Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 83

Tổng truy cập: 1356867

Chia Sẻ Sự Phục Sinh

Chia sẻ sự Phục Sinh

Một mầm xanh xuất hiện từ kẽ nứt trên đường xi măng trước nhà bà ngoại. Một sự sống đã bắt đầu trong mặt đất. Để chống chọi với sức nóng như thiêu của nắng, nó cố sức đẩy mình trong nơi chật hẹp. Nó kiên trì, mọc lên thành cây. Bà ngoại để tâm quan sát từng ngày. Khi nó nở hoa, bà gọi cháu: "Lại đây! Xem này." Bà chống tay xuống gối nói tiếp: "Cháu có thấy không? Điều này chứng tỏ Chúa hiện diện! Làm sao nhìn thấy sự việc này mà không có Chúa được? Một mần sống nhỏ bé có thể chống chọi để sống giữa kẽ xi măng như thế này!" Bà ngoại thích quan sát những điều nhiều người chúng ta không để ý. Chúng ta cầu nguyện để có phép lạ lớn lao. Bà thấy phép lạ đều đều. Đối với bà sức mạnh của sự phục sinh thực sự rõ ràng trong những chi tiết nhỏ mọn hằng ngày.

Chúa Giêsu đã chết và sống lại để cứu chuộc loài người. Người đã mở đầu, là người đầu tiên được phục sinh và tôn vinh. Mỗi lần báo trước cuộc tử nạn của Ngài thì Ngài cũng báo trước "Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại." Và đã xảy ra đúng như vậy.

Trước hết, chúng ta cần hiểu cho đúng thế nào là phục sinh hay sống lại. Sống lại không phải là lại sống y như trước, giống như mấy người được Chúa Giêsu làm phép lạ cho sống lại như trước rồi sau cũng phải chết, như con trai bà góa thành Na-im hay ông La-gia-rô. Chúa Giêsu phục sinh và được tôn vinh nghĩa là Ngài đã chết thật, rồi được sống lại với một thân xác đã được đổi mới, không còn lệ thuộc các luật vật lý hay sinh lý nữa, không chết bao giờ nữa. Ngài được tôn vinh là được về trời, không phải vào tầng mây xanh mà là vào một tình trạng hoàn toàn mới, được ở bên hữu Chúa Cha, nghĩa là hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong hạnh phúc vĩnh hằng.

Việc Chúa Giêsu vượt qua cõi chết để phục sinh và được tôn vinh là một biến cố cực kỳ quan trọng đối với chính Ngài, với giáo huấn của Ngài, với các môn đệ, và với tất cả mọi người, vì là nền tảng cho đức tin và sự cứu chuộc của mọi người. Thực vậy, đối với Chúa Giêsu, sự sống lại chứng tỏ Ngài vừa là người thật (đã đau khổ và chết) vừa là Thiên Chúa thật (đã phục sinh và được tôn vinh), chứng tỏ Ngài trở thành siêu việt trên tất cả mọi nhân vật tôn giáo trên thế giới. Tiếp đến, sự sống lại chứng tỏ giáo huấn của Ngài thật là do Thiên Chúa mạc khải và dẫn đưa con người chắc chắn đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Lại nữa, sự sống lại đã làm xoay chuyển tầm nhìn của các môn đệ về Ngài, để lời loan báo đầu tiên và cả việc soạn thảo Tin Mừng của các ông đều được coi là diễn tả cái nhìn mới về Con Người Na-gia-rét, nhìn nhận Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng Kitô; đồng thời cũng làm xoay chuyển cả sự lựa chọn và lối sống của các ông khiến các ông sẵn sàng sống chết làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Sau hết, sự sống lại của Đức Giêsu Phục Sinh là nòng cốt cho niềm tin của chúng ta. Niềm tin kéo theo nhiều niềm tin khác: chúng ta tin Chúa sống lại là chúng ta tin chúng ta được cứu chuộc, bởi vì Chúa sống lại Chúa mới cứu chuộc được nhân loại. Nếu như Ngài chết luôn như các giáo chủ khác, thì Ngài không có quyền gì cứu chuộc được ai cả. Nhưng Ngài đã sống lại, để chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa và Ngài có quyền cứu chuộc được tất cả chúng ta. Đàng khác, Chúa sống lại còn là niềm hi vọng cho chúng ta: tất cả chúng ta sẽ sống lại. Thực vậy, thân xác chúng ta sẽ sống lại, đúng như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại." Kinh Thánh đã nói: "Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại với Ngài" (Rm 8:11). Như vậy, Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và Ngài cũng cho hết thảy chúng ta được chung hưởng chiến thắng đó.

Căn nguyên sự vui mừng của Phục Sinh không phải một điều xảy ra trong quá khứ nhưng là sự việc đang xảy ra hôm nay. Chúng ta đánh mất sự vui mừng phục sinh, trừ khi sự phục sinh xảy ra cho chúng ta trong lúc này,. Thiên Chúa hành động ngày xưa và Ngài hoạt động hôm nay để tôn vinh cuộc sống và sứ vụ của Chúa Kitô qua việc Phục Sinh. Chúa Kitô đang hiện diện ở đây, trong đời bạn, trong đời tôi, ngay giây phút này. Nếu chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện này, chúng ta lạc mất điều quan trọng của Phục Sinh.

Chúng ta không cần phải đến ngôi mồ trống mới cảm nghiệm quyền năng Phục Sinh của Chúa. Cảm nghiệm Phục Sinh có thể có được trong những sự việc đơn sơ của cuộc sống  thường ngày. Chẳng hạn, trong sự chống chọi với thói quen không tốt như hút thuốc, như ăn uống quá độ. Rõ ràng hơn trong sự mất mát người thân hay trong sự đổ vỡ một tình bạn. Chúng ta chiến đấu và vào trong những ngôi mộ trống đó và trong tiến trình, chúng ta được chữa lành, chúng ta lấy lại sức mạnh. Chúng ta được nâng đỡ để trải qua những nghịch cảnh để tiến đến cuộc sống mới, hy vọng mới và viễn tượng mới. Đó chính là ý nghĩa của Phục Sinh. Chúng ta không ngồi đó nghĩ đến một biến cố lịch sử. Chúng ta có thể cảm nghiệm ngay lúc này. Phục Sinh là thời gian chúng ta nhắc lại điều chúng ta thâm tín tận đáy lòng là Chúa cai quản mọi sự và Chúa tốt lành và Ngài chăm sóc chúng ta khi sống và khi chết. Chúa Giêsu Kitô đang sống trong chúng ta. Chúng ta cần sống cho thật tốt đẹp, sống đúng tư cách Người Kitô Hữu đã được cứu chuộc, để được sống lại và sống mãi với Chúa Giêsu.

Tóm lại, việc Chúa Giêsu phục sinh là một biến cố cực kỳ quan trọng.  Đối với chúng ta, đây là một vấn đề thuộc đức tin. Kinh Thánh đã nói về việc Chúa phục sinh, đó là lòng tin của Giáo Hội suốt hai mươi thế kỷ qua. Chính niềm tin này là động lực giúp chúng ta sống tốt đẹp, thúc bách chúng ta sống tốt đẹp, bởi vì chúng ta biết: cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm gửi, trước sau gì chúng ta cũng sẽ chết. Chết không phải là hết, nhưng là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Đức Giêsu và cùng Đức Giêsu trong cõi vĩnh hằng.

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

home Mục lục Lưu trữ