Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 75

Tổng truy cập: 1356630

BÂY GIỜ THẦY VỀ CÙNG CHA

BÂY GIỜ THẦY VỀ CÙNG CHA

 

Lễ Chúa Giêsu Về Trời thường cũng được gọi là Lễ Thăng Thiên, và được mừng vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh, đúng 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại như Lời Thánh Kinh (Cv 1,3); tuy nhiên vì lý do mục vụ, để thuận tiện cho mọi tín hữu có thể đi dâng Thánh Lễ, nhiều nơi đã được phép chuyển mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo (Chúa Nhật VII Phục Sinh).

Trong Thánh Lễ hôm nay, qua cac Bài Đọc I (Cv 1, 1-11), Bài Đọc II (Ep 1, 17-23, hoặc Ep 4, 1-7, 11-13) và Bài Phúc Âm (Mc 16, 15-20), các Thánh Sử đều ghi lại việc Chúa Giêsu được “rước về Trời”, sau khi Ngài đã ‘sống lại và hiện ra với các Thánh Tông Đồ, an ủi, âng đỡ cùng giảng dạy thêm cho các Ngài ‘về Nước Trời’ trong vòng 40 ngày. Ngoài ra, trước khi được “Rước Về Trời”. Chúa Giêsu cũng hứa “vẫn ở lại với các Ngài mỗi ngày cho đến tận thế”, và sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống (Ga 14,16) trên các Ngài để thánh hóa và soi sáng cho các Ngài hiểu đầy đủ về mọi điều đã được ghi chép trong Thánh Kinh và những lời Chúa Giêsu đã giảng dạy (Ga 14,26); rồi Chúa Giêsu đã chúc lành cho các Ngài và truyền cho các Ngài “hãy ra đi khắp nơi làm chứng nhân cho Chúa, và rao giảng Phúc Âm Tình Thương của Chúa cho mọi người, mọi nơi.” (Mc 16,15-16).

Lễ Chúa Giêsu Về Trời là niềm vui mừng phấn khởi cho mọi người chúng ta, vì Chúa Giêsu đã chịu nạn, chịu chết để cứu chuộc chúng ta, nhưng Người đã sống lại và về trời vinh hiển để mở đường về trời cho chúng ta. Con đường sự sống đã được mở sẵn cho chúng ta để ai đi theo con đường đó thì tới sự sống muôn đời, vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Thày là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống… (Ga 14,6).

Sau khi Chúa Giêsu về Trời, và sau khi Chúa Thánh Thần đã hiện xuống thánh hóa các Tông Đồ, các Ngài đã hăng hái, nhiệt thành đi rao giảng Lời Chúa và thành lập Hội Thánh. Từ ngày đó, dù bị các thế lực thế gian ở mọi thời và mọi nơi bách hại như Chúa Giêsu đã báo trước (Ga 15,18-21), Giáo Hội đã không ngừng phát triển để đem Tin Mưng Tình Thương và Ơn Cứu Độ đến cho mọi người và mọi nơi, để những ai “tin thì được cứu rỗi” (20,31).

Ngày nay, đến lượt chúng ta là những tín hữu của Chúa, chúng ta cũng phải là những ‘tông đồ nhiệt thành’, có nhiệm vụ tiếp tục rao giảng Phúc Âm Tình Thương của Chúa đến mọi nơi trên trái đất bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhất là bằng chính đời sống tín hữu gương mẫu của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục sống như ‘những chứng nhân’ của Chúa (Cv 1,8) cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày: nơi gia đình, trong sở làm, xưởng thợ, ở thành thị cũng như chốn thôn quê.

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh và đã về Trời vinh hiển chúc lành cho mọi người chúng ta, gia đình chúng ta, cho các công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, và cho mỗi tín hữu chúng ta luôn được nhiệt thành rao giảng Phúc Âm Tình Thương của Chúa cho mọi người.

 

52.Cùng lên trời với Chúa--Lm Nguyễn Nguyên

Nếu cuộc đời này sinh ra lớn lên rồi chết đi thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì. Con người sinh ra để được sống mãi chứ không phải để nhào lộn trong bể khổ và chết là hết kiếp người. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra lẽ sống, và cùng đích đời người là gì? Sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Đó là những vấn đề làm nên nhân cách con người. Chúng ta chọn cách sống nào cũng tuỳ thuộc vào việc chúng ta hiểu ý nghĩa và cùng đích đời người ra sao?

Hôm nay, chúng ta cùng với giáo hội mừng lễ Chúa lên trời. Điều đó dạy cho chúng ta biết rằng ngoai cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Chúa lên trời để cho chúng ta thấy rằng: Định mệnh của loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Số phận của con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Đó mới là cùng đích của đời người, đó mới là quê hương vĩnh viễn của chúng ta.

Thế nhưng, muốn tới được trời, muốn lên thiên đàng thì trước hết chúng ta phải đi hết con đường dương thế này bằng cách chu toàn những nhiệm vụ của mình ở đời này. Một trong những nhiệm vụ chính yếu chúng ta vừa nghe trong tin mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đây là một nhiệm vụ cao cả mà Chúa đã trao cho chúng ta khi Ngài về trời. Chúa về trời, Ngài không còn xác thịt trên thế gian này nữa. Ngài không còn đôi tay nữa, chỉ có đôi tay của chúng ta, để làm công việc ngày hôm nay của Ngài. Ngài không còn đôi chân, chỉ có đôi chân của chúng ta để dẫn người ta theo đường lối của Ngài. Ngài không còn tiếng nói, chỉ có tiếng nói của chúng ta để nói với loài người rằng Ngài đã yêu thương, đã chịu chết như thế nào. Ngài không còn cách giúp đỡ nào khác ngoài sự giúp đỡ của chúng ta để đưa tha nhân đến bên cạnh Ngài.

Vì thế, một cuộc đời loan báo tin mừng cho Chúa trên coi trần này không nhất thiết phải đổ máu nhưng thiết yếu là phải thể hiện bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm, là biết thực hành những lời Chúa dạy, không gian dối, lừa đảo, không tham lam bất chính, luôn chung thuỷ trong đời sống gia đình. Một cuộc đời loan báo tin mừng không nhất thiết phải có một bản án để người ta thoá mạ, tẩy chay, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Một cuộc đời loan báo tin mừng không nhất thiết phải đi đây đi đó rao giảng những lời hay ý đẹp mà là sống trong cùng một khu xóm, nhưng quý ông khong nhậu nhẹt say sưa, không cờ bạc, không la vợ, đánh con, nhưng biết chăm sóc gia đình chu đáo, đồng thời còn dành thời giờ để đến an ủi, giúp đỡ, chia sẻ với những người già yếu bệnh tật, cô đơn; còn quý bà thì không ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu, nhưng biết lo lắng tần tảo, yêu thương chồng con, vui vẻ với làng xóm; và các bạn trẻ trong giáo xứ thì sống lành mạnh, biết kính trên nhường dưới, không đua đòi, không ăn nói tục tằn, nhưng chăm chỉ nhiệt thành với công việc chung… Sống được như vậy là chúng ta đang làm chứng cho Chúa một cách tuyệt vời nhất, sống được như vậy là chúng ta đang xây nên con đường dẫn về Trời cho mình, đang làm cho gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta thành nơi Chúa hiện diện và biến đổi thế giới này thành thiên đàng.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống cho thật tốt, thật tròn đầy những bổn phận hằng ngày để rồi một khi chu toàn bổn phận của mình nơi trần gian, chúng ta cũng sẽ trở về Trời với Chúa mà hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

 

53.Hãy rao giảng Tin Mừng--Lm. Đặng Quang Tiến

Đoạn Mc 16,9-20 không tìm thấy trong những thủ bản xưa nhất của Tin mừng Marcô. Có thể đây là phần được thêm sau nầy, trong đó tóm tắt những điều mà trong các Tin mừng khác nói đến Đấng Sống Lại. Phần thứ nhất (16,9-11) thuật việc Chúa hiện ra với bà Mađalêna (x. Ga 20,11-18). Phần thứ hai (16,12-13) kể tóm tắt chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Phần thứ ba (16,14-18) kể lại chuyện Chúa hiện ra cho nhóm mười một; Người trách họ cứng lòng tin và trao cho họ sứ mạng rao giảng Tin mừng (x. Lc 24,36-43). Phần cuối cùng (16,19-20) ghi nhận vắn tắt việc Chúa lên trời (x. Lc 24,50-53; Tđcv 1,9-11).

Đoạn nầy không chắc chắn do Marcô viết ra; tuy nhiên nó được viết theo một truyền thống cổ xưa và được công nhận thuộc về Kinh thánh. Có thể phân chia đoạn 16,15-20 làm ba phần: 1- Mệnh lệnh rao giảng Tin mừng và những hành động quyền năng kèm theo (16,15-18); 2- Chúa Giêsu lên trời (16,19); Các tông đồ đi rao giảng và Chúa cùng hoạt động với họ (16,20).

Lần đầu tiên việc rao giảng Tin mừng được giao phó cách rõ ràng và như một mệnh lệnh cho các tông đồ để chu toàn. Ngay từ đầu, Marcô đã ghi nhận nhiều lần là Chúa Giêsu không mệt mỏi đi rao giảng khắp miền Galilê và những vùng lân cận của nó (1,14-15.39.45; 5,20). Khi tuyển chọn nhóm Mười Hai, Marcô ghi nhận là Người kêu họ đến với Người để có thể sai họ đi rao giảng (3,14); tuy nhiên, ông đã không nói là khi nào. Trong diễn từ nói đến những thử thách và bách hại các môn đệ sẽ chịu, Người tiên báo là qua đó Tin mừng sẽ được rao giảng cho mọi dân tộc (x. 13,10). Như thế, “Anh em hãy rao giảng Tin mừng” là mệnh lệnh trực tiếp và đầu tiên các tông đồ lanh nhận sau khi Chúa Giêsu sống lại, và họ sẽ bắt đầu thực hiện nó cách công khai sau khi Người đã lên trời (16,15.20). Đây là thời điểm thích hợp nhất để làm việc đó, vì sứ vụ của Người trên trần gian chấm dứt khi Người lên trời; họ phải tiếp tục sứ vụ ấy của Người. “Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (1,1) đã được loan báo trọn vẹn và đã thấm nhập họ không chỉ lời nói mà cả bản thân của Người. Rao giảng Tin mừng lần nầy sẽ được mở rộng cách phổ quát cho mọi người (16,15).

Những hành động quyền năng được hứa như xua trừ ma quỷ, nói được những ngôn ngữ mới, tiêu trừ những độc hại và chữa lành những bệnh tật là biểu trưng cho sự chien thắng trên sự chết và tội lỗi (16,17-18). Người ban những quyền năng ấy cho tất cả những ai tin vào Người; tuy nhiên, không chỉ chừng ấy thôi, mà cả ơn cứu độ dứt khoát trong sự sống vĩnh cửu nữa.

Như việc sống lại do bởi Chúa Cha thực hiện (16,6), việc Chúa Giêsu được đưa lên trời cũng bởi Người. Được đưa lên trời là trở lại nơi Người đã từ đó mà đến trần gian. Chữ “trên trời” chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện (1,10; 6,41; 7,34; 11,25). Lên trời là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Cha của Người, trong đó Người được chia sẻ với Cha quyền năng và vinh quang. Thành ngữ “ngồi bên hữu” chỉ địa vị cao trọng và quyền hành lớn chỉ sau Thiên Chúa (14,62; 16,19; x. 10,37; 12,36; Tv 110,1). Sau cùng, các tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng Tin mừng (16,20). Họ đã mở đầu một thời kỳ mới của Giáo hội. Thay vào lời hứa Chúa Giêsu sẽ ở cùng họ cho đến tận thế (x. Mt 28,20), Marcô ghi nhận là Chúa cùng hoạt động và trợ giúp lời họ rao giảng bằng những dấu hiệu quyền năng (16,20).

Đang ở trong vinh quang và quyền năng với Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn luôn hoạt động liên lỉ với Giáo Hội để hoàn thành viec rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa cho muôn dân.

 

54.Phải hiểu thế nào khi nói Chúa lên trời--Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Ngày còn nhỏ, sống gần vùng có nhiều máy bay Mỹ bay ngang dọc bầu trời. Những chiếc máy bay, dù là tuổi nhỏ, tôi vẫn mơ màng hiểu rằng, chúng đang tác oai, tác oái để phục vụ cho mục đích chiến tranh. Những lần nghe tiếng gầm rích xé tan bầu trời, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau chạy ra khỏi nhà nhìn lên trời xem máy bay bay mà khoái chí, mà thỏa thích và lắm lúc còn hun đúc ước mơ được phóng lên trời bay như máy bay, oai biết mấy.

Cũng vẫn là những ngày còn nhỏ, ngày lễ Chúa Giêsu lên trời, tôi lại ra sân tìm kiếm. Không phải đi tìm máy bay nhưng là tìm Chúa Giêsu xem Chúa lên trời thế nào. Trong tưởng tượng, tôi cảm nhận rằng, chắc Chúa đẹp lắm, không đen sì như những chiếc máy bay, chắc Chúa hiền từ lắm, không ồn ào như máy bay... Trong tư tưởng non nớt của tôi làm sao hiểu nổi chuyện Chúa lên trời. Tìm kiếm trên bầu trời chán và mỏi, tôi đến gặp mẹ. Mẹ tôi cũng chẳng thể cho tôi một điều gì khá hơn. Bà chỉ biết có mỗi một chuyện: "Hôm nay Chúa lên trời", và không giải thích gì thêm để một thằng bé như tôi hiểu được. Và trong tôi còn mãi một thắc mắc, Chúa đã lên trời sao không thấy. Máy bay lên trời còn thấy bay đi bay lại kia mà! Ngày ấy, hình như tôi hiểu Chúa lên trời quá là nghĩa đen. Dù vậy, bây giờ đã có một hiểu biết nhất định, sao tôi vẫn không thể thay thế được cái nghĩa đen ấy!

Đúng là ngôn ngữ của Thánh Kinh cho phép chúng ta hiểu Chúa lên trời theo nghĩa đen. Chẳng hạn bai đọc một, trích sách Công vụ Tông đồ cho biết: "Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông" (Cv 1, 9). Nhưng với một sự kiện của lòng tin lớn như biến cố Chúa thăng thiên mà lại chỉ dừng lại ở nghĩa đen như thế, thì quả là làm thiệt hại đức tin biết bao nhiêu. Bởi điều quan trọng không nằm ở sự kiện Chúa lên trời cho bằng khám phá lại ý nghĩa của lễ Chúa lên trời hôm nay.

Bạn và tôi có quyền hiểu Chúa thăng thiên theo nghĩa đen, nhưng bạn và tôi không được quyền dừng lại ở đó. Ta không bao giờ được phép xem Chúa lên trời như là một chiến thắng đang say trong men chiến thắng, một cao ngạo, một sự trả thù của người bị hại đối với những người đã từng treo Chúa lên thánh giá. Nếu chỉ như thế thì chắc Chúa đã không lên trời!

Lên trời là một sự chiến thắng, một vinh quang. Đúng! Nhưng chiến thắng và vinh quang theo nghĩa nào?

Bài Tin Mừng cho biết, " Chúa Giêsu lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa". Giáo Hội không ngừng lặp lại lời tuyên xưng này qua mọi thời, mọi thế hệ trong lời tuyên tín của mình.

Cụm từ "CHÚA LÊN TRỜI" đủ để cho thấy VINH QUANG THIÊN CHÚA của Người. Chúa đã một lần làm người. Nghĩa là đã một lần Người hạ mình hóa nên nhục thể. Vinh quang của Người là vinh quang Thiên Chúa. Nhưng vinh quang ấy đã bị che lấp trong cuộc đời trần thế, đến nỗi có lần thư gởi tín hữu Do thái phải bộc bạch: "Khi còn sống kiếp phàm nhân Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu vang khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết... Dù là Con Thien Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục". Hôm nay về trời cũng là chính lúc Chúa Kitô về lại với vinh quang mà Người vẫn có. Nói cho thật nôm na, dễ hiểu: Về trời chính là lúc Chúa Kitô trở lại "kiếp Chúa" của Người. Vinh quang bị che lấp, giờ đây tỏ lộ. Nếu trong quá khứ, "Người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn", thì giờ đây, "Người được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên" (Dt 2, 9). Vinh quang danh dự mà Chúa Kitô lãnh nhận hôm nay là vinh quang cao cả, là chiến thắng lớn lao: Chúa bước vào vĩnh cửu. Trong vinh quang vĩnh cửu ấy, chính "Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Để khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Phil 2, 9- 11). Cũng chính trong vinh quang Đức Chúa của mình, Chúa Giêsu làm chủ mọi loài,, Người làm vua toàn vũ trụ. Vì nơ Người chính "Thiên Chúa đã đưa thời gian tới hồi viên mãn, đã quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô" (Eph 1, 10). Hay như bài đọc hai diễn tả: Chúa Kitô "Vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô ca đời này, lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Người, và tôn Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Người, và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người" (Eph 1, 21- 23).

Nhưng vinh quang thiên quốc của Chúa Kitô, không chỉ quy tụ nơi chính bản thân Người mà thôi. Vinh quang của Chúa Kitô là ánh sáng chói ngời chiếu thẳng vào niềm hy vọng của chúng ta. Chúa thăng thiên để nhờ Người, trong Người và với Người, ta cũng được thăng thiên. Vì nếu đã có một con người mang tên Giêsu được vinh thăng, thì mọi người có quyền hy vọng nếm hưởng vinh quang Thiên Chúa với Người. Như vậy lễ thăng thiên là lễ thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người: sống đời đời trong hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu.

Vì thế, hôm nay mừng lễ Chúa thăng thiên, hướng lòng về Thiên Chúa, và chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô, loài người chỉ còn biết cúi đầu cảm tạ. Xin dâng muôn lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Bởi thân phận bé nhỏ là thế, nhưng loài người lại có vận mạng được đặt nơi Thiên Chúa. Do đó dẫu là thuộc về đất thấp, loài người vẫn mang nơi mình một chiều cao thăm thẳm: vận mạng được vĩnh cửu hóa và Thiên Chúa là Chúa vĩnh cửu đã thương trao ban cho loài người, cho từng người một, một vận mạng không bao giờ có thể lạc mất.

Lạy Chúa, chúc tụng tình yêu vô ngần của Chúa, vì nhờ đó, thân phận bụi tro của chúng con được hóa thần nhờ ơn thần hóa Chúa ban. Amen.

 

55.Lễ Chúa Thăng Thiên--Lm GB Phạm Hồng Thái

Chúa sống lại và Chúa lên trời là hai mầu nhiệm đi liền nhau. Như chúng ta đọc trong kinh Tin kính: "Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha", Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha tức là Chúa Giêsu được tôn vinh ngang hàng với Chúa Cha, Chúa hoàn thành sứ mạng Chúa Cha giao phó, nay Chúa trở về lại với Chúa Cha như lời Chúa Giêsu nói: "Thầy bởi Cha mà ra và đến trong thế gian và nay Thầy bỏ lại thế gian mà trở về cùng Cha"(Ga 16, 28). CG lên trời vì Chúa đã từ trời mà xuống như Chúa khẳng định:"Không ai lên trời trừ Con người, Đấng từ Trời xuống"(Ga, 3,13)

Chúng ta may mắn vì có Chúa Giêsu là đầu, là thủ lãnh: Chúa đi trước để chúng ta được theo sau, Chúa khai đường mở lối cho ta và để Chúa ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó với Chúa. Chúa lên trời không hiểu theo nghĩa địa lý nhưng là một tình trạng hơn là nơi chốn. Chúa Giêsu được lấy lại vinh quang Chúa đã có từ trước.

Tôi xin ra hai điều mà Chúa muốn dạy chúng ta hôm nay:

1) Chúa dọn chỗ cho chúng ta như lời Chúa: "Thầy ra đi để dọn chỗ cho các con ...(Ga 14,2) để các con có được chỗ trên nhà Cha trên trời vì thế chúng ta vui mừng vì việc Chúa ra đi chứ không phải buồn phiền và điều này cũng khẳng định là có Thiên đàng thực sự và Chúa muốn chúng ta theo Chúa để xứng đáng có được một chỗ trên Thiên đàng bằng cách chúng ta phải hết lòng ao ước Thiên đàng tức là ao ước những sự trên trời như chúng ta đọc trong gẫm thứ hai mùa Mừng: "Thứ hai thì gẫm ĐCG lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời." Ao ước và hướng về quê hương đời sau như lời thánh Phaolô: "Quê hương chúng ta ở trên trời nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa"(Pl 3,20)

Nhưng để được lên Thiên đàng, chúng ta hãy dùng những phương thế Chúa ban: có thể là như người trộm lành đã được Chúa cho lên Thiên đàng chỉ vì hành động sám hối và lời cầu xin: "Lạy Ngài khi nào về Nước Ngài xin nhớ đến tôi"(Lc 23,43) hoặc là ta rước Mình và Máu thánh Chúa như Chúa hứa:"Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời"(Ga 6,51) Giáo lý Công giáo dạy chúng ta phải làm sao khi chết, ta sống trong ân sủng và có tình bằng hữu với Thiên Chúa, thì Chúa sẽ đón nhận ta vào Nước vinh hiển Chúa: những điều này chắc chắn ai cũng làm được

2) Thực hiện di chúc Chúa để lại: trong Tin Mừng Mathêô trước khi lên trời, Chúa Giêsu nói: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ..."(Mt 28,19) Còn TM Maccô thì ghi lại lời Chúa như sau: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật"như vậy Chúa để lại cho GH cũng như cho mọi người tin Chúa một sứ mạng có tính cách phổ quát: Rao giảng Tin Mừng không hạn hẹp ở địa phương nào nhưng là khắp muôn dân, là tứ phương thiên hạ và cũng như lời các thiên thần nói với các môn đệ  là đừng có đứng mãi nhìn lên trời nhưng hãy về dấn thân thi hành sứ mạng Chúa trao phó và khi các ông mạnh dạn rao giảng làm chứng cho Chúa thì có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao  giảng của các ông bằng những phép lạ kèm theo.

Giáo hội chọn ngày lễ Chúa lên trời làm ngày thế giới truyền thông để nối kết việc Chúa thăng thiên với lệnh truyền rao giảng tin mừng cho khắp thế giới. Vậy chúng ta ghi nhớ lời Chúa dạy trước khi lên trời để góp công sức vào việc thông truyền Lời Chúa bằng mọi phương tiện truyền thông chúng ta đang có hiện nay như điện thoại di động, Internet, video, TV, phim ảnh, phát thanh...

Thời gian từ khi Chúa lên trời cho tới ngày Chúa lại đến tức là ngày Tận thế là thời gian của Giáo hội, của sự mong chờ Chúa trở lại cũng là thời gian Chúa dành cho mỗi người chúng ta: chúng ta hãy tận dụng thời gian này để chu toàn sứ mạng Chúa trao đem lại nhiều hoa trái cho Nước Chúa và cho bản thân mình

Khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ em ở Fatima, thì Fanxicô và Giacinta hỏi Đức Mẹ là các em có được lên Thiên đàng không? Đức Mẹ trả lời hai em sẽ sớm được Đức Mẹ đưa về trời, còn Luxia thì Đức Mẹ cho biết phải ở lại thế gian lâu hơn để phổ biến sứ điệp Fatima cho toàn  thế giới. Quả đúng như thế, Fanxicô qua đời khi mới 11 tuổi, Giacinta chết khi 10 t, còn chị Lucia sau vào dòng kín và mãi tới  năm 2005 mới qua đời khi đó thọ 98 tuổi

Chị Bernadetta được Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức năm 1858. Người ta hỏi chị: Đức Mẹ có đẹp không? Chị trả lời Đức Mẹ đẹp lắm, nếu ai đã được nhìn thấy Đức Mẹ một lần thì sẵn sàng muốn chết đi để được nhìn thấy Đức Mẹ lần nữa

Bà Emilia Wojtyla là thân mẫu của ĐGH Yoan Phaolô II, khi bà mang thai thì bác sĩ bảo bà phải phá thai, nếu không bà sẽ chết, còn con trẻ thì nguy tới tính mạng nhưng cả hai ông bà đều quyết định không phá thai. Bà sinh rất khó khăn nhưng Chúa cho qua được và khi đứa con 9t bà mới chết, sau này người con đó trở thành vị thánh Giáo hoàng nổi tiếng trong thời đại chúng ta

Chúng ta nguyện làm theo lời Chúa dạy là lo tích lũy kho tàng trên trời (Mt 6, 20) và hãy ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa để khi ra đi về với Chúa chúng ta có được một chỗ trên Nhà Cha trên Trời mà Chúa Giêsu đã dọn sẵn cho mỗi người chúng ta. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ