Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1352364
Biến Đổi Kỳ Diệu
“Giờ con chưa đến” (Ga 2,4)
Hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana là phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu khi Ngài công khai rao giảng Tin Mừng. Tiệc cưới này thật sự may mắn và hạnh phúc vì có mặt Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ của Ngài.
Phép lạ xảy ra dường như là bó buộc và đột ngột, việc hết rượu giữa buổi tiệc là chuyện của gia đình chủ tiệc, những người dự tiệc chỉ là khách mời. Họ chỉ đến để chia vui, dự tiệc…rồi ra về. Nhưng việc hết rượu trong tiệc cưới Cana này lại trở thành một biến cố quan trọng Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện chương cứu độ của Thiên Chúa, chứng minh Ngài là Con Một của Thiên Chúa và đến để thi hành thánh ý của Thiên Chúa Cha. Qua lời ngỏ của Đức Maria với Chúa Giêsu và cho dù câu trả lời của Ngài: “Giờ con chưa đến” nhưng cuối cùng Chúa Giêsu vẫn làm phép lạ.
Phép lạ xảy ra được kết hợp rất nhiều yếu tố: thánh ý của Thiên Chúa muốn bày tỏ quyền năng của Ngài tuy bây giờ nó còn âm thầm, giới hạn ở một gia đình nhỏ, trong tiệc cưới và như trong bài Phúc Âm trình bày có vẻ như Chúa Giêsu chưa sẵn sàng để làm việc này nhưng nó lại là cột móc quan trọng để Chúa Giêsu bài tỏ chính mình. Vai trò của Đức Maria trong mối tương quan giữa Chúa Giêsu và người khác, đó là niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và sự tinh tế, quan tâm đến nhu cầu của người khác. Và thái độ của con người khi sẵn sàng thực hiện ý của Thiên Chúa cách này hay cách khác, qua người này hay người kia. Như vậy phép lạ đãõ xảy ra.
“Giờ con chưa đến”, chúng ta vừa nghe rất lạ tai nhưng biết bao nhiêu ý định của Chúa Giêsu muốn thực hiện. Lạ tai vì Chúa Giêsu dường như xa lạ và không quan tâm đến nhu cầu hiện tại của người khác. Đối với mọi người chúng ta, chúng ta nhiều khi nghĩ Thiên Chúa là như vậy thờ ơ và xa lạ với đời sống của chúng ta. Ngài không thấy cái khổ, cái thiếu thốn, cái cần thiết trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa đã thấy trước biết trước cả khi chúng ta chưa nhận ra mình đang cần gì và đang thiếu gì. Bối cảnh của phép lạ cho chúng ta thấy, mọi người vẫn bình thản dự tiệc không biết chuyện gì sắp xảy ra chỉ có Đức Maria biết, Chúa Giêsu biết.
Qua phép lạ hóa nước thành rượu ở tiệc cưới Cana cho chúng ta thêm tin tưởng vào Chúa. có Chúa, có Mẹ Maria đời sống của chúng ta luôn luôn an toàn dù có lúc chúng ta cảm thấy bất an. Có khi nguy hiểm sắp xảy ra nhưng chúng ta không thể nhận ra nhưng cậy dựa vào Chúa, vào Mẹ chúng ta sẽ được che chở và bảo vệ. Nhất là đối với mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống chúng ta vẫn luôn được các Ngài quan tâm và giúp đỡ. Có Chúa, có Mẹ chúng ta sống nhẹ nhàng và hòa mình để sống trọn vẹn cuộc sống ở trần gian này.
Câu chuyện hoá nước thành rượu ngon có thể nói là câu chuyện đẹp nhất trong những trang Tin mừng theo thánh Gioan. Hình ảnh Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ Chúa đến tham dự tiệc cưới Cana cùng với mọi người thân thích nơi đây làm thành một bức tranh tuyệt đẹp về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người. Chúa Giêsu đi vào cuộc sống của con người một cách rất bình dị và thật gần gũi. Ngài vui với niềm vui của kẻ khác. Ngài sẵn lòng chia sẻ với họ những khó khăn trong đời sống. Đúng như những gì Ngài đã nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.
Người ta vẫn thường quen trích dẫn câu chuyện Chúa Giêsu biến nước thành rượu để cho thấy vai trò bầu cử của Đức Mẹ Maria trước mặt Thiên Chúa có hiệu quả như thế nào! Thật ra câu chuyện này không hề mang ý nghĩa đó. Chúa Giêsu đến trong trần gian này là để thực thị sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha. Những lời Ngài rao giảng, những phép lạ Chúa làm đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn và hoàn toàn theo Thánh ý của Chúa Cha muốn. Ngài không bao giờ để cho ai ngoài Thiên Chúa Cha có thể tác động trên những lời nói và việc làm của Ngài dù người đó là Mẹ Maria đi nữa! Có thể chúng ta vẫn quen hiểu rằng: kết quả của việc Chúa Giêsu biến nước thành rượu là nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ Maria. Thật ra không phải thế. Câu trả lời xem ra có vẻ lạnh nhạt của Chúa Giêsu với Mẹ Maria đã nói lên điều đó: “Này Bà, Tôi với Bà có can chi đâu? Giờ Tôi chưa đến”. Câu nói này không phải bao giờ là sự bất hiếu của Chúa Giêsu với Mẹ Ngài. Nhưng câu nói ấy cho thấy rằng: hành động Chúa Giêsu đã, đang và sẽ làm không bao giờ bị trói buộc bởi lời cầu xin của con người.
Cũng có lẽ chúng ta suy nghĩ trong lòng rằng: Chúa Giêsu là người “ngôn hành bất nhất”, nói khác mà làm thì khác. Bởi vì xem ra Chúa không nhận lời Đức Mẹ xin, nhưng sau đó thì lại làm theo. Không phải Chúa Giêsu hối hận trong lời nói rồi thi hành phép lạ để Mẹ Ngài vui lòng! Không. Ngài làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon này là do sáng kiến của Ngài, hay nói đúng hơn là Ngài thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa Cha. Phép lạ này chắc chắn làm cho mọi người có mặt trong tiệc cưới ở Cana nói chung và Đức Mẹ nói riêng rất vui và rất hài lòng nhưng cần nói lại một lần nữa: phép lạ ấy không phải nhờ vào lời bầu cử của Đức Mẹ mà có. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận lời cầu xin của Đức Mẹ, cũng không có ý nói rằng: lời nói của Đức Mẹ là dư thừa trước mặt Thiên Chúa. Không phải thế! Lời bầu cữ của Mẹ rất có thế giá trước mặt Thiên Chúa nhưng không phải là lúc này và không phải trong trường hợp này.
Giờ đây, chúng ta hãy tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa đích thực của phép lạ biến nước thành rượu ngon này?
Chúa Giêsu đã nói: “Giờ tôi chưa đến”.Dù vậy, Ngài vẫn thực hiện phép lạ đầu tiên này tại tiệc cưới Cana nhằm tỏ bày vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài, đồng thời cũng cho các môn đệ của Ngài nhìn thấy và tin vào Ngài. Phép lạ xảy ra là do lòng tin nhưng phép lạ cũng nhằm cũng cố niềm tin nơi con người.
Qua phép lạ này, chúng ta cũng thấy được rằng: Chúa Giêsu đã đi vào cuộc sống của con người với tấm lòng của người cha, người mẹ và Ngài đã làm cho cuộc sống thêm hương vị đậm đà của tình thươn, thêm vị nồng nàn của sự thánh thiện.
Cuộc sống của chúng ta nếu không có Chúa thì sẽ nhạt nhẽo lắm, sánh ví như nước lã vậy. Trong tiệc cưới Cana hôm ấy, nếu không có Chúa hiện diện thì nó sẽ nhạt nhẽo biết là dường nào! Chủ nhà tiệc sẽ phải xấu hổ lắm trước mặt quan khách, vì chỉ có nước lạnh mà không có rượu nồng. Nhưng may thay, Chúa Giêsu đã hiện diện và Ngài đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho chủ tiệc cưới. Chúa đã đem đến niềm vui trọn vẹn cho con người.
Cũng vậy, mọi công việc chúng ta làm nếu không có Chúa thì cũng sẽ nhạt nhẽo lắm. ý nghĩa của nó chắc chắn sẽ không bao giờ trọn vẹn được. Chính Chúa sẽ mặc cho những công việc làm của chúng ta ý nghĩa tốt đẹp trọn vẹn của nó. Công việc của Cha Damien khi chăm sóc người cùi, công việc qui tụ những người nghèo cùng cực của Mẹ Têrêsa sẽ trở nên nhàm chán và ghê sợ nếu Cha Damien và Mẹ Têrêsa không được Chúa nâng đỡ và chúc phúc. Chính vì nhận thấy Chúa Giêsu hiện diện trong những con người đáng thương ấy mà những chiến sĩ của Chúa đã dấn thân đến quên mình.
Đời sống gia đình có thể sẽ trở thành nặng nề và nhàm chán lắm nếu gia đình ấy không có Chúa ở cùng để chúc phúc cho họ. Gia đình có Chúa là gia đình có mái che! Chính Chúa sẽ làm cho hạnh phúc nơi gia đình mãi thêm nồng nàn, mặn mà và mạnh mẽ. Chính Chúa sẽ chở che và ban phúc cho những gia đình nào biết chọn Chúa làm gia nghiệp và làm chủ của mình.
Lạy Chúa, Chúa thật là nguồn sống và niềm hy vọng vững chắc cho chúng con. Amen.
ÐỨC GIÊSU, ÐẤNG ÐEM LẠI NIỀM VUI CHO DÂN NGƯỜI
Ga 2,1-11
Suốt 4000 năm, dân Do Thái đợi trông Ðức Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Tuy Chúa đã gởi nhiều sứ giả của Ngài đến hướng dẫn dân như Môsê và các tiên tri, nhưng những vị ấy không thể làm thoả mãn lòng khát mong sâu xa của dân, dân chúng tin vào lời hứa Messia, người là Ðấng muôn dân trông đợi.
Trong bài đọc I, qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa hứa ban cho Israel Ðấng Cứu Ðộ, Ngài đến như ngọc đuốc sáng ngời, mọi vua và mọi dân nước sẽ thấy vinh quang của dân Người. Từ Israel, vinh quang của Thiên Chúa sẽ chiếu tỏa ra các dân tộc, Israel sẽ được gọi là kẻ được Thiên Chúa sủng ái.
Những điều Isaia nói trong Cựu Ước hôm nay đã ứng nghiệm. Ðức Giêsu, Ðấng cứu chuộc Israel đã đến. Ngài đem niềm vui cứu độ cho dân Người. Việc Ngài làm phép lạ hóa nước thành rượu trong tiệc cưới Cana cũng là một dấu chỉ Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại niềm vui hoan hỉ nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài là Đấng đem lại niềm vui, niềm hy vọng cho dân đang ngồi trong bóng tối sự chết. Ngài đến để vực dậy sự sống của con người vốn đang bị Satan vây bủa và phá hoại. Ðó cũng là điều Chúa Cha muốn Con mình thực hiện để các môn đệ và mọi người biết Ngài là ai và tin cậy vào ngài.
Trong phép lạ này, chúng ta thấy có sự hiện diện và can thiệp của Đức Mẹ. Nhờ Mẹ nói với Chúa Giêsu về tình trạng thiếu rượu của gia chủ mà Chúa Giêsu đã ra tay can thiệp. Tuy nhiên, đây cũng là điều đẹp lòng Chúa Cha và nằm trong chương trình của thiên chúa. Chúa Giêsu hiểu đựơc ý Cha và cũng tỏ cho Mẹ Maria biết là giờ cứu chuộc, giờ Ngài chịu nạn chịu chết đền thay vì tội lỗi nhân loại và sống lại vinh quang chưa đến. Tuy nhiên, Ngài sẽ thực hiện việc cứu chuộc muôn dân, sẽ đến giờ mà ma quỉ và sự chết phải đại bại hoàn toàn. Đó là lúc loài người được giao hòa với thiên chúa, và cửa Thiên đàng mở ra cho người lành được vào hưởng vinh phúc.
Xưa kia bà Evà đã đưa sự chết vào thế gian thì hôm nay, nhờ Bà Evà mới là Mẹ Maria, Ðức Giêsu sẽ cứu thế gian khỏi quyền lực ma quỉ và sự chết. Chắc chắn như vậy vì Ngài là Ðấng quyền phép vô cùng. Ngài có thể biến nước lã, chỉ dùng vào việc tắm rửa trở nên rượu ngon hảo hạng cho con người được hưởng dùng hỉ hoan, thì Người cũng sẽ làm cho dân tộc Do Thái cũng như tất cả chúng ta từ bất xứng, từ những kẻ tội lỗi trở nên xứng đáng, nên những vị thánh nhờ công nghiệp cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu rất yêu thương chúng ta đến độ sẵn sàng hy sinh chính mình Ngài vì phần rỗi của chúng ta. Chúa Cha có một người con duy nhất mà cũng sẵn sàng ban cho loài người để Người đổ hết máu mình ra rửa sạch tội lỗi nhân loại. Chúng ta tin chắc sẽ rằng: Ai tin vào Chúa Giêsu thì sẽ không phải hư mất, sẽ không mất niềm hy vọng nhưng sẽ được niềm vui hoan lạc, được uống rượu vui mừng trong Nước Chúa.
Hôm nay, chúng ta đã biết Chúa Giêsu là Ađam mới, Ngài đến để chuộc lại tội lỗi của Ađam xưa, để giải thoát con người khỏi án tội nguyên tổ. Vậy chúng ta đã nghe lời Người dạy bảo trong Phúc Âm, đã tuân giữ giới răn Người truyền ban, đã sống gắn bó với Người, đã đi theo Người trọn vẹn chưa?
Nếu chúng ta tin cậy nơi Chúa thì bao nhiêu việc làm của chúng ta dù nhỏ bé nhưng nếu chúng ta biết làm hết sức mình với lòng chân thành yêu mến Chúa thì sẽ được Chúa biến đổi thành công phúc lớn lao, thành rượu hoan lạc cho chúng ta trong Nước Trời mai sau.
Tâm lý chung của con người mọi thời là sợ buồn, sợ khổ, sợ bệnh tật, sợ chết v.v thế nên Đức Phật nhìn đời một cách thật bi quan mà thốt lên “đời là bể khổ”. Vì thế nên ngài đưa ra nhiều phương cách để diệt khổ, hầu mong có được sự bình an, niềm vui, hạnh phúc ngay tại cuộc sống trần gian này. Nhưng thực tế con người có diệt được khổ, diệt được nỗi buồn, thoát cái chết không? Thưa con người vùng vẫy và bất lực trước buồn khổ.
Bài tin mừng hôm nay, thánh Gioan cho chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Mẹ tại tiệc cưới Cana. Để có sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tôi thiết tưởng rằng gia chủ hay đôi tân hôn phải gởi những tấm thiệp đến hoặc cho người đi mời Chúa Giêsu và Đức Mẹ.
Vâng!Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Mẹ là niềm vui và là vinh dự cho gia chủ cũng như cho đôi tân hôn vì Chúa Giêsu và Đức Mẹ không làm phụ lòng gia chủ. Niềm vui, niềm vinh dự đó không chỉ thông thường như các đám cưới khác, mà chính nơi tiệc cưới này Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên trong sứ vụ rao giảng công khai của Ngài.
Theo phong tục của người Do Thái, đám cưới phải được tổ chức kéo dài trong bảy ngày thì niềm vui ngày thành hôn mới được trọn vẹn. Nhưng đám cưới tại Cana này thực khách đang vui vẻ chén anh chén tôi bước sang ngày thứ ba thì đã hết rượu, đám cưới mà hết rượu thì còn gì là vui nữa. Hiển nhiên thực khách sẽ lần lược ra về hết. Đây là sự mất mặt của gia chủ đối với thực khách, vì đám cưới mà lại không chuẩn bị chu đáo, một nỗi buồn ập đến cho gia chủ và đôi tân hôn. Gia chủ rất bối rối và không kém phần lo lắng…
Trong những thực khách dự tiệc ngày đó, có một người rất tinh tế thấy được sự bối rối của gia chủ đó là Mẹ Maria. Nếu Mẹ Maria cứ ngồi ăn như những thực khách khác thì làm sao Mẹ thấy được nỗi lo lắng của gia chủ. Chắc là Mẹ vào phụ giúp dưới bếp hay cũng quan sát lắm mới thấy được điều đó. Mẹ đã hiểu được hoàn cảnh éo le mà gia chủ gặp phải, và Mẹ đã đi bước trước lời ngỏ ý của gia chủ. Vâng! Một khi hai người thân nhau lắm mới hiểu được khả năng của nhau. Mẹ kết hợp mật thiết với Con của Mẹ, nên mẹ hiểu con Mẹ, Mẹ tin tưởng Con của Mẹ có thể giúp được cho gia chủ, vì thế Mẹ đã ý nhị ngỏ lời với Con của Mẹ “họ hết rượu rồi”, chỉ một lời nói nhỏ ngỏ ý với Con mà phép lạ đã được thực hiện sáu chum nước lã hoá thành sáu chum rượu ngon. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đem lại niềm vui mới không chỉ cho gia chủ mà cho hết mọi thực khách dự tiệc ngày đó, đến nỗi họ phải thốt lên với tân lang: “ai ai cũng thết rượu ngon trước và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàn hơn, còn anh lại giữ rượu ngon đến bây giờ”. Sự hiện diện của Chúa Giêsu thật sự đem lại niềm vui trọn vẹn, niềm vui mới khác hẳn niềm vui ban đầu.
Tương tự trong đời sống của ta cũng thế, nhiều khi gặp bất ổn là do “sắp hết rượu hay là đã hết rượu” rồi.Tại vì chúng ta không biết mời Chúa Giêsu và Đức Mẹ đến dự tiệc cuộc đời với chúng ta. Chúng ta cứ lo chạy tìm hay mời những người khách chóng qua như : hưởng thụ, khoái lạc, danh vọng, tiền bạc … mà quên mời những vị khách đem lại niềm vui đời đời cho chúng ta. Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không vội viết những tấm thiệp để mời Chúa Giêsu và Đức Mẹ đến với chúng ta, và chúng ta hãy mở lòng ra thố lộ những khó khăn chúng ta đang gặp để Đức Mẹ cũng ngỏ ý với Chúa Giêsu như tại tiệc cưới Cana “họ hết rượu rồi, họ đang buồn chán, họ đang gặp khó khăn, họ đang mất bình an đó” vì chính Mẹ là trạng sư của chúng ta mà. Và như thế tôi tin rằng Chúa Giêsu cũng sẽ thực hiện những phép lạ tỏ tường trong đời sống chúng ta. Chỉ nơi Chúa Giêsu mới có sự bình an và niềm vui viên mãn.
Người ta kể lại câu chuyện như sau: Có một tu viện nọ, các thầy sống chung với nhau mà luôn cải cọ, ganh ghét, nói xấu chỉ trích nhau làm gương xấu cho cả vùng đó. Vì thế không còn ai muốn lui tới tu viẹân nữa. Thầy bề trên thấy tình cảnh như thế rất đau buồn nhưng không biết cách làm sao giải quyết.
Thế là một hôm thầy bề trên quyết định tìm đến một vị ẩn sĩ để tâm sự về những tình trạng xấu trong dòng mong tìm ra cách giải quyết. Vị ẩn sĩ trầm ngâm nghe những lời tâm tình của thầy bề trên rồi nói: Thầy hãy về nói lại với anh em trong dòng rằng “Có Chúa Giêsu đang cải trang thành một thầy đang sống cùng chúng ta”. Thầy bề trên về tập hợp các anh em trong dòng nói “có Chúa Giêsu đang cải trang thành một người trong anh em chúng ta”.Vậy anh em phải sống thế nào để không đóng đinh Ngài vào thập giá một lần nữa. Từ ngày đó thầy này nghĩ thầy kia là Chúa Giêsu nên không còn dám xúc phạm nữa. Vì thế các thầy thay đổi cách đối xử với nhau, sự bình an, yêu thương đã trở lại trong tu viện. Từ sự yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ của các thầy người ta thấy được niềm vui và sự bình an. Thế là người ta lại kéo nhau đến tu viện để tìm sự bình an đông hơn trước.
Cũng thế, nếu thật sự chúng ta để Chúa Giêsu bước vào trong đời sống chúng ta thì sẽ không còn buồn chán, thất vọng, ganh ghét, chỉ trích nhau xảy ra. Chúng ta hãy hỏi Chúa Giêsu coi nếu Chúa là con trong hoàn cảnh này, sự việc này thì Chúa làm gì? Chắc chắn lúc đó chúng ta sẽ có những hành động như Chúa Giêsu. Chúng ta hãy dành cho Chúa một chỗ quan trọng trong ta thì Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta tất cả, chúng ta không cần chạy lung tung mà tìm những niềm vui ảo. Niềm vui chóng qua ấy sẽ dẫn chúng ta đến sự chết đời đời. Vậy thì chúng ta hãy khôn ngoan mà chọn lựa theo Chúa nguồn hạnh phúc đích thật hay theo những thứ ảo chóng qua. Chúa luôn chờ đợi mỗi người chúng ta mời Ngài bước vào cuộc sống chúng ta, vì một khi Chúa đến sẽ có những thay đổi trong cuộc đời chúng ta như nước lã biến thành rượu ngon vậy.
Lạy Chúa Giêsu xin hãy mau đến mang sự bình an, niềm vui mới cho mọi người chúng con. Amen
“Đức Giêsu và các môn đệ được mời dự”.
Có một thanh niên nọ khao khát được nhìn thấy Chúa. Ngày đêm Anh cầu xin. Chúa đã nhậm lời anh. Chúa hiện đến với anh. Chúa đề nghị anh cùng đi với Chúa một đoạn đường. Vui sướng quá mức, anh không thể nào từ chối được lời mời gọi ngọt ngào đó. Đi được một quảng xa, Chúa nhờ anh đi tìm cho Ngài một ít nước uống. Mấy khi có được cơ hội phục vụ Chúa, anh vui vẻ đi về phía bờ sông. Tại đây, anh gặp một thiếu nữ xinh đẹp. Anh lân la làm quen. Họ yêu thương nhau, cưới nhau, sinh con cái. Anh quên hết nhiệm vụ lấy nước của mình. Một thời gian sau tại vùng anh ở xảy ra một đại lụt. Gia đình anh phải chuyển sang vùng khác. Khi đi qua một chiếc cầu, dòng nước hung tợn đã cướp mất sinh mạng vợ con anh.
Anh may mắn bám được một gốc cây to, khóc thương cho phận bọt èo của vợ con và cũng khóc cho số kiếp cô đơn của mình. Lúc này anh mới nhớ đã “bỏ quên” Chúa bên vệ đường nhưng sao còn kịp nữa, đã biết bao năm rồi. Bỗng Chúa hiện ra, mĩm cười Ngài bảo: “Con đi dâu lâu quá để Ta chờ cả tiếng đồng hồ. Sao, có lấy được nước không?”
Vâng, Thiên Chúa là như vậy đó. Ngài vẫn trung thành với chúng ta. Ngài không bao giờ lỗi hẹn. Chúng ta đi nhiều nơi, làm nhiều việc, gặp gỡ nhiều người. Vậy mà chúng ta không mãi mai nhớ gì đến Chúa. Khốn khổ cho chúng ta là chúng ta không biết mình cần Chúa. Trong những khi vui vẻ, thành công thì chẳng biết Chúa đâu, nhưng khi thất bại tủi hờn, hoạn nạn thì quày quả Chúa ơi Chúa à. Đó phải chăng là một thất bại của con người? Chúa vẫn ở bên ta , vẫn yêu ta mà ta đâu có hay.
Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới ở Canaan hôm nay ngoài mối quan hệ tự nhiên là tình bà con thân thuộc. Chúng ta còn thấy rằng: Đức Giêsu đâu phải là con người lạnh lùng, chỉ biết mỗi chuyện “trên trời”. Ngài cũng đi dự tiệc cưới để chia sẻ niềm vui với chú rễ. Rồi Ngài còn làm phép lạ để lấy lại uy tín cho nhà đám. Ai đời tiệc còn đang rơm rả như vậy mà hết mồi, hết rượu thì quả là thất lễ với bà con và xấu hỗ quá chừng. Đặc biệt ở xứ Do thái thì điều này chắc là ngàn năm bia miệng vẫn còn. Đức Giêsu hiểu và thông cảm cho nỗi lo canh cánh đó. Ngài đã cứu một bàn thua trông thấy. “Nhất tiễn tam điêu”. Nhà đám được tiếng thơm muôn đời là thết đãi rượu ngon làm vui say thực khách. Các cô hầu lé mắt. Các môn đệ nở mũi vì sư phụ đại tài. Nhưng mà, Đức Giêsu không nhắm đến các mục tiêu này cho bằng muốn cho các môn đệ vững lòng tin vào mình hơn. Phép lạ này cũng chứng thật vương quyền của Người.
Qua đây, chúng ta cũng có quyền tự hào vì lòng hào phóng của Thiên Chúa. Ngài đã chăm lo cho con cái mình không phải thiếu thốn về bất cứ điều gì, từ chuyện “dưới đất cũng như trên trời”. Ngài đã sống trọn kiếp người, vui với người vui, khóc với người khóc. Để cho chúng ta “như trai tài sánh duyên cùng thục nữ. Như cô dâu là niềm vui cho chú rễ. Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về”. “Để không ai còn réo tên ngươi đồ bị ruồng bỏ. Xứ sở ngươi sẽ nức tiếng là duyên thắm chỉ hồng”.
“Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, (Tv 33,18).Thiên Chúa yêu thương và chăm lo cho chúng ta là thế, nhưng chúng ta cứ giả điếc làm ngơ. Có bàn tay của Ngài thì có điều gì mà không thể. Uớc gì trong mọi ngày trong đời sống, bạn luôn khám phá sự thật tuyệt vời ấy để bạn luôn tin tưởng và phó thác cho Ngài: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN
Ga 2,1 - 11
Anh chị em thân mến.
Chiếc cầu Mỹ Thuận nối liền hai bờ của dòng sông Tiền, là một công trình của thế kỷ, đã đem đến nhiều sự thuận lợi tốt đẹp cho nước VN. Nhưng để có điều thuận lợi như thế, để có được nét đẹp như thế, nhiều người đã phải hy sinh, di dời nhà cửa, từ bỏ đi những mảnh ruộng vườn thân yêu của mình, từ bỏ đi những lợi ích riêng tư, để phải chấp nhận những điều mà trước kia, họ thấy dường như vô ích đối với họ. Giờ đây, họ mới thấy được sự hy sinh, chấp nhận của mình được đền bù xứng đáng, không phải chỉ mang lợi ích cho riêng bản thân họ, nhưng mang lợi ích cho rất nhiều người, cho cả dân tộc. Một sự hy sinh âm thầm không cần ai biết đến, cũng không cần ai trả ơn. Một sự hy sinh rất có giá trị.
Nếu có ai đó không chịu hy sinh để di dời, không chịu tuân phục, mà vẫn cố lỳ làm theo những gì mình muốn, thì thử hỏi, vẻ mỹ quang của toàn cảnh sẽ như thế nào?
Trong bữa tiệc vui, bỗng nhiên một trục trặc xảy đến, một sự việc ngoài ý muốn. Làm sao để mọi sự được trở nên tốt đẹp, nếu những người giúp việc không nghe theo những gì Mẹ Maria mách bảo: " Người bảo gì cứ làm theo." Nếu những người giúp việc không biết hy sinh một chút, không chịu đổ nước đầy các chum theo lệnh truyền, mặc dù theo như những gì họ hiểu biết, thì việc hết rượu và việc phải đổ nước vào các chum để thanh tẩy, chẳng liên hệ gì với nhau. Nhưng vì họ đã biết vâng phục, biết chấp nhận cả những điều mà họ cho là nghịch lý, nên phép lạ đã được thực hiện. Phép lạ được thực hiện trong âm thầm lặng lẽ. Phép lạ đã xảy ra, mà rất nhiều người không hề hay biết. Nhưng những người đã hy sinh, những người đã chấp nhận phục vụ, họ thấy được giá trị của sự hy sinh. Họ đã nhận được niềm vui do kết quả của việc làm, đồng thời niềm vui còn được nâng cao, khi nhìn thấy người khác được hạnh phúc. Nếu những người giúp việc, không chấp nhận, không phục vụ, thì chắc chắn phép lạ đã không được thực hiện.
Thiên Chúa đã ban cho mỗi người một hoàn cảnh sống, Ngài để cho con người tự do chọn lựa phương cách tốt nhất để sống. Nhưng đã biết bao lần, sự thất vọng, chán nản đã chiếm lấy và làm chủ con người của chúng ta. Cũng biết bao lần chúng ta khó chịu vì hoàn cảnh không mấy thuận lợi. Còn rất nhiều lần chúng ta bực mình, có thái độ chua cay, gắt gỏng vì bao nhiêu sự vô lý cứ xảy đến mà bản thân phải hứng chịu. Sự việc cứ thế, và con người cứ đầy ắp những trăn trở khó khăn không thể giải quyết được.
Những lúc đó, Mẹ Maria vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta và nói: " Người bảo gì cứ làm theo." Nhưng chúng ta đâu có nghe được tiếng nói nào, cũng không nghe được những lệnh truyền để phép lạ có thể được thực hiện. Chúng ta cứ cho mình thần thông quảng đại, hiểu biết tất cả mọi sự, nên không cần phải nghe ai. Có những lúc chúng ta còn tỏ ra khinh dể những ý kiến, những lời nói chân thành mà chúng ta cho là vô ích, vì nó không trúng với những suy tính, những gì chúng ta mong muốn, cho nên không bao giờ hành động. Đó là những lúc Chúa cũng bảo chúng ta: “Hãy đổ nước đầy các chum” . Một việc làm mà rất nhiều người và cả chúng ta nữa đã cho là vô ích, nên không làm. Vì thế phép lạ đã không xãy ra, chúng ta vẫn sống trong tình trạng bối rối mà không có lối thoát.
Được bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta biết chấp nhận hoàn cảnh sống, chúng ta biết nhường nhịn để lắng nghe, chúng ta biết bỏ đi một chút tự ái để thực hành điều mà mình không thích. Cứ nhớ lại xem, chính những lần đó, phép lạ đã xảy ra cho mình, nên chúng ta cảm thấy yên tâm, vui mừng, đôi khi có pha lẫn chút tự hào vì mình đã làm được việc có giá trị trước mặt Chúa.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa, cho chúng ta biết khiêm nhường, dẹp đi một chút tự ái của bản thân, để lắng nghe được Tiếng Chúa và làm theo những gì Thiên Chúa chỉ dạy.
Cuộc đời con người cần có những niềm vui. Niềm vui tô điểm cho cuộc đời mỗi ngày thêm mới. Con người sống thiếu niềm vui sớm trở thành cằn cỏi, già nua. Những cơ cực thiếu thốn trong đời khiến con người dần dần thiếu hẳn niềm vui. Nếu cả đời người ta phải sống trong cơ cực vất vả mà gặp một ngày tiệc tùng vui chơi là cơ hội quý giá trong đời.
Chúa Giêsu hiện diện trong đám cưới hôm nay như góp thêm niềm vui cho ngày hôn lễ. Phép lạ hoá nước thành rượu mang đến niềm vui cho chủ nhà và những người dự tiệc. Phép lạ này mang một ý nghĩa lớn lao hơn những gì con người đã chứng kiến. Một chân lý tiềm ẩn mà Gioan muốn nói tới: Chúa Giêsu chính là vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang Người tỏ rạng sẽ đem đến cho con người một niềm vui bền vững , không tàn.
Khung cảnh câu chuyện là đám cưới ở một làng quê. Tiệc vui người Do thái rất cần rượu. Các Rabbi vẫn nói: “ Không rượu thì không vui” . Tiệc đông vui mà hết rượu quả là một điều xấu hổ cho gia đình, là sự nhục nhã cho cả cô dâu và chú rể. Chúa Giêsu xuất hiện kịp thời làm cho niềm vui ngày cưới của họ được nên trọn vẹn. Giao ước trong hôn nhân là giao ước tình yêu được ký kết giữa người với người. Thiên Chúa đã chúc lành để giao ước tình yêu nơi con người luôn được bền chặt. Tuy nhiên, sự hiện diện của Ngài trong tiệc cưới còn hướng con người nhớ lại giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với nhân loại qua Môisen. Rồi đây Thiên Chúa sẽ kết ước với con người một giao ước mới qua Đức Kitô.
Trong Cựu ước Thiên Chúa tự xưng mình là hôn phu của dân Israel . Trước tình yêu vô bờ của Thiên Chúa thì dân Israel cảm nhận được hậu quả mà mình đã gây ra. Nhìn lại quá khứ, tác giả sách Isaia cảm nhận ra tình yêu Thiên Chúa vẫn nồng nàn : Cho dù dân Israel nhiều lần phản bội nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương. Ngài đã cứu họ khỏi cảnh khốn cùng và đón nhận họ trong tình yêu vô bờ: “ Ngươi sẽ được gọi ái khanh lòng ta hỡi” . Thiên Chúa tiếp tục biến đổi cuộc sống của dân Ngài thành hoan lạc:
“ Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ”.
“Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới người về” .
Đến thời Chúa Giêsu, Ngài đến khai mạc một thời kỳ mới. Ngài sẽ là vị trung gian của giáo ước con người với Thiên Chúa. Chính Ngài là thứ rươụ mới mà Thiên Chúa ban cách dư tràn để con người vui sống. Ngài đến làm hoan lạc lòng người. Ơ Naim, Ngài biến đổi nước mắt khổ đau của người mẹ thành những giọt lệ vui mừng khi đứa con sống lại. Ở Giêricô, Ngài cho cõi lòng ích kỷ hay tích góp của Giakêu trở nên một tâm hồn rộng mở giúp đỡ mọi người . Ngài sẵn sàng cứu chữa nhưng người đau bệnh, ban cho họ sức khoẻ để họ bình an mà vui sống với cuộc đời.
Phép lạ Chúa Giêsu làm hôm nay là một dấu hiệu Ngài muốn thay đổi cuộc sống của con người. Ngài đến ban cho con người một thứ rượu mới, đó chính là rượu ân sủng dồi dào của Thiên Chúa. Cuộc sống thiếu thốn của con người giờ đây Ngài làm cho dư tràn. Những bất toàn trở nên hoàn hảo. Ân sủng Ngài ban không chỉ duy nhất một lần nơi tiệc cưới nhưng sẽ luôn mãi diễn ra trong suốt cuộc sống con người.
Bất cứ lúc nào Chúa bước vào đời sống thì đời sống ấy được mang một phẩm chất mới, giống như lã biến thành rươụ ngon. Không có Chúa Giêsu thì cuộc đời cứ ứ đọng, ù lì, chán ngắt. Khi Chúa Giêsu bước vào cuộc đời, nó trở nên sống động, lý thú, xinh tươi. Không có Chúa cuộc đời thật lạnh lẽo,vô vị. Với Chúa Giêsu cuộc sống đã trở nên hấp dẫn, diệu kỳ.
Lời Chúa Chúa nhật hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nước thành rượu tại tiệc cưới ở Cana . Trước hết ta thấy đoạn Tin mừng này kể lại câu chuyện về một đám cưới. Đám cưới này đã gặp chuyện không may là hết rượu nửa chừng. Đám cưới này có Chúa Giêsu, Đức mẹ và các Tông đồ tham dự. May mắn, lúc ấy Chúa Giêsu đã làm phép lạ để cứu cho chủ tiệc một bàn thua trông thấy.
Không những có rượu để đáp ứng cho tiệc cưới mà rượu ấy lại là rượu ngon hảo hạng. Đến nỗi người quản tiệc đã nói với chú rể: “ Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." Như vậy, nếu ở đâu có Chúa Giêsu hiện diện thì ở đấy dù có phải điêu đứng thì cũng an tâm. Đây là một ý nghĩa trong nhiều ý nghĩa khác mà Thánh Gioan muốn gởi gắm cho ta qua đoạn Tin mừng này.
Ý nghĩa khác cũng không kém phần quan trọng cho đời sống đức tin của ta. Đó là qua hình ảnh tiệc cưới này Thánh Gioan muốn nói đến Chúa Giêsu chính là Hôn phu của Giáo hội.
Theo tục lệ của người Do thái thời ấy, chú rể có bổn phận phải cung cấp rượu cho tiệc cưới của mình. Có như thế khách dự tiệc mới vui và tiệc mới có được niềm vui trọn vẹn. Xin nói thêm tiệc cưới ở xứ Do thái thường kéo dài khoảng một tuần lễ. Dĩ nhiên chú rể phải biết dự liệu trước. Nhưng đây lại là tình huống có thể nói là ngoài ý muốn. Từ đó, ta thấy được sự giới hạn của con người. Chính lúc ấy Chúa Giêsu đã đóng được vai trò chú rể thật là hoàn hảo. Bởi lẽ, rượu là thứ không thể thiếu trong tiệc cưới.
Gia đình là hình ảnh gần gũi với ta. Theo truyền thống của người Việt Nam cũng như một số nơi khác trong gia đình người chồng, người cha chính là trụ cột. Cách nào đó, ta thấy nếu gia đình mà thiếu vắng trụ cột này thì gia đình khó có thể đứng vững. Cũng vậy và hơn thế nữa, nếu như không có Chúa Giêsu thì chắc chắn Giáo Hội đã tan rã từ lâu.
Trước khi về trời Người đã hứa: “ Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20 ). Với cặp mắt thể lý có thể ta khó thấy được sự hiện diện của Người. Tuy nhiên dưới cặp mắt đức tin ta tin chắc rằng Người luôn ở cùng và ở bên Giáo Hội. Thậm chí, cả những lúc tưởng chừng như Giáo Hội mất hết hy vọng thì sự hiện diện của Người càng mạnh mẽ hơn.
Ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho Giáo hội. Xin Chúa ban cho Giáo hội luôn biết nương tựa vào Người chứ đừng nương tựa vào thế lực nào ở trần gian này. Cách riêng mỗi người hãy biết cộng tác với Giáo hội bằng sức của mình. Mỗi người đều được ban đặc sủng riêng, hãy biết dùng để thờ phượng Chúa và làm mở mang nước Chúa.
THIÊN CHÚA SẼ LẤP ĐẦY
Ga 2,1 - 11
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, ắt hẳn ai trong chúng ta đều có những kinh nghiệm về những sự việc vượt quá giới hạn của con người, lúc đó ta thấy khả năng của mình hạn hẹp, sức lực của ta có giới hạn... và khi đó ta đành phó mặc cho số phận vì ta không thể làm gì hơn được nữa. Nhưng với những người có niềm tin, tin tưởng vào Thiên Chúa thì không phải thế, Chúa sẽ lấp đầy những gì con người còn thiếu, còn chưa đủ cho những ai biết trông cậy và phó thác cho Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay Ga2, 1-11 cho ta thấy rõ điều đó.
Thánh Gioan thuật lại phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời hoạt động công khai của Ngài là phép lạ hoá nước thành rượu trong tiệc cưới Cana, phép lạ mà như lời Chúa Giêsu nói “ Giờ tôi chưa đến” nhưng Ngài lại thực hiện phép lạ này. Vì sao thế ? Thiết tưởng có nhiều lý do để Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này nhưng ở đây tôi chỉ xin khơi lên khía cạnh con người mà ở đây là những người gia nhân của tiệc cưới.
Sau khi tiệc cưới hết rượu ắt hẳn các gia nhân cũng băn khoăn không kém gì người quản tiệc : Còn rượu đâu mà đãi khách, xử sự ra sao bây giờ.... và khi nghe Đức Maria dặn “ Người bảo gì anh cứ làm theo” . Họ cũng phân vân. Đức Maria và anh Giêsu thì có lẽ họ cũng quen biết mà anh Giêsu có là gì mà phải làm theo sự chỉ dẫn của anh. Anh cũng chỉ là một người được mời thôi mà... Nhưng khi Đức Giêsu bảo họ “ Các anh đổ đầy nước vào các chum đi” , quả là một việc buồn cười, thiếu rượu chứ có thiếu nước đâu mà bảo múc nước.... Nhưng họ đã “ đổ đầy tới miệng” . Khi đó Đức Giêsu đã thực hiện việc biến nước thành rượu. Chúng ta thử đặt vấn đề nếu như các gia nhân đổ không đầy tới miệng, nếu như gia nhân chỉ đổ đầy 2, 3 chum thôi thì không biết Đức Giêsu có thực hiện phép lạ không. Nhưng với sự cộng tác hết mình của họ mà Đức Giêsu đã đem lại niềm vui cho tiệc cưới. Như đã nói con người chúng ta có giới hạn, có những sự việc vượt quá khả năng của chúng ta nhưng trong niềm tin đó chính là lúc Thiên Chúa ra tay thực hiện ý định của Người. Một Apram son sẻ trở thành tổ phụ một dân tộc đông đảo như sao trên trời như cát bãi biển, một Giuse bị anh em ghen ghét bán làm nô lệ bên Aicập trở thành vị cứu tinh cho cả một dân tộc, một Môsê yếu hèn lẩn trốn vào sa mạc trở thành thủ lãnh giải thoát dân tộc Israel.... còn nhiều còn nhiều những tấm gương, những cuộc đời được biến đổi nhờ cộng tác nhiệt thành với Thiên Chúa. Thánh Augustin nói “ Ơn siêu nhiên không phá huỷ tự nhiên” , Thiên Chúa “ không thể ban ơn” nếu con người không đón nhận và Thiên Chúa “ bị bắt buộc ” thi ân khi con người khao khát ngóng chờ.
Cuộc sống người Kitô hữu chúng ta, chúng ta đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ.. nhưng ta có khao khát Chúa thật lòng chưa? Ta đòi hỏi Chúa ban ơn này ơn kia cho ta nhưng ta có cộng tác hết mình chưa? Thánh Augustin dạy: “ Hãy làm mọi sự như mọi sự bởi ta và khi hoàn tất hãy biết mọi sự là bởi Chúa ” . Chúa Giêsu cũng dạy “ Khi hoàn tất mọi sự hãy nói rằng: chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” . Tiên tri Isaia trong Bài đọc I tiên báo ngày huy hoàng của Israel là ngày Thiên Chúa đoái thương nâng Israel từ “ Đồ bị ruồng bỏ, phận bạc duyên đơn trở thành Ái khanh lòng ta hỡi và duyên thắm chỉ hồng ” . Hãy để Thiên Chúa thực hiện ý định của Ngài trong đời sống của chúng ta, Thiên Chúa sẽ lấp đầy những gì mà giới hạn con người không thể với tới.
Chúa Giêsu thực hiện phép lạ tại Cana và Chúa cũng sẽ thực hiện nhiều phép lạ hơn nữa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa,hãy lắng nghe tiếng Chúa vẫn hằng gọi mời chúng ta trong cuộc sống hằng ngày và hãy nối dài cánh tay của Thiên Chúa để thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
THIÊN CHÚA CẢM THÔNG VÀ YÊU MẾN
Ga 2,1 - 11
“ Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana . Trong đám cưới có Mẹ Maria. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự ” . (Lc 2, 1-2)
Phép lạ tại tiệc cưới Cana là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm, khởi đầu cuộc đời hoạt động công khai của Chúa, cũng là vừa để củng cố lòng tin cho các môn đệ, mới vừa gia nhập chỉ mấy hôm thôi. Ở đây, chúng ta thấy một khía cạnh đáng kinh ngạc, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu thế, mà cũng “đi ăn đám cưới, đi dự tiệc như một người trần chúng ta”, một hình ảnh gần gủi và thân thương quá! Điều này: muốn nói lên: Đức Kitô trong bản tính là con người, Người cũng có bản tính là người y như ta; lại rất gắn bó, rất cảm thông với niềm vui và nổi khổ của con người. Hình ảnh việc Chúa đi ăn cưới, rồi lại can thiệp để cứu giúp gia đình nhà đám khỏi xấu hổ vì thiếu rượu, điều đó nói lên cách hùng hồn tình yêu cao cả của Con TC trước khổ đau nhân loại chúng ta. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.
a. Trước hết có vài từ chúng ta cần lưu ý, và tìm hiểu ý nghĩa cặn kẽ:
1. Cana : một làng quê nhỏ bé, cách Nadareth 10cs, quê hương của tông đồ Nathanael.
2. Tiệc cưới đối với người Do thái là một dịp vui và bận rộn nhất trong đời họ, vừa nói lên sự quan hệ họ hàng khá lớn. Thường tiệc cưới được tổ chức cả 7 ngày (người tái hôn, cũng phải 3 ngày). Gia đình nhà đám tại Cana là hạng khá giả, nên họ dùng nhiều chum đựng nước cho khách rửa chân khi mới vào. Tất cả là 6 cái, mỗi cái gần 120 lít nước , vị chi gần 2/3 m 3 khối nước. Chúa làm phép lạ cho 700 lít nước thành rượu, thì khách dự tiệc là bao nhiêu mới uống hết rượu đây? Rượu là thức uống đem lại phấn khởi, vui tươi cho con người, nhất là trong đám tiệc, nhất là khi người ta uống điều độ. Chính Chúa Giêsu cũng uống rượu. Một điểm cuối cùng, lời thưa can thiệp của Mẹ Maria: “họ hết rượu rồi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu: “thưa Bà” (Imma) là một lời thưa đầy kính trọng, và ở nơi công cộng, hoàn toàn không có gì là coi thường Mẹ mình cả… Cũng chính nhờ lời can thiệp này mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ. Có các nhà chú giải cho rằng: gần như Chúa chờ đợi Mẹ Maria cầu xin Người, để Chúa làm phép lạ; thiết nghĩ điều này không sai, vì Mẹ Maria có vai trò là Đấng Đồng công cứu chuộc với Chúa Cứu thế; hơn nữa, Chúa đợi Mẹ cầu xin, một lời cầu xin mà Chúa rất hài lòng và Chúa không bao giờ từ chối. Vì vậy sự can thiệp của Mẹ ở đây là điều rất chính đáng…
b.Tình yêu của Con TC dành cho nhà đám:
Chúng ta thử tưởng tượng gương mặt của chú rể, là chủ đám cưới, anh này sẽ ngạc nhiên và cuối cùng thán phục Chúa biết bao, khi hiểu ra vì thương gia đình anh mà đã làm phép cho nước lã hóa thành rượu. Rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu vì yêu mến và kính trọng gia đình này, nên đã đến đây dự tiệc cưới; rồi chúng ta lại thấy Chúa cảm thông và sẵn sàng chia sẻ với con người chúng ta bất cứ lúc nào qua việc biến nước thành rượu, để giữ lại sĩ diện nhà đám nữa. Như vậy, Người đã cư xử hết sức là con người, vì Chúa cũng thật sự mang bản tính con người y như ta.
c. Gợi ý sống và chia sẻ:
* Chúa Giêsu tuy là Chúa, cũng là người như ta, trong bản tính con người, nên người có thể cảm thông, chia sẻ, yêu thương chúng ta. Có điều chúng ta có thực sự tin cách mãnh liệt rằng: Thiên Chúa yêu ta không?
* Mẹ Maria đã xin Chúa: “họ hết rượu rồi”; tuy Chúa trả lời: “giờ Con chưa đến”. Đó không phải là lời từ chối, vì Đức Mẹ vẫn tin vào Con Chí thánh của mình. Câu nói của Chúa chính là: giờ của Con chưa đến, nhưng vì Mẹ đã xin nên Con sẵn sàng làm theo Ý của Mẹ . Mẹ rất tin cậy nơi Chúa Giêsu. Phần ta, ta có tin và luôn trông cậy vào Chúa như Mẹ Maria không?
Đời sống càng khó khăn thì cuộc sống càng lo âu. Mọi lo âu đều nhằm vào việc giải toả những vướng mắc cho cuộc sống. Chúng ta lo lắng về sức khoẻ của mình, về cha mẹ, con cái, bạn bè, về công việc và về những thứ cần chi tiêu...Người chủ tiệc cưới Cana trong bài Phúc Âm hôm nay cũng có những nỗi lo lắng như thế. Ông ta lo lắng vì tiệc cưới mới tới ngày thứ ba mà rượu đã cạn, trong khi đó tiệc cưới tổ chức tới một tuần. Trong truyền thống của người Do thái ngày xưa, tiếp khách là nhiệm vụ thiêng liêng. Vì vậy, nếu thiếu thức ăn, nước uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho gia đình chủ tiệc.
” Họ hết rượu rồi! ” Đức Mẹ thấy trước nỗi khổ tâm của gia đình chủ tiệc. Một câu nói tế nhị, không đòi hỏi hay van xin gì mà chỉ trình bày cho Đức Giêsu nỗi băn khoăn của họ. Họ sắp xấu hổ mà báo tin cho khách mời dự tiệc là rượu đã cạn. Ai sẽ tiếp giúp họ? Ai có thể duy trì ngày vui nhất đời họ nếu không phải là Con Mẹ? Qua nỗi lo lắng của Mẹ. Đức Giêsu nhìn thấy dân Do thái đang khắc khoải mong chờ Đấng Cứu Thế giải phóng họ. Nhưng họ chỉ quan tâm đến vật chất, và những hình thức bề ngoài...ĐG đã cố gắng đưa những người tiếp xúc với Ngài đến một trật tự khác, nhưng thường thì không mấy ai hiểu Ngài? Tại sao? Vì N
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam