Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 75
Tổng truy cập: 1357820
Bài Hoan Ca Chúc Tụng
Mt 11, 25-30
G. Nguyễn Cao Luật, OP
Bài ca đơn giản nhưng sâu sắc
Công cuộc giảng thuyết của Ðức Giêsu tại các thành phố miền Ga-li-lê vừa gặp thất bại. Mặc dù Người đã làm nhiều phép lạ, nhưng đám thủ lãnh tại đây vẫn không tin. Họ không nhìn nhận Ðức Giêsu là Ðấng Thiên Sai ; những người tự cho mình là khôn ngoan thông thái lại từ chối sứ điệp Tin Mừng. Ðức Giêsu lại quay về với đám môn đệ ít ỏi của mình. Và, một lần nữa, trong khi cầu nguyện, Ðức Giêsu khám phá ra chương trình huyền nhiệm của Chúa Cha. Trước tình yêu cao cả và lạ lùng của Chúa Cha, tâm hồn Ðức Giêsu tràn ngập niềm vui và Người đã diễn tả niềm hạnh phúc của những người nghèo qua một bài ca chúc tụng.
Ðức Giêsu quả là một vị ngôn sứ được thần hứng : Người đã kín múc từ kho tàng Kinh Thánh để hát lên bài ca chúc tụng Chúa Cha. Qua bài ca này, Ðức Giêsu cho thấy điểm nghịch lý trong ơn cứu độ do Chúa Cha ban tặng. Ơn cứu độ này không được ban cho các nhà ký lục hay người biệt phái, là những người thông hiểu Kinh Thánh, nhưng lại được ban cho những người hèn mọn, những người nghèo khó đang đi theo Người.
Nếu như Ðức Giêsu nắm giữ vai trò ưu tiên tuyệt đối trong mặc khải này, đó là vì Người luôn ở trong Chúa Cha, Người hiểu rõ tất cả chiều sâu của huyền nhiệm, Người luôn có mối tương giao đặc biệt với Chúa Cha. Người là Con Thiên Chúa. Chỉ một mình Ðức Giêsu hiểu rõ về mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha, và cũng chỉ một mình Người có khả năng giúp các môn đệ đạt tới mầu nhiệm tình yêu này.
Con xin ngợi khen Cha vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết .... Ðiều này không có nghĩa là Ðức Giêsu ủng hộ sự dốt nát hay sự từ chối việc hiểu biết do Thiên Chúa ban. Trái lại, lời cầu nguyện của Ðức Giêsu muốn cho thấy rằng mọi hiểu biết tự nó luôn có tính tương đối. Sự hiểu biết thực sự về mầu nhiệm luôn vượt quá những kiến thức sâu sắc nhất.
Như vậy, con người sẽ không thể nào tự mình tìm ra phương thế để hiểu được chân lý về Thiên Chúa. Cách tốt nhất là họ sẵn sàng tuân theo thánh ý Người, để Người hành động. Bởi vì mầu nhiệm là khám phá ra Thiên Chúa, nhìn nhận Người là ân sủng. Con người sẽ chẳng bao giờ hiểu được về Thiên Chúa khi họ chỉ cố gắng tìm hiểu về Người theo những lập luận của mình. Mặc khải này chỉ dành cho những người khiêm tốn, những người chấp nhận điều do chính Thiên Chúa bày tỏ. Chỉ những ai chấp nhận Thiên Chúa mới hiểu được Thiên Chúa và kế hoạch của Người.
Dành ưu tiên cho người nghèo
Trong cuộc đời công khai, Ðức Giêsu luôn đứng về phía những người bị gạt ra bên lề xã hội. Người luôn bênh vực những người vẫn bị đánh giá là tội lỗi, là hư hỏng. Những phép lạ Người làm, những lời Người giảng dạy đều cho thấy tấm lòng ân cần, ưu ái của Người dành cho những người bị bỏ rơi, bị áp bức.
Hơn nữa, đó không chỉ là tấm lòng của Ðức Giêsu, nhưng chính là kế hoạch nhiệm mầu và yêu thương của Thiên Chúa. Lời kinh Magnificat của Ðức Ma-ri-a cũng như lời cầu nguyện của Ðức Giêsu đã diễn tả ý tưởng này cách rõ ràng.
Thế nhưng ai là kẻ bé mọn, nghèo khó ?
Những kẻ bé mọn, theo Ðức Giêsu, không phải là những người hoàn toàn ngu dốt, nhưng là những người chẳng có chút quyền hành, những người bị người khác cai trị. Họ là những người chẳng có địa vị nào trong xã hội, nếu không muốn nói là những kẻ bị bỏ rơi, bị áp bức, những kẻ thấp cỗ bé miệng. Nếu xã hội có quan tâm đến họ, thường là để trêu chọc, để trút lên đầu họ tất cả những gì xấu xa ; hay tinh vi hơn, là để lợi dụng họ hầu thực hiện những mưu đồ xấu xa ...
Và không phải chỉ những kẻ bé mọn, nghèo khó về mặt vật chất, nhưng còn có những kẻ bé mọn và nghèo khó về tinh thần. Những người này thường bị coi là hạng người tội lỗi, chẳng có chút gì gọi là thành tích, là công phúc, vì không thi hành đúng như Lề Luật truyền dạy. Những người này khác hẳn những người vốn tuân giữ Lề Luật cách chi li, những người vốn nghĩ rằng mình là người đạo đức, là người công chính, và do đó không cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa.
Như vậy, người bé mọn và nghèo khó là những người ý thức mình yếu kém, tầm thường. Họ cần sự trợ giúp của người khác, nhất là từ phía Thiên Chúa. Họ là những người nghèo nên sẵn sàng đón nhận bất cứ sự nâng đỡ nào. Họ chẳng có gì để tự mãn nên không cố chấp, và luôn biết xử sự cách khiêm tốn, chân thành.
Người bé mọn và nghèo khó quả là một mảnh đất tốt cho hạt giống Tin Mừng. Thái độ của Ðức Giêsu cũng như lời giảng dạy của Người làm cho họ cảm thấy được yêu thương thực sự. Ðối lại, họ sẵn sàng nghe lời Người dạy bảo, sẵn sàng đi theo Người. Ðó chính là trường hợp của người trộm lành cùng chịu đóng đinh với Ðức Giêsu, của Ma-ri-a Ma-đa-lê-na người được Chúa tha thứ, và của nhiều người khác nữa như Tin Mừng đã thuật lại.
Vì vậy, những người có hiểu biết sâu rộng, những người có điều kiện để làm những việc lành không được quyền đóng kín cửa lòng mình lại. Họ phải ý thức rằng, dù thế nào chăng nữa, dù có giỏi giang tốt lành đến mấy, họ vẫn phải biết khiêm tốn, biết sẵn sàng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tức là biết trở nên nghèo khó. Chính thái độ này giúp họ đạt tới Nước Trời, giúp họ khám phá ra khuôn mặt cũng như chương trình của Thiên Chúa.
Bài ca cũng là lời kêu mời
Cuối cùng, Ðức Giêsu đưa ra lời mời gọi : những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Người. Người sẽ cho họ được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng.
Trong Do-thái giáo, cái ách hay gánh nặng thường là hình ảnh của luật lệ. Các thầy ký lục và nhóm biệt phái đã giải thích Lề Luật theo nghĩa đen, để ràng buộc dân chúng trong vòng kiểm soát của họ. Còn Ðức Giêsu, Người đến để kiện toàn Lề Luật, không phải theo chiều hướng buộc dân chúng phải tuân giữ Lề Luật cách máy móc, vô hổn ; trái lại, Người giải phóng họ khỏi cách hiểu nông cạn, giết chết tinh thần. Người đến để hướng dẫn một cuộc xuất hành mới tiến về Vương Quốc của tự do, của ân sủng và yêu thương.
Ðúng thế, Ðức Giêsu không bảo người ta thôi giữ các luật lệ, trái lại Người chỉ cho họ hiểu rằng luật lệ chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Ðiều cốt yếu là tìm vinh quang Thiên Chúa, kèm theo đó là lòng yêu thương người khác. Mọi chuyện khác dù thế nào chăng nữa, vẫn phải quy hướng về mục đích này.
Như thế, gánh nặng sẽ nên nhẹ nhàng bởi vì nó đã trở thành một tương giao sống động trong tình yêu và tự do. Chính tình yêu sẽ biến đỗi tất cả, làm cho mọi sự trở thành dễ dàng và đáng yêu.
Ðức Giêsu có thể đưa ra lời kêu mời này, vì chính Người đã đón nhận tất cả gánh nặng của nhân loại, trong đó, gánh nặng nhất chính là sự chết và tội lỗi. Chính Người đã thực sự đảm nhận mọi nỗi khỗ đau của thân phận làm người và đã đem lại cho chúng một ý nghĩa mới. Nhờ sự hiệp thông với Ðức Giêsu, nhờ sức mạnh của Người, người tín hữu có thể đón nhận mọi nỗi buổn phiền và biến chúng thành ơn cứu độ cho chính mình cũng như cho người khác. Bởi vì tâm hổn họ luôn dạt dào tình yêu mến, và họ hiểu rõ ý nghĩa cũng như giá trị của mọi biến cố.
Phúc thay người tỉnh thức với tâm hồn nghèo khó,
Tình yêu Thiên Chúa là vương quốc của họ.
Phúc thay người không bao giờ giơ lên nắm đấm,
Bông hoa của Thiên Chúa sẽ nở trên đôi tay họ.
Phúc thay người phải phiền luỵ vì yêu mến,
Dòng máu của Thiên Chúa lưu thông trong huyết quản của họ.
Phúc thay người luôn biết thứ tha,
Niềm vui của Thiên Chúa là bí mật của họ.
Phúc thay người biết nhìn mọi sự với ánh mắt của trẻ thơ,
Ánh sáng của Thiên Chúa là niềm vui của họ.
Phúc thay người hiến mạng sống mình để tạo lập hoà bình,
Bàn tay Thiên Chúa là sức mạnh của họ.
Phúc thay người liều mạng sống vì Ðức Ki-tô,
Bài ca của Thiên Chúa sẽ là ngày hội của họ.
(theo A. Lebret)
Chúa nâng đỡ bổ sức
(Mt 11, 25-30)
Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Tìm kiếm một sự giúp đỡ, chắc chắn chúng ta tìm đến với những người giàu thiện cảm và sẵn sàng an ủi, giúp đỡ. Tin Mừng giới thiệu với chúng ta một người luôn sẵn sàng chia sẻ, cảm thông, một nơi chúng ta có thể gửi gắm mọi nỗi niềm, đó là Chúa Giêsu, như Chúa đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay : “Hãy đến với tôi, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, tôi sẽ nâng đỡ và bổ sức cho”. Đây là một lời kêu gọi, một lời nhắn nhủ, một lời khích lệ đầy an ủi và phấn khởi Chúa Giêsu nói với tất cả và từng người chúng ta.
Nói về những gánh nặng của cuộc sống, con người hôm nay không thiếu những gánh nặng chồng chất, và nhiều khi chúng ta có cảm tưởng đôi vai mình quá bé bỏng. đôi tay mình quá yếu ớt, không sao mang nổi. Có những gánh nặng của nhu cầu cơm áo, của bệnh hoạn tật nguyền; lại có những gánh nặng của áp bức bất công, của nhân phẩm bị chà đạp. Và nặng nề hơn nữa, là những gánh nặng trong đời sống tinh thần, vì sức nặng tâm hồn có khi còn nặng hơn nhiều lần sức nặng thể xác. Nhiều thói xấu kìm hãm tinh thần, sức ép của đam mê, ích kỷ, của thành kiến cố chấp hầu như không chịu buông tha để chúng ta có thể thảnh thơi bước đi theo Chúa. Hay nói như thánh Phao-lô trong bài đọc hai hôm nay, thì dường như chúng ta còn mắc nợ xác thịt, nghĩa là còn sống theo sự chi phối của xác thịt nhiều quá, nên chưa đi vào đường lối Chúa Giêsu đã chỉ dạy. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta can đảm nhìn nhận thân phận nghèo khó và yếu đuối của mình, để đến với Chúa với lòng tín thác và sẽ được Ngài đỡ nâng bổ sức.
Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã có kinh nghiệm về điều này, và ngài đã kể lại cho khách hành hương trong chính lễ đăng quang của ngài, năm 1958 như sau : “Năm tôi lên 7 tuổi, một hôm cha tôi đưa tôi đến làng bên cạnh, nơi tổ chức buổi lễ Công giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi, cha tôi phải cõng tôi trên lưng của người. Đến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng quá đông mà tôi lại thấp bé, không thể nhìn thấy đoàn người đang đi diễu hành. Thế là, một lần nữa, cha tôi lại cho tôi ngồi trên cổ và hai vai của người, và từ trên cao, tôi có thể xem thấy mọi sự”. Rồi ngài kết luận : “70 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí, tôi vẫn nhớ tới cử chỉ của cha tôi, nó đã trở thành một biểu tượng kỳ diệu, để mỗi khi tôi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên trên đôi cánh của người”.
Thật đơn sơ, thật cảm động, và cũng thật vĩ đại, sâu sắc. Một con người từng làm nên khúc quanh trong lịch sử Giáo Hội đã sống như thế. Vâng! Đúng vậy! Từ trên đỉnh cao, chúng ta có thể trông thấy mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của đời chúng ta và đời người. Nơi Chúa, chúng ta nhìn thấy toàn cảnh cuộc đời và cũng có nghĩa là nhìn thấy hướng đi, ý nghĩa cho đời mình. Nơi Chúa, không phải chúng ta bước đi mà là chính Chúa, với những bước chân sải rộng và vững chắc. Hãy đến với Ngài mỗi khi vất vả mệt nhọc vì gánh nặng, mỗi khi cảm thấy cuộc sống quá nặng nề u ám, mỗi khi hầu như không còn thấy gì nữa.
Vâng! Hãy đến với Chúa, vì gánh nặng đời này thì nhiều thứ, nhiều cỡ, nhiều kiểu. Tự sức mình, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, chán chường. Nếu có ai nói với chúng ta, họ sẽ chia sẻ, nâng đỡ chúng ta và đỡ nâng, chia sẻ thật sự, thì chúng ta đã cảm thấy vui mừng, an ủi, nhẹ bớt lo âu, phương chi là Chúa, Đấng quyền phép vô cùng, chúng ta càng vui mừng và an tâm hơn biết bao! Lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay muốn nói với chúng ta : “Ngài đang có mặt trong từng giây phút của cuộc sống chúng ta, Ngài sẵn sàng làm nhẹ bớt những vất vả, những gánh nặng, những lo âu, những sầu đau, buồn tủi của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, Chúa chỉ nói : Ngài nâng đỡ, Ngài bổ sức cho chúng ta, chứ Ngài không cất gánh nặng đi, nghĩa là Ngài giúp đỡ để chúng ta mang nổi gánh nặng của mình. Để hiểu rõ, xin kể câu chuyện sau đây : Một vùng quê kia bị một trận lụt dữ dội tàn phá, khiến cho một bà già bị kẹt trong căn nhà của bà. Đang khi bà đứng tựa cửa sổ nhìn ra thì một chiếc thuyền xuất hiện, người lái thuyền bảo bà : “Hãy leo lên thuyền để thoát nạn”. Bà đáp lại:“Không, cám ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.
Ngày hôm sau, cơn lụt dâng cao đến tầng hai của căn nhà. Đang khi bà đứng tựa cửa sổ tầng hai nhìn con nước thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà : “Hãy lên thuyền để thoát nạn”. Bà đáp lại : “Không, cám ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền cũng lắc đầu bỏ đi.
Ngày kế tiếp, con nước dâng lên tận nóc nhà. Đang khi bà kia ngồi trên nóc nhà nhìn con nước dâng, một chiếc trực thăng hiện ra, viên phi công dùng loa gọi vọng xuống : “Tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên và bà sẽ thoát nạn”. Bà già lại nói : “Không, cám ơn, tôi tín thác vào Chúa, Ngài sẽ cứu thoát tôi”. Viên phi công nhìn bà lắc đầu, rồi bỏ đi.
Ngày sau đó, cơn lụt nhận chìm ngôi nhà và bà kia bị chết đuối. Khi được đưa về trời, bà nói với thánh Phêrô : “Trước khi vào đây, tôi xin được phàn nàn một điều. Tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi chết chìm”. Thánh Phê-rô lắc đầu nói : “Tôi chả hiểu Chúa có thể làm thêm được điều gì cho bà nữa, vì Ngài đã gửi tới bà những hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi, bà còn phàn nàn gì nữa”.
Chúng ta thấy rõ ràng bà già trong trận lụt kia quá lầm lẫn. Bà quên rằng Chúa thường hoạt động trong đời sống chúng ta xuyên qua những phương tiện bình thường. Bà quên rằng chúng ta phải làm hết phận vụ của mình và hợp tác với Chúa bằng cách sử dụng những phương tiện bình thường Ngài đã ban cho. Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi thụ động chờ Chúa làm phép lạ, mà phải dùng tất cả mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp mình trước đã. Tóm lại, chúng ta phải cố gắng làm việc và tìm mọi cách để giải tỏa gánh nặng đời mình, rồi Chúa sẽ trợ giúp, chứ đừng ngồi không mà than thân trách phận, hoặc chỉ cầu xin , khấn vái thôi thì chưa đủ. Hãy tự giúp mình trước rồi Chúa sẽ giúp mình sau.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam