Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 59

Tổng truy cập: 1362294

CÁM DỖ

CÁM DỖ

 

Chàng thanh niên vừa lên 18 tuổi khi giết viên cảnh sát. Trước khi tuyên án, quan tòa đã hỏi anh có muốn nói điều gì không. Bằng một giọng nức nở, anh đã nói lên một sự thật kín đáo chưa bao giờ tiết lộ: “Thưa quan tòa, tôi rất ân hận vì việc tôi đã làm. Tất cả mọi sự đã bắt đầu khi tôi ăn cắp một đô la trong bóp đựng tiền của mẹ tôi. Rồi tôi ăn cắp hai đô, năm đô, rồi 10 đô, và mỗi lần số tiền ăn cắp cứ tăng lên. Tôi đã bắt đầu lấy trộm đồ dùng của nhà trường và cửa hàng tạp hóa. Một ngày nọ, tôi đã gia nhập vào một nhóm du đãng. Sau cùng chúng tôi quyết định ăn cướp ngân hàng. Đó là khi tôi bắn ông cảnh sát chết. Tất cả mọi sự đã bắt đầu khi tôi ăn cắp một đô la trong cái bóp đựng tiền của mẹ tôi.

Đây chính là câu chuyện diễn tả cơn cám dỗ đã ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như thế nào. Một cách rất chậm chạp và từ từ, nó đã làm cho chúng ta đi vào con đường sai lạc và tội lỗi. Bài Phúc âm hôm nay, diễn tả rất chi tiết cơn cám dỗ của Chúa Giêsu sau bốn mươi ngày ăn chay, cầu nguyện. Suy niệm về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, văn hào Dostoievesky đã viết rằng ba cơn cám dỗ được diễn tả trong Phúc âm thống trị toàn thể lịch sử nhân loại và vạch ra những mâu thuẫn đối nghịch trong bản năng của mỗi người chúng ta.

“Nếu là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”: Cơn cám dỗ về bánh nói lên cái ước muốn căn bản nhất, bản năng sinh tồn của con người. Thân xác với những sự khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.

Sau đó ma quỷ đưa người lên nóc đền thờ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi…” Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình, muốn tránh khỏi thực tại phũ phàng. Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men bia rượu, thuốc lá, á phiện, thuốc kích thích… Ngay cả trẻ con cũng say mê những chuyện thần tiên, mộng mị, và muốn làm siêu nhân, thần thánh. Tất cả đều nói lên cái bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh.

Sau cùng, ma quỷ lại đưa Chúa Giêsu lên đỉnh núi cao xem thấy mọi nước thế gian cùng vinh quang của chúng và nói: “Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi người chúng ta. Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình. Bắt đầu từ tội nguyên tổ muốn ngang bằng Thiên Chúa, bạo lực lan tràn trên khắp thế giới.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu. Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin. Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình. Cả ba Phúc âm, Matthêu, Marcô và Luca, đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giocđan, và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận được từ nơi Chúa Cha.

Cơn cám dỗ của Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của ông Adong và bà Eva trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách Sáng Thế Ký. Ma quỷ gieo sự nghi ngờ, và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa. Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa, và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực”, bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.

Sau khi chịu phép rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin. Ở đó chúng ta phải chịu nhiều cám dỗ. Những cám dỗ của chúng ta đều là những thử thách của niềm tin, của căn tính người Kitô hữu, con cái Thiên Chúa, môn đệ Chúa Giêsu.

 

38.Cám dỗ

Trong một khu phố nơi thường có những chiếc xe hơi phóng rất nhanh qua những con đường yên tĩnh gây nguy hiểm cho trẻ em, người già và khách bộ hành qua lại, những người dân cư ngụ tại đây rất lo lắng cho tính mạng của thân nhân và chính họ. Họ họp nhau lại, làm đơn thỉnh nguyện lên trạm cảnh sát, yêu cầu cảnh sát phải thường xuyên tuần tiễu trong khu vực và phạt những tài xế vượt quá tốc độ ấn định. Bởi đó, cảnh sát phải chấp hành theo lời yêu cầu của người dân trong vùng. Vào ngày đầu tiên, cảnh sát bắt được năm tài xế chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, tất cả năm tài xế này đã nổi giận vì hình như cả năm người đều đã ký tên trên thỉnh nguyện thư yêu cầu phải áp dụng luật giao thông và phạt gắt gao những ai đã vi phạm.

Biết mình là những con người yếu đuối. Giáo Hội dùng Mùa Chay để giúp chúng ta ăn năn sám hối tội lỗi, và ý thức về ơn gọi của mình hơn. Chúng ta là ai? Sống để làm gì? Có mục đích gì? Hy vọng của ta là gì? Có những người mà thánh Phaolô gọi là: “Những người sống đối nghịch với thập giá của Đức Kitô”, “Chúa của họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian”, vì thế, “chung cục của họ là sự diệt vong”. Chúng ta có phải là những người này không? Chúng ta có là một người Kitô hữu đích thực, người công dân của Vương Quốc Thiên Chúa đang sống và tuân giữ những luật lệ yêu thương của Người, thờ phượng một mình Thiên Chúa và phụng sự Người không?

Theo gương chiến thắng của Chúa Giêsu trong cơn cám dỗ, các nhà tâm lý đạo đức thường khuyên chúng ta những điều thực hành như sau:

1. Không bao giờ đối chọi một mình với cơn cám dỗ.

Cần phải cầu nguyện. Cuộc đời của Chúa Giêsu từ lúc nhập thể cho đến lúc lên trời luôn được các thiên thần bao quanh và thờ lạy, vì Ngài luôn liên kết với Thiên Chúa Cha. Nhờ cầu nguyện Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn”. Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thiên Chúa và với các thánh trên trời.

Đừng để ma quỷ tấn công bạn một mình. Trước khi xa cách Thiên Chúa, người ta thường bị cám dỗ rằng mình không cần đến người khác giúp đỡ, hay cho rằng những người đi nhà thờ đi lễ chỉ là những người đạo đức giả, hoặc nghĩ rằng bạn cũng có thể là một người Kitô hữu tốt mà không cần phải đến nhà thờ. Cô lập hóa là chiến lược của ma quỷ. Bởi Thiên Chúa không cứu rỗi một cách riêng lẻ những ai thiếu liên kết. Hãy liên kết chặt chẽ với gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội.

2. Đừng đùa giỡn với cám dỗ.

Nó rất nguy hiểm và chết người. Chúng ta thường nghĩ rằng cám dỗ phải lén lút và rón rén đến cửa sau nhà chúng ta. Có thể là như vậy nhưng không hẳn. Nhiều khi nó đến ngay trước cửa nhà. Chúng ta biết đó là sai và không nên làm. Nhưng chúng ta tự nhủ: đâu có sao, nhằm nhò gì, đâu có ai biết. Hay tệ hại hơn, chúng ta lại tự biện minh rằng thực sự đâu có gì là sai. Con người có một tài năng vô cùng khéo léo để lý lẽ và biện minh cho cái cách mình phạm tội. Hãy nhận diện ra sự nguy hiểm của cám dỗ ngay khi nó mời gọi và quyết định dứt khoát.

3. Hãy nương tựa vào Chúa mà chống trả với cơn cám dỗ.

Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ. Ngoài những nhu cầu vật chất, con người còn cần đến những nhu cầu tinh thần, những truyền thống tốt đẹp, và những kho tàng thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại như Công đồng Vatican II đã khuyên dạy trong Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 86.

Thiên Chúa muốn chúng ta có đời sống tốt đẹp, làm việc lành thánh thiện, bác ái yêu thương, để cảm nghiệm sự trọn vẹn hoàn hảo của cuộc sống, chứ không phải chỉ sống dựa vào những lời hứa trống rỗng và dối trá của ma quỷ. Do đó, Ngài luôn giúp đỡ chúng ta chống lại cơn cám dỗ, và nhất là việc biết quay trở về với Ngài sau khi đã lỡ sa ngã phạm tội. Ở cuối bài Phúc âm hôm nay, Thánh Kinh viết: “Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người”. Các thiên thần ở đó để giúp đỡ Ngài cũng như giúp đỡ chúng ta. Hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình yêu thương nhân hậu. Một Thiên Chúa biết rõ sự yếu đuối và thất bại của chúng ta, nhưng vẫn yêu thương chúng ta.

Có một nhóm người leo núi chuyên nghiệp. Đang khi leo lên lưng chừng núi, họ gặp một ông lão đốn củi với cây rìu trên vai. “Ông lão đi đâu vậy?” những người leo núi hỏi ông. “Ta leo lên đỉnh núi để chặt cây về sửa lại nhà”. “Nhưng tại sao ông lại phải leo lên tới đỉnh núi làm gì?” họ nghi ngờ hỏi lại. “Có rất nhiều cây gỗ lớn ở xung quanh đây, leo lên cao làm gì cho tốn sức!” “Ta biết chứ”, ông lão nói, “nhưng ta cần một loại gỗ cứng và tốt, nó chỉ mọc trên những đỉnh núi cao nhất, nơi đó những cây gỗ quý đã bị thử thách và dẻo dai chịu đựng được thời tiết nắng mưa gió bão. Càng mọc trên cao, cây gỗ càng cứng chắc”.

Thiên Chúa muốn chúng ta là những cây gỗ quý cứng cáp và mạnh mẽ để phục vụ Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy gắn bó chặt chẽ với nhau, tham dự các buổi thờ phượng đạo đức thường xuyên của Giáo Hội, tránh né mọi dịp cám dỗ khi xảy đến, và đổ đầy tâm trí chúng ta Lời Chúa. Được như vậy chúng ta sẽ đứng vững như Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã chịu cám dỗ của ma quỷ và đã chiến thắng.

 

39.Nếu bạn không làm, thì ai?

Giáo sư đại học Abraham Maslow là người nổi tiếng về các tác phẩm khoa học xã hội thường hay hỏi thử các sinh viên của ông như: ai trong các anh chị sẽ là nhà văn nổi tiếng? là Phanxicô Khó Nghèo? là nhà nhân chủng vĩ đại như Albert Shweitzer? Khi gặp những câu hỏi khúc mắc như thế thì các sinh viên thường hay rụt rè và xầm xì với nhau. Nhưng nhà tâm lý gia nổi tiếng ấy thường nói với họ rằng đó không phải là những câu hỏi vu vơ mà thật sự ông ta có ý như thế và muốn các sinh viên trả lời thành thật. Ông nói: "Nếu các anh chị không làm thì ai sẽ làm đây"?

Cũng thế, trong một khía cạnh nào đó khi chúng ta tụ họp để nghe công bố Lời Chúa, chúng ta cũng phải đối diện với những câu hỏi như vậy; như chúng ta thường nghe các tác giả Tân Ước lập đi lập lại với chúng ta là: chúng ta hiện hữu không phải là do những cơ may thay đổi mù mờ; chính tình yêu Thiên Chúa đặt để chúng ta ở đây là một phần trong chương trình của Ngài để làm hoàn hảo chương trình tạo dựng của Ngài; bởi mỗi một người là một cá thể riêng biệt nên mỗi người được ban tặng một cuộc sống để sống và một công việc để thực hành mà mỗi một người một khác nhau; bất kể chúng ta là ai, chúng ta đều có một cơ hội sống để xây dựng thế giới mà chúng ta đang sống; mọi người trong chúng ta đều có một cơ hội sống để làm giàu cho đời sống tha nhân, mà họ cũng giống như chúng ta là những tác phẩm riêng biệt của Thiên Chúa tạo thành; và trong sự đáp trả tình yêu Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta, mỗi người chúng ta có một cơ hội sống để "chiến thắng sự dữ bằng sự tốt lành" (Rom 12:21).

Chúa Giêsu đã gồm tóm tất cả những điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ma quỷ đã ra sức cám dỗ Ngài mạnh mẽ để Ngài từ bỏ sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho Ngài là "chiến thắng sự dữ bằng sự tốt lành". Ma quỷ xúi giục Đức Giêsu quên đi bản tính và chối bỏ chức năng của Ngài là Đấng Thiên Sai. Nhưng sau khi ma quỷ trưng bày toàn thể thế giới trước mặt Chúa Giêsu thì Ngài đã trả lời cách đơn giản và tuyệt vời là: "Satan hãy cút đi, vì ngươi phải thờ Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài mà thôi" (Mt 4:10).

Cũng như Chúa Giêsu khi phải đối diện vói những cám dỗ của ma quỷ thì Ngài đã tự do lựa chọn tự đặt Ngài dưới Luật Thiên Chúa và sống đúng như vậy; thì giờ đây sự tự do lựa chọn ấy cũng là của chúng ta.

Hôm nay, Chúa Giêsu đang hỏi các bạn, "Ai trong các con sẽ là vị đại thánh đây?" Bất kể quí vị có ngại ngùng hay trốn lánh thế nào đi nữa thì đây vẫn không phải là câu hỏi vô ý thức hay tầm phào, mà thật sự Chúa Giêsu có ý hỏi các bạn như thế. "Con sẽ là một vị đại thánh chứ? Con sẽ mang lấy trong thân mình con tất cả các chức năng của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô chứ? Con sẽ tự chọn cho mình trở thành máng chuyển Tình Yêu Thần Linh xuống cho tha nhân chứ? Nếu không là con, thì ai sẽ làm đây?"

 

40.Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp

Với thứ Tư Lễ Tro, Mùa Chay Thánh đã khai mạc. Mùa Chay, theo Năm phụng vụ, là thời gian chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu là giá cứu chuộc cho tình trạng xa cách của con người đối với Thiên Chúa và chính mình; và khởi điểm cho tình trạng xa cách này là sự xuất hiện của tội lỗi nơi con người. Phân tích như thế để thấy được chúng ta phải khởi đầu từ đâu để đón nhận Ơn Cứu Độ Của Thiên Chúa, và sống Ơn đó trong suốt cuộc đời làm Kitô hữu của mình.

1. Tự do và yếu đuối nơi con người – Nỗ lực tấn công của ma quỉ.

Qua bài đọc 1 (St 2,7 - 9; 3, 1 – 7): Ngay từ đầu, khi con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, ma quỉ cũng đã xuất hiện dướt lốt con rắn già.

Một trong những hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người là sự tự do. Khi trao ban sự tự do, Thiên Chúa đã muốn trân trọng giá trị của con người. Con người đến cùng Thiên Chúa với tất cả ý thức và tự do. Hai ông bà đã rất thanh thản và tự nhiên khi tiếp xúc với Thiên Chúa. Nhưng cuối cùng, cả hai đã không còn thanh thản tự nhiên nữa, vì sự tự do đã được xử dụng không đúng. Có lẽ ông bà chưa ngộ ra: Sự tự do Chúa ban phát xuất từ nơi Thiên Chúa, và cũng là hiện thân của chính Người. Nếu ông bà xử dụng đúng tự do của Thiên Chúa, thì cũng đồng nghĩa với tiếng “không” trước trái cây “biết lành biết dữ”. Vì thế, khi đưa tay hái “trái cấm”, ông bà đã xử dụng tự do theo ý mình, theo hình ảnh không còn là của Thiên Chúa, mà là của chính mình. Chắc hẳn hai ông bà không muốn “gây hấn” với Thiên Chúa, nhưng đã mắc mưu con rắn. Ma quỉ, tên cám dỗ, đã thành công, khi đề ghị một tự do “giả hiệu”, và chúng đã không ngừng làm điều đó cho đến hôm nay. Chỉ mình Thiên Chúa mới có, và mới là sự Tự Do tuyệt đối đúng đắn. Con người phải xử dụng tự do Chúa ban theo đúng ý của Người, cho dù nhiều lúc cảm thấy như nó không như không phục vụ lợi ích của mình. Bài học của vườn địa đàng đã rất rõ, nhưng ma quỉ cũng rất tinh khôn và đánh lừa được nhiều người.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Như thế, để thỏa mãn nỗi khát vọng sâu xa của con người là Chân Lý, Sự Sống và Hạnh Phúc, thì không thể tìm kiếm nơi đâu ngoài Chúa, hay nói cách khác, Thiên Chúa chính là đối tượng của khát vọng đó.

Cuộc sống gắn bó và liên kết với Chúa là điều rất quan trọng, không thể tách rời, không thể nghi nan, cho dù con người phải đi qua muôn nẻo đường đời, qua bao gian nan và thử thách. Về phần mình, ma quỉ cũng tận dụng mọi thời cơ để chuyển đổi đối tượng của tự do, chân lý, tình yêu, hạnh phúc…ra ngoài Chúa. Và nỗi buồn của vườn địa đàng vẫn kéo dài đến hôm nay, nơi từng người và từng lúc.

2. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó Ân sủng càng chứa chan gấp bội”.

Hình ảnh của Ađam và Chúa Giêsu, của tội lỗi và ân sủng, hủy diệt và giải thoát, giết chết và cứu sống… đã sóng đôi nhau trong cuộc chiễn đấu nên thánh của mỗi người chúng ta. Phần thắng luôn thuộc về Thiên Chúa, cho dù là cửa hỏa ngục cũng không thể thắng được. Tự do mà Chúa ban cho chúng ta không phải là muốn làm gì thì làm, nhưng tự do là được lựa chọn. Con người được hoàn toàn tự do lựa chọn một trong hai đối tượng và tình trạng của các cặp sóng đôi ở trên. “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người trở thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ thành người công chính” (Rm 5, 12 – 19).

3. “Thế rồi ma quỉ bỏ người mà đi, và có các sứ thần đến hầu hạ Người”.

Nếu Thiên Chúa, để giải thoát con người, đã từ trời hoặc từ xa, chỉ đưa ra những mệnh lệnh hoặc chỉ dẫn cho con người khắc phục tình trạng suy thoái, và biết đường mà về với Chúa và về trời, thì cuộc chiến giữa áng sáng và bóng tối vẫn sẽ có nhiều cam go, thậm chí con người sẽ cảm thấy bất lực và bơ vơ khủng khiếp. Khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô đã soi sáng cho chúng ta ý định và chương trình thật tuyệt vời và gần gũi của Thiên Chúa. Chúa không vô hình, nhưng thật hữu hình, Chúa không xa cách, nhưng thật gần gũi. Và nhất là, Chúa không đóng vai quan tòa nghiêm khắc xét xử, nhưng mặc lấy thân phận con người, đồng hành với con người tội lỗi và yếu đuối. Qua đó, Chúa Giêsu đi trước, tay Ngài cầm tay con người, để dẫn đưa con người về bến bình an. Vì thế:

Ngài đã sinh xuống làm người như mọi người (Lc 2,1 – 14).

Ngài đã chịu bách hại bởi vua Hêrôđê (Mt 2, 1 – 12).

Ngài đã được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisen (Lc 2, 22 – 32).

Ngài đã xếp hàng chờ được chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả (Mt 3, 13 – 17)…

Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chấp nhận để cho ma quỉ cám dỗ, y như cảnh ngộ của mọi người chúng ta (Mt 4, 1 – 11). Hình dung lại bối cảnh của Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày và chịu cám dỗ trong hoang địa. Hình ảnh của “tên cám dỗ” mon men lại gần để thủ thỉ, để khêu gợi, và để đánh bóng những vui thích cơ bản của cuộc sống con người. Trong lúc cám dỗ, nó cũng thật thiện chí và năng động, tỏ ra quan tâm và săn sóc đặc biệt: bưng mâm cỗ, phục vụ tối đa nhu cầu của quí khách, mà theo ngôn ngữ của thương trường là “ thượng đế”. Sơ hở một chút là con người dễ dàng cảm thấy như “được đưa lên mây”, nhưng theo ngôn ngữ của ma quỉ là “bị hạ gục”. Một lần nữa, Chúa cho thấy những cách thức phải học nằm lòng để “tỉnh thức và đứng vững”: Luôn sống trong tình trạng làm chủ được bản thân: Nhờ ăn chay và cầu nguyện.

Lời Chúa phải là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105).

Phát huy sự tự do đúng đắn Chúa ban, là chỉ lựa chọn những gì Chúa chọn: Chúa và anh em, đặc biệt những người nghèo và bất hạnh.

Vì thế, khởi đi từ tình trạng tội lỗi yếu đuối là âm hưởng của nguyên tổ Ađam, Ađam “mới”, là Chúa Giêsu, đã hoạch định một lộ trình giải thoát và phục hồi hình ảnh cao đẹp mà Thiên Chúa có khi dựng nên con người. Lộ trình ấy được diễn tả qua lời cầu nguyện của thánh Augustinô: Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và con chỉ được an nghỉ khi trở về với Chúa.

Mỗi lần bước vào Mùa Chay Thánh, người Kitô hữu lại đươc mời gọi kiểm tra lại bước đi của mình, xem có đang đi trong quĩ đạo của hành trình của Chúa không?, ý thức rõ hơn về sự hiện diện của “tên cám dỗ”, không phải là thiểu số và thầm lặng (Mc 5, 1 – 20). Nhìn vào thực trạng đời sống đạo của nhiều người Kytô hữu hôm nay, chúng ta cũng dễ thấy ma quỉ vẫn còn chiếm được nhiều ưu thế. Cũng chỉ vì sự lơ là, tự mãn, và ngủ quên trên những “lãnh địa an toàn và giả hiệu”. Chúa đã gửi một ngôn sứ cho Giáo Hội: Đức Thánh Cha Phanxicô. Với những hành động ngoạn mục, ngài đang mạnh mẽ thúc đẩy một sự cảnh tỉnh ngay trong lòng Giáo Hội, nơi tất cả mọi thành phần của Dân Chúa.

 

41.Sống mùa chay - Lm Giuse Vũ Thái Hòa

Từ ngày thứ Tư lễ Tro vừa qua, chúng ta bước vào Mùa Chay để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, tương ứng vời 40 ngày cầu nguyện và chay tịnh của Đức Giêsu trong sa mạc trước khi Người bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng. Tại đây, Người chịu quỷ cám dỗ ba lần: hóa đá thành bánh, làm phép lạ phi thường, cho mình là vua thiên hạ.

Dân Do thái mong chờ Đấng Mêsia thực hiện những điều đó. Họ muốn Người cung cấp cho họ mọi nhu cầu vật chất, làm những điều kỳ diệu và bành trướng quyền thế của Người trên khắp địa cầu. Nhưng Đức Giêsu không làm như thế. Người chỉ thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha.

Trong hoang địa cũng như nhiều lần khác mà Tin Mừng đã kể lại, Đức Giêsu chống trả những cơn cám dỗ. Thí dụ: sau khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Người làm vua, nhưng Người lánh mặt, lên núi một mình (Ga 6:15); nhưng người Pharisêu muốn Người cho một dấu lạ từ trời (Mt 16:1); Người bị cám dỗ không đi Giêrusalem vì biết sẽ phải chịu nhiều đau khổ và bị giết. Chính ông Phêrô ngăn cản Người thực hiện điều đó và bị Người khiển trách: "Sa tan, lui lại đàng sau Thầy!" (Mt 16: 21-23). Tại vườn Ghếsêmani, Đức Giêsu bị cám dỗ nặng nề: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con..." (Mt 26:39). Và trên thập giá, Người bị nhục mạ: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền!" (Mt 27:42)

Đức Giêsu đã thật sự bị cám dỗ, nhưng Người luôn trung thành với Chúa Cha và với sứ vụ mà Cha Người giao phó. Vào đầu Mùa Chay, Tin Mừng muốn chúng ta noi theo Đức Giêsu chống trả và chiến thắng những cơn cám dỗ này:

1/ Cám dỗ về cơm bánh hằng ngày hoặc cám dỗ về nhu cầu vật chất.

Con người cần phải ăn uống và cần phải có những nhu cầu vật chất tối thiểu để sống. Điều đó rất tốt. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ chỉ sống dựa vào những nhu cầu vật chất của thân xác mà thôi. Nhiều khi chúng ta lo kiếm ăn đến nỗi không còn nghĩa đến việc tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức nữa, không còn giờ để đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, ngay cả việc tham dự thánh lễ Chúa nhật!

Trong mùa Chay này, chúng ta hãy suy gẫm Lời Chúa: "Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh".

2/ Cám dỗ về sự thành công.

Thành công trong cuộc sống là một điều rất tốt và phải làm. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ chỉ sống để thành công, muốn thành công với bất cứ giá nào, mặc dầu phải làm những chuyện không tốt như lừa dối, chà đạp người khác...; thành công để vênh vang, tự đắc, để giữ thể diện và thỏa mãn tự ái của mình.

Ngay ngày đầu của Mùa Chay, Đức Giêsu mời gọi: "Khi làm việc lành phúc đức, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy... đừng cho tay trái biết việc tay phải làm... Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn giả hình... Thiên Chúa thấu suốt những gì kín đáo" (Mt 6:1-6)

3/ Cám dỗ về quyền hành hoặc tham vọng thống trị.

Mỗi người trong chúng ta đều có một trách nhiệm, một quyền hành nào đó mặc dù là khiêm tốn. Có quyền hành, có trách nhiệm là để phục vụ và bênh vực công lý. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ là lẫn lộn giữa quyền hành và lòng tham vọng thống trị. Nếu những nhà lãnh đạo các quốc gia đều có tinh thần phục vụ dân chúng, thì bộ mặt thế giới sẽ khác hẳn!

Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy kiểm điểm lại tinh thần trách nhiệm và phục vụ của mình trong gia đình, trong nhóm, trong cộng đoàn...

Những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu chịu trong sa mạc cũng là những cơn cám dỗ của mỗi người chúng ta về vật chất, hào nhoáng bên ngoài và quyền hành. Đức Giêsu đã chiến thắng. Người cũng muốn chúng ta tham dự vào chiến thắng của Người bằng cách bước theo đường của Người và noi gương Người. Đó là mục đích của mùa Chay.

Kính chúc ông bà và anh chị em sống Mùa chay thánh thiện và đón nhận nhiều hồng ân của Chúa.

 

42.Chúa Nhật I Mùa Chay – Lm Nguyễn Bình An

Một Marylyn Moroe đẹp một hai "nghiêng nước nghiêng thành" của thập niên 60 tại Hoa Kỳ đã rơi vào cạm bẫy của thần vệ nữ và trở thành "đồ chơi" của giới trưởng giả và chính trị gia. Cái đẹp hấp dẫn, nẩy lửa và mời gọi ấy còn ám ảnh tâm tưởng nhiều cố nhân, nên dù không là anh hùng dân tộc, Monroe vẫn được sủng ái và trở thành "chim câu giao liên" tại Hoa Kỳ hôm nay.

Cái tài đảm lược "chinh đông phục tây" và "trị quốc an dân" của Caesar đã biến ông thành người kiêu ngạo khó thương và phách lối. Ông ao ước được phong thần và trở thành hoàng đế La Mã. Nguyên lão nghị viện đã ám sát ông dưới chân tượng bại tướng Pompey là kẻ thù của ông.

Các "đồ tể" và "tay sai" đâm thuê, giết mướn đã hạ sát Tổng Thống Diệm. Họ huyên hoang tự phong là "anh hùng dân tộc" hay "chính trị gia đại tài". Họ thay nhau một thời vơ vét để "vinh thân phì gia". Quả báo là họ đã nếm mùi cùng cực của kẻ mất chức, trốn chạy, qui hàng tủi nhục và tù tội đau thương.

Ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth, Đức Kitô đã sống quá tầm thường và khiêm tốn. Không hơn không kém, Ngài chỉ là con bác thợ mộc nghèo khó, vất vả kiếm ăn từng ngày. Họ hàng không ai rõ, bạn bè chẳng ai hay một điểm phi thường nào nơi Giêsu. Ngài chỉ thực sự biến đổi sau cuộc gặp gỡ với Gioan Tẩy Giả bên sông Giordan. Ra khỏi nước, Chúa Cha tuyên phong Ngài là "Chiên Thiên Chúa" và Thần Linh Chúa đưa Ngài vào hoang địa lập chí. Tại đây Ngài chìm trong đắm suy tư và cầu nguyện. Cũng tại đây, Ngài hình thành chương trình giải phóng, chọn lựa phương thế tuyệt hảo để hành động và mục đích tối hậu phải nhắm tới. Đối thủ nghi vấn về con người dị kỳ và đặc biệt này. Đối thủ nhận ra những khả năng phi thường, sự khôn ngoan tuyệt đối và những nhân đức tuyệt vời của con người này. Nhưng đối thủ vẫn không nhận ra chân tướng "cứu thế" của Ngài. Đối thủ vì thế mon men đến làm quen và truyện trò.

Thánh kinh ghi lại 3 thách đố hay 3 trò chơi đối thủ đưa ra liên hệ đến tiền, danh, chức để thử Ngài hầu "tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng". Ngài đã khôn ngoan đối đáp một là "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra", hai là "Đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi" và ba là "Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ thờ phượng duy mình Chúa mà thôi".

Tiền Ngài không ham, danh Ngài không thích, chức Ngài không thèm. Ba cái nghiệp chướng ấy: thứ nhất đã đưa đẩy nhân loại vào đường dối trá, biển lận và tham lam; thứ hai đã biến đổi tâm tính con người từ bất lực, hẹp hòi và giới hạn thành tự đắc, kiêu căng và phách lối; thứ ba đã tạo những con người được hình thành từ bụi đất, nay còn mai mất và bất toàn nên những người lạm dụng quyền bính, bất nhân và vi phạm quyền sống, lạm dụng tự do và bình đẳng của con người.

Vương quốc của Đức Kitô lấy công bình, bác ái, và yêu thương làm phương châm và ơn cứu rỗi làm cùng đích, nên tiền, danh, chức chỉ là phương tiện: "Ai muốn làm lớn, phải làm tôi mọi người".

Đời chúng ta vì thế dẫy đầy những cạm bẩy và mâu thuẩn cần chế ngự. Thoát cạm bẫy của "danh, lợi, dục" là được trưởng thành trong ơn thánh, trở nên vĩ nhân của Nước trời, vui sống tự do, hưởng công lý, an bình và bác ái. Như Đức Kitô, chúng ta phải sáng suốt và tự do chối từ những cạm bẫy do đối thủ giăng ra để sống thánh thiện và hy sinh tuyệt đối cho Thiên Chúa và tha nhân; để chết an bình và được tái sinh khải hoàn với Đức Kitô.

Thắng đối thủ và thoát tục là không tìm hư danh hão huyền. Sống trưởng thành là cộng tác và hy sinh cho tha nhân. Nên thánh thiện là biết thưa "Con chỉ chu toàn phận sự được giao phó". Như thế thì danh, chức, lộc không còn ở thế thượng phong, mà chỉ là phương tiện để tín hữu yêu thương, cộng tác, thông cảm và tha thứ. Tuyệt vời thay!

 

43.Chúa Nhật I Mùa Chay

Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa Chay. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, tương ứng vời 40 ngày cầu nguyện và chay tịnh của Đức Giêsu trong sa mạc trước khi Người bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng.

Mở đầu Mùa Chay, Giáo Hội trình bày cho chúng ta thấy Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ. Mặc dù thật sự bị cám dỗ, nhưng Đức Giêsu luôn trung thành với Chúa Cha và với sứ vụ mà Cha Người giao phó.

Đời sống của chúng ta là một cuộc thử thách, là một cơn cám dỗ triền miên, từ ngày này qua ngày khác. Chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn, chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyến rũ, lôi cuốn hấp dẫn của ma quỷ. Vì thế, thử thách và cám dỗ là một cái gì gắn liền với bản tính nhân loại, nó làm thành thân phận của mỗi người chúng ta. Cùng nhìn lại những cơn cám dỗ Đức Giêsu, ta dễ dàng nhận thấy:

Khởi đầu ma quỷ đánh ngay vào nhu cầu vật chất, nó cám dỗ về cơm bánh là những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Thật vậy, con người chúng ta cần phải ăn uống và cần phải có những nhu cầu vật chất tối thiểu để sống. Điều đó không xấu. Nhưng chúng ta nhìn kỹ lại thì nhận thấy rằng chúng ta thường bị cám dỗ chỉ sống dựa vào những nhu cầu vật chất của thân xác mà thôi. Nhiều khi chúng ta lo kiếm ăn, đến nỗi không còn nghĩa đến việc tìm kiếm những giá trị tinh thần và đạo đức nữa. Tôi lo đi làm việc kiếm tiền suốt ngày kể cả ngày Chúa Nhật không còn giờ để đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, ngay cả việc tham dự thánh lễ Chúa nhật! Khi ma quỉ phóng đại nhu cầu, muốn cho Đức Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, vật chất là tất cả đời sống, vật chất nên sống chỉ nhờ cơm bánh vật chất. Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy: "Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh", vật chất không phải là tất cả, cơm bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng còn có thứ cao hơn, nâng con người một bước cao hơn đó là bánh tinh thần của trời cao và nó cần thiết hơn. Vì thế, bên cạnh chăm lo của ăn vật chất, chúng ta cần phải chăm lo của ăn thiêng liêng cho phần tinh thần, linh hồn của chúng ta nữa. Đó chính là Lời Chúa và Mình Máu Người.

Kế đến chúng ta cũng dễ bị cám dỗ về danh vọng, về sự thành công trong cuộc sống. Đồng ý rằng thành công trong cuộc sống là một điều rất tốt và nên làm. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ chỉ sống để thành công, muốn thành công với bất cứ giá nào, mặc dù phải làm những chuyện không tốt như lừa dối, gian lận, chà đạp người khác... thành công để vênh vang, tự đắc, để giữ thể diện và thỏa mãn tự ái của mình. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng ta bị lạc vào đường cám dỗ như thế.

Cuối cùng, chúng ta dễ bị cám dỗ về quyền lực thống trị. Chúng ta muốn mình làm Vua thiên hạ, làm Vua của mọi người. Đôi khi chúng ta lại muốn ý kiến mình là quan trọng trong đám đông, mọi người phải nghe mình nói, ý kiến của tôi là số một, không còn ai hơn tôi cả...Thực tế mà nói, là con người, mỗi người trong chúng ta đều có một trách nhiệm, một quyền hành nào đó đối với gia đình hay trong xã hội, đúng hơn là một bổn phận mà mình phải chu toàn. Có quyền hành, có trách nhiệm là để phục vụ, để hoàn thành trách nhiệm và bênh vực công lý. Nhưng xem kỹ lại, chúng ta thấy mình thường bị cám dỗ là lẫn lộn giữa quyền hành và lòng tham vọng thống trị. Do đó, Lời Thiên Chúa còn vang vọng: "Ngươi phải bái lạy Đức Chúa". Bái lạy có nghĩa ở đây là nhìn nhận mình là thần dân của Chúa, bổn phận mình là làm đẹp lòng Chúa, vừa ý Chúa, đó còn là làm sáng danh Chúa. Vì thế, trong Mùa Chay này, chúng ta hãy kiểm điểm lại con người mình, xem lại những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm. Nó cũng giống với những con cám dỗ của Chúa Giêsu. Nói cách khác, những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu chịu trong sa mạc cũng là những cơn cám dỗ của mỗi người chúng ta về vật chất, hào nhoáng bên ngoài và quyền hành. Đức Giêsu đã chiến thắng. Người cũng muốn chúng ta tham dự vào chiến thắng của Người.

Mục đích cuối cùng của ma quỉ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng là lìa xa Thiên Chúa. Người ta đã rơi vào bẫy của ma quỉ nên đã không sống tâm tình người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn lên bằng cha mình, muốn chống lại cha mình. Tuy đã thắng trong trận đầu tiên, Đức Giêsu vẫn bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn cám dỗ có khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất. Khi thì đến từ những người chống đối, xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô, để ngăn cản Chúa Giêsu thực thi ý Đức Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Chúa Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ vì Người luôn tìm ý Chúa Cha. Dù phải chiến đấu trong mồ hôi vất vả, Người vẫn nói: "Lạy Cha xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha". Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ, và nhiều khi chúng ta phải mắc bẫy của ma quỷ. Ta mắc bẫy của ma quỷ khi ta đuổi theo, mải mê những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu của ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ, khi ta dùng mọi phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.

Mùa Chay này Chúa kêu gọi chúng ta trở về với Chúa nghĩa là chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. Biết mình là những con người yếu đuối nên Giáo Hội dùng Mùa Chay để giúp chúng ta ăn năn sám hối tội lỗi, và ý thức về ơn gọi của mình hơn. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cảnh giác mình như:

Một là chỉ tin tưởng một mình Chúa, thờ phượng Chúa. Tin tưởng vào vào Chúa sẽ giúp ta biết nương tựa Chúa mà chống trả với cơn cám dỗ. Ta cần phải cầu nguyện, liên kết với Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn ta biết sống đẹp lòng Chúa.

Hai là không cộng tác với ma quỷ. Hãy mạnh dạn nói không với cám dỗ ngay từ đầu. Chúng ta thường nghĩ rằng cám dỗ phải lén lút và rón rén đến cửa sau nhà chúng ta. Có thể là như vậy nhưng không hẳn. Nhiều khi nó đến ngay trước cửa nhà. Chúng ta biết đó là sai và không nên làm. Nhưng chúng ta tự nhủ: đâu có sao, nhằm nhò gì, đâu có ai biết. Hay tệ hại hơn, chúng ta lại tự biện minh rằng thực sự đâu có gì là sai. Con người có một tài năng vô cùng khéo léo để lý lẽ và biện minh cho cái cách mình phạm tội. Hãy nhận diện ra sự nguy hiểm của cám dỗ ngay khi nó mời gọi và quyết định dứt khoát.

Ba là chúng ta đặt ra cho mình một chương trình sống cho mùa Chay bằng việc cầu nguyện, làm việc bác ái, hy sinh, giúp đỡ tha nhân nhiều hơn. Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh để chúng ta đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu chúng ta biết sống trọn tình con thảo, tin cậy, phó thác vào Người.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết cậy dựa nhờ sức mạnh của Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ chiến thắng những con cám dỗ đang rình rập, tấn công và lôi cuốn chúng con. Amen.

 

44.Cám dỗ

Đời sống của chúng ta là một cuộc thử thách, là một cơn cám dỗ triền miên, từ ngày này qua ngày khác. Chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn, chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyến dũ, để rồi cuối cùng, nếu trung thành với Chúa, chúng ta sẽ được Ngài yêu thương và ân trao ban phần thưởng Nước trời.

Vì thế, thử thách và cám dỗ là một cái gì gắn liền với bản tính nhân loại, nó làm thành thân phận của mỗi người chúng ta. Và nếu đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy thử thách và cám dỗ đã xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên, vào một thuở rất xa xưa.

Thực vậy, các thiên thần lúc ban sơ cũng đã bị thử thách về lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không biết rõ cuộc thử thách ấy như thế nào, nhưng theo tương truyền, thì Lucifer, vị thiên thần mang ánh sáng, thấy mình vinh quang rực rỡ, nên đã ngang nhiên tuyên bố:

- Tôi không phục tùng Thiên Chúa nữa.

Một số các thiên thần khác về hùa với Lucifer đã quay lưng chống lại Thiên Chúa. Trong khi đó tổng lãnh thiên thần Micae cùng với các thiên thần lành thánh đã khiêm nhường xác định lập trường của mình qua lời nói bất hủ:

- Ai bằng Thiên Chúa.

Và hình phạt nào đã dành cho ma quỷ, nếu không phải là hình phạt hỏa ngục đời đời.

Thứ đến là Adong Eva. Sách Sáng thế ký kể lại rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên và cho hai ông bà được sống trong vườn địa đàng, có nghĩa là sống trong tình yêu thương và hạnh phúc tuyệt vời của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, để xứng đáng lãnh nhận tình yêu và hạnh phúc, hai ông bà đã cũng đã phải trải qua một cuộc thử thách. Và thử thách đã có mặt qua lệnh truyền của Thiên Chúa:

- Ngươi được ăn mọi thú trái cây trong vườn, ngoại trừ cây biết lành và dữ, vì ngày nào ngươi ăn trái cây ấy, ngươi sẽ phải chết.

Thế nhưng, ma quỷ dưới vóc dáng của một con rắn, đã cám dỗ hai ông bà:

- Ngày nào ăn trái cây ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết được điều lành điều dữ.

Và như chúng ta đã biết: hai ông bà đã nghe lời dụ dỗ của ma quỷ, vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, giơ tay ngắt trái cấm mà ăn. Bản chất của tội nguyên tổ không phải chỉ là một sự tham ăn bình thường, hay một khuynh hướng đam mê về tình dục mà hình ảnh trái cấm là một biểu tượng. Nhưng hơn thế nữa, bản chất thực sự của tội nguyên tổ chính là sự kiêu ngạo, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, muốn tự giải thoát mình khỏi quyền năng của Ngài. Hậu quả của hành vi bất trung ấy là gì nếu không phải là hai ông bà đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, sống trong tình trạng thù nghịch cùng Thiên Chúa, phải cúi đầu lãnh nhận bản án của đau khổ và chết chóc. Cái chết phần xác cũng như cái chết phần hồn. Án phạt này còn được lưu truyền cho con cái loài người.

Từ hai sự kiện trên, chúng ta thấy: phản bội cùng Thiên Chúa thì sẽ bị trừng phạt, trái lại trung thành với Ngài thì sẽ được ân thưởng.

Abraham ngày xưa đã vâng nghe lời Chúa, từ bỏ quê hương xứ sở, lên đường theo tiếng gọi của Chúa, tới một vùng đất xa lạ mà Ngài sẽ ban cho làm sản nghiệp, sẵn sàng sát tế Isaac, người con trai duy nhất trong tuổi già, làm lễ vật dâng kính Ngài. Vì thế, lời hứa đã được thực hiện:

- Ông đã trở thành cha của một dân tộc hùng mạnh và đông đúc như sao trên trời và như cát biển, cũng như ông đã có một mảnh đất chảy sữa và mật làm sản nghiệp.

Rồi ông Gióp, đang sống trong tình trạng giàu sang: lắm của nhiều con, thế nhưng, chỉ trong một ngày tất cả đều đã tiêu tan. Con cái bị giết chết, tài sản bị cướp bóc hay bị thiêu rụi, còn bản thân ông bị ghẻ lở nhức nhối. Thế nhưng, ông vẫn luôn trung thành cùng Chúa để rồi cuối cùng ông đã được Chúa yêu thương và trao ban cho gấp bội.

Sự thử thách không phải chỉ có trong phạm vi cá nhân, mà hơn thế nữa, còn có cả trong phạm vi dân tộc và nhân loại nữa. Lịch sử dân Do thái là một bằng chứng cụ thể. Bao lâu trung thành phụng thờ Chúa, họ được sống trong thanh bình và hạnh phúc, trái lại nếu xa lìa và phản bội Ngài, lập tức bản thân họ bị đau khổ và đất nước họ bị tan hoang.

Thế nhưng, như chúng ta thường nói:

- Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Cám dỗ và thử thách, tự bản chất, không phải là một cái gì xấu xa, trái lại nó còn là một cái gì hữu ích, giúp thanh luyện tâm hồn và làm cho chúng ta được trở nên trưởng thành, đồng thời gia tăng công nghiệp cho chúng ta.

Chính vì thế, Chúa Giêsu cũng đả chấp nhận bị cám dỗ và thử thách. Phúc âm kể lại: sau khi ăn chay bốn mươi đêm ngày, Chúa Giêsu cảm thấy đói và ma quỷ đã cám dỗ Ngài. Tuy nhiên, cơn cám dỗ cam go nhất đối với Ngài chính là cái chết trên thập giá. Ngài cũng đã phải trải qua những giây phút lo sợ và giàng co, để rồi cuối cùng thánh ý Chúa Cha đã được thực hiện và chương trình cứu độ được hoàn tất:

- Xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi.

Sống là chọn lựa. Không phải chọn lựa một lần thay cho tất cả, nhưng phải chọn lựa luôn mãi trước mỗi công việc cũng như trước những thử thách và cám dỗ. Chúa đòi chúng ta trung thành với Ngài, không phải chỉ trong những việc lớn lao, mà còn trong những việc tầm thường và nhỏ mọn.

Có như vậy, trong ngày sau hết chúng ta mới được nghe những lời nói ân tình của Chúa:

- Hỡi đầy tớ trung thành và khôn ngoan, vì ngươi đã trung thành trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi coi sóc việc lớn. Hãy vào vui hưởng hạnh phúc của chủ ngươi.

 

home Mục lục Lưu trữ