Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1356387

CHẤT VẤN

CHẤT VẤN

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Hai từ “chất vấn” xem ra ít gây thiện cảm hơn là các từ “hỏi” hay là “đặt vấn đề”. Dù là đặt vấn đề hay đặt câu hỏi hay chất vấn thì mục đích nhắm đều là để được sáng tỏ một vấn đề nào đó mà người chất vấn chưa nắm rõ hay chưa đồng thuận. Dĩ nhiên ở các xã hội độc tài, chuyên chế thì ít có ai dám to gan chất vấn người cầm quyền, vì sợ mang vạ vào thân. Lại có những thể chế muốn chứng tỏ rằng có sự dân chủ nên “cho phép” người ta chất vấn nhưng thực chất vẫn không muốn người bị trị có quyền chất vấn.

Nhân dịp mẹ Hội Thánh dọn cho đoàn tín hữu bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng trong Chúa Nhật XII TN B, xin đặt câu hỏi làchúng ta có được phép chất vấn Thiên Chúa không? Một trận cuồng phong trên biển cả xem ra là chuyện thường tình của giới tự nhiên. Thế nhưng, khi gió lớn, sóng to ập vào thuyền của tôi, thì đó không còn là chuyện bình thường. Những tai ương, hoạn nạn, dịch bệnh do thiên tai hay do nhân họa vẫn mãi là những sự dữ đối với những người trực tiếp hay gián tiếp gánh chịu. Chúng ta có quyền hỏi Thiên Chúa không hay chúng ta có nên đặt vấn đề không, nhất là những vấn đề liên quan đến sự dữ?

Trước vấn nạn sự dữ thì dường như không chỉ khó hiểu mà còn khó chấp nhận. Người làm sự lành mà phải gánh sự dữ thì vẫn có đó trước mắt chúng ta, không riêng gì mình ông Gióp thuở nào. Về vấn đề này, sách Gióp và Cựu ước nói chung, thường có câu trả lời rằng như chiếc bình sànhkhông thể và không có quyền chất vấn người thợ gốm, thì con người trong kiếp thụ tạo hữu hạn không có quyền chất vấn Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ vạn vật, dựng nên con người từ hư vô. Ông Gióp cuối cùng đã biết phận để rồi “lấy tay che miệng” (x.G 40,4) và “xin rút lại những gì đã nói” (x.G 42,6).

Tân ước lại cho chúng ta một cái nhìn có vẻ như ngược lại nhưng thực ra là bổ túc, là hoàn thiện cái nhìn của Cựu ước. Đến thế gian, Chúa Kitô không ngại ngần trước các vấn nạn người ta đặt ra. Người còn gợi ý để cho các môn đệ chất vấn bằng việc đặt câu hỏi trước. “Người ta bảo Con Người là ai?... Còn các con, các con bảo thầy là ai? (Mt 16,13). Cáctông đồ, các môn đệ đã không ngại ngần “chất vấn” Thầy chí Thánh. “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Chúa ơi, Chúa ở đâu khi con đang trong cảnh khốn cùng? Con biết Chúa không vui thích gì khi con người phải khổ, phải chết, thế mà sao cái khổ, cái chết vẫn mãi đe dọa chúng con? Saocon làm người trong cái hình hài này, ở một thời đại, một hoàn cảnh không chút gì thuận lợi? Tại sao những người độc tài, độc quyền, độc ác cứ mãi nhởn nhơ trong nhung lụa? Nhiều câu hỏi tại sao thỉnh thoảng lại đến mà như không có lời giải đáp, đúng hơn là khó làm thỏa lòng thỏa trí chúng ta.

Điểm tới của những lời chất vấn là lòng tin. “Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Dù như khiển trách, nhưng Chúa Giêsu đãbiết các môn đệ vốn có lòng tin vào Người nhưng lòng tin ấy đang còn non yếu. Không tin vào Thầy thì cớ sao các ngài lại đánh thức Thầy dậy để xin cứu giúp. Đức tin không phải là một thực tại đã hoàn thành mà là một quá trình dấn thân. Niềm tin của Kitô hữu là tiến trình bước theo Đức Kitô. Tiến trình ấy không luôn trơn tru, thẳng tắp, kiểu thuận buồm xuôi gió. Có khi chững lại vì gặp vật cản, có khi chệch hướng, thậm chí có lúc bị giật lùi. Những câu hỏi, những lời chất vấn xuất hiện là một trong những động lực hay là cách thế để ta vượt qua vật cản, chỉnh hướng và tiến lên. Như thế, các câu hỏi hay những lời chất vấn trở thành một phương thế củng cố niềm tin, thanh luyện đức tin.

Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thời làm HồngY đã từng khẳng định: “Chúng ta đã học biết, đã sống, và đáng khác chúng ta đã thấy đức tin được xây dựng hết sức hoàn hảo và được hệ thống hoá quá đáng, tới độ người ta không còn dễ dàng đến được với đức tin nữa. Vậy tôi nghĩ rằng chúngta cần một thứ cách mạng đức tin, theo một nghĩa phức hợp. Trước hết chúng tacần đến một cuộc cách mạng này để có được lòng can đảm nói ngược lại với những xác tín tổng quát” (Muối cho đời – trang 42). Khi trên ngai giáo hoàng, mở đầu cho tập sách “Đức Giêsu thành Nagiarét”, ngài cũng thẳng thắn và sẵn sàng đón nhậnnhững ý kiến “chống lại” những “tìm hiểu” của ngài về “diện mạo của Chúa”(x. Phần I - trang 31).

Chúa Kitô không ngần ngại trước những lời chất vấn của người Do Thái và các câu hỏi của các môn đệ, vì nhờ chúng mà căn tính và sứ mạng của Người ngày càng được tỏ bày, và qua đó đức tin của nhiềungười được hình thành và vững mạnh. Quả thật, chẳng có ai dám to gan cho rằng mình đã nắm trọn chân lý hay đã vững vàng trong đức tin. Thế mà đã có lúc chúng lại ngại ngần và có khi lại sợ người đồng đạo, sợ người “ngoại đạo” chất vấn niềm tin của chúng ta. Cần thú nhận rằng chính chúng ta cũng rất ngại ngùng chất vấn niềm tin của mình, đúng hơn là đặt vấn đề về một vài nội hàm của đức tin vì sợ rằng sẽ có nguy cơ lạc đạo hay bị gán ghép là rối đạo. Trong tình bạn thì các câu hỏi hay những lời chất vấn là chuyện thường tình như lẽ đương nhiên. Chúng chỉ là bất thường trong mối quan hệ chủ tớ. Chúa Kitô đã khẳng định Người không muốn chúng ta làm người tôi tớ mà là bạn hữu (x. Ga 15,15).

Chúa Kitô mãi là dấu hỏi cho con người đến tận cùng lịch sử. Hiện nay, chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong gương, sau này chúng ta sẽ thấy Người như chính Người là. Ngưòi thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy (x.1Cor 13,12). Chính vì thế, vị trí, vai trò của những câu hỏi luôn còn đó. Và một trong những vai trò chính yếu của chúng là dẫn chúng ta đến với niềm tin. Mỗi khi chúng ta không còn biết đặt vấn đề thì rất có thể là chúng ta đang ở trong tình trạng “cuồng tín” hay là vô tín. Khi chúng ta ngần ngại tha nhân đặt vấn đề hay chúng ta thấy khó chịu khi tha nhân, khi người dưới quyền chất vấn chúng ta thì có lẽ chính chúng ta đang có vấn đề. Một trong những vấn đề thật khó chối cãi, đó là chúng ta chưa thực sự tin vào sự ngay chính của bản thân hay của công việc mình đang thực hiện. Và một điều khá chắc chắn nữa, đó là người ta cũng chưa tin vào chúng ta. Mong sao những lời sau đây của ngài Hồng Y J.Ratzinger mà nay là Đức Bênêđictô XVI có điều kiện thành hiện thực: “Chúng ta phải có can đảm đứng lên chống lại cái được coi như chuẩn mực cho conngười vào cuối thế kỷ XX này, và tái khám phá đức tin nguyên tuyền” (Muối cho đời – trang 43).

 

21.Chúa Nhật 12 Thường Niên

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)

AI CÓ THỂ TRỞ NÊN MỘT NGƯỜI NHƯ THẾ?

Chiếc tàu Titanic được chào hàng như một chiếc tàu không bao giờ chìm. Và sau đó là đụng một tảng băng ngay trong cuộc hành trình đầu tiên của nó, chiếc Titanic đã chìm xuống đáy của Đại Tây Dương với hầu hết những người đi trên con thuyền đó trong vài phút. Đại dương quyền năng hơn bất cứ một con tàu nào, đã nuốt trọn con tàu Titanic giống như nó đã nuốt một hộp cá mòi vậy.

Đó là một mầu nhiệm sâu xa về biển cả, và đó không có gì là ngạc nhiên về quyền năng của nước được xem là một thuộc tính của thần linh. Trong sách Gióp chính Thiên Chúa đã làm chứng về quyền năng thần linh của Ngài, bằng việc biểu dương quyền năng của Ngài là chủ tể của nước sâu. Những tông đồ là những người đánh cá, hơn ai hết họ không cần ai nói cho họ biết về việc phải sợ hãi cái vẻ bề ngoài đáng sợ của biển Galilê. Thình lình, tai họa có thể xảy ra một cách bất thường. Biển thì ở 685 bộ bên dưới mực nước biển và bao quanh bởi những ngọn núi. Với một làn không khí lạnh thổi xuống từ những ngọn núi hầu như nhanh chóng biến đổi làn nước đại dương thành những con sóng nguy hiểm cao đến bảy hoặc tám bộ.

Thật chính xác những gì đã xảy ra vào buổi chiều hôm đó, khi Chúa Giêsu vào thuyền của các môn đệ ở trên biển Galilê. Đó giống như một ngày của sáng tạo, những yếu tố tự nhiên đang chờ đợi khoảnh khắc khi mà Chúa là chủ tể của chúng xác quyết quyền năng và tỏ hiện sự thần linh của Ngài. Sau khi Chúa Giêsu làm cho biển bình yên bởi những lời của Ngài, các tông đồ đã kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Người này là ai mà làm cho gió biển phải vâng lời?”

Gió và biển đã biết Chúa Giêsu là ai và cả chúng ta cũng như thế. Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi của các tông đồ. Nếu chúng ta không có đức tin, chúng ta xem Người một cách giới hạn bởi xét đoán của con người nhưng bởi đức tin mà chúng ta nhận biết rằng Chúa Giêsu là Chúa, là Đấng Cứu Độ. Vì Chúa là Đấng cứu độ của chúng ta, Ngài ước ao giải thoát chúng ta khỏi những tai họa của đời sống trên biển. Sự sợ hãi những căn bệnh như ung thư hoặc Siđa, lo lắng về tận cùng của tương lai một cách bất an, những lo lắng về con cái trong một xã hội say sưa và hỗn tạp, sự không vững chắc hay gãy đổ của đời sống hôn nhân, sự khủng hoảng hay sự cô độc, bị bỏ rơi, sự khủng khiếp mà viễn cảnh của sự chết có thể phát sinh.

Trong lời tuyên xưng Thánh Thể chúng ta đã kêu lên: “Bởi thánh giá và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta”. Sau kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa xin giải thoát chúng con khỏi mọi sự dữ và ban cho chúng con bình an trong ngày hôm nay, bởi lòng thương xót Chúa sẽ giữ gìn chúng con khỏi tội lỗi và bảo vệ chúng con khỏi mọi lo âu”. Lời nguyện này muốn nói lên lời diễn tả đức tin của chúng ta nhưng cấp độ bình an và quang đãng của chúng ta không tùy thuộc và sự diễn tả đức tin của chúng ta nhưng ở chiều sâu của nó. Đức tin của chúng ta phải sâu như biển cả vậy.

Khi chiếc Titanic chìm xuống, số người bị lâm nạn đã tăng lên gấp bội bởi vì thuyền đã không trang bị đủ những thuyền cứu sinh. Chúng ta còn được hơn thuyền cứu sinh cứu nữa. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khi chúng ta bị chìm trong biển cám dỗ sâu nhất của cuộc đời. Chúng ta có con người của Chúa Giêsu Kitô, luôn luôn hiện diện với chúng ta trong Giáo Hội và hướng về Người, chúng ta có thể cầu nguyện một cách tin tưởng. Trong cơn bão trên biển hồ, các tông đồ đã phàn nàn: “Lạy Thầy chúng con sắp chết mà Thầy không quan tâm đến sao?” Với đức tin chúng ta biết rằng, không có vấn đề gì với Chúa Giêsu. Vấn đề là sự cứu độ của chúng ta không đến từ những lời nói, tuy nhiên ở nơi. Lời quyền năng của Ngài: “Hãy yên lặng, hãy im đi”. Sự cứu độ của chúng ta đến từ hy tế nơi thánh giá. Đức tin của chúng ta là: “Lạy Chúa bởi thánh giá của Người, và sự Phục Sinh của Người xin giải thoát chúng con, Người là Đấng cứu độ chúng con”.

 

22.Suy niệm của Achille Degeest

NỖI KINH HOÀNG CỦA CON NGƯỜI

VÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA THIÊN CHÚA

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Giai thoại bão táp yên lặng là một cơ hội tốt cho những ai ngã theo khuynh hướng “giải huyền thoại” trong phúc âm (khuynh hướng này ngày nay đã giảm). Để giản lược biến cố vào một sự kiện tự nhiên, họ chỉ cần tưởng tượng và rồi sau khi đã chiều theo sức ép của trí tưởng tượng, quả quyết rằng bão táp tự nó ngưng lại, vừa lúc Đức Giêsu ra lệnh cho biển; và như thế là do tình cờ. Có một loại não trạng tự gọi là khoa học, chủ trương ngay từ đầu chối bỏ mọi can thiệp của Thiên Chúa trong vũ trụ và giải thích một số sự kiện bằng một định kiến như thế thật dễ dàng. Trong trường hợp này chúng ta có thể bám vào lời này: Ở khởi điểm của truyền thống Phúc Âm, có thật là biến cố, nhưng liền được giải thích trong môi trường của Giáo Hội sơ khai, dựa trên một não trạng Kinh Thánh và một niềm tin vào sự Sống Lại” (X.L. Dufour, Etudes d’Evangile, Paris, 1965).

Ưu tư của Giáo Hội sơ khai là minh chứng: Đức Giêsu có cùng một quyền năng trên tạo vật như Thiên Chúa (não trạng Kinh Thánh) và dẫn đưa người tín hữu đến một niềm tin nơi Đức Giêsu Phục Sinh, một niềm tin trọn vẹn, truyền giáo (Hãy sang bên kia bờ) và có khả năng đương đầu với mọi nghịch cảnh.

Giải quyết xong điều trên, câu chuyện bão táp yên lặng gợi cho chúng ta một vài suy nghĩ rất đơn sơ:

1) ‘Thưa Thày, chúng con chết mất mà Thày không quan tâm đến sao?’

Lời trách móc này cho thấy rõ sự mâu thuẫn giữa nỗi kinh hoàng của các môn đệ và sự yên tĩnh của vị Thày. Một bên sóng gió nguy hiểm, một bên Đức Giêsu vẫn ngủ. Biển hồ Giê-nê-sa-rét, như các biển hồ được núi đồi bao phủ khác, thường có những cơn bão táp đột ngột và dễ sợ. Con thuyền bị sa vào một trong các cơn bão táp như thế. Chúng ta hiểu Đức Giêsu sau một ngày trọn rao giảng mệt nhọc, đã ngủ thiếp đi. Các môn đệ không hiểu được sóng gió mạnh mẽ như thế, lại tràn ngập vào thuyền mà không làm cho Ngài tỉnh dậy. Họ không mường tượng được rằng: chỉ duy có sự hiện diện của Đức Giêsu với họ, đã là một sự bảo đảm an toàn vững chắc.

Họ có lỗi vì đánh thức thày dậy không? Chắc là không. Đó chỉ là phản ứng bình thường của con người hoảng hốt, sự yếu hèn của họ (nhưng họ chưa có niềm tin sau Phục Sinh) ở chỗ họ không đặt sự an toàn của mình nơi con người Đức Giêsu. Chúng ta cũng gặp phải những giây phút thử thách nghiêm trọng. Chúng ta không có lỗi khi kêu đến Thiên Chúa, khi đánh thức Người dậy. Chúng ta không thể chế ngự một số âu lo tự nhiên. Ít là chúng ta nên nhớ Đức Giêsu đang ở với chúng ta để giữ vững niềm tin của chúng ta.

2) Hình ảnh con thuyền gợi lên con thuyền Giáo Hội, theo như ngôn từ của các thánh phụ.

Trong thời đại của chúng ta, cũng như trong mọi thời đại, Giáo Hội tựa con thuyền bị lay động và cản trở mạnh mẽ do các lầm lạc, bách hại, thao túng của thế gian. Một vài lầm lỗi hình như xâm chiếm cả Giáo Hội. Những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. Điều này có lẽ tạo nên nỗi lo âu lớn nhất cho nhiều người ưu tú trong nhóm môn đệ Đức Kitô. Hãy nhớ rằng chỉ một lời của Chúa vào lúc ngài muốn, có khả năng cứu thoát tất cả. Ngài nói: “Im đi….”, tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Điều quan trọng là hãy giữ niềm tin cho sống động và mạnh mẽ. ‘Các con không có đức tin ư?’.

 

home Mục lục Lưu trữ