Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 21
Tổng truy cập: 1363786
BỔN PHẬN VÀ NIỀM VUI LỚN
BỔN PHẬN VÀ NIỀM VUI LỚN– Chú giải của William Barclay
Dụ ngôn quan tòa bất chính được Chúa kể liên hệ trực tiếp đến sự giáo huấn các môn đệ về sự trở lại Ngài. Tuy nhiên, vẫn có giá trị khích lệ các tín hữu cầu nguyện qua mọi thời đại. Lý luận là thế này: nếu một quan án bất chinh, không sợ trời và cũng chẳng nể người, mà rồi cũng phải nhượng bộ trước lời kêu nài của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa công chính lại không sẵn sàng nghe lời cầu khẩn của những kẻ Ngài yêu thương sao?
Dụ ngôn này nói tới một việc đã thường xảy ra tại Pa-let-tin.
Có hai nhân vật trong chuyện này:
- Vị quan tòa:
Rõ ràng ông không phải là một thẩm phán Do-thái. Các việc tranh chấp tầm thường xảy ra giữa người Do-thái được xử trước mặt các trưởng lão chứ không bao giờ đem đến các tòa án công cộng. Và theo luật Do-thái, nếu có vấn đề phải phân xử, thì một người không đủ để lập phiên tòa. Bao giờ cũng có ba vị quan án, một vị do bên nguyên cáo chọn, một vị do bên bị cáo chọn, và một vị khác được chỉ định cách độc lập. Vị quan tòa trong chuyện này là một trong những quan tòa ăn lương được bổ nhiệm hoặc bởi vua Hê-rô-đê hoặc bởi người La-mã. Các vị này nổi tiếng tham ô. Trừ khi bên bị cáo có thế lực về tiền bạc đút lót cho sự việc đi tới kết thúc, còn thì người ta không hy vọng gì được quan tòa xét xử cho. Thiên hạ đồn rằng các vị này sẵn lòng khiến công lý thành “công lý” chỉ vì một đĩa thịt. Dân chúng còn mỉa mai họ bằng cách chơi chữ; họ chính thức được gọi là quan tòa đoàn phạt, nhưng quần chúng gọi là quan tòa ăn cướp.
- Bà góa này tượng trưng cho hết thảy những người nghèo nàn, cô thế, cô thân.
Dĩ nhiên, vì không có tiền bạc, bà ta chẳng hy vọng gì được xét theo lẽ công bình bởi một quan tòa như vậy. Nhưng bà ta có khí giới của sự kiên trì. Rất có thể, điều mà quan tòa này sợ là một loại bạo lực nào đó từ được dịch là quấy rầy có nghĩa: “kẻo nó làm cho mắt ta tối đen.” Chúng ta có thể tối mắt bằng hai cách:hoặc bằng giấc ngủ hoặc do một cú đấm! Dù sao, cuối cùng sự kiên trì của bà ta đã thắng. Dụ ngôn này cũng giống dụ ngôn về người bạn lúc nửa đêm… Dụ ngôn không có ý ví sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính, nhưng sách ngược lại với con người như thế, Chúa Giêsu có ý nói: “Thẩm phán bất chính còn như thế, lẽ nào Thiên Chúa không xem xét bênh vực những đứa con yêu ngày đêm kêu xin Ngài sao? Chắc chắn Ngài sẽ vội vàng cứu giúp họ.”
Chúng ta hãy nghe lời Đức Gio-an Phao-lô II nhắn nhủ giới trẻ về cầu nguyện dựa vào chính lời Chúa Giêsu bảo “phải cầu nguyện luôn đừng nản chí.” Tại sao chúng ta phải cầu nguyện?
- Chúng ta phải cầu nguyện, trước hết, là vì chúng ta là tín hữu:
Thật vậy, cầu nguyện là vì nhận biết những giới hạn và lệ thuộc của chúng ta: chúng ta đến từ Chúa, chúng ta sống nhờ Chúa và chúng ta sẽ trở về với Chúa. Do đó, chúng ta phải trao phó chúng ta cho Người, là Đấng Tạo Dựng và Cứu Chúa của chúng ta, với một lòng tín thác trọn vẹn… Trước hết cầu nguyện là một hành vi hiểu biết, tâm tình khiêm tốn và biết ơn, một thái độ tin yêu phó thác nơi Đấng vì yêu thương đã ban cho chúng ta sự sống. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại nhiệm màu, nhưng có thực, với Thiên Chúa, một cuộc đời diễn ra trong tin cậy và yêu mến.
- Vì là Kitô hữu, nên chúng ta còn phải cầu nguyện như Kitô hữu nữa:
Thật vậy, đối với Kitô hữu, việc cầu nguyện mang một sắc thái đặc thù là thay đổi bản chất và giá trị của cầu nguyện. Kitô hữu là môn đệ của Đức Giêsu, là người tin nhận Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là con Thiên Chúa xuống trần gian giữa loài người chúng ta. Với tư cách là một người, cuộc đời của Đức Giêsu là đời cầu nguyện liên lỷ, một hành vi liên tục kính thờ và yêu mến Cha, và rồi cao điểm của cầu nguyện là hiến tế thập giá, tiên báo qua bữa Tiệc Thánh cuối cùng trong nhà Tiệc Ly và truyền lại qua các thế hệ bằng thánh lễ. Thế nên, người Kitô hữu biết lời cầu nguyện của mình là Chúa Giêsu, mọi lời cầu nguyện của mình đến từ Chúa Giêsu, chính Ngài cầu nguyện trong chúng ta, với chúng ta, và cho chúng ta. Tất cả những ai tin vào Thiên Chúa đến cầu nguyện, những người Kitô hữu cầu nguyện trong Chúa Kitô: Chúa Kitô là lời cầu nguyện của chúng ta…!
- Cuối cùng, chúng ta phải cầu nguyện vì chúng ta yếu đuối và tội lỗi.
Cần phải khiêm tốn và thành thật nhận thức rằng chúng ta là những tạo vật hèn kém, với những ý nghĩ mơ hồ, hay thay đổi và yếu đuối, luôn cần nhận được nâng đỡ và an ủi. Cầu nguyện ban sức mạnh để theo đuổi lý tưởng cao cả, gìn giữ đức tin, cậy, mến, trong sạch, quảng đại; cầu nguyện mang lại can đảm để thoát khỏi tình trạng ù lỳ, và dần dần nếu chẳng may đã nhường bước cho cám dỗ và yếu đuối; cầu nguyện soi sáng để thấy và thẩm định các biến cố đời sống riêng tư mình và cả lịch sử trong viễn tượng cứu độ của Thiên Chúa và của đời đời. Thế nên, đừng bao giờ các con bỏ cầu nguyện! Đừng để một ngày nào qua đi mà chúng con không cầu nguyện một ít.
Cầu nguyện là một bổn phận, nhưng cũng là một niềm vui lớn! Vì đó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Kiên trì lễ ngày Chúa nhật, và nếu có thể dự lễ nhiều lần trong tuần, cầu nguyện sáng chiều, và những lúc thuận tiện!”
Dụ ngôn này Chúa dạy liên hệ trực tiếp đến việc trở lại của Ngài. Do đó, không phải chỉ khuyến khích cầu nguyện tổng quát, mà đặc biệt là sự đến và đặc biệt hơn là ân huệ do đó mà ra. Tuy nhiên sức mạnh của dụ ngôn là kể lại cho Hội Thánh sự yếu đuối và cô đơn, và Hội Thánh trong khoảng thời gian từ lúc Chúa chịu đóng đinh cho đến khi Người trở lại. Chúa Giêsu vừa mô tả tình trạng của thế giới lúc Ngài trở lại. Ngài đã chụp hình thái độ vô tình, lơ là và miệt mài những chuyện trần tục, rồi bầy giờ Ngài muốn thúc giục kẻ theo Ngài hãy kiên nhẫn và hướng lòng về Ngài trong cầu nguyện.
Sau khi kể xong thí dụ, Chúa hỏi một câu đượm vẻ đau buồn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” Có còn những kẻ thật lòng tin Đấng Kitô, yêu Ngài và trông đợi sự trở lại của Ngài? Câu hỏi đó chính là lời cảnh cáo long trọng về hiểm họa tinh thần thế tục và vô tín sẽ thịnh hành. Chúng ta không nên tuyệt vọng bi quan, Hội Thánh lúc nào cũng có kẻ thù, Hội Thánh luôn luôn canh giữ ảnh hưởng của thế tục đang vây quanh. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện liên kết mật thiết với nhau. Thánh Âutinh phát biểu: “Chúng ta tin để cầu nguyện, và để niềm tin và với niềm tin đó chúng ta cầu nguyện khỏi chao đảo, chúng ta ta cầu nguyện. Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin.”
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN -C
CẦU NGUYỆN– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đây là một dụ ngôn dễ hiểu. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội. Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Bà goá nêu gương cầu nguyện cho ta ở 4 thái độ sau:
Thái độ khiêm nhường.Người đàn bà này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khoẻ để chống lại người ác. Không người bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất tất cả. Chẳng còn gì. Chẳng có gì. Nói gương bà, khi cầu nguyện ta phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực không thể thoát khỏi hoàn cảnh bi đát này.
Thái độ phó thác.Bà goá này không còn nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà đặt niềm tin vào ông quan toà. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám víu lấy ông quan toà. Bà phó thác vận mạng trong tay ông quan toà. Sự sống của bà ở nơi ông quan toà. Cũng thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta. Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng Chúa sẽ sắp xếp cho ta những gì tốt đẹp nhất.
Thái độ kiên trì.Chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao. Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương ta.
Thái độ khao khát.Bà khao khát vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán nản an nghỉ. Nhưng bà làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động. Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.
Chiêm ngắm tấm gương của bà goá, ta nhận thấy rất nhiều khi ta chưa cầu nguyện cho đủ. Chưa thực hiện sự khiêm nhường nhận biết sự thực về mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Chưa biết kiên trì đủ. Và nhất là chưa tha thiết tới mức ta tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước đó. Hôm nay với bài học của Chúa, ta sẽ biết cầu nguyện hơn. Khi biết cầu nguyện hơn, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều lợi ích cho linh hồn ta hơn.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Kể ra những thái độ của bà goá mà ta cần noi theo khi cầu nguyện.
- Đối với bạn Chúa là gì? Có phải là nguồn hy vọng duy nhất? Hay chỉ là một chỗ cậy nhờ như những chỗ khác?
- Bạn có phấn đấu làm việc cho ước nguyện của mình không? Hay bạn chỉ ngồi chờ Thiên Chúa ban tặng?
- Trong 4 thái độ cần có, bạn thiếu thái độ nào nhất?
CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- C
KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN – Lm. Đan Vinh HHTM
Ý CHÍNH: Tin mừng Lu-ca kể ra dụ ngôn của Đức Giêsu về bà góa và ông quan tòa nhằm dạy các môn đệ: “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Một người bất lương như ông quan tòa mà còn phải chịu thua lòng kiên trì nài xin của bà góa nghèo. Phương chi Thiên Chúa là Cha nhân lành lại không mau chóng bênh vực những kẻ hằng kêu xin Người đêm ngày hay sao? Tuy nhiên có nhiều kẻ vì thiếu kiên trì khi gặp gian nan thử thách nên đã sớm bị mất đức tin. Vì thế Đức Giêsu đã phải thốt lên lời than phiền như sau: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.
CHÚ THÍCH:
– C 1-3: + Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn…: Câu dẫn nhập này báo trước ý nghĩa của dụ ngôn: Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ kiên trì và liên lỉ cầu nguyện để chuẩn bị cho ngày Người tái lâm. +Trong thành kia có một ông quan tòa: Ông này bị coi là bất lương vì ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng nể nang người đời. Những quan tòa như thế có nhiều trong dân Ít-ra-en, nhất là trong thời kỳ đất nước bị ngoại bang cai trị. Những quan tòa này nhiều lần đã bị các ngôn sứ lên án (x. Is 1,23; Gr 5,28; Am 5,7). +Trong thành đó cũng có một bà góa: Bà góa là một mẫu người nghèo thường được đề cập tới trong Thánh kinh. Do các bà không có chồng bảo vệ nên dễ bị kẻ xấu chèn ép bóc lột. +“Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi”: Bà góa này xin quan tòa giúp minh oan trước kẻ đang kiện cáo mình.
– C 4-5: +Một thời gian khá lâu, ông không chịu…: Lúc đầu ông quan tòa hành động vì ích kỷ, nhưng cuối cùng ông cũng đành phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa nghèo để đứng ra bênh vực bà, hầu tránh khỏi bị bà đến quấy rầy mãi.
– C 6-8: +Rồi Chúa nói: Lu-ca nêu tước hiệu “Chúa” 20 lần trong các bài tường thuật. Tước hiệu “Chúa” ám chỉ Đức Giêsu đã được tôn vinh sau khi phuc sinh (Pl 2,6-11). Khi dùng tước hiệu “Chua” này Lu-ca muốn nhấn mạnh vương quyền mầu nhiệm của Đức Giêsu. +“Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó: Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn…”: Mục đích so sánh Thiên Chúa với quan tòa bất chính là để làm nổi bật sự tương phản giữa lối hành xử bất lương của viên quan tòa với lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Một con người ngang ngược ích kỷ vô tín mà còn biết bênh đỡ người yếu thế để tránh sự quấy rầy như vậy, phương chi Thiên Chúa nhân từ lại có thể nhẫn tâm từ chối lời cầu xin của những kẻ đầy lòng cậy trông phó thác nơi Ngài hay sao? +Dù Người có trì hoãn: Chắc chắn Chúa sẽ can thiệp, nhưng theo cách thức của Người. Mỗi khi cầu xin mà lâu vẫn chưa được như ý, chúng ta hãy nhớ lại trường hợp Đức Giêsu trong vườn cây Dầu: đã cầu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng và đã không được Cha ưng thuận, nhưng nhờ đó mà loài người chúng ta mới được hưởng ơn cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và phuc sinh của Đức Giêsu. Trong thực tế, có nhiều điều chúng ta cố nài xin Chúa ban cho mình, vì tưởng là điều tốt cho mình, nhưng thực ra lại có hại cho phần rỗi đời đời của ta, nên vì tình thương mà Chúa đã không ban theo ý ta như Đức Giêsu đã nói: ”Có ngừoi cha nào đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá?….”. Trật tự thế giới này sẽ ra sao nếu các ước muốn ngông cuồng ấu trĩ của mọi người đều được Chúa chấp nhận? +Người sẽ mau chóng bênh vực họ: Ở đây cũng như ở nhiều nơi khác (x. Mt 9,1; 13,30). Đức Giêsu báo trước sẽ có một cuộc phán xét để bênh vực những kẻ Người tuyển chọn (x. Lc 17,22-37). +Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?: Trong cơn thử thách, những kẻ được tuyển chọn cũng vẫn có thể trở thành vô tín nếu không kiên trì (x. Mc 13,20-22). Vì thế Đức Giêsu khuyên các môn đệ tránh lối sống buông thả, nhưng phải vững tâm cầu nguyện, giống như bà góa trong dụ ngôn đã luôn kiên trì cầu xin trước thái độ thờ ơ của vị quan tòa bất lương. Trong thời gian dài từ khi Đức Ki-tô về trời đến khi Người lại đến vào ngày tận thế, các tín hữu phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
CÂU HỎI: 1) Câu nào trong Tin mừng cho thấy bài học Đức Giêsu muốn dạy môn đệ về sự tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa? 2) Phải giải thích thế nào nếu Thiên Chúa trì hõan không nhận lời cầu xin xem ra chính đáng của chúng ta? 3) Câu nào cho thấy vào ngày tận thế nhiều người có thể mất đức tin vì đã không kiên trì cầu nguyện khi gặp gian nan thử thách? 4) Chúa đã hứa:”Hãy xin sẽ được…”, vậy tại sao tôi cầu xin hoài mà vẫn không được Chúa ban như ý của mình?
- SỐNG LỜI CHÚA:
- LỜI CHÚA: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng đến kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?” (Lc 18,7).
- CÂU CHUYỆN:
– CỨ KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN THÌ CHẮC SẼ ĐƯỢC CHÚA CHẤP NHẬN: Một nhân viên bưu điện phi ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín để phát thư. Ông gõ cửa nhưng không thấy ai ra mở cả. Ông biết trong nhà có người, vì đã thấy bóng họ thấp thóang qua khung cửa sổ. Do đó, ông vừa la lớn vừa đập mạnh vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 5 lần thì một lỗ nhỏ trên cánh cửa được mở ra và có tiếng người trong nhà hỏi: “Ông muốn gì?”. Ông trả lời: “Muốn gì ư? Tôi đã kêu cửa mấy phút rồi mà không thấy ai ra mở cửa để lấy thư cả!” Bấy giờ người trong nhà mới vặn chốt mở rộng cửa ra và giải thích như sau: “Xin ông thông cảm cho. Mỗi ngày chúng tôi phải chịu đựng lũ trẻ hàng xóm đến phá quấy: Chúng cứ tới đập cửa ầm ầm, rồi khi chúng tôi ra mở cửa thì lại chẳng thấy ai cả. Khi nãy lúc đầu chúng tôi cứ tưởng là lũ trẻ đến phá rối như mọi khi, nên không ra mở cửa. Nhưng về sau thấy cửa cứ bị đập hòai, nên chúng tôi biết là có khách đến thăm thực sự”.
– CẦU NGUYỆN ĐÃ ỨNG NGHIỆM SAU NHIỀU NĂM: Tạp chí Hướng Đạo có đăng một câu chuyện thú vị về một cô giáo trẻ. Câu chuyện được tóm tắt như sau: Cô giáo Ma-ry được điều về dạy ở một trường học nọ. Trong lớp cô phụ trách có một học sinh ngỗ nghịch tên là Bill. Em này thường gây cho cô giáo trẻ sự bực bội và biến lớp học thành một nơi bát nháo. Một buổi sáng kia, cô Ma-ry đến lớp sớm hơn và ngồi ở bàn thầy giáo hí hoáy viết tốc ký lên một trang giấy, thì bất ngờ Bill xuất hiện. Cậu bé tiến lại gần bàn cô giáo và nói: “Cô đang viết gì vậy?” Ma-ry đáp: “Cô viết lời cầu nguyện với Chúa đó”. Bill chế giễu: “Chúa có thể đọc được chữ tốc ký hay sao?” Ma-ry đáp: “Người có thể làm được mọi sự. Ngay cả việc nhậm lời cầu xin này của cô!”. Nói xong, cô để mảnh giấy kia vào trong cuốn Kinh thánh, và quay lên viết bài học trên bảng cho cả lớp. Lợi dụng lúc cô giáo loay hoay viết, Bill đã lén lấy cắp mảnh giấy có ghi lời cầu nguyện của cô giáo và bỏ vào trong cuốn tập của cậu. Hai mươi năm sau, Bill đã trở thành giám đốc của một công ty lớn. Một hôm ông ta lục tìm một đồ vật cũ để trên gác xép ngôi nhà xưa của cha mẹ ông. Bill tình cờ cầm lên một cuốn sổ ghi bài học thuở nhỏ và đột nhiên thấy một mảnh giấy vàng ố rơi xuống sàn. Đó là mẩu giấy có ghi chữ tốc ký. Bill không hiểu nội dung những dòng chữ ấy. Ông gấp tờ giấy kia lại, mang đến văn phòng nhờ cô thư ký đọc giúp. Cô ta đã viết lời dịch vào một tờ giấy khác và đưa cho Bill. Ông nhận ra đó là lời cầu nguyện của cô giáo Ma-ry năm xưa, nội dung lời cầu ấy như sau: “Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong nghề giáo của con. Con không thể làm cho lớp con đang dạy vào khuôn khổ kỷ luật được, vì có một cậu học trò tên là Bill hay phá bĩnh. Xin Chúa hãy uốn nắn tâm hồn cậu bé này. Vì theo con nhận xét: Cậu bé ấy có thể trở thành một người hoặc rất tốt hoặc rất xấu sau này”. Câu cuối cùng như một nhát búa nện vào đầu Bill, bắt ông phải suy nghĩ. Thật ra chỉ vài giờ trước đó, Bill có dự tính lao vào một vụ làm ăn buôn lậu, hy vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty. Ông cầm tờ giấy kia lên gấp lại cho vào chiếc ví để trong túi quần. Rồi trong suốt một tuần lễ kế tiếp, mỗi khi có dịp là ông lại lôi tờ giấy kia ra đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuối cùng thì lời cầu nguyện của cô giáo được viết trước đó hai mươi năm đã phát huy tác dụng và làm thay đổi ý định buôn lậu của Bill. Mấy tuần sau, khi có dịp ngang qua nhà cô giáo cũ, ông đã tìm đến thăm cô và kể cho cô nghe về lời cầu nguyện của cô cách đây 20 năm đã có sức mạnh làm thay đổi cuộc đời hiện tại của ông ra sao.
- SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã dạy các môn đệ: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện để sẽ được Chúa ban ơn cứu độ. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyên và phải cầu nguyện thê nào?
- Có mấy thái độ cầu nguyện?:
– Trong một vụ động đất lớn khiến nhiều nhà cửa trong thành phố bị sụp đổ. Có ba người bị kẹt trong văn phòng một tòa nhà của một công ty xây dựng. Bấy giờ văn phòng bị tối thui vì cúp điện và một khối bê-tông lớn từ tầng trên rơi xuống đã chắn ngang cửa sổ và cửa ra vào văn phòng. Trước tình huống này, người thứ nhất là trưởng phòng không có đức tin và đã bỏ không đên nhà thờ từ lâu. Ông ta bực tức không ngừng chửi rủa viên kỹ sư thiết kế và là chủ thi công công trình tòa nhà đã không chịu gia cố thêm sắt thép khi xây dựng chân móng và đà cột, khiến tòa nhà dễ dàng sụp đổ khi bị động đất mạnh. Anh thứ hai là nhân viên vệ sinh của công ty có lòng đạo đức bình dân, khi bị kẹt trong văn phòng liền quỳ gối lần chuỗi kinh mân côi thật sốt sắng cầu xin Đức Mẹ thương ra tay cứu giúp. Anh thứ ba là nhân viên bảo trì máy móc của công ty là người có đức tin trưởng thành đã tỏ ra bình tĩnh khi gặp sự cố. Anh ta âm thầm đối thoại cầu xin Chúa như sau: “Lay Chúa, Chúa muốn con làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh này?” Sau đó anh lấy ra búa và đục trong giỏ đồ nghề luôn mang theo và bắt đầu đục phá khối bê-tông bít lối ra vào kia. Cứ sau một lúc làm việc, anh dừng tay nghỉ mệt và lại thầm thĩ thưa chuyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con đủ sức đục bể khối bê-tông này để cả ba người chúng con mau thoát ra ngoài”. Cuối cùng anh ta đã phá được một mảng lớn bê-tông và cả ba người đã chui ra ngoài an toàn.
- Tại sao phải cầu nguyện?
Câu chuyện trên cho thấy ba thái độ cầu nguyên: người thứ nhất do mất đức tin, cho rằng cầu nguyện vừa mất thời giờ lại vừa vô ích, nên không cầu nguyện khi gặp khó khăn. Anh ta chỉ biết đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân, mà không tích cực giải quyết vấn đề. Người thứ hai có đức tin thụ động: Khi gặp sự cố chỉ biết khoanh tay đọc kinh để cầu xin phép lạ, thay vì chủ động giải quyết vấn đề. Có lẽ đại đa số các tín hữu chúng ta vẫn đang có lối cầu nguyện thụ động này, nhất là khi chúng ta cầu xin Chúa cho người khác. Người thứ ba có đức tin tích cực chủ động: tuy tin vào quyền năng của Chúa, nhưng đồng thời cũng ý thức phải sử dụng các phương tiện Chúa ban để chủ động giải quyết sự cố mà không quên cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp. Đây là cách cầu nguyện đúng đắn đẹp long Chúa mà các tin hữu chúng ta cần phải áp dụng trong cuộc sống đời thường.
- Chúng ta phải làm gì?
– Kiên trì cầu nguyện: Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta phải kiên trì cầu nguyện noi gương ông Mô-sê quì giang tay suốt cả ngày để cầu xin cho quân Ít-ra-en thắng trận (Bài đọc 1); Hay như bà goá bị kiện cáo oan ức đã kiên trì xin ông quan toà “vốn không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời” minh oan cho bà. Nhờ biết kiên trì mà cuối cùng bà đã được ông ta minh oan (Bài Tin Mừng). Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta với lòng tín thác cậy trông vào quyền năng và tình thương cùa Chúa như lời Đức Giêsu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).
– Không nên đòi hiệu quả tức thời: Khi cầu nguyện, chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban lập tức theo ý riêng của chúng ta, mà ban vào thời gian và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta. Thời gian Chúa nhậm lời có thể kéo dài lâu hơn chúng ta nghĩ và cách Ngài ban ơn cũng có thể khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng thích hợp nhất và ữu hiệu nhất cho hạnh phúc của chúng ta.
– Hãy cầu xin theo ơn Thánh Thần soi dẫn: Thánh Phao-lô đã dạy: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27). Như thế, cầu nguyện không phải là xin ơn theo kiểu vụ lợi của chúng ta, cũng không phải là sự liệt kê những nhu cầu để xin Chúa ban theo ý riêng của ta. Nhưng cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, xin Ngài giúp chúng ta vâng theo thánh ý Ngài, noi gương Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: “Cha ơi! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Tuy nhiên con người vốn yếu đuối dễ nản chí, nên Đức Giêsu đã cảnh báo: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).
- THẢO LUẬN: 1)Bạn cần đọc kinh dự lễ như thế nào để tránh bị lo ra chia trí và để lời cầu nguyện xứng đáng được Chúa chấp nhận? 2)Ngoài việc đọc kinh dự lễ, bạn cần làm gì để biến đời bạn trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ?
- NGUYỆN CẦU
– LẠY CHÚA CHA giàu lòng từ bi thương xót. Chúa hằng nhận lời cầu xin của con. Qua dụ ngôn hôm nay, Đức Giêsu đã dạy con rằng: Ông quan tòa dù là kẻ bất chính và ích kỷ mà còn sẵn sàng đáp lại lời cầu xin kiên trì của một bà góa nghèo, phương chi là Chúa, Đấng hằng thương yêu săn sóc con như gà mẹ ấp ủ đàn con dưới cánh. Con tin tưởng vào Chúa và phó thác cuộc đời con trong tay Chúa quan phòng. Xin Chúa thương nâng đỡ và ban ơn giúp con.
– LẠY CHÚA. Điều làm cho Chúa đau lòng là nhiều người đã bị mất đức tin, trong đó có thể có cả con nữa. Nhiều lúc chính con đã không tin vào hiệu lực của lời cầu xin. Khi gặp khổ đau hoạn nạn, con thường hay than thân trách phận, mà không cầu xin Chúa nâng đỡ. Cũng có những lúc con chỉ cậy vào sức riêng mình, dựa vào thế lực của tiền bạc hay của những kẻ nhiều quyền lực… mà không cậy dựa vào ơn của Chúa. Nhiều lúc con chán nản thất vọng vì cầu xin mãi mà không được Chúa ban theo ý con xin. Xin giúp con kiên trì cầu nguyện và không bao giờ nản chí. Xin cho con ý thức rằng: Những ai tin cậy vào Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng hổ ngươi.
*X) Hiệp cùng Mẹ- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam