Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 103

Tổng truy cập: 1357498

BIẾN HÌNH

BIẾN HÌNH-  ĐTGM Jos. Ngô Quang Kiệt

 

Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: lên núi.

Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.

Giai đoạn thứ hai: biến hình.

Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.

Giai đoạn ba: xuống núi.

Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.

Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.

Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.

Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?

2- Cầu nguyện có thể làm con người ‘biến hình’. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?

3- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?

4- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn ‘biến hình’ không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?

CHÚA NHẬT  II MÙA CHAY- Năm B

ĐỨC GIÊSU, BẢO CHỨNG TÌNH YÊU–  Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Có nhiều tôn giáo tin nhận Thiên Chúa hiện hữu, nhưng Kitô giáo là tôn giáo đặc biệt nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Chính khi nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, đến độ dám cho Con Yêu Dấu của Ngài nhập thể làm người ở giữa con người.

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

Đức Giêsu đã cùng với ba môn đệ lên núi. Ngài đã biến hình, áo Ngài trở nên trắng như tuyết. Tin Mừng Mác-cô không nói gương mặt Đức Giêsu biến đổi như thế nào, chỉ dùng chữ “biến hình;” tuy nhiên, người ta nghĩ rằng nếu áo của Ngài như vậy, thì gương mặt và thân xác của Ngài cũng phải “ra khác” một cách rất đặc biệt. Cựu Ước cũng đề cập đến gương mặt của Môsê trở nên sáng láng sau khi ông gặp gỡ Thiên Chúa, nên ông phải che mặt khi gặp gỡ dân Do Thái (Xh.34, 29-35). Thánh Phaolô đã giải thích gương mặt của Môsê được biến đổi vì phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Vậy khi Đức Giêsu biến hình, hàm chứa Ngài là người phản ánh Thiên Chúa một cách rất đặc biệt.

Tiếng từ trong đám mây nói với ba môn đệ: “Đây là Con Ta, Đấng rất được yêu. Hãy nghe Ngài.” Như vậy, Thiên Chúa nhận Đức Giêsu là Con của Ngài, và là Đấng được yêu đặc biệt. Thực ra, tước vị “con Thiên Chúa” cũng được dùng để chỉ nhiều người (G.38,7), dân Israel (Hos.11, 1), vị vua thiên sai (Tv.2, 7). Với Đức Giêsu, Ngài được Thiên Chúa gọi là người Con, được yêu đặc biệt; tuy nhiên, ngay lúc trên núi này, chắc ba môn đệ chưa thể nào nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa như các ngài đã nhận ra sau khi Đức Giêsu phục sinh và hiện ra cho các ông, tuy nhiên lúc này Đức Giêsu vẫn là một người rất đặc biệt.

Đức Giêsu nhận mình là Con Người. Đức Giêsu thật sự là người như tất cả mọi người. Một người cảm thấy gì thì Đức Giêsu cũng cảm thấy như vậy. Ngài cũng bị cám dỗ như bao người, dù là cám dỗ về miếng ăn, về danh vọng và về quyền hành (Mt.4, 1-11); và không chỉ vậy, Ngài còn bị cám dỗ về đức tin nữa: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc.15, 34). Đức Giêsu, nếu có điều gì khác chúng ta, thì đó là Ngài không phạm tội (Dt.4, 15). Ngài đã dùng tự do để vâng phục Thiên Chúa, còn chúng ta lại dùng tự do Thiên Chúa ban để phản lại Ngài.

Abraham đã sẵn sàng hiến tế con mình cho Thiên Chúa

Abram, tổ phụ dân Do Thái, là một con người rất đặc biệt. Thiên Chúa đã mời gọi ông bỏ quê cha đất tổ để đi đến đất Ngài chỉ cho. Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông có con cháu nối dòng, có đất làm cơ nghiệp, và trở thành một mối chúc lành cho nhiều người. Abram đã tin và đã đi theo lời mời của Thiên Chúa. Đặt mình vào hoàn cảnh của người thời đó, ta nhận ra Abram đã tin vào Thiên Chúa một cách rất đặc biệt. Thời đó người ta chưa có luật lệ như hiện tại, người ta phải dựa vào gia đình họ hàng để bảo vệ mình và tài sản khỏi bị người khác đánh cướp. Thế mà Abram dám rời bỏ gia đình, ra đi với tài sản và vợ là Saray. Nếu không tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì không ai dám làm điều đó vì rất nguy hiểm, người ta không chỉ mất tài sản nhưng còn mất cả mạng sống mình. Abram đã dám làm.

Thiên Chúa đã đổi tên Abram thành Abraham, Saray thành Sara; và đã cho ông bà có một người con tên là Isaac. Thiên Chúa cũng nói với Abraham rằng dòng giống ông sẽ nhờ Isaac mà có; thế mà giờ đây Thiên Chúa lại bảo ông đem người con duy nhất của mình đi hiến tế làm của lễ dâng Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa lại “đổi ý” như vậy? Tại sao Thiên Chúa không “nhất quán” với chính Ngài: đã hứa cho dòng dõi của ông nhờ Isaac mà có, mà bây giờ lại đòi ông phải hiến tế Isaac? Làm sao có thể vâng lời Thiên Chúa được?

Một lần nữa, Abraham đã tin và phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn sao Abraham cũng làm, vì ông tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm tất cả, ngay cả phục sinh Isaac. Chắc chắn Abraham đã có những suy nghĩ cám dỗ bất tuân, nhưng ông đã chiến thắng chính mình bằng niềm tin phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Qua hành vi này, ông trở thành cha tất cả những người tin (Rm.4, 18tt). Cả cuộc đời của Abrahm là một chuỗi những hành vi tin. Ngay cả khi vợ ông là bà Sara chết, ông vẫn chưa có đất để chôn (St.23), tuy vậy ông vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ông điều Ngài đã hứa.

Thiên Chúa đã không dung tha chính Con Ngài

Khi Đức Giêsu còn tại thế, chẳng ai biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể, kể cả các tông đồ. Chỉ sau khi Ngài sống lại, và với ơn Thánh Thần soi sáng, các tông đồ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm, nên mới nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa theo một nghĩa thật đặc biệt. Một khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng thật đặc biệt, là Con Thiên Chúa, thì Kitô hữu lại hiểu biết về Thiên Chúa và về con người một cách thâm sâu hơn.

Con người là ai mà được Thiên Chúa yêu thương đến như vậy! Sao Thiên Chúa lại trao phó Con của Ngài cho con người như thể “trao trứng cho ác” như vậy? Một người ít hiểu biết nhất cũng nhận ra con người gian ác sẽ giết Con của Ngài, như vậy tại sao Ngài vẫn trao gởi Người Con của Ngài cho con người? Tại sao Thiên Chúa tin con người đến độ như vậy? Cho đến cùng, Kitô hữu nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng: Thiên Chúa tin vào con người dù thật sự không thể tin được.

“Thiên Chúa không dung tha chính Con Ngài nhưng phó thác Con của Ngài vì tất cả chúng ta.” Nhìn Đức Giêsu chết trần trụi ô nhục thê thảm trên thập giá, người ta có cảm tưởng như thể Thiên Chúa yêu thương con người hơn cả Đức Giêsu. Thật ra không phải Thiên Chúa yêu thương con người hơn Con của Ngài; nhưng điều đó lại cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Theo thánh Phaolô, một khi Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho ta, thì Ngài không còn tiếc gì với ta nữa. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng!

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Nơi Abraham có điều gì bạn kính phục?

2. Bạn có nhận thấy Thiên Chúa tin và phó thác vào con người khi cho Con Ngài nhập thể không? Tại sao?

3. Đức Giêsu có bị nghi ngờ về đức tin không? (chẳng hạn, không biết mình có sống lại thật không? nếu bạn nghĩ có, tại sao bạn nghĩ như vậy? xin đưa bằng chứng hoặc lý luận bảo vệ ý kiến của bạn.)

home Mục lục Lưu trữ