Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1355398

Cái Nôi Đầu Tiên Lên Đường Di Cư

Cập nhật : 26-12-2010
 

Cái Nôi Đầu Tiên Lên Đường Di Cư

Mt 2:13-15.19-23

G. Nguyễn Cao Luật, OP

Tin Mừng thánh Mát-thêu thuật lại chuyến đi sang Ai-cập, tiếp đó là cuộc sát hại các trẻ em vô tội, và ngày trở về Na-da-rét.

Theo chiều hướng đã chọn, thánh Mát-thêu tiếp tục giới thiệu Ðức Giêsu trong sự lệ thuộc vào thánh Giuse, người gia trưởng hợp pháp, người công chính luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa, mặc dù ý này chỉ được truyền lại trong u tối của những giấc mơ. Thế nhưng, thánh Giuse không hoài nghi, lòng tin của Người vẫn vững vàng: lúc đi cũng như lúc về, thánh Giuse đã mau mắn chỗi dậy, đem Con Trẻ và Mẹ Người lên đường.

Trong trình thuật này, Con Trẻ giữ địa vị ưu tiên: tác giả muốn làm nổi bật chức vị của Con Trẻ. Vì có những đe dọa từ bên ngoài muốn làm hại mạng sống của Con Trẻ, cả gia đình đã phải lên đường di cư. Một lần nữa, người ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng của cây thập giá.

Theo Kinh Thánh, cuộc di cư sang Ai-cập có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử cứu độ: nhắc lại cuộc giải thoát khỏi Ai-cập, cũng như hành trình vượt qua sa mạc để đi vào đất hứa. Khi dẫn chứng lời ngôn sứ Hô-sê, thánh Mát-thêu muốn gợi ra một chú giải sâu sắc về biến cố lánh nạn sang Ai-cập và trở về: lời trích dẫn đó là chìa khóa để hiểu toàn bộ sứ mạng của Ðức Giêsu.

Thiên Chúa gọi Con của Người là Ðức Giêsu từ Ai-cập về, như xưa kia đã gọi Ít-ra-en. Ðức Giêsu đã sống nơi bản thân cuộc xuất hành của dân Ít-ra-en và đã đảm nhận tất cả lịch sử Ít-ra-en. Ðức Giêsu chính là Ít-ra-en mới, Người mang lấy tất cả những gì dân Ít-ra-en đã trải qua, đặc biệt là việc xuất hành khỏi Ai-cập.

Kèm theo đó, gia đình của Ðức Giêsu là biểu tượng cho "số còn sót lại" như lời ngôn sứ Xô-phô-ni-a. Gia đình này có liên hệ chặt chẽ với Thiên Chúa, và làm tái hiện lịch sử của Ít-ra-en.

Nhìn sâu hơn, việc Ðức Giêsu từ Ai-cập trở về còn là một cuộc xuất hành cánh chung. Với Ðức Giêsu, một Ít-ra-en đích thực được thành hình, đó là Giáo Hội. Cả nhân loại đều được mời gọi lên đường đi về Ðất Hứa, bỏ lại sau lưng đất Ai-cập, là đất của nô lệ, của áp bức, của tội lỗi, để bước vào vùng đất tự do, chan hòa ánh sáng. Trong cuộc xuất hành này, Ðức Giêsu là người dẫn đầu, là Mô-sê mới. Người sẽ đi đến cùng, và đưa tất cả những ai đi theo Người về tới Ðất Hứa. Ðức Giêsu không chỉ hướng dẫn, Người còn đi tìm kiếm con người ở những vùng u tối của quá khứ, của tội lỗi, để dẫn đưa họ vào ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa.

Phiêu Lưu Trong Tin Tưởng

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, vai trò của thánh Giuse vẫn có tính cách quyết định với ba lần được báo mộng. Trong hai lần báo mộng đầu, thánh Giuse được hướng dẫn để đưa Ðức Giêsu đi lánh nạn và trở về. Như chúng ta vừa nói, đó là hình ảnh của dân Ít-ra-en: Con Trẻ được đưa ra khỏi quê hương và trở về băng qua sa mạc. Thánh Giuse đã đem lại cho sự hiện diện của Ðức Giêsu một chiều kích xã hội qua việc đưa Người hội nhập vào lịch sử của cha ông, lịch sử của toàn dân.

Còn lần báo mộng thứ ba lại khác. Sứ thần không xuất hiện, thánh Giuse tự quyết định lấy về tương lai của gia đình: khởi đầu một cuộc sống giữa lòng xã hội.

Qua những câu chuyện như thế, người ta thấy được thánh Giuse là con người không nói, nhưng hành động. Và trong khi hành động, thánh Giuse không theo ý riêng mình, cũng không hành động chỉ để bảo vệ gia đình riêng của mình theo khuynh hướng tự nhiên của một con người, ngược lại, thánh nhân luôn tuân phục chỉ thị của Thiên Chúa vì tin rằng tình thương của Thiên Chúa quan phòng luôn dẫn đưa bước đường của con người tới chỗ an toàn.

Ðể làm được như thế, thánh Giuse đã phải vượt lên trên sự sợ hãi thường tình trước những biến cố lạ lùng. Tuân phục trong phiêu lưu. Phiêu lưu trong tin tưởng.

Quyết định của thánh Giuse đưa gia đình về trú ngụ tại Na-da-rét đã có ảnh hưởng trên toàn bộ cuộc đời của Ðức Giêsu. Tên tuổi của Ðức Giêsu sẽ gắn liền với ngôi làng nhỏ bé này: "Ðó là ông Giêsu con ông Giuse, người Na-da-rét" (Ga 1,45). Và tên ngôi làng ấy còn được gắn liền với tên Ðức Giêsu trên thập giá. Ngôi làng quê ấy chẳng có gì đáng lưu ý (x. Ga 1,46) nhưng đã trở thành bất tử vì đã gắn liền với tên tuổi của Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu độ nhân loại. Chính Người đã chọn ngôi làng đó để sống những ngày của tuổi trẻ, thời gian chuẩn bị kỹ càng cho sứ vụ công khai sau này.

Cách hành động của Thiên Chúa vẫn thế. Người chọn những điều tầm thường, chẳng chút giá trị trước mặt nhân loại, để đóng góp vào chương trình lớn lao của người. Trước mặt Thiên Chúa, chẳng có gì là tầm thường; tất cả đều có giá trị của mình. Càng khiêm tốn, càng nhỏ bé, lại càng nhận được nhiều tình thương của Thiên Chúa...

Gia Ðình Hôm Nay

Ðã sống trong một gia đình loài người, và thể hiện lòng vâng phục, tình yêu thương. Người đã sống một thời gian dài tại gia đình, cho tới tuổi trưởng thành. Chính tại môi trường này, Người đã chuẩn bị thành lập công đồng của các cộng đồng, tức là Hội Thánh. Có thể suy diễn rằng, môi trường gia đình đã tạo nên hình ảnh gương mẫu cũng như đem lại kinh nghiệm cho việc thành lập cộng đoàn môn đệ sau này.

Chúng ta vừa nhắc đến ở trên là trong trình thuật này, Con Trẻ giữ địa vị ưu tiên. Khác với mọi gia đình trần gian, gia đình Na-da-rét quy tụ chung quanh Con Trẻ, chứ không phải chung quanh những người lớn. Chính Con Trẻ đem lại cho gia đình ý nghĩa độc đáo. Toàn bộ gia đình đều hướng về việc chuẩn bị cho sứ vụ của Ðức Giêsu. Gia đình ấy không sống cho riêng mình. Gia đình ấy chỉ đạt được ý nghĩa của mình khi giúp Con Trẻ sống cho Thiên Chúa.

Ðức Giêsu không chỉ sống tại gia đình Na-da-rét, nhưng từ cộng đoàn nhỏ bé ấy, Người muốn thành lập một đia đình rộng lớn, bao gổm toàn thể nhân loại, tức là Hội Thánh, là cộng đoàn những người tin.

Ðiều này có nghĩa là, trong viễn tượng của Nước Trời do Ðức Giêsu thực hiện, mọi thực tại trần gian đều được hiểu theo sự chuyển động mới. Chúng không đánh mất giá trị của mình, nhưng được đặt vào trong những tương quan khác, sâu xa hơn và như vậy chúng chỉ có tính tương đối. Nói cách khác, chúng sẽ được đánh giá tùy theo mức liên hệ với thực tại Nước Trời, với Ðức Giêsu.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới phải đối diện với cuộc nỗ tung của đời sống gia đình: vấn đề gia đình đang gặp phải những khó khăn, và đang cần được đặt lại, có khi tận gốc. Những người ki-tô hữu chúng ta được mời gọi để nhắc nhở cho người khác về ý nghĩa đích thực của gia đình: tầm mức lớn lao của gia đình được thể hiện khi nó trở thành nơi chuẩn bị, nơi đào tạo cho một thế giới mới, cho một cộng đoàn thần linh mà Thiên Chúa muốn làm này sinh giữa chúng ta.

Gia đình không tự khép kín nơi chính mình, nhưng là cái nôi để mỗi thành phần trong đó được lớn lên, được phát triển, vươn tới những cộng đoàn khác, và cuối cùng là cộng đoàn Hội Thánh.

Trình thuật của thánh Mát-thêu đã quan niệm gia đình như một điểm bản lề giữa truyền thống và lịch sử. Vai trò của gia đình chính là đưa đứa trẻ vào trong một nền văn hóa, một "đẳng cấp" thiêng liêng. Sứ mạng của gia đình là mở ra cho Con Trẻ một tương lai, đặt Con Trẻ vào con đường lịch sử riêng của mình, con đường của tự do.

Qua cách diễn tả của thánh Mát-thêu, "Thánh Gia Thất" là mối dây sự sống, đã vượt qua cái chết do các bậc vua chúa nắm quyền bính, đã đi qua sa mạc, đã cư ngụ tại biên thùy của mọi miền đất Ga-li-lê của dân ngoại, và là cái nôi đầu tiên của cộng đoàn Hội Thánh sau này.

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ