Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1361081

CAN ĐẢM LÊN

CAN ĐẢM LÊN

 

(John.W. Martens - Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Hãy can đảm lên. Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27)

Chỉ đảo qua những bản dịch Kinh Thánh cổ xưa chuyển sang Anh Ngữ, ví dụ bản dịch của Douay-Rheims hay của King James, chúng ta sẽ thấy hạn từ ma (ghost) xuất hiện hơn cả một trăm lần ở mỗi bản dịch. Các bản dịch này chuyển ngữ từ hạn từ Hy Lạp hagios pneuma thành thuật ngữ “Holy ghost” (ma thánh). Trong các bản dịch hiện hành, các dịch giả thường sử dụng từ “Holy Spirit” (thần khí). Từ ngữ “ghost” (ma) trong các văn bản hiện nay chỉ dùng để chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp Phantasma và hạn từ này chỉ xuất hiện trong trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước, như được thuật lại trong Mt 14,26. Tuy nhiên, từ ngữ ghost trong bản dịch của Douay-Rheims và King James không ám chỉ ý niệm ma quái, mà nói về một cuộc thần hiện (apparition) hoặc về sự xuất hiện của thần khí (spirit), thì có lẽ chính xác hơn.

Điều này lý giải lý do tại sao ý niệm của từ ngữ này dần dần được chuyển đổi. Ngày nay, người ta dang dần dần loại bỏ những hình ảnh ma quái trong các phim hoạt hình, trong các câu chuyện cho trẻ em, hay trong các hóa trang ngày lễ Halloween (trước lễ các Thánh). Vì thế, thuật ngữ holy ghost (ma thánh thiêng) không còn biểu thị cho 2 khía cạnh “thánh thiện và thiêng liêng” nữa. Ám ảnh sợ hãi không nhất thiết phải gắn liền với hình ảnh ghost (ma). Dẫu sao, khi người ta dùng từ ngữ phantasma với ý niệm về ma quái, hoặc về thần hiện, hoặc nói về thần khí, rõ ràng từ ngữ này không nhắm đến một con người bằng xương bằng thịt bình thường xuất hiện trước mặt các môn đệ. Cho nên, sự liên tưởng khi nhìn thấy một phantasma (có vẻ giống như ma quái) đang đi trên mặt nước khiến các ông khiếp sợ. Họ la toáng lên “ma kìa” và rất kinh khiếp.

Khi có một người lạ hay một người chúng ta không hề quen biết xuất hiện, thường chúng ta sợ. Đây là phản ứng tự nhiên của chúng ta cũng như của các tông đồ. Tuy nhiên, trong lần gặp gỡ này, Đức Giêsu muốn vén mở đôi điều về thần tính của Ngài cho các học trò mình. Thoạt đầu, Chúa đi trên mặt nước cách lạ thường không phải nhằm khải thị thần tính của Ngài, cho dù sự kiện đó rõ ràng biểu hiện năng quyền của Ngài có thể thống trị thiên nhiên. Điều sâu xa Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho các môn đệ , giữa lúc các ông đang khiếp hãi, là lời trấn an “Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ”. “Thầy đây” là thuật ngữ dịch từ tiếng Hy Lạp “egô eimi” có nghĩa “Ta là”. Đây cũng là lời bày tỏ căn tính của Đức Chúa Giavê trong cựu ước, được sách xuất hành 3,14 thuật lại. Chúa nói với Môisen: “Ta là (Đấng) Ta Là” – Ego sum qui sum. Đức Giêsu muốn phá tan nỗi khiếp sợ của các môn đệ bằng cách khẳng định sự hiện diện của Ngài giữa cơn giông bão, và sâu xa hơn, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hữu thể của Đức Giêsu. Thiên Chúa đang hiển hiện nơi thân xác của chính Đức Giêsu.

Phêrô xuất hiện, và ông đã đáp trả lời trấn an của Thầy mình. Ông tin rằng đây không phải là một bóng ma, một phantasma, nhưng là chính Đức Giêsu Đấng đang gọi mời ông và các môn đệ. Phêrô bắt đầu bước xuống biển và đi trên mặt nước. Nhưng một lần nữa, ông lại sợ khi sóng to gió lớn nổi lên. Quyết tâm của ông bị chao đảo. Ông từ từ lún chìm trong dòng nước. Cho dù Đức Giêsu có nói hay không nói với Phêrô “ Sao kém tin thế”, thì Phêrô cũng đã gào lên với Chúa “Thưa Thầy, xin cứu con”. Đây là một động thái tổng hợp cả hai mặt: vừa nghi ngờ khiến ông bị chìm, vừa bày tỏ lòng tin như một phương sách cuối cùng. Lòng tin đó khởi dẫn ông tìm đến ơn cứu độ giữa lúc bị chìm dưới biển. Không phải chỉ Phêrô, nhưng tất cả những ai lúc đó đang ở trên thuyền, chứng kiến những sự kiện nói lên sự trọng thị đối với Đức Giêsu - chính xác hơn là sự tôn phục Ngài, chúng ta cũng như các tông đồ sẽ phải thốt lên “ Đúng Ngài là con Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã mặc khải uy quyền của Ngài vượt trên sức mạnh thiên nhiên và khuất phục cả những mãnh lực làm chúng ta chảo đảo sợ hãi. Nhưng quan trọng hơn hết, Ngài khải thị cho chúng ta chính thần tính của Ngài và biểu tỏ sức mạnh có thể cứu lấy những gì đã hư mất.

Đa phần chúng ta chưa từng có kinh nghiệm về sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa sâu xa như các môn đệ, và trải nghiệm đức tin giống như các ngài đã kinh qua khi thắng vượt được sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi. Các ngài e rằng, mình có thể rơi vào những ảo giác bên ngoài nhằm đánh lừa , và cái họ thấy trước mắt chỉ là một bóng ma đầy kinh khiếp. Vì thế, đây là mấu chốt khiến câu chuyện ma trong trình thuật Tin Mừng hôm nay trở nên khá thú vị. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng đến với chúng ta trong hình hài thân xác, hoặc giữa cơn bão tố, hay trong lúc chúng ta chao đảo đức tin. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta trong muôn vàn cách thái khác nhau. Ngôn sứ Elia đã đến một cái hang trên núi Horeb, ngọn núi của Chúa, để gặp Chúa. Nhưng Chúa không hiện diện trong cơn giông bão. Ngài không có mặt trong cơn động đất, trong núi lửa, nhưng Chúa đến trong “tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ”. Sau khi Elia nghe những âm thanh nhẹ nhàng này, ông tiến ra đứng trước cửa hang để đón gặp Chúa. Trong sự thanh vắng sau cơn bão tố, Chúa đã xuất hiện , hoàn toàn tĩnh lặng giữa núi rừng. Thần khí của Chúa đã đến với Elia dưới một một dạng thức thiêng liêng. Người ta có thể sánh ví , Ngài đến giống hệt như một bóng ma vậy.

 

14.Kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu

Thánh Phêrô đã kêu lên: "Lạy Ngài, xin cứu giúp con". Lời kêu xin thật ngắn gọn, và khẩn thiết để giúp Phêrô thoát khỏi sóng to gió lớn. Lời kêu cầu đó, Phêrô nhắm vào chính Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy noi gương Phêrô mà kêu cầu Chúa Giêsu, để Ngài ban ơn giúp ta đứng vững trước mọi khó khăn ở đời này và hưởng hạnh phúc ở đời sau.

"Lạy Ngài, xin cứu giúp con". Lời của Phêrô đã thốt lên trong sợ hãi, để xin Chúa Giêsu cứu giúp. Trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" Phêrô lo sợ, khi thấy mình nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng! ngay lúc đó Phêrô ý thức Chúa Giêsu đang hiện diện trước mặt ông và sẵn sàng cứu giúp ông. Cho nên, Phêrô đã kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu một cách dứt khoát và trông cậy vào Ngài. Nhờ đó, Phêrô được Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy và đưa lên ông thuyền bình an. Cho dù, đức tin Phêrô còn yếu kém, như Chúa Giêsu đã khiển trách ông: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi".

Trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, Danh Thánh Chúa Giêsu luôn vang lên mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh qua môi miệng của mọi hạng người khi gặp Ngài. Lời kêu cầu của họ thật ngắn gọn: như các thánh Tông đồ đã kêu cầu ngài cứu giúp khi thấy thuyền sắp chìm: "Lạy Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất". Hay người mù ăn xin nài nỉ: "Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy". Ngay khi Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá, danh Thánh của Ngài cũng vang lên qua anh trộm lành: "Lạy Ngài, khi vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi". Những lời kêu cầu đó, đôi khi chỉ vì sợ sệt hay muốn Ngài chữa lành bệnh mà thôi. Nhưng, tất cả đều tin rằng ChúaGiêsu sẽ giúp đỡ họ. Đối với Chúa Giêsu thì không từ chối một ai, sẵn sàng đón nhận và giúp họ nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống tại thế cũng như đời sống mai sau.

Chính Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã cảm nhận đều này. Thánh nữ luôn kêu cầu danh Thánh Chúa Giêsu mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh: khi gặp gian nan thử thách, đau khổ bệnh tật hay an vui hạnh phúc. Đặc biệt, khi đối diện với cái chết thánh nữ thân thưa: "Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa". Những lời kêu cầu đó như là một sức mạnh giúp ngài chấp nhận tất những gì xảy ra trong cuộc đời của thánh nữ. Cho nên, sau khi từ giã thế gian, nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi ngài như lúc còn sống.

Có thể nói, Danh Thánh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả những lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: "nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con". Cũng như, tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu "và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ". Đối với chúng ta, nhiều khi chưa nhận ra giá trị của việc kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu. Thực tế cho thấy nhiều người khi gặp thất bại, đau khổ, đã kêu Danh Thánh Ngài để trách móc: "Lạy Chúa Giêsu, tại sao để cho con đau khổ, bệnh tật" hay có người đã thốt lên: "Giêsu ơi! Tao đã thua mày". Đây là dịp chúng ta hãy xác tín rằng. Chúa Giêsu luôn hiện diện bên cạnh ta và sẵn sàng giúp đỡ ta trong mọi lúc mọi nơi, nếu chúng ta kêu cầu danh Thánh Ngài, cho dù đức tin của chúng ta con yếu kém: như Ngài đã phán: " Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Vì vậy, khi gặp gian nan thử thách, đau khổ, bệnh tật. Chúng ta hãy bày tỏ: "Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con. Xin chữa lành con". Chắc hẳn Ngài sẽ cứu chúng ta như đã từng đưa tay nắm lấy Phêrô; Ngài sẽ chữa lành cho chúng ta như từng chữa lành cho người cùi được sạch, người mù được sáng mắt. Đối Chúa Giêsu, Ngài luôn mở rộng bàn tay đón nhận những người tội lỗi biết ăn năn thống hối trở về, như đón nhận Giakêu hay hứa ban cho anh trộm lành được ở với Ngài. Như thế, khi chúng ta tội lỗi, xúc phạm đến Ngài hãy nói với cả con tim mình: "Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con". Cụ thể hơn, một chút nữa, trước khi rước lễ ta hãy ý thức những lời ta sẽ kêu cầu: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Hơn nữa, khi ta làm việc, khi ăn uống, hay khi nghỉ ngơi...Chúng ta hãy thân thưa: "Lạy Chúa, xin làm việc cùng con,..."

Lời kêu cầu vào Danh Thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản nhất của việc cầu nguyện. Nếu chúng ta thường xuyên lặp đi lặp lại danh Thánh Ngài mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh với một tâm hồn khiêm tốn, tin tưởng, phó thác vào Chúa Giêsu, thì lời kêu cầu này không biến thành những lời lãi nhãi, những giúp chúng ta nắm giữ được Lời Chúa và nhờ lòng kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Vì, Chúng ta đã ý thức Ngài đang hiện diện và sẵn sàng giúp đỡ ta. Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ giúp ta luôn đứng vững trước sống to gió lớn của cuộc đời. Và khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta sẽ rạng rỡ môi cười như Thánh nữ Têsêsa: một nụ cười mãn nguyện. Đồng thời, Chúa Giêsu sẽ nói với mỗi người chúng ta như nói với anh trộm lành: "Ngày hôm nay con sẽ ở trên Thiên đàng với Ta". Amen.

 

15.Đừng sợ

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Đoạn Tin Mừng hôm nay mang một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta, những con người nhỏ bé đang chật vật lo lắng cho cuộc sống của mình, đang chơi vơi trên mặt biển đời, không biết tương lai sẽ đi về đâu. Ai trong chúng ta cũng gặp sóng gió. Ai cũng có gánh nặng đầy vai, nhiều người lại chán nản, tuyệt vọng vì cuộc sống quá khắc nghiệt, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, nhất là đối với người nghèo, cơm không đủ ăn, con cái bệnh hoạn không tiền chạy thuốc… Bức tranh cuộc đời của nhiều người mang một màu đen buồn thảm.

Giáo hội cũng là con thuyền đang bập bềnh giữa sóng gió của thế giới, đa số là vô đạo, cũng lâm nguy, đang cố gắng chống chọi để lướt sóng. Những cuộc tấn công bằng nhiều cách đã làm cho Giáo hội có lúc cũng phải giao động nhất là chính con cái của Giáo hội cũng yếu đuối, lỡ lầm.

Hoàn cảnh của các môn đệ đúng là hình ảnh của cuộc đời, tròng trành trong cơn bão táp, không có gì bám víu. Cố hết sức cũng không đi đến đâu. Con thuyền gần như không vâng theo người lái. Nhưng kìa, có bóng hình xuất hiện, mập mờ trong bóng đêm, giữa trời và nước. Các môn đệ, mệt nhoài và lạnh cóng vì lúc ấy là canh tư rồi. Bóng ai thấp thoáng như thế? Các ông hoảng hốt vì chỉ có ma thôi. Chúng ta đang sống trong một thế giới tiến bộ, chúng ta không còn sợ ma, nhưng các môn đệ thì khác. Thời bấy giờ, người ta rất sợ ma quỉ. Các ông thấy bóng người rõ hơn, gần hơn. Họ hoảng hốt la lên với tất cả sức lực để đuổi ma, mong rằng ma kia sẽ sợ và biến đi. Nhưng càng la to, bóng ma càng đến gần. Nhưng bức tranh đổi màu khi một tiếng nói vang lên giữa sóng gió: “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Niềm vui thay vào nỗi sợ. Phêrô lại bạo gan: “Nếu là Thầy, xin cho con đi trên mặt nước đến với Thầy”. Một lời xin táo bạo! Đi trên mặt nước? Nhưng Thầy vẫn chấp nhận và bảo: “Cứ đến”. Thế là Phêrô bước ngay ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước. Nhưng chúng ta không biết khoảng cách là bao xa. Phêrô đi được mấy bước, chúng ta cũng không biết, chỉ biết là Phêrô, bị sóng táp đã quên rằng mình đang đi trên mặt nước và đang đi đâu. Ông chìm xuống và hoảng sợ la lên xin cầu cứu. Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy? Sao lại hoài nghi”?

Bức tranh thật ngộ nghĩnh và đầy an ủi. Chúa Giêsu đi trên mặt nước và đến với các ông. Điều này vượt quá tầm tưởng tượng của chúng ta. Đây chính là khuôn mặt của Chúa Giêsu, một con người tầm thường như chúng ta nhưng không như chúng ta, Ngài là Thiên Chúa làm người. Ngài dùng quyền năng của Ngài để cứu giúp chúng ta. Những phép lạ Ngài làm đều chứng minh điều đó, và giúp chúng ta tin vào Ngài. Tin vào Ngài tức là tin vào một Thiên Chúa quyền năng đến để phục vụ và cứu vớt chúng ta. Điều này chính là một điều đầy an ủi cho chúng ta, những người đang bập bềnh trên sóng nước. Vấn đề là chúng ta có tin vào Ngài không? Tin đến mức độ nào? Tin đến nỗi như Phêrô, dám nhào xuống biển để đi trên mặt nước? Đôi khi tin là như thế.

Cuộc sống thực tế của chúng ta lắm khi là một đêm tối dày đặc. Nhiều người tự hỏi trong đêm tối của tâm hồn: Chúa ở đâu? Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã bị thử thách suốt bao nhiêu năm, tâm hồn khô lạnh như một khúc củi, vẫn luôn tin không sứt mẻ. Ngay khi nằm trên giường bệnh, lúc gần chết Têrêsa vẫn chưa hết đau đớn vì cơn cám dỗ về đức tin, nhưng Têrêsa vẫn chiến đấu tới cùng. Chỉ vài phút trước khi chết, Têrêsa mới thanh thản mỉm cười và nói tiếng cuối cùng, “con yêu mến Chúa” rồi tắt thở.

Tin là đi trên mặt nước để đến với Chúa. Tin không là một sự nhàn hạ nghỉ ngơi mà là một cách liều mạng cho Chúa. Nhắm thẳng vào Chúa và bước tới, dù đôi khi chúng ta cũng bị chìm xuống như Phêrô. Nhưng Chúa vẫn ở đó và nắm tay kéo chúng ta lên. Nhìn thấy cảnh này chúng ta thấy vui không? Chúa trách nhẹ Phêrô… và hai người cùng bước lên thuyền. Thuyền chúng ta có chở Chúa không? Tin là thế đó là chở Chúa theo trong suốt cuộc đời. Có Chúa, cuộc đời đắng cay thế nào, chúng ta không mảy may sợ hãi. Thiên Chúa là nơi con nương ẩn, là thuẫn đỡ khiêng che, con sợ gì nguy khốn. Thánh vịnh ngập tràn những lời xác quyết như thế.

Chúng ta không tự mình làm gì có giá trị: “Không có Thầy, anh em không làm được việc gì”. Chúa đã nói như thế. Chúng ta có thể giàu có, danh tiếng khắp thế giới hay uy quyền, nhưng không có Chúa, mọi sự chỉ là tro bụi. Vinh hoa phú quí trần gian có là gì nếu chúng ta phải mất linh hồn? “Dù lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” Cầu xin cho chúng ta vững tin để chúng ta không chết chìm giữa những cám dỗ của thế gian.

Con thuyền Giáo hội cũng thế. Giữa thế kỷ khoa học này, Giáo hội phải đương đầu với rất nhiều thách đố. Những cuộc bách hại càng tinh vi. Nhưng Giáo hội vẫn không sờn lòng, vẫn tin vào Đấng đã hứa ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Vẫn dấn thân rao giảng Tin Mừng dù bị “bầm giập” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói.

Chúng ta được gọi làm chứng nhân cho một Thiên Chúa Tình Yêu, làm sao không bị thương tích giữa một thế giới đầy hận thù, tranh chấp? Làm sao chúng ta không bị đóng đinh, bị chà đạp như thánh Phaolô đã nói? Chúng ta yếu đuối nhưng chúng ta tin vào sức mạnh của Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta. Chúng ta vẫn có niềm hy vọng không phai vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài đang cầu nguyện trên núi một mình đang lúc các môn đệ ra khơi. Biết có gió mạnh và các môn đệ phải lao lực chèo chống, Ngài đến với các ông và giúp các ông vượt qua cơn sóng gió. Tin vào Chúa, nhưng chúng ta phải không thôi chèo chống không mỏi mệt, vì chúng ta cũng không thể ngồi không để con thuyền chúng ta trôi theo dòng nước. Người Công giáo luôn phải lội ngược dòng như Thầy chí thánh của mình.

Thánh Phaolô là con người có một niềm tin sắt đá không gì lay chuyển nổi, Ngài đã liều mạng cho Chúa và cho các linh hồn. Niềm tin chính là sức mạnh của Ngài. Ngài vượt hết mọi trở ngại trên đường truyền giáo của ngài. Niềm tin đó được nuôi dưỡng bằng một lòng mến sôi nồng đến nỗi ngài dám nói rằng: không có gì có thể chia cắt tôi ra khỏi tình yêu của Chúa, dù là những bậc thần thiên hay ma quỉ, hay những gian nan như thế nào đi nữa cũng không ai tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa.

Chúng ta dám tin không? Tin tuyệt đối hay chỉ mơ hồ? Muốn như thế, chúng ta phải học biết Chúa Giêsu là ai. Đức tin chỉ ăn sâu vào trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta biết tôi tin vào ai. Các môn đệ sau khi biển lặng gió êm đã đến trước Chúa Giêsu và nói lên niềm tin của họ: “Chính Thầy là con Thiên Chúa”. Có lẽ chúng ta còn yếu kém, có thể chối Ngài như Phêrô, nhưng lòng tin vẫn là sức mạnh để chúng ta vượt thắng sự hèn nhát và tiếp tục hành trình của chúng ta cho đến ngày cuối cùng.

Chúng ta đang đi trên biển đời giông tố. Chúa Giêsu biết điều đó. Ngài không bỏ chúng ta mồ côi, Ngài sẽ đến với chúng ta như Ngài đã hứa. Và đây Ngài ở nơi bàn thờ, Ngài là của lễ để chúng ta góp phần tạ ơn Chúa Cha với Ngài. Ngài là của ăn thần linh chúng ta cần đến để vượt biển trần gian và làm cho danh Cha cả sáng. Ăn lấy Ngài, để chúng ta luôn có Ngài và chúng ta sẽ can đảm hơn để dấn thân vào cuộc chiến cam go của đức tin, và làm cho ánh sáng Tin Mừng ngày càng sáng tỏ trong cuộc sống mỗi người chúng ta và quanh chúng ta.

 

16.Chúa Nhật 19 Thường Niên

(Suy niệm Tin Mừng của Lm. Inhaxiô Hồ Thông)

Vào Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm A này, bản văn Cựu Ước và bản văn Tin Mừng cùng nhau giới thiệu Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an.

1V 19: 9, 11-13

Trong sách Các Vua quyển thứ nhất, Thiên Chúa tỏ mình ra với ngôn sứ Ê-li-a trên núi Khô-rếp (tên gọi khác của núi Xi-nai), không còn trong cảnh sấm chớp kinh thiên động địa, nhưng trong cõi thinh lặng chứa chan ân tình trìu mến.

Rm 9: 1-5

Trái lại, Bài Đọc II trích từ thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma là một lời tâm sự đầy xao xuyến của thánh nhân trước sự cứng lòng tin của đồng bào Do thái của mình, tuy họ đã được Thiên Chúa đổ tràn biết bao thánh ân.

Mt 14: 22-33

Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su đi trên biển hồ trong phong ba bão tố. Ngay khi Ngài gặp lại các môn đệ trên thuyền, bão tố trở nên dịu êm. Sự bình yên trở lại trên thiên nhiên và trong cõi lòng của con người.

BÀI ĐỌC I (1V 19: 9, 11-13)

Sách Các Vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai dành một chỗ rộng lớn cho vai trò của các ngôn sứ, đặc biệt cho ba ngôn sứ: Ê-li-a, Ê-li-sa và I-sai-a.

Ngôn sứ Ê-li-a là một nhân vật thần bí có quyền năng hô phong hoán vũ, nhưng trước hết, là một con người của đức tin. Ông thực hiện sứ vụ ngôn sứ của mình ở vương quốc miền Bắc (còn gọi vương quốc Ít-ra-en), vào triều đại của vua A-kháp (874-853 tCn). Sứ mạng của ông gặp nhiều gian truân. Vua A-kháp là một vị quân vương vô đạo. Vợ vua, hoàng hậu I-de-ven, ngoại đạo, công chúa của vua Xi-đon, vua này vừa là vua đồng thời cũng là tư tế của thần Ba-an. Vua A-kháp sùng bái việc cúng tế ngẫu tượng và không thể chịu đựng được những lời khiển trách của ngôn sứ Ê-li-a. Trong khi đó, hoàng hậu I-de-ven quyết tâm truy lùng ngôn sứ Ê-li-a sau biến cố ngôn sứ Ê-li-a tru diệt các ngôn sứ của thần Ba-an trên núi Cát-men.

1. Hành trình tâm linh của ngôn sứ Ê-li-a.

Trước cuộc bách hại của vương triều, Ngôn sứ Ê-li-a rời bỏ vương quốc miền Bắc, trốn chạy vào vương quốc miền Nam (cũng gọi là vương quốc Giu-đa) cho đến tận biên giới sa mạc xa xôi. Ở đó, ông quyết định thực hiện một cuộc hành hương theo vết chân của ông Mô-sê. Sau một cuộc hành trình dài, ông đến núi thánh Khô-rếp (cũng được gọi núi Xi-nai theo truyền thống vương quốc miền Bắc). Chán nản vì những nổ lực của ông đã biến thành mây khói, vị ngôn sứ cố gắng tôi luyện lại niềm tin của mình trên chính những nơi Thiên Chúa đã tỏ mình ra.

Bốn thế kỷ cách biệt giữa ngôn sứ Ê-li-a và ông Mô-sê, dường như núi Khô-rếp đã trở thành thánh địa hành hương. Vị ngôn sứ nằm nghỉ trong một chiếc hang xưa kia ông Mô-sê đã trú ngụ, nơi mà truyền thống đã xem như thánh địa.

Chính để an ủi người tôi trung của mình, Thiên Chúa tỏ mình ra nhưng không trong tiếng sấm chớp kinh thiên động địa, cũng không trong cảnh đất rung núi lở hồn xiêu phách lạc, nhưng trong “làn gió mát hiu hiu thổi” (dịch sát từ: “trong tiếng động của cõi thinh lặng tinh tế”).

2. Tấm lòng trìu mến của Thiên Chúa.

Hai hoàn cảnh thần hiện với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a không như nhau. Xưa kia, dân Do thái cắm lều ở dưới chân núi Xi-nai. Vào lúc đó, Thiên Chúa đã ngỏ lời với dân trong cảnh trời đất rung chuyển và núi non hừng hực lửa, ngõ hầu toàn dân nhận biết sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa, nhờ đó dân biết kính sợ Ngài và lắng nghe ông Mô-sê, người trung gian của Ngài.

Trái lại, ngôn sứ Ê-li-a hoàn toàn cô độc, không tìm thấy một nơi nương tựa nào trên trần thế nầy. Thiên Chúa, thay vì làm ông khiếp sợ, tỏ mình ra trong giọng nói thì thầm dịu êm. Đây là cách thức khác Thiên Chúa bày tỏ sự thánh thiêng của Ngài. Hành động cứu độ của Thiên Chúa không tất yếu phải là ngoạn mục, ngược lại thường nhất là kín đáo. Trong trường hợp của ngôn sứ Ê-li-a, Thiên Chúa muốn ông hiểu rằng Ngài đang lắng nghe lời cầu nguyện của ông. Chính trong ân tình trìu mến mà Ngài muốn chuyện trò với ông.

Ngoài ra, không ngoại trừ rằng tác giả muốn cho dân Do thái bất tín và thờ ngẫu tượng một bài học: thần Ba-an của dân Ca-na-an là thần bão tố; còn Đức Chúa, Thiên Chúa chân thật, thì hoàn toàn khác.

Thật tuyệt vời khi Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã đối chiếu hai bản văn Cựu Ước và Tân Ước để giới thiệu Đức Giê-su là Đấng dẹp yên phong ba bão tố. Chính Ngài đem lại sự bình an. Sự hiện diện của Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an.

BÀI ĐỌC II (Rm 9: 1-5)

Bài Đọc II bắt đầu trích chương 9 của thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, trong đó thánh nhân thú nhận những nỗi phiền muộn bao la của mình trước sự cứng lòng tin của đồng bào Do thái của thánh nhân.

1. Nỗi ưu phiền lớn lao.

Nỗi phiền muộn của thánh Phao-lô lớn lao đến mức thánh nhân sợ người ta không muốn tin như vậy. Vì thế, thánh nhân viện dẫn Đức Ki-tô ra làm chứng: “Có Đức Ki-tô chứng giám”, đoạn Chúa Thánh Thần: “Lương tâm tôi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi”. Người ta có thể nghĩ rằng thánh Phao-lô đã muốn trung thành với truyền thống Do thái theo đó một sự kiện được cho là thật nếu có hai người làm chứng.

Thánh nhân vừa mới trình bày một cách nồng nàn vận mệnh vinh quang được chuẩn bị cho các tín hữu (chương 8). Thật sự là nỗi đau đến xé lòng nếu như đồng bào của mình đã không được dự phần vào vinh quang nầy. Thánh nhân chấp nhận chịu nguyền rủa để cứu anh em đồng bào cùng chung huyết thống với mình, dù phải hiến dâng chính bản thân mình, thì ngài cũng cam lòng. Ở đây, thánh nhân dùng từ Hy lạp “tách ra” theo nghĩa tiêu cực. Từ Hy lạp này có hai nét nghĩa, hoặc tích cực: đối tượng được tách ra khỏi thế giới phàm trần để được dâng hiến cho Thiên Chúa; hoặc tiêu cực: được tách ra để bị nguyền rủa. Thánh nhân dùng động từ Hy lạp này ở nơi khác cũng theo nghĩa tiêu cực như 1Cr 12: 3; 16: 22; Gl 1-8. Tiếng kêu tận đáy lòng, tiếng kêu quá đỗi bi thương cùng cực, có lẽ được gợi hứng từ tiếng kêu đến xé lòng của ông Mô-sê trước sự bất trung của dân Do thái cúi mình thờ lạy con bê vàng như là đấng giải phóng họ: “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách sự sống mà Ngài đã viết” (Xh 32: 31-32).

2. Một dân phản loạn.

Thánh nhân nhắc lại tất cả những ân ban mà Thiên Chúa đã tuôn đổ dư tràn cho dân Ngài: “Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng giao ước, lề luật, nền phụng tự và những lời hứa”. Sau hết, thánh nhân nhấn mạnh đặc ân cao vời khôn sánh mà dân Do thái đã lãnh nhận, đó chính là “Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ”. Thánh nhân còn nói thêm: “Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn đời”. Đây là một trong những ví dụ hiếm hoi, ở đó thánh Phao-lô gọi Đức Ki-tô là Thiên Chúa. Chúng ta còn gặp một ví dụ duy nhất khác ở Tt 1: 3: “Vào đúng thời đúng buổi, Người đã biểu lộ lời Người trong lời rao giảng đã được giao phó cho tôi, theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta”.

TIN MỪNG (Mt 14: 22-33)

Câu chuyện Đức Giê-su đi trên biển hồ sóng to gió lớn được định vị vào ban đêm sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng được ăn no nên trong hoang địa, Đức Giê-su buộc các môn đệ xuống thuyền sang bờ hồ bên kia, còn Ngài thì giải tán đám đông dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình. Các ông, đa số là những ngư phủ dày dặn kinh nghiệm, biết rằng vượt biển hồ rộng lớn trong đêm tối rất nguy hiểm. Thánh Mát-thêu không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho thái độ kỳ lạ của Đức Giê-su. Chúng ta biết được nhờ Tin Mừng thứ tư: “Đức Giê-su biết người ta sắp tôn Ngài làm vua, một lần nữa, một mình rút lui lên núi” (Ga 6: 15). Đức Giê-su cẩn trọng tách riêng các môn đệ ra khỏi đám đông, vì sợ rằng các ông để cho mình bị đám đông lôi cuốn nẩy sinh trong lòng ước muốn tái lập vương triều Ít-ra-en. Đó không là sứ mạng của Ngài.

1. Chúa Giê-su cầu nguyện một mình:

Bất cứ khi nào các thánh ký kể ra việc Đức Giê-su cầu nguyện, họ đều nhấn mạnh tính chất trầm lắng và cô độc của Ngài: “Đức Giê-su lên núi một mình mà cầu nguyện”. Ngài cầu nguyện trong những trường hợp quan trọng (khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, khi biến hình trên núi cao), trước khi đưa ra những quyết định quan trọng (khi chịu những thử thách trong hoang địa, ở vườn Cây Dầu). Việc Đức Giê-su cầu nguyện sau phép lạ hóa bánh ra nhiều thật sự chiếm lấy thời điểm bản lề. Đám đông tán dương Ngài như một người có phép thuật thần thông biến hóa; họ ước mơ một Đấng Thiên Sai quyền năng trần thế; họ để ngoài tai sứ điệp của Ngài. Thất vọng, Đức Giê-su sắp mở ra cho sứ vụ của Ngài một hướng đi khác: để hết tâm trí vào việc ưu tiên đào tạo các môn đệ của Ngài. Trước khi đưa ra quyết định này, Đức Giê-su trải qua suốt buổi chiều và thâu đêm để thân thưa với Cha Ngài.

2. “Thầy đây, đừng sợ”

Dù cầu nguyện một mình trên núi, Đức Giê-su vẫn không rời mắt khỏi con thuyền của các môn đệ Ngài. Khi thấy con thuyền của họ lâm nguy, Đức Giê-su đi trên mặt biển sóng to gió lớn mà đến với các ông. Theo quan niệm Kinh Thánh, “biển” là nơi các ác thần cư ngụ và hoạt động (x. G 7: 12; Is 27: 1; 51: 9t; Đn 7…). Ở đây, thánh Mát-thêu mô tả con thuyền trong đêm tối “bị vùi dập” bởi những đợt sóng hung dữ, tức là đang ở trong tình trạng bị thế lực sự ác đe dọa.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay sở hữu nhiều yếu tố gợi lên biến cố Phục Sinh. Động từ “đến” được dùng ở đây cũng là động từ tiêu biểu chỉ những lần Đức Giê-su Phục Sinh đến với các môn đệ Ngài (Lc 24: 15; Ga 20: 19) trong tư thế là Đấng chiến thắng những thế lực hung dữ của tử thần. Thời điểm “Đức Giê-su đến với các ông” vào khoảng canh tư, tức từ ba giờ đến sáu giờ sáng nhắc độc giả nhớ thời điểm Đức Giê-su sống lại khi trời “vừa ló dạng” theo thánh Mát-thêu (Mt 28: 1), “lúc mặt trời hé mọc” theo thánh Mác-cô (Mc 16: 2), “vừa tảng sáng” theo thánh Lu-ca (Lc 24: 1), “sáng sớm… lúc trời còn tối” theo thánh Gioan (Ga 20: 1). “Thấy Người đi trên mặt biển, “Các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, tương tự như những lần Đấng Phục Sinh hiện ra, “các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24: 36-37). Trước tiếng kêu kinh khiếp của các môn đệ, Đức Giê-su đáp trả: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” như những lần Đấng Phục Sinh hiện ra trấn an các môn đệ Ngài (x. Mt 28: 10).

Trong bối cảnh này, lời trấn an của Đức Giê-su có nghĩa, chính là Thầy, chứ không phải bóng ma như anh em tưởng. Tuy nhiên, trong Cựu Ước, “Egô Eimi” (chính là Ta”) là danh Thiên Chúa đã mặc khải cho ông Mô-sê (x. Xh 3: 13-15; Is 42: 8). Với danh xưng này, Đức Giê-su khẳng định chân tính thần linh của Ngài.

3. Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và thánh Phê-rô:

Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su với thánh Phê-rô là nguồn riêng của Tin Mừng Mát-thêu. Thánh Phê-rô xin Chúa cho mình được đi trên sóng nước mà đến với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Ở đây, thánh Phê-rô không gọi Đức Giê-su theo cách thông thường: “Thưa Thầy”, nhưng “Kurie”: “Thưa Ngài” hay “Lạy Chúa”. Được Chúa Giê-su cho phép, ông hăm hở liều lĩnh, lao xuống nước. Ba lần trong Tin Mừng của mình, thánh Mát-thêu nêu bật con người của Phê-rô: trong câu chuyện này, vào lúc tuyên xưng đức tin ở Xê-da-rê, và vào lúc Biến Hình. Nhưng khi thấy biển động mạnh, ông hoảng sợ, và khi bắt đầu chìm ông liền la lên: “Lạy Chúa, xin cứu con”. Đây là lần đầu tiên một trong các Tông Đồ kêu cứu Đức Giê-su bằng tước hiệu “Đấng Cứu Độ”.

Điều làm nên con người thánh thiện của thánh Phê-rô chính là cứ mỗi lần hành động theo tính khí nông nổi của mình, ông vấp ngã; nhưng mỗi lần vấp ngã, ông lại chỗi dậy. Mỗi lần vấp ngã càng giúp ông hiểu Thầy hơn như ở đây, ông nhận thức rằng để có được một đức tin vững mạnh, không thể cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng vào Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ của mình. Kinh nghiệm này rất cần thiết cho bất kỳ vị lãnh đạo của Giáo Hội.

4. Phản ứng của các môn đệ:

Câu chuyện kết thúc trong bầu khí phụng vụ: “Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người” và đồng thanh tuyên xưng: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”, vì ai có quyền năng chế ngự các thế lực của sự dữ như thế, nếu không phải là Thiên Chúa. Thật xứng hợp với lời ca tụng của thánh vịnh gia về quyền năng của Thiên Chúa:

“Nước đã thấy Ngài, lạy Thiên Chúa,

thấy Ngài, nước rùng mình khiếp sợ,

cả vực sâu cũng run rẩy kinh hoàng.

Đường của Chúa băng qua biển rộng” (Tv 77: 17, 20).

Câu chuyện hôm nay sở hữu cái nền của Giáo Hội hậu Phục Sinh. Giáo phụ Tết-tu-li-a-nô, và sau này thánh Giáo Phụ Âu-gút-ti-nô, sẽ khai triển đề tài nổi tiếng về con thuyền Giáo Hội. Như các Tông Đồ, Giáo Hội, khi trung thành thi hành sứ mạng của mình trên biển đời này, cũng phải đương đầu với biết bao những chống phá của các thế lực hung ác. Nhưng Đấng Phục Sinh không hề rời mắt khỏi con thuyền. Khi cần thiết, Ngài đến cứu giúp Giáo Hội: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (14: 27). Sau khi Chúa Giêsu bước lên thuyền, sóng yên gió lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức đem lại bình yên và chế ngự những thế lực hung ác điên cuồng.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế. Nếu biết đặt Chúa Giêsu ở trung tâm đời mình như một hiện diện đích thực và sống động, chúng ta sẽ được an bình nội tại, dù bên ngoài tứ bề sóng gió. Về phần mình, thánh Phê-rô là thuyền trưởng lèo lái con thuyền Giáo Hội. Để con thuyền trực chỉ hướng đến bến bờ bình an, vượt qua những phong ba bão tố, hơn ai hết thánh Phê-rô nhận thức rằng không cậy dựa vào tài năng lèo lái của mình, nhưng đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giê-su Phục Sinh: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” (14: 30). Lời kêu cứu của thánh Phê-rô cũng là lời khẩn cầu của mỗi người chúng ta mỗi khi cần đến ơn phù trợ của Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ của chúng ta: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

 

17.Chúa Nhật 19 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Câu chuyện Tin Mừng chúng ta vừa nghe rất thích hợp với mỗi người chúng ta. Cuộc đời thường được ví như một chiếc thuyền đang đi giữa biển, bị sóng gió tròng trành. Nhất là trong xã hội hôm nay, một xã hội bị đảo lộn từ trong ra ngoài. Con người trở thành nạn nhân của chính mình. Một xã hội mạnh được yếu thua. Một xã hội gần như không có con tim, chỉ có lợi nhuận, quyền thế, tiện nghi. Đua nhau kiếm tiền, bất cần lương tâm. Công bằng bác ái như một thứ xa xỉ dành cho một hạng người nào đó dại khờ còn đeo đuổi mộng mơ đạo đức.

Đời sống đạo đức chúng ta phải phải chống chọi với những làn sóng vô đạo, đang đe dọa đắm chìm chúng ta.

Các tông đồ, theo lệnh Chúa, xuống thuyền để sang bờ bên kia. Nếu có gió thuận họ sẽ căng buồm, nếu không phải chèo. Lần nầy thì gió ngược sóng to họ phải chèo chống và khoảng cách đôi bờ có thể hơn mười cây số, và Chúa Giê-su không cùng đi với họ.

Vì gió ngược sóng to, họ phải hết sức cực khổ mới không bị trôi dạt theo chiều gió.

Biển hồ Galilê như một đứa trẻ tinh nghịch, là một biển hồ rất nguy hiểm, vì những cơn gió lốc thường từ sa mạc thổi về, không báo trước. Những cơn giận bất ngờ của Biển hồ là một mối đe dọa thường xuyên cho các ngư phủ.

Chúa Giê-su biết các môn đệ đang khó nhọc chèo chống, Ngài đến với họ. Ngài đã chứng tỏ quyền uy của Ngài khi Ngài ra tay cứu giúp những người bệnh hoạn tật nguyền, Ngài đã có lần ra lệnh cho sóng biển lặng im, Ngài xua trừ ma quỉ…

Môsê xưa kia chỉ cần giơ gậy lên truyền cho Biển Đỏ tách ra làm hai cho dân đi qua. Êlia cũng không kém uy quyền.

Chúa Giêsu vượt xa những khuôn mặt thần thoại ấy của Cựu Ước. Bóng dáng Ngài đơn thường như mọi người, lời nói Ngài uy nghiêm quyền phép, bàn tay Ngài vun vãi những việc diệu kỳ.

Ngài đến với các môn đệ trong đêm tối. Bằng cách nào?

Ngài xuất hiện từ xa, và lúc ấy độ canh ba. Giữa trời với nước, các môn đệ nhìn thấy một bóng hình xuất hiện, và dần dần, bóng hình cứ lớn thêm và gần hơn…

Giữa trời với nước, đêm khuya, bóng hình đó là gì? Đối với các môn đệ lúc bấy giờ thì chỉ có thể là ma. Họ la hoảng lên và càng cố la to trông cậy có thể làm cho bóng ma hoảng sợ và không đến gần.

Tại sao Chúa không dùng một hình thức nào dễ chấp nhận hơn?

Chúng ta không thể biết được ý định của Ngài. Có lẽ Ngài muốn cho các môn đệ và cả chúng ta hiểu rằng, chúng ta không thể nhận ra Ngài dễ dàng, mà phải qua nhiều giai đoạn, chậm rãi và đôi khi phải sợ sệt. Ngài cho chúng ta cảm nhận rằng chúng ta nhỏ bé trước cuộc sống, phải chống chọi để sống còn, để khỏi phải lún chìm, nhưng Ngài không để chúng ta một mình. Ngài đến với chúng ta qua nhiều hình thức.

Khởi đầu, chúng ta không nhận ra Ngài, nhưng dần dần, Ngài cho chúng ta khám phá ra Ngài, ngay giữa những cơn bão tố.

Đó là hồng ân tuyệt diệu Ngài dành cho chúng ta.

Hơn nữa, Ngài muốn chúng ta liều với Ngài. Chúng ta thấy thái độ của Phêrô:

“Nếu là Thầy thì xin cho đi trên mặt nước đến với Thầy…”

“Đến đây!”

Lời mời gọi của Thầy làm Phêrô vững dạ, bước ra khỏi thuyền không e ngại… Nhưng chỉ một vài giây sau: “Xin Thầy cứu con với!”

Chúng ta luôn có nguy cơ đắm chìm và sa ngã. Chỉ một giây phút nghi ngờ, chúng ta có thể lún sâu.

Muốn giữ vững niềm tin, phải phấn đấu và, trên hết: cậy tin.

Phêrô dám liều, khi đã nhận ra Thầy. Bất chấp mọi sự, Phêrô bước đi trên mặt nước. Đúng là con người liều mạng. Điều đó chứng tỏ niềm tin của Phêrô thật vững chắc và vô điều kiện. Có Chúa đó thì mọi sự đều có thể.

Chúng ta dám tin vô điều kiện như thế không?

Chúng ta đòi điều kiện mới tin. Chúng ta không dám liều. Chúng ta đòi có những bảo đảm cần thiết. Đời sống yên ổn mới có thể lo việc thờ phượng.

Không! Chúa là bảo đảm duy nhất, vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng nắm quyền trên trời dưới đất, là chủ của lịch sử. Ngài đã bỏ mọi sự để đến trong trần gian nầy, không phải để làm trò cười cho thiên hạ.

Các thánh đã tin và không bao giờ thất vọng.

Thánh Phaolô đã tin mãnh liệt và ngài đã thắng tất cả mọi trở lực trên con đường truyền giáo.Thánh Clêmentê Hopbauer, nuôi một đám trẻ mồ côi. Bà bếp báo cáo là không còn gì để ăn… Thánh nhân bình tỉnh đáp: “Cứ tin thôi.” Ngài vào trước nhà tạm cầu nguyện, và đến trưa, một chiếc xe chở đủ thứ đồ ăn vào và mọi người được ăn no… Thánh Gioan Boscô cũng nuôi một bầy thiếu niên bụi đời, bị đuổi từ nơi nầy sang nơi nọ, không ai chấp nhận lũ trẻ tinh nghịch của Ngài, Ngài chỉ tin vào sự quan phòng của Chúa, và mọi sự được giải quyết ổn thỏa. Mẹ Têrêxa Calcutta cũng thế. Bị xua đuổi, gặp đủ thứ gian nan, Mẹ chỉ tin và hôm nay, Mẹ đã mang lại cho thế giới một làn sóng yêu thương không ai ngờ.

Chúng ta không dám tin, chúng ta chẳng làm gì được. Thế giới quanh ta vẫn sa đọa, gia đình chúng ta kém yêu thương…

Chúng ta hãy tin vững chắc rằng, Chúa không bao giờ thua chúng ta, nếu chúng ta tin.

Dù muốn dù không, chúng ta đã đã bước vào con thuyền của Phêrô, nghĩa là chúng ta đã dấn thân vào con đường Nước Trời, chúng ta không còn thuộc về thế gian. Chúng ta là của Chúa: “Thế gian sẽ ghét các con vì nó đã ghét Thầy trước.”

Bão tồ của thế gian sẽ vây bọc chúng ta. Chúng ta cứ chèo chống, Chúa Giêsu sẽ đến trong bão tố.

Còn Chúa, chúng ta còn hy vọng. Ngài cho Phêrô đi trên mặt biển, Ngài cũng gọi chúng ta liều mạng như thế. Dù chúng ta có sợ sệt, hồ nghi, chúng ta vẫn có thể kêu đến Ngài.

Điểm tựa vững chắc của chúng ta là Chúa Giêsu mà thôi: “Ngoài Chúa ra, chúng con không tìm đâu được hạnh phúc”. Thánh vịnh luôn dạy chúng ta cầu nguyện như thế.

Tất cả trên trần gian nầy không có gì vững chắc cả. Cá nhân chúng ta lệ thuốc mọi thứ: môi sinh, xã hội, kinh tế… Gia đình chúng ta cũng bấp bênh. Giáo Hội cũng tròng trành vì những cuộc tấn công của ma quỉ, của những trào lưu vô đạo, vì sự yếu đuối của con cái mình. Nguy hiểm bên ngoài, nguy hiểm bên trong. Thế nhưng Giáo Hội vẫn tin tưởng vào Đấng đã tạo lập nên mình trên nền đá Phêrô. Chỉ có niềm tin bảo vệ chúng ta.

Chúa Giêsu bước lên thuyền. Tất cả đều thay đổi. Sự yên lành trở lại. Sóng gió im lặng. Thầy trò gặp nhau. Các môn đệ đến thờ lạy Ngài: “Thầy thật là Con Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu hôm nay và mãi mãi vẫn ở với chúng ta nhờ tấm Bánh Hằng Sống. Hãy đến với Ngài, thờ lạy Ngài, đưa Ngài vào con thuyền nhỏ bé của chúng ta. Thờ lạy và yêu mến Ngài, mặc cho bão tố thế gian vẫn đe dọa. Ngài vẫn mãi mãi là bảo đảm vững chắc cho chúng ta.Ngài đến và: ”Bình an cho chúng con”.

 

18.Hướng nhìn lên Chúa - Jos. Hồng Ân

Chính Đức Giêsu đã xa lánh đám đông, "đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt" (Mt 14, 13) để nghỉ ngơi, cầu nguyện và hướng nhìn về lên Chúa Cha, lý do là vì dân chúng đã nhận ra Chúa là đấng Mesia và kéo đến với Người để được Người chữa bệnh và nghe lời Người giảng dạy. Trình thuật bài Tin Mừng cho thấy rằng, sau khi chữa bệnh, giảng dạy và cho dân chúng ăn no nê, "Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình" (Mt 14, 22-23). Chỉ còn một mình Đức Giêsu, Ngài chìm sâu trong cầu nguyện, hướng nhìn lên Chúa Cha, gặp gỡ thân tình với Chúa Cha.

Đức Giêsu chìm sâu trong cầu nguyện, nhưng Ngài không quên các môn đệ. Ngài biết họ gặp sóng to, gió lớn, đang vật lộn, đang phải lao đao, vất vả chèo chống với sóng gió trên biển. Nên Chúa xuất hiện kịp thời để cứu giúp các ông. "Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: 'Ma đấy!', và sợ hãi la lên" (Mt 14, 25-26). Các môn đệ lo lắng, sợ hãi, trước phong ba bão táp, lại nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước trong đêm tối, tưởng là ma, các ông càng hoảng sợ hơn. Các ông sợ hãi, hoảng hốt, vì kém tin, nên các ông tưởng Chúa là ma và vô cùng sợ hãi. Đức Giêsu liền lên tiếng trấn an các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14, 27).

Khi nghe Chúa nói: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14, 27). Ông Phêrô liền mạnh dạn thưa với Chúa: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài" (Mt 14, 28). Ông là người duy nhất trong nhóm môn đệ dám xin điều mà không ai dám xin. Đức Giêsu nhận lời cầu xin của Phêrô, nên đã bảo ông: "Cứ đến. Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu" (Mt 14, 29). Ông Phêrô bước ra khỏi thuyền mà đi trên mặt nước để đến với Chúa. Nhưng sau đó: "thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với" (Mt 14, 30). Đi trên mặt nước là một điều không tưởng, nhưng có Chúa thì có thể đi trên mặt nước một cách dễ dàng, có thể làm được những việc phi thường hơn thế nữa. Nhờ vào Chúa, ông Phêrô đã làm được điều đó. Nhưng quả thực ông đã mắc phải một sai lầm lớn là vì "thấy gió thổi thì ông đâm sợ", vì ông nghi ngờ, đức tin của ông bị chao đảo, ông đã nhìn xuống mặt biển giông tố, ông không nhìn lên Chúa, ông quên rằng Chúa đang đứng bên cạnh ông, nên ông bị chìm xuống nước. Đáng lẽ khi gặp phong ba, báp táp, ông phải hướng lòng lên Chúa, mắt nhìn về Chúa, luôn tin tưởng phó thác trong vòng tay yêu thương và quan phòng của Chúa. Ông cần gạt bỏ hết những lối suy nghĩ trần tục, những lo lắng, sợ hãi, bối rối, loại bỏ những "vật cản" để tiến bước.

Có một câu chuyện kể rằng vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột để hạ cánh buồm xuống. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu đưa mắt nhìn lên bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu phạm phải một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và muốn ngã xuống. Thấy thế, một thủy thủ già la to: "Này nhóc, ngước nhìn lên bầu trời đi! Nhìn lên bầu trời đi". Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn, cậu ngước nhìn lên trời và cuối cùng đã leo lên được an toàn.

Lỗi lầm của cậu bé, giống lỗi lầm của Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm, nhìn xuống mặt biển giông tố, cậu đã bị choáng, có thể rơi xuống và bị chìm, bị vùi dập trong lòng biển, nhưng sau đó cậu nhìn lên bầu trời và cậu tiếp tục chèo lên an toàn, như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố, nên đã bị chìm xuống. Nhưng khi Phêrô bị chìm ông đã nhìn lên Chúa, cầu xin Chúa, nên ông đã được Chúa nắm tay và kéo ông lên. Quả thật, trong những phút thất bại, ông Phêrô luôn biết cầu cùng Chúa. Điều kỳ diệu là cứ mỗi lần vấp ngã, ông lại trỗi dậy, những thất bại đó đem ông đến gần Chúa hơn. Sự thất bại của ông Phêrô được Chúa cứu, đã làm ông càng thêm yêu mến Chúa hơn.

Trong đêm tối cuộc đời, nhiều khi chúng ta gặp sóng gió, bão táp, gặp gian nan khốn khó, mất bình an, bị nhận chìm xuống là vì chúng ta cậy sức riêng của mình, không nhìn lên Chúa, không tin tưởng phó thác nơi Chúa. Để đứng vững mỗi khi gặp sóng gió, bão táp trên biển đời, chúng ta hãy nhớ rằng, Chúa không bỏ rơi ta, Chúa luôn ở bên ta, như Ngài đã đến bên các môn đệ trong đêm tối trên biển, khi các ông gặp sóng to, gió lớn, khi các ông phải vất vả chèo chống. Mỗi khi ta bị gió thổi, bị sóng đánh chìm, ta hãy nhìn lên Chúa, cầu xin Người cứu giúp, như xưa Phêrô đã cầu cùng Chúa "thưa Ngài xin cứu con với" (Mt 14, 30).

Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hướng lòng lên Chúa, mắt nhìn về Chúa, tin tưởng phó thác trong vòng tay yêu thương và quan phòng của Chúa. Chúng ta biết rằng ở đâu có Chúa thì ở đó có bình yên, như xưa các môn đệ được bình yên khi có Chúa ở cùng: "Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay" (Mt 14, 32).

 

19.Uy quyền – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tiên tri Êlia xuất hiện và làm nhiều việc phi thường tại miền Bắc Kinh Thành nước Israel dưới thời vua Ahab, vào thế kỷ thứ 9, trước Công Nguyên. Theo sách Các Vua, Êlia đã bảo vệ việc tôn thờ Thiên Chúa Yavê chống lại thần Baal thuộc xứ Canaan. Êlia đã thực hiện một số việc lạ lùng như cho kẻ chết sống lại, cho lửa từ trời xuống và được cất nhắc lên trời trong xe lửa. Trong sách Malachi, nói về sự trở lại của Êlia trước ngày Chúa quang lâm. Trong Tân Ước, có nhắc đến tên Êlia, khi người ta so sánh tiên tri Êlia với Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ông Êlia xuất hiện cùng với Môisen trong sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê.

Chúng ta không biết nhiều về tiểu sử đời tư của tiên tri Êlia. Tên Êlia có nghĩa là Chúa của tôi là Yavê. Tại Israel, khi vua Ahab và hoàng hậu Jezebel tôn thờ các thần dân ngoại và xây dựng đền thờ kính thần Baal. Baal là thần xứ Canaan, họ tin rằng thần này chịu trách nhiệm về việc làm sấm chớp, mưa bão và sương sa. Jezebel nhập cư các thầy tư tế và các tiên tri của thần Baal vào đất Canaan. Êlia cảnh cáo và thách thức vua Ahab và các đồ đệ của thần Baal là sẽ có hạn hán trong ba năm. Êlia cũng đã thách đố quyền lực của thần Baal trên của lễ toàn thiêu. Kết qủa thần Baal chỉ là hư danh. Êlia đã toàn thắng trước mặt chư dân, nhưng vì ghen tương, bà hoàng hậu Jezebel tìm cách trả thù, nên ông phải trốn chạy lên núi. Chúa đã nâng đỡ an ủi ông trong cơn khốn cùng: Chúa phán cùng ông Êlia rằng: Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xẻ núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất (1Vua 19, 11).

Bài phúc âm hôm nay, sau khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, Chúa ở lại trong hoang địa để cầu nguyện. Thánh Matthêô viết: Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông (Mt 14, 25). Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Một sự kiện lạ lùng. Con người bình thường với sức nặng khi bước xuống nước sẽ bị chìm xuống. Ở miền Nam Do-thái, vùng Giuđêa có Biển Chết, nước rất mặn. Khi xuống nước tắm, chúng ta có thể nằm ngửa và thân xác sẽ nổi trên mặt nước và không cần phải cựa quậy chân tay. Khi đứng thì nhẹ nhàng nhưng nằm thì thân xác có thể nổi. Không ai có thể đi trên mặt nước. Trong một vài cảnh lạ quảng cáo trên truyền hình, đôi khi chúng ta cũng thấy có người đi trên mặt nước, nhưng phải cẩn thận quan sát vì có sự dàn dựng phía sau để che mắt thiên hạ. Cũng giống như tất cả các nhà ảo thuật, họ đều có kỹ năng chuyên môn để qua mắt bà con. Chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn ngọn của các sự việc cách cụ thể trên sách vở báo chí.

Chúa Giêsu đi trên mặt nước và đến với các tông đồ vào ban đêm: Chúa Giêsu nói với các ông rằng: Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ (Mt 14, 27). Các tông đồ là những người chài lưới rất quen thuộc với khung cảnh sóng biển. Khi thấy sự kiện lạ, các ông hoảng sợ. Đúng thế, ai mà không sợ chứ! Một phản ứng rất tự nhiên của con người. Các sự kiện lạ vượt ra ngoài qui luật của không gian và thời gian. Chúa Giêsu củng cố đức tin của các ông bằng các dấu lạ, để các ông nhận ra uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta thấy các tông đồ được chứng kiến nhiều phép lạ mà Chúa đã thực hiện, nhưng tới lúc nguy nan và khó khăn, đức tin của các tông đồ cũng vẫn bị lung lay và sợ hãi.

Ông Phêrô tính tình rất thật thà và nhiệt thành. Ông đã xin Chúa cho đi trên mặt nước, Chúa chấp nhận, nhưng: Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sấp mình xuống nên la lên rằng: Lạy Thầy, xin cứu con (Mt 14, 30). Phêrô là dân chài lưới. Ông sống trên sông nước và tắm lội hằng ngày, vậy mà khi gió thổi mạnh, ông chìm xuống và vội la lên, xin Chúa cứu. Đứng trước Đấng có quyền phép vô cùng, Phêrô cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối. Ông cậy dựa vào tình thương của Chúa để xin cứu vớt. Có Chúa, con còn sợ chi ai. Tính tình của ông Phêrô rất bộc trực nhưng chân thành. Chúa Giêsu đã yêu thương và trao cho ông quyền trên các tông đồ. Chúa còn trao quyền cho ông cai quản Giáo Hội mà Chúa thiết lập. Chúa hỏi ông và ba lần ông đã tuyên xưng: Lạy Thầy, con mến yêu Thầy.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đối diện với năm chìm bảy nổi. Nhưng các khó khăn và thất bại trong cuộc sống là những bài học giúp chúng ta sống trưởng thành hơn. Mới đây, trong một cuộc họp hàng tháng, chúng tôi đã chia sẻ về các vấn đề gây sự ưu tư trong cuộc sống đạo. Một linh mục chia sẻ rằng: Mỗi ngày cha đều dâng lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa, vậy mà sau ba mươi năm linh mục, cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Tính nào vẫn tật đó. Các tính xấu cứ lập đi lập lại. Lời chia sẻ rất chân tình. Hầu như ai trong chúng ta cũng thế. Tội đó đã xưng mười năm trước, nay vẫn còn tái phạm. Đôi khi chúng ta muốn sửa đổi và chừa tội, nhưng chỉ thay đổi và chừa cải được chút chút. Sau vài suy nghĩ, tôi tự an ủi rằng: Dù sao chúng ta cũng còn tiếp tục ở lại trong ơn nghĩa Chúa cho tới ngày hôm nay. Cũng giống như thức ăn thức uống giúp nuôi dưỡng chúng ta qua tháng ngày, nhờ từng bữa ăn bổ sức mà chúng ta còn sống khỏe tới ngày hôm nay. Tạ ơn Chúa.

Mỗi ngày sống là một ngày mới hoàn toàn. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa. Sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ngày hôm qua có bị ngã, bị chìm thì sự việc cũng đã qua. Chúng ta không thể làm gì được với quá khứ. Bình sành đã bể là đã bể. Hàn gắn lại là việc của ngày hôm nay. Chúng ta không nên ngồi đó để phiền trách về quá khứ đã qua. Cái đã qua giúp chúng ta học hỏi nhiều kinh nghiệm để tiến thân và sống tốt hơn. Đừng chìm đắm trong qúa khứ, nhưng hãy vui sống giây phút hiện tại mà chúng ta đang có đây. Phêrô đã chìm xuống nước và vội la lên, xin Thầy cứu con. Nếu có khi nào chúng ta bị rơi chìm, thất bại và chán nản, hãy nhớ rằng chúng ta có Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng có uy quyền trên hết mọi tạo vật. Hãy thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin cứu con!.

Phần thưởng của cuộc sống là sự an vui và hạnh phúc. Khi con người nhận rõ vai trò, sứ vụ và cùng đích của cuộc đời, thì không còn phải lắng lo nhiều. Niềm tin sẽ dẫn dắt chúng ta hoàn thành sứ mệnh của con người trong cuộc lữ hành. Hãy tránh dần sự tranh chấp vô thưởng vô phạt để duy trì tình thân ái. Bỏ bớt cái tôi cao ngạo và dễ ghét, để cùng hòa đồng xây dựng sự hài hòa trong an bình. Tất cả mọi sinh hoạt đều qui hướng tạo niềm an vui hôm nay và ngày mai. Niềm vui lớn lao nhất của chúng ta là được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong niềm tin sống đạo và ân sủng của các Bí tích trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô, để đồng thừa hưởng gia nghiệp đã hứa ban. Không riêng gì dân Do-thái mà tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô: Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phụng tự và lời hứa (Rm 9, 4). Chúng ta sẽ được thừa kế gia sản ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành sẵn cho loài người qua Con Chúa Nhập Thể và cứu chuộc.

Lạy Chúa, Chúa là chủ của muôn loài muôn vật. Chúa có quyền sáng tạo, biến hóa và tái tạo. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con trở thành những mảnh đất phì nhiêu sinh hoa kết trái nhân đức tốt lành trong cuộc sống. Xin cho chúng con can đảm tin tưởng và dõi theo lối bước của Chúa. Hãy lắng nghe lời của Thầy Chí Thánh: Thầy đây, các con yên tâm, đừng sợ!

 

home Mục lục Lưu trữ