Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 33
Tổng truy cập: 1362370
CÁM DỖ TẠI HOANG ĐỊA
CÁM DỖ TẠI HOANG ĐỊA
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn này nằm trong Phần Mở của Tin Mừng Mt, mà chúng ta có thể xác định vị trí theo lược đồ sau đây:
A = Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả và câu trích Is 40,3 (3,1-4)
B = Gioan và Đức Giêsu: cuộc đối đầu giữa các niềm hy vọng Đấng Mêsia (3,5-15)
C = Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha đăng quang Mêsia, với câu nhắc đến Is 42,1 (3,16-17)
B’= Đức Giêsu và ma quỷ: Loại trừ niềm hy vọng Đấng Mêsia trần tục (4,1-11)
A’= Lời rao giảng của Đức Giêsu và câu trích Is 8,23–9,1 (4,12-17). Kết luận và chuyển mạch (4,18-25).
Trong phân đoạn này, tác giả Mt đã vận dụng các đoạn Cựu Ước mà ta có thể thấy qua bảng đối chiếu sau:
Mt 4,1 - Đnl 8,2-3
Mt 4,2 - Xh 34,28; x. Đnl 9,9
Mt 4,4 - Đnl 8,3
Mt 4,6 - Tv 91,11-12 (LXX)
Mt 4,7 - Đnl 6,16
Mt 4,8 - Đnl 34,1
Mt 4,10 - Đnl 6,13
Mt 4,11 - Xh 11,14; x. Đnl 32,11; Tv 91,10-11
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành năm phần:
1) Mở (4,1-2);
2) Cám dỗ thứ nhất (4,3-4);
3) Cám dỗ thứ hai (4,5-7);
4) Cám dỗ thứ ba (4,8-10);
5) Kết (4,11).
3.- Vài điểm chú giải
- Thần Khí dẫn vào hoang địa (1): Chính là Thần Khí đã xuống trên Đức Giêsu tại sông Giođan nay dẫn (anagô) Người vào hoang địa.
- hoang địa (1): Đây là một đề tài quan trọng của Kinh Thánh, vì hoang địa gây ảnh hưởng trong suốt lịch sử Dân Thiên Chúa. Lịch sử này đã ghi lại hai kỷ niệm có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra là hai mặt của cùng một hoàn cảnh. (1) Thời gian ở trong hoang địa trước tiên được trình bày như là thời kỳ sống lý tưởng của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Trong thời kỳ này, lý tưởng tôn giáo của họ phát triển phong phú và họ sống lý tưởng này ở mức hoàn hảo. (2) Thời kỳ này cũng còn được coi như một thử thách, thậm chí một hình phạt dành cho tội lẩm bẩm kêu ca và bất phục tùng. Quả thật, hoang địa vừa là nơi con người tách mình khỏi trần thế để được thanh luyện, vừa là nơi thử thách.
- để chịu quỷ dữ cám dỗ (1): Đây là một sự chọn lựa nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Tư cách Mêsia của Đức Giêsu cần được thử thách. Và sự thử thách này là một chặng cần thiết trong ơn gọi của Đức Giêsu, trong tư cách Israel mới.
- quỷ dữ (1): Từ ngữ Hy Lạp diabolos có nghĩa là “kẻ vu khống”, “kẻ tố cáo” (động từ diaballô, “tố cáo”; “kết án”). Bản LXX đã dùng diabolos để dịch từ Híp-ri satan (HL satanas). Trong Kinh Thánh, “quỷ” xuất hiện ra như là kẻ tố cáo (x. Dcr 3,1-5; G 1–2; Tv 109,6), ông hoàng của thế gian (Ga 12,31; 14,30), tên cám dỗ (G 1,8-12; 2,1-6; 2 Sm 24,1tt; 1 Sb 21,1; Kn 2,24; 1 Tx 3,5; 1 Cr 7,5; 2 Cr 11,3-15; Rm 16,17-20…). Dù với tên gọi nào, “quỷ” cũng là một “đối thủ” (nghĩa nguyên thủy của từ satan), một kẻ thù của Thiên Chúa và của loài người, nghĩa là chống lại sự thiện. Xem trong Mt: 6,13; 8,28; 12,22; 12,24; 13,25; 16,23…
- Người ăn chay suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm (2): Con số 40 chỉ một thời gian khá dài và có sắc thái là một sự hoàn tất với kết quả tích cực là giải phóng và xây dựng con người. So với Lc, Mt thêm “bốn mươi đêm” để ám chỉ thời gian Đức Giêsu ở trong hoang địa tương đương với thời gian Môsê ăn chay trên núi cao để rồi sau đó được Đức Chúa ban cho các điều khoản của Giao ước (Xh 34,28; x. Xh 25,18). Nhưng cũng có thể Mt muốn ám chỉ đến Êlia nữa (x. 1 V 19,8: ăn chay trong hành trình tiến về núi Khôrép). Hai dung mạo vĩ đại này, đại diện cho Lề Luật và các Ngôn sứ, sẽ tái xuất hiện trong cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu (cuộc Hiển Dung này chính là cuộc thần hiển. Sau đó sẽ có việc thiết lập Giao Ước mới nhờ cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh của Đức Giêsu). Có lẽ Mt muốn nói rằng việc Đức Giêsu ăn chay đã tóm kết cách nào đó kinh nghiệm của Môsê và Êlia, cũng như các cám dỗ sẽ tóm kết lịch sử của Israel tại hoang địa.
- Nếu ông là Con Thiên Chúa (3): Cám dỗ này do bởi quỷ và thử thách dưới chân thập giá do bởi người Do Thái (Mt 27,40) song song với nhau: chúng nhắm đến tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Đây cũng là một lời thách thức Đức Giêsu làm lại các cử chỉ của Môsê, để chứng tỏ thời đại thiên sai đã đến. Không có lời nhắc đến man-na, nhưng câu trả lời của Đức Giêsu khiến nghĩ đến man-na.
- đã có lời chép rằng (4): Gegraptai là thì hoàn thành (perfect) ở thái bị động của động từ graphô, “viết”. Thái bị động này thay tên Thiên Chúa, nên có thể hiểu là “Thiên Chúa đã viết”.
- vinh hoa của các nước ấy (8): Doxa (HL), “vinh quang”, đây là một từ ngữ Kinh Thánh để chỉ sự lộng lẫy huy hoàng hoặc giàu sang, sung túc, được tỏ ra bên ngoài.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở (1-2)
Bản văn này được liên kết với bài tường thuật về phép Rửa. Tại sông Giođan, Thần Khí Thiên Chúa đã được ban cho Đức Giêsu, nay cũng Thần Khí ấy lại dẫn Người vào hoang địa. Chiều hướng của bản văn là: Bởi vì Đức Giêsu đến hoàn tất nỗi chờ mong của dân Người, nhất thiết Người phải đảm nhận mọi chiều kích của lịch sử dân Người: ở tại Ai Cập (2,13-15), đi qua sông Giođan (3,13-17), cám dỗ trong hoang địa (4,1-11). Qua các cám dỗ, Đức Giêsu cho thấy Người chấp nhận trọn vẹn thánh ý Chúa Cha; Người loại trừ mọi thứ cung cách Mêsia mà Thiên Chúa không muốn (mà chính Gioan Tẩy Giả đã hình dung), để chấp nhận làm một Mêsia chịu đóng đinh.
Tất cả bài tường thuật về ăn chay và cám dỗ tập trung vào các biến cố của cuộc Xuất Hành. Dân Israel cũng là “con yêu dấu của Thiên Chúa”, nhưng tất cả hành trình trong hoang địa cho thấy họ đã là một đứa con nổi loạn và thất trung (x. Đnl 6,16; 17,2.7; ch. 32–34; Ds 14,22; các Tv: Tv 78,18-41; 81,11; 95,8; 96,6; các ngôn sứ: Gr 7,22; Ed 20,5; Is 63,10. Xem các tác giả Tân Ước: Dt 3,16; Gđ 5). Quả thật, ngôn ngữ của câu đầu đã khiến chúng ta nhớ đến Đnl 8,2 (LXX) và như ám chỉ đến hoàn cảnh của Israel tại hoang địa: “… Thiên Chúa đã dẫn (êgagen; Mt: an-ago) …, như vậy Người thử thách (ekpeirasê; Mt: peirasthênai)…”. Bản văn Đnl nói rằng Thiên Chúa “thử thách” dân để “biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không”. Còn ở đây, trong bản văn Mt, “thử thách” là để phá hỏng và kẻ “thử thách” là quỷ, chứ không phải là Thiên Chúa. Tại hoang địa, Đức Giêsu vừa tóm kết kinh nghiệm của Môsê và Êlia, vừa tóm kết lịch sử của dân Israel trong hoang địa.
Sức con người có thể nhịn ăn nhịn uống được đến thế? Chắc chắn là có, như trường hợp thánh Phanxicô Assisi sau này. Nhưng ở đây, tác giả còn muốn nói một điều khác: cũng như trong trường hợp Môsê, ở đây chính Thiên Chúa nâng đỡ Đức Giêsu, vì Người tin tưởng gắn bó với Thiên Chúa. Nếu như thế, cảm giác đói sau bốn mươi ngày, chính là một thử thách: Phải chăng Thiên Chúa đã bỏ rơi Đức Giêsu? Cám dỗ thứ nhất được tháp vào điểm này.
* Cám dỗ thứ nhất (3-4)
Trong cám dỗ này, quỷ thách thức Đức Giêsu lặp lại các cử chỉ của Môsê, nhưng không phải bằng cách làm mưa man-na, nhưng bằng cách rút bánh ra từ các tảng đá. Đây cũng là một thách thức nhắm vào tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Từ ngữ “nếu” nhằm gieo một sự hoài nghi vào tâm trí Đức Giêsu (x. Mt 27,40). Trong cả hai trường hợp, ở đây và trên thập giá, quỷ (ở đây; trên đồi Sọ: quỷ hiện thân nơi “những người qua lại”) thúc đẩy Đức Giêsu sử dụng những quyền lực thiên sai để thoát khỏi một hoàn cảnh nguy hiểm (đói ở hoang địa; chết trên thập giá).
Thiên Chúa đã để cho Israel đi qua thử thách là cái đói, để kiểm chứng lòng tín thác của họ (x. Đnl 8,2-3). Họ đã lẩm bẩm kêu ca, tiếc nuối Ai Cập. Đức Giêsu cũng cảm thấy đói; Người có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Quỷ gợi ý cho Người, trong tư cách là “Con Thiên Chúa”, tin vào quyền năng làm phép lạ của mình, và như thế là xúi giục Đức Giêsu nghi ngờ và bất phục tùng Thiên Chúa. Đức Giêsu dứt khoát dựa vào Kinh Thánh (sách Đnl; gegraptai) để nói “không” với quỷ; Người tiếp tục cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa (x. 27,43). Sách Khôn ngoan nói rằng: “Lời Ngài mới giữ gìn chăm sóc những ai hằng tin tưởng vào Ngài” (Kn 16,26). Tin Mừng Gioan cho thấy là lương thực mà Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vẫn dùng chính là thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34). Đấng Mêsia không có nhiệm vụ vun trồng những ảo tưởng dễ dãi, nhưng thức tỉnh niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa.
* Cám dỗ thứ hai (5-7)
Sau cám dỗ thứ nhất, Đức Giêsu đã náu mình vào trong sự che chở của Thiên Chúa. Với câu Tv 91,11, quỷ đề nghị Người, vẫn trong tư cách “Con Thiên Chúa”, gieo mình từ nóc Đền Thờ xuống đất: đây hẳn là đáp lại sự chờ đợi của dân chúng, vì họ được loan báo là Đấng Mêsia sẽ xuất hiện trên núi Sion, cũng được đồng hóa với Đền Thờ (các sách ngụy thư Ét-ra IV [13,34-37]; Khải huyền Barúc [40,12]). Dù sao đây cũng vẫn là xúi Đức Giêsu vận dụng sự che chở của Thiên Chúa vào hướng xấu, như Israel đã làm, khi đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp (x. Xh 17,1-7; Ds 14,22; Đnl 6,16; Tv 95,8-11). Đây chính là áp đặt ý muốn của con người cho Thiên Chúa. Cùng một chiều hướng như thế, trong Mt, có các truyện các đối thủ Đức Giêsu xin những dấu lạ từ trời (12,38-42) hoặc đề nghị Người xuống khỏi thập giá (27,49); trong Lc, có giai thoại các môn đệ muốn xin lửa xuống thiêu hủy thành không hiếu khách (Lc 9,56). Đức Giêsu vẫn dứt khoát trả lời “không”, bằng câu Đnl 6,16. Người không muốn ép Thiên Chúa phải can thiệp khi mà Thiên Chúa không định như thế; Người vẫn tiếp tục tín thác vào Thiên Chúa.
Chúng ta ghi nhận trong hai cám dỗ đầu, quỷ quy về tư cách “Con Thiên Chúa”, như thế là xác nhận lời công bố tại sông Giođan (x. 3,17).
* Cám dỗ thứ ba (8-10)
Cám dỗ cuối cùng không còn chút che đậy nào nữa: quỷ đề nghị Đức Giêsu thờ phượng nó. Cám dỗ này gồm tóm khát vọng cổ xưa nhất của Israel (sở hữu đất Canaan). Để làm thế, hẳn là nó bày ra trong trí của Đức Giêsu tất cả quang cảnh các nước thế gian, như xưa kia Môsê đứng trên đỉnh Nơvô mà nhìn vào Đất Hứa (x. Đnl 31,1-4) và gợi ý cho Đức Giêsu một giải pháp: bái lạy nó. Đây là cám dỗ con bê vàng, muốn tự tạo cho mình một thần linh mà mình có thể điều khiển. Đức Giêsu vẫn dứt khoát nói “không”, bằng câu Đnl 6,13: Thiên Chúa không phải là một Đấng mà người ta có thể mặc cả với; Ngài đòi hỏi tin tưởng và vâng phục vô điều kiện. Dĩ nhiên, Đức Giêsu, Tôi Trung của Thiên Chúa, không từ bỏ kế hoạch chinh phục thế giới, nhưng chinh phục bằng thập giá. Đất Hứa là lãnh địa bao la mà Người sẽ nhận khi sống lại (x. 28,18: theo lời hứa ở Tv 2,6-8). Sau này, chúng ta thấy các môn đệ Người không hiểu được chọn lựa này (Phêrô: Mt 16,23). Đức Giêsu sẽ chấp nhận cái đói, các nỗi nhục nhã, những thất bại, cái chết, để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa.
* Kết (11)
Câu kết của bản văn là một ghi chú thần học hơn là một sứ điệp lịch sử. Sự thống trị mà Đức Giêsu đã từ chối nay vẫn được ban cho Người. Trong tâm thức dân gian, các thiên sứ là những tôi tớ của Thiên Chúa (x. Mt 16,27), bây giờ đến phục vụ Đức Giêsu, lệ thuộc Người. Đức Giêsu không nhận một vương quyền trần thế, nhưng chia sẻ chính quyền thống trị của Thiên Chúa.
Rõ ràng Nước Trời đã đến gần loài người, bởi vì thiên triều đang vây quanh Người Con yêu dấu của Thiên Chúa. Nhưng các thiên sứ chỉ can thiệp sau khi Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Sau này, khi Người đã thắng được cám dỗ muốn vận dụng “hơn mười hai đạo binh thiên thần” (26,53) để tránh thoát thập giá, khi Người vẫn phó thác cuộc đời vào tay Chúa Cha, các thiên sứ lại đến hầu hạ Người, qua việc loan báo tin mừng Phục Sinh cho các môn đệ (x. 28,2-7).
+ Kết luận
Các cám dỗ nhắm tấn công Đức Giêsu trong tư cách Mêsia và Người Con vâng phục và trung thành của Thiên Chúa. Quỷ xúi Đức Giêsu lạm dụng lời quyền năng của Người, rồi xúi Người ỷ lại vào quan hệ giữa Người với Thiên Chúa, và cuối cùng, xúi Người bỏ đi lòng trung nghĩa với Thiên Chúa. Chiến thắng của Người rất quan trọng. Nó xóa đi những bóng tối đã tích tụ lại trong lịch sử dân Thiên Chúa và nó cũng gợi ra chiều hướng dấn thân phục vụ ơn cứu độ. Thay vì chọn làm một Mêsia-Phù thủy hay một Mêsia-Thủ lãnh, Đức Giêsu chọn làm Mêsia-Tôi tớ khiêm nhường. Khi đó, Người vẫn là Người Con vâng phục, và cũng là Israel chân chính và hoàn hảo.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra liên tục lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể yên tâm phó thác cuộc sống cho Ngài, không phải tính toán để bảo vệ cuộc sống mình, để rồi rơi vào các cám dỗ. Cám dỗ luôn luôn xoay quanh Lời Chúa, hoặc để vi phạm hoặc để lái Lời Chúa khỏi ý nghĩa đúng đắn. Con rắn mưu mô trong St 3 đã bóp méo Lời Chúa: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? … ‘Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra…” (St 3,1.5). Tên cám dỗ trong bài Tin Mừng Mt đã bảo Đức Giêsu dùng Lời Chúa để biến đá thành bánh hoặc đã uốn nắn ý nghĩa của Thánh vịnh để đưa Đức Giêsu đến chỗ thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu không áp đảo Lời Chúa; Người vâng phục Lời Chúa, Người nhận Lời Chúa từ Thiên Chúa.
2. Quỷ đã đề nghị cho Ađam trở thành Thiên Chúa (St 3,5). Nó cũng gợi ý cho Đức Kitô sử dụng quyền lực thiên sai của mình như một đặc quyền hay như một vũ khí. Nói cho cùng, tội lỗi luôn luôn là một ý chí hùng cường. Thế mà Thiên Chúa lại cứu con người khỏi tội lỗi bằng sự yếu đuối của Đức Kitô. Muốn được Thiên Chúa can thiệp tức khắc vào đời sống mình có nghĩa là nghi ngờ sự quan phòng thông thường của Ngài, nghi ngờ quyền năng và lòng nhân lành của Ngài. Ai thử thách Thiên Chúa, thì không có đức tin hoặc có một đức tin đang chao đảo, nên mới chờ đợi các phép lạ.
3. Các cám dỗ không chỉ là chuyện một ngày hay bốn mươi ngày, mà là cả đời Đức Giêsu. Luôn luôn có những sức mạnh bên ngoài, như các môn đệ (Mt 16,22), các kẻ thù (12,38; 27,41), và cả những khát vọng của bản thân Người (26,39; 27,46) tìm cách đưa Người đi theo nẻo đường quỷ vạch ra cho Người. Người đã chọn, Người sẽ phải liên tục chọn nói “không” với quỷ và thưa “xin vâng” với Chúa Cha (x. Dt 5,8).
4. Đức Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại, thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn con đường chung của mọi người, là sự thỏa thuê. Vinh quang không phải là một tội, mà còn là một quyền Người có thể dùng. Sự rút lui của quỷ chứng tỏ đây không những là một chiến thắng của chủ trương Mêsia khiêm nhường và phục vụ như tôi tớ, mà còn là một chiến thắng riêng của Đức Giêsu. Người đã không nhường bước cho một nẻo đường tiện nghi thoải mái, đã không muốn hưởng trước một thành công; nhưng Người đã tôn trọng con đường đã được chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi. Rời khỏi hoang địa, không những Người được thánh hiến mà còn đủ tư cách Mêsia.
53.Chú giải của Noel Quession
Năm A này dành hết cho việc đọc sách Tin Mừng theo thánh Matthêu về những cám dỗ của Đức Giêsu và sự biến hình của Người. Rồi, chúng ta sẽ có ba tin mừng lớn của Thánh Gioan, theo truyền thống, chuẩn bị cho ‘lễ thanh tẩy’: nước hằng sống của người nữ Samari, người mù từ lúc mới sinh được sáng mắt và Ladarô sống lại. Hôm nay, đây là cuộc chiến đấu lớn lao của Đức Giêsu…sự mời gọi khẩn thiết đi vào trong cuộc chiến đấu riêng của chúng ta trong Mùa Chay.
Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ.
Ba tác giả Tin Mừng nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa sự cám dỗ Chúa và phép rửa của Người. Về lịch sử, chắc rằng Đức Giêsu đã muốn thực hiện một thứ "tĩnh tâm" trước khi khởi đầu tác vụ của mình. "Hoang địa" là nơi đã tìm thấy thật sự hay dành cho việc đó: nỗi cô liêu và thanh tĩnh mà con người thấy mình đối diện một cách khắt khe với chính mình, mà không có lối tránh né, và tất cả những mặt nạ mà xã hội đem đến cho ta. Matthêu cũng như hai tác giả Tin Mừng kia, đều nhấn mạnh là Đức Giêsu được Thần Khí dẫn đến hoang địa này. Cám dỗ là một phần trong dự tính của Thiên Chúa cho Con Người. Và ở đây chúng ta cũng vậy, chúng ta được cho biết là phép thanh tẩy không làm cho một ai trong chúng ta được miễn trừ không phải chịu các thử thách.
Quả thực, ngoài ý nghĩa có phần ngây thơ của từ "cám dỗ", Kinh Thánh sử dụng từ này để chỉ "thử thách". Theo nghĩa này, cám dỗ có một cái gì tích cực. Không phải là một tình yêu được thử thách để biết xem nó có thực sự vững bền và chân thật sao? Như thế Đức Giêsu sắp chịu thử thách bởi chính Thánh Thần của Thiên Chúa, cũng như thể xưa kia dân Do Thái trong hoang địa với cuộc Xuất Hành: "Thiên Chúa của anh em đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy người thử thách anh em để biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của người hay không? (Đnl 8,2).
Xin Thánh Thần giúp chúng ta xem xét những thử thách của chúng ta theo cách thế tích cực này; trong khi nghĩ rằng Đức Giêsu, người Con hoàn toàn, người công chính vẹn toàn, đã tìm thấy trong những thử thách của con người, sự nâng cao chính tình yêu của Người, của lòng trung tín của Người với Chúa Cha.
Người ăn chay ròng rã bốn mươi ngày và sau đó Người thấy đói.
Trong câu truyện của Matthêu, ta không phải tìm trước hết một sự mô tả cụ thể về "điều đã xảy ra". Đàng sau những chi tiết, ta cần khám phá ra một ý nghĩa thần học. Matthêu rõ ràng đã đạo diễn, trong khúc đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu, những cám dỗ mà thực sự người đã cảm nghiệm trong suốt cuộc đời mình: lúc nào cũng vậy, Đức Giêsu phải tự bênh vực khi sử dụng thiên tính của mình để tránh cho mình khỏi những lo âu của con người (Mt 12,24-30; 16,23; 26-59 - 27-40).
Kiểu nói “bốn mười ngày và bốn mươi đêm" chẳng hạn, là một phần của kiểu nói biểu tượng của Kinh Thánh: con số ước lệ chỉ thời gian cần thiết cho sự trưởng thành của đời người. "Bốn mươi" là thời gian Israel ở trong sa mạc, thời gian đi của ngôn sứ Elia đến Núi Chúa, thời gian của Đấng Phục sinh hiện ra. (Đnl 8,1-5; 1V 19,8; Cv 1,3).
Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!
Không cần phải làm dịu Tin Mừng đi; ngay như nếu có thể giải thích bằng nhiều cách, để có thể áp dụng vào cuộc sống chúng ta trên nhiều diện khác nhau, sự cám dỗ đầu tiên này của Đức Giêsu, chẳng hạn, không có lý do nào để nghĩ rằng nó chỉ có tính cách thiêng liêng mà thôi: Đức Giêsu đã thực sự thấy đói, trong quá trình cuộc đời mình. Người đã bị đụng chạm đến, bị nao núng, bị dày xé ở ngay chính thân xác mình... và không phải chỉ trong quá trình một cuộc ăn chay khắc khổ trong hơn một tháng. Cám dỗ đầu tiên là cám dỗ chống lại sự cậy trông: người ta lồng lộn trước thử thách, trước đau khổ; người ta xin Chúa bỏ đi tất cả những gì gây đau khổ cho chúng ta. Sự xấu mà chúng ta phải chịu, sự xấu tác động đến những kẻ vô tội, cái đói bất công của một bộ phận trong nhân loại, đấy là sự phản kháng lớn lao và sự phản kháng đầu tiên chống lại Thiên Chúa. Lúc đó người ta bị cám dỗ cáo giác Thiên Chúa... hoặc là xin Người giải quyết trực tiếp những vấn đề của chúng ta.
Cám dỗ đầu tiên có thể được giải thích qua cuộc tranh chấp giữa xác thịt và tinh thần. Các giác quan của chúng ta cảm thấy đói, và chúng ta đi tìm các thực phẩm trần thế để làm dịu cơn đói. Và đó là điều tốt, làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng trong lãnh vực này đặc biệt, chúng ta biểu sự tự chủ cạnh ta: sự vui thỏa dễ dãi không nỗ lực xây dựng những người đàn ông và đàn bà có một giá trị.
Xã hội tiêu thụ với chủ nghĩa duy vật thực tiễn, có nguy cơ hạ thấp con người xuống ngang mức với tầm vóc sơ đẳng nhất.
Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra" (Đnl 8,3).
Ba câu trả lời Của Đức Giêsu cho kẻ cám dỗ được rút ra từ trong sách Đệ Nhị Luật. Kinh Thánh đề ra một cách đọc lại thần học về 40 năm cuộc đời trong sa mạc Sinai, và những đòi hỏi của Giao ước. Đức Giêsu được giới thiệu đây như một Israel mới. Nhưng Đức Giêsu là người chiến thắng, trong khi dân Thiên Chúa, bị thử thách vì đói và khát, đã sa ngã trong khi lẩm bẩm kêu trách Chúa (Xh 6,8). Câu trả lời của Đức Giêsu luôn luôn có tính thời sự, và chất vấn chúng ta một cách mạnh mẽ: chúng ta cảm thấy đói cái gì nhất? Những thỏa mãn trần thế có thể sẽ khiến chúng ta hư mất? Hay lời Thiên Chúa có thể cứu chúng ta khỏi mọi thử thách? Lạy Chúa, xin giúp chúng con, tin cậy vào Chúa cho đến cùng. Xin ban cho chúng con lòng cậy trông.
Sau đó quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa. thì gieo mình, xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn thỏi vấp chân vào đá (Tv 91,11-12). Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi (Đnl 6,16)
Nếu sự đau khổ (cơn đói) thử thách lòng tin của chúng ta vào Chúa, thì bây giờ đây là cám dỗ thứ hai, có tính điển hình của dân Chúa, của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và của những tín hữu chúng ta; đó là thử thách về lòng tin. Israel trong sa mạc 40 năm đã xin Chúa cho những dấu hiệu lạ lùng để Thiên Chúa chứng tỏ là mình có hiện hữu không! Chúa có ở với chúng tôi không, có hay không? (Xh 17,1-7). Và Đức Giêsu, suốt cuộc đời Người đã bị cám dỗ thoát ra khỏi thân phận con người của mình, đạt tới kết quả sau cùng của sứ mệnh Người bằng các phương tiện dễ dãi là phép lạ: công luận của thời đại người ta trông đợi một Đấng Mêsia siêu việt, Người sẽ tỏ ra một cách rõ ràng quyền năng của Thiên Chúa; có lời cho những tín hữu bằng cách thực hiện những dấu hiệu chói lòa: họ xin Đức Giêsu cho họ một dấu chỉ xuống từ trời (Mt 16,1; 12,39; 24,3).
Bằng tất cả sức mạnh sống động của con người trai trẻ và năng động, Đức Giêsu đã luôn bị cám dỗ để làm ra vẻ Thiên Chúa Toàn Năng. Và không phải là không bị dày xé mà Người đã chọn làm Đấng Mêsia nghèo nàn, bị hạ nhục bị đè nén bởi đám đông và những nhà chức trách ở thời Người.
Mọi tín hữu đến lượt mình đều phải chờ đợi lúc mình phải chịu cám dỗ "chống lại lòng tin" này: đó là sự cám dỗ và sự chân không, cái ấn tượng gieo mình vào chân không khi người ta tin vào Chúa. Người ta có lẽ muốn rằng Thiên Chúa phải hiển nhiên hơn. Và Người là Thiên Chúa ẩn giấu. Có lẽ người ta muốn cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong những kinh nguyện hay trong việc phụng tự của chúng ta. Và Thiên Chúa thinh lặng... và sự "tự mập mờ" không làm cho người ta thích thú. Thiên Chúa không gây thú vị lắm bởi vì Người không đáp ứng cho họ những chuẩn mực của chúng ta. Có lẽ người ta muốn tác động lên Người, làm ra một Thiên Chúa phục vụ chúng ta, một Thiên Chúa có lẽ làm chân chúng ta khỏi vấp vào đá trên đường đi. Và Thiên Chúa để cho chúng ta tự trị và tự chịu trách nhiệm: chính bạn, bạn hãy tránh những hòn đá và nếu bạn vấp phải, đừng chờ phép lạ: nhưng không phải vì thế mà Tôi không hiện hữu... bởi vì Tôi là thực thể hoàn toàn khác. Lạy Chúa, xin giúp con tin tưởng. Xin cho chúng con đức tin.
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó nếu ông sấp mình bái lạy tôi. Đức Giêsu liến nói: Xatan kia, kéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các thiên sứ tiến đến hầu hạ Người.
Ta hãy lột bỏ tất cả những tưởng tượng về các biểu tượng ấu trĩ quá đơn giản. Thật hiển nhiên là Matthêu, không hơn chúng ta, đã không bị lừa về ngôn từ của nó. Không có ngọn núi nào ở thế gian mà từ đó người ta có thể trông thấy "tất cả" các nước trên trái đất! Đó là một cách nói. Đó là một thị kiến nội tâm, mà không phải là một hiện tượng vật lý. Sau thử thách về lòng cậy trông và lòng tin, thì đây có lẽ là ‘thử thách về tình yêu’. Dân Israel trong cuộc xuất hành của mình, bị cám dỗ bỏ giao ước, một hôn ước tình yêu với Thiên Chúa thật, để hiến thân cho các "thần tượng” ngoại tình một cách nào đó (Xh 23,20-33). Thứ ngôn từ biểu trưng của Matthêu, nó có sức gợi cảm mạnh mẽ biết mấy! Xatan đã đòi các vương quốc trên thế gian làm tài sản riêng của nó. Nó là chủ, là ông hoàng của thế giới này. Đức Giêsu đã lột mặt nạ đối phương. Ở đây Chúa Giêsu, chỉ thẳng tên Xa-tan; đó là một tên phản Thiên Chúa! Chính y là kẻ đòi loài người phải thờ phụng y.
Đúng thế, chúng ta bị cám dỗ Thiên Chúa hóa tất mọi sự vật. Đông đảo biết bao các thần tượng của chúng ta. Tất cả những thứ luôn cố đoạt lấy địa vị của Thiên Chúa: tiền bạc, tiện nghi, uy tín, thống trị, quyền lực, thú vui, các ý thức hệ, môi trường của chúng ta... hay là nhiều thứ ba láp này kia mà chúng ta gán cho tầm quan trọng lớn lao biết bao!
Chỉ một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa. Mùa chay này được ban cho chúng ta để chúng ta được giải thoát những thần linh giả.
54.Chú giải của Fiches Dominicales
Chịu ma quỷ cám dỗ, Đức Giêsu đã có lựa chọn của một Người Con, phó thác trọn vẹn thân phận trong tay Cha. Câu chuyện được xem như điển hình cho tất cả những thử thách Người phải chịu cho đến hơi thở sau cùng.
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Trung thành với phép rửa đã nhận, một chọn lựa trước sau như một của Đức Kitô.
Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, và cả ba đều nối kết chặt chẽ câu chuyện này với phép rửa Người đã nhận trong dòng sông Giođan. Thánh sử Máccô viết: "Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở đó bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ" (Mc l,12). Thánh Luca kể: "Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1). Còn thánh sử Matthêu cũng nhấn mạnh rằng nếu Chúa Giêsu, sau khi đã chịu phép rửa, chịu quỷ cám dỗ, là vì Người được Thần Khí đưa dẫn. Cũng chính Thần Khí ấy đá đáp xuống và ngự trên Người, bên bờ sông Giođan, trong lúc có tiếng từ trời phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
Câu chuyện Đức Giêsu chịu cám dỗ J.Guillet nhận định theo cả ba Tin Mừng Nhất lãm, gắn liền với câu chuyện Chúa chịu phép rửa. Matthêu viết rõ: "Ngay sau khi ngự trên Đức Giêsu, Thần Khí dẫn Người vào hoang địa chịu quỷ cám dỗ (Mt 4,1). Bài tường thuật về cơn cám dỗ và phép rửa của Chúa làm thành một tập hợp riêng, liên can đến quãng thời gian Đức Giêsu chưa thực sự bắt đầu sứ vụ công khai của Người. Không hoàn toàn lặng lẽ ẩn mình như trong thời thơ ấu, nhưng Chúa có vẻ như để mình bị động từ bên ngoài: Từ Thiên Chúa là Đấng đã lên tiếng phán, từ Thần Khí dẫn Người vào hoang địa, và điều lạ lùng là ngay cả từ ma quỉ, cho nó lân la lại gần, dụ dỗ Người, và hình như có thể điều khiển được cả thân xác Người. Người ta có thể xem lúc này chỉ giai đoạn chuẩn bị. Thực ra đây là một luồng sáng chiếu rọi trước vào suốt lịch sử đang đến: lịch sử của Con Thiên Chúa và lịch sử của cả nhân loại. Toàn thể cuộc đời của Đức Giêsu, diễn ra trong ánh sáng của tiếng Chúa Cha xác nhận: đây là Con yêu dấu của Ta, dù bên cám dỗ cứ tha hồ rên rỉ: "Nếu ông là Con Thiên Chúa".
Trong lúc bài tường thuật của Máccô rất ngắn gọn vỏn vẹn chỉ có một câu, thì Matthêu và Luca không ngần ngại dàn dựng cả một câu chuyện đầy tính biểu tượng. Đây là một hình thức văn chương khá quen thuộc đối với những độc giả của các ông, là những người đã thấm nhuần văn hóa Do Thái. Xung quanh ba cơn cám dỗ con số tượng trưng cho sự viên mãn đầy đủ. Câu chuyện muốn tổng hợp tất cả cơn cám dỗ liên lỉ mà Chúa Giêsu phải chịu cho đến giây phút cuối cuộc đời.
Và để cho thấy rõ ràng, Đức Giêsu với tư cách là Môsê mới, đang thực hiện lại cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa tiến về Đất hứa, Matthêu và Luca đã cố ý lựa chọn mặc dù khác nhau đôi chút về thứ tự "ba nơi chốn có tính cách biểu tượng của lịch sử Israel, đó là: Hoang địa, là nơi Dân Chúa chịu thử thách đầu tiên; Đền Thờ, là chỗ Dân Chúa tụ họp để tôn thờ sự hiện diện của Thiên Chúa, Núi Cao là nơi Môsê sẽ nhận lệnh Lề luật của Chúa, và núi Nê-bô là địa điểm từ đó ông đã nhìn về Đất Hứa" (J.Potin, Jésus, l'histoire vraie, Centurion, 1994 trang 114).
2. Giữa hoang địa - Niềm cậy trông tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Cơn cám dỗ đầu tiên có khung cảnh là "hoang địa". Đối với dân tộc Do Thái, đây là nơi chốn tượng trưng cho sự gần gũi Thiên Chúa, đồng thời cho sự thử thách làm sáng tỏ đáy lòng con người (chay tịnh, nhịn đói là nhằm thử lòng mình đối với Thiên Chúa); Hoang địa còn là nơi có tính cách biểu tượng cho mọi khởi đầu: Đức Giêsu ăn chay ở đây suốt bốn mươi đêm ngày, cũng như Môsê ngày xưa trên núi Sinai, trước khi đón nhận luật Giao ước. J.Guillet viết: đối với cư dân miền Palestine, hoang địa vừa là một phong cảnh cụ thể, nhìn thấy được từ đỉnh của dãy núi chính, vừa là một kỷ vật gợi nhớ lại thời các tổ phụ, đồng thời cũng là hình ảnh đầy ý nghĩa về những cách Thiên Chúa đã xử sự với dân Người. Có khi là những tai họa khổ đau Người để dân phải chịu, có khi là niềm an ủi, vỗ về Người dành cho họ. Trong ký ức của người Do thái, hành trình đi qua hoang địa vừa là quãng thời gian thiêng liêng của biến cố núi Sinai, cũng như của việc ban bố Lề luật, vừa là giai đoạn đen tối của thói kêu ca lẩm bẩm và những hành động chống đối của dân chúng, thời gian của Thiên Chúa và cũng là thời gian của ma quỉ, chính Đức Giêsu đã tự ý bước vào đó" (sđd, trang 44-45).
- Trong hoang địa, khi chịu cái đói thử thách "để cho biết lòng dạ chúng ra sao" (Nhị Luật 8,2), con cái Israel đã nghi ngờ Thiên Chúa. Họ đã tỏ ra không dám cậy dựa vào một mình Lời Chúa, không dám tin tưởng vào các lời hứa của Người. Họ lẩm bẩm kêu ca: "Thà rằng chúng ta chết bởi tay Thiên Chúa ở đất Ai Cập thời ấy được ăn uống no nê" (Xh 16,3). Và Người đã ban mana xuống cho họ.
- Trong hoang địa, Đức Giêsu cũng phải trải qua cơn cám dỗ như thế: cơn cám dỗ về sự dễ dãi tiện nghi, muốn ‘có tất cả, có liền’. Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi, tên cám dỗ đã dụ Người.
- J.Radermakers giải thích: "Tiếng nói đã mời mọc Đức Giêsu biến đá sỏi sa mạc thành mâm đồ ăn ngon, thành tiếng nói của bản năng và xác thịt loài người luôn có xu hướng bóp nghẹt sự sống của Thiên Chúa" (Au fil de l'Evangile selon saint Matthieu”, trang 67). Nhưng Đức Giêsu đã có lựa chọn của "Người Con"; Người đáp lại bằng cách trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, chương 8 câu 3, liên hệ đến câu chuyện về bánh manna; "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra". Trái với dân Israel trong hoang địa xưa, Đức Giêsu hoàn toàn phó thác nơi Chúa Cha, Người chỉ cậy dựa vào một mình Lời của Thiên Chúa. Rồi đây trong suốt cuộc đời hoạt động của Người, Đức Giêsu sẽ trở thành mục tiêu công kích của những, đối thủ. Họ đòi Chúa phải cho họ thấy những dấu chỉ tỏ tường, để minh chứng điều Người tự xưng về mình. "Bấy giờ, có những người thuộc phái Pharisêu là phái Xa-đốc lại gần Đức Giêsu”, Matthêu dùng lại từ ngữ của bài tường thuật Cám Dỗ, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời" (Mt 16,1). Nhưng cho đến giây phút cuối, Đức Giêsu vẫn muốn là một Đấng Cứu Thế nghèo, nhận lãnh tất cả từ Chúa Cha.
3. Trên nóc Đền Thờ - Chấp nhận con đường đau khổ.
Cơn cám dỗ thứ hai có khung cảnh là nóc "Đền Thờ", nơi là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và che chở Dân của Người.
- Trong hoang địa, khi chịu cái khát thử thách, con cái Israel đã phải trải qua đêm tối của đức tin, khiến họ nghi ngờ và chống đối. Thiên Chúa đã dẫn họ vào hoang địa phải chăng để bỏ rơi họ trong cảnh tuyệt vọng "Có thực Thiên Chúa ở với chúng ta hay không? (Xh 17), họ lẩm bẩm với nhau như thế. Họ đã đi đến chỗ "thách thức" Thiên Chúa xem Người: có thể cung cấp nước uống cho họ trong hoang địa, họ "thử thách Người".
- Đức Giêsu cũng phải trải qua cơn cám dỗ như thế: cơn cám dỗ về quyền lực. "Gieo mình xuống đi!", tên cám dỗ xúi Người bằng cách xuyên tạc một câu của thánh vịnh 90: "Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.
Một lần nữa, Đức Giêsu đã có chọn lựa của "Người Con"; Người đáp lại bằng cách trích dẫn sách Nhị Luật, chương 6, câu 16, liên hệ đến chuyện dân Do Thái kêu ca, và Thiên Chúa đã ban cho họ mạch nước tràn trề từ tảng đá: "Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Khác với Israel trong hoang địa xưa, Đức Giêsu không bao giờ tìm cách thử xem Thiên Chúa có hiện diện trong cuộc đời mình hay không. Người bước đi mà không cho dấu chỉ nào, không yêu cầu bằng chứng nào, trong suốt sứ vụ, và nhất là trên thánh giá, vào giờ phút đen tối nhất, khi chính Chúa Cha cũng lặng thinh, Đức Giêsu đã chịu cơn cám dỗ: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy tự cứu lấy mình và xuống khỏi thập giá đi”, những đối thủ của Chúa đã buông lời thách thức, lập lại lời của tên cám dỗ trước kia. Nhưng Đức Giêsu, cho đến cùng vẫn trung thành với chọn lựa là một vị Cứu Thế khiêm cung, hoàn toàn phó thác mình cho Chúa Cha.
4. Trên núi cao - chọn lựa một đường lối cứu thế, bằng phục vụ.
Cơn cám dỗ thứ ba, theo Tin Mừng Matthêu, có khung cảnh "một ngọn núi rất cao". Nghe nói đến địa điểm này, người Do Thái chắc chắn sẽ liên tưởng đến ngọn núi Nê-bô ông Môsê đã lên để nhìn từ biệt Đất Hứa. Trên đó, Thiên Chúa đã chỉ cho ông xem thấy toàn bộ miền đất (Đnl 34,1), và thêm: "Miền đất này, ngươi sẽ chẳng được vào” (Đnl 34,4). Ở đây, Đức Giêsu là Môsê mới, đang chuẩn bị dẫn dắt đoàn dân của Người đến Đất Hứa Nước Trời, Người được tên cám dỗ chỉ cho thấy tất cả các nước thế giới và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy.
- Trong hoang địa, con cái Israel bị hoang mang trước tương lai bất định, đã chịu thua cơn cám dỗ. Họ đã bỏ quên Thiên Chúa độc nhất, Đấng đã cứu họ khỏi đất Ai Cập, để chạy theo các thần ngoại khác dễ dãi, dễ sai khiến, dễ chiều theo ý muốn của họ, sẵn sàng bảo đảm cho họ giấc mơ quyền lực và mộng bá chủ: "Hãy làm cho chúng tôi những vị thần để đi trước chúng tôi", họ yêu cầu ông Aaron (Xh 32,33); và Aaron đã làm cho họ một con bò vàng.
- Chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua cơn cám dỗ như thế: cơn cám dỗ về sức mạnh trần thế, dụ dỗ Người theo đuổi một đường lối cứu thế kiểu trần gian, chiều theo những mong đợi và tham vọng loài người. "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi", tên cám dỗ hứa hẹn với Chúa như thế. Lần thứ ba, Đức Giêsu lại có chọn lựa của "Người Con". Người đáp lại bằng cách trích dẫn Sách Nhị Luật, chương 8, câu 17-18, hiển nhiên có liên can với câu chuyện bò vàng: "Satan kia, xéo đi! Vì có lời chép rằng: ngươi phải bái lạy Đức Giêsu là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi. Khác xa dân Israel xưa trong hoang địa, Đức Giêsu khước từ mọi thỏa hiệp: Người dứt khoát đi theo con đường cứu thế bằng phục vụ chứ không phải bằng sức mạnh thống trị.
- Trong suốt sứ vụ, Đức Giêsu phải thường xuyên đương đầu với cơn cám dỗ ấy. Cơn cám dỗ đến không chỉ từ phía những đối thủ hay đám đông dân chúng đi theo mà thôi, nhưng còn ngay từ những bạn hữu của Người, những kẻ Người sẽ giao trách nhiệm kế tục sứ mạng của Người. "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”, Phêrô đã lên tiếng can ngăn, thay mặt cho cả nhóm không muốn thấy Đức Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, mà phải rơi vào số phận bi đát như thế. Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại". Và Đức Giêsu đã nghiêm khắc đáp lại, tương tự lời Người đã nói với tên dỗ: "Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người (Mt 16,16-23). Cho đến cùng, Đức Giêsu vẫn chọn làm một vị Cứu Thế tôi tớ đau khổ mà các ngôn sứ đã loan báo.
J. Potin kết luận: "Nếu Đấng được Thiên Chúa chọn đã vẻ vang vượt qua được cơn cám dỗ lần này, thì thử thách thực sự vẫn còn trước mắt. Như thánh sử Luca kết ở cuối câu chuyện: "Sau khi đã xoay hết cách để cám Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ (Lc 4,13). Đâu là khuôn mặt cứu thế mà Đức Giêsu phải đảm nhận. Phải chăng là khuôn mặt của Đavit, người của Thiên Chúa, và cũng là người của những cuộc chinh chiến chống lại quân thù. Phải chăng là khuôn mặt của Người Tôi Tớ Thiên Chúa mà chúng ta sẽ thấy được khắc họa ngày càng rõ nét. Matthêu và Luca có ý cho thấy ngay trước bắt đầu sứ vụ, vừa lãnh phép rửa xong, Đức Giêsu đã chọn lựa. Đấng được Thiên Chúa chọn, là Con Thiên Chúa, đã dứt khoát chọn lấy sự vâng phục trọn vẹn Lời của Thiên Chúa" (Sđd, trang 117).
BÀI ĐỌC THÊM
1. Mối liên lạc thâm sâu giữa Phép Rửa và cám dỗ: (“J.Guillet, "Jésus la foi des premiers disciples" Desclée de Brouwer, 1995, trang 46-47).
"Mối liên lạc thâm sâu giữa Phép Rửa và cám dỗ chính là mối liên lạc của đức tin, nơi Đức Giêsu và nơi chúng ta. Cơn cám dỗ rõ ràng là một trong những chỗ mà người ta không thể nào hiểu được Đức Giêsu nếu không nói đến niềm tin của Người. Sống nhờ những gì Thiên Chúa ban cho, hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, một mình đối diện trước hư không, trước một tương lai vô định, dưới nhiều dạng khác nhau, đó chính là kinh nghiệm của đức tin. Và nếu, theo các sách Tin Mừng, kinh nghiệm ấy đi liền với biến cố Phép Rửa, là bởi vì trong biến cố ấy, nó đóng một trai trò rất quan trọng. Và bằng chứng đây là vấn đề của đức tin, đó là những cám dỗ của Đức Giêsu cũng chính là những cám dỗ của Dân Chúa trong hoang địa. Khi thắng những cám dỗ ấy, Chúa muốn đồng thời chỉ cho họ thấy họ đang thiếu cái gì và hôm nay Người mang đến cho họ cái gì. Bây giờ nếu trung thành với những chỉ dẫn của các sách Tin Mừng, đối chiếu hai biến cố phép rửa và cám dỗ của Đức Giêsu, người ta sẽ có thể nhận ra được chỗ đứng đặc biệt của đức tin nơi cả hai đoạn. Kết quả đối chiếu bề ngoài có vẻ mâu thuẫn: phép Rửa là nơi tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa, là nơi vang rền tiếng phán từ trời cao, trái lại, cám dỗ là chỗ của sự xa vắng, của đói khát, của trống trải hư không. Phải nói rằng Đức Giêsu đã lần lượt nếm qua cả hai kinh nghiệm chính yếu trên.
Đối lại với lối giải thích nông cạn đó, chúng ta phải để ý đến cách suy luận rất rõ của các Tin Mừng, đến sự nhấn mạnh của các sách ấy vào mối liên lạc thâm sâu giữa hai khoảng khắc. Không phải chỉ đơn giản là sự tương phản ở hiện tượng bên ngoài, nhưng là một sợi dây nối hết sâu bên trong. Trong câu chuyện này hay câu chuyện kia, nội dung vẫn là Chúa Con trong tương quan với Thiên Chúa. Là Con Thiên Chúa, điều đó mang đến một lúc hai ý nghĩa không thể tách rời nhau: là lắng nghe tiếng nói yêu thương của Chúa Cha, và trọn vẹn vâng phục thánh ý Người. Cả hai làm thành đức tin, đức tin của Con Thiên Chúa.
Đúng là người tín hữu thường phải sống đức tin trong tâm trạng xa vắng và đêm tối tâm hồn. Không có sự xa vắng đó, đức tin sẽ biến chất và tiêu tan thành một thứ thị kiến ảo ảnh. Nhưng ngay trong tâm trạng xa vắng đó người tín hữu kinh nghiệm một sự gặp gỡ, một sự hiện diện. Thánh Gioan Thánh Giá đã xây dựng toàn bộ học thuyết của mình trên lời dạy này: nhận biết Thiên Chúa qua đức tin chính là đã đạt được Người trong chân lý của Người, ngay từ cuộc đời này. Cuộc gặp gỡ trong đêm tối này, niềm xác tín thường chỉ là vô thức này, chính là trung tâm, cốt lõi của đức tin chân thực, chỉ với một đức tin như vậy chúng ta mới nhận biết một vị Thiên Chúa thật. Đức tin một trật vừa là ánh sáng rực rỡ, Vừa là bóng tối thẳm sâu. Cũng thế, một cách bất khá phân ly, ánh sáng của Phép Rửa cùng với đêm tối của Cám Dỗ, làm nên đức tin của Đức Giêsu Kitô, mầm mống của đức tin chúng ta.
2. “Những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của chúng ta hôm nay”.
"Chúng ta thấy: những cám dỗ của Đức Giêsu cũng là của chúng ta hôm nay. Chẳng có gì phải ngạc nhiên. Chúng ta biết rằng nơi Đấng là Đầu, toàn Thân Mình đã chiến thắng cám dỗ. Chính nhờ cậy dựa vào Người mà đến lượt mình chúng ta có thể thoát được cạm bẫy của tên cám dỗ. Đức Giêsu dạy chúng ta phải đương đầu như thế nào: bằng cách chạy đến với Lời Chúa. Lời Chúa soi đường chỉ lối cho chúng ta đi. Lời Chúa chở che, bảo đảm cho chúng khỏi bị lầm lạc. Thật là nguy hiểm nếu chúng ta để mình buông theo xu hướng tự nhiên của loài người? ma quỉ cũng không mong gì hơn chúng ta đồng lõa với chúng như thế. Khi ấy Lời Chúa sẽ là thành lũy bảo vệ chúng ta.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam