Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1356239

BIỂN ĐỜI VÀ BIỂN KHƠI

BIỂN ĐỜI VÀ BIỂN KHƠI

 

(Suy niệm của Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)

Cuộc ra khơi nào cũng chứa đựng những bất trắc, những hiểm nguy. Dòng đời nào cũng có biết bao cạm bẫy giăng ngang. Biển khơi luôn làm cho con người sợ hãi. Dòng đời luôn làm cho con người lo âu. Con người luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé trước biển khơi và biển đời. Biển đời và biển khơi mãi mãi làm cho con người cảm thất bất lực. Sóng gió vẫn thét gào. Sự dữ vẫn tung hoành. Con người luôn phải đối phó trước những tình huống rủi ro có thể xảy đến.

Thời gian qua báo chí nói nhiều về những nguy hiểm của các ngư dân Việt Nam đánh cá xa bờ. Lênh đênh trên biển. Không được bảo vệ. Một mình đối phó với biết bao hiểm nguy do thiên nhiên đưa đến, và ghê sợ hơn là do chính con người gây ra. Sự táo bạo của bọn cướp biển. Sự tranh giành phần biển đánh cá của các nước lân bang. Nhiều ngư dân cảm thấy sợ hãi khi phải rời bến xa bờ. Họ cảm thấy bất lực trước gian nguy trước mặt. Họ không dám mạo hiểm đánh đổi tính mạng mình để đổi lấy một vài con cá. Họ đành rút lui. Họ sợ không thể đương đầu với bao sóng gió nghi nan. Kẻ bán thuyền. Người để thuyền nằm bờ chờ đợi thời cơ. Có mấy ai đủ can đảm ra khơi lúc này? Họ biết rằng ở nhà thì đói. Nhưng ra đi càng thêm nợ nần, có khi còn mất cả tính mạng!

Năm xưa các tông đồ đã từng hoảng loạn, sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, của giông bão. Giông bão như muốn nhấn chìm tất cả: con người và tài sản. Con thuyền của họ thật mong manh! Họ đâu nghĩ rằng đêm nay biển dậy sóng trào. Họ đâu lường hết được những rủi ro có thể đến với họ đêm nay. Họ phải đối đầu với nguy nan, với bất trắc, với rủi ro. Một chiếc thuyền nan mong manh trên biển cả biết bám víu vào đâu? Làm sao họ có thể vào bờ an toàn trước gió biển và cuồng phong lồng lộng. Họ bất lực. Họ muốn buông xuôi cho dòng đời xô đẩy. Nhưng may thay, họ đã nhớ đến Thầy. Thầy vẫn hiện diện bên họ. Có Thầy hiện diện tại sao không cầu cứu? Thầy có thể làm cho kẻ chết sống lại. Thầy có thể đẩy lùi sự dữ. Thầy có thể làm mọi sự. Tại sao không chạy đến cùng Thầy? Dầu sao Thầy cũng là một cái phao duy nhất để các ông bám víu trong lúc nguy nan của dòng đời.

Các ông đã chạy đến kêu cầu Thầy: “Thầy ơi, chúng con chết mất!”. Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước sóng gió ba đào.

Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu. Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì không tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng. Có nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự an ủi, cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Dòng đời vẫn còn đó tiếng kêu van tha thiết dâng lên Đấng tối cao. “Xin cứu chữa chúng con, Chúa ơi!”.

Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao sóng gió nổi trôi. Cuộc đời tựa như chiếc thuyền nan chòng chành trước bao cám dỗ mời mọc, bao sự dữ bủa vây. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa. Hãy đưa tay để Chúa dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của dòng đời. Dòng đời đâu mấy khi bình yên. Con người mãi chơi vơi trong bể khổ trần gian. Nhưng có Chúa vẫn đang đi trong cuộc đời chúng ta. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa. Hãy tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa, Ngài sẽ luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng luôn hiện diện bên cạnh các tông đồ và bên cuộc đời chúng ta, xin thương đến những cảnh đời đầy khó khăn thử thách của kiếp người chúng ta. Amen.

 

33.Chúa Nhật 12 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)

Biển hồ Galilê là hồ lớn có hình bầu dục chiều dài 21km, chiều rộng 12km, nơi các môn đệ Chúa Giêsu sinh sống bằng nghề chài lưới, cũng là nơi thân quen vì Chúa Giêsu nhiều lần rao giảng Tin Mừng cho dân chúng ở ven bờ. Chúa cũng làm một số phép lạ ở đây.

Sau một ngày vất vả rao giảng và đón tiếp dân chúng, chiều đến Chúa bảo các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia. Chúa đồng hành với các môn đệ trên con thuyền đó, đàng khác cũng có những thuyền khác cùng đi theo. Thuyền ra lưng chừng giữa biển thì sóng gió nổi lên nếu lùi lại cũng không xong mà tiến tới thì cũng nguy hiểm. Sóng to gió lớn đến nỗi các môn đệ thấy nước tràn vào làm  thuyền muốn chìm. Trong khi đó thì Chúa vẫn vô tư ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Không biết Chúa ngủ thiệt hay Chúa giả vờ ngủ để thử thách đức tin các môn đệ, tương tự như khi Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ đi Emmaus: Chúa giả vờ muốn đi xa hơn để xem hai môn đệ có lòng hiếu khách mời Chúa ở lại không. Tuy nhiên ở đây họ đã tới đánh thức Chúa dậy tương tự như chuyện ông Giona khi có gió bão ông vẫn ngủ say dưới tầng hầm tầu, và người ta cũng phải xuống đánh thức ông dậy.

Chúa Giêsu chỗi dậy rồi Chúa đe gió và phán với biển:"Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng và biển lặng như tờ. Lời Chúa Giêsu nói với gió biển cũng tương tự như khi trừ quỉ, Chúa truyền cho quỉ phải im đi và ra khỏi người bị quỉ ám. Sau đó Chúa Giêsu cũng không quên trách các môn đệ bằng lời như sau: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"

Thánh Marcô ghi: "Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió và biển cũng đều vâng lệnh Người" Câu nói của các môn đệ tỏ lòng thán phục và muốn nói lên rằng Chúa Giêsu Thầy mình là Thiên Chúa nên mới làm chủ được gió và biển. Còn lúc Chúa Giêsu dựa gối ngủ cho ta thấy Chúa Giêsu cũng là con người, nên Chúa cũng cần ăn uống ngủ nghỉ như chúng ta

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một đề tài thiết thân với đời sống người Kitô hữu: Đó là việc Chúa ngủ tức Chúa không quan tâm nên các môn đệ phải đánh thức Chúa và nói với Chúa: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Nhiều lúc chúng ta cảm thấy như là Chúa lãnh đạm hoặc như là Chúa đi vắng giữa lúc chúng ta cần được sự trợ giúp của Chúa. Tác giả Thánh vịnh  cũng phải kêu lên : "Lạy Chúa, xin Chúa chỗi dậy đi, tại sao Chúa lại ngủ? Chúa hãy thức dậy đi" (Tv 44, 24,45, 23...) và chúng ta cũng muốn nôn nóng đánh thức Chúa dậy như các môn đệ.

Trong cuộc khổ nạn Chúa Giêsu cũng phải trải qua tâm trạng  như thế, đặc biệt là trên Cây thánh giá, Chúa Giêsu đã phải kêu lên cùng Chúa Cha: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ Con (Mc 15, 34)". Nhiều vị thánh cũng từng nếm trải những ngày tháng khó khăn mà thánh Gioan Thánh giá gọi là "đêm tối đức tin".

Nhưng thực ra Chúa không bỏ rơi con cái Chúa, Chúa muốn thanh luyện lòng tin và lòng phó thác của các thánh cũng như của chúng ta để lòng tin và lòng trông cậy phó thác khi vượt qua thì sẽ được gia tăng hơn lên và vững bền hơn. Ông Gióp là một mẫu gương: ông vẫn tin tưởng và kêu cầu Chúa cả khi gặp hoạn nạn. Thánh Phêrô khuyên chúng ta: "Anh em hãy phó thác mọi lo âu cho Chúa vì Chúa luôn lo lắng cho anh em (1Pr 5, 7). Tác giả Thánh vịnh cũng khuyên chúng ta: "Hãy phó thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay" (Tv 36, 5)

Có một người đi vượt biên kể lại câu chuyện như sau: Con thuyền của họ ra giữa biển khơi thì gặp sóng to gió lớn nổi lên. Ai cũng lo sợ nguy cơ đắm thuyền là rất lớn vì thế lúc này mọi người trên thuyền đều khẩn thiết cầu nguyện: người Công giáo thì cầu nguyện cùng Chúa, cùng Đức Mẹ, người theo đạo Phật thì đọc Nam mô cầu khấn Trời Phật... Có mấy người còn khấn hứa nếu được tai qua nạn khỏi tới bến bình an thì sẽ đi tu. Chúa cho chuyến đi đó được tới bờ tới bến bình yên. Người ta đặt câu hỏi không biết những người hứa sẽ đi tu, có giữ lời hứa không hay bây giờ được giầu có thịnh vượng định cư  ở Nước Mỹ thì họ quên hết?

Con thuyền vượt biển cũng là hình ảnh cuộc đờì người kitô hữu chúng ta, có lúc thì được trời yên biển lặng, thuyền lướt đi nhẹ nhàng, chúng ta được an vui phụng sự Chúa, nhưng có lúc gặp phong ba bão táp, chúng ta phải vất vả chèo chống, và nhiều khi còn cảm thấy như Chúa không quan tâm hay quên mất mình nữa. Chính lúc này, chúng ta cần kiên trì cầu nguyện xin ơn Chúa giúp để có thể vượt qua. Hãy gia tăng lòng tin kính Chúa và phó thác cậy trông Chúa trong cơn nguy khốn Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta kịp thời như Chúa đã giúp sức cho các tông đồ khi xưa.

Chắc chắn không ai tránh khỏi những sóng gió cuộc đời như con thuyền ra khơi. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện tắt như thánh Phêrô và các tông đồ đã thưa với Chúa: "Lạy Chúa xin cứu giúp con" (Mt 14, 30) và  "Xin ban thêm lòng  tin cho chúng con" (Lc 17,5). Amen.

 

34.Vẫn chưa có lòng tin?

(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Nằm trong văn mạch 4:35-5:43, trình thuật 4:35-41 là một trong những đoạn trình bày quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ cho các môn đệ sau khi Người đã giảng dạy (4:1-34): giải thoát khỏi nguy hiểm sự chết (4:35-41); khỏi quyền lực thù nghịch với Thiên Chúa (5:1-20), khỏi bệnh tật (5:25-34), và khỏi sự chết (5:21-24.35-43). Điểm chung của các trình thuật nầy là: - sự hiện diện của các môn đệ ( 4:35; 5:13; 5:31.37); - sự bất lực của con người - cầu cứu ở Chúa Giêsu (4:38; 5:3; 5:23; 5:26); - Chúa Giêsu giải thoát mọi sự dữ (4:39; 5:12-13; 5:29; 5:41tt); - Người đòi hỏi lòng tin (4:40; 5:34.36). Cấu trúc của đoạn 4:35-41 có thể phân ra như sau: 1- Nhập đề: bối cảnh và nhân vật (cc. 35-36); 2- Chúa Giêsu làm sóng gió lặng yên (cc. 37-29); 3- Kết luận: Thắc mắc của cả Chúa Giêsu và các môn đệ (cc. 40-41).

Câu 4:34 là móc nối giữa hai đoạn 4:1-34 và 4:35-5:43. Như khi ở riêng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã thường cắt nghĩa mọi sự cho họ, Người cũng sẽ tỏ chân dung của Người qua những việc quyền năng Người thực hiện khi Người và họ đã tách khỏi dân chúng (x. 3:9.20.32; 4:1). Họ cần “ở với Người” (c. 36) như lần đầu tiên họ được kêu gọi để có thể có kinh nghiệm sâu đậm về Người (3:14; x. 5:37). “Buổi chiều” trong Marcô thường là khung cảnh của những việc không tốt lành sẽ xảy đến (4:35; x. 6:47; 11:11; 14:17; 15:42). Đây là lần duy nhất Marcô nói là các môn đệ “đem Người theo” (paralambano). Động từ nầy nói đến quan hệ giữa Chúa Giêsu-môn đệ. Thông thường Người đem các môn đệ theo để tỏ cho họ chân tính của Người (9:2), cho họ hiệp thông vào cuộc thương khó của Người (10:32; 14:33). Ngược lại, các môn đệ đem Người theo và cuối cùng tỏ lộ cho Người thấy sự yếu đuối của họ (4: 40).

Trong hành trình sang bờ bên kia, các môn đệ kinh nghiệm ba điều: vũ lực của gió bão kéo theo nguy hiểm chết người, sự bất lực của con người và quyền năng của Chúa Giêsu (cc. 37-39). Gió bão được kể là quyền lực thù nghịch gây hại cho con người. Chúa Giêsu ngăm đe và ra lệnh “Im đi!” cho ma quỷ và gió bão (x. 1:25; 3:12; 4:38; 8:33; 9:25). Các môn đệ thấy lâm nguy cho tất cả “chúng ta”, nhưng lại tỏ ra bất lực chế ngự gió bão, nên phải làm Người chỗi dậy (egeirò). Mỗi lần Chúa Giêsu “làm ai chỗi dậy” là Người đã chữa lành người đó (x. 1:31; 5:41; 9:27). Trái lại, các môn đệ chờ đợi sự can thiệp từ phía Người. Việc Người ngủ trong khi thuyền gặp bão tố cho thấy Người không sợ bị hại do những gì có thể xảy ra (x. 13:36; 14:37.40tt). Không cần ngăn ngừa và tránh né, vì Người làm chủ trên gió bão.

Khi gió bão đã biến mất, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với các môn đệ, cũng như họ cũng tự hỏi về Người là ai. Hai câu hỏi của Người không mâu thuẫn nhau; trái lại, mở một con đường. Trong tình huống gió bão có thể gây chết người, vì đã để mình cuốn lôi bởi vũ lực vô nhân tính, nên các môn đệ đã cảm nghiệm cách thâm sâu sự bất lực mà biểu hiện của nó là sự sợ hãi. Trái lại, cũng trước nguy hiểm ấy, nếu để Chúa Giêsu và sự hiện diện của Người dẫn dắt vô điều kiện, sẽ không cảm thấy bị đe dọa và không sợ hãi. Đó là đức tin vô điều kiện Người muốn nơi môn đệ của Người (x. 11:22). Còn câu tự hỏi của các môn đệ rất giống với những câu hỏi của dân chúng trước đây, chỉ sự kinh ngạc và thán phục trước công cuộc cao cả tỏ hiện quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu (x. 1:27).

Biết Chúa Giêsu không chỉ bằng tri thức, mà cả kinh nghiệm bản thân. Đức tin cần thiết để nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đang thực hiện những điều không thể cho con người, và để sống hiệp thông với Người (x. 4:11).

 

home Mục lục Lưu trữ