọn. Những cám dỗ ấy dù được bày ra thật hấp dẫn nhưng chỉ là sản phẩm của ma quỷ nên thường là gỉa tạo và mau qua. Chỉ có Thiên Chúa mới là thật, mới trường tồn qua mọi thời gian nếu con người biết vâng nghe lời Thiên Chúa.

Có một điều là chúng ta thường đi ngược lại với chọn lựa của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khước từ danh lợi thú mau qua để chọn vâng theo thánh ý Chúa Cha, còn chúng ta lại tự đi tìm danh lợi thú mà sẵn sàng bỏ Chúa, bỏ lề luật của Chúa. Nhiều người đã vì danh lợi thú mà bán rẻ lương tâm, mà xem thường đạo lý, và bất chấp luật Chúa. Chính vì những danh lợi thú mà nhân loại đã gây nên biết bao tang thương cho nhau qua lường gạt, tranh giành, có khi còn giết hại lẫn nhau.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta “hãy chọn Chúa”. Hãy chọn Chúa thay vì mải mê đi chọn những ảo ảnh trần gian. Hãy chọn Chúa để mang lại một thế giới thanh bình thay cho một thế giới chiếm đoạt, tranh giành lẫn nhau. Xin đừng vì những danh lợi thú mau qua mà chà đạp lên nhau và gây đau khổ cho nhau. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết tâm niệm: “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa còn những sự khác hãy để Thiên Chúa định liệu phần tốt nhất cho ta”. Amen.

 

26.Những cơn cám dỗ

Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ....

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là mùa Hội Thánh kêu mời chúng ta hãy chân thành sám hối, thành tâm lắng nghe Lời Chúa và chuyên cần cầu nguyện. Mùa chay cũng nhắc nhở mọi tín hữu hãy tỉnh thức đề phòng mọi thử thách, cám dỗ của ma quỉ, nhất là không để nó lợi dụng, làm hại mình...Vì thế, Lời Chúa của ngày chúa nhật hôm nay, nói đến hai cuộc cám dỗ: một: là trong vườn địa đàng của Adam + Evà. Kết quả hai ông bà thất bại te tua, lôi kéo con cháu hư mất đời đời. Hai: là của Chúa Giêsu trong hoang địa, như là Adam mới, đại diện cho cả nhân loại; kết quả Chúa chiến thắng hoàn toàn, đem lại ơn cứu rổi cho cả loài người. Đây chính là bài học mà Hội thánh muốn chúng ta suy niệm trong chúa nhật hôm nay...

a/. Cuộc cám dỗ đầu tiên: chính ma quỉ gieo vào lòng Adam + Evà, tính tự kiêu và ngờ vực Thiên Chúa: Ông bà ăn trái đó đi, sẽ không chết đâu; nhưng mắt ông bà sẽ mở ra và sẽ sáng như TC...Mọi ý định tốt lành của Thiên Chúa đều bị đặt vấn đề, trở thành những ý xấu. Chúa cấm ông bà ăn vì sợ ông bà biết điều thiện ác như Thiên Chúa. Ma quỉ là chúa của sự nham hiểm, quỉ quyệt; vì thế ông bà không hiểu được, nên đã sập bẩy: đó là tội...

Cuộc cám dỗ thứ hai: cũng do chính ma quỉ, đã cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa. Kết quả: ma quỉ thua cuộc. Chúa Giêsu, là Adam mới, đã toàn thắng. Trước hết, khi cám dỗ Chúa Giêsu, nó cũng nhắm vào tính kiêu căng: Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho hòn đá này hóa thành bánh mà ăn...Ma quỉ dựa vào thực tế vì Chúa đói; nhưng nó rất xảo quyệt muốn tách Chúa Giêsu ra khỏi sứ mạng cao cả của Người. Chúa thực sự đang đói, nhưng Chúa từ chối thẳng thừng đề nghị của ma quỉ, vì Người luôn hướng về Thiên Chúa và luôn tìm làm đẹp Ý Chúa mà thôi, nên Người dùng lời Chúa mà trả lời nó: Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Ma quỉ chưa chịu thua, nên đề nghị Chúa biểu dương quyền lực mình bằng cách nhảy từ nóc đền thờ xuống, để mọi người phải thán phục quyền năng Chúa. Một lần nữa, ma quỉ muốn Chúa Giêsu vì tính kiêu căng, muốn tách ra khỏi sứ mạng mình, và ra khỏi cả liên hệ mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần...nhưng Chúa Giêsu quá rõ tâm địa xảo trá của nó, nên đã dùng lời Kinh Thánh mà nói: Ngươi không được thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi...

Sau cùng, ma quỉ lại nhắm vào tính kiêu căng, tham lam giàu sang thế gian. Nó nói: nếu ông thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông quyền trên tất cả các nước ấy... Dĩ nhiên trận này Chúa cũng thắng, nhưng rõ ràng, cám dỗ này là cái cám dỗ suốt cuộc đời của Chúa. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua... Một lần khác, khi đang giảng dạy, dân chúng và cả pharisêu thách thức Chúa làm một dấu lạ trên trời hay dưới đất để họ tin...Rồi trong vườn cây dầu, hấp hối cùng cực, chính Chúa cũng xin Chúa Cha cho mình khỏi uống chén đắng ô nhục này. Điều đó muốn nói, các cơn cám dỗ quá nặng nề, dù vậy Chúa vẫn vượt qua được, vì Chúa hoàn toàn vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá...

b/. Câu hỏi: Có người nói: tại sao Chúa Giêsu là Thiên Chúa lại chịu để ma quỉ cám dỗ?- Thưa vì ma quỉ chỉ cám dỗ Chúa trong bản tính loài người mà thôi; hơn nữa vì khiêm hạ, Chúa chịu cám dỗ, vì Người với tính cách là Adam mới, là Anh cả của nhân loại, đã sẵn sàng nhận chịu cám dỗ và chiến thắng chúng, nêu gương cho nhân loại chúng ta...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Cám dỗ của Chúa Giêsu cũng là cám dỗ của mỗi người chúng ta: biến đá thành bánh để, ai cũng tham sống sợ chết - thích sung sướng ở đời, thích tỏ quyền uy mình hơn mọi người khác - ham thích giàu sang vinh quang trần gian, muốn mình làm vua, muốn mình trên trước người khác... Chúa Giêsu đã sống khiêm tốn thẳm sâu, nên mới có thể chiến thắng ma quỉ, ta có muốn bắt chước Chúa Giêsu không?

 

27.Vượt thắng cám dỗ – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Người cảm thấy đói. Satan xuất hiện, mon men lại gần để cám dỗ. Chúa đã chiến thắng Satan bằng sức mạnh Thánh Thần và Lời Thiên Chúa.

1. Ba cơn cám dỗ

- Cơn cám dỗ I phát xuất từ cái đói. Ma quỷ gợi ý cho Chúa Giêsu “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3). Cơn cám dỗ về bánh nói lên ước muốn căn bản nhất là bản năng sinh tồn của con người. Thân xác với những khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.

- Trong cơn cám dỗ II, ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên thượng đỉnh đền thờ và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống coi! Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5). Ma quỷ dùng Tv 91,11 để gợi ý cho Chúa Giêsu nhảy từ nóc đền thờ xuống, xem Thiên Chúa có biểu lộ quyền năng của Người hay không. Cám dỗ thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng để tìm vinh quang cá nhân. Đó là bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh. Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình. Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men rượu, ma túy, lạc thú…

- Trong cơn cám dỗ III, ma quỷ đem Chúa Giêsu lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” (Mt 4,9). Một cơn cám dỗ đã hằng theo đuổi dân Israel, chẳng những trong thời gian hành trình sa mạc mà cả khi định cư trên đất Palestina. Đó là thờ lạy các tà thần mong được giàu sang, quyền thế, có khả năng thống trị các quốc gia khác. Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi một con người. Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình. Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, lạc thú, vật chất, tiện nghi, sắc dục.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu.

Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin. Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình. Cả ba Phúc âm Mátthêu, Máccô, Luca đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa chịu phép Rửa ở sông Giođan, và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3.17). Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận từ nơi Chúa Cha (GLTC #394).

Cơn cám dỗ Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của Ađam và Eva trong bài đọc một (St 2,7-9;3,1-7). Ma qủy gieo sự nghi ngờ và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa. Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực”, bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.

Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer. Không vượt qua được cơn cám dỗ, Lucifer đã trở thành Satan.

Thụ tạo đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Và hai Nguyên Tổ này cũng đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ.

Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.

Chúa Giêsu sau khi đã trải qua những cám dỗ và thắng các cám dỗ cũng thấy được điều này, nên Người đã dạy các môn đệ không được coi thường bằng cách dựa vào sức lực, tài trí, và khả năng của riêng mình. Người dạy phải cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ”.

2. Sức mạnh nào giúp vượt thắng cám dỗ?

Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Chúa Giêsu không đi vào hoang địa một mình, nhưng mà Người đi cùng với Chúa Thánh Thần.

- “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)

- “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

- “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC # 2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với các thánh trên trời.

Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

3. Cầu khẩn và kêu xin Chúa Thánh Thần bằng cách nào?

- Khi thằng quỷ dâm ô xúi tôi mở những emails lạ, dụ dỗ tôi tò mò đi vào những websites của Trư Bát Giới… Tôi phải mau mắn và thành tâm xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để tôi nhận ra rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,28-29).

- Khi thằng quỷ gian dối xúi tôi nói dóc, nói xạo, nói quanh co, nói sai sự thật, lừa bịp thiên hạ … tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để tôi có thể nhớ lời của Chúa Giêsu phán dạy tôi rằng: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không.’ Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra!” (Mt 5,37).

- Khi thằng quỷ kiêu căng, ngạo mạn xúi tôi phê bình chỉ trích người này, xét đoán người kia, lên án người nọ … thì tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhớ rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37).

- Khi bị thằng quỷ dâm ô xúi tôi ly dị, bỏ chồng, phụ vợ, làm giấy ly dị giả … tôi phải cầu xin với Chúa Thánh Thần ngay để Ngài giúp cho tôi hiểu rằng “[Tôi và người bạn đời của tôi] không còn là hai [nữa], nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).

- Khi thằng quỷ kiêu căng xúi tôi khoe khoang, tự kiêu tự đại … thì tôi xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở cho tôi rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục … kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 11,2; 16,18).

- Khi thằng quỷ giận hờn xúi tôi giận người này, ghét người kia, thù người nọ … thì tôi phải cần đến sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng để tôi hiểu rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5,22).

- Khi thằng quỷ dâm dục xúi bẩy tôi đi ngoại tình, ăn chơi trác táng, quan hệ bừa bãi … tôi phải van nài Chúa Thánh Thần, xin Ngài nhắc nhở cho tôi nhớ rằng: “Thân xác [của con] là Đền Thờ của [Ta đấy nhé! Chớ có làm cho nó ra ô uế!]” (1 Cr 6,19). (x. Suy niệm Mùa Chay, Lm Ansgar Phạm Tĩnh).

Sau khi chịu phép Rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ. Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu! Điều quan trọng là chúng ta có thánh tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!

Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa.

Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.

Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng. Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh. Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.

Hãy cầu nguyện với Chúa Thành Thần bằng tâm tình của Thánh Augustinô: "Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen.".

 

28.“Lời Chúa là một hồng ân”

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Tin mừng Mt 4: 1-11: Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan...

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào Mùa Chay Thánh.

Mùa Chay trải dài 40 ngày. Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất hứa, 40 ngày ngôn sứ Êlia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa.Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện.Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện.Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.

Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.

1. Chịu cám dỗ

Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này.Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng nụ hôn giả dối…Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.

Thiên Chúa cho phép ma qủy cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh đức tin của mình.

Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi Ngài cho phép như thế, ma qủy cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta.

Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy. Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ qúa sức mình chịu đựng được. Như vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma qủy với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh.

2. Ma qủy thường cám dỗ như thế nào?

Ma quỷ lừa dối con người.Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và chẳng nên làm. Nhưng ma qủy lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma qủy không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng ăn trái này thì Bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội. Ma qủy khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn bé ăn trộm một qủa trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma qủy cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm những điều nhỏ tới phạm những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên, không ai nghiện rượu ngay khi uống chén đầu tiên. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến chỗ nghiện ngập (x. Buồn vui cùng kiếp người, ĐTGM Ngô Quang Kiệt, trang 33).

Chuyện kể rằng: khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:

- Ông đang trồng cây gì thế?

- Cây nho.

- Nó có lợi gì không?

- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

- Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống nữa thì... hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

Ma quỷ luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác.

3. Phương thế chiến thắng cám dỗ.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.

a. Lời Chúa.

Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.

Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:

- Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)

- Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)

- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39b); “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

b. Ăn chay cầu nguyện.

Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.

Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta!

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.

Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.

 

home Mục lục Lưu trữ