Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 78

Tổng truy cập: 1357349

CHIẾN THẮNG CÁM DỖ VỚI CHÚA GIÊSU

CHIẾN THẮNG CÁM DỖ VỚI CHÚA GIÊSU-  Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Người Eskimo nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy da chúng làm y phục.

Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem dang ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ lặp lại động tác đó nhiều lần cho đến khi con dao được bọc quanh bằng khối máu lớn như quả xoài.

Đợi đến khi trời tối, thợ săn đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói sẽ phát hiện rất nhanh mùi máu tươi và sẽ chạy đến liếm tới tấp vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của mình mà không hay biết. Càng liếm hăng, lưỡi càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng kết thúc cuộc đời lũ sói tham ăn.

Cám dỗ trong đời người

Có thể nói: con người là con vật phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.

Người ta bị thu hút, bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên mềm yếu, bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn phăng phăng giữa dòng nước lũ hung tàn.

Không rõ con sói một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú có ẩn dấu lưỡi dao thần chết thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó đến cùng rồi mượn lời thơ Xuân Diệu để tự biện minh rằng: “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu)

Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta.

“Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. (Philip 2, 6-7)

Vì trở nên người phàm như chúng ta, “Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta’ (Do-thái 4,15).

Qua đoạn Tin Mừng được trích đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh sử Mác-cô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Người đã thực sự bị Xa-tan cám dỗ. (Mác-cô 1, 12-13)

Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Người đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.

Cùng chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu.

Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị “xỏ mũi” bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, sa xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng xấu xa đen tối.

Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là lỗ miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng…

Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những mồi bả phù hợp “khẩu vị” của từng người và nhắm tấn công vào đúng tử huyệt của chúng ta.

Trong mùa chay, Chúa Giêsu và Giáo Hội kêu mời chúng ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất (đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn). Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với chúng con trong mặt trận nguy khó nầy và ban ơn giúp sức để chúng con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa đồng thời lập được nhiều chiến công vẻ vang như Chúa.

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY-B

MÙA CHAY TRỜ VỀ- Lm Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em…..,

Mùa Chay, Giáo hội mời gọi chúng ta bước vào hành trình “chiến đấu thiêng liêng”, bằng việc canh tân cải thiện đời sống, để chúng ta cảm nghiệm sâu hơn tình Chúa yêu thương. Đây là thời gian hết sức đặc biệt, Thiên Chúa dang rộng đôi tay chờ đón chúng ta trở về, trở về để được Chúa yêu thương, trở về để được Ngài tha thứ. Cuộc hành trình nào ra đi cũng có ngày trở về:

Người Do thái, sau bao nhiêu năm đi lưu đầy nơi đất khách quê người bên Aicập, rồi Chúa cũng dẫn đưa họ trở về miền đất Hứa.

Chúa Giêsu từ trời cao xuống đất thấp để cứu độ nhân loại, rồi sau khi hoàn tất chương trình cứu độ Ngài cũng trở về cùng Thiên Chúa Cha.

Người con hoang đàng sau khi bỏ nhà ra đi ăn chơi phung phí hết tiền của rồi cũng trở về nhà cha mình.

Nếu như ngày tết bao người đi xa cũng trở về với gia đình với ông bà cha mẹ, để bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn, thì Mùa chay cũng là mùa mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Thiên Chúa không mong đợi quà tết, không mong lời chúc tết của con người, nhưng Ngài mong đợi tấm lòng sám hối chân thành của một người con thưa lên với Chúa: “Lạy Cha, tin lòng Cha bao la, luôn thứ tha vạn lần ngã sa. Lạy Cha! Tin lòng Cha thương con, con chỉ mong gặp lại tình thương”.

Bởi lẽ, không có cha mẹ nào bỏ quên con mình, thì Thiên Chúa Ngài cũng không thể nào bỏ quên chúng ta. Khi chúng ta thật lòng sám hối trở về với Ngài.

Nếu như ngày tết là ngày đoàn tụ gia đình, anh chị em gặp gỡ nhau, dễ dàng bỏ qua cho nhau những hiểu lầm trong năm cũ. Đồng thời ta sống tình gia đình, cùng chia vui với nhau một bữa cơm ngày tết, cùng dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, và nhắc lại những kỷ niệm đẹp.

Tương tự như thế, Mùa chay là dịp thuận tiện để chúng ta quay về làm hòa với Chúa, nhưng còn là cơ hội để chúng ta gặp gỡ làm hòa với anh chị em mình nữa.

Trong năm qua, do bận công việc, do thái độ sống dửng dưng vô cảm, mà vô tình chúng ta quên đi sự hiện diện, hay làm tổn thương tình nghĩa anh chị em mình, thì Mùa chay là dịp để chúng ta nói lời xin lỗi nhau, bỏ qua những gì không hay không vui cho nhau.

Nếu như cành mai, cành đào chịu cắt tỉa đi những cành, những lá trong đau đớn, để kết nụ đơm hoa đẹp cho đất trời thế nào, thì sống tinh thần sám hối của Mùa chay, chúng ta cũng phải can đảm cắt tỉa đi những cành, những lá, đó là những tính hư tật xấu, để sau những ngày Mùa chay, tâm hồn chúng ta bung nở ra những nụ hoa bác ái, yêu thương, những lộc tốt lành, đạo đức, lúc bấy giờ tâm hồn chúng ta đón chào mùa xuân mới, tâm hồn mới mà ơn Chúa Phục sinh sẽ đem lại cho chúng ta.

Tin mừng hôm nay thánh sử Máccô kể lại, trước khi bước vào đời sống công khai rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đi vào trong hoang địa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày. Trong thời gian này, ma quỷ hiện ra cám dỗ, nhưng Chúa Giêsu đã cương quyết chống lại ma quỷ, Ngài dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu năm xưa cũng là ba cơn cám dỗ mà ngày nay chúng ta thường mắc phải. Là người tín hữu, chúng ta có thể chiến thắng mưu chước quỉ dữ, nếu chúng ta biết sống theo gương chiến đấu của Chúa Giêsu, là chọn Chúa ưu tiên trong cuộc sống.

Trong Mùa Chay thánh, chúng ta không thể đi vào hoang địa như Chúa Giêsu năm xưa, nhưng chúng ta cần dành nhiều thời giờ trong cầu nguyện, và giảm bớt những thú vui không lành mạnh, giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, giảm bớt sáng sỉn chiều say, giảm bớt nói hành nói xấu người khác… thay vào đó nói những lời xây dựng yêu thương, rồi dành thời giờ đi nghe tĩnh tâm, dọn mình xưng tội và đi thăm viếng những người bệnh tật đau yếu. Đó là những tâm tình căn bản sống tinh thần Mùa chay.

Cầu chúc quý ông bà anh chị em tràn đầy phúc lành của Chúa trong năm mới, đồng thời tích cực sống tinh thần Mùa chay thánh với lòng sám hối chân thành, quyết tâm làm mới lại mối tương quan với Chúa và với anh chị em mình. Amen.

home Mục lục Lưu trữ