Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1363842
CẦU NGUYỆN TIN YÊU
CẦU NGUYỆN TIN YÊU
Sinh ra tại tiểu bang Florida, Diane Trần cho biết thân phụ của cô là người Việt và Mẹ là một phụ nữ Đại Hàn. Theo đài KHOU TV thì hoàn cảnh của Diane Trần rất đặc biệt, cô vừa đi học, vừa phải đi làm hai công việc để trợ giúp một người anh đang học đại học và một em gái còn nhỏ, vì cha mẹ vừa bất ngờ ly dị, không săn sóc gia đình nữa.
Cô hiện sống với Cha tại Willis, một thành phố nhỏ cách Houston khoảng 50 dặm Anh. Cha cô thường phải đi làm xa nhà. Những lúc thân phụ đi làm vắng nhà, Diane ở tại nhà cô bạn thân là Devin Hill và làm việc part time trong cơ sở chuyên lo về đám cưới của bà ngoại Devin, là bà Mary Elliot.
Trong khóa học vừa qua, Diane đã đi học trễ và nghỉ học tổng cộng 18 lần, vượt quá con số tối đa cho phép của luật giáo dục tiểu bang Texas là 10 lần trong vòng 6 tháng. Theo điều luật này thì học sinh đến trường sau 9 giờ sáng thì bị coi như không đến trường ngày hôm đó. Diane đã bị cảnh cáo trước đó, nhưng cô cho biết là vì phải làm 2 công việc sau giờ học và bài vở của những lớp đặc biệt, mà cô đang học quá nhiều, khiến cô quá mệt mỏi nên không nghe được tiếng đồng hồ báo thức, nên đến trường muộn.
Câu chuyện của Diane Trần cũng được truyền đi nhanh chóng trên hệ thống internet toàn cầu đã làm nhiều người bất mãn. Bà Samuel Oh của trang nhà Change.org đã có một thỉnh nguyện thư yêu cầu thẩm phán Lanny Moriarty xóa bỏ bản án cho Diane Trần. Với chỉ vài ngày, thỉnh nguyện thư này đã được cả vài trăm ngàn chữ ký. Và nhóm Children's Education ở tiểu bang Louisiana đã tự đứng ra quyên tiền để giúp Diane Trần. Chỉ trong vòng vài ngày, nhóm này đã gây quĩ được trên 100 ngàn Mỹ kim từ những người trên khắp nước Mỹ cũng như trên 18 quốc gia khác.
Có lẽ với sự ủng hộ Diane Trần nồng nhiệt từ khắp nơi và sự can thiệp của luật sư Brian Wice nên vào trưa ngày thứ Tư, 30 tháng Năm, 2012, thẩm phán Lanny Moriarty đã xóa bỏ bản án cho Diane Trần. (theo Hiền Vy RFA)
Câu chuyện trên phản ảnh tấm lòng nhân ái của nhiều người trước bản án bất công và bất nhân của quan tòa Lanny Moriarty dành cho Diane Trần. Một cái kết có hậu như kết cuộc bài dụ ngôn “Quan Tòa Bất Công” của Đức Giêsu trong trích thuật Tin Mừng Luca Chúa Nhật 29 hôm nay. Với thái độ ân cần bênh vực, cứu giúp và che chở, Thiên Chúa luôn xót thương con người cầu nguyện cùng Ngài.
Tin yêu
Lời cầu nguyện kiên trì và phó thác dĩ nhiên không thể thiếu tâm tình tin yêu. Thiên Chúa không chỉ là Đấng Phán Xét, mà đúng hơn, là Người Cha Nhân Từ, như trong dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-33). Trước tội nhân, Ngài mong đợi sự hoán cải, sám hối, vì Ngài là "Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Tv 102, 8).
Khoan dung với người đàn bà tội lỗi bị bắt quả tang, đoái thương và gần gũi người thu thuế biết cải tà quy chính, thứ tha bao tội lỗi chất chồng của người gian phi chịu đóng đinh, biết ăn năn sám hối, Đức Giêsu ban Ơn Cứu Độ đến với mọi người, không giới hạn, không phân biệt cũng không thành kiến, hay cố chấp.
Do vậy, Ngài chính là cứu cánh và cùng đích của con người. Nếu không đặt hết niềm tin, niềm trông cậy và phó thác vào Ngài, thì còn biết bám víu và nương tựa nơi nào? Đáng tiếc, đến nay, tôi cứ vẫn cứng lòng, vẫn còn chạy theo thói đời, vẫn nhẹ dạ nghe theo ông thầy này bà nọ, mỗi khi làm việc gì, tổ chức chuyện gì, để biết ngày giờ tốt xấu. Tôi đâu biết Thiên Chúa âm thầm dẫn tôi an toàn trên đường đời, đầy chông gai, cạm bẫy.
Nhưng niềm tin hàng ngày tôi tuyên xưng trên môi miệng, dần dà thấm sâu vào cõi lòng sùng kính Thánh Danh Ngài. Qua bao thử thách, bao khốn khó xảy đến, tôi mới phần nào cảm nhận được Thiên Chúa Quan Phòng luôn hiện diện giải thoát tôi.
Lời nguyện thiếu tấm lòng thành kính chẳng khác chi một bài ca vô hồn, một bài kệ lấp đầy khoảng trống tâm hồn giá lạnh. Chẳng khác chi ca sĩ khéo léo, nhuần nhuyễn kỹ thuật thanh nhạc, biết luyến láy theo tiết tấu, biết phô diễn trình độ thẩm âm điêu luyện, nhưng vô cảm với lời nhạc, xa lạ với nội dung câu ca chuyển tải.
Do vậy, cầu nguyện đúng mực là kết hợp hài hòa giữa tiếng ngợi khen, tán tụng và lòng cảm tạ sâu sắc Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Cầu nguyện là xin vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa. Cầu nguyện là tin yêu tuyệt đối vào Tình Yêu hải hà.
Trung tín
Hoàn toàn trung tín vào Chúa, hoàn toàn phó thác vào Chúa Quan Phòng, lời cầu nguyện còn khẳng định tâm hồn khiêm nhu, khả ái, để xứng đáng lãnh nhân hồng ân và ơn Cứu Độ.
Đừng để Đức Giêsu phải lập lại thêm lời Tiên tri Isaia than phiền: “Dân này tôn kính Ta bằng môi, bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.” (Mt 15, 8) Mọi gian dối, điêu ngoa, xảo ngôn thảy đều trở nên vô ích trước mặt Người. Chẳng thể lấy vải thưa che mắt thánh. Do vậy, điều kiện đương nhiên ắt có và và đủ của cầu nguyện là sự chân thành, tín thác và kiên trung vững bền.
Đừng nhập nhằng hư thiệt, kẻo Người bỏ rơi, không đoái thương đến nữa. “Nóng thì nóng cho hẳn, lạnh thì lạnh cho rồi. Không lạnh không nóng, dở dở ương ương, Ta sẽ mửa ngươi ra!”(Kh.3.15b-16)
Thánh Phaolô còn hết tình xác tín và giảng dạy: “ Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2 Tm2, 12-13)
Hy vọng
Cầu nguyện là sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, dâng lên Ngài tất cả nỗi thống khổ, niềm vui mừng, nỗi hoan lạc, lẫn sự thất bại cũng như thành công, để hy vọng, cầu mong Ngài thánh hóa và cầu chúc cho được bình an và hạnh phúc.
“Người hy vọng là người cầu nguyện. Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng. Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài tìm họ để hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài.” (Đường Hy Vọng, số 964)
“Con tin lời cầu nguyện toàn năng không? Hãy suy Lời Chúa: “Thầy nói thật với các con. Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ, cửa sẽ mở!” Có công ty bảo hiểm nào bảo đảm cho chắc chắn hơn lời ấy không?” (Đường Hy Vọng, số 121)
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhớ mình nhỏ bé, tội lỗi, bất xứng, biết khiêm tốn và kiên trì như bà góa trong dụ ngôn hôm nay, để lời cầu nguyện chúng con được Chúa đoái thương đón nhận.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con luôn biết sống mật thiết với Chúa từng phút giây, qua những lời cầu nguyện chân thành và sốt mến, để được Chúa xót thương cứu giúp luôn mãi. Amen.
12.Thẩm phán bạo ngược và bà góa quấy rầy
(Suy niệm và Chú giải của Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt)
1. Câu nhập đề (c.1) xác định ý nghĩa dụ ngôn: việc cầu nguyện kiên trì, trong các hoàn cảnh thất vọng nhất (pantote: trong mọi hoàn cảnh, dù thế nào đi nữa) không chỉ là một bổn phận hay một nhân đức, mà là một nhu cầu thiết yếu phải là (dei). Phải kiên trì và liên lỉ cầu nguyện, không thoái nhượng, giảm sút, không buông thả (egkakeo). Ngoài Lc với một lần duy nhất dùng chữ đó, người ta chỉ thấy động từ egkakeô nơi Phaolô (Eph 3,13; Gal 6,9; 1Th 3,13; 2Cor 4,1.16). Cách dùng động từ này hầu như luôn có màu sắc cánh chung và Chúa Giêsu đã nhiều lần khuyên bảo kiên trì cầu nguyện như thế ngay sau khi gợi lên cuộc quang lâm của Ngài (Lc 21,36; Mc 13,32-37), nên mệnh lệnh “không buông thả” có một ý nghĩa chuyên môn. Nghĩa là, trong khi chờ ngày Đức Kitô trở lại, đấy là thời thử thách, các môn đệ không được trì trệ hay buông thả việc cầu nguyện. Thay vì chán nản vì lời khẩn cầu xem ra vô vọng, họ phải phấn đấu chống lại mệt mỏi và tiếp tục việc bổn phận ấy chừng nào có thể.
Câu nhập đề này phải luôn qui hướng để hiểu dụ ngôn. Đây không chỉ là lời giáo huấn về việc cầu nguyện nói chung, mà là lòng kiên trì bền chí khi cầu nguyện; sự kiên trì này vừa là thái độ chính yếu của môn đệ trong thời cánh chung, vừa cũng là môt thử thách cam go của thời sau hết. Đó là điều dụ ngôn muốn xác quyết trước hết: chiếm hữa sự công chính, nghĩa là sự giải thoát dành cho các người được chọn lúc Chúa tái giáng; đoạn nói đến lý lịch của các thính giả: “Ngài nói với họ”, với chính các môn đệ đã từng nghe các giáo huấn trước kia; sau cùng câu kết luận gợi lên việc Con Người trở lại (c.8) và kết thúc bằng việc tiên báo ngày Ngài đến lần cuối (17,22-24). Không thể hiểu sự đối chọi giữa lời cầu xin bền bỉ của bà góa và tính ù lì của vị thẩm phán, nếu không chú ý đến chủ đề cánh chung này. “Dụ ngôn này liên hệ chặt chẽ với những điều trước, nghĩa là với các khó khăn các tín hữu sẽ gặp, và với việc Con Người đến: (Lagrange). Nhiều tác giả cũng đồng ý như thế: Godet, Zahn, Rengstorf, Schlatter, Oesterley, Creed, Vaganay.
Khi được các người biệt phái hỏi về thời gian Vương quốc Thiên Chúa sẽ đến (17,20), Chúa Giêsu trả lời biến cố này không thể quan sát được, vì Vương quốc có bản tính thiêng liêng. Ngay sau đó, Ngài quay lại nói với các môn đệ về những điều kiện của việc tái hiện, vừa thình lình và nhanh như chớp. Quả thực, sau khi Ngài ra đi, các tín hữu phải sống trong mọt thời kỳ bị kìm kẹp, đầy khổ hình, nên đã khẩn khoản van nài Đức Kitô vinh hiển tỏ mình ra cách khải hoàn chiến thắng, và đến can thiệp bênh đỡ họ: “Các ngươi ao ước thấy được một ngày của Con Người mà thôi nhưng cũng không thấy được ” (17,22). Ước nguyện sôi nổi được giải phóng khỏi người hung dữ được nhận lời. Chúa sẽ tỏ mình ra cách hữu hình. Do đó phải chờ đợi trong đức tin cho đến ngày cuối cùng, là ngày Ngài sẽ xuất hiện sáng láng, “như chớp lòe từ phương trời này đến phương trời kia” (17,24). Lúc đó, có nhiều người vẫn ngủ mê, sống cách vô tư, không bận tâm đến đời sống tôn giáo, tự cho mình đã được an toàn, giống như ngày hôm trước xảy ra lụt hồng thủy; và ngày tàn phá Sôđoma (17,26-30). Vì ngày quang lâm đến bất ngờ, nên các môn đệ được khuyên nhủ phải luôn sẵn sàng (17,31-33). Vì cũng như các đại họa trước, Con Người sẽ đến thình lình, không ngờ trước được, do đó quá chậm trễ, khi đến giây phút cuối cùng mới nghĩ đến những dự phòng cần thiết để được cứu thoát. Bài học thật rõ ràng: trái với lần xuất hiện thứ nhất, tiệm tiến và thấy được, lần tái hiện sẽ thình lình và nhanh như chớp; nhưng vì còn lâu mới đến, nên sẽ đến bắt chợt từng người. Do đó phần đông không còn nghĩ đến ngày đó nữa, và đắm chìm trong trạng thái hôn mê thiêng liêng. Ngay những kẻ đã từng kêu xin Chúa đến cứu giúp xem ra quá thất vọng và trong tâm khảm không còn niềm ao ước thuở ban đầu là nhìn thấy ngày của Con Người nữa. Chính để dạy về việc phải luôn nhiệt tâm, phải cầu nguyện không ngừng – Khi Chúa chậm đến và xem ra giả điếc trước các lời kêu xin – mà Ngài đưa ra dụ ngôn người thẩm phán bạo ngược và bà góa kiên trì này.
2. Dụ ngôn đã vắn tắt phác họa chân dung con người ích kỷ. Nếu y làm việc thiện, đó không phải vì y quyết định trở nên tốt, nhưng một tình cớ nào đó đã may mắn tạo nên sự trùng phùng giữa việc thiện người khác và ích lợi riêng tư của y: trong trường hợp đang gặp, khi minh xử cho bà góa cứng đầu này, chỉ vì y muốn được yên thân.
So sánh một người như thế với Cha trên trời là một điều không thể được. Dụ ngôn sẽ làm ta khó chịu, nếu so sánh trực tiếp như thế; nhưng nếu được xem như một chủ đề tương phản (thème à contraste), dụ ngôn thật tuyệt diệu và ý nghĩa. Hình ảnh đáng ghét của người ích kỷ, bây giờ trở nên châm biếm: “Hỡi các thính giả, đâu là lý luận của các người, các người chấp nhận một vị thẩm phán bạo ngược ích kỷ có thể vui lòng minh xử cho một người không liên hệ gì với y, còn các người lại nghi ngờ Thiên Chúa tốt lành vô cùng lại có thể từ chối lời cầu xin của các người được chọn sao?”. Từ câu 7 trở đi, vị thẩm phán bạo ngược là đề tài tương phản. Chính Chúa Giêsu đưa ra phản đề: hãy nghe vị thẩm phán bất lương phán. Y nói gì? Ta sẽ minh xử cho bà, hầu bà để ta yên thân. Còn Thiên Chúa thì không giải oan minh xử sao? Cách đặt câu hỏi như thế này là để làm cho câu phản đề được mạnh hơn. Để đối chiếu với vị thẩm phán chỉ yêu chính mình, không sợ Thiên Chúa cũng như loài người, đối với y, bà góa chỉ là một người quấy rầy, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người cha trên trời vô cùng nhân từ, luôn lo lắng cho kẻ được chọn, luôn kêu cầu Ngài ngày đêm. Sự kiên nhẫn cầu nguyện được qui chiếu với tính cứng đầu của bà góa. Cũng như bà ta, các môn đệ sẽ bị ngược đãi trong thế giới, phải chịu những bất công, không được ai bênh vực chở che. Họ chỉ có Thiên Chúa lưu tâm đến. Nếu họ bền chí tiếp tục cầu nguyện không sờn lòng. Vị thẩm phán tới cao sẽ không thể làm ít hơn “vị thẩm phán bất công và bạo ngược”.
3. Sự kiên trì đầy công nghiệp này, điều kiện để được nhậm lời, giả thiết là “trong một thời gian dài” Thiên Chúa kiên nhẫn và lặng thinh, xem ra bất màng đến con cái mình. Do đó phải hiểu câu 7b: kai makrotthumei ep autois, là câu đã được giải thích nhiều cách. Một số tác giả đã nối kết hai động từ của câu: “Và Thiên Chúa chẳng minh xử cho các kẻ được chọn hằng kêu cầu Ngài ngày đêm và Ngài lại trì trệ với họ sao?”.
Thực ra, cần phải lưu ý trước tiên đến thì của các đông từ, nó không cho phép nối thì hiện tại makrothumei với subonctif aoriste pôiêsêi, nhưng đòi nối kết lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa với tiếng van nài liên lỉ và hiện thực của các môn đệ. lúc ấy, câu 7 lập lại 2 chủ đề của dụ ngôn: một đàng, cầu nguyện không bao giờ buông thả. Đàng khác, sự trì hoãn của vị thẩm phán giả điếc làm ngơ không chịu giải quyết vấn đề. Mệnh đề cuối cùng, thay vì là câu nói lên một tư lợi phụ thuộc, đã xác định tương đồng giữa vị thẩm phán và Thiên Chúa: cả hai đều trì hoãn, dù có tiếng kêu cầu.
Makrothumein là động từ mà các bản papyrus không hề dùng, các bản văn cổ điển ít xử dụng, nhưng được thánh kinh dùng nhiều. Trong Tân Ước nó có nghĩa “kiên nhẫn chịu đựng, bao dung”, và có ý ám chỉ lòng kiên nhẫn – tính bao dung của Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Đó là một ý chí kiên trì hằng muốn tha thứ, thay vì giận dữ tội nhân, tìm thời cơ và chuẩn bị các dịp thuận tiện để giúp tôi nhân ăn năn hoán cải. Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa là một trong những thành tố hữu hiệu nhất để thực hiện ơn cứu độ phổ quát (Rm 2,4; 9,22; 1Tm 1,16). Từ đó, sự bất động hay bất can thiệp của Thiên Chúa, thay vì được coi như là dấu hiện Ngài tỏ ra thờ ơ lãnh đạm, lại là bằng chứng lòng nhân từ của Ngài; không có gì đáng tức giận, như bà góa đã không tức giận trước sự chậm chạp và chống đối của thẩm phán. Chính trong thời gian trì hoãn này mà ta phải tiếp tục bền chí cầu xin, không sờn lòng, vì kinh nguyện nằm trong chương trình kiên nhẫn của Thiên Chúa.
Cần phải trích dẫn trọn vẹn thần học cánh chung của 2P 3,9-15: “không phải Chúa chậm trễ giữ điều đã hứa (lời Chúa Giêsu hứa sẽ trở lại) như có kẻ cho đó là trễ tràng, nhưng Ngài xử khoan dung đối với anh em (makrothumei), bởi không muốn ai phải hư đi, nhưng là hết thảy tìm đường hối cải. Còn ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; trong ngày đó các tầng trời xèo xèo biến sạch; ngũ hành cháy rụi; đất và các công trình trên đất bị bắt gặp… Vì muôn vật sẽ bị tiêu tan như thế, thì anh em phải nên người thế nào về đức hạnh thánh thiện, và lòng đạo đức trong sự ngóng đợi và cố hối mau cho ngày Thiên Chúa chóng tỏ hiện, ngày sẽ làm các tầng trời bốc cháy tiêu tan và ngũ hành bị thiêu… Trời mới và đất mới đó là điều ta ngóng đợi chiếu theo lời hứa của Ngài… Bởi thế, trong lúc chờ đợi, anh em hãy cố gắng để nên tinh toàn vô tì tích, mà sống trong bình an trước mặt Ngài, vì hãy nghĩ rằng lòng khoan dung kiên nhẫn (makrothumia) của Chúa chúng ta là ơn cứu rỗi của anh em.
Vậy giờ đây, việc Thiên Chúa trì hoãn đã được biện minh trong dụ ngôn vị thẩm phán ù lì. Vâng, Thiên Chúa trì hoãn; đúng là Ngài không can thiệp, dù biết bao,lời kêu van đến Ngài; và chính vì thế mà câu 7b kai makrothumei ep autois nhấn mạnh. Chữ kai có thể có nghĩa concessive, tương tự như ei cai của câu 4: “dù rằng”, hay như kaitoi, kaiper, nhưng đúng hơn nên mặc cho nó nghĩa adversative, đã được Tân Ước dùng nhiều (Lc 13,17; 10,24; Mc 4,17; Gio 7,19; 16,32; 20,29; Cvsđ 7,5…) và tương đương với chữ Waw trong ngôn ngữ Sêmit. Dù sao, chữ kai nói lên sự trùng phùng giữa hai hoạt động và đồng nghĩa với “thực vậy, thực ra” (Cvsđ 22,28; 1Th 2,19; 1Cor 14,19; Col 3,8; 4,3). Phải chăng Thiên Chúa sẽ không minh xử cho các người được chọn mà Ngài hằng yêu mến họ và họ hằng kêu cầu Người, trong lúc thực ra Ngài trì trệ việc nhận lời, phải chăng Ngài điếc? Nói các khác, Chúa xác quyết tính cách hiệu nghiệm của lời cầu nguyện bền chí (dù xem ra vô hiệu) như gương cầu nguyện của bà góa.
Đây là một mầu nhiệm. Theo thói quen, Chúa Giêsu không minh giải thêm nhưng tái xác quyết lời trấn an: “Ta bảo thật các ngươi, Ngài sẽ kíp minh xử cho họ” (c.8a). “Ta bảo thật các ngươi” là tiếng mời ta nghĩ ngay đến uy quyền của Chúa. Phải tin, dù bề ngoài có vẻ thất vọng: quả thực, Thiên Chúa trì hoãn, nhưng ta bảo đảm cùng các ngươi, ngày kia Ngài sẽ minh xử, như vị thẩm phán này đã minh xử.
4. Vị thẩm phán này đã bất ngờ tự ý quyết định xử án, không có gì tiên báo ông sẽ can thiệp cả. Thiên Chúa cũng sẽ minh xử một cách tương tự như thế, en tachei. Thành ngữ này nói lên tính cách gấp rút, vội vã nhưng cũng có nghĩa thời gian sắp hành động: sắp đến; hay chỉ cách thức hành động: hành động “bất ngờ”, “thình lình”, như cạm bẫy đột xuất xảy đến, gây nên kinh ngạc, sửng sốt. Chính trong nghĩa cuối cùng này mà ta phải hiểu thành ngữ en tachei mà Lc thường dùng ở 3 chỗ khác nữa (Cvsđ 12,7; 22,18; 25,4).
Vì thế trong dụ ngôn này, en tachei không nhằm nói lên việc Thiên Chúa sắp can thiệp, vì như thế là đi ngược lại với giáo huấn minh nhiên của dụ ngôn cũng như lời xác quyết trì trệ của câu 7a, nhưng nói lên cách Ngài sẽ can thiệp: thật bất ngờ và thình lình để cứu rỗi các kẻ đã được chọn. Thiên Chúa có thể trì hoãn cho đến lúc nào Ngài muốn ra tay hành động; nhưng khi Ngài thể hiện công bằng và quyền năng của Ngài (công bằng và quyền năng mà con cái Ngài hằng kêu xin từ lâu), Ngài không thể hiện cách từ từ, tiệm tiến, nhưng cách nhanh lẹ khôn tả: “Trong một nháy mắt” hay “như chớp từ phương trời này đến phương trời kia” (Lc 17,24), như Ngài đã làm khi xảy ra lụt hồng thủy và khi thiêu đốt Sodôma (Lc 17,26-33).
5. Tuy nhiên có sự khác giữa ngày quang lâm và các đại họa đó. Noê, “người công chính” (2Pet 2,5) là một tâm hồn mạnh tin, điều này đã cứu ông và gia nhân (Dth 11,7); nhưng vào thời sau hết và vì các cuộc bách hại, đức tin sẽ biến mất (2Th 2,3), đức ái của một số đông sẽ nguội dần (Mt 24,12). Sau một thời gian thinh lặng, Chúa Giêsu ưu sầu gợi lên việc chối đạo tổng quát: “Nhưng khi Con Người đến, hỏi còn thấy đức tin trên trái đất này nữa chăng?” (c.8b). Những kẻ được chọn, nhờ lòng đạo đức sốt sắng của họ, là những kẻ phải cố hối cho ngày Đức Kitô tái giáng mau đến (2P 3,12), sẽ bị thử thách đến nỗi lòng kiên nhẫn của họ sẽ bị ảnh hưởng và Thiên Chúa phải rút ngắn các ngày đó, “bằng không, sẽ không ai được cứu thoát” (Mc 13,20.22). Chính vì thế mà Chúa Giêsu khuyên môn đệ mình đừng buông thả, nhưng phải tiếp tục cầu nguyện liên lỉ dù gặp hoàn cảnh nào, như bà góa kia luôn bền chí trước vị thẩm phán ù lì: trong thời gian (có vẻ khá lâu) giữa việc Đức Kitô ra đi và trở lại (x.Lc 19,12), “phải cầu nguyện liên lỉ, chớ nhàm chán” (c.1). Vì đó là ơn cứu rỗi.
KẾT LUẬN
Sau khi dài dòng nhắc đến việc Chúa Cứu Thế sẽ đến cách khải hoàn để báo thù, và sau khi vấp phải sự kiên nhẫn và im lặng của Thiên Chúa, con người sẽ vô cùng ngạc nhiên về ngày quang lâm. Nhưng sự kiên nhẫn của các người được chọn luôn luôn cầu nguyện và không hề buông thả, phải luôn phù hợp với lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. “Các ngươi cứ bền đỗ, mới cứu vãn được linh hồn các ngươi” (Lc 21,19).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chúa Giêsu vừa loan báo cho các tông đồ những biến loạn mà nhân loại sẽ gặp khi Ngài hiển hiện vào ngày thế mạt. Vì biến cố này trì trệ và sự kiên nhẫn của người tín hữu sẽ bị ảnh hưởng. Chúa Giêsu phán dạy dụ ngôn này nhắm giúp họ có một thái độ thích hợp. Đó là điều chúng ta vừa đọc được.
Tác giả phúc âm xác định mục đích câu chuyện, là khuyến khích chúng ta “liên lỉ cầu nguyện, chớ nản lòng”.
Và Chúa Giêsu kể trong thành nọ có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa và khinh thường mọi người. Một bà góa đến xin xử kiện, ông từ chối, nhưng bà này, vì không thể “chạy chọt” cho ông, nên nhờ đã gan lì mà được điều bà xin.
Chúa Giêsu kết luận là nếu vị thẩm phán đã minh giải cho bà vì bà làm “ông điên đầu”, phương chi Cha trên trời sẽ nghe và minh giải cho những người được chọn, sau khi đã dành nhiều thì giờ để tội nhân có thể ăn năn trở lại.
2. Dụ ngôn nói đến kỳ hạn Thiên Chúa dùng để nhận lời cầu xin của chúng ta. Sâu xa hơn nữa, dụ ngôn đặt câu hỏi: lời cầu nguyện được chấp nhận, có nghĩa gì? Khi xin Thiên Chúa một điều gì rõ ràng, ví dụ, bánh hàng ngày, chúng ta có biết tất cả ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong điều chúng ta xin không? Chúng ta có biết Thiên Chúa chấp nhận đến mức độ nào không, vì Ngài luôn nhậm lời chúng ta cầu xin? Chúng ta chỉ là những con người sống trong giới hạn thời gian, luôn phân chia thành giờ, ngay hôm nay, ngày mai. Chúng ta không muốn ước vọng kinh nguyện mình ngày mai mới được thực hiện: mà muốn được liền, ngay tức khắc. Nhưng Thiên Chúa thấy chúng ta cách khác, vượt quá thời gian và không gian, Ngài nhận lời chúng ta nhưng luôn để ý đến những nhãn giới của số mệnh chúng ta bây giờ và tương lai. Thiên Chúa vượt quá “cái tức khắc”. Do đó hãy biết điều này:
a/ Thiên Chúa luôn nhậm lời chúng ta, tại sao? Vì Ngài là Cha vô cùng nhân từ. Xác tín việc Thiên Chúa luôn nhậm lời chúng ta là một trong những cột trụ vững chãi nhất của cuộc sống Kitô hữu. Nghi ngờ điểm này là phạm đến đức cậy. Do đó, khi cầu nguyện chúng ta đừng nhiều lời, vì TC biết trước và rõ hơn chúng ta những điều chúng ta xin. Thiên Chúa, Cha chúng ta luôn luôn sẵn sàng ban cách dư thừa điều chúng ta cần; phúc âm luôn xác quyết như thế. Nhưng tại sao phải cầu xin? Việc cầu xin có lợi gì không?
b/ Lợi ích của việc cầu nguyện. Vì tôn trọng tự do của chúng ta Thiên Chúa không áp đặt trên chúng ta những ân huệ của Ngài, Ngài đáp ứng các ước vọng của chúng ta. Lòng quảng đại của Ngài thỏa mãn vượt quá lời chúng ta cầu xin, nhưng Ngài muốn chúng ta cầu xin. Tại sao Ngài thường có vẻ trì hoãn đáp lời chúng ta? Vì lòng ước muốn càng nung nấu, lời cầu xin càng bền chí, tâm hồn và con tim chúng ta càng rộng mở hơn. Việc cầu nguyện trước hết có ích cho chính chúng ta. Hơn nữa, khi trì hoãn ban ơn, chẳng phải là vì Thiên Chúa muốn tự hiến chính Ngài đó sao?
13.Thiên Chúa sẽ minh xét
(Suy niệm của Lm. JB. Lê Ngọc Dũng)
Trong cuộc đời, khi những gian lao khốn khó xảy đến, chúng ta chạy đến Thiên Chúa để cầu xin Ngài cứu giúp; các người khác thì cũng vậy, chạy đến Trời, đến Phật hay một vị thần linh nào đó để cầu xin.
Nhiều người đã được ơn thoát khỏi hiểm nguy khốn khó. Tuy nhiên nhiều người khác lại thấy mình chẳng được ơn ích gì cả. Họ cũng kiên trì cầu nguyện, họ cũng đã cầu xin lâu bền mà vẫn chẳng thấy được ơn. Những điều họ xin nhiều khi rất là chính đáng nhưng đã không được đáp trả. Họ xin cho khỏi bị bóc lột áp bức, bất công; xin cho được cơm bánh, khỏi nghèo đói nhưng vẫn không thấy được.
Sáng ngày 16/10 vừa qua (2019), Ngày Lương thực Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một bức thư đến Liên Hiệp Quốc. Có những đoạn ngài viết:
“Ngày Lương thực Thế giới vang vọng hàng năm với tiếng khóc của rất nhiều anh em chúng ta, những người tiếp tục chịu những bi kịch về đói kém và suy dinh dưỡng.”
“Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý ... trong khi có những khu vực trên thế giới thực phẩm bị lãng phí, vứt đi, tiêu thụ quá mức hoặc dùng vào các mục đích khác”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem: Phải chăng những người bị nghèo đói đó đã không cầu nguyện? Sao Chúa không trả lại công bằng cho họ, cứ để mà Điều Đức Giáo Hoàng nói là: Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý...?
Phải chăng những người nghèo đói, những người bị áp bức bất công đó, đã không kiên trì cầu nguyện, hay là họ không có đủ đức tin?
Chắc chắn là không. Có thể họ đã cầu nguyện ngày này qua ngày khác với lòng tin, nhưng họ vẫn không được nhận lời!
Quả thật là khó hiểu, vì có cái gì đó không ăn khớp với nhau giữa dụ ngôn và thực tế! Những khó hiểu này, đòi chúng chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn về dụ ngôn Chúa Giêsu đã dạy.
Có một số chi tiết trong dụ ngôn khiến chúng ta phải để ý. Bà góa đã xin điều gì? Bà đã không xin một ân huệ, không xin có cơm bánh hằng ngày, không xin được lành bệnh, như kẻ mù xin được thấy, kẻ điếc xin được nghe, người câm xin nói được... mà bà chỉ xin được vị quan tòa “minh xét” vì bà đang bị đối phương hãm hại.
Bà này là một bà góa, một người bé nhỏ trong xã hội, một kẻ thấp cổ bé họng. Bà chỉ xin được xét xử công bằng trước những bất công của cuộc đời, vì bà đang bị đè bẹp trước những áp bức bất công.
Rồi chúng ta hãy nhìn về ông quan tòa. Chúa Giêsu gọi ông là vị quan tòa “bất chính”. Ông cũng kiêu hãnh, tự coi mình là người chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì. Thế mà cuối cùng lại chịu xét xử cho bà góa. Ông đã làm một điều mà ông không muốn làm, chỉ vì bà ta cứ quấy rầy, làm ông nhức đầu nhức óc. Ông nghĩ rằng xử đi cho xong chuyện.
Chắc chắn rằng, Chúa Giêsu không có ý mô tả Thiên Chúa giống như ông quan tòa, nhưng ngài muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì cầu nguyện và khẳng định Thiên Chúa sẽ “minh xét” cho những kẻ Ngài đã “tuyển chọn”, ngày đêm hằng kêu cứu đến Ngài. Một người bất chính xấu xa như ông quan tòa kia mà còn chịu nghe lời van xin, huống chi là Thiên Chúa lại không nghe lời kêu xin của những người Ngài đã tuyển chọn.
Tìm hiểu dụ ngôn tới đây, ta vẫn thấy khó hiểu cho những trường hợp người ta đã kêu xin mà vẫn không thấy nhận lời. Kẻ nghèo đói vẫn cứ nghèo đói, kẻ bị áp bức vẫn cứ bị áp bức. Cường hào ác bá sao vẫn cứ sống phây phây...! Không thấy Chúa minh xét đâu cả!
Một đàng Ngài nói sẽ minh xét cho chúng ta, đàng khác thì chúng ta lại không thấy được minh xét. Sự trai trái như vậy, có thể làm cho chúng ta không tin vào Chúa nữa. Vì vậy, không lạ gì, ngay sau dụ ngôn Chúa Giêsu nói thêm: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”?
Và ở câu trước đó, Chúa Giêsu nói: “Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi?”. Những chữ Chúa Giêsu nói ở cuối dụ ngôn: “kẻ Người đã tuyển chọn”, “chờ đợi”, “Con Người ngự đến” cho chúng ta thấy dụ ngôn này được đặt vào bối cảnh của ngày cánh chung, của ngày tận thế, ngày mà thế gian sẽ qua đi và Nước Thiên Chúa sẽ đến. Đây chính là điều chúng ta phải chú ý đến để hiểu toàn bộ dụ ngôn.
Trước ngày cánh chung, hay tận thế, các tín hữu, những người được Thiên Chúa “tuyển chọn”, sẽ phải chịu những bất công, những bách hại. Những điều này không chỉ xảy ra vào thời các Tông đồ mà còn vào mọi thời, mọi nơi. Các Kitô hữu cần phải kiên trì cầu nguyện trước những gian nan thử thách, khi bị bách hại, khi bị đối xử bất công. Các Kitô hữu phải tin tưởng chắc chắc rằng Thiên Chúa sẽ minh xét cho họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại không minh xét cho chúng ta ngay ở đời này, nếu có thì cũng ít khi, vì những sự ở đời này cũng sẽ qua đi, nhưng Ngài sẽ minh xét cho chúng ta ở đời sau, một đời sống hạnh phúc vĩnh cữu, tồn tại mãi mãi.
Chính Đức Giêsu, một con người, con của Bà Maria và Ông Giuse, cũng là người được Thiên Chúa “tuyển chọn”, đã bị bách hại, bị kết án bất công, chịu chết, chết nhục nhã trần truồng trên thập giá. Chắc Đức Giêsu cũng đã cầu xin tha thiết với Thiên Chúa là hãy minh xét cho Ngài; và Ngài cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời. Và quả thật, Thiên Chúa đã nhận lời, đã cho Ngài Phục Sinh vinh hiển và đã tôn vinh Ngài.
Mỗi người chúng ta cũng là những kẻ được Thiên Chúa “tuyển chọn”, hãy noi gương Đức Giêsu Kitô, là hãy kiên trì cầu xin và tin tưởng vào sự “minh xét” của Thiên Chúa.
14.Cầu nguyện.
Có một bác nông phu ra tỉnh, chẳng may bị đụng xe, và trở nên mù loà. Các bác sĩ chuyên môn về mắt cho biết: Không thể nào chữa lành được nữa. Lúc đó, bác vừa tròn năm mươi tuổi và là cha của một gia đình gồm bà vợ và bảy đứa con. Dầu vậy bác không mất lòng cậy trông, trái lại bác luôn tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa, đồng thời kiên tâm cầu nguyện... Trong suốt ba năm liền, mỗi ngày bác đều tham dự thánh lễ và rước lễ. Ngày kia, sau khi rước lễ, bác cảm thấy vui mừng trong lòng và khi đứng dậy ra về, thì bỗng bác được khỏi, cặp mắt nhìn rõ mọi vật như khi trước. Nước mắt trào dâng, bác chạy lại bàn thờ quỳ gối tạ ơn Chúa.
Từ mẩu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng cần phải cầu nguyện luôn và đừng ngã lòng. Ngài đưa ra hình ảnh một ông quan toà không kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người ta. Thế rồi một bà goá đến tìm ông và đòi cho được xét xử công bằng lần này qua lần khác. Vị quan toà từ chối bà lần này, thì bà lại đến vào một lần khác. Sau cùng để khỏi bị quấy rầy, vị quan toà đã nghe bà và minh oan cho bà. Rồi Ngài đã kết luận: Thiên Chúa sẽ lắng nghe và nhận lời chúng ta nếu như chúng ta biết kiên tâm cầu nguyện.
Có một sự khác biệt sâu xa giữa vị quan toà bất lương và Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời là Đấng đầy lòng thương xót, đó là vị quan toà vì không muốn bị quấy rầy mà phải thuận theo lời yêu cầu để người goá phụ không tới nữa. Thiên Chúa thì khác, Ngài hằng khao khát và luôn lắng nghe lời chúng ta van xin, cho dù Ngài thường để họ phải tiếp tục kêu cầu trong một thời gian nào đó. Và như thế, kiên trì vốn là một yếu tố căn bản của lời cầu nguyện. Đừng bỏ cuộc, trái lại hãy tiếp tục cầu xin, ngay cả khi không còn hy vọng. Đó là bài học quý giá Chúa Giêsu muốn đưa ra cho chúng ta hôm nay.
Nhiều người trong chúng ta giống như chàng thanh niên đến gặp vị linh mục, khi gặp phải điều khó khăn. Vị linh mục hỏi anh đã cầu nguyện chưa, anh trả lời: Thưa cha con đã cầu nguyện. Được mấy lần rồi. Thưa cha được một lần. Vị linh mục mới nói với anh hãy tiếp tục cầu nguyện. Cầu nguyện luôn mãi đừng nản lòng như Chúa Giêsu đã dạy. Đó là lý do hối thúc người công giáo chúng ta cầu nguyện hằng ngày. Chúng ta cầu nguyện vào ban sáng, ban tối và trước mỗi bữa ăn. Chúng ta thường xuyên đọc kinh Kính Mừng như muốn nhờ Mẹ Maria cầu nguyện thay cho chúng ta lúc này và trong cơn hấp hối. Chúng ta đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày để xin Chúa ban xuống cho chúng ta những ơn lành hồn xác. Chúng ta đi tham dự Thánh lễ ngày thường cũng như ngày Chúa nhật. Thế nhưng chúng ta đừng quên rằng: Cầu xin chỉ là một trong những tâm tình của việc cầu nguyện mà thôi, bởi vì khi đến với Chúa trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta còn phải thờ lạy và cảm tạ Chúa nữa.
Sự cầu nguyện được ví như một chiếc máy vô tuyến thiêng liêng, nhờ đó chúng ta được liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa mà lãnh nhận được những trợ giúp cần thiết.
15.Truyền giáo, một hành trình sống đức tin
(Suy niệm của Lm. John Nguyễn)
Cách vài ngày, tôi đọc được một câu chuyện thương tâm về cái chết của cô Eleonora Cantamessa, đã đánh động tôi trước tấm gương hy sinh cao cả của cô ta. Tôi xin lược thuật lại câu chuyện sau đây.
Vào đêm Chúa Nhật ngày 8.9.2013, vào lúc 11g đêm, cô Eleonora Cantamessa 44 tuổi vừa mới đi chơi với một người bạn. Trong lúc trên đường trở về nhà, cô nhìn thấy một tai nạn đụng xe, một người đàn ông bị thương nằm trên đường và có một số xe dừng lại quanh đó. Vì là một bác sĩ, cô đã lập tức dừng xe lại để giúp đỡ nạn nhân băng bó vết thương. Nạn nhân là một thanh niên Ấn Độ, tên là Baldev Kumar đang nằm quằn quại trên vũng máu vì bị đánh vào đầu bằng những thanh sắt.
Điều cô ta không ngờ, kẻ hành hung chính là người em trai của người bị nạn, hắn ta hãm hại người anh mình vì sự tranh giành lợi lộc và chức tước cùng với 4 người đồng bọn. Trong lúc cô Eleonora đang tìm cách băng bó vết thương cho Balvev, thì tên Vicky em của người bị nạn đã phóng xe tới cán lên cả hai người chết và gây thương tích cho 6 người khác.
Bác sĩ Eleonora Cantamessa là một bác sĩ sản khoa làm việc tại bệnh viện Sant’Anna di Brescia và có một văn phòng tư ở phố Trescore Balneario. Cô điều trị miễn phí cho người nghèo, trong đó có cả những người Ấn Độ di dân. Cái chết của cô Cantamessa đã làm rúng động xã hội Ý. Thị Trưởng Alberto Finazzi đã tuyên bố một ngày để tang cho cô. Tổng Thống Giorgio Napolitano và Thủ Tướng Enrico Letta cũng đã gửi vòng hoa phúng điếu.
Đám tang của cô có rất đông người tham dự, đứng chật các đường phố vì trong nhà thờ không còn chỗ ngồi. Cộng đoàn người Ấn Độ cũng mặc quốc phục, họ giương cao biểu ngữ: “Cộng đoàn Ấn Độ chúng tôi cùng xin chia sẻ nỗi đau của gia đình”.
Trước nỗi đau cái chết của người con gái, nhưng gia đình của cô không giận dữ và oán giận. Ông Mino, bố cô Eleonora Cantamessa đã nói: “Tất cả mọi sự đều nằm ở trong kế hoạch của Thiên Chúa. Bây giờ, chính là lúc chúng ta xin ơn Chúa cứu chuộc và tái sinh cho các thủ phạm trong lúc này và sau khi thụ án.” Để tiếp nối những nghĩa cử của cô Eleonora đối với trẻ em nghèo, gia đình đã yêu cầu mọi người không mua hoa phúng điếu mà hãy dùng tiền đó để làm việc từ thiện.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi bức thư chia buồn với gia đình cô, Giám Mục Luciano Monari, địa phận Brescia, đọc bức thư đó trong đám tang, ngài viết: “Cô Cantamessa đã kết thúc cuộc sống nơi trần thế trong lúc thực hiện nghĩa cử cuả một người Samaria nhân lành “.
Ngày thứ Tư vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã dừng lại thật lâu để an ủi gia đình của cô Eleonora Cantamessa. Ngài vỗ về lên má của bà mẹ đầy nước mắt. Sự ân cần của Đức Thánh Cha đã gây tác động mạnh mẽ cho gia đình, như lời bà Mariella Cantamessa đã tâm sự với báo Osservatore Romano rằng: “Chúng tôi có cảm tưởng khi được Đức Thánh Cha an ủi chia sẻ là chính lúc khuôn mặt của Eleonora, tuy đã mất nhưng đang được Ngài vuốt ve vậy. Chúng tôi tuy mang một nỗi buồn lớn lao nhưng cũng tự hào đã chứng kiến một hành động hào hiệp của người Kitô giáo. Chúng tôi không oán trách bất cứ ai về cái chết của Eleonora, Thiên Chuá có kế hoạch riêng cuả Ngài mà Eleonora đã chấp nhận và thực hiện và hy sinh cả mạng sống của mình. Bây giờ, việc quan trọng là truyền đạt thông điệp của sự vị tha, ngay cả việc phải giúp đỡ các gia đình Ấn Độ đang lâm vào thảm kịch này.”
Với thông điệp này, tôi thiết nghĩ, họ là những chứng nhân sống động trong thời này. Cụ thể, cô Eleonora Cantamessa được xem như là người Samaria nhân hậu. Việc làm của cô thể hiện lòng nhân ái của con người trước người bị nạn cần được giúp đỡ, nhưng không phải ai cũng có thể làm được như cô ta. Song song với việc làm của cô, chính là nơi cô đã sống và hành động theo Lời Chúa dạy với một trái tim và tấm lòng nhân ái. Cô biểu hiện đời sống đức tin mạnh mẽ qua việc làm của mình, là đốm sáng cho chúng ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu.
Từ câu chuyện cảm động này, chúng ta có thể nhận ra thông điệp rõ nét hơn về hành động đức tin của người Ki-tô hữu. Đặc biệt với Chúa Nhật Truyền Giáo, Giáo hội mời gọi chúng ta mạnh dạn dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng, như là lời mời gọi cấp bách trong năm sống Đức Tin này.
Với trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe câu hỏi của Chúa Giêsu: ” Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Đức tin là điều kiện tiên quyết cần có để chúng ta sống và rao truyền Lời Chúa, mà đức tin đó đi đôi với việc làm. Có thể chúng ta nói về đức tin rất mạnh mẽ, nhưng chúng ta không dám sống cho đức tin của mình. Có lẽ, có nhiều nguyên do khác nhau. Nhưng một trong những nguyên do đó là, con người đang chạy theo bởi các trào lưu học thuyết ảo và lối sống hưởng thụ ngày nay đã áp đặt lên tư tưởng của chúng ta. Hay nói cách khác, đời sống đức tin đang tha hóa bởi não trạng của sở hữu và quy về chủ nghĩa cá nhân. Cho nên, có một lỗ hổng rất lớn giữa hiểu biết và đón nhận đức tin.
Câu hỏi của Chúa Giêsu có thể đặt lại vấn đề cho mọi người chúng ta là những người mang danh Đức Kitô. Chúng ta đã và đang làm gì cho Nước Chúa được lớn lên và Lời Chúa đến với mọi người. Hơn nữa, chúng ta không thể rao truyền đức tin mà không sống và hành động đức tin của mình.
Ngày Khánh nhật Truyền Giáo là dịp để cho chúng ta nhìn lại hành trình sống đức tin của mình. Và qua đó, chúng ta tiếp tục sứ mạng của người Ki-tô và hãy noi gương của các nhà truyền giáo vĩ đại đã sống và chết cho giá trị Tin Mừng.
Thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giêsu truyền giáo qua lời câu nguyện và hy sinh nơi Dòng kín. Thánh Phan-xi-cô với cuộc đời đi rao giảng cho các dân tộc Châu Á, nhờ đó nhiều người trở về với Chúa và nhận biết Đức Kitô. Mẹ Têrêsa Calcutta truyền giáo qua việc phục vụ cho người nghèo và những người bị bỏ rơi. Các thánh tử đạo Việt Nam chết để mang lại hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam.
Là con cháu của các ngài, nhiệm vụ của mỗi người chúng ta hôm nay là giữ lấy kho tàng đức tin và mạnh dạn dấn thân loan truyền Tin Mừng. Như lời Chúa nói: “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con giữa cuộc đời nổi trôi để con có thể sống và làm chứng cho Đức Kitô đã chết cho chúng con, và sự phục sinh của Ngài mang lại cho chúng con niềm hy vọng và hạnh phúc đời sau. Amen!
16.Cầu nguyện
Cô giáo trẻ, phụ trách một lớp học, trong đó có một em thật ngang bướng ngỗ nghịch, tựa hồ như một con ngựa chứng trong sân trường. Sáng hôm ấy, cô giáo đến sớm và đang ngồi viết, thì Bình, tên em học trò ngang bướng ấy, xuất hiện và hỏi: Cô viết cái chi vậy? Cô trả lời: viết lời nguyện gởi cho Chúa đây. Ngài có thể làm được mọi sự, kể cả việc nhận lời cầu xin này. Cô giáo kẹp lời nguyện ấy vào trong một cuốn vở. Lợi dụng lúc cô giáo viết bài, Bình đã chớp mẩu giấy ghi lời cầu nguyện bỏ vào trong cuốn vở của mình.
Mười hai năm sau, tình cờ trong lúc dọn nhà, Bình tìm lại được mẩu giấy ngày xưa với nét chữa đã bị nhạt nhoà...Thế nhưng, vì cô giáo dùng loại tốc ký, nên Bình không thể đọc được. Anh bỏ mẩu giấy ấy vào trong ví rồi đi đến công sở. Tại đây anh nhờ cô thơ ký đọc giùm. Cô thơ ký nói: Tôi sẽ đánh máy và để trên bàn giấy của anh vì tôi nghĩ đây là chuyện riêng tư. Trên đường về và suốt buổi tối hôm đó, anh cứ đọc đi đọc lại lời cầu nguyện của cô giáo: Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong nghề nghiệp con đã chọn lựa... Nhưng con không thể nào thành công nếu như em Bình cứ phá bĩnh hoài. Xin Chúa hãy thúc giục tâm hồn em, để em trở nên một người rất tốt hoặc là rất xấu.
Lời cầu nguyện này đã đánh động anh để rồi anh xoá bỏ một số hành động mờ ám mà anh đã định thực hiện. Anh tìm đến cô giáo cũ và nói cho cô hay là lời cầu nguyện năm xưa của cô đã làm thay đổi cuộc đời anh.
Từ câu chuyện trên và nhất là từ đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta rút ra được hai điểm liên quan đến việc cầu nguyện của chúng ta:
Điểm thứ nhất đó là lời cầu nguyện có một năng lực to lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời chúng ta. Bác sĩ Carel, người đã từng đoạt giải Nobel, đã viết như sau: Cầu nguyện là hình thức năng lực hùng mạnh nhất mà con người có thể phát sinh ra, ành hưởng trên tâm hồn và thân xác chúng ta, không khác gì hấp lực của trái đất.
Điểm thứ hai đó là hãy kiên trì trong lời cầu nguyện của mình. Hình ảnh của Maisen qua bài đọc thứ nhất đã là một mẫu gương cho chúng ta noi theo, mặc dù mệt mỏi, Maisen vẫn cứ kiên trì cầu nguyện, nhờ sự giúp đỡ của bè bạn ông. Một em nhỏ đã kể lại cho bè bạn biết sở dĩ cậu ta có thể kiên trì cầu nguyện mỗi ngày là vì có bà mẹ giúp đỡ. Họ đồng ý với nhau là: mỗi sáng cả hai cùng thức dậy cùng một giờ, rồi mỗi người cầu nguyện riêng 15 phút trong phòng mình, đoạn cùng nhau ăn sáng, rồi bà mẹ thì đi lo công việc của mình, còn cậu thì đi đến trường. Cậu bé nói điều đã giúp cho cậu rất nhiều, đó là biết được rằng đang khi cậu cầu nguyện trong phòng mình, thì mẹ cậu cũng đang cầu nguyện trong phòng của bà.
Để thực hiện sự kiên trì trong việc cầu nguyện, chúng ta cần có một thời khoá biểu, một chương trình sống, ấn định những giờ giấc cầu nguyện đều đặn mỗi ngày, giống như hai mẹ con cậu bé đã làm.
Để kết luận, chúng ta ghi nhận một hình ảnh về sự cầu nguyện. Chúng ta có thể nói: Cầu nguyện chính là một chiếc máy vô tuyến thiêng liêng, nhờ đó mà chúng ta liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, để lãnh nhận được những sự trợ giúp cần thiết.
17.Thiên Chúa của người nghèo – An Phong
Xã hội loài người
Chúa Giêsu kể chuyện một quan toà bất chính, ông ta "chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì". Qua lối nói vắn gọn như thế, Chúa Giêsu muốn trình bầy cho chúng ta một con người nắm quyền hành, ngang ngạnh, "khó chơi"...; và điều đó nói lên tình trạng bế tắc, dường như không còn con đường nào để một con người nhỏ bé trong xã hội, một bà goá, có thể tìm được công lý.
"Vũ khí" của người bé mọn
Tuy nhiên, điều tưởng chừng như không thể như thế lại trở nên có thể với lòng kiên nhẫn. Lòng kiên nhẫn của bà góa đã làm cho con đường bế tắc của người yếu thế được thành tựu, nhờ vào chính sự mệt mỏi của vị quan toà cứng lòng. Người nghèo không có tiền bạc, không có sức mạnh, không có lý lẽ khôn ngoan, nhưng có một vũ khí lợi lại, đó là lòng kiên nhẫn. Chính nỗi cực nhọc của đời sống làm cho người nghèo biết kiên nhẫn và có thể đạt được mục tiêu mình mong muốn.
Dĩ nhiên, Thiên Chúa không phải là một quan án bất công. Dụ ngôn ở đây chỉ muốn củng cố kết quả của lòng kiên nhẫn trong việc cầu nguyện. Nếu như lòng kiên nhẫn có thể thay đổi lập trường của vị quán án hắc ám, thì huống hồ gì đối với Thiên Chúa.
"Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn?"
Sự kiên trì của niềm tin
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không trình bầy ở đây một sự kiên nhẫn thuần túy con người. Chúa cho thấy căn bản của vấn đề là ở lòng tin. Chính lòng tin vào chúa giúp người ta biết kiên nhẫn. Do đó, Chúa Giêsu muốn củng cố lòng tin của người tín hữu khi khẳng định chắc chắn Thiên Chúa sẽ ra tay tiếp cứu, dù ra như Ngài có đến chậm. Đây là một vấn đề lớn của Giáo Hội sơ khai: người ta tưởng Chúa sắp đến để xét xử chung cuộc, những đợi mãi mà vẫn chưa thấy, người ta tưởng Nước của Ngài sắp tỏ hiện huy hoàng, nhưng người Kitô hữu vẫn bị bắt bớ.... Ngày nay cũng vậy, đã có rất nhiều lời tiên báo về ngày tận thế, rồi nhưng rồi mọi sự vẫn trôi qua một cách "bình thường". Chúa Giêsu hình như hiểu rõ điều đó, Ngài phải thốt lên:
"Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? Thực sự ta không thể hiểu được cách làm của Thiên Chúa. Việc của ta và điều Chúa Giêsu nhắc nhở ta là: hãy vững tin, đừng sợ.; vì..."Người sẽ mau chóng bênh vực họ"
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Có lẽ vì con chưa ý thức tình trạng bế tắc của đời con như bà goá nghèo nọ, nên con cũng chưa đủ lòng tin, lòng kiên nhẫn trong lời cầu nguyện. Con còn tìm nhiều đường lối khác để giải quyết đời con, nên chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Xin tha thứ cho con.
18.Cầu nguyện – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.
Đây là một dụ ngôn dễ hiểu. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội. Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Bà goá nêu gương cầu nguyện cho ta ở 4 thái độ sau:
1. Thái độ khiêm nhường. Người đàn bà này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khoẻ để chống lại người ác. Không người bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất tất cả. Chẳng còn gì. Chẳng có gì. Nói gương bà, khi cầu nguyện ta phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực không thể thoát khỏi hoàn cảnh bi đát này.
2. Thái độ phó thác. Bà goá này không còn nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà đặt niềm tin vào ông quan toà. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám víu lấy ông quan toà. Bà phó thác vận mạng trong tay ông quan toà. Sự sống của bà ở nơi ông quan toà. Cũng thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta. Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng Chúa sẽ sắp xếp cho ta những gì tốt đẹp nhất.
3. Thái độ kiên trì. Chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao. Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương ta.
4. Thái độ khao khát. Bà khao khát vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán nản an nghỉ. Nhưng bà làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động. Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.
Chiêm ngắm tấm gương của bà goá, ta nhận thấy rất nhiều khi ta chưa cầu nguyện cho đủ. Chưa thực hiện sự khiêm nhường nhận biết sự thực về mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Chưa biết kiên trì đủ. Và nhất là chưa tha thiết tới mức ta tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước đó. Hôm nay với bài học của Chúa, ta sẽ biết cầu nguyện hơn. Khi biết cầu nguyện hơn, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều lợi ích cho linh hồn ta hơn.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Kể ra những thái độ của bà goá mà ta cần noi theo khi cầu nguyện.
2. Đối với bạn Chúa là gì? Có phải là nguồn hy vọng duy nhất? Hay chỉ là một chỗ cậy nhờ như những chỗ khác?
3. Bạn có phấn đấu làm việc cho ước nguyện của mình không? Hay bạn chỉ ngồi chờ Thiên Chúa ban tặng?
4. Trong 4 thái độ cần có, bạn thiếu thái độ nào nhất?
19.Cầu nguyện luôn luôn
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Nhiều lần, Chúa Giêsu nói đến việc cầu nguyện, và Ngài cũng đã dạy các tông đồ cầu nguyện.
Dụ ngôn bà góa với ông quan tòa trong đoạn Tin Mừng hôm nay, tương tự như dụ ngôn người bạn nửa đêm đến mượn bánh. Cũng một bài học là phải cầu nguyện bền bĩ, không nản lòng, cầu xin mặc dù bị từ chối. Cầu nguyện bền bĩ là tin vững không sờn lòng. Lòng tin chính là nền tảng của việc cầu nguyện. Chúng ta không thể cầu nguyện nếu chúng ta không tin.
Chúng ta mãi là tạo vật. Khoảng cách giữa chúng ta với Chúa là vô biên. Chúng ta mong manh yếu đuối, chúng ta không thể làm gì tự mình hay thực hiện những ước nguyện của mình.
Là tạo vật, chúng ta luôn lệ thuộc vào Đấng đã tạo dựng nên chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới không do chúng ta tạo nên, nên chúng ta không thể bảo nó theo ý chúng ta. Chúng ta có quyền sử dụng nó, nhưng nó không theo ý chúng ta, và đứng trước vũ trụ, chúng ta chỉ là những vật bé nhỏ li ti thôi.
Chúng ta lãnh nhận sự sống và cuộc sống. Chết hay sống không do chúng ta quyết định. Mọi sự đều cho chúng ta thấy rõ, chúng ta chỉ là tạo vật nhỏ hèn trong tay của Đấng đã tạo thành chúng ta, là Chúa và là Cha chúng ta. Vì thế, cầu nguyện bắt đầu từ ý thức căn bản này là thân phận chúng ta chỉ là lệ thuộc và yếu đuối. Chúng ta không có quyền bắt buộc Thiên Chúa phải làm theo ý chúng ta. Nếu chúng ta lãnh nhận được gì là do lòng thương của Chúa mà thôi.
Bà góa trong dụ ngôn đến với quan tòa, xin ông minh xét cho vì ông có nhiệm vụ đó.
Chúng ta đến với Chúa, chúng ta không có quyền gì cả, chúng ta chỉ là thiếu thốn. Chúng ta trình bày những nhu cầu của chúng ta và kiên nhẫn đợi chờ mà thôi.
Lời cầu của chúng ta chỉ là khiêm tốn. Chúng ta chỉ mong Chúa đoái nhìn đến phận hèn của chúng ta và ban cho chúng ta những gì chúng ta nài xin: “Từ vực sâu con kêu lên Chúa…”
“Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
Cậy trông ở lời Người.
Linh hồn tôi trông chờ Chúa
Hơn lính canh mong đợi hừng đông”.
Nhiều người cầu nguyện như một đòi hỏi, bắt buộc Chúa phải ban cho họ những gì họ muốn không thì họ sẽ không nói đến Chúa nữa. Chúng ta có quyền gì để đòi hỏi Chúa phải thỏa mãn những đòi hỏi của chúng ta?
Cầu nguyện cũng là phó thác. Chúng ta nói lên những ước nguyện của chúng ta và “chăm chú đợi trông”. Chúa có thể trì hoãn, nhưng chúng ta cứ tin cậy. Cầu nguyện có rất nhiều cách. Sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo dạy cho chúng ta nhiều cách cầu nguyện. Cầu nguyện là hồng ân, là giao ước với Chúa, là hiệp thông… Nhưng ở đây, Chúa Giêsu chỉ nói đến lời cầu xin. Cầu xin không nản lòng, bền bĩ cho đến Chúa “đoái thương chút phận”, phó thác thân phận mình trong tay Chúa, tùy ý Chúa phân định.
Nhiều người cầu nguyện, nhưng không bền bĩ. Họ nghĩ rằng Chúa không nhậm lời họ và họ không cầu nguyện nữa. Có người lại trách phiền Chúa tại sao bỏ rơi họ. Thật là điên rồ! Đó là những kẻ kém tin. Nản lòng là một sai lầm. Phải cầu nguyện luôn. Thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc chúng ta như thế.
Nhưng cầu nguyện trên hết là yêu. Con người siêng năng cầu nguyện là con người sống trong tình yêu. Cầu nguyện với con tim, với tất cả tâm hồn chứ không chỉ bằng lời nói. Cầu nguyện như thế, chúng ta kết hiệp với Chúa, với ý muốn của Chúa, hoàn toàn để cho Chúa quyết định. Và cầu nguyện giúp chúng ta đi vào quả tim của Chúa. Lời cầu của chúng ta không còn là “theo ý con, mà theo ý Cha”.Con người không còn một ý muốn riêng nào mà chỉ xin một ân huệ duy nhất là yêu mến Chúa. Con người đó đạt đến đỉnh của cầu nguyện. Không mấy người đạt đến đỉnh cao đó, nhưng chính Chúa sẽ dẫn dắt họ bằng Thánh Thần Tình Yêu, và nếu kiên trì, họ sẽ đạt đến hạnh phúc toàn vẹn là chiếm đoạt được chính Chúa như thánh Phaolô nói: “Tôi bị Thiên Chúa chiếm đoạt”. Người đó sẽ đủ can đảm đương đầu với cuộc sống, và nếu cần, có thể liều mạng cho Chúa như các thánh tử đạo.
Cầu nguyện không chỉ là một lúc ngắn ngủi nào đó khi chúng ta có những nhu cầu mà là một hành trình lâu dài, vì “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần sẽ cầu nguyện trong chúng ta bằng những tiếng rên khôn tả”.
Thánh Thần Chúa sẽ cho chúng ta hiểu được tình yêu Chúa, hiểu được chiều rộng, dài, cao, sâu của tình yêu Chúa; nhờ đó, chúng ta buông bỏ những gì của riêng mình để hoàn toàn trở thành dụng cụ trong tay Chúa. Lời cầu nguyện đích thực là hoàn toàn phó thác, như một em bé trong tay hiền mẫu. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã tìm được bí quyết đó. Thánh nhân đã đạt đến đỉnh cao đó. Chị phải trải qua một thời gian hoàn toàn khô lạnh, không nhìn thấy Chúa đâu cả, nhưng chị đã phó thác, tin tưởng trong đêm tối của tâm hồn. Chị kể lại rằng, sau khi chịu lễ, chị hoàn toàn lạnh lùng, không cảm thấy gì, chị chỉ tin thôi. Chị nói rằng, chị như một con chim nhỏ, cứ ngước nhìn Mặt Trời Thần Linh. Nhưng vì sương mù con chim nhỏ đôi khi ngủ gật… Đó là gì? Là cầu nguyện, là nhìn về Chúa, dù không cảm thấy gì.
Cầu xin cho chúng ta dám bước vào cuộc hành trình cầu nguyện. Chúa không bỏ rơi chúng ta bao giờ.
Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng một lời nói rất khó hiểu: “Nhưng khi con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất này nữa không?”
“Khi Con Người đến”, tức là thời quang lâm, là lúc mọi sự kết thúc, lòng tin còn trên mặt đất này không, tức là con người không còn biết cầu nguyện, không còn cần đến Chúa nữa.
Chúng ta phải làm gì?
Phải cầu nguyện nhiều hơn, cầu nguyện không ngừng để niềm tin của chúng ta không suy giảm, không bị bào mòn vì sự kém tin của những người chung quanh, Phải “lội ngược dòng” như Đức thánh Cha Phanxicô đã nói. Phải nỗ lực nhiều hơn để củng cố niềm tin của anh em chúng ta.
Bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay phải được thực hiện hôm nay và mãi mãi, để khi Ngài đến, Ngài sẽ thấy chúng ta “tỉnh thức đợi chờ”.
Chúa Giêsu đến hôm qua, hôm nay và mai sau, nhưng trong hiện tại, Ngài vẫn ở với chúng ta.
Cho đến tận thế. Ngài đến bằng rất nhiều cách, nhưng trong Thánh Thể, Ngài đến với tất cả sự khiêm tốn và tình yêu. Ngài đến để cầu xin chúng ta trước khi chúng ta cầu xin với Ngài: “Này là Mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn”. Hãy cầm lấy mà ăn không là một mệnh lệnh mà là một khẩn nài. Ngài yêu chúng ta đến nỗi Ngài khao khát sống với chúng ta để cùng với chúng ta ngợi khen tình yêu của Cha Ngài. Chúng ta làm gì để Ngài được toại nguyện?
20.Kiên tâm - Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Truyện kể: Wilma Rudolph bị bạo bệnh ngay từ lúc mới sinh. Cô là một đứa trẻ sinh non thiếu tháng, bị viêm phổi, cảm hồng chẩn và bị bại liệt. Bệnh bại liệt làm cho một chân bị teo cơ và bàn chân mang tật. Tới lúc 11 tuổi, Wilma chân đi khập khễnh bị niềng bởi miếng kim loại. Tại nhà, cô bé xin chị coi chừng, trong khi cô thực tập bước đi không mang vật niềng. Cô bé tập tành mỗi ngày, nhưng sợ rằng cha mẹ của cô khám phá ra việc cô đang làm và có thể ép buộc cô phải ngưng. Cuối cùng, cảm thấy có lỗi. Cô trình bày mọi sự việc đang diễn tiến, bác sĩ qúa ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông cho phép cô tiếp tục thực tập nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Dù thế nào đi nữa, câu truyện rút ngắn lại. Wilma tập bước đi cho tới khi cô bé đã rời bỏ đôi nạng vĩnh viễn. Cô bé tiến bộ trong việc tập chạy. Khi cô lên 16 tuổi, cô đã thắng giải huy chương đồng trong cuộc chạy đua tiếp sức ở Melbourne Olympics. Bốn năm sau, tại Rome Olympics, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thắng ba huy chương vàng môn điền kinh. Cô trở về với băng ghi dấu được đón chào tại Hoa Kỳ và gặp riêng tổng thống Kennedy và nhận Giải Thưởng Sullivan (Sullivan Award) như vận động viên nghiệp dư hàng đầu của quốc gia.
Trong cuộc lữ hành về Đất Hứa, dân Do-thái gặp nhiều bước gian truân cả đối nội lẫn đối ngoại. Đối đầu gian khó cả tinh thần lẫn thể chất. Thiên Chúa thanh luyện lòng dân qua rất nhiều biến cố khó khăn. Họ lo lắng về nơi ăn chốn ở và sự an toàn cuộc sống. Dân sống chết với cuộc sống bấp bênh lang thang trong hoang địa. Đi qua các vùng dân cư ngoại bang, họ phải tranh đấu để sống còn. Có nhiều nhóm dân thù nghịch đã dấy lên gây chiến với họ. Người Amalec đã đưa quân chinh phạt Israel: Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim (Xh 17, 8). Ông Môisen đã phải cầu khẩn với Thiên Chúa suốt ngày. Ông giang tay kiên tâm cầu nguyện, luôn đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa để cầu xin cho dân thắng trận: Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế (Xh 17, 11). Ông Môisen và dân chúng một lòng kiên trì cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Quyền phép của Chúa thức hiện nhãn tiền qua từng giây phút.
Môisen đã kết hợp lòng trí một cách rất chân thành với Thiên Chúa Giavê. Ông khẩn cầu cùng Thiên Chúa trong mọi bước đường sướng khổ. Chúa đã dùng ông như khí cụ dẫn đưa Dân riêng ra khỏi Ai-cập để vào miền Đất Hứa. Chương trình cứu độ tiếp tục trải dài suốt dọc lịch sử của Dân Do-thái cả mấy ngàn năm. Đôi khi chúng ta tự hỏi, tại sao Thiên Chúa chuẩn bị chờ đợi một thời gian qúa dài để đón nhận Đấng Cứu Thế xuống trần? Chúng ta không thể nào hiểu thấu ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng hữu đi vào thời gian và không gian hữu hạn. Thiên Chúa luôn kiên trì chờ đợi sự tiến triển của con người. Tính theo thời gian năm tháng của đời sống con người trần thế thì qúa lâu dài. Đã có biết bao nhiêu dòng dõi nối nghiệp cưu mang sứ vụ đón nhận ơn cứu độ.
Thiên Chúa bước vào tiến trình lịch sử của một dân tộc và đồng hành từng bước cùng với sự u mê, ương ngạnh và dại khờ của con người. Thiên Chúa dõi bước qua mọi trạng huống thăng trầm của lịch sử. Chúng ta biết tâm hồn, tính tình và cõi lòng của con người đổi thay chẳng tốt lành gì. Kinh Thánh đã nêu danh một số vị tiêu biểu được Chúa chọn làm người lãnh đạo như vua Saulê, Đavít, Solômon và các vua kế vị, nhưng được mấy vị tốt lành và trung tín. Thiên Chúa ưu đãi và ban muôn ân phước lộc cho các vị lãnh đạo, nhưng hầu như vị vua nào cũng nhiều lần bị sa ngã phạm tội và rơi vào tham sân si của trần đời. Dân Riêng cũng đã nhiều lần quay lưng phản bội lại với Thiên Chúa để chạy theo tôn thờ các thần dân ngoại. Thiên Chúa luôn tín trung với lời đã hứa. Chúa kiên tâm chờ đợi. Chúa đánh phạt họ, rồi Chúa lại tha.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn dạy các tông đồ về sự kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng khi nào chán nản: Chúa Giêsu dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng (Lc 18, 1). Dụ ngôn nói về sự kiên tâm của người đàn bà góa trước quan tòa. Vì bà quấy rầy qúa, nên ông đã xét xử cho bà. Chúa dùng hình ảnh việc hầu tòa để nói về sự cầu nguyện luôn. Chúng ta cần kiên trì trong cầu nguyện. Có nhiều khi điều chúng ta xin hôm nay không được, ngày mai lại đổi sang lời cầu khác. Chúng ta muốn được Chúa đáp lời cho thỏa mãn các nhu cầu ngay lập tức. Đôi khi chính chúng ta cũng không biết mình cần gì hay xin gì cho phải lẽ. Mỗi lần cầu xin chúng ta kể ra một chuỗi dài những ơn cần thiết, nhưng chúng ta lại chẳng thiết tha chờ đợi. Nghĩ rằng cầu xin rồi, Chúa muốn ban hay không cũng chẳng sao. Có thể chúng ta cầu mà chưa được vì cầu xin không đúng cách. Chúng ta dễ chán nản trong lời cầu xin là thế!
Với tâm tình khoan dung nhân hậu, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện. Không lẽ nào Thiên Chúa không nhận lời chúng ta cầu xin, nếu chúng ta thiết tha kêu cứu đêm ngày: Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? (Lc 18, 7). Đây là chìa khóa của việc cầu nguyện. Hãy tập trung tinh thần cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa. Vì không phải xin nhiều hay nói nhiều là được nhiều. Chúng ta phải biết cầu xin và biết lắng nghe. Lời cầu cần sinh ích lợi cho phần rỗi của linh hồn của chúng ta. Nhìn lại cuộc đời, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta mong ước cầu xin.
Cầu nguyện cần sự kiên trì. Kiên trì chờ đợi như người mẹ mang thai chờ đợi sinh con. Người mẹ không thể cắt bớt thời gian năm tháng phát triển của thai nhi trong cung lòng. Thời gian là nguồn ân phước để cưu mang và sinh thành. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, thời gian và môi trường chung quanh vẫn cứ trôi. Mọi loài thụ tạo theo tiến trình tự nhiên cứ phát triển. Con người cần có sự kiên nhẫn đợi chờ trong tất cả mọi diễn tiến tự nhiên. Chúng ta không thể cắt bớt thời gian để tìm đạt kết qủa ngay. Người ta nói: Dục tốc bất đạt. Trong vấn đề cầu nguyện cũng thế, cầu xin là trải lòng ra một cách khiêm tốn để nhận biết thân phận yếu hèn, tội lỗi, thiếu thốn và bất xứng, xin Chúa đoái thương và ban ơn phúc.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy biết sống lời Chúa để sinh hoa trái trong cuộc sống đạo. Tất cả chân lý mạc khải về Thiên Chúa và vũ trụ con người đã được ghi chép trong Kinh Thánh: Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính (2Tm 3, 16). Lời linh hứng sống động được truyền đạt qua bao đời. Giáo Hội có một kho tàng khôn ngoan vô giá là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được in ghi trong lịch sử cứu độ để giúp con người đạt tới cứu cánh của mình. Chúng ta không phải tìm nơi nguồn nào khác. Thánh Kinh giúp chúng ta tìm ra tận nguồn chân thiện mỹ.
Đừng ngại dùng Lời Chúa để rao giảng, thuyết phục và hướng dẫn. Phaolô đã nhấn mạnh: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn (2Tm 4, 2). Chúng ta không xấu hổ vì rao giảng lời Chúa. Không sợ hãi khi làm chứng nhân cho Chúa. Không hổ thẹn khi trưng dẫn lời Chúa. Chúng ta hãy can đảm đọc, lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
Lạy Chúa, Chúa rất nhân từ và khoan dung đại lượng. Chúa chẳng bỏ rơi những ai chạy đến với Chúa xin ơn trợ giúp. Xin cho chúng con biết tín trung và bền vững dõi theo bước đường Chúa đã đi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam