Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1356259

BÃO TỐ

BÃO TỐ

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Vân Lực)

Hôm qua ngồi nghe sư huynh Phong giảng tĩnh tâm tại giáo xứ Lộ Đức, Hoa Kỳ, tôi thấy rùng mình khi thấy những cô bé Việt nam bị bán sang các lầu xanh bên Cambodia. Có những em mới chỉ hơn mười tuổi. Kết quả một số em bị mắc bệnh liệt kháng và đã sớm kết thúc cuộc đời trong hoang lạnh. Có cảnh bé thơ Việt nam bị bán đi với giá hai trăm đô. Nhưng em bị trả lại vì có bệnh liệt kháng. Suýt nữa em đã bị giết ngay trước mặt người mua. May thay, đứng trước cảnh đau lòng đó, người mua đành hy sinh mất hai trăm để cứu mạng em.

Những cảnh tang thương đó đã đập vào mắt các bạn trẻ Việt nam hải ngoại. Sư huynh lạc quan về giới trẻ Việt nam Hải ngoại. Chỉ cần năm ngàn đô để cứu các cô gái kém may mắn. Nhưng các bạn trẻ ở Los Angeles đã lạc quyên được mười lăm ngàn. Với số tiền lớn gấp ba như thế, sư huynh đã hết sức cảm động và đầy tin tưởng xông pha đi tìm đường cứu sống những cô gái đó. Nhiều nơi các bạn trẻ, như tại Lộ Đức, tự động đứng ra rửa xe, lạc quyên, hớt tóc giúp người nghèo khổ, bệnh tật, già nua, xây trường học v.v.

Tất cả những khốn cùng của dân tộc đều do sự nghèo đói. Đứng trước biển cả nghèo đói bao la của dân tộc, nhiều người đã tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Chúa có biết gì về những khốn cùng của kiếp người không? Chúa đang ngủ hay thức? Thất vọng tràn trề. Thất vọng như những môn đệ của Chúa trên khoang thuyền năm xưa.

Hôm ấy, sau khi rời đám đông sang bờ bên kia (x. Mc 5:35), Chúa Giêsu đã lôi cuốn một số thuyền theo Người. Chắc lúc đó trời yên bể lặng nên các thuyền mới có thể nối đuôi nhau như thế. Các thuyền đi đông vừa vui vừa cảm thấy an toàn khi hữu sự. Chúa Giêsu cũng chỉ là một người ngồi trong khoang thuyền nào đó mà thôi. Gió biển thổi lên mát quá. Chúa chìm vào giấc điệp bao giờ không hay. Chắc Chúa phải ngủ say lắm mới không nghe tiếng các môn đệ đang thi nhau thét gào cùng sóng biển.

Gió rít mạnh. Các con thuyền lắc lư quá đến nỗi nước trào vào đầy khoang thuyền (x. Mc 5:38). Mạnh đến thế mà sóng gió cũng không kéo Chúa ra khỏi giấc nồng. Đó là dấu chứng tỏ, sau một ngày hoạt động mục vụ, Chúa bị dân chúng “quần thảo” dữ dội lắm. Nhưng như thế mới biết tâm hồn Chúa bình an chừng nào! Quả thế, “ai có tâm hồn trong sạch, mới ngủ được. Và ai ngủ được đều có tâm hồn trong sạch.”(Péguy 1962:27) Đố ai ngủ được như Chúa!

Nhưng Chúa càng bình an, các môn đệ càng bấn loạn lên. Bao nhiêu chiếc thuyền vẫn không thể nương dựa nhau trong cơn sóng bão. Bao nhiêu ngư phủ lành nghề vẫn không đủ tài trí bảo đảm an toàn cho bấy nhiêu sinh mạng đang treo sợi mành. Vận dụng hết năng lực vẫn không tát hết nước ra khỏi các khoang thuyền. Tình hình càng lúc càng nguy ngập. Bí quá, các môn đệ mới chợt nhớ đến Thày như giải pháp cuối cùng. Các ông vội vàng đến kéo Chúa ra khỏi giấc nồng. Các ông không ngại gài thêm một lời trách móc: “Thày ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thày chẳng lo gì sao?” (Mc 5:38) Đối với các ông, Thày thuộc loại người “vô ăn vô lo.” Sao Thày vô tư đến thế?!

Choàng tỉnh khỏi giấc nồng, Thày liền bắt tay vào việc. Các ông nghĩ, nếu mình không đánh thức, chắc chìm xuống đáy biển Thày vẫn còn ngủ. Nhưng thực ra, họ đánh thức Thày, hay Thày đánh thức họ? Thực tế, họ còn ngủ sâu hơn Thày nữa. Họ ngủ vùi trong sự hèn nhát và vô tín (x. Mc 5:40). Bởi vậy, sau khi dẹp tan biển cả, Chúa lôi các ông ra khỏi cảnh tối tăm. Té ra, chính họ mới cần đánh thức, chứ không phải Chúa. Chứng kiến cảnh Chúa ra tay uy quyền trên biển cả, họ mới ngạc nhiên về quyền năng vô biên của Chúa. Từ đó, họ mới biết Chúa là ai.

Nếu chỉ là người phàm, hẳn Chúa không thể nào có quyền năng lớn lao như vậy. Trước sức mạnh biển cả, họ mất bình tĩnh. Nhưng trước quyền năng của Chúa, họ mới “hoảng sợ.” (Mc 5:41) Biển cả có gầm thét cũng chỉ làm cho các ông đâm lo vì sự bất lực của mình. Nhưng quyền năng Chúa mới thực sự làm cho các ông phải đứng trước một thần lực lớn lao trổi vượt hơn thủy thần như Bơhêmốt, Giao long, Raháp. Biển cả vẫn là nơi quỷ dữ hoành hành. Như thế, “Chúa Giêsu chứng tỏ thần lực của Người trên quyền lực sự dữ.” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ 2005:184) Nếu không là Thiên Chúa, làm sao Chúa Giêsu có thể có quyền toàn năng đến như vậy?!

Đứng trước những thống khổ mênh mông như biển cả của hàng triệu người Do thái đã bị Đức Quốc Xã tiêu diệt hồi thế chiến thứ hai, ĐGH Bênêđictô XVI cũng đã ngạc nhiên về sự im lặng của Chúa. Có lẽ cũng như các môn đệ trên biển cả, ĐGH cũng thắc mắc: “Thày chẳng lo gì sao?” (Mc 5,38) Câu hỏi đó đã dẫn nhiều người xa Chúa. Nhưng cũng chính thắc mắc đó lại đặt môn đệ trước một mầu nhiệm vô cùng lớn lao. Mầu nhiệm này vượt quá khả năng con người. Bởi thế, muốn đi sâu vào mầu nhiệm đó, con người phải có đức tin. “Chỉ có lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã chiến thắng quyền lực sữ dữ, mới cho phép họ vượt qua sự sợ hãi.” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ 2005:184) Đức tin trở thành sức mạnh khiến ta đứng vững trước tất cả mọi giông tố cuộc đời. Chỉ có đức tin mới là câu trả lời đích xác nhất cho những gì chúng ta đang quan tâm lo lắng hôm nay. Đức tin sẽ không trình bày một Chúa Kitô theo quan điểm loài người (x. 2 Cr 5:16), nhưng một Chúa Kitô đã chết cho mọi người theo đúng ý định Thiên Chúa.

Cám ơn Chúa vẫn cho đức tin sống mạnh trong các bạn trẻ Việt nam hôm nay. Nhìn kỹ vào niềm tin tuổi trẻ chúng ta sẽ thấy tất cả sức mạnh của niềm tin. Bạn trẻ đã mở ra một lối thoát mới cho những bế tắc hôm nay. Chúng ta có quyền hy vọng và học hỏi nơi các bạn!

 

41.Chúa Nhật 12 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Gioan Phan Tiến Dũng)

“HỌ ĐÃ KÊU CẦU CHÚA TRONG CƠN KHỐN KHÓ”

Trong những ngày tháng qua, giữa những cơn khủng hoảng, đau khổ và tang thương của đại dịch, câu hỏi luôn được nhiều người đặt ra: Thiên Chúa đang ở đâu? Tại sao Chúa lại để cho nó xảy ra? Tại sao Chúa không cứu giúp, ngăn cản và đẩy lùi dịch bệnh? Thực ra, vì thường ngày trong cuộc sống, khi Thiên Chúa quan phòng, an bài và để cho mọi sự xảy ra cách bình thường tốt đẹp; thì oái ăm thay, những lúc như vậy, con người lại cho rằng: Tin vào Thiên Chúa là sự mù quáng, là mê tín, là điên dại. Tôn giáo, Đạo Chúa là chỉ để dành riêng cho những ai chưa trưởng thành, những ai còn mê muội, còn nhẹ dạ. Con người trưởng thành-tự chủ thì phải loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, cho nên, họ đã không còn đi nhà thờ, không đi lễ, đọc kinh, không đọc Kinh thánh, không còn treo ảnh-tượng Chúa và tôn thờ Chúa trong các gia đình, công sở và trường học…Con người đang muốn tự mình phải làm chủ cả vũ trụ này và muốn tự định đoạt cho cuộc sống theo cách của riêng mình. Tạ ơn Chúa, giờ đây, trong cơn khốn khó như thế này, con người lại nhớ đến Chúa là cứu cánh, là chỗ nương tựa, là Đấng duy nhất để con người chạy đến để kêu van, để xin Chúa cứu giúp. Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta dường như đang được an ủi, đỡ nâng và tìm lại được nguồn trợ giúp đích thực của mình là Thiên Chúa.

Trong cơn khốn khó của đại dịch như hiện nay, Thánh vịnh 106 trong Đáp ca như đang mời gọi chúng ta, trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh và trong mọi sự, tiên vàn hãy chúc tụng cảm tạ Chúa, vì đức từ bi của Chúa thì muôn đời, muôn thuở. “Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó, và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu. Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu và bao làn sóng biển đều im lặng.” Đây chính là kinh nghiệm sống đức tin của những con người tôn thờ, kính sợ Chúa, những con người này luôn nhận ra rằng: Chúa là Chủ Tể của mọi loài, mọi vật, ngay cả cuộc sống của họ cũng chính là do ơn thánh Chúa ban tặng. Do đó, dầu phải trải qua biết bao gian nan, đau khổ, thử thách giữa sóng gió cuộc đời, những lúc như vậy, Chúa đều biết rõ, nên họ đã tìm đến Thiên Chúa để van xin, kêu cứu thì họ đều được Ngài nâng đỡ, phù trì và ra tay cứu giúp. Thế nhưng, điều quan trọng với mỗi người chúng ta hiện nay là: liệu chúng ta còn tin tưởng vào sự hiện diện, đồng hành và ban ơn cứu chữa của Chúa trong cuộc đời của chúng ta hay không?

Tin mừng theo Thánh Marcô thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu “dựa gối ở đằng lái mà ngủ” trên thuyền cùng với các môn đệ, sau khi Chúa đã hoàn tất một ngày với sứ vụ rao giảng Tin mừng. Marcô đã không nêu ra cho chúng ta biết lý do hay nguyên nhân vì sao mà Chúa lại thiếp ngủ, trong lúc con thuyền thì đang bị một “cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước”. Vậy thì, câu hỏi được đặt ra: Chúa có biết rõ con thuyền của Ngài và các môn đệ đang gặp nguy hiểm vì sóng to, gió lớn, nước đang tràn sắp đầy thuyền và các môn đệ của Ngài đang rất sợ hãi không? Là người có niềm tin vào Chúa, thì chúng ta sẽ trả lời, chắc chắn là Chúa biết rõ, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Ngài biết rõ mọi sự như vậy, nhưng tại sao Ngài vẫn đang ngủ, tại sao Ngài không hành động gì, tại sao Ngài không đi bước trước để cứu giúp các môn đệ? Đây là lúc, là thời khắc mà chúng ta gọi là hãy để cho “Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa” được thực hiện; trong thánh ý Chúa, chúng ta không thể nào hiểu thấu bằng sự suy luận với khối óc và trí khôn của con người cả. Chúa đang ở đàng lái của con thuyền, mặc dầu là Ngài ngủ, nhưng Ngài đang là chủ của con thuyền, Ngài biết rõ con thuyền của Ngài và các môn đệ phải sang qua bờ bên kia bình an để Ngài còn tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin mừng.

Khi con người phải đối diện với những khó khăn, thử thách và sóng gió của cuộc đời, chúng ta mới nhận ra được cung cách, cư xử và hành động của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt với con người. Khi phải đối diện với cái chết, trong lúc mà sức-trí-tài của con người dường như không thể nào làm gì được, chắc chắn các môn đệ đã rất hoang mang, sợ hãi vì mạng sống của họ bị đe dọa. Nếu đặt vào hoàn cảnh của mỗi người chúng ta, thì chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Dẫu là môn đệ Chúa, được nghe Chúa giảng dạy, chỉ bảo và chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng đồng thời các ông vẫn là những con người bình thường, nên họ rất sợ hãi là chuyện đương nhiên, cho dù họ cũng đã làm hết với những khả năng của mình. Trước sự bất lực, vô vọng và sợ hãi của con người, may mắn thay, các ông đã biết đến để van xin, kêu cứu Chúa giúp. “Các ông đánh thức Người và nói: Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Còn với Chúa Giêsu, khi các môn đệ đến đánh thức kêu van: “Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: Hãy im đi, hãy lặng đi. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”. Qua việc Chúa Giêsu làm cho sóng yên, biển lặng, chúng ta nhận ra chính quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ, vì Ngài là chủ tể của mọi sự trong vũ trụ này. “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư”? Điều này mời gọi chúng ta, dù trong cơn khốn khó, hãy vững tin vào Chúa, tin vào sự hiện diện, đồng hành, ban ơn phù trì của Chúa, vì ngay cả mạng sống và mọi sự chúng ta đang có, tất cả là ơn thánh Chúa thương ban. Chúa đang có cách của Ngài và Chúa đang muốn mọi sự được tốt lành.

Lạy Chúa, tất cả mọi người chúng con đang lo sợ, vì cuộc sống đang gặp phải những lao đao, sóng gió của đại dịch, tệ hại hơn là đời sống đức tin của chúng con đang bị thử thách, yếu kém và đang bị đánh mất vì những thói hư, tật xấu và tội lỗi của chúng con. Chúng con đã quên Chúa, đã loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của chúng con. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa hãy dủ lòng thương, đoái đến, nghe lời chúng con van xin mà thương tha thứ và cứu chữa chúng con. Xin gia tăng thêm cho chúng con lòng tin-cậy-mến vào Chúa, để chúng con luôn sống trọn vẹn cho Chúa qua đời sống bác ái, yêu thương và dấn thân phục vụ của chúng con. Amen.

 

42.Chúa Nhật 12 Thường Niên

SAO NHÁT THẾ? ANH EM CHƯA CÓ LÒNG TIN.

Trên con đường theo Chúa Giêsu, mặc dù các môn đệ đã được Người đào tạo, dậy dỗ, uốn nắn… các ông vẫn chưa hiểu gì về đường lối của Chúa: Người đã giảng dậy, đã làm nhiều phép lạ nhưng các môn đệ vẫn sống trong sự mờ ảo của cuộc sống, các ông vẫn chưa làm sao hiểu được ý của Thầy Giêsu. Do đó, đã có lúc các ông tưởng Thầy mình là ma, đã có lúc các ông lánh xa Chúa, đã có lúc các ông phản ứng lại những lời nói, cách sống, cử chỉ, thái độ của Thầy mình. Đức tin của các môn đệ nhiều lúc tưởng như lu mờ, hay nói một cách khác các ông chưa có lòng tin. Tin Mừng Mc 1, 35-41 là một bằng chứng nói lên quyền năng vô biên của Chúa giống như sách Gióp khẳng định:” Chỉ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo quyền năng, chủ tể muôn loài, muôn vật, chủ tể mọi sự”. Phép lạ Chúa Giêsu làm cho sóng to, gió lớn phải im bật nói lên quyền uy của Chúa. Đáng lẽ các môn đệ phải vui mừng vì Thầy có quyền năng khiến gió to, biển động im hơi lặng tiếng, các môn đệ lại hoảng hốt sợ sệt. Chúa Giêsu đã phải lên tiếng:” Sao nhát thế? Anh em chưa có lòng tin sao?”.

CÁI TRỚ TRÊU CỦA CÁC MÔN ĐỆ

Theo Chúa gần ba năm, các môn đệ đã được Chúa dậy bảo nhiều điều: Người đã nói thực tế, đã làm những phép lạ, đã dùng những dụ ngôn, những ví dụ xẩy ra chung quanh các môn đệ để làm sáng tỏ lòng tin của các ông, nhưng các ông vẫn còn u tối, các ông vẫn chưa cảm nghiệm được quyền năng và tư cách thần linh của Chúa Giêsu. Các môn đệ luôn tỏ ra không hiểu hay tỏ ra hiểu lờ mờ về Thầy mình. Các ông luôn mơ tưởng đến việc Chúa Giêsu sẽ khôi phục lại nước Israen và rồi các ông được ăn trên ngồi trốc trước mọi người khi Chúa Giêsu đăng quang làm vua theo ý nghĩ trần gian của các ông. Điều đó không lấy gì làm lạ khi phép lạ hôm nay xẩy ra. Bối cảnh phép lạ được Chúa Giêsu thực hiện vào một buổi chiều trên biển hồ. Thuyền của các môn đệ rời bến để qua bờ bên kia. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu phép lạ diễn ra trong đêm. Chúa Giêsu ngồi ở đằng lái, gối đầu mà ngủ. Bỗng gió to, sóng lớn nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.

Các môn đệ hoảng hốt, xôn xao, nhốn nháo đánh thức Chúa: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo sao?”(Mc 4, 38). Chúa Giêsu liền can thiệp bằng một lời và chỉ một lời truyền của Người: “Im đi! Câm đi!”(Mc 4,39). Gió liền im. Biển lặng như tờ. Điều làm chúng ta ngạc nhiên không phải là phép lạ, nhưng là cách Chúa Giêsu thực hiện phép lạ: “Tại sao Chúa biết trước sẽ có cuồng phong, biết trước việc Người sẽ làm?. Tại sao Người không can thiệp liền, tại sao Người cứ gối đầu mà ngủ?

Thực ra khi gió to, biển động, sóng gào, các môn đệ xốn xáo, chạy lại đánh thức Chúa dậy, các ông xin Chúa can thiệp hai điều xem ra như là một tối hậu thư: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi”. Điều thứ hai: “Thầy chẳng lo gì sao?”. Câu nói thứ hai của các môn đệ hàm ý sao Thầy vô tư quá, chúng con sắp chết mà Thầy cứ tỉnh bơ ngủ say. Chúa Giêsu đã trả lời cả hai điều các môn đệ yêu cầu. Điều thứ nhất, Chúa truyền cho biển yên, gió lặng. Điều thứ hai, Người khiển trách: “Sao nhát thế? Anh em chưa đủ đức tin hay sao?” (Mc 4, 40). Cái trớ trêu hầu như khờ khạo của các môn đệ ở chỗ Chúa luôn có mặt, luôn hiện diện dù Người đang ngủ, Người hay biết mọi sự nhưng các môn đệ đâu có nhận ra điều ấy. Vậy, khi Người khiếm diện, khi Người không có mặt ở đấy, các môn đệ sẽ ra thế nào!: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”(Mc 4, 40). Anh em để đức tin ở đâu? Ở đây, trong tình huống này, các môn đệ có thể nghĩ đến những can thiệp của Thiên Chúa đối với số mệnh của dân tộc các ông. Thiên Chúa đã cứu thoát cha ông của các ông, đã giữ lời Giao Ước của Ngài cho dù có lúc Thiên Chúa hầu như im lặng. Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân tộc. Bốn mươi năm sau, dân lưu đầy bên Ai Cập đã được Thiên Chúa giải thoát, đoàn người lưu đầy kéo về Giêrusalem được thanh luyện và lớn lên trong thử thách.

CHÚA MỜI GỌI CÁC MÔN ĐỆ VÀ NHÂN LOẠI TIN VÀO CHÚA:

Đối diện với quyền lực của sự dữ, của ma quỷ vì theo não trạng của người Do Thái, biển là biểu tượng của quyền lực ma quỷ. Các môn đệ cuống quýt đã quên cả lòng tin của mình vào Chúa Giêsu. Vậy phải chăng Tin Mừng hôm nay mời gọi con người, nhân loại hãy tin vào Chúa, hãy bám chặt lấy Chúa, hãy tin vào uy quyền tuyệt đối của Chúa trên mọi loài, mọi vật, mọi sự. Tiếng la hoảng hốt của các môn đệ trước trận cuồng phong bão táp, phải chăng đang là thử thách của con người, của mỗi người khi họ gặp cơn cám dỗ, gặp sự thử thách gian nan giữa cuộc đời, giữa hành trình đức tin đầy cam go? Liệu Chúa có bỏ con người hay con người chỉ ngờ ngợ, yếu tin chưa có lòng tin mạnh mẽ và gắn chặt vào Chúa Giêsu? Chúng ta hãy đọc lại nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy nhiều lòng tin làm ta ngạc nhiên. Và khi ta tin thật sự vào Chúa, chắc chắn sự an bình sẽ đến với chúng ta. Thiên chúa không ở xa ta, Ngài ở bên ta, Ngài yêu thương ta, Ngài sẵn sàng can thiệp vào mọi biến cố của đời ta. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có thái độ như các môn đệ hoảng hốt, như ông Môsê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,1), như ngôn sứ Isaia khi nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong đền thờ (Is 6,5). Tất cả đều tùy thuộc vào lòng mến và vào sự phó thác tuyệt đối của mỗi người chúng ta trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn bám chặt lấy Chúa vì Chúa là Đấng uy quyền và hay thương xót.

home Mục lục Lưu trữ