Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1360813

BÂY GIỜ ĐÃ ĐẾN THÁNG MƯỜI

BÂY GIỜ ĐÃ ĐẾN THÁNG MƯỜI

   Fx Đỗ Công Minh

Người ta kể lại rằng, trên một chuyến xe lửa về Paris, một chàng sinh viên ngồi cạnh một cụ già. Anh ngạc nhiên vì thấy giữa kinh thành Paris tráng lệ, giữa thời buổi hiện đại  mà vẫn còn có người  còn lâm râm lần hạt mân côi. Chờ đến lúc xe lửa ghé một ga trên đường, hành khách lên xuống ồn ào khiến cụ ông cũng ngưng cầu kinh, anh  hàn huyên với cụ.: “Cụ ơi, thời buổi này mà cụ còn lạc hậu quá. Có ai lần hạt nữa đâu?  Bây giờ chỉ còn mấy người nhà quê, thất học mới lần hạt như cụ thôi !” Cụ ông quay sang  chàng trai trẻ từ tốn trả lời :” Không phải thế đâu cháu, hãy khiêm tốn một chút đi. Cháu đang còn đi học à ?” . “Dạ phải, Cháu đang học đại học Paris “. Chàng thanh niên vẻ tự hào trả lời. Cậu còn hỏi địa chỉ và số điện thoại của người đồng hành để về sau, có dịp nào đó ghé thăm và trò chuyện. Cụ ông vui vẻ gửi cho cậu tấm danh thiếp vừa đúng lúc cụ rời chuyến xe với cái bắt tay thân thiện. Chàng thanh niên không màng đứng lên tiễn chân, thản nhiên nhìn. Tấm danh thiếp có ghi hàng chữ LOUIS PASTEUR – Viện sĩ – Hàn Lâm Viện Paris. Câu chuyện không thấy ghi tiếp về tâm tình, thái độ của chàng thanh niên sau đó thế nào.  Chuyện có thật và đã được chính nhà bác học kể lại .

Tháng 10, tháng Mân côi, tháng mừng kính Mẹ Maria. Giáo hội dành cả một tháng không phải là để con người chúc mừng Mẹ. Bởi Mẹ, một con người trần gian tuyệt hảo, đấng hiệp công cứu chuộc nhân loại cùng Chúa Giêsu, đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác, mà là để con cái có dịp chạy đến cùng Mẹ, xin ơn cứu giúp. Đức Maria, một con người có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.  Là người trần gian, khi được Thiên sứ viếng thăm và loan báo chương trình cứu độ của Thiên Chúa: tuyển chọn đấng  cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã từ tốn khiêm cung, nêu thắc mắc của mình :”Việc đó xảy ra thế nào được , vì tôi không nghĩ đến việc vợ chồng “. Nhưng khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã thưa : “Xin Chúa thực hiện nơi tôi điều Ngài muốn “. Kể từ lời Xin Vâng ấy  mà Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của nhân loại. Tháng Mân Côi là tháng  Giáo hội nhắc nhở con cái mình luôn biết chạy đến cùng Mẹ để“Đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria “ (Ad Jesum per Mariam )  và chính phương thế gần gũi dễ dàng nhất  là tràng chuỗi Mân côi. Mỗi người chúng con mượn lời Sứ Thần kính mừng Mẹ, qua đó xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con lúc này và trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời trần gian. Lần hạt không phải là lặp đi lặp lại những điệp khúc của một câu ca, nhưng là những lời tuyên xưng của chúng con,  mỗi khi suy niệm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa đến với nhân loại.

Ngày hôm nay, không ít người có thái độ như chàng thanh niên trong mẩu chuyện nói trên, trong đó có con. Nhiều lúc con cũng nhìn anh chị em con lần hạt Mân côi rồi biện minh cho sự lười biếng, khô khan của mình. Nào là : không có thời gian. Rồi còn viện dẫn Lời Chúa, không nên đọc nhiều vì Chúa cũng dạy “không nên thờ Ta bằng môi bằng miệng “ hoặc “ Không phải cứ thưa Lạy Cha, Lạy Cha mà được vào nước trời “.

Lạy Chúa! Xin tha thứ vì thái độ không đúng của con. Xin Chúa giúp con nhận ra tràng chuỗi Mân Côi với các mầu nhiệm suy gẫm, chính là  sách Tin Mừng thu gọn. Lần chuỗi, nếu không thể một lúc 50 kinh, con có thể đọc 10, 20 kinh Mân côi, với lòng thành tín nguyện xin, chính là con đang học và sống Lời Chúa mỗi ngày. AMEN .

.

12.                        Kính Mừng Maria

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

“Vườn Rôsa bao quanh trái đất, cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền.

Thử suy cùng cho tới căn nguyên, xem ai đã gây nên vậy tá?”. 

Lời kinh Mân Côi kể với chúng ta lịch sử Giáo Hội, với những gian nan thử thách vào thế kỷ 13, khi có những bè rối chủ trương sai lạc về giáo lý cũng như về cách sống. Những sai lạc này làm rạn nứt sự hợp nhất trong Giáo Hội. Với lời cầu nguyện của thánh Đaminh, Đức Trinh nữ Maria đã chỉ ra một con đường giúp vãn hồi trật tự trong Giáo Hội, đó là cầu nguyện qua kinh Mân Côi. Sau những tháng ngày “cỏ rả mê man” trong vườn thiêng Giáo Hội, Đức Mẹ đã can thiệp, Tràng hạt Mân Côi đã giúp Giáo Hội tìm lại sự bình an và hiệp nhất. Ngày hôm nay cũng vậy, nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, Chúa sẽ gìn giữ Giáo Hội. Ngày 1-10 vừa qua, Đức Thánh Cha ngỏ lời kêu gọi các tín hữu trên thế giới hãy cầu nguyện với kinh Mân Côi để Giáo Hội được bình an và được chữa lành trong bối cảnh đau thương do những vụ lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực mà thủ phạm là các giáo sĩ.

Trong ngôn ngữ bình dân, chúng ta thường nói: lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Thiết tưởng câu nói đó không sai, vì mỗi mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đọc 10 lần kinh Kính mừng, là lời Sứ thần Gabrien chào Đức Trinh nữ thành Nagiarét. Tuy vậy, kinh Mân Côi không dừng lại với Đức Trinh nữ Maria, mà còn dẫn đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Hai mươi mầu nhiệm, diễn tả trọn vẹn cuộc đời Chúa Cứu thế, trong mọi biến cố vui, buồn, vinh quang, đau khổ. Vì vậy, kinh Mân Côi chính là cuốn Phúc âm tóm gọn, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định. Trước đây, chúng ta vẫn quen đọc câu khởi đầu của ngắm Mân Côi: “Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui, thứ nhất thì ngắm…”. Câu này ngày nay không còn đọc nữa. Tại sao lại có chữ “Ngắm tắt”, bởi đáng lẽ phải đọc một đoạn Phúc âm hay một đoạn suy niệm về mầu nhiệm sắp được suy ngắm. Vì muốn thu gọn lại, người ta bỏ đoạn Phúc âm hay đoạn suy niệm đó, nên chỉ đọc cách vắn tắt: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”. Chính phương pháp “vắn tắt” này đã làm cho nhiều người không chú ý, thậm chí coi nhẹ phần Lời Chúa trong kinh Mân Côi.

Trong suốt hai mươi mầu nhiệm Mân Côi, ta thấy Đức Mẹ xuất hiện ở ngắm thứ nhất mùa Vui rồi ở ngắm thứ năm mùa Mừng, là hai mầu nhiệm đầu tiên và kết thúc của kinh Mân Côi. Ở ngắm thứ nhất mùa Vui, Đức Mẹ được diễn tả trong tư thế khiêm nhường đón nhận sứ thần của Thiên Chúa và lời mời gọi của Ngài. Ở ngắm thứ năm của mùa Mừng, Đức Mẹ được diễn tả trong trạng thái vinh quang tỏa sáng, như phần thưởng cao quý mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, vì suốt đời Mẹ đã vâng phục yêu mến Ngài. Như thế, trọn đời Đức Mẹ đều sống trong sự phó thác tin cậy nơi Chúa. Mẹ là gương mẫu cho đời sống của chúng ta.

Trong một vài mầu nhiệm Mân Côi khác, mặc dù Đức Mẹ không được nhắc tới cách cụ thể và trực tiếp, nhưng chúng ta tin Đức Mẹ luôn hiện diện với Con của mình. Mẹ hiện diện bên Chúa Giêsu vừa với tình mẫu tử thân thương, vừa với thái độ của người môn đệ, chuyên tâm lắng nghe lời giáo huấn của Người. Thánh Luca viết: “Còn bà Maria thì lắng nghe những lời ấy và suy niệm trong lòng”. Mẹ vui niềm vui của Chúa Giêsu khi thấy đoàn dân chúng đông đảo kéo đến với Người để đón nhận Lời hằng sống. Mẹ cũng xót xa khi thấy Đức Giêsu bị chống đối và khước từ. Mẹ đau khổ trên con đường thập giá của Chúa Giêsu, và đứt từng khúc ruột khi con mình đánh đòn nát tan, thân xác biến dạng và đẫm máu. Đau thương nhất là giờ phút Chúa Giê-su hấp hối. Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, âm thầm hy sinh, thông phần đau khổ với Con mình, để xin ơn Cứu độ cho thế gian. Kinh Mân Côi giúp chúng ta chiêm ngưỡng, suy niệm và cầu nguyện với Đức Mẹ, để mỗi chúng ta sống các mầu nhiệm ấy trong chính cuộc sống hôm nay. Mỗi chúng ta đang trải qua những biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng, như Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta xin Chúa thêm sức và cùng vác thánh giá với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Chúng ta cũng xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta, an ủi nâng đỡ khi gánh nặng cuộc đời làm chúng ta gục ngã. Nhờ ơn Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, chúng ta có thể chỗi dậy sau khi vấp ngã, can đảm lạc quan tiếp tục bước đi trong niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa.

Tràng hạt Mân Côi đơn sơ là thế, mà lại có sức mạnh diệu kỳ. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã quả quyết, đây là lời kinh mà ngài thích nhất. Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống đã sáng tác một bài thánh ca với tựa đề “Sao em không lần chuỗi” rất ý nghĩa. Đây là lời mời gọi hãy lần hạt lúc vui cũng như lúc buồn, buổi sáng cũng như buổi chiều, lúc làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, lúc thành công cũng như khi thất bại, tuổi trẻ cũng như tuổi già… Nói tóm lại, lời kinh Mân Côi thấm đượm cuộc đời của người tín hữu trong mọi hoàn cảnh, giúp họ tìm thấy sức mạnh và niềm vui trong cuộc đời.

Kinh Mân Côi là “Chuỗi ngọc lời kinh” của tình yêu mến, hiếu thảo, cậy trong mà người tín hữu dâng kính Đức Mẹ. Chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội thể hiện tâm tình con thảo đối với Đức Trinh nữ trong tháng Mười này. “Mến Mẹ thiết tha, hồn ta chắc rỗi!”. Đó là khẳng định của Thánh Berchmans. Thánh Gioan Maria Vianey cũng viết: “Trái tim Mẹ Maria rất yêu dấu chúng ta, đến nỗi bên trái tim Mẹ, hết các trái tim người mẹ hợp lại chỉ là một tảng nước đã lạnh ngắt”.

Xin Mẹ Mân Côi chúc lành cho chúng con. Amen.

 

13.                        Hoa Mân Côi

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những điệu vãn lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Lời kinh Mân Côi muốn diễn tả với chúng ta biết bao điều tốt đẹp.

“Vườn Rôsa bao quanh lái (trái) đất,

Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền” (Ngắm Rôsa)

Vườn Rôsa trong câu thơ trên chính là Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa được sánh ví như một vườn hoa rộng lớn mênh mông, mà ở đó được trồng những cây hồng với muôn sắc hoa rực rỡ. Giáo Hội của Chúa thật đẹp biết bao. Vẻ đẹp ấy không thể hiện nơi những tòa nhà cổ kính khang trang kiến trúc cầu kỳ, mà là nơi những cộng đoàn tín hữu, nhất là khi họ hội họp nhau để cử hành phụng vụ: tất cả cùng một đức tin, một tình mến, một tâm hồn để tôn vinh và ca tụng Chúa. Vẻ đẹp của Giáo Hội được tỏa rạng từ nụ cười móm mém của các lão ông lão bà, đến những gương mặt rất thơ ngây của các em nhỏ trong những cuộc rước tôn vinh Chúa, Đức Mẹ hay các thánh. Vẻ đẹp của Giáo Hội còn được thể hiện nơi những người cha người mẹ, nơi các bạn trẻ công giáo, được thấm nhuần tinh thần Phúc âm, đang hăng hái nhiệt tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp. Những nụ cười, những tâm hồn hy sinh ấy chính là những đóa hồng trong vườn Giáo Hội, làm cho Danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.

Lời “Vãn Mân Côi” cũng đưa chúng ta về một thời của lịch sử Giáo Hội: vào thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Chính từ biến cố lịch sử này mà Giáo Hội được gọi là “vườn Rôsa” – vườn của những đóa hoa hồng, vì nhờ kinh Mân Côi, Giáo Hội đã tìm lại được vẻ đẹp huy hoàng của mình. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi trong ngày giao chiến.

Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.

“Đức Bà như Hoa Hường (hồng) màu nhiệm vậy” (Kinh cầu Đức Bà)

Trong vườn Rôsa, tức vườn Giáo Hội, có một đóa hoa vượt trổi về màu sắc và hương thơm. Đóa hoa ấy mang tên là Maria. Đức Maria vừa là Mẹ của Giáo Hội, đồng thời cũng là chi thể của Giáo Hội. Mẹ là mẫu mực cho đời sống đức tin của các tín hữu. Nơi Mẹ, Giáo Hội chiêm ngưỡng hình ảnh của mình trong tương lai. Mẹ diễn tả một hình ảnh không tỳ ố, không vết nhơ của Giáo Hội. Mẹ là hy vọng của Giáo Hội đang vươn tới vinh quang rạng rỡ như Mẹ.

Là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội. Bằng sự quan tâm hiền mẫu của mình, Mẹ luôn đỡ nâng chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu. Cũng như tại Cana ngày nao, Mẹ đang dặn dò chúng ta: “Người bảo sao, các con hãy cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Mẹ dạy chúng ta phó thác nơi Chúa, như Mẹ đã kiên trung tín thác suốt đời, để Thánh ý của Chúa được thực hiện, vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là Hoa Hồng, chúng ta ca tụng quyền năng của Chúa đã tác tạo nên Mẹ, như một tạo vật hoàn hảo, xứng đáng là ngai tòa cho Ngôi Lời nhập thể. Khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao siêu của Mẹ, chúng ta nguyện ước noi gương Mẹ, trau dồi các nhân đức, mến Chúa yêu người, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa.

“Mỗi người là một cành hoa, cùng đem về đây góp gió,

Làm thành vườn hoa, muôn màu muôn sắc tươi xinh” (Lời một bài hát)

Mỗi chúng ta, khi sinh vào cuộc đời, cũng giống như một loài hoa để tô điểm cho thế giới này tươi đẹp. Sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa hay điều kiện kinh tế không phải là những lý do gây mâu thuẫn, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nhận mình là một loài hoa được Thiên Chúa chăm sóc yêu thương một cách đặc biệt. Đã là hoa trong vườn, dù thuộc chủng loại nào, những bông hoa đều cống hiến hương sắc cho đời. Con người cũng thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có trách nhiệm góp phần làm cho cuộc sống thêm nhân ái hơn.

Kinh Mân Côi giúp ta gắn bó với Chúa. Hai mươi mầu nhiệm diễn tả cuộc đời của Chúa Cứu thế, đồng thời cũng phác họa đời sống chúng ta. Cuộc đời được dệt nên bằng một chuỗi những vui buồn. Những ai kiên trung cậy trông vào Chúa trong mọi biến có vui buồn ấy, sẽ trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Đức Mẹ đã thực hiện điều ấy và Mẹ đang mời gọi chúng ta tiến bước theo Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Tràng hạt Mân Côi cũng tượng trưng cho tình liên đới giữa con người với nhau. Là những đóa hoa trong vườn hoa cuộc đời, chúng ta liên kết với nhau làm thành một chuỗi hoa hồng. Những đóa-hoa-cuộc-đời được gắn liền với nhau bằng tình mến Chúa yêu người, làm cho cuộc sống này thêm tươi đẹp và thi vị hơn.

Khi ước mong trở thành những đóa hồng dâng kính Đức Mẹ, mỗi người chúng ta cũng cần phải là một đóa hoa để trao tặng cho nhau. Những nghĩa cử thân thiện, những lời động viên khích lệ hoặc sự chia sẻ tinh thần vật chất mà chúng ta thực hiện xuất phát từ tình mến, đó chính là những đóa hoa lòng mà chúng ta trao tặng cho nhau. Những đóa hoa ấy không tàn phai theo thời gian, nhưng mãi mãi thắm sắc ngát hương, làm nên một cuộc sống an bình. Đó là ý nghĩa của Kinh Mân Côi mà chúng ta đọc hằng ngày.

Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã nói: “Chuỗi Mân côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lặp lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy” (Tông thư Kinh Mân Côi).

Lạy Mẹ Mân Côi, xin chúc lành và hướng dẫn chúng con trên mọi nẻo đường trần gian. Amen.

.

14.                        Xin Vâng

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng “Xin vâng” thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao.

Trước hết hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nghe ma quỷ hơn nghe Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm theo ý riêng hơn làm theo ý Chúa. Trái lại Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ mà thành công.

Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng “Xin vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Vì vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã vui lòng xuống thế làm người. Hôm nay, khi Đức Mẹ nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Giêsu cũng nói “Xin vâng” với Đức Chúa Cha. Với hai tiếng “Xin vâng”, Đức Mẹ khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng”, Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

Hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới cả cuộc đời.

Hai tiếng “Xin vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, những ảnh hưởng tới cả cuộc đời Đức Giêsu và Đức Mẹ. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời Thánh vịnh: “Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Cha”. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây Thánh giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Những xin đừng làm theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi”.

Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào chương trình của Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn chạy sang Ai cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cùng chết với con vậy.

Như thế, để nói tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Để một lần nói “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ phải nhiều lần nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

Khi tạo dựng nên ta, Chúa đã có chương trình cho mỗi người chúng ta. Đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng “Xin vâng” với Chúa. Hãy biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui. Hãy xin vâng khi buồn.Hãy xin vâng khi hạnh phúc. Hãy xin vâng khi đau khổ. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui tươi, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá đau buồn. Xin Vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh ta.

Lạy Mẹ, xin dạy con hai tiếng XIN VÂNG như Mẹ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến chương trình của Thiên Chúa?

2- Hai tiếng “Xin vâng” Đức Mẹ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời của Đức Mẹ.

3- Chúa Giêsu đã sống lời “Xin vâng” thế nào?

4- Ta phải làm gì để chương trình của Chúa nơi ta được thực hiện”

.

15.                        Mẹ Mân Côi – Mẹ Chiến Thắng

Gm. Vũ Duy Thống

Lễ Đức Mẹ Mân Côi gợi nhớ về một trận chiến. Năm 1571, trước sức mạnh đe dọa của Hồi Giáo trên phần đất nước Ý, Đức Giáo Hoàng Piô V đã kêu gọi con cái mình chung sức bảo vệ. Các vua chúa Công Giáo Châu Âu đáp lời. Đạo binh Thánh Giá lên đường ra tiền tuyến. Hậu phương yểm trợ bằng Kinh Mân Côi. Ngày 7 tháng 10, kết thúc binh lửa ở vịnh Lépante, với phần thắng nghiêng về phía Công Giáo. Người ta mở lễ ăn mừng. Mẹ Mân Côi từ đó có thêm danh hiệu là Mẹ Chiến Thắng.

Ngày nay, cuộc chiến mang màu tôn giáo ấy đã lùi xa vào dĩ vãng. Đạo binh Thánh Giá cũng chẳng còn. Nhưng vẫn còn đó danh hiệu Mẹ Chiến Thắng. Vì thế, vấn đề không phải là mặc cảm để mà nhức nhối, hoặc háo thắng với nhiều hời hợt, mà chính là bình tĩnh chiêm ngắm chân dung Đức Maria Chiến Thắng đã được ghi dấu hiền hòa qua Kinh Mân Côi.

1) Mẹ chiến thắng trên chính phận mình.

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Lời thiên sứ truyền tin ngày nào được đưa vào phần đầu của Kinh Kính Mừng như muốn làm nổi bật lên sáng kiến của Thiên Chúa đã thương chuẩn bị Mẹ từ thuở ban sơ cho mầu nhiệm Con Chúa làm người. Điều này thật quan trọng và chính yếu. Nhưng ở phần chìm của Kinh Kính Mừng, như bài Phúc Âm ghi lại, là một thái độ đáp ứng không kém quan trọng của Đức Maria đối với thánh ý Chúa. Phần chìm ấy là tiếng “Xin Vâng”.

“Xin Vâng” là tiếng nói của một tâm hồn rộng mở vốn đã quen tìm trong suy niệm tiếng nói muôn thuở của Thiên Chúa. “Xin Vâng” là tiếng vắn gọn như phản ứng xuất thần, mà thực ra là cả một tiến trình đòi hỏi hy sinh chính bản thân mình để đánh đổi. “Xin Vâng” là tiếng một lần dâng lên sẽ không bao giờ rút lại, một lần đoan hứa sẽ có giá trị suốt đời, một lần cúi đầu đáp tiếng là sẽ cúi đầu chấp nhận tất cả, cho dẫu đó là bất trắc của dịp Giáng Sinh hay là lưỡi gươm của ngày Dâng Con, hoặc là đắng cay nghiệt ngã nhất của chiều Tử Nạn. “Xin Vâng” là tiếng hiền hòa của người khiêm nhường, chỉ dám nhận mình là tôi tớ, nhưng lại là tiếng vinh quang đưa người khiêm nhường ấy bước lên thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa.

Rõ ràng tiếng “Xin Vâng” đã thay đổi phận đời Đức Maria. Và ở đây, xin được gọi đó là một chiến thắng: chiến thắng của thánh ý Chúa trên cuộc đời Đức Maria đã trở nên chiến thắng của Đức Maria trên chính số phận đời thường của mình.

Vì thế, hôm nay, nếu đọc lên kinh “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, thì hãy vui mừng thêm nữa để nhận ra rằng ơn phúc của Thiên Chúa dẫu đã tiềm ẩn nơi Đức Maria, nhưng chỉ thực sự tỏ hiện qua tiếng “Xin Vâng”, để nhớ mãi hình ảnh Đức Mẹ chiến thắng trên chính phận mình.

2) Mẹ chiến thắng trên mỗi phận người.

“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Phần sau của Kinh Kính Mừng là lời cầu nguyện xem ra độc lập với phần trước, mà thực ra chỉ là một tâm tình duy nhất. Nếu phần trước là lời kính mừng Đức Mẹ Chiến Thắng trên chính phận mình để trở nên “Đức Mẹ Chúa Trời”, thì phần sau là lời kính mừng Đức Mẹ Chiến Thắng trên mỗi phận người tín hữu, qua mẫu gương trinh trong thánh đức. Do đó, danh hiệu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” chính là lời kính mừng trang trọng và cao quý Giáo Hội dành cho Đức Maria. Đó cũng là chiến thắng chung cuộc Đức Maria đã đạt được trong đời mình.

Nhưng chiến thắng vinh quang ấy chẳng những không đẩy Đức Mẹ lên cao để xa cách cuộc đời dương thế, mà ngược lại, còn đem Mẹ đến gần gũi nhân loại hơn cả bao giờ. Vì thế, không lạ gì khi kính mừng Đức Mẹ trong vinh quang, tín hữu bỗng dưng nghĩ về đời mình, không phải để xót xa phận mình tội lỗi cho bằng cảm nhận mối tương quan “Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo Hội” một cách chân tình với lòng trông cậy.

Bên kia lời “cầu cho chúng con là kẻ có tội” là cả một tình mẫu tử thiêng liêng. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ có dư thánh đức để mà chiến thắng tội lỗi, nhưng là Mẹ Giáo Hội, Mẹ vẫn liên hệ với đời tín hữu như là phần đời của Mẹ. Nếu tín hữu nhận mình là kẻ có tội mà vẫn dám cầu xin “Thánh Maria”, và nếu ngước trông lên Mẹ thánh đức mà vẫn không ngại trình bày cuộc đời tội lụy, thì đó là vì đã tín nhiệm và cậy trông vào tấm lòng người mẹ.

Mẹ đã chiến thắng phận mình, Mẹ cũng sẽ chiến thắng trên mỗi phận người tín hữu bằng cách khơi lên sự thánh thiện cho lui xa dần những phần tội lụy.

3) Mẹ Chiến Thắng – Mẹ Mân Côi

Phác vẽ chân dung Đức Mẹ Chiến Thắng qua Kinh Mân Côi như trên, thiết tưởng cũng một phần nào đó khơi lối đi vào ngày lễ hôm nay, đồng thời muốn xác tín về vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Hội Thánh, và nhắc nhở gián tiếp về vai trò của Kinh Mân Côi trong đời sống mọi kẻ tin.

Mừng lễ Mẹ Mân Côi không còn là mừng về một chiến thắng quân sự nào, mà chính là mừng về một chiến thắng còn lớn lao và cốt thiết hơn ở trong tấm lòng của Đức Maria và ở trong nỗi lòng của mỗi người con của Mẹ. Đó là chiến thắng của ơn thánh trên tội lỗi, để gợi mở những chiến thắng khác của những điều thiện hảo tốt lành trong đời sống mọi người. Mừng lễ Mẹ Mân Côi cũng không chỉ mừng cho Mẹ mà thực ra là mừng cho mọi kẻ tin, bởi lẽ Đức Mẹ trong mầu nhiệm Giáo Hội chính là kẻ đi trước bước lên chiến thắng và vì thế, trong Chúa Kitô, Mẹ trở thành Đấng che chở cầu bầu, phù trợ cho mọi tín hữu biết cậy nhờ Mẹ khi khao khát chiến thắng của ơn cứu độ trên chính phận mình.

Và mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay chính là khẳng định mối liên hệ sâu bền giữa hai danh hiệu “Mẹ Mân Côi – Mẹ Chiến Thắng”, để thấy được rằng muốn có chiến thắng không thể xao lãng lần hạt Mân Côi; và nếu yêu mến lần hạt Mân Côi, sẽ có ngày bước vào chiến thắng. Kinh Mân Côi là một vũ khí, nhưng là vũ khí hòa bình luôn đem lại hiệu quả tích cực. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh. Chỉ vì một lẽ, trong Kinh Mân Côi là hiện diện của Đức Mẹ Chiến Thắng.

Có một truyện kể lâu lắm rồi: hai thôn đạo tranh chấp nhau về một mảnh đất giáp ranh mà thôn nào cũng nhận là của mình. Chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng nổ ra. Khối kẻ u đầu sứt trán. Cuối cùng cha xứ phải giải hòa và đem miếng đất giáp ranh ấy vào làm của chung gọi là “đất Đức Bà”, đồng thời cho dựng một tượng đài Đức Mẹ ở đấy. Hết tranh chấp, thôn trên thôn dưới mỗi tối quây quần lần hạt vui vẻ. Người ta gọi đó là đài Đức Mẹ Hòa Bình, nhưng cha xứ lại rất tâm đắc: đó là đài Đức Mẹ Chiến Thắng: thắng chia rẽ, thắng hận thù, thắng tội lỗi.

Lạy Đức Mẹ Chiến Thắng, xin cầu cho chúng con. Amen.

.

home Mục lục Lưu trữ