Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 140

Tổng truy cập: 1349952

Bụt nhà không thiêng

BỤT NHÀ KHÔNG THIÊNG

LỜI CHÚA:

Bài đọc1:   Ez.2,2-5: Đây là nhà phản loạn, và họ sẽ biết rằng giữa họ vẫn có một tiên tri.
Bài đọc 2:   2Cr.12,7-10: Tôi rất vui sướng khoe mình về những sự yếu hèn của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ngự trong tôi.
Phúc âm:   Mc.6,1-6: Không tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương.

SUY NIỆM:

Một trong những lãnh tụ quan trọng của phong trào công nhân nước Anh là Will Crooks. Ông ta được sinh ra trong một gia đình rất nghèo. Ký ức đầu tiên của ông ghi nhận là hình ảnh mẹ ông đang khóc vì không biết lấy gì để ăn trong bữa sau. Ông bắt đầu làm việc trong một lò rèn, lương hàng tuần là 5 hào. Ông trở thành một tay thợ giỏi, dũng cảm và ngay thẳng nhất thời bấy giờ. Ông tham gia việc chính trị ở ngay thị xã Luân đôn. Nhiều người rất bất mãn khi Will Crooks thành chủ tịch Polar. Ngày nọ, trong đám đông, một mệnh phụ dè bỉu ông: “Người ta bầu Crooks làm chủ tịch à, anh ta chỉ là dân thợ tầm thường mà thôi”. Một người trong đám đông, chính là Crooks, đã quay lại bỏ nón ra và nói: “Hoàn toàn đúng, thưa bà, tôi chỉ là một dân lao động”.

Dân chúng ở Nazaret khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một thợ mộc. Vì khi Chúa xuống thế gian, Ngài không hề đòi hỏi sự miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời với tất cả những công việc tầm thường nhất. Những may rủi về gia thế, giầu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng với nhân cách cả. Chúng ta cần cảnh giác đối với sự đánh giá một người căn cứ vào bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất, chứ không căn cứ vào giá trị nội tại nơi chính người ấy.

Sự kiện Chúa Giêsu là con trai bà Maria, con bác thợ mộc Giuse, làm cho mọi người không mấy chú ý đến…. Chúa chết chỉ lúc được 33 tuổi, nhưng Ngài đã không lìa bỏ Nazaret trước năm 30 tuổi (Lc. 3,23). Trong suốt thời gian còn ở gia đình, Chúa Giêsu tận tuỵ với công việc, ngay cả trong những việc nhỏ nhặt. Là con bác thợ mộc, Chúa Giêsu bị người ta xem thường. Từ ngữ bác thợ mộc là tekton. Tekton là thợ làm đồ gỗ, nó còn có nghĩa là người làm nghề làm thủ công. Đời xưa và cả ngày nay thợ mộc có thể làm cho bạn bất cứ việc gì, từ việc xây cất nhà, đóng khung cửa, làm tủ, giường, bàn ghế, cho đến cả việc đóng chuồng gà, chuồng bò v.v. Thế nên người làng Nazaret khinh dể Chúa Giêsu vì Ngài là một công nhân, một thường dân.

Hôm nay Chúa Giêsu trở về quê hương xứ sở không phải vì lý do riêng tư là thăm lại ngôi nhà và những người thân thuộc ngày trước. Ngài trở về cùng với các môn đệ của mình với tư cách là một Rabi. Chúa Giêsu là Thầy dậy dỗ đến nỗi các Rabi Do Thái phải rất kinh ngạc. Chúa đã làm các phép lạ: Dẹp yên bão tố, chữa lành bệnh nhân, cả những chứng bệnh bất trị; xua đuổi quỉ ám v.v. Những phép lạ này làm sửng sốt mọi người và danh tiếng Ngài đồn ra khắp mọi nơi …. Thế mà Chúa Giêsu lại bị xem thường tại quê nhà chỉ vì “bụt nhà không thiêng”, đến nỗi Chúa không làm phép là nào tại đó và chỉ chữa lành một vài bệnh nhân mà thôi.

Chúa Giêsu bị đồng hương coi rẻ vì những hình thức bên ngoài có vẻ tầm thường, bởi lòng người “quen quá hoá nhàm” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Hơn nữa nhiều người Do Thái thời đó còn quan niệm Đấng Cứu Thế giáng trần với xa mã lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, thống trị địa cầu bằng sức mạnh quân sự và quyền lực của đế quốc, và cho đến nay nhiều người Do Thái vẫn còn đang chờ đợi Đấng Cứu Thế theo quan niệm của họ!

Ngày nay Chúa Giêsu đã về trời nhưng Ngài còn hiện diện khắp nơi trên thế gian. Ngài ngự trị trong bí tích Thánh Thể, nhưng dưới hình thức bánh miến và rượu nho, chúng ta có dễ nhận ra dung nhan khả ái của Ngài không? Các vị đại diện Chúa mà ta vẫn gọi là Chúa Kitô thứ II, danh xưng đó có phù hợp với niềm tin nơi tâm hồn của mình không? Nhất là những vị đại diện Chúa lại là bà con, họ hàng, bạn hữu, đồng hương của chính chúng ta… Chúa Giêsu còn ẩn mình trong mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội mà không phân biệt chủng tộc, mầu da, giầu nghèo, học thức v.v. Chúng ta có nhận ra Chúa nơi tâm hồn tha nhân không? Hay chỉ thấy bằng con mắt giác cảm: nhìn nhận qua dáng vẻ béo mập, gầy còm, cao thấp, trắng đen, đẹp xấu v.v. Ước gì chúng ta có đôi mắt tinh ròng sáng suốt nhận ra chân lý, vẻ đẹp tinh thần giữa muôn hình thức của nếp sống trần gian.

Đối với bản thân, chúng ta cũng phải biết nhận ra Đức Kitô trong tâm hồn mình, nhất là khi hiệp lễ, đừng có mặc cảm vì sự tầm thường bên ngoài mà không nhận ra những ơn thánh Chúa luôn ban xuống cho ta. Những dáng vẻ hay tài năng bên ngoài sẽ qua đi hết, cuộc sống quan trọng ở chỗ là làm sao chiếm hữu được nước Thiên Đàng mà mọi người đều có khả năng lãnh nhận. Công việc hằng ngày chỉ là tạm bợ, hành trình nội tâm tiến về quê trời mới có giá trị lâu dài vĩnh cửu.

Sau hết chúng ta xin Chúa cho mình được Đức Tin mạnh mẽ để tuyên xưng danh Chúa như thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt. 16,16). Bây giờ chúng ta không được sống gần bên Chúa như các tông đồ xưa kia, mà chỉ ngắm nhìn Ngài dưới hình bánh hình rượu. Nhưng điều đó đâu có hề gì, vì như thánh Tôma đã nói: “giác quan không giúp được gì cả, và thị giác, xúc giác, vị giác cũng lầm”. Chỉ có đức tin mới làm cho ta nhận biết Thiên Chúa và tin vào lời Đức Kitô tuyên bố: “Đây là mình Ta…. Đây là máu Ta….” Không những thế ước gì Đức tin của ta còn phải đi đến chỗ thực hành cao hơn như các thánh tông đồ đã bỏ cha mẹ, vợ con và mọi sự ở đời này để nối gót sự nghiệp cứu độ của Đức Kitô.

Lạy Chúa xin cho chúng con luôn thấy được giá trị và uy quyền của Chúa Giêsu và tin vào Giáo Hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Mặc dù thấy Giáo Hội ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, mặc dù thấy hiện thân của Chúa trên trần gian là các vị linh mục có xuất thân từ đâu, thân thế và sự nghiệp ra sao, đời sống của các vị có thế nào đi nữa, chúng con vẫn một lòng tin yêu và sống trọn tình đạo nghĩa của người Kitô hữu.

Br. B.M.Thiện Mỹ CMC

home Mục lục Lưu trữ