Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 63

Tổng truy cập: 1361519

BÁNH HẰNG SỐNG

BÁNH HẰNG SỐNG-  Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

*I/ “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”. Lời giảng đó của Chúa Giêsu chỉ rõ về phép Thánh Thể. Thịt máu Chúa Giêsu là toàn diện con người Chúa gồm thiên tính và nhân tính. Xét về thiên tính, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Người nói “Tôi là Bánh Hằng sống từ trời xuống”. Xét về nhân tính, Người có thịt máu, hồn xác, nên Người nói “Thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống”. Khi rước Mình Máu Người là rước chính Chúa Giêsu trót thiên tính và nhân tính, là rước Ngôi Hai xuống thế làm người, là rước chính Đức Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, cho nên Mình Máu Người là của ăn, là bánh hằng sống, ban cho kẻ ăn được sống lại và được sống muôn đời.

Dân Do Thái không hiểu như thế. Họ chỉ hiểu theo góc độ ăn uống thịt máu vật chất loài người như ta ăn thịt heo, thịt cá và uống tiết canh. Họ hiểu như câu hát thề phanh thây uống máu quân thù, thì làm sao ai dám lấy thịt máu mình cho kẻ khác ăn. Họ chỉ thấy Đức Giêsu là con ông Giuse, anh thợ mộc, chứ không phải từ trời xuống. Họ mới được Chúa làm phép lạ cho bánh hóa nhiều nuôi bao nhiêu ngàn người ăn khỏi đói, thế mà họ cũng không tin Người là Thiên Chúa. Họ càng thấy chói tai ghê tởm và cãi nhau dữ dội khi Người nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta”, họ tưởng như những bè đảng “uống máu ăn thề” nên họ thấy chói tai quá, họ đã bỏ đi và một số môn đệ cũng bỏ Thầy. Đây là một thử thách lòng tin, một thách đố lý trí vô phương giải cứu, thử thách này kinh khủng hơn thử thách cha ông họ đã nếm mùi khổ nhục trong “sa mạc mênh mông khô cằn khủng khiếp, đầy rắn lửa, bọ cạp, núi non hiểm trở …” (Bài đọc 1: Dnl, 8, 2-3, 14b-16)

Trong sa mạc, chỉ có Môsê vững tin Thiên Chúa ông đã vượt mọi thử thách cam go để tuân hành lệnh Ngài truyền và Thiên Chúa đã khiến nước chảy ra từ tảng đá cho dân uống và ban manna cho dân ăn (Dnl. 8, 3. 16)

Trong hoang địa, nơi Chúa Giêsu đang giảng chỉ có Phêrô đứng ra tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga. 6, 68-69)

*II/ Tại sao Đức Giêsu dùng kiểu nói ăn thịt và uống máu như vậy?

Thứ nhất, đối với người Do Thái: ăn thịt và uống máu, nhắc họ nhớ tới thịt máu con chiên vượt qua, máu chiên bôi lên cửa nhà họ làm dấu cứu con cháu họ khỏi bị tiêu diệt, còn nhà dân Ai Cập không có dấu máu chiên thì các con đầu lòng từ người đến vật và các thần đều bị tiêu diệt (Xh. 12, 1-14). Máu chiên vượt qua sẽ giúp họ thấy máu Người đổ ra trên Thập giá là dấu cứu họ vượt qua cõi chết để sống muôn đời. Còn thịt chiên vượt qua làm của ăn tăng sức mạnh cho họ ra đi thoát khỏi ách nô lệ Ai cập để trở về đất Hứa, miền đất quê hương tự do. Thịt của Đức Giêsu chẳng những ban cho họ sức mạnh thoát khỏi nô lệ, tội lỗi mà còn giúp họ thẳng tiến về quê trời vinh phúc muôn đời.

Thứ hai, đối với cả loài người: Thịt và máu Đức Giêsu thể hiện lễ hy sinh của Người trên Thánh giá. Sự hy sinh mạng sống là luật hy sinh trong vũ trụ này, con vật này phải chết đi làm của ăn cho con vật khác. Sự chết hy sinh cho sự sống, sự chết của hàng trăm sinh vật như tôm, cá, heo, gà, rau cỏ… đã hy sinh chết đi cho sự sống của tôi. Chúng phải chịu bắt, đánh đập, mổ xẻ, cắt chặt, nghiền nát, nung đốt để trở thành của ăn của uống cho tôi ăn để tôi sống, tôi khỏe mạnh, tôi phát triển.

Đức Giêsu muốn cho chúng ta được sống và được sống dồi dào muôn đời, Người phải hy sinh mạng sống để nuôi chúng ta sống, mạnh mẽ, sống sinh nhiều hoa trái tồn tại đến muôn đời.

Sau hết, đối với Đức Giêsu, kiểu nói: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” là kiểu nói duy nhất chỉ về sự thương khó, về lễ hy sinh trên Thánh giá, về lễ truyền phép bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Người làm của nuôi linh hồn ta đời đời, để cho ta được sống liên kết chặt chẽ với Người như những chi thể trong một thân thể Đức Kitô (Bài đọc II. 1Cr. 40, 16-17).

*III/ Trong đoạn Tin mừng hôm nay chỉ có chín câu ngắn gọn mà Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến 12 lần về sự sống: Bánh hằng sống, được sống muôn đời (3 lần), được sống (2 lần), không có sự sống, sống lại, sống mãi (2 lần), Cha là Đấng hằng sống, tôi sống nhờ Cha, chứng tỏ Người thiết tha chăm lo đến sự sống chúng ta vô cùng. Người sẵn sàng hiến mạng sống mình cho chúng ta. Hơn nữa Người còn hạ mình xuống như một thứ đồ vật vô tri vô giác làm đồ ăn cho chúng ta được sống, sống lại, sống mãi, sống muôn đời như Cha là Đấng hằng sống, như Con sống nhờ Cha.

Tình yêu của Chúa không lời nào của loài người diễn tả nổi, không việc làm nào của loài người có thể cảm tạ đẹp lòng Thiên Chúa, chỉ có cách duy nhất là: “Hãy siêng năng nâng chén lễ tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, để dự phần vào máu Đức Kitô. Hãy sốt sắng cùng nhau bẻ bánh thánh, để dự phần vào thân thể Người” (1Cr. 10, 16).

Vậy chỉ có cách siêng năng, sốt sắng rước lấy bánh hằng sống mới làm thỏa lòng Chúa tha thiết yêu ta.

Lạy Chúa Giêsu, không một người cha nào nuôi con bằng thịt mình, nhưng Chúa đã lấy thịt mình nuôi con, không một người mẹ nào nuôi con bằng máu mình, nhưng Chúa đã ban máu mình cho con làm của uống, không cha mẹ nào vui lòng chết khổ nhục vì con, nhưng Chúa đã chịu chết treo trên Thánh giá thay con. Xin Chúa cho con biết suốt đời dâng lễ cảm tạ Chúa, suốt đời dự phần vào Mình Máu Chúa, để thỏa lòng Chúa yêu con.

CHÚA NHẬT MÌNH MÁU CHÚA KITÔ- A

THÁNH THỂ, QUÀ TẶNG CỦA TÌNH YÊU– Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 Mỗi năm Giáo hội long trọng mừng mầu nhiệm Thánh Thể, nhắc nhở mỗi người tín hữu chúng ta lương thực thần linh, lương thực bởi trời mà Chúa Giêsu đã ban tặng, bí tích tình yêu mà người đã thiết lập trong tiệc ly, trước giờ Người ra đi chịu chết trên thập giá. Thánh Thể còn là quà tặng mà Chúa Giêsu đã thiết lập để hiện diện với mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế, người đã  muốn trở nên nhỏ bé để đến với mỗi người, hiện diện trong chúng ta một cách mầu nhiệm để kết hiệp chúng ta vào đời sống thần linh.

Quà tặng của tình yêu là quà tặng cao quí, quà tặng này còn là lương thực thần linh, Mình Máu Thánh Chúa. Cũng như cha mẹ yêu thương con cái, nên đã nghĩ nhiều về con của mình và lo lắng chăm sóc cho con cái, nhất là dành những gì quí nhất, cần thiết nhất cho con của mình. Thiên Chúa cũng đã nghĩ đến quà tặng cần thiết này là Thánh Thể cho con người từ xa xưa. Những sự kiện trong Cựu ước như tiệc Vượt qua, và manna trong sa mạc là những hình ảnh báo trước của Thánh Thể. Tiệc vượt qua là bữa tiệc cử hành hằng năm trong các gia đình do thái để tưởng niệm lại ngày Thiên Chúa giải thoát họ ra khỏi đất Ai cập với bàn tay mạnh mẽ để đưa họ vào đất hứa, làm cho họ được trở nên một dân tộc. Trong bữa tiệc tạ ơn này, người gia trưởng sẽ cầm bánh và chén rượu để đọc lời tạ ơn, và sau đó mọi người sẽ dùng bữa theo nghi thức. Đọc lại những tường thuật từ sách Xuất hành, chúng ta còn thấy đoàn dân do thái lang thang trong sa mạc không có lương thực, Thiên Chúa đã ban cho họ manna từ trời, chim cút để làm của ăn và nước uống từ tảng đá. Đây là những hình ảnh báo trước Thánh Thể. Vì thế, Môisen đã giải thích cho dân chúng hiểu rằng qua những gì mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc họ trong hành trình sa mạc với manna và nước từ tảng đá, họ cần phải nhớ lại và suy niệm để hiểu rằng không phải là họ chỉ sống nhờ bánh mà còn sống nhờ lương thực Thiên Chúa ban và lời Chúa.

 Những tường thuật của Tin mừng về việc thiết lập Thánh Thể làm cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu đã nghĩ nhiều về quà tặng Thánh Thể mà người muốn ban tặng cho con người. Chúa Giêsu sẽ làm cho những hình bóng được báo trước trong Cựu ước được hoàn tất và trở nên những thực tại đích thực. Chính trong khung cảnh tiệc tạ ơn của những người do thái hằng năm và cũng là lúc mà Chúa Giêsu sẵn sàng đón nhận cuộc khổ nạn và chịu chết, mà Chúa Giêsu đã nói những lời để làm cho bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh của người. Từ đây, Người đã bắt đầu tạ ơn cũng trên bánh rượu nhưng là chính Thịt và Máu của người đổ ra bằng cái chết trên thập giá. Bánh rượu mà những người do thái hằng năm vẫn dùng để tạ ơn chỉ là hình ảnh báo trước của Thánh Thể. Và giờ đây dấu chỉ đã trở nên Thánh Thể là Mình và Máu Thánh Chúa, bởi vì chính Chúa Giêsu sẽ hiến tế chính mình trên thập giá để trở nên lương thực cho mọi người. Do lời của Chúa Giêsu mà bánh rượu được trở nên Mình Máu Thánh Chúa, được mặc một bản thể mới do chính quyền năng của cuộc khổ nạn thập giá của Chúa Giêsu biến đổi. Chính Hiến tế Thập giá của Chúa Giêsu đã làm cho bánh rượu được biến đổi bản thể để trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu khi thiết lập Thánh Thể đã nói những lời long trọng : này là Mình thầy, sẽ bị nộp vì anh em, này là chén máu thầy, sẽ đổ ra vì anh em, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến thầy ».

Trong Tin mừng Gioan (chương 6), Chúa Giêsu nói nhiều về Thánh Thể : « Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời, và bánh tôi ban chính là thịt tôi cho thế gian được sống ». Những lời nói này khiến những người do thái khó chịu, và ngay cả trong số những môn đệ của Chúa Giêsu cũng bỏ người. Để hiểu những lời này, cần thấy rằng đây là sáng kiến tình yêu của Chúa. Khi người ta yêu ai, người ta nghĩ nhiều về người yêu của mình, và nhất là muốn làm điều gì đó cho người yêu của mình được hạnh phúc. Hơn nữa, chúng ta cần thấy rằng, vì con người giới hạn, nên khi chúng ta cố gắng làm điều gì đó cho người mình yêu, chúng ta không thể cho hết chính mình, chúng ta chỉ cho đi điều gì đó bên ngoài mình. Thánh Thể là sáng kiến tình yêu của Chúa, và Chúa Giêsu không chỉ cho chúng ta một điều gì đó bên ngoài người mà người cho tất cả, cho đi chính con người của mình để trở nên lương thực cho chúng ta. Quà tặng Thánh Thể mà Chúa Giêsu trao ban hết chính mình và người tha thiết mời gọi con người đón nhận không phải để rồi không dẫn tới một mục đích nào cả, trái lại quà tặng này là lương thực thần linh, bánh ban sự sống, sẽ ban tặng sự sống đời đời cho ai đón nhận.

Cộng đoàn Kitô giáo đã bắt đầu cử hành nghi lễ bẻ bánh sau khi Chúa Giêsu Phục sinh để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa và hiện tại hóa công trình cứu chuộc của Chúa. Các tông đồ đã hiểu rằng giờ đây họ đang sống thực tại mới và quyết định, với những dấu chỉ của sức mạnh của sự phục sinh của Chúa Giêsu và Thánh Thần ban sự sống. Do bởi cuộc khổ nạn và nhất là sự phục sinh của thầy Giêsu với những hiệu quả mà các tông đồ có thể kiểm nhận, họ không còn sống trong giai đoạn chờ đợi của những lời hứa nữa, mà họ đã sống thực tại viên mãn rồi. Vì thế họ không còn cử hành ngày sabát như những người do thái mà họ bắt đầu cử hành ngày của Chúa, họ đã qui tụ lại vào ngày Chúa nhật và cử hành lễ bẻ bánh tham dự bữa tiệc của Chúa với nhau để tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Chúa, và họ nhận thức rằng khi họ cùng nhau tham dự vào lễ bẻ bánh này là họ đã đón nhận Mình Máu Thánh Chúa như lời thầy Giêsu đã truyền cho họ trước khi người ra đi chịu chết, vì thế họ không được cử hành nghi lễ của Chúa một cách bất xứng. Thánh Phaolô (1Cr 11, 23tt) nhắc nhở trong bức thư gửi giáo đoàn Corintô : « Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền cái chết của Chúa cho tới khi người trở lại. Anh em ăn uống cách bất xứng là xúc phạm tới Mình và Máu Thánh Chúa ».

Bài ca tiếp liên là một Thánh thi rất đẹp và giàu tính chất thần học giúp chúng ta suy niệm chiều kích thần học của bí tích. Đây là Bánh sự sống của bàn tiệc vượt qua mới, chấm dứt lễ vượt qua của thời cũ. Do lời của Chúa truyền mà chúng ta cử hành nghi lễ này để tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, và cũng do cuộc khổ nạn này mà bánh và rượu giờ đây đã trở nên Mình Máu thánh Chúa. Dù giác quan của chúng ta giới hạn, vẫn còn nhìn thấy đây là bánh rượu với những dáng vẻ của nó, nhưng bản thể đã thay đổi để trở nên Mình Máu thánh Chúa. Và nếu, giác quan thiếu sót thì chúng ta hãy lấy đức tin để chiêm ngưỡng và thờ lạy bí tích tình yêu này. Thánh thể là lương thực được ban tặng cho chúng ta như những khách hành hương về quê trời, là bánh của con cái, là những người đã đón nhận đức tin. Bài ca tiếp liên kết thúc bằng một lời cầu nguyện, xin cho chúng con là những người còn lữ hành trần thế, nhờ tham dự tiệc thánh này, mai ngày cũng được trở nên những người đồng bàn cùng với các thánh trong nước trời. Quả thật quà tặng của Thánh Thể là quà tặng của Thiên Chúa cho con người. Chúa Giêsu đã muốn trở nên nhỏ bé trong Thánh Thể để ở với mỗi người chúng ta thật gần gũi, ở trong lòng mỗi người để làm cho chúng ta được nên một với Chúa. Tình yêu của Chúa lớn hơn những gì chúng ta có thể nghĩ tưởng.

home Mục lục Lưu trữ