Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 37

Tổng truy cập: 1363811

BÀI HỌC QUAN TRỌNG CỦA KINH MÂN CÔI

  1. Bài học quan trọng của kinh Mân Côi

(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ của Lm. Ignatio Trần Ngà)

Mọi tội lỗi của loài người đều do một cội rễ sinh ra, đó là tội không vâng lời Thiên Chúa. Ngay từ khởi thuỷ, tổ tông loài người là Ađam và Evà đã không vâng lời Thiên Chúa, không đi theo đường lối Người, nên đã bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, phải chịu đau khổ và phải chết, để lại hậu quả tai hại cho con cháu về sau.

Sự bất tuân nầy cũng giống như tàu đi trật đường rầy. Một khi nguyên tổ là đầu tàu đi trật đường rầy thì cả đoàn tàu là muôn vàn con cháu cũng bị lao xuống vực sâu tội lỗi. “Thật vậy, vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân... “ (Rm 5, 19)

Vì thế, muốn cứu chuộc loài người hư vong vì đi trệch đường lối Thiên Chúa thì phải có một đầu tàu khác lôi kéo đoàn tàu trở lại theo đúng đường rầy. Chúa Giêsu chính là “đầu tàu” nầy: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất (là Chúa Giêsu) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”. (Rm 5, 19)

Tràng chuỗi Mân Côi chính là một lời động viên liên lỉ kêu mời mọi người theo gót Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đi theo con đường vâng phục như Chúa Giêsu và Mẹ Maria để được tiến vào nơi hạnh phúc muôn đời.

* Theo gương vâng phục của Mẹ Maria

Bà E-và xưa đã nghe lời dụ dỗ của Sa-tan, không tuân giữ lời Thiên Chúa truyền dạy, nên đã lôi kéo dòng dõi của mình vào cõi chết.

Đức Maria là E-và mới đã uốn nắn lại những sai trật của E-và xưa, bằng đời sống vâng phục Thiên Chúa tuyệt đối nên Mẹ được đưa lên trời hưởng phúc muôn đời vinh hiển. Đó là một nét lớn trong nội dung của kinh Mân Côi.

Dù được Thiên Chúa đưa lên địa vị làm mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Maria vẫn tự coi mình là người nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa và suốt đời vâng theo lệnh Chúa truyền. Mẹ đã thưa với sứ thần Gabrien trong ngày truyền tin rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đó là bài học vâng phục mà Mẹ dạy chúng ta qua mầu nhiệm vui.

Sự vâng phục trong tinh thần khiêm tốn của Mẹ Maria đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Mẹ, ban cho Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác (là nội dung gẫm thứ tư thuộc năm sự mừng) rồi lại trọng thưởng Mẹ trên thiên quốc (là nội dung gẫm thứ năm thuộc năm sự mừng).

* Theo gương vâng phục của Chúa Giêsu

Song song với tấm gương vâng phục của Mẹ Maria là tấm gương vâng phục chói ngời của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thương.

Trong Vườn Dầu, dẫu phải “lâm cơn xao xuyến bồi hồi, và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất... (Luca 22, 44) thì Chúa Giêsu cũng xin thưa với Cha: “Xin đừng làm theo ý Con, mà làm theo ý Cha!” (gẫm thứ nhất năm sự thương)

Kế đó, khi bị đưa ra toà xét xử, và dù phải chịu đòn vọt tơi bời (gẫm thứ hai năm sự thương), Chúa Giêsu vẫn cắn răng chịu đựng trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha: “Xin cho ý Cha thể hiện”.

Sau đó, quân dữ bện vòng gai làm như một thứ 'vương miện', chụp lên đầu Người, lại còn thay nhau khạc nhổ, phỉ báng, nhạo cười... (gẫm thứ ba năm sự thương), Chúa Giêsu vẫn bằng lòng uống cạn chén đắng Cha trao: “Xin đừng theo ý Con, mà làm theo ý Cha”.

Dù đã đến lúc sức tàn lực kiệt, lại phải vác lấy thập giá nặng nề, lảo đảo bước lên đồi Can-vê như một tên tử tội khốn cùng nhất, bị kiệt sức và phải ngã xuống nhiều lần (gẫm thứ tư), Chúa Giêsu vẫn đi cho đến cùng con đường Chúa Cha đã định: “Xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”.

Dù phải chịu đóng đinh ô nhục và chịu chết rất đau thương trên thập giá giữa hai tên tử tội, chịu bao kẻ qua lại thách thức nhạo cười (gẫm thứ năm), Chúa Giêsu vẫn một lòng vâng theo ý Cha và xin Cha tha thứ cho những việc họ làm. (Lc 23, 34)

Sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu rất đẹp lòng Thiên Chúa Cha nên Người đã cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển (gẫm thứ nhất và thứ hai năm sự mừng) và siêu tôn Chúa Giêsu vượt bậc: “Chính vì thế, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu...” (Pl 2, 9)

Thế là từ đây, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu, mọi kẻ tin sẽ được cứu độ, con cháu Ađam tưởng đã phải hư mất đời đời nay lại được cứu rỗi: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất (Ađam) đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất (Chúa Giêsu) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính. (Rm 5, 19)

Như thế, chuỗi Mân Côi là lời mời gọi chúng ta vâng phục Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Vâng theo ý Thiên Chúa là con đường đã đưa Chúa Giêsu và Mẹ Maria vào cõi trời vinh hiển và cũng là con đường duy nhất dẫn chúng ta vào chốn hạnh phúc đời đời như lời Chúa Giêsu dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

 

  1. Mân Côi, bản tóm lược Tin Mừng

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trên một chuyến xe lửa về Paris, một sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một chuỗi tràng hạt và từ từ chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng như không còn đủ kiên nhẫn nữa, anh ta mới lên tiếng:

- Thưa ông, nếu tôi không lầm thì ông vẫn còn tin những chuyện nhảm nhí ấy chứ?

Cụ già điềm nhiên trả lời?

- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Người sinh viên cười một cách ngạo mạn và quả quyết:

- Lúc nhỏ tôi tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin những chuyện ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi, hạy quăng chuỗi tràng hạt ấy đi, và hãy học hỏi những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan cả.

Cụ gì bình tĩnh hỏi người sinh viên:

- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều nầy không?

Người sinh viên hăng hái đề nghị:

- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi đến cho ông một quyển sách. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.

Cụ già từ từ rút trong túi áo ra một thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: “Louis Pasteur viện nghiên cứu khoa học Paris”.

Anh chị em thân mến,

Louis Pasteur là một nhà bác học thời danh của viện nghiên cứu khoa học Paris. Cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông gắn liền với việc cầu nguyện và cầu nguyện với tràng chuỗi mân côi. Ngược lại, con người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay chỉ đề cao tính thực dụng, đề cao những gì mang lại hiệu quả cụ thể, tức thời, giải đáp những nhu cầu cuộc sống. Vì thế, người ta dễ lơ là với việc cầu nguyện, cho rằng cầu nguyện chẳng mang lại cái gì cụ thể cho cuộc sống, chỉ thấy mất thời giờ, nếu không cho là chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan.

Nếu việc cầu nguyện nói chung bị quên lãng như thế, thì hình thức cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi lại càng khó khăn nhiều hơn nữa. Nhất là chuỗi Mân Côi được thực hành với niềm tin tưởng có vẻ ma thuật, phù phép sẽ không còn thu hút nổi người ngày nay, nhất là giới trẻ. Họ chỉ thấy đó là công việc tẻ nhạt, mất thời giờ và hoàn toàn máy móc. Có người lại còn mặc cảm khi lần chuỗi Mân Côi, vì nghĩ rằng đó là việc đạo đức của các bà già và con nít!

Chính vì vậy, cần phải đổi mới việc lần chuỗi Mân Côi. Việc đổi mới nầy hệ tại ở chỗ khám phá nội dung và giá trị Tin Mừng của tràng chuỗi Mân Côi. Trong Tông huấn “Lòng sùng kính Đức Maria” (Marialis Cultus), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã không ngừng nhắc đến kinh Mân Côi là một kinh bản chất Tin Mừng, là kinh Tin Mừng, là bản tóm lược Tin Mừng. Tin Mừng ở đây là Tin Mừng Cứu Độ. Tin Mừng ấy không nơi nào được vang lên với tất cả niềm hân hoan phấn khởi cho bằng lời kinh “Ave Maria” mà chúng ta đọc là “Kính Mừng Maria” thay vì trong nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “Hãy vui lên, Maria!” khi thiên sứ loan báo Tin Mừng cứu độ. Tin Mừng cứu độ mà bao đời hằng ấp ủ trong hy vọng, giờ đây được thực hiện nơi người thiếu nữ Sion mang tên Maria, vì Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành Mẹ của Con Ngài, Mẹ của Đấng mà nơi Ngài ơn cứu độ được hoàn thành. Vì thế, Maria được ban một tên mới: “Hãy vui lên, Người đầy ơn phúc” là tên mới của Đức Mẹ. Đọc lên lời kinh “Kính mừng Maria” là reo lên niềm vui ơn cứu độ. Ơn cứu độ mà chúng ta được hội nhập vào, khởi đi từ lòng Thiên Chúa thương xót và thông qua thái độ đầy tin tưởng, cậy trông của Đức Maria.

Nội dung Tin Mừng cứu độ là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, từ khi giáng sinh đến cuộc sống, lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thế mà chuỗi Mân Côi là bản tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu với những biến cố chính yếu nhất: “Từ khi thụ thai và những mầu nhiệm của thời thơ ấu cho đến giờ phút cao điểm của biến cố Vượt Qua cuộc Tử Nạn hồng phúc và Phục Sinh vinh quang – và cho đến hồng ân tuôn đổ xuống trên Giáo Hội ngày lễ Ngũ Tuần cũng như trên Đức Trinh Nữ trong ngày kết thúc cuộc hành trình trần gian đã được đưa cả xác hồn về quê hương thiên quốc” (MC số 45). Vì vậy có lạ gì khi nói chuỗi Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng.

Anh chị em thân mến,

Khi lần chuỗi Mân Côi cùng với lời kinh Kính Mừng Maria được lặp đi lặp lại như một điệp khúc vui, chúng ta được mời gọi đi vào tâm tình của Mẹ Maria, dọc theo những biến cố của cuộc đời của người Con yêu dấu: những tâm tình khiêm nhu, nghèo khó, yêu thương, vâng phục, tín thác… Đây là những giá trị của Tin Mừng. Chúng ta phải quay về với Tin Mừng, phải đọc lên trong lòng bản hiến chương Nước Trời, nơi đó, những kẻ nghèo khóc, hiền lành, đau khổ, trong sạch, biết xót thương, biết xây dựng hòa bình… được công bố là kẻ có phúc, là con Thiên Chúa, là kẻ chiếm lãnh Nước Trời. Chỉ khi đó, chúng ta mới hiểu được cuộc đời của Đức Maria, mới nhận ra vẻ đẹp sáng ngời vốn chỉ là tăm tối đối với thế gian. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria và qua Ngài thêm một lần xác tín lại hằng ngày những giá trị của Tin Mừng, những giá trị mà tất cả những ai xưng mình là môn đệ Đức Kitô không thể không biết đến và lấy làm lẽ sống cho đời mình.

Nói rằng chuỗi Mân Côi là Kinh Tin Mừng, ngay lập tức chúng ta đi đến hệ luận: không thể lần chuỗi Mân Côi cách máy móc và chỉ chú trọng đến số lượng. Bởi một lẽ đơn giản và minh bạch là Tin Mừng không chấp nhận thái độ đó. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện thì các ngươi chớ lãi nhãi như người ngoại. Họ tưởng hễ nói nhiều thì sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Thái độ phải có là lần chuỗi Mân Côi với tinh thần của Tin Mừng, cũng chính là tâm tình của Đức Maria: “Người giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19; 2,51). Đó là biết lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và thi hành.

Thưa anh chị em,

Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria làm lại cuộc hành trình của cuộc sống. Cùng với Đức Maria nhìn lại những biến cố cơ bản trong chiều dài lịch sử cứu độ, và qua những biến cố đó, nhìn vào những biến cố hôm nay, của cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội trong ánh sáng Tin Mừng. Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Đức Maria đi tìm một lời đáp trả cho những vấn đề của cuộc sống hôm nay, lời đáp trả thấm nhuần lòng tin, niềm hy vọng và dám chấp nhận dấn thân trong hành động cụ thể, trong những lựa chọn đầy can đảm như Mẹ Maria đã dấn thân cả cuộc đời vì Nước Trời.

Không có lời cầu nguyện đích thực khi chưa dám sáp nhập toàn bộ con người và cuộc đời mình vào mối liên hệ với Thiên Chúa. Cũng không thể có việc lần chuỗi Mân Côi đích thực khi chưa dấn mình cùng với Đức Maria vào nẻo đường của Thiên Chúa.

 

  1. Nhờ Mẹ Đến Với Chúa

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Sau khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuđa cảm thấy chán nản thất vọng đến độ không còn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa nữa. Ông cầm lấy 30 đồng bạc là giá bán Chúa đi vào đền thờ và nám trả lại cho các Thượng tế và Kỳ lão. Sau đó ông đi thắt cổ tự tử. Câu chuyện này đã đi vào lịch sử của dân làng Oberammergau ở Đức. Cứ 10 năm một lần theo lời thề của cha ông để lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Trong cảnh Giuđa ra ngoài ngồi than thở: “Tôi đã phản bội Thầy tôi. Tôi không biết chạy đến với ai nữa!”

Khán giả ở dưới im lặng theo dõi, một em bé ngồi bên cạnh mẹ, thông cảm cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng, em muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em quay sang mẹ và nói lớn đến nỗi tất cả khán giả trong hội trường đều nghe thấy:

“Mẹ ơi, sao ông ta không chịu chạy đến với Mẹ Maria?”.

Thưa anh chị em,

Phải chi Giuđa mà biết chạy đến với Mẹ Maria, hẳn là ông đã không thắt cổ tự tử. Hãy nhờ Mẹ Maria mà đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng có một người mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối mẹ, những lần sà vào lòng mẹ, hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm bản thân ấy đã trở nên bài học mà Ngài muốn nhắn gởi chúng ta: “Hãy chạy đến với Mẹ Maria”.

Tràng chuỗi Mân Côi là một phương thế giúp chúng ta chạy đến với Mẹ Maria. Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình không được an vui hòa thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hòa thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chuỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hóa bạn mình. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông…”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quãng trường Thánh Phêrô khi đọc Kinh Truyền Tin rằng: “Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlizabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy. Người ta có thể nói rằng: Kinh Mân Côi là kinh chú giải chương cuối cùng của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vatican II, chương bàn đến sự hiện diện tuyệt vời của Đức Mẹ trong mầu nhiệm Chúa Kitô diễn ra trước mắt chúng ta. Những biến cố ấy bao gồm toàn bộ các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng và chúng ta hiệp thông sống động với Chúa kitô nhờ Mẹ Maria. Đồng thời, chúng ta có thể đưa kinh Mân Côi vào tất cả những biến cố trong cuộc sống hằng ngày của từng cá nhân, từng gia đình, xã hội, Giáo Hội và toàn thể nhân loại, những biến cố của chính bản thân của anh chị em chung quanh, nhất là với người thân yêu sống gần gũi với chúng ta. Như thế, kinh Mân Côi đơn sơ này sẽ rập theo nhịp sống của con người” (Gioan Phaolô II, 29.10.1978).

Trong Tông Huấn “Lòng sùng kính Đức Maria” (Marialis Cultus), Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Kinh Mân Côi là kinh Tin Mừng”. Là kinh Tin Mừng không chỉ ở chỗ lời kinh Lạy Cha, Kính Mừng được chấp nối bằng những lời lẽ trong Thánh Kinh, nhưng nhất là vì lời kinh ấy đưa chúng ta vào nội dung chính yếu của Tin Mừng là mầu nhiệm Chúa Giêsu.

Vì thế, đối tượng cốt yếu của chuỗi Mân Côi không phải là mầu nhiệm Đức Maria, nhưng là mầu Chúa Giêsu, trải dài từ tiếng khóc Bêlem đến nỗi đau thập giá và niềm vui phục sinh, đến ân huệ Thánh Thần. Cùng với cuộc sống ấy là những giá trị căn bản của Tin Mừng được xác quyết: yêu thương, nghèo khó, khiêm nhường, từ bỏ… những giá trị “nên xác thịt” nơi con người Chúa Giêsu và là tiếng mời gọi được gởi tới cho tất cả mọi người.

Trên nẻo đường Tin Mừng ấy, lại có sự hiện diện của Đức Maria, một người Mẹ đầy tình mẫu tử và cũng là người môn đệ ấy đã thông điệp trọn vẹn với Chúa Giêsu, Đấng cứu độ trong suốt cuộc đời: từ khi sinh ra đến khi chứng kiến cái chết trên thập giá, sống lại và lên trời. Chuỗi Mân Côi đưa người tín hữu vào suy niệm về những đoạn đường Chúa đã đi qua với sự hiện diện của Mẹ Maria trong những đoạn đường ấy.

Như thế, thưa anh chị em,

* Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Mẹ Maria và qua Mẹ Maria, chúng ta thêm một lần xác tín và xác tín lại hằng ngày những giá trị của Tin Mừng.

* Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Mẹ Maria nhìn lại những biến cố cơ bản trong chiều dài lịch sử cứu độ và qua những biến cố ấy, chúng ta nhìn lại những biến cố hôm nay của cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội trong ánh sáng Tin Mừng.

* Lần chuỗi Mân Côi là cùng với Mẹ Maria đi tìm một lời đáp trả cho những vấn đề của cuộc sống hôm nay, lời đáp trả thấm nhuần lòng tin, niềm hy vọng và dám chấp nhận dấn thân trong những lựa chọn can đảm, trong hành động cụ thể như Mẹ Maria đã dấn thân cả cuộc đời vì Nước Trời.

Chính như thế đó, Thánh Đaminh đã biến chuỗi Mân Côi thành phương thế loan báo Tin Mừng. Nhờ đó nhiều người đã thoát khỏi sự lầm lạc do bè rối Albigeois gây ra và đã trở về với Giáo Hội.

Cũng chính như thế đó, Đức Gioan XXIII đã lần chuỗi Mân Côi như phương thế nuôi dưỡng đời sống mục tử của ngài.

Đối với chúng ta cũng thế, không có lời cầu nguyện đích thực khi chưa dám sáp nhập toàn bộ con người và cuộc đời chúng ta vào mối liên hệ với Thiên Chúa. Cũng không thể có việc lần chuỗi Mân Côi đích thực khi chưa dấn mình -cùng với Mẹ Maria- vào nẻo đường của Thiên Chúa. Hãy chạy đến với Mẹ Maria để nhờ Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu.

 

  1. Kinh Mân Côi – Lời kinh kết nối (Lc 1,26-38)

(Trích trong ‘Nút Vòng Xoay’ - ĐGM. Vũ duy Thống)

Chiều qua ghé mừng bổn mạng Phanxicô Khó Khăn của một người bạn là cha của một gia đình một vợ ba con. Đúng lúc gia đình vừa đi lễ về. Đang khi tay bắt mặt mừng, đứa gái út đã nhanh nhẩu chỉ cho tôi chiếc áo mới màu xanh nước biển đang mặc và khoe rằng hôm nay nó là Việt kiều Úc Châu đấy. Tôi còn chưa hiểu ất giáp gì thì nó đã liến thoắng đố tôi hôm nay trong gia đình nó có gì lạ. Tôi đảo mắt nhìn một vòng nhưng chẳng thấy có gì khác nên đành chịu. Con bé lí lắc đã chẳng giữ kín được câu đố của mình nên đã nhanh chóng bật mí cho tôi. Nó nói: gia đình nó hôm nay mỗi người mặc một màu áo: bố màu trắng người Châu Âu, mẹ màu vàng người Châu Á, chị hai màu đỏ người Châu Mỹ, còn anh ba màu xanh lá người Châu Phi. Cả gia đình là năm châu, là thế giới.

Thấy tôi vẫn ngẩn người chưa hiểu, anh bạn tôi đã phải giải thích: chả là vào tháng Mân Côi, má xấp nhỏ muốn làm một chuỗi kinh sống trong gia đình nên phân bổ mỗi người mỗi ngày đọc một chục, năm người thành năm chục, năm chục năm màu năm châu là sáng kiến của Đức Giám Mục Fulton Sheen đã lâu ở bên Mỹ, còn năm màu áo minh họa là sáng kiến của con út nhà này. Con bé đỏ mặt hãnh diện, mọi người cười vui. Và khởi đi từ niềm vui ấy, tôi miên man suy nghĩ: Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

1) Kết nối với Đức Maria.

Bởi Kinh Kính Mừng là nối kết lời thiên thần Gabriel chào Đức Maria trong buổi Truyền Tin với lời mừng của bà Êlisabet trong ngày Thăm Viếng, nên mỗi lần được lặp lại đã trở thành lời chào mừng chính thức cho sự kết nối giữa con người với Đức Maria.

Sự kết nối ấy là kết nối với một cá nhân khi đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa chỉ dám nhận mình là một tôi tớ, nhưng đã được cất nhắc lên vinh quang làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là một dung hòa tuyệt hảo giữa một đàng là hồng ân của Thiên Chúa và đàng khác là nỗ lực của con người, nghĩa là nơi Đức Maria, người ta hiểu rằng tất cả khởi đi từ ơn phúc Chúa ban nhưng còn ở trong tình trạng tiềm ẩn, chỉ đến khi có sự đáp trả cộng tác bằng lời “xin vâng” thì ơn phúc kia mới lộ hiện.

Nhưng “xin vâng” không chỉ bằng lời mà là bằng cả một đời đánh đổi: vừa bền lòng thực thi ý Chúa, vừa bền chí chấp nhận những thử thách cam go vốn không thiếu trên hành trình đức tin bên cạnh Chúa Giêsu.

Sự kết nối ấy là một sự “nối mạng”, nghĩa là kết nối vào một vận mạng. Đức Maria trong vinh quang hiện tại không những không xa cách mà còn gần gũi nhân loại hơn cả bao giờ. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã nên Mẹ Giáo Hội để qua Kinh Kính Mừng, một tâm tình hiệp thông gắn bó nảy sinh, rất linh động như dòng chảy hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người và giữa con người lên với Đức Maria, rất tự nhiên như tình mẫu tử, đằm thắm khi yên ổn nhưng cũng đầy trách nhiệm những khi kêu cầu.

2) Kết nối với Chúa Giêsu.

Nếu đối tượng trực tiếp của Kinh Mân Côi là kết nối với Đức Maria qua những chặng đường mầu nhiệm đời Mẹ, thì hành trình cùng với Mẹ, từng bước, người ta sẽ được dẫn tới đích điểm là kết nối với Chúa Giêsu.

Có một điều ngạc nhiên đến thú vị là nếu có ai hỏi ta Đức Maria có lần hạt không, ta sẽ trả lời khẳng định: Đức Maria cũng lần hạt. Hiện ra ở Lộ Đức hoặc ở Fatima, Mẹ đều lần hạt với con cái mình. Điều này cho thấy người ta không chỉ lần hạt kết nối với Mẹ nhưng còn cùng với Mẹ lần hạt kết nối với Chúa Giêsu nữa.

Chính kết cấu của Kinh Kính Mừng cũng muốn nói lên điều ấy. Trong Kinh Kính Mừng chỉ có hai danh xưng Maria và Giêsu được xướng lên, mở đầu bằng Maria và kết thúc bằng Giêsu: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, nghĩa là kết nối với Mẹ để được nối kết với Con của Mẹ, kết nối với Đức Maria để rồi nối kết với Chúa Giêsu. Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.

Nhưng kết nối với Chúa Giêsu được thấy rõ nhất là qua những mầu nhiệm Mân Côi mùa Vui, Thương, Mừng như cách gọi truyền thống: Vui trong mầu nhiệm Nhập Thể Đức Giêsu xuống thế làm người sống cho mọi người; Thương trong mầu nhiệm Tử Nạn Đức Giêsu chịu chết chuộc tội cho cả nhân loại và Mừng trong mầu nhiệm Phục Sinh Đức Giêsu bước vào vinh quang mở ra tương lai cho mọi sinh linh.

Đây là sự kết nối nền tảng và là đỉnh cao. Thiếu nó, kết nối với Đức Maria dẫu có vẫn còn lỏng lẻo, chưa có nó kết nối dẫu đậm đà vẫn chưa vươn tới đẫy đà cần thiết.

3) Kết nối với mọi người trong Chúa Kitô nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Thực ra đây là hệ lụy tất nhiên của hai mối kết nối nói trên. Một khi liên đới với Đức Maria để hiệp thông với Đức Kitô, tất nhiên mọi người là anh chị em hiệp thông với nhau, nhưng chính ở đây lại mở ra một nhãn giới đầy lạc quan tin tưởng hy vọng cho tất cả những ai lần hạt Mân Côi.

Với Kinh Mân Côi, tín hữu nhận biết người Ấn Độ là anh em của mình, người Châu Âu sung túc cũng nhận ra người Somali đói nghèo là chi thể của mình, người Kinh cảm nhận hơn nữa người Thượng gần gũi với mình. Tại sao ta lần hạt ở nhà thờ, gia đình, trên đường……? Tại sao ai cũng lần hạt được, từ giáo sĩ đến giáo dân, từ trí thức đến nông dân, từ em thơ đến các cụ? Thưa bởi vì Kinh Mân Côi bình đẳng phổ cập, chẳng những phù hợp với mọi người mà còn củng cố hiệp thông với mọi người. Buồn hay vui người ta đều lần hạt, đám cưới thì lần hạt xin hạnh phúc đời này, còn đám tang thì lần hạt xin hạnh phúc đời sau.

Nếu Kinh Mân Côi có được xem là vũ khí thì vũ khí ấy lại là tình thương san sẻ có sức mạnh gắn hàn liên kết hiệp thông. Bằng Kinh Mân Côi, người ta san sẻ cho nhau sứ điệp Tin Mừng như lễ Mân Côi hôm nay theo lịch sử là ghi dấu chiến thắng Lépante năm 1571 giữa Hồi Giáo và Công Giáo, nhưng theo tinh thần lại là ghi dấu một sức mạnh khi mọi người hiệp thông trong Kinh Mân Côi.

Trình bày Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối không có tham vọng đem lại cái gì mới mà chỉ muốn lặp lại ý muốn của Đức Maria và Giáo Hội ở một hòa âm mới hơn trong mối hiệp thông. Để với những ai đã quen lần hạt hằng ngày, xin được kiên trì. Kinh Mân Côi giúp nối mạng tâm linh cho tâm tình bộc bạch thành tâm sự dễ dàng, nhanh chóng. Kinh Mân Côi còn là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Một lần làm phép xâu chuỗi cho bà cụ và cô gái, thấy họ kính cẩn trong cách trao và nhận, tôi chỉ vào túi mình và nói với hai người: tôi cũng có chuỗi kinh. Tất cả đều cười vui. Mong rằng không chỉ có chuỗi kinh để lần hạt chu toàn nhiệm vụ, mà còn có chuỗi kinh biết hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau.

 

home Mục lục Lưu trữ