Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 67
Tổng truy cập: 1358072
BA NGÔI CỰC THÁNH Ở TRẦN GIAN
BA NGÔI CỰC THÁNH Ở TRẦN GIAN
(Suy niệm của Đức TGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Có người đã tìm ra một định nghĩa về gia đình dựa theo ngữ vựng tiếng Anh: F-A-M-I-L-Y = Father And Mother, I Love You = Cha Mẹ ơi, con yêu Cha Mẹ. Định nghĩa thú vị này đã nêu lên một yếu tố căn bản làm nền tảng cho sự bền vững của gia đình, đó là tình yêu. Một gia đình không được xây dựng trên nền tảng tình yêu thì sẽ bị biến thành quán trọ, nơi đó mỗi thành viên chỉ tìm thấy nơi đặt mình khi đêm về, và mối tương quan giữa người vợ người chồng chỉ còn là một “hợp đồng sống chung”, giống như một hợp đồng thương mại. Gia đình thiếu vắng tình yêu sẽ trở thành hỏa ngục. Nhờ tình yêu, mọi người dễ dàng tha thứ cho nhau và sống vì nhau một cách có trách nhiệm. Nhờ được thúc đẩy bởi tình yêu, ai cũng muốn điều tốt lành đến với những người mình yêu mến, và người ta cố gắng hy sinh để đem lại niềm vui cho những người trong gia đình.
Ngày Chúa nhật liền sau lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng lễ Thánh Gia. Đó là gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Các ngài được tôn vinh là Ba Ngôi cực thánh ở trần gian, tức là sự thánh thiện giữa ba thành viên của gia đình Nagiarét hoàn hảo đến nỗi người ta thấy được ở đó phản chiếu sự thánh thiện viên mãn của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thương giữa Đức Mẹ, Thánh Giuse và Chúa Giêsu được sánh ví như tình yêu của Chúa Cha với Chúa Con, và rồi từ tình yêu ấy phát xuất Chúa Thánh Thần. Như thế, hạnh phúc gia đình là hình ảnh đẹp để diễn tả màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Một gia đình hạnh phúc và tràn ngập yêu thương cũng là nơi có Chúa hiện diện, vì “đâu có tình yêu thương thì đó có Đức Chúa Trời”.
Đời sống gia đình luôn có những bước thăng trầm, đòi hỏi mỗi người phải kiên trì nhẫn nại. Thánh Gia ở Nagiarét cũng đã phải trải qua những khó khăn vất vả. Thánh Mátthêu kể với chúng ta việc Thánh Giuse và Đức Mẹ vất vả đem Hài Nhi Giêsu chạy trốn trước mưu đồ của Hêrôđê. Cha Mẹ Hài nhi không ỷ thế con mình là Con Đấng Tối cao để than phiền và đòi hỏi những điều kiện thuận lợi. Hai Ông Bà đã âm thầm đưa Con mình trốn sang Aicập vào lúc nửa đêm. Cuộc chạy trốn rất vất vả đổi với một người mẹ mới sinh con và một hài nhi vừa lọt lòng. Thánh Giuse, người cha và cột trụ của gia đình, đã chấp nhận tất cả sự gian truân đó. Khi trốn sang Aicập, cũng như lúc trở về quê hương, gia đình nhỏ bé này đều gặp những thử thách, nhưng nhờ sự mạnh mẽ can trường của Thánh Giuse mà Hài Nhi Giêsu đã thoát bàn tay độc ác và tâm địa thâm độc của Hêrôđê. Sự can thiệp của sứ thần báo mộng cho Giuse cho thấy kết quả của lòng tín thác vào Chúa của hai Ông Bà. Ông Bà luôn tin rằng Thiên Chúa luôn dẫn dắt và quan phòng chở che những ai đang cộng tác với chương trình cứu độ của Ngài.
Lòng tin và cậy trông vào Thiên Chúa sẽ đem lại những hiệu quả lạ lùng. Ông Abraham buồn bã vì chưa có con nối dòng, mặc dù ông đã cao niên, vậy mà Chúa lại hứa với ông rằng dòng dõi ông sẽ đông đảo như sao trên trời. Ông đã tin vào lời Chúa và tác giả sách Sáng thế còn thêm: nhờ tin mà ông được kể là người công chính. Cuộc sinh hạ của Isaac là bằng chứng hùng hồn cho hiệu quả của lòng tin. Tác giả thư Do Thái sau này ca tụng ông Abraham như mẫu mực của những kẻ tin. Ông vâng lệnh Thiên Chúa và tín thác nơi quyền năng của Ngài, đến nỗi sẵn sàng hiến tế người con độc nhất, người con ông sinh ra trong lúc tuổi già, và cũng là niềm hy vọng duy nhất của ông.
Trong bài Tin Mừng, thánh Luca giới thiệu với chúng ta lòng đạo đức của gia đình ở Nagiarét. Qua việc dâng con trong Đền thờ, ông Giuse và bà Maria vừa tuân giữ lề luật của Cựu ước, vừa muốn giới thiệu Đấng Cứu thế cho dân tộc mình. Ông Simêon và bà Anna là đại diện cho dân riêng để đón Đấng Cứu thế tại Đền thờ. Cả hai đều nói tiên tri về Hài Nhi Giêsu, về cuộc khổ nạn trong tương lai của Người.
Xây dụng và củng cố tình yêu gia đình là điều kiện căn bản để phát triển xã hội cũng như Giáo Hội, vì gia đình là tế bào của xã hội, là Giáo Hội tại gia, là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Những bài đọc Lời Chúa hôm nay chứa đựng giáo huấn rất phong phú, nhằm thiết lập và duy trì mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình. Nhờ được thấm đượm bằng lời kinh và lời ca tiếng hát ca tụng Chúa, gia đình sẽ bền vững và luôn có niềm vui.
Người xưa đã nói: “Nhà thịnh hay suy không tại giàu sang hay nghèo hèn, mà tại có lễ nghĩa hay không” (Lục Cửu Uyên, người Trung Hoa 1139-1192). Trong xã hội chúng ta hôm nay, những án mạng hay xung đột đau lòng xảy đến do mâu thuẫn gia đình đã chứng minh: không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho con người hạnh phúc, trái lại, tiền bạc nhiều lúc là nguyên nhân đổ vỡ gia đình và đem lại cho con người sự bất hạnh. Như đã nói ở trên, chỉ có tình yêu mới đem lại hạnh phúc đích thật. Chỉ có tình yêu mới có sức níu kéo con người khi đi xa thì mong về với gia đình, vì ở đó, tâm hồn họ được sưởi ấm, niềm vui họ được đong đầy.
Trong năm 2021, Hội đồng Giám mục mời gọi mọi thành phần Dân Chúa đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Các bạn trẻ cần học hỏi để hiểu biết giáo lý hôn nhân, đồng thời nhận biết bổn phận của người làm vợ làm chồng. Hiện nay, một số bạn trẻ đua đòi theo lối sống buông thả, gạt bỏ những chuẩn mực đạo đức và dễ dãi trong quan niệm về tình dục, về hôn nhân và gia đình.
Hãy ngắm nhìn Thánh Gia và dâng những lời nguyện ước. Thánh Giuse và Đức Maria vừa chu toàn bổ phận hằng ngày, vừa chiêm ngắm Chúa Giêsu. Các ngài tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Các ngài được diễm phúc có Chúa trong gia đình của mình. Đó là cội nguồn của hạnh phúc và yêu thương. Xin cho mỗi gia đình chúng ta luôn có Chúa hiện diện, nhờ đó mà gia đình được bền vững và an vui.
5.Gia đình hiến dâng cho Thiên Chúa
Loài người được Thiên Chúa dựng nên để hưởng hạnh phúc trong Ngài. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình muốn được hạnh phúc và bình an phải qui hướng hoàn toàn về Thiên Chúa là cùng đích tối hậu của mình. Gia đình Thánh Thất là là mẫu gương cho tất cả mọi người, mọi gia đình trong thế gian này. Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse luôn luôn tin tưởng và tuân phục ý Chúa, dâng hiến cả cuộc đời mình cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
1. Maria dâng hiến cuộc đời mình cho chương trình của Thiên Chúa
Từ khi Ðức Maria nhận lời Thiên Thần truyền tin làm Mẹ Đấng Cứu Thế thì cả cuộc đời Mẹ thuộc về Chúa và phục vụ công trình cứu độ của Ngài. Mẹ chấp nhận mọi hoàn cảnh vui buồn sướng khổ Chúa gởi đến cho mình và phó thác cho Chúa tất cả. Dù thánh Giuse chưa đón Mẹ về nhà, Mẹ vẫn không ngại mang thai Đấng Cứu Thế. Mẹ hoàn toàn tin cậy ở Chúa. Mẹ đi chăm sóc cho bà Ysave suốt 3 tháng. Lúc trở về thì thánh Giuse và mọi người thấy rõ Mẹ đang mang thai nhưng Mẹ không vì thế mà tiết lộ bí mật. Mẹ phó thác cho Chúa lo liệu tất cả. Ngay khi Giuse quyết định bỏ đi thì Chúa can thiệp, sai Thiên Thần báo mộng cho thánh Giuse và ngài đã mau mắn đón Maria về nhà mình. Khi những ngày sinh nở sắp đến, Mẹ cũng tín thác và để Chúa lo liệu. Dù phải sinh con trong hang bò lừa, Mẹ vẫn không trách Chúa nhưng chấp nhận sự xếp đặt của Chúa. Mẹ dâng cho Chúa tất cả. Đặc biệt nhất là khi đứng dưới chân thánh giá, dù đau đớn vô cùng trước cảnh con mình bị người ta hành hạ và sỉ nhục cho đến chết, Mẹ vẫn không quỵ ngã nhưng hướng nhìn về Con, cùng chịu khổ với Con và cùng Con hoàn thành ý Chúa Cha. Mẹ là mẫu gương hoàn hảo về đời sống dâng hiến cho Chúa trước những thử thách đau thương vì mục đích cứu độ loài người.
2. Thánh Giuse vâng phục ý Chúa
Một mẫu gương dâng hiến nữa là thánh cả Giuse. Khi Thiên Thần báo mộng thì Giuse mau mắn vâng theo và từ đó, ngài luôn chu toàn bổn phận của một người gia trưởng. Ngài luôn vâng phục thánh ý Chúa, không chần chừ, không phân vân về sứ mạng Chúa giao. Dù nghèo, thánh Giuse vẫn không từ nan bất cứ điều gì với Chúa. Việc đưa Đức Maria về Bêlem khai nhân khẩu và dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế dựa vào sức lao động của mình là một vất vả lớn lao. Thánh Giuse vẫn không than phiền gì về nhiệm vụ gánh vác gia đình này. Ngài làm mọi việc cách thầm lặng nhưng mau mắn theo sự hướng dẫn của thiên thần. Khi cuộc sống ở Bêlem ổn định đôi chút thì một đêm nọ, thiên thần bảo chỗi dậy đem hài nhi và Maria trốn sang Aicập. Thánh Giuse liền đi ngay trong đêm. Sang Ai cập, Giuse lại phải vất vả tìm việc làm kiếm sống cho gia đình của Chúa. Chưa được bao lâu thì Chúa gọi trở về Nazaret. Chắc chắn Thánh Giuse phải rất vất vả lo từng bữa ăn và những nhu cầu thiết yếu cho gia đình. Tuy nhiên, khi thánh Giuse chu toàn nhiệm vụ chăm sóc Đấng Cứu Thế đến trưởng thành thì Chúa muốn ngài chấm dứt cuộc sống trần gian. Thánh Giuse quả là mẫu gương lao động phục vụ tuyệt vời trong âm thầm khiêm tốn.
3. Đức Giêsu, của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa và nhân loại:
Mẫu gương dâng hiến hoàn hảo nhất là Đức Giêsu bỏ trời xuống thế làm người. Ngài là Thiên Chúa nhưng tự nguyện trút bỏ vinh quang của mình, trở nên giống phàm nhân, vâng lời cho đến chết trên thánh giá. Cả cuộc đời Ngài không lúc nào ngơi vâng phục và làm theo ý Thiên Chúa. Từ việc chấp nhận sinh ra trong máng cỏ, chịu bắt bớ từ nhỏ, sống trong cảnh nghèo khổ âm thầm, khiêm hạ ở làng Nazareth. Lớn lên, Ngài đi giảng dạy khắp nơi trong lãnh thổ Do thái và được dân chúng hồ hởi đón nhận, nhưng cũng có những người cứng lòng, tìm cách làm khổ Chúa. Cuối cùng, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã nhận lấy cái chết hy sinh trên thánh giá. Dù mọi người chưa hiểu thấu nỗi khổ và sự hy sinh cao cả của Ngài nhưng vì tình yêu Chúa và nhân loại, Ngài đã dâng mình làm của lễ toàn thiêu trên thánh giá. Tất cả là vì yêu thương chúng ta.
Nhìn tấm gương hiến dâng của gia đình thánh ở Nazaret, chúng ta thấy mình quá thiếu sót trong việc đáp trả ơn cứu độ của Chúa, còn thờ ơ và kém lòng tin mến Chúa. Phải chi ngay từ bây giờ con biết sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan thử thách cũng như những an ủi Chúa gởi tới. Chúa là Cha chúng con sẽ không để chúng con thiệt thòi và hư mất nếu chúng con biết nghe theo lời Ngài chỉ dạy.
6.Gia đình nơi để yêu thương
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Ngày 16-12-2014, trên trang mạng xã hội Zing.vn có đăng một bài văn độc mới và lạ của em học sinh Nguyễn Thị Cúc được cô giáo cho điểm 10. Trong bài bài văn, em Cúc viết: “Mới chiều hôm qua đây thôi, trên đường đi học về tôi gặp một cảnh tượng thật đau lòng, một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, lưng một người phụ nữ. Vừa cố chống chọi với cơn khát bạo hành của chồng, chị vừa khóc lóc van xin: "Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!. Tôi hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm lạ vì đã từng chứng kiến cảnh như thế này nhiều lần. Ấy thế mà lâu nay tôi lại nghe người ta nói rằng: "Gia đình là nơi để yêu thương. Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã sống, đã ra đi... và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy. Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm trong trái tim mỗi người. Xã hội đổi thay và lòng người cũng dần thay đổi, mọi tính toán thiệt hơn trong cuộc sống làm mất đi những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, hạnh phúc thì ít nhưng đắng cay lại nhiều, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh vì cuộc sống gia đình không hòa thuận, thậm chí tan vỡ, và những hiểm nguy luôn rình rập”.
Một em học sinh lớp 12, tuổi teen, tuổi học trò mộng mơ, tuổi chuẩn bị bước vào đời mà đã thấy, cảm nghiệm và thấu hiểu nỗi đau con người và gia đình ngày nay tàn nhẫn, ác tâm và tội lỗi như thế! Tại sao, cảnh bạo cảnh gia đình ngày nay xảy ra nhiều như thế! Là người tại sao ác tâm như thế, “nhân chi sơ tính bản thiện đâu rồi? Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia đình đổ vỡ. Đó là kỳ vọng quá cao về đời sống hôn nhân, sự thu hút ban đầu qua đi, cùng với những khó khăn mới mà đôi bạn chưa được chuẩn bị để đối diện. Ngoài ra, còn phải nói đến tác động của bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay, đề cao tự do cá nhân hơn hạnh phúc gia đình, đo lường tình yêu dựa vào những tiêu chuẩn vật chất và hưởng thụ hơn là những giá trị tinh thần. Vì kinh tế thị trường, xã hội hưởng thụ mà người ta vô cảm với nhau và thiếu tình nghĩa vợ chồng, con cái, cha mẹ.
Lời Chúa hôm nay cho một hướng sống và một cung cách sống noi gương gia đình Thánh gia. Bài Tin Mừng kể Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, đây là truyền thống quen thuộc của Do Thái giáo từ thời xuất hành. Và việc dâng con ngày xưa vẫn còn một ý nghĩa cần thiết cho chúng ta hôm nay bởi vì cha mẹ không phải là nguồn mạch và là tác giả của sự sống nơi đứa con, chính Chúa mới là nguồn mạch và là tác giả tuyệt đối còn cha mẹ chỉ là cộng tác viên mà thôi. Cho nên giáo lý hôn nhân dạy mục đích của hôn nhân là yêu thương và giúp đỡ, đồng thời cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Vì vậy, sự sống là quà tặng của Thiên Chúa, thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, con người không bao giờ được phép định đoạt cho đứa con này được sống, được sinh ra, đứa kia phải chết. Thánh Giuse và Đức Mẹ ý thức rất rõ mầm sống trong lòng của Mẹ Maria là chính Thiên Chúa nữa. Vì thế mà Thánh Giuse và Đức Maria đã hết lòng để bênh vực và bảo vệ sư sống này. Khi vua Hêrôđê ra lệnh tiêu diệt tất cả các hài nhi trong vùng, thì Thánh Giuse đã dựa vào giải pháp của Thiên Chúa, đó là đem Hài nhi và Mẹ Người trốn qua Ai Cập. Một cuộc tẩu thoát như thế quả thật là nhiều nguy hiểm gian nan, nhưng bằng mọi giá, Thánh Giuse đã đem Đức Maria và Hài nhi ra đi ngay lúc nửa đêm để tránh bàn tay độc ác của Hêrôđê và bảo vệ sự an toàn cho Hài nhi. Rồi khi được lệnh trở về, Thánh Giuse cũng đã khôn ngoan để chọn vùng Nazaret là một làng quê bình yên để cư ngụ giúp cho sự an toàn của hài nhi và cả gia đình.
Vâng, Thánh Giuse là Cha nuôi, nhưng hơn tất cả mọi người cha ruột thịt, Ngài đã âm thầm hy sinh, hiến trọn mạng sống mình để phụng dưỡng Con Thiên Chúa, bảo vệ an toàn gia đình thoát khỏi mọi nguy hiểm và làm cho mọi thành viên trong gia đình được bình an. Mẹ Maria, người mẹ thánh thiêng trinh trong tuyệt vời, luôn luôn sống với tinh thần tôi tớ của Thiên Chúa, sống dịu hiền, thương mến, thăm viếng, phục vụ bà con xóm làng, tích cực cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ muôn dân và xây dựng Hội thánh. Quả thực, không một ai đứng kề thánh giá của con bằng Mẹ, không một ai sống giữa các môn đệ trong lúc cô đơn xao xuyến để cầu nguyện Thánh Linh xuống soi sáng và củng cố tinh thần các môn đệ bằng Mẹ. Còn Chúa Giêsu, Người chí hiếu, con thảo độc nhất của gia đình. Người con chí ái độc nhất của Thiên Chúa, đã sinh ra trong hang lừa hèn hạ, đã lớn lên trong cảnh lao động nghèo khó. Nhưng, cháu bé này là nguồn an bình muôn thuở cho những cụ già như Simêon ẵm bế, là nguồn hy vọng vinh phúc cho những bà góa neo đơn như Anna, là nguồn sáng soi đường cứu độ cho muôn dân và vinh quang cho Israel dân Ngài.
Noi gương gia đình Thánh gia, trong đời sống gia đình chúng ta cũng vậy, hỡi những bậc làm cha mẹ hãy biết xây dựng gia đình mình thành một tổ ấm, một cái nôi chan hòa “tình thương yêu êm ái, nhân hậu, khoan dung, hiền lành, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, cởi mở chân thành để liên kết với nhau trong mối giây bác ái yêu thương tuyệt hảo”. Hơn nữa, cha mẹ phải tạo dựng gia đình thành một đền thờ, trong đó “dâng lên Thiên Chúa những bài Thánh vịnh, những khúc hát Thánh ca, do Chúa Thánh Thần linh ứng. Hãy dùng lời Chúa dạy dỗ răn bảo nhau cho thật khôn ngoan để lời Chúa Kitô sinh hoa kết quả dồi dào trong gia đình. Khi làm gì, nói gì, hãy làm và nói nhân danh Đức Giêsu Kitô, và nhờ Người mà cảm tạ Chúa Cha” (Bài đọc 2 mà chúng ta vừa mới nghe: Cl. 3, 12-21), như thế gia đình chúng ta sẽ trở nên như gia đình Thánh Gia.
Trong đời sống gia đình hôm nay, chúng ta gặp không ít những khó khăn, khủng hoảng trong đời sống hôn nhân gia đình, do công ăn việc làm khó khăn, con cái hư hỏng, cha mẹ bất hoà… Phương thế vượt qua không phải là giận ghét, bạo lực, nghi kỵ, nhưng là tình yêu vì chỉ có tình yêu mới “cứu độ” được gia đình, một tình yêu dựa trên lòng đạo đức, vâng giữ điều răn Chúa dạy như gia đình Thánh gia. Vậy, ước gì qua Lời Chúa và Thánh lễ tôn vinh gia đình Thánh gia: Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Đức Mẹ hôm nay, xin Chúa dạy mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta biết sống giữa cảnh phàm trần với tinh thần người con thảo hiếu, người cha, người mẹ có trách nhiệm yêu thương, tha thứ và phục vụ ngõ hầu xây dựng mái ấm tình thương thật sự, gìn giữ gia đình luôn hạnh phúc vững bền và mọi thành viên trong gia đình mỗi ngày một nên thánh và thiện như lòng Chúa ước mong. Amen.
7.Gia đình có Chúa – có bình an
Hà Linh tác giả truyện ngắn, kể hạnh phúc của một gia đình như thế này: Trước kia cuộc sống khó khăn vất vả, Bố thường đi công tác xa, ở nhà, hai mẹ con ăn uống thật khắc khổ. Mỗi lần bố về, tôi rất vui, vì Mẹ thường nấu món ăn ngon cho cả nhà cùng ăn. Tôi hỏi Mẹ tai sao thì Mẹ nói: Chỉ khi nào có mặt ở nhà đầy đủ thì mẹ mới nấu ăn ngon được. Tôi vẫn chưa hiểu được nổi nhớ của Mẹ. Bây giờ, Bố Mẹ mất hết, tôi mới hiểu rằng: một bữa cơm ngon chỉ có khi gia đình sum họp đầy đủ, và mọi người biết đem lại niềm vui cho nhau.
Hôm nay, Hội Thánh mời gọi mỗi người chúng ta hãy nhìn lên gia đình Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu mà chúng ta quen gọi là gia đình Thánh gia thất. Đây là một gia đình gương mẫu để tất cả các gia đình công giáo chúng ta noi theo. Như vậy, chúng ta đã học được những điều tốt đẹp nào qua gia đình thánh gia thất.
Nhìn Thánh Giuse, Ngài là một người cha rất cương nghị nhưng cũng rất giàu tình thương, biết hành động và cân nhắc trước những tình huống khó khăn, một người cha rất nhanh nhẹn và sẵn sàng. Dù là đang đêm nhưng vẫn không ngại khó khăn vất vả chổi dậy đưa Maria và Hài nhi Giêsu đi trốn qua Ai cập. Một người cha dám bỏ những gì là thân thương và riêng tư nhất như tài sản, họ hàng, quê hương để sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Quả thật Giuse đúng là một mẫu gương tuyệt vời cho các gia trưởng noi theo.
Nhìn Mẹ Maria, Ngài là một người vợ và là một người mẹ hết sức thánh thiện, bởi vì trước những biến cố rất kinh khủng, trước những biến cố rất quan trọng có liên quan đến cả một cuộc đời, mà Mẹ Maria không hề thắc mắc, không nghi ngờ, không ngại khó để sẵn sàng vâng phục theo thánh ý Chúa. Trong hang đá Belem, Mẹ chính là niềm vui cho trẻ Giêsu, là sự hãnh diện cho Thánh Giuse, là niềm hạnh phúc cho các mục đồng, và là nguồn an ủi cho ba nhà đạo sĩ. Mẹ cũng là nụ cười cho trẻ Giêsu , Mẹ chính là một cái máy điều hòa không khí để cho hang đá Belem đang giá lạnh được trở nên ấm cúng một cách lạ thường. Quả thật Mẹ Maria đúng là một mẫu gương tuyệt vời cho các bà Hiền mẫu noi theo.
Nhìn Hài Nhi Giêsu, Ngài là một con người nhỏ bé nhất, nhỏ bé nhất nhưng lại quan trọng nhất. Quan trọng nhất, bởi vì đôi tay của Ngài tuy bé nhỏ, nhưng chính đôi tay ấy đã dựng nên cả đất trời, chính đôi tay ấy đã chữa lành cho biết bao trái tim của những người đang tan vỡ, và chính đôi tay ấy đã xoa dịu bao nổi lòng còn đang lo âu, thổn thức. Quả tim của hài nhi Giêsu tuy nhỏ bé, nhưng chính quả tim ấy lại có một tình yêu thật to lớn, một tình yêu thí mạng cho người mình yêu, một tình yêu có một không hai trong lịch sử này. Hài nhi Giêsu đúng là một mẫu gương lý tưởng để chúng ta nhìn vào đó mà suy gẫm.
Sau khi chiêm ngắm gia đình Thánh Gia chúng ta thấy rằng: Gia đình nào cũng phải có tình thương, và tổ ấm gia đình chỉ được xây dựng được khi nào có tình thương. Có tình thương thì mọi thành phần trong gia đình sẽ có quảng đại để lo cho nhau, và để đem lại niềm vui cho nhau. Đem lại sự bình an cho nhau.
Qua truyện ngắn và nhìn lại gia đình thánh gia thất. Quả thật, gia đình nào cũng có vui có buồn, có sướng có khổ, và mọi người trong gia đình phải biết thương mến nhau và chấp nhận nhau.
Nhìn lại gia đình Thánh gia, tôi thấy đây là một gia đình Thánh, gồm toàn những người Thánh, nhưng gia đình thánh cũng không tránh được những chuyện buồn phiền. Giuse cũng buồn khi biết Maria có thai mà không phải do ông. Rồi Giuse và Maria cũng buồn khi mới sinh có mấy ngày, mà phải vội vã đi trốn mãi sang Aicập, hoặc là hai ông bà buồn khi con đi lạc ở đền thờ Giêrusalem… Gia đình Thánh mà cũng gặp phải những chuyện buồn như vậy thì huống chi là gia đình của mỗi người chúng ta. Đó là những chuyện buồn bình thường, bởi vì đâu có gia đình nào tránh được hết những bất trắc đâu, gia đình nào cũng có những hoàn cảnh riêng của gia đình đó, gia đình nào cũng có những buồn vui của gia đình đó, gia đình nào cũng có những bất ngờ riêng như: đau ốm, nợ nần, hết tiền, thiên tai, bảo lụt, cải nhau, bị nghi ngờ, bị hiểu lầm, bị chống đối… Vậy khổ đau thì luôn có, và mỗi người chúng ta hôm nay học được bài học của Thánh gia, là chúng ta phải biết biến những nổi buồn trong cuộc sống gia đình của chúng ta thành những niềm vui, cũng như chúng ta hãy lợi dụng những hoàn cảnh trong gia đình để làm cho nhau nên tốt hơn, mới hơn, và yêu thương nhau hơn noi theo gương của gia đình Thánh gia thất.
Chúng ta cùng hướng về gia đình Thánh gia thất và thầm thỉ kêu cầu:
Lạy Thánh Giuse, xin làm cho gia đình chúng con được trở thành tổ ấm của tình yêu.
Lạy Mẹ Maria, xin làm cho gia đình chúng con được hạnh phúc.
Lạy Hài nhi Giêsu, xin làm cho mọi người trong gia đình chúng con biết yêu thương nhau.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam