Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1361785

BÌNH AN CHO ANH EM

BÌNH AN CHO ANH EM

Anna Cỏ May

 “Bình an cho anh em” (Ga 20,19).

Thấy Thầy của mình uy quyền là thế mà vẫn bị các vị lãnh đạo khép vào tội chết, nên dù có một vài người nói rằng Thầy đã sống lại nhưng các môn đệ vẫn lo lắng và sợ hãi trước ánh mắt và cử chỉ của người Do thái và với chính con người của mình. Các ông đã giấu mình trong căn phòng đóng kín cửa. Bấy giờ, Chúa Giêsu hiện đến giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Ngài đến để trao ban bình an cùng đem lại niềm vui và sức sống cho các ông. Sức sống mà các ông lãnh nhận là sức sống của Chúa Thánh Thần. Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Sức sống Chúa Giêsu không chỉ trao cho các môn đệ mà Ngài còn trao ban cho những ai nhận biết và tin vào Ngài cũng như những kẻ kém lòng tin. Ông Tôma, sau khi nghe anh em nói về cuộc gặp gỡ với Thầy, đã nói: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Tám ngày sau, cũng tại căn phòng đóng kín cửa, Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Dù lòng ông có cứng như đá, nhưng đứng trước tình yêu và lòng thương xót của Chúa, ông đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28). Ông đã tin nhận Chúa.

Chúng ta cũng đang trong tâm trạng của các môn đệ là lo lắng và sợ hãi. Lo vì dịch bệnh lan tràn quá nhanh và kéo theo nhiều nỗi lo khác, sợ vì mình sẽ chết bất cứ lúc nào. Đứng trước cái lo và sợ, chúng ta hãy đóng cửa của sự hận thù, tức giận, ghen ghét và ích kỉ lại; và mở cửa của trái tim tình yêu, lòng bác ái; cùng nhau quy tụ lại cầu nguyện với Mẹ Maria trong ngôi nhà của mình, để mời Chúa đến trao ban bình an và giải thoát chúng ta khỏi nỗi lo sợ. Nhờ đó, chúng ta được sống trong Thần Khí của Chúa mà xác tín rằng: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa mà có chết là chết cho Chúa” (Rm 14, 8).

Lạy Chúa! Chúa biết rõ chúng con đang ở trong tình trạng nào, xin Chúa mau đến giải thoát chúng con khỏi nỗi lo sợ mà cho chúng con sống trong bình an của Chúa. Xin cho chúng con vững tin phó thác mọi sự cho Ngài và cộng tác với Ngài bằng sự yêu thương, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau, cùng nhau vượt qua mọi sóng gió cuộc đời mà tiến về miền đất hứa. Amen.

Về mục lục

LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Thái Nguyên

Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.

Chỉ có một người không vui là ông Tôma, vì ông vắng mặt khi Chúa hiện ra. Có vẻ giữa ông và nhóm anh em có cái gì xa cách. Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn. Ông không tin vào ai khác, chỉ tin vào giác quan của mình. Trước sự thách thức và cố chấp của ông, Chúa Giêsu lại hạ mình để hiện ra một lần nữa. Ngài trách ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em. Rõ ràng con người Tôma có cái gì bất ổn, bất thường, lập dị, tách biệt. Nhưng may là ông trở về với đời sống cộng đoàn, nên đã chứng kiến việc Chúa phục sinh.

Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người… Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.

Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi Rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó…

Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là: đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của người khác, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa vẫn xảy ra trong đời ta. Thương xót là muốn cho nhau một cuộc sống tốt hơn, là tìm cách dẫn đưa anh em về đường ngay nẻo chính. Muốn vậy, nhiều khi chính mình phải hy sinh và chấp nhận thương đau.

Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của bạn đi! Mahatma Gandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế.

Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra rằng mình được diễm phúc trở nên Kitô hữu là nhờ lòng thương xót Chúa, để suốt đời ta biết sống cho mọi người, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn, là đối tượng ưu tiên của lòng Chúa xót thương. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”. 

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót không chỉ là hành động của Cha,
mà còn là tiêu chuẩn để biết ai là con cái,
để nối dài lòng thương đoái của Cha.

Thương xót không loại trừ công bằng và sự thật,
không dung túng cho những điều tai ác xấu xa,
nhưng để người ta biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.

Thương xót cũng là hành động cao quí nhất,
cho thấy phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà là cuộc sống với tất cả lòng nhân.

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã nhập thể làm người thế,
là để thể hiện lòng thương xót của Cha,
ngay trên thập giá Chúa vẫn nói lời thứ tha,
trước lòng dạ vô tâm và bạc ác của con người,
vì muốn gánh hết mọi tội đời cho thiên hạ.

Chúa gọi chúng con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà hãy có lòng nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu không giới hạn.

Xin cho tim con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy mà phát sinh con người mới,
để tình yêu Chúa hằng tỏa sáng khắp nơi.

Đời con đã được Chúa xót thương,
nên con chẳng mong ước được gì hơn,
là thân con trở thành lòng thương xót Chúa,
loan báo tin vui ơn cứu độ cho đời. Amen.

(Trích sách: Lời nguyện của người trẻ, số 28)

home Mục lục Lưu trữ