Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 128
Tổng truy cập: 1350259
BÀI CA NGỢI KHEN
Thiên Chúa thực hiện những ý định cao cả của Người dựa trên những người phận nhỏ, yếu hèn và khiêm hạ. Đó là giáo huấn của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm C này.
Mk 5: 1-4a
Ngôn sứ Mi-kha loan báo rằng chính ở nơi thị trấn nhỏ bé của miền Giu-đê, ở đó một thị tộc nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa sinh sống, mà Đấng Thiên Sai một ngày kia sẽ xuất hiện. Con trẻ này sẽ thống lãnh Ít-ra-en và quyền lực của Ngài sẽ trải rộng cho đến tận cõi đất.
Dt 10: 5-10
Ngay từ khi nhập cuộc vào kiếp sống phàm nhân, Đức Giê-su sống khiêm hạ và vâng phục ý muốn của Thiên Chúa, Cha Ngài. Ngài hằng sống trong tư thế dâng hiến bản thân mình thành hy lễ để kế hoạch của Cha Ngài được thành tựu.
Lc 1: 39-45
Tin Mừng Lu-ca tường thuật cuộc gặp gỡ của Đức Ma-ri-a với người chị họ là bà Ê-li-sa-bét, sau biến cố Truyền Tin. Chính ở nơi người thiếu nữ phận nhỏ và khiêm hạ của làng Na-da-rét này mà bà Ê-li-sa-bét nhận ra ý định cao cả của Thiên Chúa và niềm vui Thiên Sai khiến con trẻ, Gioan Tẩy Giả, nhảy lên vui sướng trong dạ mẹ.
BÀI ĐỌC I (Mk 5: 1-4a)
Sấm ngôn của ngôn sứ Mi-kha này là một trong những bản văn vĩ đại loan báo Đấng Mê-si-a. Sấm ngôn này đã được trích dẫn hai lần trong các sách Tin Mừng: một lần trong Tin Mừng Mát-thêu, trong đó các kinh sư trưng dẫn sấm ngôn này cho vua Hê-rô-đê để báo cho các nhà Chiêm Tinh biết “Bê-lem” là nơi Vua dân Do thái vừa mới sinh ra (Mt 2: 6); và một lần khác trong Tin Mừng Gioan, khi đám đông dân chúng tranh luận với nhau về nguồn gốc của Đức Giê-su, có kẻ lại nói rằng Ngài không thể là Đấng Thiên Sai bởi vì theo sấm ngôn Đấng Thiên Sai phải “xuất thân từ Bê-lem” (Ga 7: 42).
1/.Thân thế và sự nghiệp:
Ngôn sứ Mi-kha thi hành sứ vụ của mình trong vương quốc Giu-đa suốt hậu bán thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, đồng thời với ngôn sứ I-sai-a. Nhưng trong khi ngôn sứ I-sai-a thuộc gia đình quý tộc ở Giê-ru-sa-lem, thì ngôn sứ Mi-kha xuất thân từ hàng dân giả miền Nam, phía tây Khê-ron.
Như các ngôn sứ thuộc thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên: A-mốt, Hô-sê, I-sai-a, ngôn sứ Mi-kha tố cáo những bất công xã hội, nạn áp bức những người nghèo, tệ nạn tham ô hối lộ của các quan án, các tư tế, các thủ lãnh, vân vân, những hành vi này gây nên một đoạn tuyệt với Giao Ước và dẫn đến những án phạt của Thiên Chúa. Có lẽ Mi-kha là vị ngôn sứ định nghĩa rõ nét nhất những yêu sách của Giao Ước:
“Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,
điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn:
đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa
và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6: 8).
Ngôn sứ Mi-kha báo trước cho Sa-ma-ri cũng như cho Giê-ru-sa-lem những bất hạnh kinh khiếp, nhưng ông cũng hé mở những viễn cảnh chứa chan hy vọng, như bản văn hôm nay làm chứng.
Tác phẩm của ngôn sứ Mi-kha đã chịu nhiều sửa đổi và vài đoạn thêm vào cuối thời lưu đày hay hậu lưu đày, tức cuối thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Bản văn hôm nay được trích từ chương 5 là một trong những bản văn nêu lên nhiều vấn đề. Tuy nhiên, cũng vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên này, ngôn sứ I-sai-a vang lên cùng một sứ điệp tương tự. Ở giữa lòng những biến cố bi thảm (những đột nhập của quân đội Át-sua, cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem, sự tàn phá Sa-ma-ri, vân vân), các ngôn sứ nối tiếp nhau khơi lên niềm hy vọng khi nhắc lại những lời hứa gắn liền với nhà Đa-vít. Đó là điểm chung giữa các sấm ngôn của họ.
2/.Bê-lem Ép-ra-tha:
Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa” (5: 1a).
Hai địa danh Bê-lem và Ép-ra-tha được liên kết với nhau ngay từ những bản văn cổ xưa nhất, ví dụ: “Bà Ra-khen qua đời và được chôn trên con đường đi Ép-ra-tha, tức là Bê-lem” (St 35: 9). Thị trấn Bê-lem nhỏ bé là nơi một thị tộc bé nhỏ, những người Ép-ra-tha, từ miền Nam đến định cư lập nghiệp; sau đó, họ đã được sáp nhập vào bộ tộc Giu-đa. Tuy nhiên, “Ép-ra-tha” theo tiếng Do thái có nghĩa “sự màu mỡ”. Ngôn sứ Mi-kha xem ra chơi chữ: Bê-lem là vùng đất màu mỡ vì nó sẽ sinh ra Đấng Thiên Sai.
3/.Một sự tương phản:
Lời sấm của ngôn sứ Mi-kha được xây dựng trên một sự tương phản: một thị tộc nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, tương phản với một viễn cảnh về một con trẻ chào đời và uy danh cũng như quyền lực của con trẻ này có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en, quy tụ dân chúng bị phân tán và trải rộng quyền lực của mình cho đến tận cùng cõi đất.
Từ “thị tộc” theo tiếng Do thái có nghĩa “ngàn”, vì nhóm người chỉ có thể hình thành nên một thị tộc nếu có thể cung cấp một ngàn chiến binh. Vì thế, Bê-lem nhỏ bé đến nổi nó không thể cung cấp một ngàn chiến binh. Chúng ta cũng gặp thấy một cách đối lập giữa sự nhỏ bé và sự vĩ đại như thế ở sấm ngôn I-sai-a đệ tam:
“Người nhỏ nhất sẽ có ngàn con cháu,
kẻ hèn nhất thành một dân hùng cường” (Is 60: 22).
4/.Bê-lem, thành vua Đa-vít, thành Đấng Thiên Sai:
“Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en” (5: 1b).
Sấm ngôn của ngôn sứ Mi-kha đem đến một sự xác định mới. Nếu lời sấm của ngôn sứ Na-than khẳng định muôn năm bền vững của vương triều Đa-vít: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7: 16), và sấm ngôn I-sai-a đệ nhất công bố rằng dòng dõi vua Đa-vít sẽ được đảm bảo nhờ một con trẻ chào đời, được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7: 14), thì ngôn sứ Mi-kha xác định Bê-lem là sinh quán của Đấng Thiên Sai. Xưa kia, khi còn niên thiếu, Đa-vít đã chăn dắt đàn chiên trên cánh đồng Bê-lem; Đấng Mê-si-a sẽ là một Đa-vít mới và sẽ là vị mục tử đích thật của dân Ngài.
“Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”: Có lẽ đây là lối nói phóng dụ về gia tộc của vua Đa-vít, có nguồn gốc lâu đời (sách Sử Biên quyển thứ nhất cho gia phả của vua Đa-vít lên đến tổ phụ Gia-cóp). Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng sấm ngôn này loan báo cuộc sống tiền hữu của Đấng Thiên Sai.
5/.Thời thử thách và thời hy vọng:
Trước khi Đấng Thiên Sai giáng sinh ở Bê-lem, Ít-ra-en sẽ phải trải qua một thời gian đầy thử thách cam go, thời “Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en”. Trước đó, ngôn sứ đã khai triển những tiên báo kinh khiếp liên quan đến vương quốc miền Bắc cũng như vương quốc miền Nam. Nhưng những trừng phạt không bao giờ là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa: “Cho đến thời một phụ nữ sinh con”. Con trẻ kỳ diệu sinh ra từ một người nữ này sẽ cai trị Ít-ra-en và thế giới. Bản văn không nói một chút gì về cha của con trẻ này.
Toàn thể đoạn văn nhắc nhớ lời sấm của ngôn sứ I-sai-a được công bố hai mươi năm trước đó:
“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.
Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong
cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọ cái tốt.
Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt,
thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang.
Thiên Chúa sẽ đem lại cho ngài, cho dân ngài, cho thân phụ ngài
những ngày như chưa từng có,
kể từ khi Ép-ra-im tách khỏi Giu-đa” (Is 7: 14-17)
6/.Quy tụ những người tản mác khắp nơi:
“Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en” (5: 2b).
Chúng ta nhận ra ở đây nỗi bận lòng quy tụ những người Do thái bị tản mắc khắp nơi, nỗi ám ảnh xuất hiện nhất là vào thời lưu đày Ba-by-lon cũng như vào thời hậu lưu đày. Có nhiều lý do xác đáng để nghĩ rằng đoạn văn này được thêm vào sau này.
7/.Vị Mục Tử của Ít-ra-en:
Đấng Thiên Sai sẽ lãnh nhận từ chính Thiên Chúa sứ mạng chăn dắt Ít-ra-en:
“Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực của Người sẽ trải rộng đến tận cùng cõi đất” (5: 3).
Bản văn tiên báo hay nhắc nhớ một đoạn văn nổi tiếng của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về “vị mục tử nhân lành” (Ed 34: 23). Việc gợi lên quyền năng hoàn vũ và nền hòa bình viên mãn của Đấng Thiên Sai tương lai mang đậm nét I-sai-a (Is 9: 5), nhưng cũng có thể mang dấu ấn Mi-kha, trừ phi đây là một bản văn được hiệu đính lại.
Từ phận nhỏ đến địa vị vĩ đại, rõ ràng đây là bài học mà bản văn Tin Mừng hôm nay đưa ra: Đức Ma-ri-a, một thiếu nữ khiêm hạ làng Na-da-rét được người chị họ là bà Ê-li-sa-bét hoan hỷ chào đón như “Thân Mẫu Chúa tôi”.
BÀI ĐỌC II (Dt 10: 5-10)
Lễ Giáng Sinh sắp đến gần, Phụng Vụ Lời Chúa dâng hiến cho chúng ta suy niệm một bản văn trình bày một cách thống thiết mục đích biến cố Nhập Thể; Đức Ki-tô đảm nhận một thân thể nhằm dâng hiến thân mình thành hiến lễ và biến cuộc Tử Nạn của mình thành hy lễ để thánh hóa con người.
Chúng ta không biết lai lịch tác giả thư gởi tín hữu Do thái (chắc chắn một môn đệ của thánh Phao-lô). Bản văn của ông gần với văn phong bài giảng hơn là thư tín. Ông ngỏ lời với các Ki-tô hữu gốc Do thái, họ đã biết và đã thực hành phụng tự Mô-sê và xem ra luyến nhớ sự uy nghi trang trọng của nền phụng tự này. Tác giả chứng minh cho họ chức tư tế của Đức Giê-su còn cao vời hơn chức tư tế Cựu Ước và hy lễ của Đức Ki tô thì độc nhất, vô giá và có hiệu quả khôn sánh so với các hy lễ của Luật Cũ.
1/.Phụng Tự tinh thần:
Để giải thích bản chất rất đặc biệt và đặc thù hy lễ của Đức Ki-tô, tác giả dựa trên thánh vịnh 40, thánh vịnh mang chiều kích Thiên Sai. Thánh vịnh này diễn tả tâm tình của một người công chính. Từ cuộc sống đạo hạnh của mình, ông hiểu rằng vâng phục thánh ý Thiên Chúa và sẵn sàng dâng hiến thân mình thì cao vời hơn bất cứ hy lễ nào.
Một viễn cảnh như vậy không hoàn toàn đơn độc lẽ loi trong Cựu Ước. Chúng ta gặp thấy viễn cảnh này trên môi miệng của các ngôn sứ (x. Is 1: 11-16), các ngài công bố rằng các hy lễ sẽ là vô ích nếu thiếu tấm lòng; điều này cũng được khẳng định trong các Thánh Vịnh, hai sách Sa-mu-en (x. 1Sm 15: 22), và các tác phẩm Minh Triết (x. Hc 34: 19 và 35: 2-3). Vị thế, vị thế hàng đầu của phụng tự tinh thần này là một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cái cốt lõi mặc khải Kinh Thánh và chuẩn bị cho sứ điệp Tin Mừng.
2/.Ơn gọi của Đức Ki-tô:
Chính ở nơi Người Công Chính này mà tác giả thư gởi các tín hữu Do thái tái khẳng định tư thế sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn bản thân của Đức Ki-tô, ngay từ giây phút đầu tiên của biến cố Nhập Thể: “Ngay khi vào trần gian…”. Đồng thời tác giả cũng muốn nói đến cuộc sống tiền hữu của Đức Ki tô.
“Chúa không ưa hy lễ và hiến lễ, nhưng đã tạo cho con một thân thể”: Thánh vịnh được trích dẫn ở đây nhấn mạnh tính chất hiến lễ tự thân qua những lời: “Chúa đã tạo cho con một thân thể”. Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái đã đọc thấy ở đây lời tiên báo về biến cố Nhập Thể. Thân thể của Đấng Thiên Sai đã được Chúa Cha yêu thương chuẩn bị nhằm hướng đến một hiến lễ cao vời.
Với những thuật ngữ: “Hy lễ và hiến lễ”, tác giả tập hợp hai loại lễ tế vĩ đại, đổ máu và không đổ máu. Đoạn, ông thêm vào đây lễ toàn thiêu theo đó thân thể tế vật hoàn toàn bị hỏa tế, và lễ xá tội theo đó máu tế vật hoàn toàn được hiến dâng. Tất cả những lễ tế này được Lề Luật quy định nhưng không được Thiên Chúa ưa thích. Bản văn để cho hiểu rằng chính vì tính chất duy luật của chúng. Đức Ki-tô bãi bỏ phụng tự duy hình thức và đề cao hiến lễ tinh thần.
3/.Cái chết thành hiến lễ:
“Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”: Đối với Đức Ki-tô không cốt tuân giữ những huấn lệnh mà ông Mô-sê truyền, nhưng chấp nhận quyết định của Thiên Chúa, đó là dẫn dắt nhân loại đến ơn cứu độ qua con đường đau khổ và tử nạn của Ngài.
Thư gởi tín hữu Do thái là một trong những bản văn Tân Ước giải thích rõ nhất tại sao cuộc tử nạn của Đức Ki tô có thể được xem như một hy lễ. Xét trên thực tại hữu hình, cuộc tử nạn của Đức Ki-tô không là một hy lễ, nhưng do kết quả của một sự xét xử sai lầm, hay, chính xác hơn, do sự thù hận quá độ; không có bàn thờ, không người dâng hiến, không sự thanh tẩy, không tế vật. Nhưng xét trên thực tại vô hình, cái chết này có giá trị của một hy lễ vì đây là hiến lễ tự nguyện, tự ý và tự thân, vì thế nó có một hiệu quả tinh thần: vả lại đã có một thân thể bị giết chết và máu đã hoàn toàn đổ ra.
Tuy nhiên, có một hy tế chỉ vì có tội lỗi của con người. Đây là bằng chứng bi thảm. Suốt bức thư của mình, tác giả chứng mình rằng con người hưởng được hy tế của Đức Ki-tô, dưới ba khía cạnh liên tục: thanh tẩy, thánh hóa, và hiệp nhất với Thiên Chúa. Như vậy trong lời “Xin vâng” của mầu nhiệm Nhập Thể hàm chứa rồi lời xin vâng của cuộc Khổ Nạn: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22: 42).
TIN MỪNG (Lc 1: 39-45)
Trong sách Tin Mừng Lu-ca, chuyện tích Viếng Thăm tiếp liền sau chuyện tích Truyền Tin, như vậy, lời chào của sứ thần tiếp liền theo sau lời chào của bà Ê-li-sa-bét. Rất sớm các Ki-tô hữu đã liên kết hai lời chào này. Chúng ta gặp thấy chúng trong những bản văn thuộc thế kỷ thứ năm: “Kính mầng Ma-ri-a đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Đây sẽ là khởi điểm của kinh Kính Mầng.
1/.Đức Ma-ri-a vội vã lên đường:
Lý do đầu tiên của việc “Đức Ma-ri-a vội vã lên đường” có thể nhằm kiểm chứng những lời sứ thần đã nói cho Mẹ biết rằng chị họ của Mẹ, tuy đã già rồi mà cũng đã được cưu mang một người con trai. Đây là một “dấu lạ” đã được ban cho Mẹ để nâng đỡ mặc khải làm xáo động cuộc đời của Mẹ và cho Mẹ hiểu rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể. Nhưng đây không là lý do chính yếu. Đức Ma-ri-a đã tin rồi; Mẹ đã không một mảy may nghi ngờ gì về sứ điệp của thiên sứ; sự vội vã của Mẹ là diễn tả niềm vui của Mẹ (cha Nguyễn thế Thuấn dịch là “Ma-ri-a đon đã ra đi”); Mẹ muốn đi chúc mừng người chị họ của Mẹ và chia vui với chị vì được làm mẹ như một thiên ân trong khi bà chị này không còn một chút hy vọng gì. Chắc chắn Đức Ma-ri-a cũng muốn giúp đỡ bà chị họ của mình “nay đã có thai được sáu tháng”. Quả thật, thánh ký viết ở cuối chuyện tích của mình: “Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng”, nghĩa là cho đến khi con trẻ chào đời.
2/.Niềm vui thời Thiên Sai:
Đức Ma-ri-a “vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Vì là vai em nên Đức Ma-ri-a là người đầu tiên chào hỏi bà chị họ mình. Nhưng đột nhiên vai trò của hai chị em được hoán chuyển. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, bà Ê-li-sa-bét phát hiện bí mật của người em họ mình và thốt lên lời “Chúc Tụng”: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ!”. Đây là cách thức người Do thái diễn tả sự so sánh tuyệt đối mà chúng ta gặp thấy nhiều lần trong Cựu Ước (Tl 5: 24; Gđt 15: 10): Đức Ma-ri-a là người nữ tuyệt vời nhất bởi vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
“Người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Danh hiệu “Chúa tôi” thường được dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng được gán cho Đấng Thiên Sai trong vài bản văn ngôn sứ. Chắc hẳn bà Ê-li-sa-bét không nghi ngờ gì về thần tính của Đấng Thiên Sai; nhưng chính xác hơn, các Ki-tô hữu tiên khởi sẽ dùng danh hiệu này cho Đức Ki-tô để tuyên xưng thần tính của Ngài. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” chắc chắn là nền tảng cho tước hiệu đầu tiên mà Giáo Hội sau này dùng để tôn vinh Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa (“Theotokos”), cũng hình thành nên phần thứ hai của kinh Kính Mừng: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…”.
“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Đây là mối phúc đầu tiên của Tân Ước. Ân phúc này liên quan đến lòng tin của Đức Ma-ri-a đã được thể hiện ở nơi biến cố Truyền Tin qua tiếng xin vâng tròn đầy của Mẹ (Lc 1: 38).
Thánh Lu-ca quy tụ vào trong lời chúc tụng của bà Ê-li-sa-bét (1: 42-45) hai ân phúc của Đức Ma-ri-a: phúc được làm Mẹ Đấng Cứu Thế và phúc vì đã tin vào mọi lời Chúa phán. Chính hai ân phúc này mà thánh ký chủ ý tách rời ra ở 11: 27-28, ở đó một người phụ nữ giữa đám đông ca ngợi người mẹ của Đức Giê-su: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớn” và Đức Giê-su đáp trả: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Ở nơi Đức Ma-ri-a hai ân phúc này trở thành một: ngay khi tin rằng mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Rõ ràng đức tin của Mẹ là điều kiện tất yếu nhất cho mọi lời Chúa phán được thực hiện.
3/.Bài ca “Ngợi Khen” (Mangificat):
Đoạn Tin Mừng hôm nay tràn ngập niềm vui thời Thiên Sai: Tất cả lời chào của bà Ê-li-sa-bét tràn đầy niềm vui, Đức Ma-ri-a được công bố là có phúc, niềm hạnh phúc ở với bà Ê-li-sa-bét, đứa con trong bụng bà đã nhảy lên vui sướng và Đức Trinh Nữ xướng lên bài ca “Ngợi Khen” của mình. Đây là bài thánh ca thứ nhất trong bốn bài thánh ca trong Tin Mừng Thời Thơ Ấu theo Tin Mừng Lu-ca. Bài thánh ca này, mô phỏng bài thánh ca của bà An-na (1Sm 2: 1-10), gồm có ba phần:
-Phần thứ nhất (1: 46-50): Đức Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa vì đã đoái thương ban cho Mẹ được làm Mẹ Đấng Mê-si-a, dù Mẹ chỉ là phận nữ tì hèn mọn, chẳng có công trạng gì.
-Phần thứ hai (1: 51-53): một sự đảo ngược cảnh sống và bậc thang giá trị vào thời Thiên Sai giữa những người thấp hèn, bị áp bức chà đạp với những kẻ quyền thế kiêu căng, tự cao tự đại.
-Phần kết (1: 54-55): Đức Ma-ri-a cảm tạ Thiên Chúa vì Người vẫn hằng trung tín với những gì Người đã hứa.
Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng gợi lên rõ nét nhất niềm vui cứu độ được đem đến cho loài người qua biến cố Đấng Thiên Sai ngự đến. Ngoài ra, chuyện tích Viếng Thăm của thánh Lu-ca đem đến một lời chứng quý giá về tâm tình cảm tạ tri ân của người Ki-tô hữu tiên khởi đối với đức tính cao vời khôn sánh của “Thân Mẫu Chúa chúng ta”.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA SẮP ĐẾN- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Sau tuần đầu tiên nói về ngày Chúa đến, tuần II kêu gọi hãy dọn đường cho Ngài và tuần III kêu gọi hãy vui mừng vì ngày đó, Lời Chúa ngày hôm nay giới thiệu Đấng sắp đến là ai : đó là Chúa Giêsu.
– Trong bài đọc I (Mk 5,1-4), ngôn sứ Mikha cho biết Đấng sắp đến sẽ là người có quê quán tại Bêlem Ephrata thuộc chi tộc Giuđa.
– Trong bài Tin Mừng (Lc 1,39-45), Thánh Luca giới thiệu những người thân của Ngài : Đức Maria và Bà Êlisabét.
– Và trong bài đọc II (Dt 10,5-10), tác giả thư do thái ghi lại lời của Đấng Cứu Thế : “Này con xin đến để thực thi ý Chúa”.
I/. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Chỉ còn khoảng một tuần nữa thôi, chúng ta sẽ cử hành lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Chúa sẵn sàng đến với những ai nhận thức mình cần Ngài. Vậy bây giờ chúng ta hãy tới gần Ngài, mang theo tất cả những sự nghèo nàn thiêng liêng, những thương tích và những tội lỗi của chúng ta.
II/. GỢI Ý SÁM HỐI
– Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối hèn hạ. Xin Chúa thương xót chúng con.
– Lạy Chúa, chúng con đầy dẫy tội lỗi. Xin Chúa thương xót chúng con.
– Lạy Chúa, chúng con khổ sở nhiều mặt. Xin Chúa thương xót chúng con.
III/. LỜI CHÚA
1/. Bài đọc I (Mk 5,1-4)
Ngôn sứ Mikha cho biết trước một số nét về Đấng cứu thế sẽ đến :
– Ngài không xuất thân từ thủ đô Giêrusalem hay một thành phố lớn, nhưng từ một thị trấn nhỏ bé khiêm nhường là Bêlem.
– Mặc dù vậy, Ngài có sứ mạng thống lãnh Israel.
– Quyền lực Ngài sẽ trải rộng ra đến tận cùng trái đất, chính Ngài sẽ đem lại hòa bình.
2/. Đáp ca (Tv 89)
Bối cảnh của Thánh vịnh này là đất nước do thái đang chia rẻ thành hai, Israel ở phía Bắc và Giuđa ở phía Nam. Như vậy là đoàn chiên Chúa bị phân tán, và vườn nho Chúa cũng tan hoang.
Tác giả Thánh vịnh hình dung Đấng Messia là một mục tử, khi Ngài đến Ngài sẽ quy tụ các chiên về thành một đoàn duy nhất ; và như một người chủ vườn trở lại thăm nom và chăm sóc vườn nho cũ.
3/. Tin Mừng (Lc 1,39-45)
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết về Mẹ Đấng cứu thế sắp sinh ra.
Thánh Luca cố ý viết câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2.Sm 6), để nói rằng Đức Maria chính là Hòm Bia Tân Ước. Sau đây là các chi tiết :
a/. Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êdom. Maria đi từ Nagiarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.
b/. Đavít đã “kêu lên” rằng : làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi được. Êlisabét cũng “kêu lên” : làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.
c/. Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êdom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc. Đức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình bà (kể cả thai nhi) được phúc.
d/. Hòm Bia ở nhà Obed-Êđom 3 tháng ; Đức Maria cũng ở nhà Êlisabét 3 tháng (xem câu 56)
4/. Bài đọc II (Dt 10,5-10)
Tác giả thư Do thái thì hình dung Đấng Messia là một vị Thượng Tế và Chức thượng tế của Ngài trổi vượt chức thượng tế Cựu Ước :
– Lễ tế Ngài sẽ dâng lên không phải là lễ toàn thiêu hay lễ xá tội của Cựu Ước, mà là chính thân thể Ngài và việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.
– Lễ tế ấy không cần phải dâng lên nhiều lần, mà một lần duy nhất có giá trị vĩnh cửu.
IV/. GỢI Ý GIẢNG
1/. Đức Mẹ và Lễ Giáng Sinh
Lời Chúa ngày Chúa nhật cuối Mùa Vọng luôn đề cao Đức Mẹ. Trong Chúa nhật thứ IV năm nay, Đức Mẹ được mô tả là “người phụ nữ sinh con” (bài đọc I). Còn bài Tin Mừng thì tường thuật việc Người đi thăm viếng Bà Êlisabét. Cũng như con của mình, Đức mẹ là người “đến để thực thi ý Chúa” (bài đọc II). Gương Đức Mẹ có thể giúp chúng ta biết cách chuẩn bị Lễ Giáng sinh.
a/ Đức Mẹ luôn tin vào Lời Chúa, như nhận xét của Bà Êlisabét : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”. Chuẩn bị Lễ Giáng sinh là quan tâm đọc Lời Chúa và tin vào Lời ấy.
b/ Đức Mẹ luôn vâng theo ý Chúa : Trong biến cố Truyền tin, Người đã thưa với Thiên thần “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng”. Chuẩn bị lễ Giáng sinh là tỉnh táo nhận ra ý Chúa đối với mình và cố gắng vâng theo.
c/ Đức mẹ sẵn sàng giúp đỡ người khác : dù đường xá xa xôi, Đức Mẹ không ngại và đến thăm để giúp đỡ Bà Êlisabét. Chuẩn bị lễ Giáng sinh là quan tâm đến người khác và sẵn sàng giúp đỡ họ.
2/. Thăm viếng
a/ Viếng thăm là một hành động biểu lộ tình thương
Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Ê-li-sa-bét sống ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh được mệt nhọc, vất vả.
Chắc chắn việc Đức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét là do sự thúc đẩy của yêu thương. Ngài không đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét chẳng trách Ngài được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Ngài biết bà mang thai. Vả lại chính Ngài cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Chính tình thương đã thúc đẩy Ngài đi, vì Ngài rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà Ngài xứng đáng làm Mẹ của Chúa Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê : «Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ «Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua» có nghĩa như thế !
Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức Phật nói : «Yêu mà không được ở gần nhau thì sẽ đau khổ». Tục ngữ có câu : «Nhất nhật bất kiến như tam thu hề !». Vì thế, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Đến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tính gia đình, tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.
b/ Đến thăm để đem Chúa đến cho người mình thương
Khi Đức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét, thì Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Đức Maria mang Chúa đến, nên không chỉ bà Ê-li-sa-bét vui mừng, mà hài nhi trong bụng Bà cũng vui mừng theo, đến nỗi phải «nhảy lên» trong bụng mẹ. Và chắc chắn cũng chính vì Đức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Ê-li-sa-bét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Đức Maria cùng với bào thai Giêsu còn biến đổi hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.
Đến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện, chứ không phải ta.
Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Rất nhiều người nói về Chúa rất nhiều rất hay, nhưng thật sự không mang Chúa trong mình. Chúa là tình thương, mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính mình yêu thương họ thật sự, bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Ê-li-sa-bét đâu ! Mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi mình đến với họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa.
c/ Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng
Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Nhưng tình yêu vô biên phổ quát của Ngài khiến Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.
Ngài muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.
Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không ? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta.
Ngài đã chẳng từng nói : «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi !» (Mt 7,21). Mà ý muốn của Thiên Chúa la ø : «Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Về việc dâng quá nhiều lễ tế, đọc kinh kệ quá nhiều mà thiếu lòng yêu thương nhau, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài : «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì ? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…» (Is 1,11-15 ; xem bài đọc 2 được nêu ở trên). Chỉ có tình yêu đích thực mới làm Chúa hài lòng !
***
Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen. (Nguyễn chính Kết)
3/. Maria dám tin
Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người : ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Đại khái nội dung của bích chương loan báo : Bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g đến 12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên, mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.
Đúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11 giờ mới có một người đàn ông rụt rè đến… Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến. Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn.
Lời hứa của doanh nhân trong câu chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Đức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em ” (Lc 1,4 5).
Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.
Tin là để cho chương trình cứu độ của Người đảo lộn chương trình sống của chúng ta.
Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.
Trước khi thưa lời “Xin Vâng”, Đức Maria đã có chương trình của Mẹ là sẽ sống đời đôi bạn với thánh Giuse (Lc 1,27). Và qua lời “Xin Vâng” Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Thiên Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Người đảo lộn chương trình sống, và cùng Người bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.
Mẹ ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết ra đi theo sự hướng dẫn của Chúa.
Mẹ đã đi từ bước phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác : Từ việc hạ sinh Con Thiên Chúa cách đơn nghèo, cho đến khi lạc mất con trong đền thánh ; từ những lời cứng cỏi của con ở Cana và Caphanaum cho đến khi gặp con dưới chân thập giá.
Mẹ đã “Suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) vì những kỷ niệm ấy quả là khó hiểu dưới con mắt loài người.
Mẹ xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu thế vì mẹ đã dám tin vào lời Chúa và để Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Người.
Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã chấp nhận lên đường làm một cuộc phiêu lưu với Chúa trong tin yêu và phó thác : “Xin Chúa làm cho tôi như lời Ngài nói” (Lc 1,38).
Chính vì Mẹ diễm phúc mà lòng Mẹ đã là mái ấm đầu tiên, là Đền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự trước khi bước vào cuộc đời.
Chính vì Mẹ là Đền Thánh nên đấng Thánh trong lòng Mẹ đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh.
Chính vì cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh giữa Mẹ và bà chị họ, mà Thánh Thần đã linh ứng cho bà nhận ra điều mắt thường không thể thấy, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.
Chính vì niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của Êlisabét đã khiến Mẹ cảm nhận thật sâu xa hồng ân cao cả, và lời ngợi ca Thiên Chúa đã vỡ oà trên bờ môi hạnh phúc trong lời kinh Magnificat (x. Lc 1,46-54).
Vâng, chính cuộc sống tin yêu và phó thác của Mẹ đã tuôn chảy dòng sông của ân phúc, cuộc sống ấy đang toả hương thơm cửa thiên đàng.
Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương tuyển chọn Đức Maria và bà Êlisabét, đã cho các ngài mang thai cách diệu kỳ, để hạ sinh Đấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của Người.
Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ : Tin vào lời Chúa và chương trình cứu độ của Người. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con với trọn niềm tin tưởng mến yêu. Amen. (TP)
4/. “Em có phúc vì đã tin“
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Bà Êlisabét nói với Đức Maria : “Em có phúc vì đã tin”. Tin và hạnh phúc, đó là hai điều liên hệ chặt chẽ với nhau, một liên hệ nhân quả. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bằng chứng trong các sách Tin Mừng :
– “Chúa Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng : Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh” (Mt 8,13)
– Chúa Giêsu quay lại nói với người đàn bà bị băng huyết : “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (Mt 9,22)
– Chúa Giêsu nói với hai người mù đi theo Ngài “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?” Họ đáp “Thưa Ngài chúng tôi tin”. Bấy giờ Ngài sờ vào mắt họ và nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,28-29)
Chúng ta có thể nói chủ đề chính của Tin Mừng là hạnh phúc cho những kẻ tin. Tất cả những lời Chúa Giêsu giảng dạy là nhằm khơi lên đức tin trong lòng người nghe. Tuy nhiên, chỉ tin thôi thì chưa đủ mà còn phải làm theo như mình tin. Người ta nói ma quỷ cũng tin Chúa đó, nhưng nó không làm theo ý Chúa.
Đức tin không biến cuộc sống của ta thành dễ dàng. Ngược lại là đàng khác, vì tin đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu, phải kiên trì.
Đức Maria được chúc phúc vì Người không chỉ tin mà còn hành động theo điều Người tin. Ngay sau khi được Thiên sứ viếng thăm, Người đã vội vàng đi thăm viếng Bà Êlisabét. Qua đó, chúng ta thấy rằng sống đạo không phải chỉ là tin suông mà còn phải thể hiện đức tin bằng việc làm.
Lễ Giáng sinh có thể giúp ích chúng ta rất nhiều trong đức tin, vì dù sao trong dịp này chúng ta cũng thấy Chúa gần gũi với mình hơn những lúc khác. Nhưng cốt lõi của sứ điệp Giáng sinh là Con Thiên Chúa đã nhập thể trong một đứa trẻ nghèo nàn yếu ớt. Trong lễ Giáng sinh đầu tiên, có những người đã tin vào điều ấy, và cũng có những người không tin. Nhưng chỉ những người tin mới được chúc phúc. (FM)
5/. Chúa Giáng sinh mang lại gì mới ?
Người ta thích những điều mới. Một món hàng mới xuất hiện trên thị trường, người ta đổ xô đi mua. Một thời gian sau, món đồ ấy không còn mới nữa, người ta nhàm chán. Thế là nhà sản xuất phải nghĩ ra cái khác mới hơn. Hiện tượng này cho thấy 2 điều : một là khuynh hướng thích cái mới thúc đẩy sự tiến bộ ; hai là cái gì mới rồi cũng sẽ cũ đi.
Có cái gì vẫn luôn luôn mới chứ không bao giờ cũ không ? Nếu có cái đó thì cái đó mới là cái thực sự mới.
Đó chính là cái mà Chúa Giáng sinh mang lại. Đó là tình yêu hiến dâng. Chúa đến trong lòng Đức mẹ. Lòng Đức Mẹ đổi mới. Đức Mẹ lập tức mang điều mới mẻ đó trao ban cho Bà Êlisabét.
Trong số những điều mới mẻ trên thế giới và trong Giáo Hội, những cái vẫn còn mới và tồn tại mãi qua dòng thời gian chính là những thứ giúp phát triển tình yêu và sự dâng hiến. Chúa Giêsu giáng sinh là người đầu tiên mang điều mới mẻ ấy cho nhân loại.
6/. Lời nguyện Mùa Vọng
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến
Xin hãy bước vào những yếu đuối của chúng con
Xin hãy bước vào những nỗi sợ hãi của chúng con
Xin hãy bước vào những lo lắng của chúng con
Xin hãy bước vào những thất bại của chúng con
Xin hãy bước vào những chia rẻ của chúng con
Xin hãy bước vào những buồn phiền của chúng con
Xin hãy bước vào những cô đơn của chúng con
Xin hãy bước vào những bóng tối của chúng con
Xin hãy bước vào những hoài nghi của chúng con
Xin hãy bước vào những thất vọng của chúng con
Xin hãy bước vào những nghèo hèn của chúng con
Xin hãy bước vào cuộc tìm kiếm của chúng con
Xin hãy bước vào những niềm vui và hy vọng của chúng con
Xin hãy bước vào cuộc hấp hối của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến
V/. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, thật hạnh phúc cho những ai biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân ái. Trong niềm hân hoan vì Ngôi Hai Thiên Chúa sắp ngự đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1/. Hội thánh cần những mục tử tài đức và thánh thiện để hướng dẫn Dân Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho Hội thánh / luôn có nhiều mục tử như lòng ước mong.
- Cùng với Đức Trinh Nữ Maria / nhiều sứ giả của tình thương đã vội vã lên đường / đem niềm vui cho những người sầu khổ / đem ủi ban cho những ai đang gặp bế tắc trong cuộc sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giữ gìn những anh chị em đang dấn thân phục vụ tha nhân / luôn được an lành.
3/. Hiện nay / có rất nhiều bạn trẻ đang tích cực cộng tác với các vị mục tử / trong việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các giáo lý viên / tìm được niềm vui trong công việc cao quý này.
4/. Đức tin không việc làm là đức tin chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thể hiện niềm tin sống động của mình / bằng việc luôn vâng theo thánh ý Chúa / hết lòng phó thác và tận tụy phục vụ như Đức Maria.
Chủ tế : Lạy Chúa, ngày xưa Đức Trinh Nữ Maria đã vội vã lên đường mang Chúa Giêsu đến cho người khác ; ngày nay, xin Chúa cho chúng con cũng biết noi gương Người mà nhiệt tình đem Chúa đến cho anh chị em chúng con, bằng chính đời sống thấm nhuần tinh thần Tám Mối Phúc thật của chúng con. Chúng con cầu xin.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam