Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 34
Tổng truy cập: 1356128
Cám Dỗ
Cám dỗ
Đời sống của chúng ta là một cuộc thử thách, là một cơn cám dỗ triền miên, từ ngày này qua ngày khác. Chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn, chúng ta sẽ phải đương đầu với những quyến dũ, để rồi cuối cùng, nếu trung thành với Chúa, chúng ta sẽ được Ngài yêu thương và ân trao ban phần thưởng Nước trời.
Vì thế, thử thách và cám dỗ là một cái gì gắn liền với bản tính nhân loại, nó làm thành thân phận của mỗi người chúng ta. Và nếu đọc lại Kinh thánh, chúng ta thấy thử thách và cám dỗ đã xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên, vào một thuở rất xa xưa.
Thực vậy, các thiên thần lúc ban sơ cũng đã bị thử thách về lòng trung thành của mình đối với Thiên Chúa. Chúng ta không biết rõ cuộc thử thách ấy như thế nào, nhưng theo tương truyền, thì Lucifer, vị thiên thần mang ánh sáng, thấy mình vinh quang rực rỡ, nên đã ngang nhiên tuyên bố:
- Tôi không phục tùng Thiên Chúa nữa.
Một số các thiên thần khác về hùa với Lucifer đã quay lưng chống lại Thiên Chúa. Trong khi đó tổng lãnh thiên thần Micae cùng với các thiên thần lành thánh đã khiêm nhường xác định lập trường của mình qua lời nói bất hủ:
- Ai bằng Thiên Chúa.
Và hình phạt nào đã dành cho ma quỷ, nếu không phải là hình phạt hỏa ngục đời đời.
Thứ đến là Adong Eva. Sách Sáng thế ký kể lại rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên và cho hai ông bà được sống trong vườn địa đàng, có nghĩa là sống trong tình yêu thương và hạnh phúc tuyệt vời của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, để xứng đáng lãnh nhận tình yêu và hạnh phúc, hai ông bà đã cũng đã phải trải qua một cuộc thử thách. Và thử thách đã có mặt qua lệnh truyền của Thiên Chúa:
- Ngươi được ăn mọi thú trái cây trong vườn, ngoại trừ cây biết lành và dữ, vì ngày nào ngươi ăn trái cây ấy, ngươi sẽ phải chết.
Thế nhưng, ma quỷ dưới vóc dáng của một con rắn, đã cám dỗ hai ông bà:
- Ngày nào ăn trái cây ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ biết được điều lành điều dữ.
Và như chúng ta đã biết: hai ông bà đã nghe lời dụ dỗ của ma quỷ, vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, giơ tay ngắt trái cấm mà ăn. Bản chất của tội nguyên tổ không phải chỉ là một sự tham ăn bình thường, hay một khuynh hướng đam mê về tình dục mà hình ảnh trái cấm là một biểu tượng. Nhưng hơn thế nữa, bản chất thực sự của tội nguyên tổ chính là sự kiêu ngạo, muốn trở nên bằng Thiên Chúa, muốn tự giải thoát mình khỏi quyền năng của Ngài. Hậu quả của hành vi bất trung ấy là gì nếu không phải là hai ông bà đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, sống trong tình trạng thù nghịch cùng Thiên Chúa, phải cúi đầu lãnh nhận bản án của đau khổ và chết chóc. Cái chết phần xác cũng như cái chết phần hồn. Án phạt này còn được lưu truyền cho con cái loài người.
Từ hai sự kiện trên, chúng ta thấy: phản bội cùng Thiên Chúa thì sẽ bị trừng phạt, trái lại trung thành với Ngài thì sẽ được ân thưởng.
Abraham ngày xưa đã vâng nghe lời Chúa, từ bỏ quê hương xứ sở, lên đường theo tiếng gọi của Chúa, tới một vùng đất xa lạ mà Ngài sẽ ban cho làm sản nghiệp, sẵn sàng sát tế Isaac, người con trai duy nhất trong tuổi già, làm lễ vật dâng kính Ngài. Vì thế, lời hứa đã được thực hiện:
- Ông đã trở thành cha của một dân tộc hùng mạnh và đông đúc như sao trên trời và như cát biển, cũng như ông đã có một mảnh đất chảy sữa và mật làm sản nghiệp.
Rồi ông Gióp, đang sống trong tình trạng giàu sang: lắm của nhiều con, thế nhưng, chỉ trong một ngày tất cả đều đã tiêu tan. Con cái bị giết chết, tài sản bị cướp bóc hay bị thiêu rụi, còn bản thân ông bị ghẻ lở nhức nhối. Thế nhưng, ông vẫn luôn trung thành cùng Chúa để rồi cuối cùng ông đã được Chúa yêu thương và trao ban cho gấp bội.
Sự thử thách không phải chỉ có trong phạm vi cá nhân, mà hơn thế nữa, còn có cả trong phạm vi dân tộc và nhân loại nữa. Lịch sử dân Do thái là một bằng chứng cụ thể. Bao lâu trung thành phụng thờ Chúa, họ được sống trong thanh bình và hạnh phúc, trái lại nếu xa lìa và phản bội Ngài, lập tức bản thân họ bị đau khổ và đất nước họ bị tan hoang.
Thế nhưng, như chúng ta thường nói:
- Lửa thử vàng, gian nan thử đức.
Cám dỗ và thử thách, tự bản chất, không phải là một cái gì xấu xa, trái lại nó còn là một cái gì hữu ích, giúp thanh luyện tâm hồn và làm cho chúng ta được trở nên trưởng thành, đồng thời gia tăng công nghiệp cho chúng ta.
Chính vì thế, Chúa Giêsu cũng đả chấp nhận bị cám dỗ và thử thách. Phúc âm kể lại: sau khi ăn chay bốn mươi đêm ngày, Chúa Giêsu cảm thấy đói và ma quỷ đã cám dỗ Ngài. Tuy nhiên, cơn cám dỗ cam go nhất đối với Ngài chính là cái chết trên thập giá. Ngài cũng đã phải trải qua những giây phút lo sợ và giàng co, để rồi cuối cùng thánh ý Chúa Cha đã được thực hiện và chương trình cứu độ được hoàn tất:
- Xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi.
Sống là chọn lựa. Không phải chọn lựa một lần thay cho tất cả, nhưng phải chọn lựa luôn mãi trước mỗi công việc cũng như trước những thử thách và cám dỗ. Chúa đòi chúng ta trung thành với Ngài, không phải chỉ trong những việc lớn lao, mà còn trong những việc tầm thường và nhỏ mọn.
Có như vậy, trong ngày sau hết chúng ta mới được nghe những lời nói ân tình của Chúa:
- Hỡi đầy tớ trung thành và khôn ngoan, vì ngươi đã trung thành trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi coi sóc việc lớn. Hãy vào vui hưởng hạnh phúc của chủ ngươi.
Cám dỗ
Bấy giờ ma quỷ đem Chúa Giêsu lên nóc đền thờ Giêrusalem, cao cách mặt đất chừng bốn mươi mét, rồi bảo Chúa nhảy xuống, biểu diễn tài nghệ để người ta khâm phục, ca tụng. Như vậy là ma quỷ muốn cám dỗ Chúa về tính tự phụ tự cao, thích hư danh và thích phô trương ưu thế của mình. Đây cũng là một điểm yếu của con người. Lịch sử cổ kim đã ghi lại đầy dẫy những con người mang bệnh “muốn làm lớn”, muốn trở thành “mặt trời” để kẻ khác xoay quanh mình. Chẳng hạn, vua Babilon đã từng tuyên bố: “Ta sẽ lên trời, trên các vì sao của Thiên Chúa, ta sẽ bắc ngai ta, ta sẽ ngự trên núi Tao phùng, nơi bồng lai cực bắc, ta sẽ lên chót vót các tầng mây, ta sẽ đồng hàng với thượng đế”. Cũng vậy, ông Xêda, khi chưa lên ngôi hoàng đế Lamã, đã nói một câu phần nào trở thành kinh điển cho hậu thế: “Thà làm số một trong một làng nhỏ bé hẻo lánh bên xứ Gôn (Gaule), còn hơn làm số mười một ở kinh đô Lamã”. Và ngày nay, hằng năm, trên thế giới có xuất bản cuốn Ghi-nét (Guiness), sách ghi các kỷ lục thế giới: người nào chạy nhanh nhất, sống lâu nhất, ăn nhiều nhất, cao lớn nhất, có râu xịn nhất… nghĩa là chỉ những ai số một ở một lãnh vực nào đó mới được ghi tên vào cuốn sách ấy để hậu sinh biết. Từ ngày có cuốn Ghi-nét này, nhiều người đã cố gắng lập kỷ lục kỳ cục cốt chỉ để nổi danh, để thế giới biết tiếng. Đó, chúng ta thấy, bản tính con người muốn thần thánh hóa mình mà lại được ma quỷ thổi phồng lên nữa, thì còn gì bằng. Vậy Chúa có mắc bẫy của ma quỷ không? Không, ma quỷ muốn Chúa nổi danh sớm hơn chương trình đã định, và muốn Chúa nổi nang như một tài tử, một nhà làm xiếc có tài để dân Do thái tôn lên bậc thầy, và như vậy là làm trật được mục đích cứu rỗi nhân loại. Ý đồ thâm hiểm là như thế. Nhưng một lần nữa, Chúa dùng lời Kinh thánh để phản công lại ma quỷ: “Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Ma quỷ lại thất bại.
Thua keo này bày keo khác. Ma quỷ lại đưa Chúa Giêsu lên cao hơn nữa. Chúng đưa lên một ngọn núi. Từ ngọn núi này, chúng chỉ cho Chúa thấy tất cả quyền bính, vinh hoa, giàu sang phú quý, danh vọng và nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ ấy, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Chúng ta thấy, ma quỷ thật tinh khôn, chúng thừa biết rằng: là con người, ai cũng ham danh vọng, chức quyền, tiền của. Quyền hành là điều kiện để có danh vọng và cung cấp hay đem lại hầu hết các nhu cầu vật chất. Ngược lại, tiền của cũng là điều kiện để có được quyền hành và danh vọng: đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, và là cái lọng để che thân. Sống ở đời, hầu hết con người đều mang túi tham không đáy: người có tiền bạc, nhưng không có quyền hành, danh vọng, thì ra sức chiếm đoạt, giành giựt cho được địa vị, để có quyền, có danh gì với núi sông. Ngược lại, người có quyền hành, có địa vị, nhưng chưa có nhiều tiền thì dùng đủ mọi mánh lới, thủ đoạn, để kiếm cho thật nhiều. Còn người không có tiền bạc, cũng không có quyền hành, địa vị, thấy người khác có, nóng mũi cũng phải tranh giành cho được. Mọi người đều đầy tham vọng, mọi người đều bị quay cuồng trong những cám dỗ của danh vọng: “Cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Vậy Chúa Giêsu có mắc bẫy của ma quỷ không? Không, đứng những thứ phù vân đó, Chúa Giêsu đã chịu cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng cám dỗ. Ma quỷ thất bại hoàn toàn và bị Chúa đuổi đi: “Xéo đi, hỡi Sa tan, ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người”.
Là con người nói chung và là con cái Chúa, chúng ta đã gặp những chước cám dỗ, đang gặp những chước cám dỗ, hay sẽ gặp những chước cám dỗ. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ: bị cám dỗ chưa phải là xấu. Nếu chúng ta thắng cuộc là chúng ta thành công và được Chúa khen thưởng. Chỉ khi thua cám dỗ mới là xấu. Nhưng để chiến thắng được chước cám dỗ, thắng được ma quỷ, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác trước dịp tội, đừng đùa với lửa, phải cầu nguyện xin Chúa trợ giúp, phải kiên quyết giữ vững lập trường: “Dù ai nói ngả nói nghiêng. Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân”, “Dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây vẫn giữ đạo trời khăng khăng”, “Dù ai sang cả mặc ai, thân này nước chảy hoa trôi sá gì”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam