Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 48
Tổng truy cập: 1361098
CÁI CŨ VÀ CÁI MỚI
(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
Trong các câu chuyện thần thoại và cổ tích, người ta thường nhắc đến 3 điều ước. Ước muốn sở đắc một cái gì hoặc ước muốn được toại nguyện một công việc gì, là mong ước chung của con người ngày xưa cũng như ngày nay. Trong chuyện thần thoại, sau khi lựa chọn những điều mình ước, sự thật sẽ phơi bày ra. Bài học cho thấy, đạt được ước nguyện không dễ dàng gì. Sách các vua quyển thứ nhất giới thiệu với chúng ta một trạng huống gần giống như trong truyện cổ tích, nhưng nhân vật chính là vua Salomon, một vị vua trẻ rất khôn ngoan. Thiên Chúa hiện ra với Salomon trong một giấc mơ giữa đêm khuya và nói với ông “Hãy xin ta một điều ước, và ta sẽ ban cho”. Bởi lẽ, Salomon là một con người khiêm tốn thẳm sâu, và có lòng yêu mến Thiên Chúa, nên ông ta tuyên bố mình chỉ là tôi tớ của Chúa. Ông chỉ xin cho mình một điều ước giản đơn, đó là được khôn ngoan để lãnh đạo dân, và để biết phân định đâu là tốt, đâu là xấu. Vị vua Israel này chỉ có một ước muốn duy nhất là có được khả năng để phục vụ Chúa và dân của Ngài.
Vua Salomon đã phân định, không phải chỉ là những ước mơ hời hợt và nông nổi, nhưng là một mong ước sâu xa tận đáy lòng để biết quy thuận ý Chúa. Ông được ban sự khôn ngoan để có thể thấy được điều gì là tốt nhất cho đất nước của ông, cho dân của ông, cũng như đó là điều tốt nhất cho chính ông. Salomon đã không cảm nghiệm trước được niềm vui do ân ban này, và ông chỉ nếm trải khi niềm vui đó đã đã tròn đầy. Đứng trước lời cầu xin của Salomon, Thiên Chúa đã ban cho ông một “đầu óc khôn ngoan và biết phân định tốt xấu”. Ngài còn ban cho ông ấy 2 điều khác “Ta sẽ ban cho con cả những điều con không xin, đó là sự thịnh vượng và được kính phục trong suốt cả đời”, và “Nếu con bước đi trong đường lối của Ta, tuân giữ những thánh chỉ và nhưng huấn lệnh của Ta, như Đavid thân phụ ngươi đã tuân hành, thì Ta sẽ cho con được trường thọ” (1V 3,13).
Salomon đã biết nhận ra những giá trị khác cao quý hơn của cải trần thế. Khi gặp cảnh huống tương tự, có lẽ chúng ta vẫn thích cầu xin cho mình được giầu sang, được phú quý, được sống lâu, và khi đã trải nghiệm cuộc đời với những suy nghĩ chín chắn hơn, chúng ta mới tìm kiếm sự khôn ngoan và sự minh mẫn. Vương quốc của Salomon, tuy giàu của cải, nhiều sự kính phục dành cho ông và ông sẽ được sống lâu, vẫn là một vương quốc thuộc trần thế và qua mau, sớm muộn cũng sẽ lụi tàn. Vì vậy việc Salomon tìm kiếm sự khôn ngoan khai mở cho chúng ta một hướng đích khác để nhắm đến. Nếu sự khôn ngoan trần thế là một điều đáng mơ ước, thì tại sao chúng ta lại không ước mơ đến một sự khôn ngoan khác – Sự khôn ngoan trong vương quốc vĩnh cửu?
Trong hai dụ ngôn mà Thánh Matthêu nói tới hôm nay, Đức Giêsu giới thiệu cho chúng ta sự khôn ngoan mới mẻ này “ Nước Trời giống như một kho tàng được chôn giấu trong ruộng. Có người đã tìm thấy và đem giấu đi. Rồi anh ta vui mừng đem bán tất cả của cải anh có để mua cho được khu ruộng ấy. Thế rồi, Chúa Giêsu lại nói tiếp “ Nước Trời giống như một thương gia đi tìm ngọc quý, khi đã tìm được, anh ta đã bán tất cả tài sản để mua viên ngọc quý đó”.
Hai dụ ngôn này đề cập đến hai khía cạnh: Một là giá trị lớn lao của kho tàng chôn trong ruộng hay giá trị của viên ngọc quý, mà Nước Trời được sánh ví, hai là ước muốn của những con người tìm ra kho báu hoặc viên ngọc đã dám bán tất cả để mua cho được cái mình đã tìm thấy. Cả hai khía cạnh này đều rất quan trọng. Điều đầu tiên, chúng ta có nhận ra vương quốc nước trời vượt trên những giá trị trần thế hay không, và thứ đến, chúng ta có dám bán mọi sự để tậu cho được điều chúng ta đã khám phá ra không.
Cũng giống như sự khôn ngoan, không phải giàu sang, danh vọng hay trường thọ, Vương quốc Nước Trời có thể được chia sẻ cho người khác mà không bị mất đi hay bị suy giảm. Luôn luôn, sự khôn ngoan lúc nào cũng dồi dào để ta có thể sẻ chia, có thể ban tặng, có thể đổi trao. Đó là lý do tại sao, anh thương gia và người phú hộ dám liều bán tất cả để mua điều quý giá đã tìm thấy. Đó là một hình ảnh xem ra có vẻ khôi hài và cũng rất táo bạo, cũng như bạn bán một cái gì đó để có thể tậu lại, làm sở hữu cho riêng mình. Tuy nhiên, Vương quốc Nước Trời vẫn không bị suy giảm hoặc mất đi, sau khi bạn bán mọi thứ để tậu nó lại, đồng thời người khác vẫn có thể mua nó. Điều lạ lùng nhất, là sau khi bạn mua lấy Nước Trời, niềm vui của việc mua bán vẫn không bị vơi mất. Người mua sẽ chẳng bao giờ phải hối hận.
Đức Giêsu đã kết thúc hai dụ ngôn bằng câu hỏi, xem những học trò của Ngài có hiểu những điều Ngài giảng dạy hay không. Họ trả lời rằng có. Tuy nhiên, Ngài đã tóm kết 2 dụ ngôn bằng 1 dụ ngôn ngắn khác. Ngài nói “ Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
Quả vậy, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ của mình vào trong kỷ luật. Lời giáo huấn của Ngài tự nó là một kho tàng, nhưng cái gì là mới và cái gì là cũ? Đa phần các học giả đồng ý cho rằng sự khôn ngoan theo Kinh Thánh Cựu ước là cái cũ, còn sự khôn ngoan của Đức Giêsu thì mới. Còn chúng ta, chúng ta được mời gọi hãy khám phá ra kho tàng quý giá từ cả hai.
16. Suy niệm của Lm. Gioan B. Phan Kế Sự
“Rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có” (Mt 13,44-52)
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?”
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng; tựa như thương gia đi tìm hạt ngọc quý và cũng giống như chuyện chiếc lưới cá thả xuống biển… Và đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy.”Những dụ ngôn tiếp nối những dụ ngôn mà chúng ta được Chúa Giêsu giảng giải. Chuyện Nước Trời thật đơn giản và dễ hiểu như những chuyện đời thường, nhưng quan trọng là chúng ta có hiểu hay có muốn hiểu hay không.
Nhiều người “thưa hiểu” nhưng thực sự chẳng hiểu, chẳng biết cái gì cả…
Vì họ cũng chỉ trả lời như cái máy, “theo phong trào”, cho nó vui, cho có bè có bạn. Bởi cách sống của họ là cái vỏ bề ngoài, là cái hình thức hấp dẫn “không đụng hàng” chứ không cần cái nội dung, cái chất lượng.Cái gật đầu của họ cũng chẳng qua là cho nó “có” với chúng bạn.
Vì họ hiểu theo “kiểu của họ”: Chúa phải là người phục vụ họ, làm theo ý muốn của họ và Chúa trở thành “con rối”của lòng tham.Rốt cục “họ nói hiểu mà thực chất chẳng hiểu gì!”.
Vì họ chỉ hiểu theo “nghĩa đen” và cuộc đời của họ là những chuyện quanh quẩn của những hành động “vơ, vét, vào”: là mong đạt được những gía trị trần thế,là có được của cải mối mọt xông đến được,để rồi ngày tận thế là một sự thất vọng và trở thành “kẻ bị loại trừ”.
Nhiều người “thưa hiểu” và quả thực họ hiểu được ý nghĩa sâu xa của những dụ ngôn về Nước Trời và dám can đảm đầu tư tất cả để tìm được những kho tàng vô gía và sự tồn tại của mình. Người đời vẫn thường dạy “có gan thì làm giàu”.Họ vui mừng ra về và bán hết tất cả những gì mình có để được Nước Trời.
Khôn ngoan của người hiểu biết là sự chọn lựa giữa những cái vô gía và cái “có giới hạn”.
Khôn ngoan của người thương gia là dám can đảm bán hết tất cả, đánh đổi tất cả để chiếm hữu cả kho báu.
Khôn ngoan của người hiền lành là biết đứng về phía cá tốt để “được chọn lựa” và “không bị vứt ra ngoài” trong ngày tận thế.
“Và đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy…. Họ đáp lại: thưa hiểu”
Chẳng ai dại mà nhặt cá xấu để bỏ vào giỏ, nhưng ngược lại.
Thiên sứ sẽ tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính.
Như chủ nhà lấy ra từ kho của mình cả cái xấu lẫn cái cũ,để lọai trừ.
Và sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lần thứ hai, cho bất kỳ ai và cho cả chính chúng ta.
Người đời vẫn thường nói “Khôn chết, dại chết, biết sống”. Qủa thế,người hiểu biết là người khôn ngoan hơn cả.Biết, vì không ai chết hoặc chịu thưởng phạt cho ai cả. Biết, vì mọi người phải tự quyết định đời mình mà không ai có thể giúp gì cho ai được. Biết, vì tốt xấu sẽ được phân định một cách rõ ràng mà chẳng ai đứng ra biện hộ hoặc phân bua cho ai được cả. Chúa đã ban cho chúng ta sự tự do và mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính sự tự do của mình.
Họ đáp “thưa hiểu” và Chúa đã dạy “hãy biết tận dụng cả cái mới cái cũ trong kho của mình” để đầu tư cho sự chọn lựa của chính đời mình. Cái khôn của người hiểu biết là can đảm “bán hết tất cả” để có được cái vĩnh cửu,cái đời đời, không mối mọt và hư họai.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sáng suốt chọn lựa cứu cánh cho cuộc đời mình và xin cho chúng con “biết liều” với sự chọn lựa đúng đắn để trở thành “cá tốt” được bỏ vào giỏ. Xin giúp mỗi người chúng con luôn can đảm, kiên trì sống với chính sự chọn lựa của mình trong tin tưởng, tín thác vào tình thương Chúa. Amen.
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)
Một hôm, có một người kia gặp một nhà tu hành đi qua làng, ông vội chạy theo kêu lên: “Xin ông cho tôi viên ngọc quý trong cái bị của ông”. Nhà tu hành ngạc nhiên hỏi “Viên ngọc quý nào?”. Ông ta nói: “Đêm qua tôi nằm mơ thấy có ông tiên bảo là nếu tôi được viên ngọc quý của nhà tu hành sẽ đi qua làng hôm nay, tôi sẽ là người giàu có nhất trên đời. Vậy xin ông cho tôi viên ngọc quý đó”. Nhà tu hành tốt bụng móc trong bị ra và nói: “Có phải cái này không? Tôi mới nhặt được ở cánh đồng bên kia bờ suối. Nếu ông muốn thì tôi biếu ông”.
Người ấy sung sướng cầm lấy viên ngọc quý, cám ơn rồi đi ngay về nhà, trong bụng nghĩ thầm: “Từ nay mình sẽ là người giàu có, không phải vất vả gì nữa”. Thế nhưng tối hôm ấy tâm trí ông áy náy, tâm hồn ông bồn chồn, trằn trọc không sao ngủ được. Sáng hôm sau, ông cầm viên ngọc đi tìm nhà tu hành và gặp thấy nhà tu hành ấy đang ngủ ngon lành dưới gốc cây. Ông rón rén đến gần đánh thức dậy và nói: “Thưa ông, tôi xin trả lại ông viên ngọc quý này, xin ông ban cho tôi viên ngọc quý khác, tức là sự phong phú của tâm hồn, đã làm ông có đủ can đảm cho tôi viên ngọc quý này mà không tiếc xót”.
Viên ngọc quý thực sự của tâm hồn là gì để cho nhà tu hành kia có được nghị lực khước từ mọi giàu sang thế trần mà không biết tiếc xót chi cả? Đó là điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng là hai dụ ngôn “kho báu” và “viên ngọc quý”. Kho báu và viên ngọc quý ấy Chúa Giêsu đưa ra ở đây để tiêu biểu cho cái gì? Thưa, đó là nước trời. Đứng vậy, cả hai dụ ngôn đều muốn nói tới sự cao quý tột bực của nước trời, không của cải nào sánh bằng. Cao quý đến nỗi khiến mọi thứ khác đều lu mờ đi, và mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ.
Hai hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết gía trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó, chính vì vậy mà nhiều người bị lầm. Cũng như người kia có kho báu ở ngay trong thửa ruộng của mình mà không biết, hay người có viên ngọc quý giá kia cũng thế, họ nắm trong tay mà không hay, nên họ đã để vuột mất kho báu và viên ngọc quý.
Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện “Ông già xứ Ba Tư”, xứ ngàn năm lẻ một hay ngàn lẻ một năm. Câu chuyện như sau: ông già ấy có một nông trại rộng lớn, vườn rộng ao sâu, nhiều hoa quả và cá quý, ông ta nghe lời một vị đạo sĩ bán hết ruộng vườn để đi tìm kim cương. Ông lặn lội đi tìm hết nước nầy sang nước khác, nhưng không tìm thấy kim cương đâu cả, cuối cùng, hết tiền, đói khổ, quần áo rách rưới, cùng đường, ông đâm đầu xuống sông tự tử. Trong khi đó, người mua lại nông trại của ông đã tìm ra một mỏ kim cương khổng lồ ngay trong nông trại đó. Chúng ta thấy ông già Ba Tư ấy ngồi ngay trên mỏ kim cương, sở hữu mỏ kim cương kia mà không hề hay biết gì.
Nhiều người chúng ta cũng ở trong tình trạng đó chăng? Rất có thể chúng ta đang gần kề hạnh phúc nước trời và những hồng ân của nước ấy mà chúng ta không biết chăng? Đây không phải là hạnh phúc vật chất, ngắn hạn, được thực hiện ngay ở trần thế này, nhưng là hạnh phúc tâm linh, vĩnh cữu, chỉ được thực hiện trọn vẹn trong cõi sống đời đời. Đó chính là nước trời mà Chúa Giêsu muốn giảng dạy cho chúng ta biết. Nước trời như kho báu, như viên ngọc quý mà chúng ta phải cố gắng tối đa để chiếm hữu. Quả thực, mọi người Kitô chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm nước trời. Công việc tìm kiếm này không chỉ giới hạn trong một quãng thời gian hay trong một số công việc nào, nhưng suốt cả cuộc đời và trong mọi sinh hoạt. Bởi vì nước trời là cái giá trị nhất chúng ta phải tìm kiếm và chiếm hữu. Nước trời quý hơn và giá trị hơn bất cứ thứ gì chúng ta đang có hay có thể có trong cuộc sống, và nước trời sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn bất cứ cái gì cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải không ngừng tìm kiếm và sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì chúng ta có, kể cả mạng sống, để chiếm được kho báu hay viên ngọc quý này.
Nói cụ thể hơn, nước trời đây là phần rỗi, là sự sống đời đời của chúng ta, quý giá vô cùng, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm trước hết, tuyệt đối ưu tiên, sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm đoạt cho bằng được, dù phải hy sinh bao nhiêu cũng chưa đủ và chưa xong. Quả thực, khi bước vào trần thế này, chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm lấy mọi sự, nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng. Xuất thân từ bụi đất chúng ta sẽ trở về với bụi đất mà thôi, chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Chính điều đó mới đáng cho chúng ta lao nhọc để tìm kiếm và sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm hữu.
Vì vậy, chúng ta đang sống giữa những xoay chuyển của vật chất, chúng ta phải vất vả làm ăn, chúng ta phải quan tâm đến những nhu cầu cần thiết của đời sống…đó là điều chính đáng, nhưng chúng ta đừng quên: đời là tạm bợ, chúng ta cần và rất cần tìm ra giá trị vĩnh cửu ngay trong cuộc đời này kẻo quá muộn. Chúng ta hãy nhớ: đời là một dịp tiện, mỗi ngày sống là một dịp may, chúng ta có tự do và ý chí để quyết định phần giá trị cho mình. Chiếm đoạt được nước trời, tức là đạt được đời sống vĩnh cửu hay không là do chính mình. Chúng ta hãy có thái độ khôn ngoan của người tìm được kho báu và viên ngọc quý trong Tin Mừng hôm nay.
Ngay từ nhỏ những dịp đi xa, mỗi lần xe đậu tại bến xe đò, bến phà hay ga tầu hoả, nhiều lần được nghe câu.
Ông bà cô bác làm ơn cho xin đồng tiền, bát gạo.
Người ăn xin bao giờ cũng nhắm đến xin người giầu có hơn mình, không xin người nghèo khổ hơn. Thực ra xin người nghèo khó hơn mình họ có gì để cho. Vì thế câu xin nhắm đến đối tượng ông bà, cô bác. Đây là bậc trưởng thượng trong xã hội, mới có dư giả để cho. Họ cũng xin rõ ràng mạch lạc. Không xin gì khác ngoài đồng tiền, bát gạo. Thực ra mấy ai đi đường mang theo gạo để sẵn có gạo mà cho. Vì thế hầu hết người ta cho tiền để người ăn xin tự đi mua gạo và nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Người làm việc bác ái dọc đường không cần biết người ăn xin tiêu tiền như thế nào, với mục đích gì. Họ đáp lại theo yêu cầu xin cho cơm ăn, áo mặc của kẻ nghèo khó. Người ăn xin hoàn toàn tự do chi tiêu số tiền đó theo hoàn cảnh riêng từng người.
Nên nhớ không phải tất cả những người xin ăn đều phung phí, tay trắng cả đâu. Họ cũng biết tích trữ chứ. Người ăn xin không nhà cửa ngoại trừ chỗ ngủ qua đêm, tránh mưa gió. Hẳn nhiên chỗ đó không an toàn nên có lẽ tiền xin dư hay để dành được họ phải tìm cách chôn giấu quanh đâu đó. Chỗ giấu hay nhất chính là chôn dưới đất. Chẳng may người đó mất đi nếu chủ ruộng tìm được, đương nhiên hưởng gia tài chôn dấu đó.
Phúc âm nhắc đến dụ ngôn người tìm được kho tàng chôn dấu anh ta bán hết mọi sự tìm mua thửa ruộng đó. Kho tàng đây không phải của người mù chôn dấu. Kho tàng Đức Kitô muốn nói tới là kho tàng ai cũng nhìn thấy nhưng người tham của cải thế gian sẽ mù quáng không nhận ra. Chỉ những ai dám bán hết gia tài để mua mới nhận ra. Bán hết gia tài để được giầu hơn. Nghe có vẻ nghịch lí. Người ngoài nhận xét anh là chủ ruộng nghèo vì đã bán hết mọi sự. Ngoài ruộng ra anh còn chi. Thực tế anh giầu hơn không phải vì đất ruộng tăng giá. Anh giầu hơn vì anh có thửa ruộng cộng thêm kho tàng chôn dấu trong ruộng.
Người xưa dùng hình ảnh viên ngọc quí và hình ảnh chủ ruộng là hình ảnh của khôn ngoan. Chỉ người khôn ngoan mới có khả năng tậu viên ngọc và có tiền làm chủ ruộng. Đại đa số đều làm thuê, công nhân. Viên ngọc quí và kho tàng chôn trong ruộng là hai hình ảnh Đức Kitô dùng chỉ về nước trời. Người giầu có là người có Lời Chúa làm chủ cuộc đời. Người khôn ngoan là người được Lời Chúa soi sáng trong đời. Muốn được Lời Chúa làm chủ cuộc đời người đó cần bán bỏ tất cả những chủ khác để chọn một chủ duy nhất. Chọn như thế anh sẽ một lòng trung thành với chủ. Đầy tớ trung thành với chủ là đầy tớ khôn ngoan. Khôn ngoan không phải do anh học được mà do giáo huấn chủ giáo dục, hướng dẫn biến anh trở thành người đầy tớ khôn ngoan. Nói cách khác khôn ngoan anh có được là do chủ ban cho. Anh giầu có không phải vì miếng ruộng, mảnh vườn. Anh giầu có vì gia tài anh có không bị mối mọt đục khoét, không hư hao, mất giá vì thời gian.
Chọn Chúa là Đấng duy nhất làm chủ đời mình và chọn lời Chúa làm kim chỉ nam soi đường là người sống có mục đích, biết rõ con đường mình đang đi tới, mục đích mình muốn đạt. Từ đó mọi suy nghĩ hành động đều qui hướng về mục đích cao cả đó. Đây chính là trường hợp của vua Salomon trong bài đọc một hôm nay.
Cựu ước ghi lại ơn khôn ngoan của vua Salomon khi ông biết ông non dại, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, không thể làm tròn trách nhiệm Chúa trao nên ông xin.
Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn…. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ… 1V3,7-12
Chúa ban cho điều Salomon xin và còn cho hơn cả những điều ông không biết để xin. Lý do nào Chúa làm thế? Vì Salomon không xin lợi riêng cho mình nhưng xin ơn làm tròn sứ vụ Chúa trao. Vì thế Chúa ban cho dư đầy. Xin như thế là xin Chúa làm chủ đời mình nên Chúa ban cho Solomon nhiều sự lành. Ngài cho ông trở nên công chính và khôn ngoan. Người lãnh đạo khôn ngoan và công chính mang lợi ích cho muôn dân, làm sáng Danh Thánh Chúa.
Muốn trở nên giầu có phải biết học cho đi. Muốn trở nên khôn ngoan phải biết học khôn từ lời Chúa.
19. Phải bán đi những gì để mua Nước Trời?
(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn)
Chúng ta đang sống trong một thế giới điên loạn vì vô luân vô đạo, với đầy rẫy ở khắp nơi những sụ dữ như hận thù,dâm ô, chém giết nhau từ trong gia đình ra đến bên ngoài xã hội và cộng đồng thế giới.. Bọn khủng bố cuồng tín, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, ngày một trở nên nguy hiểm cho sự an toàn của người dân lương thiện vô tội ở khắp nơi, vì lo sợ sẽ là nạn nhân của những cuộc khủng bố, bách hại của bọn cuồng tín kia. Trong khi đó, nạn bóc lột và cai trị hà khắc vẫn tiếp diễn ở các nước độc tài, nơi nghèo túng, lạc hậu và thiếu tình người, thiếu đạo đức và vô luân, đã khiến cho nhiều cha mẹ đem bán con cái cho bọn buôn người để cung cấp cho kỹ nghệ mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi.
Trên bình diện khác, bọn tư bản ở khắp nơi – đặc biệt ở Mỹ- ngày càng làm giầu với những xảo thuật về kinh tài mà giới cầm quyền cai trị cũng phải bó tay để mặc chúng thao túng thị trường chứng khoán và lèo lái kinh tế theo ý muốn có lợi cho chúng. Cụ thể, tại sao Nước Mỹ có trữ lượng dầu hỏa và khí đốt phong phú không thua gì các nước dầu hỏa Á Rập mà dân Mỹ vẫn phải mua săng với giá cao, khiến đời sống của đa số người lao động ngày càng khó khăn vì giá săng dầu không thể hạ xuống thấp được nữa? lý do là bọn tư bản, làm chủ các hãng săng dầu muốn vơ vét cho đầy túi tham, bất chấp hậu quả tai hại cho người dân lao động có mức lợi tức thấp.
Khi xã hội và cộng đồng thế giới không được chỉ huy, lãnh đạo bởi những nguyên tắc công bằng và đạo lý thì người dân sống trong đó cũng bị chao đảo về mặt tinh thần, coi thường luân lý đạo đức, là nền móng cho một đời sống tinh thần lành mạnh và hướng thượng. Hậu quả trông thấy là có biết bao người đang dửng dưng với mọi tôn giáo để chậy theo những quyến rũ về tiền bạc, của cải vật chất, danh vọng trần thế và tôn thờ khoái lạc (hedonism) với những thú vui vô luân vô đạo, như bộ mặt của thế giới tục hóa ngày nay.
Đứng trước thực trạng nói trên của con người thời đại hôm nay, là người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta nghĩ gì về niềm tin của mình? phải chăng chúng ta đang đi tìm Thiên Chúa và sự giầu sang phú quí của Nước Trời, hay đang chạy theo những trào lưu tục hóa của thời đại?
Để trả lời cho câu hỏi này, bài đọc thứ nhất và bài Phúc Âm Chúa nhật 17 mùa thường niên hôm nay cống hiến cho chúng ta giải đáp thỏa đáng để suy nghĩ và áp dụng trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta
Thật vậy, bài đọc thứ nhất, trích trong sách các Vua, kể cho chúng ta nghe sự kiện Vua Salômon, con Vua Đavid, được gặp Chúa trong giấc mơ. Chúa hỏi ông muốn xin gì, ông đã đáp như sau:
“Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và biết phân biệt phải trái,.. Thiên Chúa hài lòng vì Salômon xin điều đó, nên đã nói với nhà vua như sau: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó. Ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải; cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng và sau ngươi cũng chẳng có ai bì kịp. (1V 3, 9-12)
Đây là món quà quí giá mà Chúa đã ban riêng cho vua Salômon để giúp cho nhà vua biết khôn ngoan khi cai trị dân Chúa và biết phải trái khi phán đoán họ.
Như vậy, mỗi người tín hữu chúng ta hãy noi gương vua Salômon để xin Chúa ban ơn hiểu biết và khôn ngoan để biết đâu là gian tà và tội lỗi phải tránh và đâu là điều thiện hảo phải làm để được chúc phúc và nhất là được cứu rỗi để vào Nước trời vui hưởng hạnh phúc bất diệt với Chúa, sau khi kết thúc hành trình đức tin trên trần thế này
Thật vậy, sống trong một thế giới tôn thờ tiền bạc,của cải vật chất và những thú vui vô luân vô đạo, vô lương tâm và dửng dưng trước sự nghèo đói và đau khổ của đồng loại, người tín hữu chúng ta cần thiết phải xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan,và can đảm sống theo đường lối của Chúa để không đi vào con đường đưa đến hư mất đời, vì “người nào được cả thế giới mà mất sự sống ( mất linh hồn) thì nào có lợi ích gì?” như Chúa Giê su đã nói với các môn đệ và những người đến nghe Chúa giảng dạy xưa kia. (Lc 9,25) Nói khác đi, chúng ta phải noi gương vua Salômon đã không xin Chúa cho được giầu sang, được sung sướng vật chất, mà chỉ xin Chúa cho được khôn ngoan để biết phân biệt điều hay việc tốt phải làm, và sự xấu sự dữ phải tránh để không chạy theo những quyến rũ về tiền tài danh vọng chóng qua ở đời này khiến quên lãng điều cần thiết và quan trọng hơn là tìm Chúa và hạnh phúc sang giầu của Nước Trời.
Mặt khác, cũng chính trong mục đích tìm sự khôn ngoan, ơn hiểu biết để sống giữa thế gian với biết bao người chỉ biết đi tìm những lợi lãi chóng qua ở đời này, và không thắc mắc gì đến tương lai ngày mai sau cái chết mà không ai có thể tránh được, Bài tin Mừng thánh Matthêu Chúa Nhật 17 mùa thường niên hôm nay cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu xa về ba dụ ngôn Chúa Giêsu kể cho các môn đệ về Nước Trời.
Trước hết là dụ ngôn về kho báu chôn dấu ngoài thửa ruộng kia. Có người tìm được và đã về bán tất cả gia sản của mình để mua lấy thửa ruộng có kho báu chôn dấu trong đó.Cũng vậy, một thương gia đi tìm ngọc quí, khi tìm được đã về bán tất cả những gì mình có để mua viên ngọc quí đó.
Nước Trời cũng được ví như kho báu và viên ngọc quí mà nhờ đức tin chúng ta tìm được. Nhưng tìm được rồi, chúng ta có về bán đi tất cả những gì mình có để mua kho báu và viên ngọc quí đó hay không?
Nói khác đi, nếu đức tin cho ta biết có Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, có hạnh phúc Nước Trời mà “mắt chưa từng xem thấy, tai chưa hề nghe, lòng trí chưa từng nghĩ đến” (1Cr 2,9), thì chúng ta phải bán đi những gì mình có để mua lấy Nước trời hầu được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc giầu sang.
Câu chuyện người thanh niên giầu có trong tin Mừng Thánh Máccô đủ cho ta thấy ham mê của cải, tiền bạc ở đời này là một trở ngại lớn cho ai muốn vào Nước Trời. Cụ thể, anh thanh niên giầu có kia, mặc dù đã thực hành tốt mọi điều răn của Chúa, nhưng khi Chúa Giêsu bảo anh hãy về bán hết tài sản và bố thí cho người nghèo rồi trở lại đi theo Chúa, thì anh đã buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải khiến không thể hy sinh được. Vì thế Chúa đã nói với các môn đệ như sau: Những người giầu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 23-24)
Như thế đủ cho thấy là ham mê của cải, làm nô lệ cho tiền bạc là một trở ngại lớn cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa.
Và để tìm kiếm Nước Trời, qua ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa nhật này, Chúa Giêsu cũng có ý cho ta hiểu rằng Nước Trời còn quí giá hơn cả kho báu chôn kín trong thửa ruộng hay viên ngọc quí mà thương gia kia tìm được.Kho báu ấy chính là Thiên Chúa và Vương Quốc bình an và hạnh phức của Người.
Vậy, ta phải bán đi những gì để mua Kho Báu ấy?
Những gì người ta có là lòng ham mê tiền bạc và của cải cùng danh vọng ở đời này.Thêm vào đó, là lòng ham muốn những vui thú bất chính,dâm ô thác loạn, hận thù nghen nghét, bất công chèn ép, bóc lột người khác và dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ của biết bao người xấu số trong xã hội. Tất cả đây là những trở ngại cho ai muốn được vào Nước Trời để hưởng hạnh phúc giầu sang phú quí vinh cửu mà Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã dành sẵn cho nhưng ai yêu mến Người, hơn yêu mến tiền bạc, danh vọng và mọi thú vui vô luân vô đạo ở đời này
Như vậy, nếu muốn mua Nước Trời, thì mỗi người chúng ta phải bán đi những gì mình đang có – hay nói khác đi- phải từ bỏ những trở ngại để có thể vươn tâm hồn lên cùng Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc giầu sang. Nếu lòng trí ta còn nặng chĩu những tham sân si ở đời này, thì chắc chắn không thể đến gần được Chúa và không có hy vọng gì mua được sự giầu sang phú quí của Nước Trời.
Thực trạng đáng buồn trong cách sống đạo của rất nhiều người tín hữu ở khắp nơi ngày nay đã chứng minh điều này: có những người thường xuyên bỏ lễ ngày Chúa Nhật và những ngày lễ trọng, hoặc không bao giờ đi xưng tội hay bỏ giờ ra cầu nguyện, nhưng lại luôn luôn có mặt ở những cuộc hội họp ăn uống và nhẩy nhót cuồng loạn. Có những người đã bỏ -hay li dị vợ già- để về Vietnam cưới những cô gái trẻ đáng con cháu của mình, bắt chấp sự cười chê và phỉ nhổ của dư luận quần chúng.
Lại nữa, có biết bao người đã và đang thi nhau về VN để ăn chơi tội lỗi, vì hoàn cảnh xã hội suy đồi về đao đức và khó khăn về kinh tế ở bên nhà, đã khiến cho nhiều phụ nữ phải bất đắc đi làm các nghề mua vui cho người khác để kiếm của nuôi thân.
Nếu người tín hữu Chúa Kitô mà cũng lăn mình vào nếp sống của những người vô luân, vô đạo kia, thì làm sao có thể mua được Nước trời với giá phải loại bỏ những đam mê trần thế để sống theo đường lối của Chúa, vì “ nếu được mọi lợi lãi ở đời này mà mất linh hồn thì được ích gì”?
Sau hết, qua dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển để bắt nhiều loại cá tôm. Nhưng người thả lưới sẽ chỉ lựa loại cá tôm tốt bỏ vào giỏ, còn loại xấu thì sẽ quăng đi.Hình ảnh này cũng cho ta biết là Thiên Chúa, trong ngày sau hết, sẽ sai các thiên thần đi gom những người thực tâm mến Chúa, yêu người và chê ghét mọi sự dữ, mọi quyến rũ về của cải và vui thú vô luân vô đạo ở đời này và đưa họ vào Thiên đàng vui hưởng thánh nhan Chúa. Còn những kẻ đã mê mãi chạy theo và làm những sự dữ ở trần gian này, bắt chấp lương tâm và lòng kính sợ Chúa, thì sẽ bị ném vào hỏa ngục để bị thiêu đốt như người ta đốt cỏ dại, quăng cá tôm xấu xuống biển, và chỉ lấy lúa chin bỏ vào kho và tôm cá tốt vào giỏ. Chúa nói: ai có tai nghe thì nghe. (Mt 13,43; Mc 7,16; Lc 8,8)
Ước chi ba dụ ngôn Chúa Giêsu kể trong Tin Mừng Chúa nhật này đủ đánh động tâm hồn mỗi người chúng ta để giúp chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Xem thực sự mình có lòng yếu mến Chúa và quyết tâm sống theo đường lối của Người, hay đang chạy theo những vui thú tội lỗi, những ham mê về của cải và danh vọng hư hão trong trần thế này, đến coi nhẹ hay quên mất mục đích tối cao là tìm kiếm Thiên Chúa và hạnh phúc giầu sang của Nước Trời.
Xin Chúa Thánh Linh ban cho ta ơn hiểu biết và khôn ngoan như vua Salô mon đã xin Chúa xưa kia để giúp chúng ta biết lựa chọn và sống đức tin cách vững chắc để được gặp Chúa và vui hưởng hạnh phúc vinh cửu trên Nước Trời mai sau.
20. Kho báu ẩn dấu và viên ngọc quý
(Suy niệm của Lm. Pietro Nguyễn Hương)
Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lỉ. Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.
Trong tác phẩm nổi tiếng “la Pensées”, Pascal (triết gia Công Giáo Pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng. Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp. Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.
Bậc thứ hai cao trọng hơn là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ. Đây là một bậc có một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài. Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.
Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng. Gounod cho rằng: “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng”. Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia. Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).
Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện. Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay trong chính đời sống của mình.
Lời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này: Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa và phân biệt lành dữ. Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả.
Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa ruộng” và “viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báo” và ‘viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.
Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ secondhand, “hàng ế”! Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống. Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: “Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (Bài giảng ở Sydney 2008). Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.
Như hai người trong Tin Mừng tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời mình. Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải. Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ. Có một sự bận tâm cao hơn đó là “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”; có những giá trị còn lơn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta. Amen!
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ đức Trí)
Trong kinh doanh, một quyết định đúng lúc và phù hợp sẽ đem lại lợi ích và thành công cho doanh nghiệp; với những người lãnh đạo, một quyết định đúng, khôn ngoan có thể cứu cả một dân tộc, một đất nước thoát khỏi nghèo đói và lệ thuộc, ngược lại một quyết định vội vã, thiếu cân nhắc, thiếu khôn ngoan, có thể là một tai họa cho nhiều thế hệ con cháu. Trong đời sống cá nhân, một quyết định chọn lựa khôn ngoan sáng suốt, có thể đem niềm vui và hạnh phúc đến cho bản thân, cho gia đình, ngược lại nếu đưa ra một quyết định chọn lựa sai lầm sẽ có thể để lại sự ân hận cho con người suốt cả đời.
Nếu trong đời sống thường ngày cần phải có những quyết định dứt khoát, khôn ngoan cho mình, thì Lời Chúa hôm nay cũng nhắc cho chúng ta cho chúng ta cũng cần phải có những chọn lựa khôn ngoan, dứt khoát có thể đem lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho bản thân cho gia đình ngay lúc này. Thiên Chúa hết sức tôn trọng tự do của con người, và Ngài luôn để cho con người tự do chọn cho mình một tương lai, đồng thời cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nhưng vấn đề là: Quyết định nào là quyết định khôn ngoan, và chọn lựa nào là chọn lựa dai dột?
Vua Salomon là một vị vua nổi tiếng về sự khôn ngoan trong việc điều hành và cai trị dân Chúa. Danh tiếng về sự khôn ngoan của ông đã lan truyền ra khắp vùng, dân chúng trong nước vâng phục, các vua lân bang kính nể, và nữ hoàng ở thận Phương Nam xa xôi phải tìm đến để học sự khôn ngoan của vua Salomon. Tại sao ông lại có được sư khôn ngoan như thế? Sách Các Vua hôm nay đã kể lại: Trước khi lên ngôi, Thiên Chúa đã cho ông một chọn lựa: Ngươi muốn gì, cứ xin, Ta sẽ ban cho. Khác với lẽ thông thường của nhiều người khi được một điều ước như vậy, người đời sẽ xin sự giàu sang phú quý, nhà cửa sang trọng, nhưng vua Salomon lại không màng những thứ ấy, trái lại ông xin cùng Thiên Chúa: Chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa lên kế vị Đavít, thân phụ con, mặc dầu còn trẻ người non dạ… con lại ở giữa một đám dân đông đúc không kể xiết: Xin ban cho tôi tới Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân xử một cách khôn ngoan. Lời cầu xin này đẹp lòng Chúa, ông không xin của cải, không xin sống lâu, cũng không xin chiến thắng quân thù, nên Chúa đã ban cho ông sự khôn ngoan vượt bậc, và còn ban cho ông tất cả những gì mà ông không xin: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không một ai được như ngươi, và sau ngươi không ai được bằng ngươi. Salomon đã không xin gì cho riêng mình, mà ông chỉ xin một điều là làm sao để ích lợi cho dân Chúa, cho người khác. Đối với Thiên Chúa, quyết định và chọn lựa như Salomon là một chọn lựa khôn ngoan, chứ không phải là lo tìm kiếm sự giàu sang danh vọng cho mình.
Chúa Giêsu đã giải thích rõ hơn như thế nào là quyết định chọn lựa khôn ngoan khi Ngài kể cho dân chúng nghe những dụ ngôn về Nước Trời mà Ngài so sánh như một người chuyên săn tìm kho báu, như một thương gia, hoặc như một ngư phủ chọn cá. Những người này khôn ngoan ở chỗ nào? Trước hết người săn tìm kho báu gặp được kho tàng chôn giấu trong ruộng, khi gặp được rồi, anh quyết định về bán tất cả những gì mình có để mua cả thửa ruộng lẫn kho báu. Anh ta có điên không? Trong mắt nhiều người quyết định như thế là điên khùng, vì đã liều mình đánh đổi cả sự nghiệp gia tài và cuộc đời vì kho báu ấy. Nhưng đối với người này, thì việc tìm được kho báu đã là hạnh phúc và là mục đích sự tìm kiếm cả đời ông. Ông này không chỉ cố gắng để giành cho được kho báu, mà con giành cả mảnh ruộng có kho báu đó. Cũng vậy có những người đã phải mất rất nhiều thời gian công sức không phải để tìm kiếm kho báu vật chất mà là tìm cho mình một lối đi, một hướng sống một mục đích của cuộc đời. Chính vì thế, biết được Nước Trời là hạnh phúc thật, là cùng đích cuộc đời, thì người tín hữu cũng phải có một quyết định giống như người săn tìm kho báu, đó là dám đánh đổi tất cả sự nghiệp tài sản và cả cuộc sống của mình vì hạnh phúc mai sau. Đó mới là quyết định khôn ngoan, sáng suốt.
Nếu như câu chuyện về người săn tìm kho báu hoặc thương gia đi tìm ngọc quý, khi tìm được, họ đã quyết định đánh đổi cả gia nghiệp để có được kho báu hay viên ngọc quý, thì hình ảnh người ngư phủ chọn cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài, muốn nói đến sự chọn lựa trong cuộc sống thường ngày. Người Do Thái chỉ được phép ăn một số cá mà thôi, có một vài loại cá họ không được phép ăn, vì bị cho là những con vật dơ bẩn. Vì thế với công việc thường ngày của một ngư phủ, khi kéo lưới lên, anh ta sẽ phải cần mẫn để chọn lựa loại cá nào có thể ăn được, và loại bỏ những loại cá nào mà luật không cho phép ăn. Cá ăn được sẽ bỏ vào giỏ, còn cá dơ thì ném ra ngoài. Với hình ảnh này Chúa Giêsu cho thấy: Thiên Chúa sẽ là người chọn lựa, những người trong sạch thì được để riêng vào nơi hạnh phúc, con người xấu, kẻ từ chối Thiên Chúa và Tin Mừng của Ngài thì sẽ bị ném vào lò lửa; Người tốt, việc tốt thì được chọn vào “giỏ Nước Trời” còn người xấu việc xấu thì bị ném ra ngoài. Kế đến, cuộc đời của người theo Chúa cũng phải là một cuộc chọn lựa liên tục, chọn điều tốt, và loại trừ điều xấu. Những ai biết chọn đứng về phía Thiên Chúa và chọn mang lấy Tin Mừng của ngài và làm những việc tốt lành thì được cứu độ, còn những ai đứng về phía ma quỷ và những kẻ chống đối Thiên Chúa, từ chối Đức Kitô và Tin Mừng thì bị loại ra ngoài.
Bài đọc hai cho thấy chọn lựa của Thánh Phaolô: là một thanh niên giỏi giang xuất chúng, Phaolô có thể có một tương lai rạng rỡ trong con mắt của người đời và được mọi người kính phục cũng như ước ao, tuy nhiên Phaolô đã không chọn con đường của thế gian, mà trái lại ông đã được chọn và ông vui với việc được trở thành môn đệ Chúa Kitô. Cũng vì quyết định đáp lại lời mời gọi của chúa Kitô mà Phaolô đã rơi vào cảnh tù đày, dù bị tù đày, ông không hề hối tiếc song vẫn khuyên nhủ mọi người hãy sống xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Đồng thời Thánh phaolô cũng mời gọi mọi người hãy dám chọn sống theo tinh thần và lề luật của Tin Mừng đó là ăn ở khiêm tốn hiền từ nhẫn nại, lấy tình bác ái mà cư xử với nhau.
Thưa quý OBACE, một khi quyết định chọn lựa thì cũng đồng thời phải chấp nhật sự mất mát từ bỏ, chọn Đức Kitô thì phải chấp nhận những gì không phù hợp với Đức Kitô. Một khi đã nhận ra Đức Kitô và Tin Mừng của Người là đường đưa tới sự sống đời đời, là kho tàng quý giá nhất trên đời, chúng ta cần phải quyết định dứt khoát và dám đánh đổi mọi sự để có được hạnh phúc đời đời đó.
Người đời sẽ không thể hiểu được tại sao lại có những chàng trai cô gái đang căng tràn sức sống, tương lai mở rộng, lại quyết định trở thành những linh mục tu sĩ, dành cuộc đời mình trong nhà dòng; người đời cũng sẽ không thể hiểu được tại sao giữa một xã hội cổ võ cho một lối sống tự do buông thả, thì những người tin theo Đức Kitô lại quyết định bước theo con đường hẹp của Tin Mừng, của thập giá. Thưa vì những người này đã nhận ra được kho tàng vô giá là đời sống phục vụ theo gương Đức Kitô, và nhận ra hạnh phúc Nước Trời mới là hạnh phúc đích thật cho con người, nên những người này đã dám bỏ lại đàng sau tất cả để sống theo lời mời gọi của Đức Kitô.
Kho tàng là hạnh phúc cũng đang được vùi trong các gia đình, mà mỗi thành viên, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ cần phải tìm kiếm và bảo vệ bằng mọi giá, và phải chấp nhận đánh đổi tất cả những cái phụ thuộc để có thể đạt được hạnh phúc cho gia đình mình. Kho báu còn là vợ chồng là con cái, mà mỗi thành viên trong gia đình phải gìn giữ trân trọng và dám hy sinh tất cả những thứ khác để bảo vệ. Nhiều người đã quên mất điều đó, nên đã đem tình yêu và hạnh phúc của gia đình mình ra để đổi chác hoặc cầm cố, có người lại mải mê đi tìm một niềm vui nào đó nơi công việc hoặc tìm ở ngoài gia đình, mà quên rằng chỉ có gia đình mới thực sự là tổ ấm là cái nôi hạnh phúc cho mỗi người.
Một cám dỗ nguy hiểm cho nhiều người trẻ hôm nay, đó là cuộc sống xã hội đang tạo ra nhiều giá trị ảo, mục tiêu ảo, hạnh phúc ảo, thế giới ảo và nhiều thứ ảo giác khác khiến cho nhiều người trẻ đã lạc đường, mất hướng không còn biết mục đích cuộc đời của mình là gì, và hạnh phúc thật là gì. Chính vì thế đã có nhiều bạn trẻ thay vì đánh đổi cuộc đời mình để đạt được hạnh phúc Nước Trời, trái lại họ đang đốt cháy cuộc đời mình trong nghiện ngập, đam mê chơi bời, cờ bạc, buông thả. Nhiều người trẻ đang bị cám dỗ để lao vào tìm kiếm các giá trị ảo trong xã hội như tìm kiếm sự nổi danh, nổi tiếng, tìm đẳng cấp ăn chơi đua đòi hưởng thụ, và tiêu phí cuộc đời mình trong những thứ đó.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, biết nhận ra Đức Giêsu là nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc đời và Tin Mừng của Ngài là một bảo đảm để đạt được hạnh phúc ấy, để chúng ta dám đánh đổi tất cả những sự tạm bợ của thế gian này, để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu mà Chúa đem đến cho chúng ta. Amen.
22. Hãy làm mọi sự để có được Nước Trời
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Một điều vô tiền khoáng hậu như thế được ký kết trong một giấc mộng tại Gabaon giữa một bên là Thiên Chúa, bên kia là Salomon, Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin … đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi” (1V 3, 12).
Thiên Chúa muốn thông ban người vinh quang đã có tự đời đời cho con người. Vinh quang này được sánh như một kho báu hay một viên ngọc quí trong Tin Mừng hôm nay. Con người luôn luôn tìm kiếm hạnh phúc, và Đấng là nguồn mạch mọi ơn phúc. Thiên Chúa muốn chia sẻ vinh quang ấy cho con người. Chính con người cũng không biết mình được dựng nên để vui hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Theo thánh Phaolô thì Thiên Chúa biết chúng ta từ thủa đời đời; khi được tạo thành, Ngài đã gọi tên ta. Theo nghĩa Thánh Kinh, Thiên Chúa biết chúng ta bằng cả tấm lòng, Ngài cưu mang chúng ta trong lòng Ngài, như một người mẹ biết con mình khi cưu mang con trong dạ.
Kế hoạch của Thiên Chúa là Ngài muốn chúng ta trở nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Ngài, vì Chúa Giêsu là hình của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói với Philiphê “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Nói cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta là một thành viên trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là một đại ân huệ Thiên Chúa dành cho chúng ta! Nên Ngài mời gọi chúng ta trở nên hình ảnh của Con Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, nhất là mang trên mình danh hiệu là Kitô hữu “Đức Giêsu Kitô: làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài ” (2Cr 8,9).
Nếu chúng ta nghe và đáp lời Chúa, Thiên Chúa sẽ biện hộ cho chúng ta; Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên thánh thiện, hoan lạc, hạnh phúc và chiếu tỏa rạng ngời vinh quang Chúa phù hợp với Thiên Chúa. Vì kế hoạch của Thiên Chúa là ” Những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang ” (Rm 8, 29-30).
Trong khi đó, kế hoạch của con người, là đi tìm hạnh phúc. Việc tìm kiếm này đòi phải phân định. Như chiếc lưới kéo lên tất cả các loại cá, nên hạnh phúc cũng có tất cả các loại. Có những thứ hạnh phúc đích thực, có những thứ hạnh phúc rẻ tiền, hão huyền, trống rỗng và giả dối.
Vua Solomon đã xin Chúa ban cho một “tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ” (1V 3, 9).
Để có hạnh phúc thực sự, cần phải cầu xin Chúa như Salomon: cho được ơn làm chủ bản thân, biết phân biệt tốt xấu, chọn lựa điều tốt, bỏ điều xấu. Vì tất cả những gì chúng ta hài lòng chưa hẳn đã là tốt.
Có ơn phân định, để nhận ra tiếng Chúa, làm theo kế hoạch của Chúa, như tác giả Thánh Vịnh đã hát: ” Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ ” (118, 127-128). Cần phải có tâm hồn tỉnh thức, sẵn sàng không hời hợt, bốc đồng.
Tỉnh thức, thì dễ vâng phục và lắng nghe Chúa hơn, như thế mới có hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây chính là điều Chúa Giêsu áp dụng cho Nước Trời, khi Người sánh ví như một kho báu hay một thương gia đi tìm ngọc quí.
Nước Trời, là chủ để hạnh phúc chúng ta tìm kiếm, đôi khi có thể được tìm thấy một cách tình cờ, như người kia tìm được kho tàng khi cày ruộng. Nó cũng có thể là kết quả của cuộc tìm kiếm lâu dài, như người buôn nọ đi tìm ngọc quý (Mt 13, 45). Và khi đã tìm được kho tàng, hay viên ngọc quý rồi, điều trước tiên như Chúa Giêsu nói là bán hết những gì đang có, để mua bằng được kho tàng và viên ngọc.
Kho tàng hay viên ngọc quí ấy là chính Đức Kitô, là tình yêu của Người. Tiên vàn hãy tìm kiếm Chúa Kitô trước đã. Ôi thật là khó, vì chung quanh chúng ta có quá nhiều ràng buộc, ngăn cản chúng ta gắn bó với Đức Kitô. Chúa Giêsu hỏi chúng ta dành cho Người tình yêu trên hết, chúng ta phải là kitô hữu 100%.
Chúa Giêsu tuyên bố: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” (Mt 6,24). Chỉ có “kho tàng trên trời” chúng ta mới có thể lựa chọn để gửi gắm lòng mình: “Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mt 6, 20s). Thánh Phaolô nói rõ: “Nước quê ta là trời cao” (Ph 3,20).
Để có Đức Kitô, hay để có được Nước Trời cần phải dứt bỏ tất cả như Chúa Giêsu gọi mời: “Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta” (Mt 16,24)… Và chỗ khác Người nói: “Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy đi bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó”, sau cùng Người thêm: “đoạn hãy đến theo” (Mt 19,21). Không những thế còn phải phấn đấu, “giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta rằng không thể có được Nước Trời, nếu chúng ta không từ bỏ tất cả những gì chúng ta đang có: vinh quang, giầu có, địa vị và tất cả những sự tìm kiếm khác.
Qua dụ ngôn chiếc lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá, (Mt 13, 47) Chúa Giêsu cảnh báo. Đừng có lựa chọn và hành động nửa vời: cần phải hoán cải và tách mình ra khỏi tội lỗi là những thứ ngăn cản chúng ta với Thiên Chúa và Nước Trời.
Chúng ta hãy nài xin Chúa Giêsu, nhờ lời Đức Mẹ, dủ lòng thương xót, để mỗi người chúng ta có nghị lực vứt bỏ tội lỗi, như chúng ta vẫn tuyên xưng vào Đêm Vọng Phục Sinh, và cam kết chọn Chúa Giêsu là lẽ sống của chúng ta. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam